Chương 2. Phương tây

10 Tháng Bảy 201515:12(Xem: 3902)

TỰ TRUYỆN MỘT NGƯỜI TU 
Thích Hạnh Nguyện 

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

CHƯƠNG 2
PHƯƠNG TÂY

Nhu yếu vật chất, đời sống vật chất rất cần thiết cho xã hội, hay quốc gia; nó nhất định là cần thiết. Nhưng cũng cùng lúc sự tiến bộ vật chất và thịnh vượng nơi tự nó, không thể làm phát sinh ra sự an bình trong tâm. Sự an bình đó chỉ có thể đến từ bên trong ta. (Đức Dalai Lama). 

Tôi không rõ những đám bạn ở trại nói thiệt hay nói  chơi rằng: "Khi đến phi trường Đan Mạch coi chừng bị đám con gái xứ này bắt cóc". Câu nói ấy gợi lên trong óc tôi những ý tưởng tò mò ngồ ngộ, vì sao lại bị tụi con gái bắt cóc nhỉ? Bắt cóc để làm gì? Và tại sao không hi những người đàn ông bắt cóc, mà lại bị con gái bất cóc. 

Sau khi tìm hiểu cặn kẽ ra tôi mới biết được rằng xứ Đan Mạch là xứ của đàn bà, gái thừa trai thiếu nên người ta khi nói về Đan Mạch hay cứ tưởng bở như vậy. Tuy chưa hình dung ra được một xứ Đan Mạch là như thế nào và con người ở đó trông giống ra sao, nhưng tôi biết xứ ấy đẹp và giàu có lắm, qua thư từ kể lại và những bức hình mà anh chị đã gửi về cho gia đình. Nay được biết thêm xứ này có nhiều đám con gái ưa chuyện bắt cóc thiên hạ, làm tôi càng háo hức thêm muốn được đi để biết sự thực. 
 
Khi đặt chân đến phi trường, tôi chưa định rõ được mùa ấy là mùa gì, tuy nhiên tôi cảm thấy lạnh tê cóng cả thân người. Tôi không còn nhớ để nhìn quanh đâu đó xem có những cô gái nào đang tìm cách bắt cóc người hay không, mà chỉ đứng yên sợ hãi khi bước ra khỏi máy bay.

Cũng may, là liền khi đó có một cô người Việt phụ trách lo về người tỵ nạn ra đón tôi, nên sự việc cũng chẳng lấy làm rắc rối. Sau khi ra khỏi sân bay; tôi gặp anh chị tôi đứng đón chờ. Anh chị cười khì khi thấy tôi lóng ngóng đi mà run cầm cập trong cái không khí tương đối ấm áp lúc bấy giờ. Tháng 9, tháng hơi muộn của mùa hè và bắt đầu chuyển sang thu, nhưng không đến nỗi lạnh lắm nhất là đối với những con người của xứ này. Tháng này là tháng đẹp trời nhất, và người dân sống quen ở đây thì chỉ cần mặc một chiếc áo mỏng cũng đủ. Còn tôi thì lại co ro và run run như gà phải nước, thân thể đen đúa và gầy nhom vì có phần thiếu chất. Thật là bước đầu đến xứ người trông chẳng giống ai.

Xe chở tôi và các em xuyên qua những xa lộ ngoằn nghoèo, sạch bong như được lau chùi kỹ lưỡng. Thời gian này là thời gian chuyển mùa, nên cây lá cũng bắt đầu chuyển mình trở màu vàng úa và rơi rụng từ từ. Phong cảnh tuyệt đẹp làm sao, ví chằng khác nào những bức tranh thơ mộng mà tôi đã có lần xem qua. Tất cả đều đẹp, ngay cả những con người và đồ vật nơi xứ này cũng đẹp; tôi trong niềm hân hoan tột cùng ấy, cảm thấy phơi phới trong lòng.

Tôi và các em không bị buộc phải đưa về nhà của văn phòng tỵ nạn, như những người khác khi đến Đan Mạch lần đầu mà không có thân nhân đón nhận, mà lại được đưa thẳng về nhà anh tôi. Căn nhà thuê trên một tầng lầu của khu chung cư thuộc tỉnh Odense, thành phố lớn thứ ba ở Đan Mạch. Anh chị em gặp lại trong sự xúc động, vui mừng và hàn huyên đến tận thâu đêm. Anh chị em khi ở gần thì thường có chuyện và cãi nhau, nhưng khi xa nhau thì mới biết được cái tình của gia đình là thế nào. Tình cảm trong gia đình nhất là cùng cha, cùng mẹ với nhau rõ thật là một thứ tình cảm keo sơn lắm, đôi khi không nói và chẳng diễn tả thành lời nhưng tự sâu trong tiềm thức, nó như ẩn tàng và thấm tháp vào từng thớ thịt, đốt xương. Gặp lại anh chị tôi cũng mừng, nhưng có lẽ mừng hơn hết là ở nơi anh chị tôi, vì anh, chị xa cách quê hương đã lâu rồi. Sống nơi xứ lạ với sự lạnh lẽo tình người cũng hàng mấy năm nên giờ đây được gặp lại và sống chung với người thân, anh chị tôi như bắt được của báu.

Săn sóc tôi và các em trong thời gian đầu là bổn phận của anh chị, những người lão làng trong một thế giới đa sắc và kỳ lạ này. Từ chuyện giấy tờ, thông dịch, tiền bạc mua sắm cho đến đi bệnh viện, đến trường anh chị đều nhất nhất lo toan dù rằng anh chị tôi khá bận rộn với những chương trình học của mình. Tôi cũng không ngờ cái định mệnh nào đó đã quá tốt đối với tôi, để đưa dẫn xui khiến sao đó mà tôi được đến sống tại xứ Đan Mạch này. Mấy hôm sau ngày tôi đến, anh chị tôi chở về một xe đồ mới tinh từ văn phòng ty nạn. Đồ đạc hàng trăm thứ, từ chén bát muỗng nĩa, nồi niêu, máy hút bụi, áo quần đủ kiểu cho đến cả một thùng đồ nghề sắt để sửa sang và làm việc trong nhà. Rõ ràng là chính phủ và bộ xã hội tỵ nạn ở đây lo lắng cho người ty nạn quá, họ chu cấp quá đầy đủ và vượt trên sức tưởng tượng của tôi. Sau đó tôi còn được cho tiền để đi mua sắm. Nhìn chung một xứ sở lo đầy đủ cho người dân, dù đó là dân ngoại quốc thì đó quả là một xứ sở có lòng nhân ái không cùng.

Rồi tháng ngày dần trôi, tôi không còn cảm thấy xa lạ và bỡ ngớ như thời gian đầu nữa, và đã có thể làm chủ được một số vấn đề. Dần dần tôi cảm thấy mình độc lập hơn với các anh chị em chung quanh, và bớt lệ thuộc hơn vào các anh chị tôi về mặt ngôn ngữ và giấy tờ. Ai rồi cũng sẽ quen với một môi trường và xã hội mới, và khi lứa tuổi của tôi là lứa tuổi mới lớn nên sự hội nhập vào cuộc sống và văn hóa của xứ người.

Khi có đủ khả năng để sống tự lập, tôi bắt đầu có ý định dọn ra ở riêng mặc dầu không có sự bằng lòng của anh tôi. Hai em gái tôi thì đã yên phận về ở chung với chị rồi, nó cũng còn rất nhỏ nên cũng khó mà tự lo được cho mình. Còn tôi thì đã đủ trưởng thành trong nhận thức và va chạm trong cuộc sống, nên việc ở riêng có thể sẽ không là một vấn đề, thoải mái hơn và tự do hơn là đằng khác. Ở một xã hội Tây phương, người ta có được trọn quyền quyết định khi người ấy đến tuổi 18, một lứa tuổi mà con người và xã hội ở đây xác nhận là đã trưởng thành. 

Người con có quyền dọn ra khỏi nhà cha mẹ, anh chị em và được quyền có một cuộc sống riêng tư. Cái khó khăn về tài chánh và các nhu yếu khác đã được bộ xã hội nâng đỡ một cách tận tình. Cứ đến đầu tháng là có tiền của văn phòng tỵ nạn, nếu mới đến sinh sống dưới 18 tháng thì bộ xã hội chi trả, sau thời gian 18 tháng gửi qua nhà băng. Số tiền mà họ cấp phát được căn cứ theo sự tiêu dùng bình thường của một công dân Đan Mạch, nhưng dĩ nhiên đối với tôi lại  nhiều lắm vì ăn uống nhất là ăn chay thì đâu có tốn kém. Thế nên người dân sống ở xứ này, không một ai phải bận tâm lo lắng về mặt tài chính cả, nên hiện tượng dọn ra riêng quả là một điều quá dễ dàng. Tiền nhà và những chi phí khi dọn ra riêng bộ tỵ nạn hoặc xã hội cũng đài thọ tất cả, nên người ta khi đến tuổi trưởng thành chẳng có mấy ai chịu sống chung với gia đình. Tôi không là ngoại lệ.

Tuy nhiên đối với người Á đông thì đây có thể là một vấn đề! Vì truyền thống gia đình, vì tình cảm thiêng liêng giữa những người trên, kẻ dưới nên điều này thường ít được cho phép. Một sự ra riêng quá khích có thể sẽ gây ra  một cảnh tượng dứt tình. 

Tôi và anh tôi đã không đến nỗi phải đổ vỡ lớn, lúc tôi nói với anh rằng tôi sẽ dọn ra riêng, nhưng tôi biết rằng anh tôi không vui và có thể đó là lần tôi làm anh tôi buồn nhất. Nhưng tôi đành phải làm vậy vì tôi có đời sống riêng tư, nhất là việc ăn chay, tính tình khó chịu của tôi đối với những món ăn mặn cũng làm tôi thấy khó khi phải chung đụng với bia rượu, thịt thà hàng ngày của anh tôi. Tôi đã xin lỗi anh vì tôi không thích sống chung và cần phải dọn ra riêng, anh tôi buồn và la tôi, tôi nghe nhưng lầm lì không cãi lại và chờ dịp thuận tiện tìm nhà trước để rồi nhân một khi anh tôi đi học, tôi ôm hết đồ đạc dọn ra sống riêng bên ngoài. Thế là cũng đủ lắm rồi, tình nghĩa anh em  gia đình tôi cũng gọi là có đáp trả qua thời gian 6 tháng sống chung, tình nghĩa ấy giờ đây cần phải có sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Tôi thầm nghĩ trong lòng như vậy.

Nhưng quyết định dọn ra riêng cũng chẳng làm tôi khá hơn được bao nhiêu, vì tôi phải tự mình đương đầu và giáp mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống. Từ vấn đề nhà cửa, học hành đến những vấn đề nhỏ nhặt khác, nhưng có lẽ tôi có sự hài lòng vì tôi được tự do và được thật sự sống như một người lớn, nhất là tôi được tự giữ tiền và tiêu xài theo ý riêng của mình. 

Nếu lúc trước tôi hay chê trách anh chị tôi sao ít viết thư và gửi quà về gia đình, thì bây giờ sau những tháng năm đầu gửi quà liên tục về nước, tôi đã dần vơi đi qua thời gian. Con người có lẽ ai cũng vậy, lúc nào cũng trăng mật và thắm thiết trong một thời gian đầu, để rồi với cái bản tính cố hữu riêng tư, thương mình nhiều nhất rồi mới đến thương người, đối tượng thương yêu kia bỗng sớm chớm nhạt nhòa dần trong ký ức. Tôi không phải là hạng người quên tình thiếu nghĩa, mà chỉ là người có tính hay quên đối tượng và cảnh vật bên ngoài. Mặt khác cũng có thể cái bản năng sinh tồn và tự thương mình đâu đó ngày một lớn thêm, qua điều kiện sống và môi trường, nên tôi đã không một lần nghĩ tưởng lại và nhớ về quá khứ nữa. Phải chăng đó cũng là một cách trốn tránh thực tại, thực tại của quá khứ hay thực tại của một sự sống bên kia bờ đại dương.

Cái quá khứ và những thảm cảnh bên quê nhà đã từ từ phai nhạt, mờ ảo dần. Những bức thư dài hàng mấy trang cho má và gia đình, đã còn lại trong rơi rớt và miễn cưỡng. Những đồng tiền, gói đồ đầy ắp hay được tôi lo lắng và tìm cách gửi về nhà khi trước nay cũng đã nhường bước cho những lý lẽ, những viện dẫn này nọ kia. 

Thay vào đó tôi bắt đầu chú ý và lo đến đời sống cá nhân mình nhiều hơn. Tôi thích tiền bạc và một đời sống vật chất thật cao sang. Khi tiền bạc có thể mua được tất cả những gì con người muốn, và như John Milton (1608-1674), một nhà văn nhà thơ Anh nổi tiếng khoảng cùng thời với Shakespeare có nói: 

"Tiền bạc mang lại sự tôn vinh, bạn hữu và chinh phục".

Minh chứng hùng hồn nhất cho tôi thấy là sự giàu sang về mặt tiền bạc vật chất của xứ Đan Mạch, đã biến cải một xã hội nông nghiệp nghèo nàn thuở trước của họ thành một xứ văn minh tân tiến, và con người do có điều kiện nên cũng trở nên có học thức hơn, lịch sự hơn và đầy tình nhân ái. Tôi không quên được những cái khổ về mặt vật chất bạc tiền ở quê nhà, đã đưa con người tệ hại gần như bán rẻ cả lương tâm. Đời sống đầy sự lầm than cũng từ đó mà ra. 

Rồi đến cái ăn diện bên ngoài và cái trau chuốt bộ mặt để được dễ coi hơn, đẹp trai hơn. Có mấy ai sống trong cuộc đời này mà không bỏ một phần lớn thời giờ ra để săn sóc dáng vóc của mình. Người ta đã chẳng có nói sao. Đẹp  là hạnh phúc.  

Từ mái tóc kiểu cọ, đến cách học đòi nhuộm tóc -vì tóc tôi do máu xấu nên có nhiều tóc bạc, rồi vì có cái miệng hô nên tôi muốn làm lại hàm răng cho ngay ngắn, và khi thấy tôi xí xớn quá, anh tôi phải buột miệng mắng cho một trận: "Mày mới qua mà bày đặt quá vậy, học không lo học mà học đòi nhuộm tóc, làm răng". Rồi để cho được dễ nhìn hơn, tôi đã ăn nhiều bơ, phô mát và uống sữa thật nhiều để cho chóng lớn, vì tôi lúc đó rất lùn và nhỏ con.

Có thể cách sống, đua đòi như vậy không phải là bản tính và phù hợp với con người tôi, nhưng tôi vẫn phải làm cho giống người và giống một số bạn bè cùng lứa. Tụi nó đứa nào lại chẳng đẹp và bảnh trai qua những bộ y phục model kỳ cọ đắt tiền. Đứa nào lại chẳng sống đời se sua chưng diện, tìm những thú vui trong các sinh hoạt bè bạn tiệc tùng hàng ngày. Sống gần họ thì ít nhất tôi cũng phải tập cho giống, vì đó mới là cách sống của một người thanh niên đúng nghĩa trong một xã hội có tiền của, quyến rũ mời mọc sự thụ hưởng. Tuy nhiên cũng trong một mức độ nào đó, tôi thấy mình có sự giới hạn về mặt trai gái yêu đương thể xác lãng mạn tại xứ này.

Tôi bỗng thấy những đứa bạn bên trại nói đúng về cái gọi là, hiện tượng con gái bắt cóc con trai ở xứ Đan Mạch. Dĩ nhiên là những người con gái thông thường vốn tự bản chất đã có kỹ thuật tinh vi và phương cách bắt cóc con người rồi. Không cứ phải là ba bốn cô gái ùa đến một chàng trai nào đó kéo vào xe và chở đi, nếu vậy thì cách bắt cóc kiểu ấy cũng đã quá xưa và lạc hậu rồi. Cách bắt cóc của những người con gái hiện đại ngày nay tinh vi lắm qua sự kết thân, giọng nói, kiểu cười, dáng đi, ánh mắt long lanh hoặc gương mặt sầu khổ tội nghiệp. Họ cũng có thể giả bộ như rất chân tình hoặc đôi khi đóng vai bất cần nhưng lại rất cần. Tùy theo đối tượng họ nhắm đến mà ra chiêu, đối với những người háo sắc, họ chuốc phấn thoa son ướp dầu và bận mặc hở hang khêu gợi. Đối với những người sống thật tình, họ làm bộ như vẻ chân tình và có sự cảm thông. Đối với kẻ ăn chơi, họ đem đời sống chơi bời phóng đãng ra trước dụ dỗ. Đối  với kẻ hiền lương đạo đức, họ đem đức hạnh của người xưa, sống nề nếp gia phong ra làm hoạt cảnh. Thiên mưu vạn chước như trên thì đố mấy ai thoát khỏi mà không bị bắt cóc nhỉ?! 

Rõ ràng là đám bạn thanh niên choi choi cỡ tôi bị bắt cóc nhiều nhất sau một vài tháng đến Đan Mạch. Các cô gái đánh hơi cách nào mà biết rất tài tình, họ tìm đến những căn phòng các chàng thanh niên để bắt bạn. Từ bạn bè ve vãn nọ kia đi đến việc ăn nằm với nhau và sau cùng là có con. Đến lúc ấy họ mới liền trở mặt và bye-bye. 

Theo luật định chung của xã hội Đan Mạch thì nếu người nào có con, họ sẽ phải trả tiền con cho người mẹ để nuôi con cho đến khi đứa bé được 18 tuổi. Các cô gái Đan Mạch đã dùng chiêu ấy, để ăn nằm với một số người ít hiểu biết mới đến, để rồi sau, có một vài đứa con là cô ung dung hưởng nhàn với số tiền trợ cấp thêm mỗi tháng, kéo dài đến 18 năm trường. Các cô ấy không những lãnh tiền từ người cha đứa bé, mà cô còn lãnh tiền của cô, của đứa bé từ bộ xã hội, cứ mỗi ba tháng một số tiền tương đối khá lớn tài trợ cho việc mua đồ chơi cho đứa bé được gửi đến và như vậy, khi có một đứa con vô thừa nhận là cô đã được nhận thêm ba bốn khoản tiền khác nhau nữa rồi.

Có ít nhất là vài đứa bạn của tôi trúng kế này, khi bị rồi thì chắc gì không bị xác xơ nếu còn nhận tiền từ bộ xã hội, nhưng nếu có việc làm thì cũng đau lắm chứ, vì cứ mỗi tháng lại phải trích ra một số tiền lớn để trả cho cái nợ vô duyên và chẳng chút ý nghĩa này. Thật là: "Một phút đam mê, muôn năm bị trói buộc". Cũng may là nhờ trời Phật phù hộ nên tôi chưa bị mắc mồi! Tôi thích đời sống vật chất tiền bạc của cải, hơn là đời sống phong lưu đa tình như mấy đứa bạn ngu si mắc lưới kia. Vui đâu không thấy chỉ thấy tự nhiên mang nợ suốt đời. Đời sống vật chất chẳng qua cũng là vật chất, tôi có thể tậu rất nhiều nhưng nếu có chuyện tôi cũng có thể bỏ mà không phải gánh lấy trách nhiệm và bổn phận. Vật chất là vật vô tình, nó cũng có thể cho tôi những phút giây sung sướng, hạnh phúc, nó sẽ không làm phiền nhiễu hoặc quấy rầy tôi như những vật hữu tình khác phái kia. Có lẽ do không đến với đời sống ái ân trai gái lãng mạn như chúng bạn, mà tôi dồn hết năng lượng vào đời sống hiện thực của vật chất, và sự chưng diện bên ngoài chăng? Tôi thỏa thích chơi vơi trong những đam mê đồ vật, bạc tiền và sự trau chuốt cho mình. Những đồ vật mới tinh còn nguyên trong hộp nằm rải rác trên bàn, những bộ quần áo đời mới chất đống, những đôi giày đắt tiền, những hộp kem thoa mặt, dưỡng da trong hộc tủ ngăn kéo, là kết quả của những mưu kế tính toán. Tôi có thể dễ dàng lươn lẹo trong cách nói, trong giấy tờ để qua mặt những người cố vấn xã hội, hầu có thêm được những món tiền lớn để trang trải những đồ vật mới mua. Có khó khăn gì đối với tôi bằng những mánh khoé, gian lận giữa một xã hội văn minh mà những người ở đây thường chỉ sống bằng lòng độ lượng và sự tín cẩn. Tôi hay biện minh cho mình qua nhưng cái gian lận lặt vặt như đi xe buýt chui, nhảy tàu trốn vé, nói dối gạt người v.v.. và cho đó chỉ là những điều tầm thường, có làm cũng chẳng tai hại cho mấy ai. Với tôi hình như vô trong các siêu thị ăn cắp đồ mới là xấu, là điều đáng nói và chê trách! còn những chuyện như tôi làm kia thì có nghĩa lý gì, vì chỉ gian dối chút đỉnh thôi mà. Các bạn tôi đứa nào mà chẳng đi tàu chui và ăn gian vé xe buýt như vậy biết bao lần!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3797)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4780)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6792)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5912)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6193)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 6900)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5368)