Tam sao thất bổn

05 Tháng Tám 201403:18(Xem: 7468)
TAM SAO THẤT BỔN
HoàngTá Thích

blankMột người bạn của chúng tôi ở Mỹ về thăm quê hương, gặp một vấn đề về sức khỏe , phải vào bệnh viện gấp . Ngay lập tức , tin xấu được truyền tới Mỹ cho bạn bè .

Sáng hôm sau , tôi nhận được một lúc hai lá thư điện tử từ Mỹ gửi về .

Bức thư thứ nhất : Nghe nói bạn A về Việt Nam chơi, trong lúc chờ máy bay về Mỹ thì bị đột quỵ phải vào bệnh viện gấp . Xin bạn bè cho biết tin tức .

Bức thứ hai : Nghe nói bạn A về Việt Nam chơi bị tai nạn xe cộ vỡ sọ , phải vào bệnh viện …

Buổi tối hôm đáo , tôi dùng cơm với người bạn thân của anh A , người này cho biết A về VN làm giỗ mẹ . Tối hôm trước A có đi uống rượu với một số bạn bè ; lúc đang đứng chờ taxi để về nhà thì choáng váng mặt này và té xỉu , được đưa vào bệnh viện . Bác sĩ xét nghiệm thấy trong não của có máu cục nên chuyển anh vào bệnh viện Chợ Rẫy ; hiện A còn trong tình trạng hôn mê .

Người mình có câu “ tam sao thất bổn” . Cũng một câu chuyện , nhưng diễn tiến và chi tiết được thuật lại khác hẳn nhau , dù chỉ mới qua một ngày . Có khi tam sao thất bổn không gây hại như câu chuyện vừa kể trên , vì sự kiện chính cho biết người bạn tên A có vấn đề về sức khỏe là đúng .

Cách đây khá lâu , tôi nghe được một câu chuyện : “ Một anh chàng sinh viên nghèo , nửa đêm nửa hôm , trời đang mưa lại leo lên mái nhà câu trộm điện bị điện giật chết” . Tôi không quen biết nạn nhân nên cũng không quan tâm , nhưng khi nghe xong , trong lòng vẫn nổi lên một kết luận , “ Trời đang mưa mà còn leo lên nóc nhà để câu điện , chết cũng phải thôi , đầu óc như vậy mà cũng là sinh viên” .

Sau đó tôi tình cờ gặp người quen , trong câu chuyện người này nhắc đến cái chết của anh chàng sinh viên kia , có bà con với ông ta . Hóa ra người chết là thanh niên đã đi làm việc . Nhân sinh nhật của mẹ , anh ta tặng mẹ một cái máy vô tuyến truyền hình , nhưng vì truyền hình có trục trặc nên anh ta phải chân trần leo lên sân thượng để điều chỉnh . Vì là món quà sinh nhật nên cũng nóng lòng muốn cho mẹ xem những hình ảnh trên màn ảnh truyền hình . Nhà anh ta là nhà ngói hai tầng nhưng lúc từ sân thượng đi xuống , anh ta vô ý đạp nhằm miếng tôn của nhà bên cạnh đang sửa nhà , gác qua bên này , lại chạm dây điện của họ . Tai nạn xảy ra và anh ta chết .

Chuyện tam sao thất bổn này có phần tai hại hơn chuyện kia , vì tuy kết quả vẫn là cái chết của một người , nhưng người đã chết mà còn bị rủa là đồ ngu , đồ điên , trời mưa mà còn leo lên mái nhà ăn cắp điện .

Tam sao thất bổn không phải bây giờ mà từ xưa cũng thế .

Chuyện xưa kể rằng một hôm Khổng Tử dẫn một đám môn đệ sang nước Tề , gặp lúc nước Tề đói kém . May có một phú hộ biết tiếng Khổng Tử , đem đến cho một ít gạo . Khổng Tử bảo Tử Lộ đi kiếm củi và Nhan Hồi phụ trách nấu cơm , vì nghĩ Nhan Hồi là một học trò chính nhân quân tử . Trong khi Nhan Hồi nấu cơm thì Khổng Tử ngồi phía ngoài đọc sách . Nhìn qua cánh cửa khép hờ , KHổng Tử thấy Nhan Hồi vốc một nắm cơm cho vào miệng . Khổng Tử vừa đau đớn vừa thất vọng vì không thể tưởng tượng được Nhan Hồi lại có thể ăn vụng cơm của mọi người .

Đến khi mọi người quây quần quanh nồi cơm , Khổng Tử nói : “ Ta muốn trước khi ăn , bới một bát cơm để cúng cha mẹ , các con có ý kiến gì không ?” . Đám học trò trả lời là nên , chỉ trừ Nhan Hồi im lặng . Thấy vậy Khổng Tử lại hỏi : “ Tại sao chỉ có Nhan Hồi không có ý kiến ?”và nói tiếp : “Bởi vì con phụ trách nấu cơm , nên ta cũng muốn biết nồi cơm có được sạch sẽ hay không ? Nếu chưa ai đụng vào thì mới có thể cúng cho cha mẹ được”. Lúc đó Nhan Hồi mới trả lời : “ Không nên cúng vì nồi cơm không được sạch. Lúc nãy khi nồi cơm đã cạn , thì con giở nắp để trộn cho đều, chẳng may một đám bụi trên trần nhà đổ xuống , con định vớt phần cơm trên mặt đổ đi , nhưng nghĩ lại , cơm thì ít, người thì đông , nên con đã ăn phần cơm dơ , cho đỡ mất một phần ăn . Bây giờ coi như con đã ăn xong rồi”. Khổng Tử nghe mới vở lẽ ra .

Thế mới biết có những điều mình chứng kiến trước mắt mà cũng không hiểu rõ sự thật như thế nào . May mà Khổng Tử đã khéo léo thăm dò để biết được nguyên ủy điều đó ; nếu không thì Nhan Hồi mắc một nỗi oan , mà chính Khổng Tử cũng chịu một sự đau đớn vì nghĩ rằng người học trò mà mình tin tưởng nhất lại là kẻ không thật thà .

Uyên thâm trí tuệ như Khổng Tử mà còn có thể bị nhầm , huống hồ là người thường Thấy trước mắt mà còn bị nhầm guống gì là dư luận . Dư luận luôn làm cho người ta xao động .

Một câu chuyện khác , Tăng Sâm là một người học trò của Đức Khổng Tử . Bà mẹ Tăng Sâm luôn luôn tin tưởng vào tư cách đàng hoàng của con mình . Một hôm đang ngồi chẻ củi trướcnhà , bỗng một người chạy qua kêu lớn : “ Tăng Sâm giết người” . Bà mẹ thản nhiên ngồi chẻ củi . Một lúc sau lại có một người khác chạy qua kêu lớn “ Tăng Sâm giết người” . Bà mẹ nhíu mày : “ Làm sao có thể như thế được” và bà lại thản nhiên ngồi chẻ củi . Một lúc sau lại có một người thứ ba chạy qua kêu lớn : “ Tăng Sâm giết người” . Lần này người mẹ hoảng hốt bỏ cả công việc Chạy vội vế nhà . Thật ra có một Tăng Sâm giết người thật , nhưng là một người trùng tên với con bà mà thôi . Vững lòng tin con mình như thế nhưng dư luận tới tấp cũng làm cho mình chaop đảo , xao xuyến .

Người đới không nhữn thường thích nghe chuyện người khác , đôi khi lại còn buôn chuyện cho cường điệu khiến một câu chuyện nghe ra ban đẩu thì thế này nhưng sau khi đã qua năm ba cửa miệng thì nội dung biến đổi một cách khác hẳn , đôi khi rất tai hại . Một người không bao giớ bước chân qua sòng bạc , một hôm tình cờ theo mấy người bạn qua chơi , lại gặp một người cũng lần đầu đến đó . Hôm sau tự nhiên đã có một câu chuyện : “ Cả đời tôi không bước chân qua sòng bạc , nhưng đến là thấy ngay anh ta ở đó” . Nhỡ không may một trong hai người làm ăn thua lỗ , thế là có thể lại có câu chuyện : “Kiếm được bao nhiêu nướng cả vào sòng bài , làm sao mà khá được” . Chưa kể là nghe một người nói về một người khác , vừa hiểu không chính xác , vừa thêm đôi chút mắm muối , câu chuyện về người khác bỗng trở nên kinh khủng , đến nỗi khi gặp nhau , hai bên có thể trở thành kẻ thù của nhau .

Ở đời chuyện tam sao thất bổn kể không bao giờ hết . Tai hại nhất là trà dư tửu hậu , ngồi năm ba người không biết làm gì bèn buôn chuyện người khác . Từ một câu nói : “ Thấy dạo này hai ông bà ít đi cùng nhau” , đến hôm sau không đơn giản như thế , mà là : “ Hai vợ chồng ấy sắp ly dị rồi , Ông ta lấy một cô thư ký , có con rồi bà vợ mới hay ..”.

Nói thêm bớt chuyện người khác ,có thể đôi chối được , vì khẩu thiệt vô bằng . Không ưa người ta , đặt chuyện trên báo , lên mạng mới là ghê gớm . Mới đây một anh chàng muốn chửi tác giả một bài báo vì không đồng quan điểm . Có lẽ vì không đủ chữ nghĩa để tranh luận , anh ta chuyển hướng chụp mũ tác giả bài báo . Để thuyết phục người đọc , anh đưa ra rất nhiều bằng chứng , chứng tỏ biết rõ ngọn ngành gốc tích của tác giả , con ai , cháu ai , nào là học cùng lớp , hồi nhỏ thường đi xe màu gì , gọi ông này là bác , ông kia là chú …

Hôm sau thì tác giả bài báo lên tiếng cho biết là chẳng bao giờ học cùng trường chứ đừng nói là cùng lớp , chẳng bao giờ có địa chỉ đó , chẳng có liên hệ gì với những người mà anh kia nói ra …Tóm lại , tuy mọi chi tiết đưa ra một cách chắc nịch , chỉ là những điều bày đặt mà thôi .

Nghe nói chuyện người khác thì có thể bàng quan , nhưng những chuyện có liên quan đến mình mà không được tốt thì thế nào cũng nổi giận , làm cho ra lẽ . Nếu hiểu được thế nào gọi là tam sao thất bổn , thì có thể không cần quan tâm cho lắm , và yên lặng suy nghĩ , phân tích câu chuyện một cách hợp lý , thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng trong lòng . Không thể nào một lời nói đi được nghe lại một cách trung thực vì rất nhiều lý do . Đôi khi người nghe chỉ là bàng quan , không định nói lại , nên không nghe đủ từ đủ ý . Lúc nói lại không thể nào chính xác , Nếu người nghe mà tình cảm đứng về một phía nào đó , thì chắc chắn lời nói lại không thể nào chính xác . Nặng vế bên này một chút , thì lại nhẹ bên kia một chút và ngược lại . Nói lại cho người nình có cảm tình nghe thì sẽ nói theo tình cảm của mình . Nói lại cho người mình không thích thì sẽ nói theo suy diễn của mình .

Cái gì là sự thật trên đời này , thật khó nói vậy. (TC. Văn Hóa Phật Giáo 134)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn