Nhà Sư & Chuyến Xe Tết...

27 Tháng Giêng 201707:43(Xem: 4954)


Đi đâu cũng nghe người ta nói - "Mấy ngày này..."- là lại thấy nhớ quê hương.

Sáng hôm đó là một buổi sáng khá đỗi bình thường không có gì đặc biệt ngoài những cơn mưa phùn dài đăng đẳng chợt có, rồi chợt tắt như đang trút xuống từ từ để tưới tẩm mảnh đất Sài Gòn thêm sức sống ở những ngày cuối năm, tôi cũng hòa mình “bon chen” với dòng người tấp nập trên những cung đường lầy lội đầy trơn trượt và sình lầy.

Có khác chăng, là mình khá nổi bật khi đứng giữa đông người và kèm theo đó là ánh nhìn khá lạ lẫm tò mò mà mọi người luôn dành cho mỗi khi bước ra đường. 

Cầm chiếc vé xe trên tay một mình thong dong đứng giữa khu vực bán vé ở bến xe Miền Đông vào những ngày cận tết thì ôi thôi! Hương vị của con người, âm thanh của đất trời và tiếng nói cười la ó, chửi bới, thúc giục cho đến những khuôn mặt thất vọng, mệt mỏi, ức chế, vui mừng, khóc lóc nghẹn ngào đủ kiểu.

Rồi đâu cũng vào đấy, tôi ngồi trên xe trong chánh niệm và buông thư toàn thân, nhìn qua bên cạnh thì thấy một cô tuổi trung niên cũng chững chạc, thân hình hơi mập mạp, nước da ngâm đen và khuôn mặt đầy khắc khổ của gió sương đang ngồi xuống cùng dãy ghế với mình. Tôi nở nụ cười tươi như thay cho lời chào mừng cô đã đồng hành trên “chuyến tàu hoàng hôn” này.

Cô cười đáp lại nụ cười cũng tươi nhưng trong vẻ mệt mỏi vì say nắng, trông cô y như mẹ của mình, cũng mập, cũng đen, cũng vui tính và đầy tình cảm nhưng sống rất nội tâm. Nên cảm giác bỗng trở nên thân thiện ngay khi ngồi cạnh nhau.

Xe chạy được một đoạn đường dài, cô vội quay sang để bắt chuyện hỏi thăm.

-      Sư đi về quê thăm chùa à!

-      Dạ, đúng rồi thưa cô – tôi nhẹ nhàng đáp.

-      Trông sư còn trẻ, trắng trẻo và khôi ngô tuấn tú quá nhỉ. 

-      Ồ - ồ! Dạ, cảm ơn lời khen chân thật của cô – tôi nói như pha hài rồi tôi cười, cô cũng cười theo.

Rồi cô bảo là cô về quê để thăm mấy đứa con nhỏ vào dịp Tết năm nay, cô đang làm công nhân ở Sài Gòn để kiếm tiền gửi về cho bốn đứa con ở quê ăn học, nay đang được ông bà ngoại chúng thay mình nuôi dưỡng. Mấy năm trước chỉ sau Tết mới được về, vì hàng hóa xuất khẩu ở công ty không người phụ trách nên cô phải hy sinh ở lại trông coi để kiếm thêm thu nhập, riêng năm nay cô quyết tâm trốn về trong dịp trước Tết để được đón giao thừa cùng ba mẹ và mấy đứa con ở quê nhà. Lát nữa, cô sẽ về trong sự bất ngờ không báo trước đầy vui mừng của cả gia đình, nhất là mấy đứa con nhỏ – cô nói trong háo hức, rồi kể thêm cho tôi nghe về mấy đứa con của mình: 

-      Hai đứa lớn thì không có đi học vì nhà nghèo quá không đủ khả năng, nên chỉ ráng làm kiếm tiền để nuôi được cho hai đứa nhỏ thôi! Rồi cô khoe với tôi về thằng Tý là đứa con út, cô nói:

- Sư biết không, thằng Tý con của con nó đẹp trai và nhìn thông minh như sư vậy – nghe đến đây tự nhiên thấy yêu đời quá đỗi – thằng đó nó có căn tu á sư, nó không có biết ăn cá từ nhỏ, nó chỉ thích ăn thịt heo, thịt gà, hải sản thôi! Mà nó học giỏi lắm, năm nào cũng lãnh gạo, mì, dầu ăn về vì học sinh nghèo vượt khó – tôi thấy cô luôn phiên nói về những đứa con của mình trông niềm vui và tự hào. 

Tự nhiên thấy thương vô cùng nên tôi lắng nghe một cách chăm chú để cô được vui và thêm niềm hạnh phúc cho những gì mà mình đã hy sinh vì một niềm hy vọng lớn lao được đặt trọn vào tương lai của những đứa con thân yêuquê nhà.

Tôi cũng nói cho cô nghe về chuyện đời, chuyện đạo,…để cô hiểu, thấy cô nghe như nuốt từng lời vì những điều khá mới mẻ khi lần đầu tiên mới nghe được ông sư chia sẻ về cuộc sống, về nỗi khổ niềm đau và nỗi cơ cực của kiếp người và làm thế nào để sống an lạc ngay hiện tại một cách gần gũi và Face to face đến thế. Như trúng vào tâm lý nên cô thích thú chăm chú vô cùng như mình đang là nhân vật trong từng lời nói của ông sư.

Được một hồi thì điện thoại cô reo, cô vội lấy chiếc điện thoại “đập đá” trong túi ra một cách lúng túng vì chắc cũng không rành lắm việc sử dụng, nên cô mở loa to lên để nói chuyện một cách chân chất thật thà vốn có của người miền quê. Bên đầu dây kia nói trong đau khổ:

-      Mẹ ơi! Thằng Tý nó chết rồi.

Cô nghe xong trong sự hốt hoảng tột độ, cô nghẹn lời, mặt mày đổi sắc, cô đáp:

-      Cái gì, con nói cái gì, nhắc lại cho mẹ nghe.

-      Dạ, thằng Tý nó bị tai nạn giao thông chết rồi mẹ ơi!

Rồi bên đầu dây kia òa lên tiếng khóc nấc nghẹn như đứt từng đoạn ruột.

-      Mẹ ơi! Thằng Tý nó chết rồi.

Người mẹ thất thần, im lặng không nói nên lời, rồi cô vội quay lưng đi mà òa lên khóc nức nở:

-      Tý ơi! Sao con lại bỏ mẹ ra đi thế này, mẹ đang trên đường về với con mà Tý. Mẹ có mua áo quần mới cho con mặc Tết nữa nè Tý, Tý ơi là Tý. Sao con ác với mẹ vậy.

Nhìn cô, tôi không thể nói nên lời, cõi lòng như tan nát, tôi chỉ biết im lặng như một sự đồng cảm với nỗi đau của cô. Được một hồi thì cô cầm điện thoại lên nói tiếp:

-      Rồi xác của nó đâu, để mẹ đến đưa nó về nhà – cô nói trong nghẹn lời đầy nước mắt.

-      Dạ, con nghe người ta gọi điện báo với con như vậy á mẹ, con chưa biết là ở đâu nữa, con sợ quá mẹ ơi! Mẹ mau về nhà với tụi con đi mẹ - rồi bên đầu dây tôi nghe mấy đứa con đang òa khóc.

Một hồi thì cô bảo:

- Cho mẹ nói chuyện với ông bà ngoại.

Bên đầu dây tôi nghe được là tiếng nói của ông cụ già, chắc là ba của cô, tôi không nghe được gì ngoài tiếng khóc đầy tế nhị của người lớn tuổi.

-      Ba ơi! Thằng Tý con của con, nó chết rồi hả ba. Sao nó không đợi con về hả ba - Cô nói.

Bên kia, ông cụ đáp:

-      Lan ơi! Mày ác lắm, mày chỉ lo đi kiếm tiền thôi, mày chết ở trên Sài Gòn luôn đi! Mày chẳng màng gì đến mấy đứa con của mày cả.

Bỗng nhiên, cô vội khóc òa lên:

-      Ba ơi! Ba tha lỗi cho con, vì con chỉ muốn có tiền mà lo cho tương lai của mấy đứa nhỏ thôi ba ạ, để lớn lên nó không phải khổ như con đi tha phương cầu thực như thế này. Ba ơi! Con xin lỗi ba, con xin lỗi mẹ.

Giọng của ông cụ nói trong đứt quãng:

-      Lan ơi! Con thương mấy đứa con của con, rồi còn ba mẹ, ba mẹ cũng thương nhớ con và mong con về mà Lan.

-      Ba ơi! Con hiểu rồi, con xin dập đầu tạ lỗi với ba, hãy tha thứ cho con nha ba.

Nghe đến đây, tôi bỗng chợt khóc hồi nào không hay, chắc vì thương ông, thương cho cô, thương cho thằng Tý và thân phận của những con người cùng khổ.

-      Ba ơi! Xác thằng Tý giờ ở đâu rồi ba, con đến bên nó liền để cho nó có mẹ bên cạnh, đỡ cô đơn ba ạ - nói rồi cô lại khóc tiếp.

 Bên đầu dây tôi bỗng nghe ông cụ cười to rồi lên tiếng bảo: 

- Thằng Tý đâu, qua nói chuyện với mẹ mày nè. Kêu mẹ mau về với ông bà ngoại. 

Cô bỗng bất ngờ không hiểu gì cả. Khi tiếng của thằng Tý con cô trong đầu dây bên kia cất lên, tôi thấy cô cười hớn hở, mừng rỡ không cần biết lý do vì sao, miễn biết con mình còn sống là đủ rồi. 

-      Mẹ ơi! Con Tý nè, con nhớ mẹ nhiều lắm. Con còn sống mẹ ạ - cậu bé nói trong vẻ hồn nhiêntrong sáng.

-      Tý ơi Tý! Con còn sống hả Tý – mẹ mừng quá Tý ơi! Mẹ yêu con nhiều lắm Tý ạ, mẹ có mua quần áo mới cho con và mấy anh chị mặc Tết nè Tý.

-      Không, con không cần quần áo mới đâu chỉ cần mẹ về với ông bà ngoại và tụi con thôi. Ai cũng nhớ mẹ nhiều lắm.

-      Mẹ biết không, ông bà ngoại và tụi con phải đóng kịch để năm này mẹ về ăn tết với tụi con đó. 

-     Ôi! Mẹ hiểu rồi, mẹ đang trên đường về nè Tý, nói với ông bà ngoại biết là mẹ đang ngồi trên xe về nha Tý, mẹ về, mẹ về mà Tý. Chờ mẹ về nha Tý, đừng bỏ mẹ nha.

Nói rồi hai người cúp máy, tôi thấy cô cười lên với nụ cười hạnh phúc vô biên như chính mình được sống lại một lần nữa, rồi bỗng chợt cô lại âm thầm khóc khi nhớ về những lời nói của ba lúc nãy, cô lấy trong túi áo ra cái khăn để lau nước mắt mà tự nói:

- Ba mẹ ơi! Chờ con nhé, con sẽ về, con sẽ tạ lỗi với ba mẹ.

Thế là, nhà sư ngồi bên ngơ ngác nhìn xuống tấm y vàng đang ướt đẫm vì nước mắt như chính mình là người trong cuộc. Có khi - còn khóc nhiều hơn cả người mẹ ngồi bên cạnh, vì tôi thấy thương, thương cho một sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ khi vừa trách nhiệm làm mẹ, trách nhiệm làm con với những nỗi niềm không người thấu hiểu - rồi tôi vội rơi lệ mà thầm trách:

- Cái gia đình này chơi kỳ thiệt chứ. Làm cho ông sư đi tu rồi mà ngồi khóc như đứa con nít.

Về nhé - vì rồi cũng sẽ có một ngày, dẫu ta có háo hức trở về thì cũng chẳng còn có ba mẹ nữa đâu.


Đi đâu cũng nghe người ta nói - "Mấy ngày này..."- lại thấy nhớ Quê - nhớ Mẹ.

 

Giác Minh Luật 
Gửi đến những người con xa quê...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn