Chương 6. Tập học cuộc đời

10 Tháng Bảy 201515:22(Xem: 3953)

TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

CHƯƠNG 6
TẬP HỌC CUỘC ĐỜI

Mục tiêu của việc học phải là việc chỉ bàn cho ta  phương cách suy nghĩ thế nào thay vì suy nghĩ cái gì,  phát triển nội tâm như thế nào để thăng tiến đời sống thay vì chỉ dạy cho ta hàng loạt phương cách kiêm tiền và làm giàu. James Beattie (1735 - 1803)

Có lẽ tôi ra đời hơi sớm, vì thật ra hành trang tu tập nơi tôi trong khoảng một năm ở chùa chưa đủ biến tôi thành một người tu đúng nghĩa. Dĩ nhiên là tôi chưa thể giảng pháp cho mọi người, cũng như nói những câu chuyện đạo hay như quý thầy lớn thường giảng. Với những người phật tử đến chơi và tìm hiểu đạo nơi tôi, tôi chỉ đọc lại những đoạn hay trong kinh sách cho họ nghe, cho họ mượn các băng giảng của quý thầy mà tôi sưu tầm được. Tôi cũng là nhà sưu tầm băng giảng đại tài vì đi đâu đến chùa nào nghe bất cứ băng giảng nào hay của một thầy nào đó, tôi liền xin phép được thâu về. Từ băng giảng của Hòa thượng Thích Thanh Từ nhiều nhất, cho đến các băng giảng của quý thầy khác tại Mỹ, Úc châu cũng như Âu châu. Trên dưới cả ngàn cuộn được tôi nâng niu nghe đi nghe lại hàng ngày trong đời sống tu học cô đơn nơi xứ người. 

Cái chất liệu thiếu thực tu nơi tôi qua bao tháng năm sống riêng rẽ một mình, không có thầy bạn bên cạnh khuyên răn chỉ bảo, đã dần dần biến tôi thành một người tu cố chấp và hẹp hòi. Nhưng tôi vẫn chưa từng biết điều này, mà thay vào đó tôi tin rằng mình là một người tu đúng đắn nhất. Có lúc tôi tưởng rằng mình đã thành tựu những pháp tu mà những bậc thầy khác phải trải qua nhiều năm trường mới được. Kinh giảng của quý thầy tôi cũng thấy từ từ dễ hiểu ra, và nghĩ tưởng rằng những lời kinh đó tôi cũng có thể dễ dàng nói được như quý thầy đã nói. Cứ tưởng rằng mình đã hiểu đạo, thâm nhập đạo nhất là qua các băng giảng sống động của Hòa thượng Thích Thanh Từ, tôi thấy mình như sắp chứng đắc đến nơi.
 
Đúng là tôi sống trong ảo tưởng lớnh, ảo tưởng rằng pháp học của thầy là pháp học của tôi, cả hai bằng nhau không khác. Đức hạnh và sự tu hành của các bậc thầy lớn trong tôi cũng có, nhưng đôi khi tôi thấy sự tu hành đàng hoàng của mình nhiều thầy khác lại không có. Rõ ràng là tôi đã đọc kinh sách rất nhiều, nghe băng giảng quá thường nên tất cả cái kho tàng Phật pháp lớn vô ngần ấy chứa đầy ắp trong tôi, nhưng đúng ra nó chưa một lần được tiêu hóa nên đã biến tôi trở thành con người đầy tính kiêu ngạo. Tôi đã bị bội thực qua cái vốn liếng Phật pháp không tưởng kia, nhưng lại cứ nghĩ rằng tôi đã tu học được rất nhiều. Thế rồi trong cái hiểu biết một chiều và những cố chấp cực đoan, tôi tự trong lòng đâm ra khinh thường quý thầy. Dĩ nhiên là tôi chẳng dám nói ra vì vậy là vô phép nhưng một cảm giác bất phục nào đó với các thầy đã len lỏi nương náu dưới tận cùng đáy lòng tôi. Tôi cho là quý thầy sao ngày nay hay đi cúng đám quá! Làm việc chính trị nhiều quá! Lo việc văn hóa xã hội gì đâu đâu. Tu hành sao chẳng lo sớm cầu giải thoát mà chỉ lo việc nọ việc kia cho người. Rồi quý thầy cũng còn ham danh quá, hưởng thụ khá nhiều và thấy ít tu hành trong đời sống hàng ngày! Và cũng chưa thoả mãn về những niệm xấu kia trong lòng, tôi còn đi sưu tầm và tìm đọc những sách báo chê bai chưởi rủa quý thầy, của một số người tự gọi mình là phật tử hay của một vài thầy nào đó đã hoàn tục và viết lên. Tôi thấy những lời lẽ trong đó hay hay, giống ý mình và cho rằng đó là những điều nên làm để tỉnh ngộ một số quý thầy. Trong tôi thật tình cũng muốn viết một số bài báo có tính cách xây dựng như vậy để góp ý với quý thầy.

Thế đó ác niệm trong tôi đã từng một thời xảy ra như vậy đó; vậy mà hồi đó trong suốt một thời tôi vẫn khăng khăng cho là mình tu hành thanh tịnh, và xứng đáng là một người tu hành chân chính nhất. Nhưng cũng may là tôi chưa viết bài và đi bêu xấu sau lưng quý thầy, chứ đã viết và tạo ra nhiều sự không hay ấy thì giờ đây tôi sẽ ân hận đến mức nào. 

Ngoái nhìn ra cuộc đời và hướng về những người phật tử tại gia tu học Phật, tôi cũng thấy bi quan và chán nản với họ vô cùng. Tôi cho họ lợi dụng đạo pháp để kiếm tiền, họ chỉ là một tuồng buôn thần tái thánh và phá đạo, khi đem ông Phật ra làm bình phong để tổ chức các buổi văn nghệ, đại nhạc hội, kiếm tiền thu lợi. Những người phật tử ấy chẳng bao giờ có sự thật tâm làm việc đạo và tu hành, vì họ chỉ mượn nơi chốn chùa chiền, niệm Phật đường để tạo danh và bàn chuyện buôn bán, chuyện gia đình. Tôi cảm thấy không ưa họ, và tỏ niệm khinh khi trong lòng. 

Cuộc đời này, đời sống đây rõ ràng là có quá nhiều điều chướng tai gai mắt, dù rằng con người ta đã có ít nhiều sự thức tỉnh và cũng đã hướng mình vào nẻo đạo. Tôi cảm thấy buồn và quá đỗi bi quan trong lòng về cái tình trạng tu hành hiện thời lúc bấy giờ. Trên tất cả những điều quá đỗi tầm thường và tục lụy ấy tôi muốn đi tìm một lối thoát nào đó, chứ không thể tiếp tục sống mãi gần một đời sống mà tôi cho là phi phật pháp như vậy được.

Lẽ ra là tôi không nên hiểu vậy và sống với những ý tưởng như vậy, nếu tôi muốn trở thành một người tu có đức hạnh. Lẽ ra tôi phải hiểu cuộc đời như chính là bản chất của cuộc đời, nẻo đạo chính là con đường rộng mở thênh thang có nhiều lối đến, ai cũng có thể đến được theo cách đến mà họ thích nhất. Tôi cũng cần phải hiểu rằng cuộc đời và những điều chương chướng nào đó trong đạo không cần tôi phải nhận định lo âu, thắc mắc và khinh khi trong lòng; vì nó vốn tự là vậy như hư không sẵn có và hiện hữu tự bao giờ. Lẽ ra tôi phải hiểu rằng ngày hôm nay đây, tôi đã làm phát khởi một ý niệm lành nào chưa trong đầu, nói những lời thương yêu giúp đỡ nào chưa đến với người và đã làm được một việc có ý nghĩa nào chưa cho người. Đạo pháp đâu cần tôi chê bai và chỉ trích mới thành tốt, những quý thầy, những bậc tu hành khác đâu cần tôi phải chỉ lỗi, bới móc và soi mói đời tu của các ngài thì các ngài mới thức tỉnh. Những người phật tử làm sai, hiểu không đúng cũng đâu cần tôi khinh khi, lên giọng giảng pháp chỉ bày. Lẽ ra tôi phải hiểu tất cả những điều xảy ra này đều có nhân của nó, duyên của nó hay nghiệp lực của nó và nếu tôi thật sự có một tấm lòng muốn chuyển hóa, thì trước nên thực hành sự chuyển hóa với chính mình trong tu tập và nguyện cầu. 

Bước chân vào đạo để học và hiểu, thì phải biết rằng mình đang bước vào một cảnh giới không cùng tận, vượt ngoài cái tri thức hiểu biết hạn hẹp ngu muội thường tình của mình trong đời sống hàng ngày. Nếu chỉ lấy những điều mắt thấy tai nghe của chính mình, để đo lường con người và thế giới bên ngoài thì thật tội nghiệp. Nếu chỉ lấy những phán đoán và hiểu biết riêng do học ở trường lớp và xã hội, do từ ông bà cha mẹ trong gia đình dạy lại để đánh giá và kết tội người khác thì quả thật là lệch lạc. Đi vào con đường học và tu Phật lẽ ra tôi phải hiểu sâu hơn về chiều sâu của tâm con người, thấu rõ hơn bản chất của các hiện tượng sự vật. Phật pháp về mặt hiện tượng có nhân duyên của nó, về mặt bản chất thì pháp vốn là vậy, tánh thể, diệu dụng đều vốn vậy, và vượt ra ngoài cái hiểu biết suy lường nhị nguyên thông thường  của con người. Về các bậc tu hành, quý thầy hiện đang sống và hành đạo chung quanh tôi đều có những công hạnh riêng, mà chỉ với một mục tiêu duy nhất là làm sao sống được lợi lạc cho người. Phải hiểu và thấy cho cùng rằng, lẽ ra tôi phải tập suy tư và hiểu, như sự suy tư và hiểu của một bậc tu hành chân chính, đó là cảm thông quý thầy chỉ là những con người như những con người khác đang sống trên trần thế này, nhưng lại khác người khi mà đời sống các vị ấy đặt trọn vẹn vào sự hy sinh cái vui và ích lợi của riêng mình để lo cho người. Hiểu được như vậy thì thật là cao quý biết bao?

Vậy nên nếu nhìn quý thầy qua lăng kính của một con người biết sống hy sinh, hơn cả những người không biết đến chữ hy sinh thì trong tôi sẽ khởi lên lòng tôn kính và trọng nể đến chừng nào; còn nếu nhìn quý thầy qua lăng kính của một vị thánh hiền, trong khi chính tôi và thầy chưa phải là thánh hiền (vẫn còn là người đang tu sửa) thì sân hận và tội lỗi nào mà tôi không làm được đối với quý thầy. Nếu tôi học Phật, gọi là tu Phật tức là chịu sự hướng mình đi theo những lời dạy có tính cách vị tha, khoan dung, độ lượng, thông cảm, hiểu biết mà trong tâm tư lại luôn luôn chứa đầy những ý tưởng nhỏ nhen, ganh tị, thù hằn, giận dỗi, cố chấp, cực đoan; như vậy thì gọi là học và tu Phật cái ở đâu?! Tôi phải biết rằng giá trị của một con người tu không phải là từ nơi người ta tôn sùng mình là Pháp sư, là Đại đức, là một vị thầy giỏi hay là một người thông suốt nhiều kinh luận. Giá trị phải là nơi ở những lời nói ôn hòa, đầy lòng bi mẫn với một tình thương do sự thấy rõ và hiểu biết về người. Tâm niệm có thường mang những ý nghĩ lành, xót thương cõi đời và luôn luôn khắc khoải tìm cách lao vào cuộc đời để cứu giúp người, đưa họ sang cõi bờ khô ráo bên kia hay không? Có được tâm niệm như vậy mới gọi là tâm niệm của một người tu. Mang những lời nói đạo và tâm niệm của một người xuất gia tu hành đi vào cuộc đời, với ánh mắt biết tỏ tia nhìn trong bao dung và độ lượng, với bàn tay biết nâng đỡ người đắm chìm chơi vơi và đôi chân biết tìm đến những nơi có khổ sầu lầm than; thì người ấy đã nói lên được thế nào là hình ảnh của một người tu rồi. Còn nếu chỉ sống với những hoang tưởng như tôi chỉ biết lời Phật qua sự giảng giải của quý thầy, chỉ ôm đồm tất cả kinh sách và băng giảng cho đầy một phòng, mà chưa một lần biết ngồi yên, nghiền ngẫm suy tư về chính mình thì những cái hiểu và biết về Phật pháp kia có ích gì chứ?

Đời sống tu hành của tôi sao có quá nhiều khúc mắc và lỗi lầm. Hết từ lỗi lầm này đi đến lỗi lầm khác và tôi không hiểu, nếu tôi có nhiều lỗi lầm như vậy, thì nghiệp lực sẽ dẫn tôi đi đến đâu vào giai đoạn cuối của cuộc đời.

Tuy nhiên muốn làm người lương thiện, nên tôi phải tập tu và tập sửa. Nghe lời Phật dạy và do có niềm tin đối với Ngài nên tôi không nản với những lỗi lầm đã tạo. Được sống một ngày, nghe một lời kinh Phật còn tốt hơn sống cả trăm năm không biết và rõ gì về Phật pháp kia mà. Nếu hôm nay tôi có tu được một ít qua các buổi ngồi thiền, tụng kinh và sửa được chút đỉnh qua việc ý thức cái ngu muội trong mình, thì như vậy đã khá hơn hôm qua rồi. Có tu và biết sửa thêm thì biết đâu ngày mai lại chẳng khá và tốt hơn hôm nay. Khi hiểu được như vậy, tôi cũng thấy bớt đi những dằn vặt và cắn rứt lương tâm qua các việc làm sai của mình. Hối hận là điều cần thiết, nhưng không nên để vì nó mà tôi thấy phiền não và khổ sầu. Để tránh được trạng thái này có lẽ tôi cần phải tích cực hơn nơi thân và tâm trong các ý tưởng lành và những việc thiện sắp tới.

Qua cách học và hiểu đạo dại dột của tôi như trên là cái học đời. Trường lớp trong một xã hội Tây phương có thể được xem là nơi truyền thừa kiến thức giữa thế hệ trước và lớp người sau. Trong vấn đề truyền trao kiến thức không có những sự đi lên về mẫu mực tâm linh mà ai biết nhiều, hiểu rộng về các dữ kiện của mọi hiện tượng chung quanh liên hệ đến con người này, là đủ tiêu chuẩn của một người học giỏi rồi. Tôi không đủ tiêu chuẩn đó nên vẫn luôn luôn là một người đứng cuối lớp. Tri thức tôi hạn hẹp, kiến thức lại càng nông cạn, thì làm sao có thể vươn mình đi tới, trước quá nhiều người giỏi hơn tôi. Tôi cũng chẳng cần quan tâm mấy về chuyện học, vì thế giới mà tôi sống sẽ không phải ở giữa đời để tranh đua với đời, mà là ở chùa. Đất nước mà tôi sẽ ở cũng không phải là Đan Mạch mà sẽ là một nơi nào đó bên kia quả địa cầu.

Tôi cũng tin rằng đời một người tu luôn luôn có phước và phần của một người tu dù kẻ ấy học dốt, ngu si và khờ dại. Còn ở đời dù đã có lắm kẻ thông minh và tài trí hơn người nhưng cả cuộc đời họ có mấy ai lại thoát khỏi nhiều cảnh khổ đau. Khi mà mục tiêu chính của đời sống con người là luôn luôn hướng về sự hạnh phúc thì cái học, bằng cấp, việc làm, tiền bạc giàu sang hay danh vọng, chỉ là cái phương tiện để tạo cho con người kia với tới được hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng nếu ai đó có được hạnh phúc rồi, do biết tu và biết tìm về trí tuệ nội tại, thì những thứ dây nhợ lằng nhằng kia chỉ là một phương tiện thứ yếu mà thôi. Không phải sao khi có rất nhiều quý thầy sống ở Việt Nam rất nghèo, ít hiểu biết về con người và thế giới bên ngoài nhưng lại rất hạnh phúc; còn có quá nhiều người sống trong những xã hội phương Tây, học và hiểu biết rất nhiều, giàu có cao sang nhưng khổ đau lại cũng rất nhiều. Đó là những hiểu biết đơn giản của tôi về cái gọi là, học hành nơi chốn nhà trường.

Tuy nhiên dầu có hiểu và lý sự gì đi nữa, thì tôi cũng buộc phải cắp sách đến trường như là để trả cho xong một món nợ đời. Ngày hai buổi sớm trưa đi học cố nuốt cho trôi những cái học khô khan chẳng mấy ích lợi đó. Trải qua ba năm học liên tiếp như vậy cũng là một sự chịu đựng lớn trong đời tôi. Nhưng rồi suy nghĩ cho cùng thì vấn đề gì cũng có những giá trị và ích lợi của nó, dù rằng ta có phủ nhận và chối bỏ đến đâu. Cái học ít nhiều vẫn là một sự khám phá mới ra thế giới bên ngoài, hay có lúc cho ta thấy được cái mâu thuẫn và khúc mắc bên trong của chính mình. Will Durant (l885-1981), một nhà triết gia và sử gia cũng có nói: "Học vấn là một tiến trình khám phá ra cái ngu dốt của chính mình"

Và nếu Will Durant đã nói câu nói đó khi ám chỉ đến cái học vấn ngoài đời còn như vậy, huống là cái học trí tuệ để khai phá ra chất liệu vô minh trong mình. Dẫu gì đi nữa tôi vẫn thích học về cái học trí tuệ hơn, và sẵn sàng trả giá đắt cho cái học ấy.

Bỏ ngoài cái học khô khan nơi trường lớp và những bài giảng mang tính tu hành trong chốn chùa chiền; tôi tìm lại nơi mình bằng những cái nhìn, phân tích, suy tư về đời sống gia đình và con người chung quanh. Đời sống của họ và đời sống của tôi vốn có nhiều khác biệt, khởi nguồn cũng chỉ là một nhận thức chấp nhận bước vào và ý thức lui ra. Nếu tôi chấp nhận như bao nhiêu người trước hoặc đồng thời với tôi đã chấp nhận, thì giờ đây con cái tôi cũng đã khá lớn rồi. Lần về Việt Nam trước đó và có dịp thăm lại những đứa bạn cũ, ai ai cũng đã có gia đình và con cái đã bảy tám tuổi. Sau mười mấy năm xa cách tôi thấy đám bạn bị khổ nhiều hơn so với đời sống học trò thuở trước, phải chăng con người chỉ được sung sướng khi còn bé, được gần cha gần mẹ để được chăm sóc với bao nỗi thương yêu. Tại sao khi lớn lên cùng được trang bị thêm cho bao nhiêu cái vốn liếng kiến thức và kinh nghiệm của cuộc đời, con người ta lại bị khổ sầu thêm. Khổ về mặt đời sống vật chất đã đành, mà đôi khi cái khổ về mặt tinh thần còn làm cho người ta cảm thấy tuyệt vọng và bức não hơn, để lắm khi dẫn đến việc tự sát.

Tôi nghĩ tưởng đến đời sống của một người con trai khi lớn lên, quen suy nghĩ theo cái quen của truyền thống gia đình, và xã hội là phải cưới vợ và lập gia đình khi đến tuổi trưởng thành. Người ấy cưới vợ và bắt đầu bôn ba vật lộn với cuộc đời để có được đồng tiền nuôi vợ. Mọi cái nghĩ và lo bây giờ không phải chỉ nghĩ và lo cho mình mà còn phải nghĩ và lo cho vợ, mọi chuyện buồn và vui giờ đây không phải chỉ mang cho mình mà phải mang thêm cả cho vợ. Rồi đâu khoảng một hai năm sau, thêm một thằng cu tèo nào đó ra đời, thế rồi không phải chỉ lo và nghĩ cho mình, cho vợ mà còn phải lo nghĩ cho thằng cu tèo. Không phải mang sự buồn vui cho mình, cho vợ mà phải mang luôn cho thằng cu tèo. Rồi đâu một hai năm sau nữa lại thêm một con bé. Cứ như vậy sự lo nghĩ, buồn vui cái trong đời sống bon chen vốn đầy khó khăn này bỗng tự nhiên kéo dài ra và dài ra thêm rồi quấn chặt lấy mình, chẳng để cho mình có phút giây nghỉ ngơi. 

Tại sao lo nghĩ và mang trách nhiệm lấy chính con người mình đây, mình cũng chưa hiểu và sống cho được trọn vẹn với những giá trị sống của nó. Thế mà mình phải lo nghĩ thêm cho người, lo nghĩ thêm cho một người chưa đủ, rồi lo nghĩ thêm cho hai người, ba người, bốn người cho đến vài mươi người chung quanh. Lo cho cái tâm tham của mình đây cũng chưa xong, giờ lại phải đi lo cho cái tâm tham của vợ, của con và của cháu mình. Lo tẩy trừ cái tâm sân hận, tức tối, thù hằn trong mình chưa xong giờ lại phải lo cho cái tâm sân hận, tức tối, thù hằn của vợ và con. Lo tẩy trừ sự si mê, ích kỷ, ganh ghét, gian dối, độc ác, trong mình đây chưa xong giờ lại phải đi lo cho cái sự si mê, ích kỷ, ganh ghét, gian dối, độc ác, của vợ, con và cả cháu mình. Thế nên người con trai ấy tuy mong có được đời sống tự do, hạnh phúc, an lạc và ít lo phiền trong đời sống hàng ngày lại bỗng nhiên rước vào tất cả những gì buộc ràng, lo phiền, tính toán, buồn vui trong cái cách rước vợ, con và đời sống gia đình vào với chính mình. Hình như con người ta luôn muốn tìm một đời sống an lạc, nhưng họ lại hay thích rước vào một đời sống có nhiều lo phiền.

Tôi quen biết một vài gia đình trong thời gian sống tại Đan Mạch, và đôi lúc rảnh tôi hay đến nhà những người bạn ấy chơi. Có gia đình gồm nhiều con nhỏ, chúng nó phá phách đến nổi chắc ông trời cũng phải sợ. Hết trèo lên bàn lên tủ nhảy xuống cho đến ném cái này, xé cái kia, đôi lúc la khóc, đánh nhau và đập bể đồ này vật nọ. Thế mà người cha người mẹ bạn tôi lại tỏ vẻ nhu hòa, và chịu đựng trong cái tình thương yêu nồng nàn của những bậc làm cha làm mẹ đúng nghĩa. Phải chăng một khi người ta đã tình nguyện rước vào thì họ cũng đã chấp nhận chịu cái kết quả của nó. Riêng tôi khi nhìn thấy cảnh ấy, có chút tưởng tượng hơi quá trong lòng rằng, nếu một mai cái ngu hay nghiệp lực nào đó bất chợt đến để tôi phải có vợ và con thì sẽ ra sao? Gặp những cảnh ấy tôi tin chắc rằng, nếu mình không mau điên thì cũng sớm bạc đầu! 

Có gia đình không có con nhỏ nhưng toàn là những người lớn với nhau. Đôi lúc tôi đến là cảnh tượng họ đang ngồi nhậu nhẹt hoặc chơi đùa bài bạc với nhau. Cuộc sống ủa cái gọi là gia đình với ý nghĩa vui vầy và hạnh phúc là như vậy sao? Là có được niềm vui giữa các món ăn nhậu, có được những câu chuyện qua lại hơn thua được mất giữa cuộc đời. Những cuộc vui qua tiệc tùng nhậu nhẹt, qua lời nói tiếng cười kia thật sự mang một ý nghĩa nào đây, hay nó chỉ là một hình thức né tránh cái khổ của con người và cuộc đời. Chung quanh họ dĩ nhiên có nhiều người đang rất khổ, bên ngoài cuộc đời cũng đầy rẫy những sự nhiễu nhương, nhưng họ đã bất kể và chỉ biết sống trọn vẹn cho họ với những cái thú vui như vậy. Tôi thấy trong đó cái khuôn mặt thật của con người thế gian và cuộc đời, ở đó không có sự hy sinh, hiểu biết và thương tưởng đến người khác ngoài bản thân mình và gia đình. Tôi thấy do cái xác thân mà mỗi người đang mang này, người ta tạo ra vô số tội trong việc ăn thịt, sát hại loài vật, tạo nhiều điều xấu xa để mang cái tết về cho thân này. Con người cũng làm tất cả cho thân này để được ấm êm, sung sướng và khoái lạc nhưng để rồi ý nghĩa gì đây khi một mai kia thân này cũng cằn cỗi già nua, và phải bỏ lại một khi trút hơi thở sau cùng có những lúc đi học trên các tuyến đường xe buýt, tôi thấy những ông già bà cả người Đan Mạch thật tội nghiệp.

Họ phải đi đứng với những cây gậy và có lắm khi nhờ vào người khác nâng đỡ. Chắc khoảng vài mươi năm trước, họ không bao giờ nghĩ tưởng đến cảnh tượng họ đang có như ngày hôm ấy. Cái sức khỏe và sắc đẹp khi thời thanh thiếu nay còn đâu, mà nhường bước lại cho sự đau yếu và già nua của con người. Nhìn những khuôn mặt bị rạch qua chẻ lại với trăm nét nhăn nheo, tôi thấy xấu làm sao; nhưng tôi không quên mình và biết nhìn lại mình để thấy, chắc gì vài mươi năm nữa tôi lại sẽ được như họ. 

Chúng ta là những con người thì ai cũng bước dần đến cảnh ấy, chỉ điều sớm hay muộn mà thôi. Tuy nhiên có học và tu Phật thì khi cái già hay bệnh tật đến, ít ra tôi vẫn còn sở hữu được một điều gì mà cái già và bệnh tật không thể nào cướp đi được. Đó là cái học, tu Phật để có công đức và trí tuệ! Còn biết bao người kia khi gặp cảnh già và bệnh tật, họ chỉ biết sống trong nỗi cô đơn và sầu khổ, trí nhớ quên trước lẫn sau của con người.  Cái tâm thường ngày chứa đầy các điều tranh danh đoạt lợi, ái ân dục vọng kia sẽ dẫn họ đi đến đâu một khi nhấm mắt qua đời.

Dẫu tôi có sống trong ảo tưởng lớn nào đi nữa, đôi lúc có bị mê mờ khi khởi tâm tham luyến một sắc đẹp nào, một hình dáng yêu kiều xinh xinh kia; thì khi nghĩ tưởng đến những người cha, người mẹ cô gái ấy với đời sống phàm tục, chẳng chút ý nghĩa như vậy tôi cũng thấy chán nản trong lòng. Không và sẽ không bao giờ tôi có thể hạ mình cúi xuống lạy những người mà chỉ biết sống một đời tầm thường, nhỏ nhen kia và xưng tụng họ là cha hay mẹ của mình. Tôi chỉ có thể cúi xuống lạy những người sống một cuộc đời hy sinh và hay làm hạnh lợi tha cho người. 

Tôi chỉ có thể lạy những bậc thánh hiền và chư Phật, những bậc đã xả thân trong trăm ngàn đời kiếp để cứu độ chúng sinh. Tôi phải quên đi cái xác thân nhỏ nhen và đã chứa đầy tội lỗi này để sống một cuộc đời cho người, thay vì chỉ biết sống cho mình. Phải quên đi cái ích kỷ và tầm thường của nhân thế, để học cho được cái rộng rãi và bao dung của các bậc thánh hiền. Nếu học và sống được một phần nào như vậy thì 30 tuổi, hay 40 tuổi chết đi, cũng là cái chết có ý nghĩa và lợi lạc. Còn phải sống mãi trong cảnh già nua và bệnh tật, trong cảnh bại hoại tâm trí và tiếng khóc than réo gọi của con cháu, gia đình thì có ích chi; khi nó chỉ tạo thêm nguyên nhân để níu kéo tôi thác sánh trở lại làm con, làm cháu của cháu con mình.

Trong nhận thức như vậy tôi thấy mình có sự vững tâm để chấp nhận đời sống cô đơn, buồn tẻ trong một căn nhà. Giữa cảnh sống hưởng thụ và đua đòi của thiên hạ, tôi sống tạm đủ với những vật sở hữu giản đơn của mình. Giữa cảnh vui của tiệc tùng, ăn uống nhậu nhẹt và sum vầy trong gia đình của nhân thế, tôi sống một mình trong lặng lẽ và ngày ba bữa với mì gói, lấy câu kinh tiếng kệ làm niềm vui cho đời sống của mình. Thế đấy là tâm niệm và đời sống tu hành của tôi, trong những tháng năm đầu chập chững nơi bờ mé cửa đạo!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3797)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4780)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6792)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5912)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6193)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 6900)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5368)