LƯỠI GƯƠM SIÊU VIỆT VÀ UY LỰC PHI THƯỜNG
Nguyễn Xuân Chiến
(Trên đường lên Bạch Cốt Sơn, bỗng gặp lắm kẻ địch ngăn chận, đòi chiếm đoạt tấm họa đồ kho báu Sơn Đông. Ngô Mao đành ra tay chống trả. Giữa trận hỗn chiến, thiền sư Quang Phú khuyên bảo Ngô Mao dừng tay và không được giết người bừa bãi. Chẳng may làm sao, thiền sư bất ngờ bị một mũi giáo đâm xuyên lồng ngực. Ngô Mao vừa vác thiền sư trên vai, vừa lao vào một trận đấu không cân sức, gay cấn thập phần. Đột nhiên, có bốn chàng hán tử xuất hiện cứu giúp kịp thời, hỗ trợ Ngô Mao và đưa thiền sư về gia trang của mình để chạy chữa…)
* * *
ĐƯỜNG DẪU XA, CÓ ĐI MỚI TỚI!
* * *
Thiền sư Quang Phú nằm duỗi thẳng chân trong thùng xe phía sau, đôi mắt nhắm lại, và khuôn mặt bình thản, đầu môi luôn khẽ mấp máy thì thầm niệm Phật.
Quãng đường từ ngã ba An Huy đến Lạc Thành quả thật quá xấu, nên xe bắt buộc phải đi rất chậm. Mãi đến khi trời tối đen, bốn người mới đưa sư về tận trang viên của Hoàng công tử, tọa lạc trong một khu đất rộng lớn.
Hoàng công tử cùng Tôn Nhất Lang đích thân võng sư lên lầu, an trí tại thư phòng thoáng đãng. Rồi hối hả sai khiến bọn gia nhân mời Vương phu nhân đến, cậy phu nhân thỉnh một vị danh y có biệt tài trị thương. Với uy thế của phụ thân, và kết giao rộng rãi, một danh y cao niên là Dương đại phu đã bằng lòng đến chẩn mạch, dù lúc ấy trời quá khuya. Chẩn mạch định bệnh xong, Vương phu nhân ra các hiệu thuốc Bắc để chọn lựa những dược liệu thích hợp.
Thật ra, thương thế của sư cũng chẳng lấy gì làm nặng cho lắm, nhưng bởi mất máu quá nhiều lại cao niên lạp trưởng nên cần yên tĩnh và bồi bổ một thời gian thì mới chóng hồi phục.
Khuya ấy, Ngô Mao cũng vừa kịp đến.
Chàng lén đột nhập tư thất Hoàng công tử bằng ngõ sau. Với tuyệt kỹ khinh công khét tiếng võ lâm, thì sự canh phòng cẩn mật của lũ gia nhân cùng bầy chó dữ của Hoàng công tử, chẳng ăn nhằm gì đối với một cao thủ như chàng.
Từ đó, chàng chầu chực bên cạnh thiền sư Quang Phú, săn sóc, pha trà, thay quần áo, hầu cơm, đưa sư đi đại tiểu tiện... như một hài tử phụng dưỡng phụ thân, rất mực ân cần, chẳng rời nửa bước. Riêng về khuya, lúc sư đã an giấc, người ta lại thấy chàng lén ra ngõ sau rồi mất dạng trong bóng đêm, chẳng ai biết chàng đi đâu và làm việc gì. Mãi đến canh năm, tờ mờ sáng, mới thấy chàng trở về.
Tôn Nhất Lang đành bỏ dở công việc dạy học, cùng Tống Hòa Mục lưu lại đây, theo dõi bệnh tình, và ước ao sư chóng lành mạnh. Vương phu nhân ngày nào cũng lưu bộ vấn an và chỉ dẫn Ngô Mao trong việc bào chế các thứ phương dược cho đúng phép.
Tống Hòa Mục tỏ vẻ bồn chồn, nôn nóng. Tuy luôn luôn thờ ơ đối với hết thảy mọi sự, nhưng mỗi lần nhắc đến lưỡi kiếm Can Tương thì cặp mắt y mới ngời sáng và diện mạo trở nên hí hửng, tươi tắn.
- Tại hạ rất tha thiết đến sự an nguy của Lão hòa thượng, bởi lẽ trên thế gian này chỉ có Ngài là người duy nhất có thể bày đường chỉ lối cho tại hạ tầm cầu Can Tương bảo kiếm, ngõ hầu thỏa mãn ước nguyện ba sinh, bình định thiên hạ, gồm thâu xã tắc, cứu vớt muôn dân...
Rất nhiều bậc tiền bối võ lâm, đều đinh ninh rằng, thiền sư Quang Phú là bậc siêu phàm, một con rồng thần trong nhân gian, từng tu luyện bí thuật Phật gia, nắm trọn thế gian trong bàn tay. Họ bảo rằng, ngài chỉ nhập định chừng giây lát, vẫn có thể thấu triệt mọi sự giữa càn khôn, chẳng có điều chi che mắt Ngài cả. Quả thật là một nhân vật cổ kim hãn hữu, mấy ngàn năm mới xuất hiện một lần.
Tại hạ sẽ dập đầu cung kính, khẩn cầu Lão hòa thượng mách bảo những bí mật trọng đại về bảo kiếm Can Tương, một thần vật vô giá mà tại hạ quý trọng còn hơn cả tính mạng, sẵn sàng đánh đổi tất cả thế gian này để chiếm đoạt cho kỳ được, cốt thực hiện hoài vọng kỳ vĩ của mình...
Tôn Nhất Lang cười nhẹ, dường như là nụ cười cố hữu của một kẻ thâm trầm kín đáo nhưng đầy khoan nhân, luôn luôn dành trọn cuộc sống cho những thao thức tâm linh, những rung động bi tráng về cuộc nhân sinh thống liệt.
- Vãn sinh thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ thiền sư chóng lành lặn, khang kiện, để tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Ngoài ra, vãn sinh chỉ mong được ngồi dưới chân Ngài, để lắng nghe những yếu quyết tu tập thiền định, giải tỏa tất cả nghi tâm về pháp môn Niệm Phật, chứ chẳng cầu xin một thứ gì khác.
Đưa mắt nhìn sang Hoàng Tuấn Hải đang ngồi đối diện, Tôn Nhất Lang hỏi:
- Còn hiền đệ thì sao?
Hoàng công tử nhíu mày một lát, nói:
- Từ thơ ấu đến nay, tiểu đệ may mắn thừa hưởng gia sản và uy thế của nghiêm phụ, tập rèn võ nghệ, học hỏi binh thư, mong sau này kiến lập công danh. Nhưng gặp thời thế tao loạn, anh hùng hào kiệt dấy khắp nơi, bèn trau dồi kiếm thuật, nghiên cứu binh thư cho qua ngày đoạn tháng, chẳng hề lập chí cao xa....
Tôn Nhất Lang lắc đầu:
- Hiền đệ lớn tuổi rồi, phải có một chỗ để an thân lập mệnh, củng cố chí hướng trượng phu của mình, chứ không thể sống dật dờ như cây cỏ như thế này mãi.
Hoàng Tuấn Hải đỏ mặt:
- Theo ý của đại huynh thì tiểu đệ nên làm gì?
Họ Tôn cười khẩy:
- Hiền đệ phải tự quyết định sự tồn sinh của mình, chứ sao lại hỏi ngu huynh? Ai cũng phải trả giá rất đắt cho cái hoài bão của mình, nhưng cái hoài bão ấy, chí nguyện ấy có thành tựu được niềm hạnh phúc chân chính cho mình và cho người khác hay chăng, đó mới là vấn đề.
Trong khi anh em họ Tôn, họ Hoàng chuyện trò cùng nhau, thì Ngô Mao ngồi lặng lẽ như bức tượng gỗ, một tay sờ vào bọc áo, đôi mắt nhìn về xa xăm, thỉnh thoảng liếc nhìn Tần Đại Phong cũng đang âm thầm ngồi câm nín như hai chiếc bóng. Không một ai biết được hai chàng hảo hán này đang nghĩ ngợi điều gì!
Thời gian trôi chậm rãi. Mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, có vẻ ung dung nhàn hạ, vì thiên nhiên nào mấy khi quan tâm đến những khát khao nồng nhiệt của người phàm tục.
ĐÁP ÁN ĐÃ TIỀM TÀNG NƠI MỖI CON NGƯỜI
* * *
Gần một tháng sau.
Một sớm nọ như lệ thường, Ngô Mao bưng chậu nước nóng lên thư phòng để sư rửa mặt, thì bỗng nhiên thấy sư đang ngồi tĩnh tọa bất động trên giường, khí sắc hân hoan, da mặt hồng hào láng mịn, đôi môi dường như khẽ mỉm cười. Chàng lắng nghe sư thở ra thở vào rất nhẹ và điều hòa.
Vội vã đặt chậu nước xuống sàn nhà, chàng sụp lạy:
- Đệ tử không ngờ sư phụ đã sớm bình phục, lão Phật quả nhiên lợi hại... phi thường!
Sư mở mắt, mỉm cười:
- A Di Đà Phật, Ngô cư sĩ bái lão tăng làm sư phụ từ hồi nào vậy?
Chàng đỏ mặt, lúng túng như đưa hài nhi ăn vụng bị bắt quả tang:
- Xin sư phụ chớ chế giễu đệ tử như vậy, Ngô Mao này, trời không sợ đất không kiêng, chưa hề cúi đầu khuất phục trước bất cứ ai, dù kẻ ấy là đương kim hoàng đế đi nữa. Trên trần gian này, chỉ có sư phụ là bậc tu hành chân chính, bản lãnh trí tuệ cao thâm khôn lường, đáng... đáng cho đệ tử bái làm sư phụ! Từ nay Ngô Mao nhất định theo hầu sư phụ, nếu sư phụ không chê khinh Ngô Mao là tên ác tặc, đại ma đầu, cùng hung cực ác...
- Nếu cư sĩ tôn lão tăng làm sư phụ, mà lại không chịu niệm Phật, thì phỏng ích gì?
Ngô Mao gõ trán xuống sàn nhà:
- Đệ tử... đệ tử nghĩ mình trót gây nhiều tội nghiệt, bàn tay dính đầy máu các hảo thủ giang hồ, e rằng... e rằng đức Phật sẽ không chấp nhận mình làm một đứa hài tử chân chính, vả lại đệ tử thấy thâm tâm còn ngại ngùng nên chưa dám niệm Phật... như sư phụ!
Thiền sư cười vang:
- Ha ha... không ngờ một cao thủ võ lâm và là một đại hào kiệt, mà lại thiếu đởm lược để niệm một câu Phật! Té ra, trên thế gian này đâu có mấy ai dám làm Phật vậy thay!
Ngô Mao càng đỏ mặt tía tai hơn nữa, hổ thẹn chẳng dám ngẩng đầu dậy.
Dứt một tràng cười vui, sư nhìn thẳng Ngô Mao:
- A Di Đà Phật! Hảo hài tử! Hảo đồ nhi! Sư phụ hài lòng vì có một người đệ tử hiếu thuận như con.
Tống Hòa Mục vung chân, chen trước mọi người, khom mình thi lễ:
- Vãn bối xin tham bái đại sư!
Chờ mọi người đảnh lễ xong, sư chắp tay đáp lễ:
- A Di Đà Phật! Kính chào chư vị cư sĩ, lành thay, lành thay! Qua sự gia trì của Tam bảo, và sự thôi thúc của nhân duyên nhiều đời kiếp, lão nạp Quang Phú này được hội ngộ cùng chư vị, được chư vị quan tâm chăm sóc và điều trị, khiến lão nạp vô cùng cảm kích...
Tôn Nhất Lang tiến đến chắp tay:
- Bạch đại sư, cách đây khoảng một tháng, đệ tử cùng chư huynh đệ rủ nhau về Báo Ân Tự ở Phúc Châu với mục tiêu duy nhất, là cầu kiến đại sư, hầu mong chỉ giáo. Ngờ đâu lại được hội ngộ dọc đường, được hân hạnh cung thỉnh đại sư giá lâm Hoàng gia trang để phục thuốc trị thương. Nay tương đối đã hồi phục, xin gia ân cho phép chúng đệ tử bày tỏ uẩn khúc, khẩn cầu đại sư tùy bịnh cho thuốc và ban bố đáp án cho từng người...
- A Di Đà Phật! Lão tăng vốn là kẻ ngu phu, xuất gia từ thơ ấu, được Tam Bảo dưỡng dục, được chư vị cao tăng tiền bối giáo huấn bằng giáo pháp chân chính của Thiền môn. Và hơn ba chục năm nay, chỉ chuyên tâm niệm Phật, nên nghĩa lý kinh điển hầu như quên sạch cả rồi, chỉ vỏn vẹn ghi nhớ sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật mà thôi. Tuy nhiên, nếu chư vị cư sĩ đặt trọn tín tâm, thì lão nạp sẽ nỗ lực đem chánh pháp Như Lai để giúp chư vị chữa lành tâm bịnh. Nói đúng ra, đáp án đã tiềm tàng nơi mỗi người, chứ không phải từ nơi lão nạp ngu muội này!
Tôn Nhất Lang nhìn sang Tống Hòa Mục:
- Kính thỉnh Tống thiếu hiệp!
Tống Hòa Mục lắc đầu:
- Tống mỗ đâu dám tranh tiên cùng chư vị bằng hữu huynh đệ. Xin nhường cho Tôn đại huynh cùng Hoàng công tử tham vấn đại sư, còn Tống mỗ sẽ...
Hoàng công tử ngắt lời:
- Ở đây, Tống thiếu hiệp là khách quý, nên bọn tại hạ xin nhường thiếu hiệp bái yết đại sư trước tiên. Hãy cứ tự nhiên cho...
KHÁC CHÍ HƯỚNG, ĐƯỜNG ĐI CŨNG KHÁC!
* * *
Sau khi nhường qua nhường lại một hồi, Tống Hòa Mục quỳ gối, chắp tay:
- Bạch đại sư! Vãn bối là Tống Hòa Mục, hiệu Thượng Kiếm vốn người đất Yên, lưu lạc tứ phương, tạm ghé Lạc Thành. Lâu lắm rồi, vãn bối được nghe bằng hữu võ lâm đồn rằng: Báo Ân Tự ở Phúc Châu có vị thiền sư pháp hiệu Quang Phú, là con rồng thần nơi nhân gian, tu luyện thiền định đến mức siêu phàm nhập thánh, thông đạt quá khứ vị lai - cho nên vãn bối mạo muội ruỗi rong về Phúc Châu cầu mong đại sư mở lượng hải hà ban cho giáo huấn, chỉ rõ cho vãn bối một con đường sáng sủa, mong thực hiện chí nguyện bình thiên hạ, cứu khổn phò nguy, đem lợi lạc cho bá tánh... Nay may mắn hội kiến đại sư...
Thiền sư khoát nhẹ tay, ngắt lời:
- A Di Đà Phật! Lão nạp Quang Phú chỉ là một phàm tăng mê mờ, chướng sâu tuệ cạn, do sự quan hoài của chư Phật, qua lời di huấn khẩn thiết của đức bổn sư Thích Ca, lão nạp ngày đêm hành Thiền và niệm Phật với mục tiêu duy nhất: liễu thoát sinh tử và thành Phật. Chẳng hiểu vị cao nhân nào trong giới võ lâm lại đặt điều đồn đãi như vậy, có lẽ quá hâm mộ lão nạp này, hoặc cố ý đem lão nạp ra mà giỡn cợt, hoặc bày trò gạt gẫm thiên hạ để mua vui hay chăng?
Tống Hòa Mục khẩn khoản:
- Đại sư quá khiêm cung mà dạy thế. Vãn bối một mực khát ngưỡng đại sư như hài nhi trông ngóng má má đi chợ về, xin đại sư chớ làm vãn bối thất vọng!
Sư lắc đầu:
- A Di Đà Phật! Lão tăng hành thiền niệm Phật chỉ cốt thắp sáng tự tâm, chấm dứt đầu mối sinh tử, ngoài ra, không tham cầu một cái gì khác, như thần thông, bí thuật, kỳ môn độn giáp... nên chắc chắn không thể đáp ứng hoài vọng của Tống thiếu hiệp được!
- Đại sư xả ly cả cuộc nhân sinh theo Phật, tu luyện lâu năm, lẽ nào không thủ đắc ít nhiều năng lực siêu phàm nào đó, như tiên đoán vị lai, thấu suốt quá khứ, liễu tri tạo hóa huyền vi...
- A Di Đà Phật! Quang Phú này chỉ là một tỳ-kheo thâm tín lý nhân quả, liễu giải lý duyên sinh, nên việc gì phải học đòi một lão bốc sư sờ mua rùa để tiên đoán cát hung, vẽ vời quá khứ vị lai làm chi cho nhọc trí. Lại nữa, giới luật tỳ-kheo luôn luôn ngăn cấm lão tăng làm những điều xằng bậy kể trên, lão tăng chỉ biết một lòng niệm Phật không gián đoạn, rồi thế sự dẫu xảy ra điều chi cũng mặc, mình cứ an nhiên trụ vững trong hồng danh A Di Đà Phật. Băn khoăn ích gì? Chạy tây rảo đông ích gì?
Tống Hòa Mục ngỡ ngàng như vừa đánh mất một bảo vật, lúng túng gãi đầu gãi tai, hỏi:
- Nếu đại sư không thủ đắc gì hết, vậy đại sư xuất gia đầu Phật để làm chi?
Sư mỉm cười:
- Lão tăng xuất gia tu hành với mục tiêu sống đời giải thoát, cắt đứt vòng sinh tử luân hồi, và thành Phật - chứ không phải để có thần thông, phép lạ, bí thuật huyền môn. Nếu có cầu mong, thì chỉ cầu mong tuệ giác vô thượng, và chúng sinh thành Phật tất cả.
Tống Hòa Mục buồn rầu:
- Không lẽ vãn bối quá kém phước, đến nỗi đại sư chẳng chịu hé môi, dạy bảo đôi lời vàng ngọc?
- A Di Đà Phật, nếu Tống thiếu hiệp có những vấn nạn về Phật pháp hoặc pháp môn Niệm Phật, thì lão tăng chẳng quản ngu hèn sẵn sàng đem chút tri kiến thiển bạc cống hiến. Ngoài ra, lão tăng chẳng biết gì...
TRUY TẦM MỘT THANH BẢO KIẾM
* * *
Tống Hòa Mục ngước nhìn bằng cặp mắt van lơn tha thiết:
- Bạch đại sư, vãn bối hiện dốc hết tâm lực để truy tầm một thanh bảo kiếm...
Sư rướn đôi lông mày bạc trắng, ra vẻ kinh dị:
- Một thanh bảo kiếm ư?
- Chính thị! Thưa đại sư, vãn bối hằng khát khao thanh bảo kiếm Can Tương để kiến lập sự nghiệp trường cửu và đem an lạc cho bá tánh!
Sư gật gù:
- Lão tăng hiểu rồi, dường như Tống thiếu hiệp hoài bão đại chí, nhất định thực hiện sự nghiệp tế thế an dân?
- Không sai!
Sư ngạc nhiên, hỏi:
- Muốn tế thế an dân, bình thiên hạ, tại sao phải cần đến một thanh bảo kiếm?
- Vãn bối mưu đồ đại sự, nên cần phải có thanh bảo kiếm trong tay, như thần kiếm Can Tương mới có thể thành công. Đó là điều kiện quyết định hết thảy mọi sự...
Sư nhíu mày, ngơ ngẩn một lúc, nói:
- Lão ngu tăng này từng tham khán chút ít chính sử, thấy rằng ngày trước Hán Cao Tổ hoặc Đường Thái Tôn muốn tế thế an dân bình thiên hạ, thì một mặt chiêu hiền đãi sĩ, kết nạp nhân tài, tuyển mộ quân lính, tích thảo đồn lương, một mặt vận động bá tánh bằng chính nghĩa, dạy dỗ muôn dân bằng đạo đức. Thiết nghĩ, thời nào cũng vậy, đó là đường lối hiển nhiên để mưu đồ đại sự.
Nay Tống thiếu hiệp muốn bình thiên hạ, mà lại chỉ cần một thanh thần kiếm, điều ấy có nghĩa như thế nào? Xin thiếu hiệp giải bày, xem ra lão tăng có giúp gì được chăng?
Tống Hòa Mục bỗng tươi nét mặt, thưa:
- Bạch đại sư! Minh triều suy vong, hôn quân tàn bạo, quan lại hà khắc, chính sự mê mờ, bá tánh lầm than đói khổ... Vãn bối xuất thân dòng dõi trung lương, nay xét thấy khí số Đại Minh đã tận, bèn lập chí truy tầm lưỡi kiếm Can Tương, một thần vật vô giá có uy lực tối thượng, để trừ gian diệt nịnh, tiễu trừ cường bạo, bình định thiên hạ. Vãn bối sẽ sử dụng thần kiếm Can Tương để nắm mệnh trời, vỗ yên trăm họ, giáo hóa muôn dân...
Sư vỗ tay cười lớn:
- A Di Đà Phật, lành thay! Tống thiếu hiệp hoài bão tâm nguyện cao cả khiến lão tăng hết sức khâm phục! Nhưng lão tăng xin hỏi, để thực hiện đại chí, tựu thành đại nghiệp, cần chi phải có trong tay một lưỡi kiếm như Can Tương thần kiếm chẳng hạn?
Lẽ ra, Tống thiếu hiệp phải phát khởi một kế sách vẹn toàn lâu dài, tìm một vị quân sư phò tá, học hỏi kinh điển thánh hiền để sau này giáo hóa muôn dân, thì mới hợp lý. Tại sao lại khổ công tầm cầu một lưỡi kiếm để làm chi?
- Thưa đại sư, xưa nay có ai bình định thiên hạ mà không sử dụng lưỡi kiếm? Kìa Hán Cao Tổ, Đường Thái Tôn, Tống Thái Tổ, Chu Nguyên Chương đều vung ba thước gươm ngồi trên yên ngựa mấy mươi năm mới thực hiện đại chí, làm nên đại nghiệp. Nếu chỉ hai bàn tay trắng và ôm trong bụng một ít binh thư thao lược, sai khiến một bọn hủ nho dưới trướng, điều động dăm tên tướng sĩ cùng vài ngàn binh lính thì biết đến bao giờ mới thâu tóm giang sơn? Do đó, vãn bối biết chắc rằng: phải có một lưỡi kiếm uy lực vô song, độc nhất thiên hạ, hiệu quả kỳ tuyệt, không có một thứ khí giới nào chống lại nổi, thì mới thực hiện đại chí, thành tựu đại nghiệp như đã nói ở trên...
Sư tỏ ra kiên nhẫn lắng nghe, trầm ngâm, rồi hỏi:
- Lão tăng dù tham khán cựu thư chút ít, nhưng sở học còn thiển cận, chẳng hiểu chuyện thần kiếm Can Tương hư thực thế nào, mong thiếu hiệp vui lòng chỉ giáo?
- Thân phụ trước khi quy tiên căn dặn vãn bối phải tìm cho ra thanh thần kiếm Can Tương để phục hồi Đại Tống, nối nghiệp tiền nhân.
Thần kiếm Can Tương có năng lực phi thường như thế này: vừa rút ra khỏi vỏ thì trời long đất lở, quỷ khóc thần sầu, gió chạy cát bay, sấm giăng sét bủa, hư không hắc ám, chướng khí xung thiên, cuồng phong gào thét dữ dội - trong vòng một trăm dặm thì đầu người rụng như sung, táng thân vong mạng trong nháy mắt, trong vòng một ngàn dặm thì huyết lưu mãn địa, thành quách sụp đổ, nhà cửa ra tro, sông khô suối cạn, núi lở băng tan, rừng thiêu đá chảy, cầm thú diệt vong. Tóm lại, không một thứ gì tồn tại dưới làn kiếm quang khủng khiếp của Can Tương thần kiếm, và luồng kiếm phong hiểm độc ghê rợn nó.
Thưa đại sư, một thanh thần kiếm tuyệt thế vô song như vậy, đã bị thất lạc cả ngàn năm nay, chưa ai tìm ra tung tích của nó, thật đáng tiếc biết bao nhiêu! Xin đại sư xót thương kẻ hèn này, hãy mau mau hé lộ thiên cơ, chỉ cho vãn bối biết rõ nơi chốn tàng trữ thanh thần kiếm vô địch ấy.
Nói xong, Tống Hòa Mục đập đầu binh binh trên sàn nhà mấy chục cái.
CÓ MỘT THỨ BẢO KIẾM KHÔNG BAO GIỜ SÁT THƯƠNG
* * *
Sư nhắm khẽ đôi mắt, trầm tư giây lâu, rồi cười khoan hòa:
- A Di Đà Phật! Thấy thiếu hiệp chí tâm cầu khẩn, lão tăng vô cùng xúc cảm. Được, lão tăng sẽ dâng tặng thiếu hiệp một đáp án hiệu quả, mong thiếu hiệp vui lòng chờ đợi một lát nhé!
Tống Hòa Mục mừng rỡ:
- Đa tạ đại sư. Mong đại sư ban cho vãn bối một đáp án quý báu. Nếu đại sư buộc vãn bối phải trả một giá rất đắt thì vãn bối cũng hài lòng, hoan hỷ đáp ứng ngay lập tức.
Tống Hòa Mục lui ra, vẻ mặt hớn hở. Tôn Nhất Lang nghiêng đầu, chắp tay:
- Kính thỉnh Vương phu nhân tham bái đại sư!
Đưa tay sửa lại búi tóc, kéo vạt áo cho thẳng nếp, Vương phu nhân bước đến quỳ lạy:
- Phật tử La thị xin tham kiến đại sư!
Sư gật đầu, hoan hỉ:
- A Di Đà Phật, lão tăng kính chào Vương phu nhân. Phụ nhân thọ phép Tam Quy chưa, và thực trai mỗi tháng mấy ngày? Hiện nay tu tập theo pháp môn nào?
Vương phu nhân đảnh lễ xong, ngồi bệt xuống sàn nhà, khoanh tay cung kính thưa:
- Bạch đại sư, đệ tử thọ Tam Quy, Ngũ Giới vừa mới năm ngoái đây, thực trai mỗi tháng có mười ngày thôi. Thú thật, chỉ thờ kính đức Phật chứ chưa biết phải tu hành như thế nào, và nên theo pháp môn nào. Ngưỡng mong đại sư từ bi chỉ giáo...
- Thiện tai! Được như vậy cũng tốt lắm rồi, nhưng theo thiển ý của lão tăng, thờ lạy, tín ngưỡng như thế chỉ hưởng phước hữu lậu trong vòng nhân thiên và gieo mầm hiền thiện cho kiếp sau, chứ chưa phù hợp với bản hoài của chư Phật. Phu nhân nên lựa chọn một pháp môn thỏa đáng, rồi hạ thủ công phu một cách miên mật, kiên cố, hầu mong giải thoát nữ thân, tự trang nghiêm bằng trí tuệ, từ bi cho đến ngày thành Phật. Đó là hoài vọng duy nhất của đức Bổn Sư.
- Bạch đại sư! Đệ tử thì đường lối tu hành vẫn còn mù mờ, nay dám mong đại sư từ bi chỉ giáo!
- Nay là thời kỳ mạt pháp, những người Phật tử như chúng ta chỉ nên thực hành Thiền Định bằng cách niệm Phật, không còn pháp nào hay hơn...
Tôn Nhất Lang cúi đầu thưa:
- Kính bạch thiền sư! Đệ tử vốn là chỗ thân tình với phu nhân, thấy phu nhân tuy thờ Phật nhưng vẫn còn thờ kính Thần Tài, Ông Địa, Địa Mẫu, Quan Công... Hôm nay, cậy thiền sư đức cao và tu hành đúng pháp, sẽ dẫn đường chỉ lối, đưa phu nhân và mọi người đi vào chánh đạo!
Thiền sư gật đầu:
- Quả đúng như vậy! Đạo Phật chủ trương phát triển, trí tuệ con người, khai sáng nhân tâm, thoát khỏi vô minh, nhận biết rõ ràng, đâu là chân lý, đâu là lẽ thực, nhận thấy trên đời, mọi sự mọi việc, đúng y như thực. Cho nên người Phật tử không sợ vớ vẩn, những chuyện trời phạt, những lời vu vơ, hăm he hù dọa – Đạo Phật chuyên phát triển kiến thức, hiểu biết sáng suốt, chân chánh, gọi là "chánh kiến". Đó mới thật là tôn giáo chân chánh, chỉ đem lại niềm tin, thực có căn cứ, thực có luận lý. Ấy là niềm tin chân chánh, cho khắp nhân loại. Chắc chắn đem lại, an lạc hạnh phúc, cho khắp mọi người, gọi là "chánh tín".
Thần Tài, Ông Địa, Địa Mẫu, Quan Thánh… mà người ta thường gọi là “tín ngưỡng dân gian”, thật ra, chỉ là quỷ ma trá hình. Do vì sợ hãi, yếu bóng vía, nhẹ dạ, mê muội - mọi người dân đều thờ lạy những hình tượng ấy để cầu xin mang lại của cải, lợi lộc, tài vật… Nhưng họ quên rằng, phước báo của mình ngang tới đâu thì sẽ hưởng thọ đến đó. Không phải thờ ma quỷ mà có được. Quỷ ma không thể tự giúp mình, huống hồ chúng nó còn phù hộ bất cứ ai?
Đức Phật không hề, bắt buộc, khuyên răn, bất cứ ai phải thờ lạy ngài, để được ban lộc, để được phước lành, được lên thiên đàng, được về cực lạc. Trái lại, bất cứ là ai, dù không thờ Phật, nhưng sống cuộc đời đúng theo bát chánh đạo, gìn thân khẩu ý luôn luôn thanh tịnh, nhất định người đó, hưởng được cuộc sống an lạc hạnh phúc. Hay hơn thế nữa, người nào cố gắng, tu tâm dưỡng tánh, theo đúng Chánh Pháp, có ngày cũng sẽ, giác ngộ giải thoát, thành tựu quả Phật, chỉ sớm hay muộn, tùy theo công phu, tu tập của mình. Điều này thực là, ai tu nấy chứng, ai làm nấy chịu, ai ăn nấy no, không ai ăn giùm, không ai tu giúp, không ai chạy tội, người khác gánh giùm!
Vương phu nhân nghe qua lấy làm hoan hỷ, thưa:
- Bạch đại sư, từ nay con mới biết đâu là chánh kiến, đâu là tà kiến. Con sẽ về nhà dẹp bỏ những thứ thờ kính sai lầm theo quỷ ma và theo dân gian – và cương quyết đi theo con đường chân thật, đúng đắn như thiền sư chỉ dạy!
Còn về pháp niệm Phật thì đệ tử chưa được nghe giảng giải nhiều, nhưng gia đạo hiện nay vô cùng bất an, tâm trí rối bời, nên chưa thể bình tâm niệm Phật được một câu...
Sư hỏi:
- Phu nhân thử trình bày cụ thể, gia đạo bất an vì duyên cớ nào?
- Đệ tử có đứa hài nhi độc nhất tự nhiên bỏ nhà ra đi biệt vô âm tín đã mấy tháng nay. Mong đại sư trổ tài thần toán, ra tay Quỷ Cốc, mách bảo tung tích của tệ công tử thì toàn gia họ Vương xin đa tạ...
Sư lại phì cười:
- Thật đáng tiếc cho phu nhân. Lão tăng xả ly cả cuộc nhân sinh, xuất gia cốt cầu đạo giác ngộ, giải thoát sinh tử, chưa hề để mắt quan tâm các món tử vi, nhâm độn, bốc phệ, toán số, dịch lý... Dường như hết thảy thời gian đều dành cho việc niệm Phật, học hỏi kinh điển, chẳng thư nhàn để đeo đuổi những môn học của thế gian.
TRUY TẦM MỘT CUỐN KỲ THƯ
* * *
Thiền sư tiếp lời:
- Được phu nhân ngưỡng mộ, lão tăng lấy làm áy náy vô cùng. Chẳng hay Vương công tử xuất bôn vì nguyên cớ nào?
Vương phu nhân quay nhìn Tôn Nhất Lang, thưa rằng: - Bạch đại sư, vụ này Tôn hiền điệt dường như hiểu tường tận hơn cả. Mong hiền điệt trình bày giùm lão nương một chút được chứ?
Tôn Nhất Lang xá một xá, ngồi dưới chân lão hòa thượng, chầm chậm nói:
- Bạch đại sư, Vương công tử chính là một người huynh đệ kết nghĩa của đệ tử, tự Cửu Đơn, hiệu Trọng Thư, các vị bằng hữu thường gọi đùa y là Thư Đố, có nghĩa là Con Mọt Sách.
Vương công tử đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm tất cả sách vở, kinh điển thế gian kim cổ, cốt tầm cầu chân lý, và sử dụng những minh triết trong kinh điển để an bang tế thế bình thiên hạ. Gần đây, nghe giới đồng đạo võ lâm đồn rằng, chỉ có một cuốn thiên hạ đệ nhất kỳ thư là Tuyệt Đối Dịch Hóa Toàn Thư, một cuốn kinh chứa đựng những chân lý nhiệm mầu, những tư tưởng trác tuyệt, giải đáp đầy đủ những vấn nạn của cuộc nhân sinh. Do đó Vương công tử ngày đêm ngưỡng mộ, khát khao, bèn xuất bôn truy tầm cuốn kỳ thư ấy.
Sư kinh ngạc, hỏi:
- Một cuốn sách? Làm thế nào có thể tìm được Chân lý Tối Thượng trong một cuốn sách?
- Bạch đại sư, thú thật, đệ tử cũng chưa rõ cuốn kỳ thư nọ hư thực thế nào. Nhưng theo lời của Vương công tử, thì Tuyệt Đối Dịch Hóa Toàn Thư là một cuốn sách của tất cả cuốn sách trên thế gian, là cuốn kinh của hết thảy cuốn kinh trên thế gian này, có giá trị siêu việt đệ nhất, vượt lên trên mọi so sánh. Đó là một cuốn kỳ tóm gọn tất cả trí tuệ của hết thảy thánh nhân, chứa đựng toàn thể tinh hoa của nhân loại, sẵn đủ mọi đáp án cho mọi người trong bất cứ thời đại nào, ở bất cứ địa phương nào. Vương công tử muốn sử dụng cuốn Thiên Hạ Đệ Nhất Kỳ Thư ấy vào công cuộc bình định thiên hạ, nhất thống giang sơn, đem y thực đến cho trăm họ, đem an vui đến cho muôn người.
Đệ tử từng căn vặn y rằng: một cuốn sách, dù đó là Thiên Hạ Đệ Nhất Kỳ Thư đi nữa, phỏng làm được ích gì cho mình và cho tha nhân?
Thì y trả lời hùng hồn dứt khoát: Muốn bình thiên hạ, phi cuốn kỳ thư ấy thì không thể nào thành công! Đại huynh nên nhớ rằng, nhờ cuốn Lục Thao Tam Lược mà Khương Tử Nha dựng nên cơ nghiệp nhà Châu tám trăm năm, nhờ cuốn Thái Ất Thiên Thư mà Trương Tử Phong giúp Lưu Bang dựng nên nhà Hán bốn trăm năm. Còn anh em Trương Giốc, chỉ nhờ cuốn Thái Bình Thiên Thư cũng làm lay chuyển ngai vàng Hậu Hán trong ba bốn chục năm trường. Cho nên chỉ cần cuốn Kỳ Thư nọ cũng đủ xưng hùng xưng bá, phất cờ nghĩa dũng, chiêu mộ hiền tài, lập căn cứ địa, bành trướng thế lực, để thực hiện đại chí của mình!
Công tử Cửu Đơn cho rằng, cuốn Tuyệt Đối Dịch Hóa Toàn Thư gồm đủ tất cả đường lối để bình thiên hạ. Đó thật là một kho tàng minh triết thượng thặng có giá trị tuyệt đối, củng cố chính sự, cải tạo xã hội, giáo hóa muôn dân.
Nghĩa là... không một thứ gì trên đời này mà cuốn kỳ thư ấy không thực hiện nổi! Có cuốn kỳ thư ấy thì sẽ có tất cả, làm được tất cả...
Thiền sư Quang Phú lắc đầu:
- A Di Đà Phật, lão tăng chưa hề nghe qua một cuốn sách có năng lực hoàn hảo và tuyệt diệu đến thế! Lành thay! Nếu cõi ta-bà này chỉ có cuốn kỳ thư nọ cũng thừa sức biến nó thành cõi Cực Lạc từ lâu rồi, cần chi những thánh nhân vào sinh ra tử để cứu độ mà chi!
Lão tăng thiết nghĩ, chẳng hiểu tại vì sao Vương công tử lại si mê thái quá mới cả tin vào một cuốn sách dùng để bình thiên hạ, cải tạo nhân sinh... vân vân...
Chân lý tối thượng thì không thể nằm trong một cuốn sách, dù là thiên hạ đệ nhất kỳ thư đi nữa! Muốn nắm trọn chân lý thì phải tu chứng và thể nhập, phải khổ công hành trì mới được. Lại nữa, chẳng thể dùng một cuốn sách thế gian để bình thiên hạ và chuyển hóa nhân tâm, cải tạo nhân sinh, vỗ yên trăm họ... Phải vô cùng ngây thơ cố chấp, ngông cuồng mới đặt lòng tin vào nơi cuốn kỳ thư ấy.
Trên trần gian này, không có một cuốn sách nào giải quyết được tất cả vấn đề trọng yếu của kiếp người, không có cuốn kinh nào chuyển hóa được toàn xã hội, không có cuốn bí lục nào làm nổi những chuyện kinh thiên động địa như cải biến sinh hoạt nhân gian, ổn cố thiên hạ, đưa muôn dân trở về thời thịnh trị hoàng kim Nghiêu Thuấn...
Một cuốn sách hay một cuốn kinh, chỉ là những sản phẩm của tư tưởng, nên có giá trị hữu hạn, khiêm tốn, có lợi ích rất nhỏ trong một bối cảnh xã hội nào đó. Một cuốn sách, một cuốn kinh, thì không thể đem lại năng lực trường cửu để cải biến nhân sinh, hoặc không thể mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Tống Hòa Mục chen lời:
- Chính thị! Vãn bối cũng nghĩ như vậy. Một cuốn sách mà làm nên trò trống gì? Tất cả cuốn sách trong thiên hạ đều chỉ là cặn bã cổ nhân, chỉ là sự láo khoét của bọn ngụy quân tử…
Sư khoác tay:
- Thôi, được rồi. Quan điểm của Tống thiếu hiệp đương nhiên chính xác. Như vậy theo tôn ý của thiếu hiệp, muốn bình thiên hạ, đem an lạc cho tha nhân cũng như cho mình, thì phải làm thế nào?
Tống Hòa Mục nghếch mặt, ngạo nghễ nói:
- Chỉ cần một thanh thần kiếm Can Tương là đủ!
Tôn Nhất Lang cười nhạt:
- Xin lỗi Tống thiếu hiệp, cho phép tại hạ ngắt lời.
Thưa đại sư, theo ngu ý, một thanh thần kiếm dù uy lực đến đâu, cũng chẳng làm được gì? Vì sao? Vì bất cứ thanh kiếm nào cũng được sản sinh từ ý niệm ác độc, hiếu sát thì làm sao có thể đem an lạc cho mọi người, trong khi bản thân lưỡi kiếm chứa đựng toàn là máu, nước mắt, khổ đau?
Họ Tống đỏ mặt, gào lớn lên:
- Nhưng lưỡi kiếm Can Tương là thứ bạo lực tối thượng, là khí giới vô địch, có thể tựu thành tất cả.
Tôn Nhất Lang thản nhiên lắc đầu:
-Tại hạ xét thấy lưỡi kiếm Can Tương nếu có thực, cũng chỉ là khí giới quá ư tàn độc, hung hiểm, dữ dội, bá đạo ghê gớm... ắt sẽ đưa thiên hạ đến thảm họa diệt vong, triền miên đau khổ, chết chóc, tang thương...
- Nhưng, chỉ có Can Tương thần kiếm mới có hiệu quả phi thường, là điều kiện quyết định duy nhất để bình thiên hạ, mưu đồ lợi ích cho mình và tha nhân một cách trường cửu! Không lẽ Tôn đại huynh nghĩ rằng, chỉ có cuốn kỳ thư kia mới làm nên tất cả, còn lưỡi kiếm Can Tương là đồ bỏ?
Tôn Nhất Lang vung tay, gằn giọng:
- Không, không. Tại hạ đâu đến nỗi ngây thơ đến thế! Một cuốn kỳ thư uyên áo, hoặc một lưỡi kiếm vô địch, rồi cũng chẳng thành tựu điều gì cho bất cứ ai!
Thấy hai người tranh cãi kịch liệt, sư vội đưa tay ngăn :
- A Di Đà Phật, chớ nên làm mất hòa khí, thật ra, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc mưu đồ hạnh phúc cho nhân sinh. Nếu hoài công tranh cãi sẽ chẳng đưa đến đâu.
Tống Hòa Mục đảo mắt nhìn quanh mọi người một vòng, rồi vung tay lớn lối:
- Còn Ngô đại hiệp thì nghĩ sao, có nhất trí với tại hạ chăng?
TRUY TÌM KHO BÁU CHỨA ĐỰNG KIM NGÂN, TIỀN BẠC
* * *
Vừa nói, họ Tống vừa chiếu mục quang về phía Ngô Mao đang trầm tư nghĩ ngợi mông lung. Chàng giật mình, ra dáng ngơ ngẩn:
- Tại hạ... tại hạ...
Sư nhìn thẳng vào khuôn mặt cương nghị rắn rỏi của chàng, cất giọng dịu dàng:
- A Di Đà Phật! Ngô cư sĩ cứ mạnh dạn biểu lộ chí hướng bình sinh, hoặc có cao kiến gì, xin cứ nói ra để lão tăng và mọi người mở rộng tầm mắt. Nam nhi đại trượng phu thì chớ nên e dè nhút nhát như vậy.
Ngô Mao im lặng một lát, rồi dằng hắng mấy tiếng, thưa:
- Bạch sư phụ, và thưa chư vị bằng hữu huynh đệ, Ngô Mao này vốn dòng dõi lương đống của Minh Triều, tiên nghiêm là Ngô Bưu, một vị phó tướng gan lì của tiên phong Lưu Đĩnh.
Năm Vạn lịch thứ 46 đời vua Thần Tôn, bọn rợ Kiến Châu làm phản, tên thủ lãnh Nỗ Nhĩ Cáp Tề xưng đế vị, lấy quốc hiệu Đại Thanh, đóng đô ở Hưng Kinh quyết xâm lấn Trung Nguyên. Vua Thần Tôn bèn phong Binh Bộ Thị Lang Dương Cảo làm Liêu Đông Kinh Lược Sứ, chỉ huy bốn lộ quân mã, chinh phạt rợ Kiến Châu.
Sau mấy trận giao tranh khốc liệt, bọn quân Thanh quá mạnh, Lưu Đĩnh bị thua to, bèn rút bội đao tự vẫn ngay chiến địa, còn tiên nghiêm Ngô Bưu bị trọng thương, thu thập tàn quân rút về Thẩm Dương. Đường sá xa xuôi, vết thương quá nặng, cuối cùng tiên nghiêm qua đời. Trước khi nhắm mắt, tiên nghiêm gởi gắm Ngô Mao hồi đó còn thơ ấu, cho một thủ hạ thân tín là Khúc Vân Duy với lời trăn trối: Nay ta thế cùng lực kiệt, muốn đem cái chết để báo đền quốc gia, nhưng còn đứa hài nhi thơ dại là Ngô Mao, mong ngươi mang nó về ẩn náu nơi thôn dã, dưỡng dục nó nên người hữu dụng. Khi Ngô Mao thành nhân, dặn nó phải làm thế nào tìm cho được bức họa đồ kho báu Sơn Đông để chiêu binh mãi mã, mưu đồ đại sự, kiến lập đại nghiệp cho rạng rỡ tông môn, hiển vinh thê tử, thay nhà Đại Minh mà nắm mệnh trời, vỗ yên trăm họ.
Như thế, Ngô Mao này được dưỡng phụ là Khúc Vân Duy nuôi nấng và dạy dỗ truyền thụ võ nghệ cho đến khi khôn lớn. Vào năm Ngô Mao hai mươi tuổi, Khúc dưỡng phụ lâm bịnh nặng, trước khi quy tiên, Khúc dưỡng phụ buộc Ngô Mao lập trọng thệ, suốt đời phải khổ công tìm cho ra bức họa đồ kho báu Sơn Đông, một kho tàng chứa toàn kim ngân, trân bảo, những phẩm vật đắt giá, hiếm có.
Khúc dưỡng phụ có lời di huấn như sau:
“Khi khai quật kho báu ấy, hài nhi hãy dùng kim ngân châu bảo để mua ngựa, đúc rèn khí giới, chiêu mộ quân binh, đãi ngộ hiền tài, kiến lập căn cứ vững chắc, rồi dần đại quân xâm chiếm Bắc Kinh, lên ngôi cửu ngũ. Sau đó trừng trị bọn rợ Đại Thanh, sát phạt chư hầu, ra uy thiên tử, vỗ về bá tánh, củng cố cơ nghiệp muôn đời.
Ngay lúc ấy, Ngô Mao này gạn hỏi: Thưa dưỡng phụ, hài nhi ít học, chỉ có chút võ công và nội lực, thì làm sao dựng xây nổi sự nghiệp cao cả? Tài đức đâu mà dám lên ngôi thiên tử nắm được mệnh trời?
Dưỡng phụ đáp rằng:
- Hài nhi chớ quá lo xa như vậy. Ai cũng có thể nắm được mệnh trời, miễn là... miễn là có nhiều tiền bạc châu báu và thêm một chút đởm lược mà thôi. Hài nhi hãy nhìn xem: như Triệu Khuông Dẫn chỉ là một tên du đãng, ham chơi bời, nữ sắc, chẳng học hành chi cả, nhờ thời vận và liều lĩnh, y đã ngoi lên chức Đô Kiểm Điểm, rồi truất phế vua Cung Đế nhà Hậu Châu, làm vua Thái Tổ nhà Đại Tống. Kìa Chu Nguyên Chương, một gã gian hùng thất phu vô học, vừa tàn ác, vừa ngu dốt, chỉ có đầu óc giảo quyệt và ý chí gan lì, thế mà cũng tóm thâu thiên hạ diệt trừ Mông Cổ, bá chủ chư hầu, khai sáng sự nghiệp Đại Minh gần ba trăm năm!
Huống hồ hài nhi Ngô Mao, một trang hán tử võ nghệ cao cường, nội lực sung mãn, trí quyết đoán như thần, có tài chỉ huy thông tuệ, dũng cảm phi thường thì Triệu Khuông Dẫn và Chu Nguyên Chương làm sao sánh nổi?
Qua lời căn dặn của Khúc dưỡng phụ, Ngô Mao này trải qua hơn hai chục năm bôn tẩu giang hồ, vào sinh ra tử, nếm mật nằm gai, chịu mọi gian lao khổ sở, suýt mất cả tánh mạng, chỉ để truy tầm bức họa đồ kho báu ấy đúng theo di chúc tiên nghiêm và dưỡng phụ.
Nhưng công việc chẳng dung dị và giản đơn chút nào! Với hai bàn tay trắng, chút võ công thô thiển, Ngô Mao xin giữ chân đầu mục ở Hổ Khê Trại, dần dần kết nạp vây cánh, âm mưu hạ sát tên thủ lãnh, tự lên làm Trại chủ Đại vương. Tiếp theo, chiêu mộ lâu la, củng cố sơn trại, huấn luyện binh tướng và bành trướng thế lực. Rồi ngấm ngầm sai phái bọn thủ hạ dò la khắp nơi, cốt truy tầm bức họa đồ quý giá kia. Nhưng hao tổn biết bao tâm cơ trí lực mà vẫn chưa đạt mục tiêu.
Cuối cùng đành kết giao một số cao thủ hắc đạo, dùng tiền bạc, uy thế và tình cảm để mua chuộc chúng nó thực hiện ý định của mình. Trong số đó, có Hoàng Hà Song Quái, đột nhập cấm thành Bắc Kinh, thu được bức họa đồ.
Qua một trận kịch chiến với bọn thị vệ, Hoàng Hà Song Quái bị trọng thương, mở huyết lộ liều chết lết ra khỏi thành, định tìm một nơi ẩn lánh với âm mưu chiếm đoạt bức họa đồ làm của riêng. Tuy nhiên, Ngô Mao này đã hờm sẵn ngoài cổng Nam môn, tặng cho mỗi tên một nhát kiếm đoạn hồn, nhét bức họa đồ dính đầy máu ấy vào bọc áo, âm thầm lẻn về Lạc Thành, một địa khu chẳng ai ngờ tới, và giấu sau chùa Lương Hòa.
Quả thật, để đạt được mục tiêu gian lao ấy, Ngô Mao đã trả giá nửa cuộc nhân sinh, hạ sát bao nhiêu tánh mạng kẻ khác, bày đủ kỳ mưu ngụy kế, chịu đựng biết bao gian truân hiểm nghèo! Trước đây, Ngô Mao này định sử dụng kho kim ngân bảo vật khai quật được, vào công cuộc tranh hùng với các môn phái trung nguyên, nhất thống giang hồ, đúng theo lời di huấn của tiên nghiêm và dưỡng phụ.
Nhưng hơn một tháng vừa qua, được sống thân cận sư phụ, một vị chân tu thông tuệ phi thường và bản lãnh cao thâm khôn lường, Ngô Mao này tự nhiên thấy cõi lòng nguội lạnh như tro tàn, chẳng thiết tha gì đến cái ngai vàng dính đầy máu xương bá tánh, chẳng còn tham vọng bình định thiên hạ để làm chi nữa... Giờ đây, Ngô Mao chỉ muốn dùng số kim ngân bảo vật ấy để hưởng nhàn, tiêu dao sơn thủy. Lại sẽ kiến tạo một ngôi đại tự nguy nga tráng lệ, rước sư phụ về làm Phương Trượng, cúng dường y thực, nhu dụng hằng ngày để sư phụ yên tâm niệm Phật hành thiền, không để cho sư phụ bôn ba lên tận Bạch Cốt Sơn làm gì khiến khổ nhọc thiếu thốn. Còn Ngô Mao này sẽ rửa tay gác kiếm, lãng du nơi cùng cốc thâm sơn, phong lưu nhàn hạ, nếu rảnh rỗi thì bắt chước sư phụ, niệm vài câu Phật cho vui, thế chẳng thú vị hay sao?
Thưa sư phụ, bức họa đồ kho báu Sơn Đông hiện đang nằm trong tay đệ tử Ngô Mao này. Thật vậy, trên thế gian này, chỉ có tiền bạc kim ngân tài vật là quý nhất, có thể làm nên đại nghiệp, tiến tới việc bình thiên hạ dễ dàng. Một cuốn kỳ thư mà làm được gì? Một thanh thần kiếm mà làm được gì? Nếu trong tay không có một đồng xu thì chớ nên mơ tưởng hão huyền. Phải có tiền bạc, phải có ngọc ngà châu báu mới giúp ta làm nên tất cả! Ngay cả trong việc tu hành, nếu không tiền bạc, thì làm sao an tâm hành Thiền niệm Phật? Cứ nhìn các bậc xuất gia thì sẽ thấy, có ai chê chán tiền bạc? Có ai ghét bỏ kim ngân? Có ai khinh rẻ tài vật? Do vậy, phải nói rằng, tiền bạc là tất cả, tiền bạc quyết định hết thảy mọi sự!
Sư phụ, điều kiện tiên quyết và duy nhất ấy, đệ tử đã có được! Đây, bức họa đồ hiện ở trong bọc áo đệ tử. Mấy đêm trước, thừa dịp sư phụ an giấc, đệ tử lén đến ngôi cổ mộ sau chùa Lương Hòa, và đã thu lại bức họa đồ vô giá ấy! Đệ tử nghĩ rằng, cuộc nhân sinh này thiếu gì cuốn kỳ thư, thiếu gì thanh thần kiếm, nhưng chúng làm nên nổi tích sự gì đâu? Chỉ có kim ngân, tiền bạc là đáng kể, là sức mạnh tuyệt đối. Kho tàng châu báu này sẽ giúp thầy trò chúng ta khoái lạc trọn đời: Sư phụ sẽ có một ngôi đại tự để tu hành, đệ tử thì sẽ thừa tiền của, mặc tình phung phí... Ắt hẳn sư phụ cùng chư bằng hữu huynh đệ sẽ nhất trí với Ngô Mao này!
CÓ MỘT THANH KIẾM SIÊU VIỆT
VÀ UY LỰC PHI THƯỜNG
* * *
Khi Ngô Mao nói đến đây, mọi người chưa ai bình phẩm, riêng Tống Hòa Mục lắc đầu phản đối:
- Tại hạ không nhất trí với Ngô đại hiệp về khoản này. Kim ngân tài vật chỉ hữu dụng cho thương nhân mà thôi, đối với kẻ mưu đồ đại sự bình thiên hạ, thì kim ngân chỉ là thế lực hạng bét. Phải có thanh bảo kiếm Can Tương mới thành tựu đại nghiệp...
Sư đăm đăm nhìn vào khuôn mặt hí hửng của Tống Hòa Mục, tủm tỉm cười:
- Chính thị! Lão tăng đồng ý với Tống thiếu hiệp rằng: chỉ cần một thanh kiếm là đủ làm nên mọi chuyện. Với một thanh kiếm, thừa sức bình định thiên hạ, tế thế an dân, với một thanh kiếm có thể kiến lập một sự nghiệp vĩnh cửu, mang lại hạnh phúc cho mình và cho tha nhân...
Nhưng, nếu lão tăng phát hiện một thanh kiếm siêu việt và uy lực phi thường hơn Can Tương, thì thiếu hiệp sẽ nghĩ như thế nào?
Tống Hòa Mục nghiến răng, trừng mắt:
- Thật thế sao? Đại sư! Trên thế gian này, làm gì có một thứ khí giới lợi hại hơn Can Tương thần kiếm?
Sư gật đầu:
- A Di Đà Phật, lão tăng luôn vâng giữ cấm giới của Phật tổ, lẽ nào cam tâm lừa dối thiếu hiệp? Lão tăng sẽ dâng tặng Tống thiếu hiệp một thứ bảo kiếm tối thắng đệ nhất, có năng lực vượt trội hơn hẳn Can Tương cả hàng vạn lần. Đó là thứ bảo kiếm tuyệt thế vô song, cổ kim vị tằng hữu...
Họ Tống bán tín bán nghi:
- Nếu có một thanh bảo kiếm thượng thặng như vậy, có giá trị vượt mức như vậy, thì vãn bối... vãn bối phải chịu điều kiện gì? Xin đại sư trình bày rõ ràng kẻo vãn bối sốt ruột quá rồi...
Sư vẫn giữ nụ cười bí hiểm:
- Quả thật, lão tăng có một thanh bảo kiếm đáp ứng mọi sở cầu, sở nguyện của Tống thiếu hiệp. Trước khi dâng tặng thiếu hiệp, lão tăng xin trần thuật lai lịch, hiệu năng sâu xa của thanh gươm kỳ đặc, tuyệt diệu này. Mong chư vị cư sĩ lắng nghe, kể ra cũng rất bổ ích, thú vị cho con đường hành trì của chúng ta... Nam mô A di đà Phật.
Nam mô A di đà Phật,
Nam mô A di đà Phật,
Nam mô A di đà Phật…