Chương 8. Tiền tài

10 Tháng Bảy 201515:26(Xem: 3846)

TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

CHƯƠNG 8
TIỀN TÀI

Tiền bạc cổ thể giúp ta có được thuốc men, nhưng không được sức khoẻ; Có được chiếc gối êm, nhưng không được giấc ngủ ngon. Có được những tiện nghi vật chất, nhưng không được sự gia trì đại lạc. Có được những châu ngọc, nhưng không được sắc đẹp. Có được chiếc máy nghe tai, nhưng không được tánh nghe biết nhận. Nhưng khi có được tài sản tối thượng là trí tuệ, chúng ta sẽ có được tất cả mọi thứ. Sivananda

Từ khi ra nước ngoài và cầm được đồng tiền trong tay, tôi mới thấy mình thật sự có được cái tự chủ của con người. Tính tự do và phóng túng trong con người tôi bỗng nhiên trỗi dậy như đã được nằm sẵn đâu đó tự bao giờ. Tôi không phải là hạng người xài tiền như nước, mà là hạng người xài tiền vô ý thức thì đúng hơn.

Từ những chuyện mua sắm vặt vãnh, cho đến những lối học đòi chưng diện khoe khoang một cách thiếu ý thức theo thói thường tuổi trẻ, đã làm cho tôi trong một thời gian tin tưởng ghê gớm vào sức mạnh và giá trị của đồng tiền.

Gia đình tôi lúc còn ở Việt Nam là một gia đình trung lưu khi má tôi, người chủ tạo ra đồng tiền tạm đủ để chi dụng mọi thứ trong gia đình, nên không bao giờ cho tiền tôi nhiều để tôi tiêu tùy tiện theo ý mình. Trong bối cảnh nửa đủ, nửa thiếu ấy, cái ước mơ làm nên sự nghiệp trong tôi càng bừng dậy hơn bao giờ hết. Rồi một hôm trong một dịp coi bói nào đó, má tôi tình cờ nói ông thầy coi cho tôi luôn và thế là tôi được dịp biết qua thời vận của mình một cách tình cờ. Tôi thì thật tình ít có tin vào những chuyện bói tướng này nọ, nhất là từ mấy ông thầy nửa nạc nữa mỡ, mắt đeo kính màu, lâm râm nhẩm tính rồi thì thường tuôn ra một tràng dài những điều tốt và may mắn cho người xem. Cái trò ma giáo này nếu một người có sự hiểu biết và tinh ý về tâm lý con người đều có thể làm được Thế nên cứ mỗi lần nhìn vào mấy ông thầy bói tôi lại có ít nhiều thành kiến và luôn nghĩ xấu về mấy ông này. Đôi khi tự nghĩ không biết những ác cảm này nguyên nhân sâu xa từ đâu mà ra, hoặc giả chăng trong một lúc nào đó của thời thơ ấu khi cắp sách đến trường tiểu học, hoặc qua các bạn bè tôi được nghe những câu thơ về thầy bói như vậy mà sinh ra ác cảm chăng: "Thầy bói nói láo ăn tiền, bói qua bói lại được hai đồng tiền", hay "bói ra ma quét nhà ra rác".

Tuy có thành kiến như vậy nhưng khi thấy má tôi tin tưởng ông thầy quá, một hai khen ông thầy giỏi, ông thầy cao siêu nên làm tôi đâm ra cũng ngờ vực với những nhận định và thành kiến quá cũ của mình. Thử thời vận một lần xem sao, và vả chăng tôi cũng đâu phải trả tiền mà lo, má tôi đã lo hết nên tôi chẳng sợ gì và bán tín bán nghi gật đầu ưng thuận. Ông thầy cầm tay tôi ngó tới ngó lui, có lúc lại mở kính đen ra xem trong xem ngoài ra vẻ đăm chiêu lắm. Tôi thầm nghĩ không biết ông thầy sắp giở trò gì đây, trò gì thì trò chứ tôi đoán chắc thế nào ông thầy cũng khen tôi có số may mắn và giàu sang cho mà xem, rồi cũng nói tôi có vợ và đông con chứ gì. Thế rồi cũng có phần nào tôi đoán trúng. Ông thầy nói tôi có bàn tay may mắn, sau này nếu làm ăn buôn bán tôi sẽ rất giàu, nhưng rồi tôi sẽ đi tu. Tuy đã tự nhủ với chính mình là sẽ không tin lời ông thầy dù ông nói tốt cho tôi nhưng tôi vẫn không thể tự chế lấy mình khi nghe ông thầy đoán rằng tôi sẽ "rất giàu". Bỗng nhiên tôi quên đi cái nghi ngờ ban đầu của mình. Đã vậy mà tôi còn tin tưởng và lấy đó làm sự an ủi cho mình trong những năm tháng sau đó nữa chứ! Phải chăng cái gì hay ho và tốt đẹp nhất cho cái bản ngã và thân này đều được chấp nhận; cho dù người đó có khó tính và thành kiến đến đâu. Thế nên không lạ lắm là từ khi được ông ta đoán và nói tôi sẽ rất giàu, tôi bỗng tự nhiên tin ông thầy ghê gớm và rồi mỗi lần đi đâu, gặp ai tôi cũng khen lấy khen để ông thầy; bạn bè quanh lối xóm chẳng mấy ngày sau ai cũng đều biết tôi có số giàu sang sau này. 

Giàu sang ai mà chẳng thích vì khi giàu sang mình sẽ có được tất cả những gì mình muốn trong cuộc đời. Không phải sao khi Euripides (B.C.480-406), một kịch gia rất nổi tiếng người Hy Lạp cũng nói: "Tiền tài sản nghiệp là tất cả những gì được yêu nhất bởi con người và trong mọi thứ, chính nó có năng lực vĩ đại nhất."
Cái câu ví von có vẻ dí dỏm mà tôi nghe nhiều nhất đến nỗi phải thuộc nằm lòng đó là: "Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, hay là "tiền  là cây đèn thần A La Đin, tiền là chiếc đũa thần có phép biến hoá vạn năng" v.v.. 

Hồi còn ba, nhà tôi có quen nhiều gia đình giàu có và mỗi lần họ đến nhà tôi, những chiếc xe mới và bóng loáng đẹp mê hồn thường làm tôi đứng ngẩn ngơ và xuýt xoa, ấy là chưa kể đến những bộ đồ họ mặc thường đẹp đẽ và sang trọng, thế nên cái mơ ước được làm người lớn và giàu sang đã nảy sinh trong tôi ngay từ thời ấy. Nhưng rồi thời gian trôi qua, tôi có thêm tý hiểu biết nữa qua các việc làm phước thiện của má tôi, nên tôi lại nảy sinh ra ý nghĩ rằng nếu có dịp một mai ra được xứ người, khi tôi có được rất nhiều tiền, tôi sẽ giúp đỡ chùa và cúng dường quý thầy thật nhiều như má tôi đã từng làm; vì sao? vì tôi thấy các chùa Việt Nam mình rất nghèo, quý thầy sống lam lũ và khổ cực quá. Cái ý niệm xuất gia của tôi khi được đặt chân ra đến ngoại quốc vẫn chưa một lần phát sinh, trong tôi hình ảnh, lời nói ông thầy về sự nghiệp giàu sang có nhiều tiền vẫn ám ảnh; tôi vẫn tin rằng tôi sẽ rất giàu, tôi sẽ là một thí chủ có tâm và hộ đạo hết lòng bằng những tiền bạc và tài sản mà tôi có được.

Thế rồi cái mộng giàu sang và lắm tiền của tôi chưa thành thì tôi đã đi tu. Tôi biết rằng từ giờ đây tôi chẳng còn có thể giàu sang được nữa vì đi tu là phải bỏ tất cả, đã bỏ thì sao lại có thể có tiền và giàu được. Tôi cảm thấy ít nhiều thất vọng với chính mình vì mộng đẹp đã không tròn nhưng rồi thời gian trôi qua, tôi cũng dần quên đi những giấc mộng đẹp giàu sang mà ông thầy bói kia đã nói thuở nào. Một chút tham vọng còn lại của tôi là chỉ cố gắng tu học và cầu nguyện; biết đâu sau này Phật tổ thương tình nên cũng có thể gia hộ cho tôi trở thành một tăng sĩ giàu có để cứu đời giúp đạo. Ngài Tinh Vân đó, thầy tôi đây và một số các thầy khác đã không từng được người ta xem là những vị phú tăng sao! Hoá ra đi tu rồi mà tôi cũng vẫn chưa quên được giấc mộng giàu sang của lời bói toán ngày xưa.

Kể từ khi tôi được xuất gia, được học và hiểu thêm về đạo tôi có một cái nhìn và nhận thức khác hơn là lúc trước. Tập nhìn và suy tư về các hiện tượng cùng sự vật, là những gì mà người tu cần phải luyện tập. Tôi giờ đây có cảm nhận rằng, cái gì mà mình suy tư và nghĩ ngược lại với những gì con người ta thường nghĩ thường làm thì nó có vẻ gần và hợp hơn với cái đạo mà tôi đang theo. Đạo Phật chỉ dạy cho tôi nhìn, hiểu biết cái thật của vấn đề và sự vật dù rằng những vấn đề, sự vật ấy cực kỳ đơn giản và tầm thường. Có lẽ đôi khi những vấn đề, sự vật đơn giản và tầm thường nhất nhưng lại là khó thấy và khó hiểu nhất. Có lẽ do những vấn đề, sự vật đơn giản và tầm thường quá nên con người ta chẳng thấy và chẳng cần hiểu. Ví dụ như đồng tiền này đây! Ai cũng thấy, cũng biết và cầm nắm trong tay hàng ngày nhưng có mấy ai cầm nó đưa lên trước mặt để nhìn ngắm nó cho thật kỹ và thật sâu. Đồng tiền này từ đâu ra nhỉ? Đến và sẽ đi đâu? Có giá trị gì thật sự trong đời sống con người hay chỉ là những nguyên nhân gây ra nhiều tội ác? Đồng tiền có thật sự mang lại sự hạnh phúc và an vui cho con người? Đồng tiền có thật là chiếc đũa thần vạn năng hay là cây đèn thần A la Đin, mà ngày nào đó tôi một thời tin tưởng. Tôi muốn đặt lại nghi vấn về giá trị thật sự của đồng tiền, khi tôi giờ đây có được dịp nhìn ngắm nó kỹ càng hơn dưới ánh sáng của đạo Phật, một tôn giáo mà trong những năm qua tôi đã học được.

Trong sự quán chiếu sâu xa của đạo, thân người mà tôi và mọi loài đang mang đây còn không thật huống chi đồng tiền, chỉ là giấy và những đồ kim loại do sản phẩm của đầu óc con người tạo ra và ước định vào. Nhưng tại sao tiền bạc vốn là sản phẩm của con người, mà lại quay ngược lại chế ngự con người có lúc đến mức gần như toàn diện trong đời sống hàng ngày. Điều ấy có mâu thuẫn và quái lạ lắm không? Có lẽ dần dần con người chúng ta không còn thấy nó là do sản phẩm của con người nữa, mà là chính con người, là huyết, là mạch mạng trong cơ thể chúng ta để đến nỗi có lúc tưởng tượng rằng, không có tiền là không có cả chúng ta. Do sự nhận thức lầm lạc như trên, nên dường như là chúng ta chưa từng bao giờ muốn dừng lại trong việc theo đuổi và săn bắt đồng tiền; đồng tiền ngược lại cũng vậy chưa từng muốn dừng lại trong việc rủ rê và mê hoặc con người. Cả hai đang trong trạng thái bất định và quay cuồng với nhau trong một đời sống do ảo tưởng của si, và mê vọng tạo nên. Nước mắt của chúng ta đã đổ ra quá nhiều cho đồng tiền, nhưng chưa từng một lần nhỏ giọt trước cảnh khổ đau, và xót xa của đồng loại. Nụ cười của chúng ta cũng tặng cho đồng tiền quá nhiều, nhưng chưa từng một lần tặng đúng ý nghĩa cho mẹ, cho cha, cho thầy những người ban ơn cho ta trong suốt cả cuộc đời. Chúng ta đã khóc và cười với đồng tiền, buồn và vui với nó, đã dùng trọn vẹn thời gian trong đời và năng lượng của con người để kiếm tìm và sống với nó. Tận tụy và chung thủy như vậy với đồng tiền để ta có được gì, khi mà sau lưng ta đã chối phăng đi bất cứ giá trị và những ý nghĩa lợi ích khác cho đời sống của một con người. Rõ ràng là chỉ bằng những mảnh giấy bạc và những đồng kim loại, ta đã quên hết tất cả thực tại mầu nhiệm khác của đời sống và các tính năng phi thường mà con người đang sở hữu được.

Tiền bạc với con người có hai mặt liên hệ. Bên ngoài tiền bạc ấy đồng nghĩa với sự đổi thay không ngừng như thời gian sáng tối, như cảnh vật qua mau, và như không gian đang xoay chiều theo sự biến thiên liên tục của vũ trụ. Tiền bạc nó đến, nó đi và nó lại đến lại đi như tuồng một kẻ lữ khách và quán trọ. Phật giáo với cái nhìn thâm sâu cho tiền bạc là vô thường, không thật có, giả tạm và chỉ là một phương tiện được tạo ra bởi con người để cân bằng và giữ vững sự sinh hoạt trong xã hội con người. Do vì là vô thường và giả tạm, phương tiện chứ không phải là cứu cánh, thì sao chúng ta phải dành trọn thời gian của cuộc sống và năng lượng đời người cho việc kiếm tiền, sống với đồng tiền trong những nỗi khổ đau, buồn vui cười ra nước mắt. Ý nghĩa, sung sướng và hạnh phúc nào đây khi ta từ khi ra đời cho đến hiện tại đã trải qua gần hết cả cuộc đời để sống với nó, tin tường nó như là một cái gì quý báu nhất trên đời; nhưng nó lại thường làm ta mất ăn, mất ngủ và cho ta nhiều sự lo buồn.

Bên trong, tiền bạc ấy luôn là chất keo dính liền với sự tham ái của con người. Chúng ta chưa từng thoát ra được lòng tham lam xấu xa này dù rằng chúng ta cũng có tu và có học, có hiểu biết rõ về sự vô thường, giả tạo của tiền bạc trong đời sống. Nhưng để thoát ra và sống cao thượng trên đồng tiền, thì chúng ta phần lớn con người vẫn chưa làm được. Do đâu? Do vì cái tham trong người ta vẫn chưa được gột rửa tẩy trừ sạch kia mà! Than ôi cho cái tham từ muôn kiếp sống si mê trói buộc, đã dẫn dắt ta đi mãi trong bao lời hứa hẹn về một sự sung sướng và an vui cho thân này. Sung sướng và an vui đâu chẳng mấy khi chúng ta cảm nhận, mà chỉ thấy ta càng ngày bị trói chặt, bị buộc ràng thêm đến nỗi mỗi lần nghe có sự cởi buộc, sự giải thoát, ta cảm thấy mình có vẻ như sờ sợ và tìm cách né tránh. Đức Phật trong kinh Pháp Cú nói rằng:

"Sắt, cây, gai trói buộc,
Người trí xem chưa bền,
Tham châu báu bạc tiền,
Tham vọng vợ và con,
Người có trí nói rằng:
Trói buộc này thật bền".
 
Thế nên có lẽ cởi bỏ ra được phần nào lòng tham, là ta đã có được phần nào sự giàu có và tự do thảnh thơi. Lúc ấy cho dù ta không có tiền bạc đầy túi, đầy trong ngân hàng nhưng ta lại cảm thấy có sự giàu có nào đó ở nơi mình. Giàu có ở đây chính là sự giàu có của một tâm hồn biết đủ, biết sống và biết hân thưởng trọn vẹn ý nghĩa của cuộc đời. Đức Phật trong kinh Di giáo giảng bày khá rõ về điều này: 

"Nầy các thầy Tỳ kheo, muốn giải thoát khổ não thì các thầy hãy cứu xét sự biết đủ. Chính sự biết đủ là giàu sang, vui thú và yên ổn: Biết đủ thì nằm trên đất cũng thấy vui thú, không biết đủ thì ở thiên đường cũng không có an vui. Không biết đủ thì giàu mà nghèo, biết đủ thì nghèo mà giàu. Không biết đủ thì luôn luôn bị cả năm thứ dục lạc lôi kéo làm cho người biết đủ phải xót thương. Đây là hạnh biết đủ."

Ngoài đức Phật, các bậc hiền nhân khác trong đời như Epicurus (B.C. 341-270), một triết gia Hy Lạp cũng có nói rằng,

"Giàu có không phải là sự có nhiều tiền của mà là sự ít muốn của người ấy."

Còn Beecher (1813-1878), một nhà giáo dục người Mỹ thì nói: 

Trên thế giới này không phải sự thâu vào làm cho chúng ta giàu có mà chính sự bỏ ra mới làm cho chúng ta giàu có. 

Henrik Ibsen (1828-1906) nói một câu hơi giống bậc thầy tâm linh người Ấn là ngài Sivananda như đã nói ở trên: 

"Tiền bạc có thể là chiếc vỏ bọc ngoài của nhiều thứ nhưng không phải là hạt nhân bên trong. Nó có thể mang cho ta thức ăn nhưng khó cho ta vị ngon ngọt; mang cho ta thuốc uống nhưng không là sức khỏe; mang lại sự quen biết nhưng không là bạn hữu, mang lại kẻ phục vụ nhưng không phải lòng trung thành; mang lại những ngày hoan lạc nhưng không phải sự an bình và hạnh phúc".

Vẫn biết rằng con người khó thể thoát ra được cái gọi là, "phải có sự sinh tồn," mà tiền bạc là chiếc bàn cân cho sự sinh và tồn tại ấy; nhưng người ta cũng có thể sống với đồng tiền trong những ý nghĩa và sự ý thức cao độ nhất kia mà. Đó là cách sống như một nhà ảo thuật với những màn ảo thuật biến hóa của mình. Tiền bạc đúng là do chúng ta biến hóa ra; do chúng là sản phẩm, là sự biến hóa ra từ chúng ta nên chúng ta nên và phải có trọn quyền sử dụng nó một cách thích đáng và ý nghĩa nhất thay vì bị chính nó mê hoặc để ta phải mải miết nhìn ngắm nó, chạy theo nó, vui buồn bi lụy về nó. Hiểu được phần nào nguyên lý này là cuộc đời và sự sống của ta bớt khổ phần ấy. Không những bớt khổ mà sự sống ấy của ta còn có ý nghĩa cho mình, người trong hiện tại và mai hậu. Còn không, nếu chỉ biết và sống với sự tin tưởng mù quáng vào sức mạnh của tiền bạc, thì chúng ta đã tự đưa đẩy mình vào đời sống của một người thiếu hiểu biết, ít lương tri và sẽ dần dà biến ta trở thành một người đê hèn nhất  khi có thể, như Halifax (1633 - 1695), một chính trị gia người Anh nói câu sau đây: 

"Người có quan niệm cho rằng, tiền bạc có thể làm được mọi chuyện, thì chúng ta hãy tin rằng, kẻ ấy cũng có thể làm được mọi chuyện chỉ vì tiền."
Thế giới kim tiền ngày nay, xã hội vật chất hiện tại chỉ chuyên dạy và nhằm đào tạo cho con người hôm nay phương cách kiếm tiền hữu hiệu nhất, để dần dà biến những người thân, người bạn tốt nhất của tôi, của bạn ra thành những người sống không thật để có được cái lợi từ đồng tiền. Ngay cả những người thân trong gia đình cũng vậy, nhiều khi vì tiền mà quên tình, vì bạc mà quên nghĩa. Phũ phàng đến độ Voltaire phải nói: "Khi vấn đề tiền bạc được đặt ra thì mọi người đều đồng chung một tôn giáo", hoặc như Franklin nói: "Nếu chúng ta muốn hiểu về tình bạn, về tình nghĩa người thân trong gia đình ư? Hãy đến mượn tiền nơi họ."

Cầu mong sao tất cả những điều trên đây đừng bao giờ là sự thật, và nếu nó là một sự thật vì chúng ta đã được xem quá nhiều cảnh này trên TV hoặc nghe không thừa qua những lần tin tức, thì chúng ta nên phản tỉnh lại nơi chính mình một chút. Phản tỉnh để biết rằng tiền bạc này đây không thật có, vô thường, giả tạm có đó rồi không theo thời gian qua cái nhìn chánh trí của Phật pháp, con đường chơn chánh chỉ bày và đem lại sự an vui, hạnh phúc cho con người, còn nếu ta không nghe tiếng gọi lương tri này để đi theo sự tin tưởng mù quáng vào sức mạnh của đồng tiền, cho nó là thường có, là vui, là sướng và hạnh phúc, thì đó sẽ là con đường dẫn đến tội lỗi, nghiệp ác và sa đọa.

Sau năm 1975, biết bao thân phận ở xứ người, cho chúng ta thấy biết về cái không thật của thân mạng, danh vọng, tiền bạc, và tài sản mà suốt cả cuộc đời chính ta hoặc cha ông chúng ta dành dụm. Có những người tướng tá vẻ vang lẫm liệt một thời nay chỉ là một kẻ hoặc buông xuôi, hoặc thất nghiệp, hoặc ăn xin nhờ những sự cứu tế giúp đỡ của người. Có những gia đình giàu sang, phú quý không ai bằng nay tán gia bại sản sống nhờ vào sự thương xót, che chở của người thân hoặc chúng bạn. Tất cả đều đã đổi thay, tất cả dường như đang đi vào cái khúc quanh, ngã rẽ của cuộc đời. Nhưng không đâu, đó chính là cảnh màn thật của cuộc đời mà chúng ta do vì ảo tường và nhận thức lầm lạc nên mới cho rằng, tiền bạc, tài sản, danh vọng và thân mạng mình đây phải thường hằng ở nơi mình. Phải chi nếu chúng ta có một sự hiểu biết như thật theo lẽ đạo rằng, tất cả sẽ đổi thay, thân mạng cùng tài vật này vô thường sớm còn tối mất, danh vọng chỉ là hương thơm trước gió, thì khi cơn bão táp phũ phàng của định luật sinh diệt thổi đến, chúng ta sẽ bớt đi cảnh tuôn rơi nước mắt, ruột cắt lòng đau có lúc đến phải tuyệt vọng tìm cách quyên sinh tự vẫn.

Kể từ khi bỏ đi lối sống của một người đời, tôi chấp nhận đời sống của một người có ít, nhưng biết đủ. Tiền bạc mà tôi từng cho là quan trọng và chính yếu nhất trong cuộc đời đã được tôi để sang một bên. Thời gian trong ngày và năng lượng học hỏi hiểu biết của con người được tôi dồn vào việc tu học và nghiên cứu kinh sách Phật giáo, thay vì phải bỏ ra để suy nghĩ và tìm phương cách kiếm tìm tiền bạc. Thế rồi thời gian trôi qua đi, tôi thấy mình vẫn sống như xưa, không có hoặc đôi lúc cảm thấy thiếu tiền bạc đó nhưng trong tôi không có ý tưởng khổ não và ưu sầu. Tôi cảm thấy an lạc hơn trong đời sống giới hạn này và phải chăng điều này có được là do tôi đã chấp nhận nó, hay là tôi do có tri kiến hiểu biết ít nhiều về bản chất của đời sống bạc tiền giả tạo bên ngoài, và tri kiến biết đủ mang lại an lạc, hạnh phúc tâm hồn ở bên trong. Thì ra đâu phải chỉ có tiền bạc, của cải vật chất hay danh vọng là người ta có đầy đủ sự an lạc và hạnh phúc. Như bài kệ mà Ngài Sivanada, một bậc thầy Ấn giáo đã nói ở trên: "Tiền bạc có thể giúp ta có được thuốc men, nhưng không được sức khoẻ; có được chiếc gối êm, nhưng không được giấc ngủ ngon.... ".

Bạc tiền, vật chất tất nhiên là có thể mua được sự sung sướng cho thân, nhưng quyết định không thể mua được an lạc và hạnh phúc trong tâm hồn; vậy mà điều này lại có" thể phát sinh trong tâm hồn chúng ta, khi chúng ta biết đón nhận qua sự học hiểu của trí tuệ và tư duy về nó. Còn nếu một mực tin rằng tiền bạc có thể làm nên tất cả, kể cả an lạc và hạnh phúc trong đời sống con người thì chúng ta vô tình đã đi quá đà với niềm tin thiếu sự sáng suốt kia, điều ấy không khéo dừng lại, ta có thể gây tạo nên nhiều hành động lỗi lầm để sẽ đưa đến kết quả khổ đau trong hiện tại và mai sau. Vì sao? Vì tiền bạc có thể là mẹ của mọi tội ác kia mà? Nói như vậy và chúng ta cũng có thể thấy và chiêm nghiệm sự thật này ngay trong đời sống hàng ngày. 

Do Phật giáo quan niệm tiền bạc là phương tiện của sự sống, nên luôn luôn nhìn nó với cặp mắt khách quan và cẩn trọng. Người tu sống với giáo lý và niềm tin này nên có lúc dùng tiền bạc ấy làm phương tiện để lợi tha cho người theo hạnh Bồ tát - vì con người cần nó, nhưng để đi vào sự biệt lập sống trong an trú chánh niệm và cầu sớm giải thoát cho tự thân, người tu không cần tiền bạc và đã không giữ nó. Tôi đã thấy nhiều vị tăng sống theo hạnh lành này rồi, trong tay, trong đãy các ngài không giữ một đồng ngoài ba bộ y phục và đời sống thanh đạm, đói thì đến nhà người khất thực, xong chuyện thì tìm nơi vắng vẻ thiền định và tu tập. Một số các vị tăng khác lại sống theo hạnh bồ tát với tiền rừng bạc bể trong tay như mấy bậc thầy ở Đài Loan, nhưng cả một sản nghiệp cơ ngơi bạc tiền ấy, là chúng sanh và cho lợi ích chung sanh mà thôi. Trong giới luật cũng có những giới chế cấm giữ bạc tiền, nhưng trong bồ tát giới lại cho phép người tu được giữ và dùng tiền để làm việc lợi sanh. Thế nên Phật giáo luôn luôn là con đường lớn, là cánh cửa mở rộng, là giáo lý chỉ cho người cách sống và sống đúng, hợp với những điều lành thánh thiện chứ không phải là một giáo lý áp chế và buộc con người phải sống đúng theo những mẫu mực và quy thước của người xưa, thời xưa.

Tôi ra đứng ngoài sân thượng tu viện, ngó nhìn cảnh vật bao la và cuộc sống của nhiều người phía trước. Họ đang ùn ùn chen lấn xô đẩy nhau đi làm để có tiền, để được sống thoải mái và để được sung sướng trong cuộc đời. Tôi đứng thật lâu trong im lặng và nhìn họ, có tiền hay không có tiền tôi cũng đang có được một tâm cảnh thảnh thơi, thoải mái, sung sướng, an lạc và có nhiều niềm vui trong lòng. Khép lại sau lưng cánh cửa đời, tôi bước vào phòng và xem tiếp quyển kinh còn bỏ dở!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3797)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4781)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6792)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5912)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6193)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 6900)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5369)