XUÂN, CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH
Quang Kính Võ Đình Ngoạn
Từ trong nhà, Dũng nhìn qua khung cửa. Những cây đào với các cành khẳng khiu trụi lá nay đã bắt đầu đâm chồi nẩy lộc. Từ lòng đất lạnh những củ hoa uất kim hương, hoa huệ đã nhú lên các cánh lá xen lẫn những đài hoa xanh biếc. Đôi ba chú sóc vui đùa nhởn nhơ, đuổi nhau chuyền từ cành này sang cành nọ. Xa hơn, đàn ngỗng trời bẳng đi một thời gian trốn cái lạnh mùa đông nay đã trở về bơi lội trong hồ nước trong xanh. Những hạt sương mai đọng trên cành cây, ngọn cỏ được tia nắng xuân chiếu rọi lấp lánh như những viên lưu ly. Sức sống mới đang vươn. Xuân vũ trụ lại về.
Khi mùa xuân đến. Các sắc dân trên thế giới đều có ngày hội riêng cho dân tộc mình. Người Thái Lan và người Lào, trong ngày đầu năm mọi người đến chùa trước đảnh lễ Tam bảo, sau để được quý sư chúc phúc, mừng năm mới bằng cách dùng cành hoa nhúng nước rảy vào người. Khi nói đến nét đặc thù văn hóa của các nước đó. Dũng nghĩ khó có thể bỏ qua lể hội toé nước. Trong ngày vui của lể hội.. Họ mừng năm mới bằng cách toé nước vào nhau, mặc dầu đôi lúc áo quần bị ướt hết từ đầu đến chân, song họ rất vui vẻ. Mọi người tin tưởng rằng những dòng nước đã rửa sạch những xui rủi trong năm qua. họ hướng về năm mới với niềm hy vọng tốt đẹp ở tương lai. Đối với dân tộc Việt Nam, ba ngày đầu xuân rất quan trọng. Đó là những ngày tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng. Mọi người lo chuẩn bị cỗ bàn để rước ông bà về ăn tết với mình. Những cỗ bàn chuẩn bị cho ba ngày tết nhiều khi được lo từ đầu tháng trước. Trong cỗ bàn không thể nào thiếu món bánh chưng, bánh dày. Mỹ tục nầy có từ thời Liêu Lang tức vua Hùng thứ sáu
Chúa Xuân đến với bao vẻ huy hoàng, lộng lẫy. Bướm ong dập dìu bay lượn, muôn hoa đua sắc. Nhưng đôi khi tâm và cảnh đã không hoà cùng giai điệu. Con người đôi lúc tâm hồn họ không có sự hiện diện của mùa xuân. Do đó họ vẫn mang tâm trạng giá buốt của mùa đông, như bầu trời đầy mây mù giăng phủ, như cây trụi lá đứng trước gió đông với cuộc sống lẻ loi, cô độc trong nỗi niềm khổ đau. Sự kiện đó được cụ Nguyễn Du diễn tả qua câu thơ: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Tại sao lại có hiện tượng như thế? Thông thường con người đau buồn vì sự ly tán với kẻ thân thương, ruột thịt. Sự chia lìa nầy đôi khi do thiên tai hay vì bệnh tật tử vong, hay vì hoàn cảnh nào đó khiến phải xa cách người thân lâu ngày không gặp. Song không hiếm trường hợp do thảm họa chiến tranh bởi con người mang lại.
Nói đến chiến tranh làm Dũng liên tưởng đến câu chuyện thương tâm xảy ra nơi quê chàng đã sống vào thời thơ ấu, mà Dũng đã được chứng kiến. Năm 1952 nhằm triệt hạ nguồn lương thực tiếp tế cho Việt Minh. Thực dân Pháp như con mãnh thú bị điên bắn phá lung tung, gặp ghe bắn ghe, gặp trâu bò bắùn trâu bò. Hôm đó, máy bay Pháp đến bắn phá, mọi người đều chui xuống hầm trú ẩn. Một cô gái núp nơi bụi tre đầu làng đã bị một quả bom rơi trúng gần bụi tre nơi cô ẩn núp, khiến thân thể cô bị xé ra từng mảnh. Cuộc oanh tạc chấm dứt, trong lúc cha cô và dân làng đang tìm kiếm những mảnh thân xác cô, có người phát giác một chú chó đói đang nằm gặm một mảnh cánh tay của cô nơi bụi rậm gần đấy. Cô tên Ấu. Cô từ giã cõi đời trong tuổi ấu thơ một cách tức tưởi, để lại thế gian người cha già nay không người săn sóc. Cảnh tượng đó cho đến nay trong trí Dũng vẫn còn lưu lại dấu ấn khó quên.
Nói đến chiến tranh là nói đến sự bạo tàn và ác độc. Còn gì đau đớn bằng, còn gì thương tâm bằng khi gia đình của người tử sĩ đang mỏi mòn mong đợi chiếc xe di quan đưa thi hài người thân về lại quê nhà để lo tròn phần chung sự, thì được tin chiếc xe bị trúng mìn, thi thể người tử sĩ bị banh ra nhiều mảnh. Sự việc thương tâm đó khiến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải thốt lên câu ca: “Người chết hai lần thịt da nát tan”. Không những thế, đôi khi những thân xác đã trở về với cát bụi, nằm yên trong lòng đất lạnh đã lâu song vẫn bị bom đạn dày xéo thành những hố sâu thăm thẳm.
Khi đề cập đến chiến tranth. Nhân loại không thể nào quên được 2 trận đệ nhất và đệ nhị thế chiến đã khiến cho xã hội loài người sống trong cảnh chết chóc, lầm than. Tổng kết sự thiệt hại về nhân mạng của đệ nhất thế chiến là 8.917.000 người chết. Riêng nước Pháp đã để lại 6.30.000 góa phụ, số trẻ thơ vô tội bị mất cha đương nhiên phải gấp hai hoặc gấp ba lần số góa phụ. Nhận thấy sự tàn khốc của chiến tranh gây nên, các nước tham chiến đã lập ra Hội Quốc Liên, hội nầy có nhiệm vụ hoà giải các mối bất hòa, sự xung đột giữa các nước hội viên, khuyến cáo việc tài giảm binh bị. Song với lòng tham, sân, hận của con người, hội đã bất lực trong việc hòa giải, khuyến cáo và đưa các nước vi phạm ra hội đồng bảo an. Hội Quốc Liên là tiền thân của Liên Hiệp Quốc sau nầy. Hội chỉ sống được khoảng 19 tuổi xuân xanh, nhân loại lại tự đưa mình vào sống trong cảnh địa ngục trần gian với một cuộc chiến tranh ác liệt và tàn khốc hơn. Đó là trận thế giới đại chiến thứ hai.
Nhiều phát minh khoa học kỹ thuật đem lại những tiện nghi vật chất cho loài người. Nhưng cũng có những phát minh đem đến cho nhân loại những đau thương chết chóc gây nên hận thù. Song song với các phát minh khoa học khác, ngành kỹ nghệ thuốc nổ và vũ khí cũng trên đà phát triển mạnh. Năm 1867 Alfred Nobel nạp đơn xin bản quyền về phát minh thuốc nổ TNT (dynamite). Vài năm sau, ông thành công trong việc hoàn chỉnh một loại súng trước đây khi bắn phải kích hỏa bằng mồi lửa, có khói bốc lên. Nên dễ trở thành mục tiêu cho đối phương phát hiện. Viên đạn được dùng bằng hạt nổ để kích hỏa rất tiện cho người xử dụng, có hiệu quả chính xác và nhịp độ tác xạ nhanh hơn. Phát minh của ông rất được ưa chuộng. Các nước Âu châu đổ xô mua vũ khí. Kết quả là có nhiều người hơn đã bỏ mạng bởi thuốc nổ và súng đạn của ông, khiến ông rất đau khổ và hối hận. Cuối đời ông Alfred Nobel đã để lại di chúc, dùng một phần tài sản của mình để trao giải thưởng cho ai có những phát minh, những áng văn, tác phẩm nghệ thuật ca ngợi tình thương yêu nhân loại phục vụ hoà bình. Nhưng không phải ai cũng như ông Nobel. Người ta vẫn điên cuồng trong việc tìm kiếm, phát minh những phương tiện giết người mới có tầm sát hại nhiều hơn.
Trong trận đệ nhất thế chiến người ta đã xử dụng đến hơi độc để giết hại lẫn nhau. Vủ khí các nước đã dùng trong đệ nhị thế chiến lại càn khủng khiếp hơn. Nhất là khi họ đã dùng đến hai quả bom nguyên tử. Ngày 6 tháng 8 năm 1945 quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima làm 80.000 người chết. Ba ngày sau (ngày 9 tháng 8 năm 1945) một quả bom khác thả xuống Nagazaki khiến 40.000 người bị thiệt mạng, tại hai thành phố nầy số người chết trực tiếp và gián tiếp vì ảnh hưởng phóng xạ lên đến 340.000 người. Những công trình kiến tạo lâu đời trong giây lát đã trở thành bình địa. Ngày nay hằng năm cứ đến ngày 6 và ngày 9 tháng 8. Người dân Nhật thường đến khu Tưởng Niệm Hoà Bình ở Hiroshima và Nagasaki để làm lể tưởng niệm cho những nạn nhân vì chiến cuộc. Khu Tưởng Niệm Hoà Bình Hiroshima là một phần của Công Viên Hoà Bình. Nơi này còn được gọi với cái tên Vòm Bom Nguyên Tử. Nếu Công viên Hòa Bình nầy như một điển tích ôn cố tri tân để người sau không lăn vào vết xe cũ thì đó là điều rất qúi; nhưng nếu người Nhật dùng nó như một vũ khí tuyên truyền khơi dậy lòng căm thù, chờ thời cơ thuận tiện để phục hận thì trong tương lai một cuộc chiến có thể xảy ra, mà mức độ tang thương gây nên cho nhân loại, tôi nghĩ rất khủng khiếp, khó lường được.
Sự tàn phá khủng khiếp do 2 quả bom gây nên khiến Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Trận thế giới đại chiến thứ 2 chấm dứt, với thiệt hại nhân mạng là 53.000.000 người chết, 100.000.000 người bị thương, nhiều thành phố, công trình văn hóa nghệ thuật bị phá huỷ. Thiệt hại về vật chất rất nhiều không thể kiểm kê được. Liên Hiệp Quốc lại được thành lập, nhưng hiện nay với những xung đột về chủng tộc, về tôn giáo và nhất là các nước đang chạy đua chế tạo vũ khí hạch nhân, bất chấp lời khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc, tôi tự nghĩ, liệu Liên Hiệp Quốc rồi đây có giống số phận Hội Quốc Liên thời Đệ nhất thế chiến không? Tôi mong rằng sự suy nghĩ dại dột của mình không bao giờ xảy ra.
Thông thường khi có đau khổ con người thường hướng đến đời sống tâm linh, nghĩa là đến với tôn giáo. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem với niềm tin tôn giáo con người có thể giải trừ được nỗi khổ đau không? Tôn giáo có thể đem lại nền hòa bình cho nhân loại được chăng? Và tôn giáo nào có khả năng giải đáp được vấn nạn đó?
Thuở loài người có mặt trên quả địa cầu, nhân loại thấy mình qúa bé nhỏ trước một vũ trụ mênh mông đầy huyền bí. Để giải thích các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên như núi lửa, bảo tố, lụt lội, sắm sét... có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của mình, con người nghĩ rằng các hiện tượng đó là do sự thịnh nộ của những vị thần gây nên. Để các vị thần không giáng họa, con người đã dùng các sinh vật, đôi lúc ngay cả mạng sống của con người để tế lễ van xin, cầu thần linh đừng giận dữ cho loài người được bình yên vui sống. Tôn giáo đa thần xuất hiện từ đấy. Rồi dần dà tư duy nhân loại phát triển, con người đã khôn khéo gom các vị thần đó lại thành một vị. Tôn giáo độc thần phát sinh. Ngày nay trên thế giới có khoảng 10 tôn giáo lớn, Phật giáo là một trong số các tôn giáo đó.
Vào hậu bán thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, cuộc cách mạng công nghiệp kỹ thuật khởi đầu ở Anh rồi lan ra các nước khác ở Âu châu. Sự kiện nầy khiến các nước phương Tây đi xâm chiếm những nước yếu để lấy các nguyên vật liệu về hầu cung ứng cho nhu cầu công nghiệp hóa của mình. Ngoài đoàn quân xâm lăng còn có một số người đến các xứ thuộc địa với ý đồ thỏa mãn lòng hiếu kỳ, tính phiêu lưu mạo hiểm hơn là bản chất thực dân, như trường hợp của bác sĩ Yersin, ông bà Henry Steel Olcott (bà Blavatsky người Nga, vợ ông Olcott), ông W.Q. Judge... Những vị nầy giúp đỡ cho dân bản địa rất nhiều trong việc chống lại bệnh tật, ốm đau. Họ là nhân tố khởi đầu để người Tây phương biết đến nền văn hóa tốt đẹp của những nước bị trị, trong đó có nền văn hóa Phật giáo được dân chúng Âu Tây nghiên cứu rộng rãi và tin theo.
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem vì đâu đạo Phật lại được nhiều học giả Tây phương say mê nghiên cứu đến thế? Phải chăng Phật giáo có khả năng làm cho đời sống nhân loại được an lạc, có những đáp án đem đến hòa bình trên thế giới? Để minh chứng tại sao đạo Phật có thể đem đến niềm an lạc, nhân loại có thể sống một cuộc sống hoà bình xin mời qúy đạo hữu, qúy độc giả cùng tôi điểm qua một vài nhân vật lịch sử Đông, Tây làm điển hình:
Hoàng đế Nã-Pha-Luân (Napoléon 1759-1821), Cuộc cách mạng tư sản 14 tháng 7 năm 1879 với trận đánh chống lại các thế lực quân chủ Âu châu liên kết chống Pháp tại quân cảng Toulon đã đưa viên đại uý pháo binh Napoléon thành người hùng, thành vị vua vĩ đại của nước Pháp. Tuy Napoléon Bonaparte là tín đồ Ki-tô giáo song tôi nghĩ, ông ta có những tư tưởng rất Phật giáo. Trong dịp đến thăm một trường học nhằm khuyên nhũ học sinh cố gắng học hành, ông đã nói “Thiên tài chỉ là sự cố gắng bền lâu mà 95% là mồ hôi và nước mắt, 5% là may mắn”. Ngày 2 tháng 12 năm 1804, tại nhà thờ Đức Bà Paris lể đăng quang của hoàng đế Napoléon được tổ chức trọng thể. Một sự kiện khiến chúng ta phải suy ngẫm, vào giây phút trọng đại nhứt của buổi lể là lúc Giáo hoàng Pius VII đội vương miện lên đầu vị tân Hoàng đế đang được tấn phong, ông ta đã giựt lấy vương miện từ tay Giáo hoàng và tự đội lên đầu mình, cử chỉ đó có ngầm ý ông không hoàn toàn tùy thuộc vào giáo hội. Hành động và lời nói của vị vua nầy đã chứng tỏ quan niệm của ông là thành quả tốt hay xấu đều do mình mà ra chứ không ai ban cho cả. Mặc dù vị hoàng đế nầy có một vài tư tưởng tương đồng với giáo lý nhà Phật nhưng rất tiếc ông không phải là một Phật tử nên ông không thể hiểu được lời Phật đã dạy: “Thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình”. Nếu ông biết gieo nhân nào giặt quả ấy, nếu ông biết thắng được cái tâm tham lam, ích kỷ đầy danh vọng, biết sống thuận hòa với các nước láng giềng, có lẽ ông đã được cả nhân loại tôn sùng chứ không phải riêng gì nước Pháp. Nhưng rất tiếc ông đã không làm được điều đó. Ông muốn đế quốc Pháp rộng lớn, muốn mình là vị hoàng đế vĩ đại ai cũng nể sợ nên đã đem quân đánh chiếm hết nước nầy đến nước khác, gây cảnh chiến tranh triền miên khiến dân Âu châu phải chịu cảnh tang thương, khổ cực. Trong 10 năm trị vì của triều đại Napoléon đệ nhất và Napoléon đệ nhị cũng là 10 năm các nước Âu châu chìm trong khói lửa chiến tranh Ông đã không làm được như lời Phật đã nói. Ông đã không không thắng được lòng tham của chính mình nên ông cũng không thắng được vạn quân. Cuối cùng các nước Âu châu đã liên minh chống cự với nước Pháp. Trận đánh Toulon đã đưa ông lên đài danh vọng tuyệt đỉnh thì trận chiến Waterloo khiến ông đã thảm bại một cách chua cay, ông bị lưu đày, phải sống cuộc đời cô độc buồn tủi nơi đảo Saint Helena, cuối cùng ông đã gởi nắm xương tàn nơi đây.
Hoàng đế A-Dục (Asoka 304 TTL -232 TTL) là một vị vua vĩ đại của Ấn Độ. Vương quốc ông cai trị thời đó lớn hơn nước Ấn bây giờ, bao gồm cả lãnh thổ Pakistan ngày nay. Nói đến vị vua nầy chúng ta có thể chia cuộc đời ông ta làm 2 thời kỳ, thời kỳ bạo chúa Asoka và thời kỳ Asoka mộ đạo. Thời kỳ Bạo chúa Asoka đó là thời gian ông tranh giành báu vị, đã giết chết các anh em cùng cha khác mẹ của mình. Trong những năm đầu cai trị, ông dùng bá quyền để mở rộng lãnh thổ, gây chiến tranh với nhiều nước. Lên ngôi được 8 năm, đại đế Asoka đem quân đánh chiếm nước Kalinga, ngày nay là bang Orissa. Trong cuộc chiến nầy ông đã bắt 150 ngàn người làm nô lệ hoặc đày ải, 100 ngàn binh sĩ bị giết chết, số thường dân bị sát hại còn cao hơn nhiều. Sau cuộc chiến, hoàng hôn buông phủ, ông ngồi trên lưng chiến mã thị sát chiến trường, nhìn thấy cảnh thây người chất thành núi, máu người chảy thành sông, đoàn nô lệ kéo lê đôi chân xiềng xích một cách mệt nhọc khiến ông đã thốt lên câu “trời ta đã làm gì đây, ghê gớm thế nầy”. Lời thuyết pháp về luật nhân quả, về lòng từ bi của sa môn Nigrodha (Ni-Câu-Thuật) mà ông đã nghe cách đây 2 năm giờ bỗng văng vẳng bên tai đã khiến lương tri ông bừng tĩnh. Từ đó ông quy y Tam Bảo và trở thành một Phật tử chân chánh. Tác phong, đạo đức của vị đại đế nầy đã được ông Geoffrey Mortiner, một nhà văn Tây phương nhận xét như sau: “Quay về Phật giáo, bạn sẽ đọc thấy Asoka không những thuyết giảng đạo đức cao thượng mà đã sữ dụng quyền uy của một đế vương trong một phương pháp làm các bậc đế vương hiện đại của các niềm tin khác phải hổ thẹn” (trích, Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức). Thật vậy, từ khi trở thành Phật tử hạt giống Bồ-đề tâm đã sinh sôi nẩy nở trong ông, mỗi ngày mỗi tăng trưởng. Một vài công việc mà vị hoàng đế nầy đã thực hiện là bải bỏ án tử hình, ra lệnh các quan lại phải đối xử tốt với tội nhân, tuyệt đối không được dùng cực hình tra tấn. Trên toàn lãnh thổ, dọc bên đường đi vua Asoka cho trồng nhiều loại cây ăn trái, đào giếng nước để khách bộ hành đở đói đở khát; mở nhà thương cho người, nhà thương cho thú vật, hạn chế việc giết hại súc vật. Đối với tôn giáo, nhà vua khuyên răn thần dân nên sống hòa thuận với các tôn giáo khác, đừng đả kích hay dèm pha, hãy lắng nghe các học thuyết các tôn giáo khác với tâm hồn cởi mở mới chính là điều làm cho tôn giáo mình được cao qúi hơn. Đối với các nước lân bang, ông đối xữ trong tình huynh đệ. Vị đại đế nầy không bao giờ dùng đến vũ lực để các nước láng giềng phải nể sợ, nhưng ông đã chinh phục họ bằng tình thương và đạo lý. Các nước chung quanh kính trọng đại đế nầy vì phẩm chất đạo đức, ông đaõ làm cho toàn vùng sống trong cảnh hòa bình, an lạc.
Lật lại trang sử nước nhà chúng ta thấy vua Trần Nhân Tông (1242-1293) coi đế nghiệp như đôi giày rách, muốn cởi bỏ lúc nào cũng được. Lúc đất nước loạn ly, nhân dân sống trong cảnh tao loạn ngài đã vì dân tộc gánh vác trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia, song khi đất nước thanh bình ngài đã rời bỏ đế vị không một chút thương tiếc để sống cuộc sống nâu sòng, chu du khắp nơi giảng dạy đạo lý cao cả cho muôn dân. Lúc còn trị vì, khi nghe tin quân Nguyên Mông đã vào Lạng Sơn vua bỏ bữa ăn sáng dọn sẵn, tức tốc xuống thuyền đến Bình Than để luận bàn việc nước cùng tướng sĩ. Các tướng sĩ đồng lòng quyết chiến nhưng vua thấy lực lượng đôi bên quá chênh lệch sợ chuốc lấy thất bại, dân chúng điêu linh khổ sở nên đã hỏi ý dân bằng hội nghị Diên Hồng. Khi ý dân đều quyết chiến lúc ấy vua mới an tâm. Giai thoại kể rằng sau khi thắng quân Nguyên ở trận Vạn Kiếp vua đã đải tướng sĩ một bữa tiệc muỗn (loại xoài nhỏ trái). Sau bữa tiệc nầy vua lên thuyền trở về Thăng Long, đi được một đoạn sông binh sĩ thấy một chiếc thuyền con vẫn xuôi dòng không chịu ngừng lại nghinh giá liền chận chiếc thuyền nầy lại. Đó là thuyền của ông Cự Đà, một vị quan nhỏ trong triều. Khi được hỏi tại sao không ngừng lại tiếp giá, Cự Đà đã thưa, nhà vua là thiên tử song đã vong ân bội nghĩa với người khác nên không đáng cho ông ta tiếp giá. Vua Nhân Tông vẫn không giận, điềm tĩnh hỏi tiếp thì được biết vị quan nầy đã có công hộ giá trong giai đoạn phải rời bỏ kinh thành Thăng Long lúc thế giặc qúa mạnh, lại không được mời dự tiệc muỗn. Vua đã không trách mà còn khen thưởng vì cho rằng vị quan nầy đã ngay thẳng chỉ cho vua biết rõ lỗi lầm của mình. Câu chuyện khác về ông vua nhân từ nầy là khi đuổi sạch bóng quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, trong buổi thiết triều đầu tiên, vua đã cho đốt sạch danh sách tên các vị quan đã theo quân Nguyên, không truy cứu lỗi lầm của họ nữa. Cách cư xữ và những việc làm trên chứng tỏ vua Trần Nhân Tông đã đem giáo lý Lục hòa, Bát chánh đạo, lấy ân báo oán của Phật giáo ứng dụng vào công cuộc trị nước, an dân khiến cho đất nước thái hòa, nhân dân hạnh phúc, các nước lân bang nể phục.
Nói đến Bát chánh đạo làm tôi nhớ lại bài viết (Responding with respect peaceful communication in politics) của Brian N. Baird, dân biểu hạ viện Hoa Kỳ đăng trên báo Mindfuness Bell Berkeley, số 41, tháng 1 năm 2006, được chuyển ngữ trên mạng lưới Phù sa ngày 3 tháng 3 năm 2006 mà tôi đã được đọc. Vị dân biểu nầy kể lại chuyện một cử tri và cũng là một người bạn đã từng ủng hộ ông nhiều lần, vì một sự hiểu lầm đã biên thư trách ông với lời lẻ không nhã nhặn. Ông đã dùng chánh niệm biên thư cho người bạn với ái ngữ để giải thích sự việc khiến sự hiểu lầm được giải tỏa. Tình bạn lại được nối kết càng thắm thiết hơn xưa.
Tôi thiết nghĩ nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới, dù họ là Phật giáo, hay tôn giáo khác song họ biết điều hành guồng máy nhà nước trong tinh thần Phật giáo, tôi tin chắc họ sẽ đưa đất nước họ sống trong cảnh hoà bình an lạc. Đối với những vị lãnh đạo các phong trào đấu tranh cho nền độc lập đất nước, cho dân quyền… áp dụng theo chân lý Bất bạo của Phật giáo đều đạt đến mục tiêu, ít hao tổn xương máu cho đôi bên. Họ là những người được toàn thể nhân loại tôn sùng là thánh nhân, vĩ nhân... như Mahatma Gandhi, Martin Luther King Jr, Coretta Scott (vợ mục sư King bảo tồn di sản của chồng và tiếp nối phong trào tranh đấu đòi dân quyền trong tinh thần bất bạo động), Bồ-tát Thích Quảng Đức... Nhưng cũng có những người lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo các phong trào mệnh danh bảo vệ nền văn hoá dân tộc, tôn giáo, có thể đối với đất nước họ, họ là anh hùng hay thánh tử đạo, song nhân loại nhìn họ là những tên đồ tể, như nhóm quá khích Taliban, Bin Laden, Adolf Hitler với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những cuộc thánh chiến thời trung cổ.... Đối với dân chúng trong nước họ thì sao? Nếu họ là những Phật tử chân chánh, họ sẽ có từ tâm, thương yêu muôn loài, không tham lam, không trộm cắp không tà dâm, không hút sách, rượu chè bê bết... xã hội sẽ được an ninh, trật tự, nhà tù sẽ thiếu bóng người.
Để có đươc một thế giới hoà bình, an lạc theo thiển ý của tôi, chỉ có Phật giáo mới thực sự giải đáp được vấn nạn cho thế giới. Bởi vì đạo Phật là đạo Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng cảm và những người con Phật không thể nào tách rời ba nhân tố đó trong đời sống của mình. Giáo sư Bapat trong cuốn sách 2.500 năm của Phật giáo đã có nhận xét: “Chưa có một trang sử nào của Phật giáo bị xóa nhạt bởi ánh sáng của ngọn lửa tôn giáo hay bị bôi đen bởilàn khói dị giáo hay các nơi thị tứ vô tín ngưỡng nóng bỏng, hay nhuộm đỏ với máu của các nạn nhân vô tội vìhận thù tôn giáo. Phật giáo chỉ dùng một thanh gươm, đó là gươm trí tuệ và chỉ thừa nhận một kẻ thù - đó là vô minh. Đó là chứng tích của lịch sử không thể chối cãi được”. Một nhận xét khác của giáo sư tiến sĩ Rhys Davids:“Với tôi, không có một tài liệu nào trong tất cả lịch sử dài đằng đẳng của Phật giáo qua nhiều thế kỷ, tuy trong thời gian dài tột bực như vậy mà các tín đồ Phật giáo có một sự ngược đãi của người Phật tử đối với những người có niềm tin khác (Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức). Kẻ thù của người Phật tử không phải con người. Kẻ thù của con người chính là vô minh. Chúng ta tìm cách diệt trừ thì tự nhiên thân tâm ta được an lạc, thì làm gì có chiến tranh phải không quí đạo hữu.
- Từ khóa :
- Xuân chiến tranh và hòa bình