Tách trà ước hẹn

09 Tháng Mười 201709:52(Xem: 5294)

TÁCH TRÀ ƯỚC HẸN
Thanh Thị


 

tach tra nong1. Có một dạo cứ tầm khoảng 5 giờ sáng là tôi lại nhận được tin nhắn qua điện thoại từ một người bạn: “Mời uống trà buổi sáng!”,  có khi kèm theo dòng tin nhắn đó là ly trà nghi ngút khói mà bạn vừa chụp. Mới đầu tôi còn ngỡ ngàng với kiểu tin nhắn như vậy nhưng sau quen dần. Cứ tầm vào giờ đó tôi lại chuẩn bị cho mình một ly trà nóng, tự thưởng cho mình để khởi đầu ngày mới tỉnh táo hơn. Bạn là đồng hương, cùng học một trường phổ thông trung học, sinh hoạt Gia đình Phật tử cùng một chùa, và hơn cả bây giờ là bạn đồng tu. Tuy là có nhiều cái chung như vậy nhưng tôi vẫn biết khá ít về bạn, cũng bởi tính tôi ngại giao tiếp, không hay giao du với người lạ. Nhưng như nhân duyên chín muồi, sau thời gian dài không gặp, niềm vui nho nhỏ được nhen nhóm sau khi chạm mặt lại lần đầu. Tôi vui vì được gặp người bạn nơi đất khách quê người, còn bạn có vui không? Tôi chẳng rõ. Tôi biết con đường bạn đi không hề suông sẻ. Có một thời gian bạn đã phải ngập ngụa trong mớ rắc rối do chính bạn tạo ra, và nó có nguy cơ khiến bạn phải từ bỏ chiếc áo màu nâu sồng thân thương. Nhưng bằng ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm; sự kiên tâm bền chí đã giúp bạn vượt qua khủng hoảng, mà tôi nghĩ không hẳn ai cũng có thể vượt qua được như bạn. Sau biến cố đó, bạn trưởng thành hơn nhưng lại trầm lắng hơn. Bằng chứng là sự giao tế của bạn ngày càng hẹp. Bạn vui với giàn bầu, với vườn rau bên trong một ngôi chùa ở rìa thành phố. Bạn kể tôi nghe rằng mình hay uống trà và ngồi một mình, suy nghĩ về những điều rất nhỏ hiện hữu nơi tâm. Tôi lắng nghe và cảm nhận rằng bạn đang dặn lòng quên đi quá khứ. Những tháng ngày bên cạnh Sư phụ đã cho bạn hành trang đủ để bạn vượt qua những thử thách, nhưng kể từ đây bạn phải tự bước đi trên đôi chân của mình. Bạn lắng và lặng với chính mình, nhưng vẫn không quên “rủ rê” tôi uống trà mỗi sáng. Có lần tôi hỏi một câu bâng quơ rằng: “Đến khi nào được uống trà sáng cùng L. thực sự!?” Bạn điềm nhiên trả lời: “Khi đủ nhân duyên!”. Nghe vậy, tôi mỉm cười thong thả với ly trà của mình. Vì tôi biết, đủ nhân duyên thì quả sẽ trổ, lo gì tương lai xa xôi. 

            Bất cứ ai và bất cứ thứ gì hiện hữu trong cuộc đời ta đều có  nhân duyên cả. Không gì là tự nhiênxuất hiện và chen vào cuộc sống của ta được. Nhân duyên ấy có thể do ta tự tạo trong đời nầy, có khi từ bao kiếp trước mà không dễ gì ta hiểu và lý giải được. Vậy nên hãy cứ hồn nhiên đón nhận và hồn nhiên hân thưởng,  để sống một cách bình thản nhất với đời. Tuy nhiên nếu đó là nhân xấu thì ta có thể cải tạo, vun gốc pháp lành để thay đổi, đón nhận quả tốt. Đó là sự chuyển hóa từ nội tâm đến hành vi. Mỗi việc làm, suy nghĩ đều ảnh hưởng đến chính mình và mọi người. Suy nghĩ lành, làm việc lành cho đến nói lời lành là con đường nhanh nhất, đưa người từ địa vị phàm phu lên bậc thánh. Dễ mà khó lắm thay!

          2.   Có những thứ rất đẹp trên thế gian được hình thành từ sự sắp đặt ngẫu nhiên của tạo hóa. Tình bạn là thứ tình thật đẹp và cao quý với những ai biết vun bồi cũng như trân trọng giữ gìn nó. Với tình bạn, có khi ta tưởng như ngẫu nhiên gặp nhau trong kiếp nầy nhưng hóa ra, đó lại là sự trùng phùng bởi lời hẹn của một kiếp xa xôi nào đó.

             Tôi gặp Q. A trong một lần tham gia công tác thiện nguyện của một Câu lạc bộ. Ấn tượng đầu tiên về A. trong tôi không mấy tốt đẹp, bởi sau cuộc họp A. đã nói một câu rất ‘méo mó’ rằng: “Qúy vị cứ yên tâm, có gì cô T. đây (chỉ tôi) sẽ lo hết”. Nhìn điệu bộ khiêu khích và vẻ mặt kênh kênh ấy là tôi đã hiểu phần nào. Dường như tôi không nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm từ Q.A. Từ đó, do thường xuyên phải trao đổi những kế hoạch làm việc, chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn, nhưng hễ cứ nói năm câu thì phải mất ba câu cãi nhau. Chủ yếu là vì bị khiêu khích châm chọc, tính háu thắng của tôi có cơ hội bộc phát và càng được nhân lên. Tranh luận không thành, tôi bày kế im lặng. Bất kể A. hỏi gì hay nói gì tôi cũng không đáp lại. Cuối cùng A. đành phải xuống nước trước tôi: “Tôi chịu thua cô rồi đấy! Cô hài lòng chưa?” Sau lần ấy, tôi chẳng buồn tranh luận nữa. Dùng nhu ắt sẽ thắng cương – tôi tự nhủ với mình như vậy. Bởi khi đối diện với một vấn đề, nếu hai bên cứ bảo thủ và dùng ý kiến của mình áp đảo người khác, thì chẳng bao giờ mang lại một chung cuộc tốt đẹp cả. Thời gian sau, A. chọn cho mình con đường du học. Trước ngày đi, chúng tôi nói với nhau về những ước mơ, những định hướng cho tương lai. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau chân thành, cởi mở nhất, nhưng vẫn không tránh khỏi cãi cọ. Tôi hỏi A. : “Sao lần nào cũng cãi nhau chí chóe vậy nhỉ!? Chúng ta không thể sống trong thanh tịnh, hòa hợp được hay sao?” A. cười bảo tôi: “Giờ tranh thủ cãi nhau chứ khi đi du học rồi, lúc ấy bận lắm, không được cãi, lúc ấy cô lại buồn thì sao!?”. Khi A. đi, tôi không tiễn, chỉ hẹn nhau ngày về, cùng nhâm nhi tách trà, kể chuyện tu học xứ người.

                Đến tột cùng của môt cuộc tranh luận là gì? Đổ vỡ không thể hàn gắn, giải quyết được vấn đề hay hiểu nhau hơn,… Dường như tất cả những gì mà ta đã kinh qua, dù là mang đến cho ta vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau, thì cũng không thể phủ nhận những giá trị mà nó đã mang lại cho ta. Đi qua những ngày nắng mưa, qua những chán chường, thất vọng, bế tắt hay tột cùng của hỷ lạc, mỗi mỗi sự việc đều cho ta những bài học. Để sau nầy, nếu lịch sử có lặp lại lần thứ hai, ta tự hứa với lòng sẽ sống đẹp hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn, đối đãi với người tử tế hơn. Vậy nhưng, là người hiểu rõ nhân duyên ở đời, thì đợi gì đến ngày mai. Ngày hôm nay cứ “thật sống” đi, bởi lẽ: “vô thường” có hẹn cùng ai bao giờ?...

           3. Tôi đang lúi húi dọn lại mớ sách vở bày bừa từ đêm qua do ngủ quên thì nghe Sư thúc gọi: “T ơi, ra uống trà đi chứ không nguội nè con!” Nghe gọi tôi dạ thưa sẽ ra ngay mà lòng thầm nghĩ: “Trời ơi, sao thúc có thể nói ngọt dữ vậy trời!” Sư thúc tôi là người gốc Huế, đi xuất gia từ nhỏ, người rất giỏi nấu ăn, món nào qua tay sư thúc cũng ngon; vì vậy Sư phụ tôi đặc biệt cử sư thúc làm tri sự cho trường hạ. Mặc dù với việc tăng sai như vậy khiến sư thúc rất bận, nhưng mỗi khi rảnh rỗi, mấy chị em tôi lại được thúc gọi ra uống trà. Cầm tách trà âm ấm còn mấy sợi khói vương vào khoảng không, tôi hỏi thúc về những chuyện khi còn đi học, về những trò nghịch ngợm thuở bé. Sư thúc kể khi cô điệu nhỏ, có lần thúc bị Sư Bà phạt quỳ ngay tại sàn nước, trong khi tay phải bưng cà-mèn đưa trên đầu vì tội ăn xong không chịu rửa liền. Thúc kể có những ngày mưa, năm bảy cô đầu còn để chỏm chạy lên sân thượng, dùng bao ni lông bịt lổ thoát nước lại để chơi đuổi bắt và tắm mưa; Sư Bà biết được, vậy là lại bị phạt quỳ tại chổ. Tôi được nghe nhiều câu chuyện của Sư thúc qua những buổi uống trà như vậy. Sư thúc luôn nói chuyện nhẹ nhàng, chừng mực. Tôi chưa thấy sư thúc nổi nóng đến mức nói lời nặng hay khó nghe với người khác. Dù làm việc gì, cực nhọc đến mấy, sư thúc vẫn cười rất tươi để tạo không khí thoải mái cho những người xung quanh. Vậy nhưng rồi, có những con đường đi chưa đến đích đã phải tạm dừng và rẽ ngang. Sư thúc quyết định định cư và hoằng pháp ở nước ngoài vào một ngày giữa hạ. Đêm trước khi đi, chúng tôi có buổi tiệc trà tiễn thúc, không ai nói gì nhiều vì mỗi người đều có cảm xúc riêng muốn giữ lại cho riêng mình. Tiệc tàn, tôi nằm trên chiếc võng đung đưa theo nhịp gió. Dưới ánh đèn rọi lại từ khu chung cư bên kia đường, tôi chợt nghĩ: “Đến bao giờ…?”

                Chẳng phải cuộc gặp nào rồi cũng đến lúc chia ly, bởi “cái gì chịu sự sanh khởi tất phải chịu sự hoại diệt” hay sao? Vậy mà lòng vẫn chùng xuống khi phải xa những người mình thương quý. Không phải thứ gì trên đời cũng có thể học từ sách vở. Có những sự việc chỉ có thể học từ kinh nghiệm của người đi trước. Thân giáo luôn là cách giáo dục mạng lại hiệu quả nhất. Một hành động đúng sẽ dễ khiến người tin và làm theo. Dặn lòng, đã là người thì phải luôn có trách nhiệm với lời nói của mình; điều đó chính là sự biểu hiện tôn trọng chính mình và tôn trọng người nghe. Ai lại chẳng muốn nghe lời dịu ngọt, êm ái. Và rằng, một lời dễ nghe thì cảm hóa được muôn loài. Lẽ đương nhiên, lời nói ấy phải xuất phát từ thật tâm từ bi vậy.

              Có những tách trà mang tên “ước hẹn”. Bởi không khó để uống một ly trà, nhưng để uống với một người mình thực sự muốn cùng thật không dễ. Cứ hẹn nhau một ngày nào đó, sẽ được ngồi uống trà với nhau, kể đôi câu chuyện vui của thiền. Giữa những làn khói trầm quyện cùng hương trà bay bay, nói cho nhau nghe về chí nguyện ban đầu, thậm chí không ngần ngại bày tỏ những ước mơ mà có lẽ sẽ không bao giờ có thể thành hiện thực. Người ngồi uống trà với nhau không cứ gì chỉ có hai người, có thể nhiều hơn thế; có thể không cùng lứa tuổi hay thời đại miễn là thật lòng muốn cùng nhau đối ẩm. Trong tuyết sương không phân biệt đầu xanh hay đã bạc, giữa một khoảng lặng nào đó, người nhìn người rồi nhìn tách trà nhỏ trong tay, khe khẽ một câu: “Uống trà đi!”…

Thanh Thị

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3825)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4812)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6815)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5935)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6216)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 6924)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5393)