TƯỞNG NIỆM HT. MINH CHÂU
Chiều rằm mùa Vu lan Nhâm thìn, hai tiếng sấm lớn đã làm chấn động chốn Cố Đô, quả địa cầu như rung chuyển. Từ thời cha sinh mẹ đẻ, có người đã năm mươi tuổi, chưa ai nghe hai tiếng sấm và tia sét khủng khiếp như vậy. Cái ngày Tất-đạt-đa ra đời, cái ngày Sa-môn Cồ-đàm chứng đạo, cái ngày đức Phật vận chuyển bánh xe chánh pháp nhiệm mầu, cái ngày Thế Tôn nhập Niết-bàn, phải chăng, đại địa cũng chấn động như vậy? Sáng ngày 16, toàn thể Phật tử chốn sông Hương bàng hoàng khi nghe tin Hòa thượng Minh Châu viên tịch, sự chấn động hôm trước của đất trời giờ đây đã thành sự chấn động của tâm hồn người con Phật, có cái gì cảm thương, quý kính, buồn đau, lo lắng, trống rỗng trong lòng hàng hậu học. Một vị cha già trí đức giới hạnh ra đi bỏ lại đàn con thơ trên chiếc thuyền lênh đênh qua ngàn trùng sinh diệt. Biết rằng chiếc thuyền cũng phải lên đường, nhưng thiếu sự chèo chống thuần thục của cha mình, chiếc thuyền ắt hẳn sẽ bấp bênh biết bao! Tôi muốn im lặng thản nhiên mà nghĩ về Người! Đốt trầm, đốt nến lên mà ngưỡng vọng về người. Không cần phải nói năng chi. Cõi không tịch đâu cần phải nghe thêm gì. Thế mà giờ đây tôi vẫn muốn nói, phải chăng đó là nhu yếu của loài người, loài người đang thấy lòng mất mát. Tôi ít quan tâm tới chức vụ của từng người trong quá khứ cũng như trong hiện tại, cũng vì lí do ấy mà tôi chỉ biết anh Đinh Văn Nam ngày xưa là một huynh trưởng trong Gia đình Phật tử, sinh hoạt và hướng dẫn thế hệ trẻ rất hết lòng, với một đức khiêm cung hiếm có. Ánh sáng viên minh châu nơi anh Nam, tôi đã tìm thấy ở chùa Kim Sơn.
Năm 1943, Kim Sơn được dùng làm nơi tổ chức trại huấn luyện cho các em Phật tử, anh Nam làm trại trưởng, lo sắp xếp tất cả mọi chuyện, từ học tập, sinh hoạt đến ăn uống. Cái thời nghèo khó cả dân tộc, đâu dễ dàng để tổ chức một sự kiện gì. Buổi sáng, toàn trại được mỗi người một tô cháo trắng, sáng nào xa xỉ lắm thì có thêm ít đậu xanh. Buổi trưa được ăn cơm đạm bạc. Chiều không ăn. Anh chị em Phật tử đùm bọc thương yêu nhau trong túng thiếu. Đó cũng là lí do để mọi người thấy mình rất giàu có. Một sáng, anh Nam về Từ Đàm có công chuyện, khi lên chở trên chiếc xe đạp cà tang một người bạn để giúp một tay tổ chức trại. Người bạn chưa ăn sáng, anh Nam nhờ chị Chương bưng lên tô cháo của mình mời bạn. Anh bảo anh đã ăn sáng rồi. Người nào phần đó, làm gì có phần dư ra mà để lại phòng có ai lên đột ngột. Đến gần trưa thì anh Nam đói bủn rủn, đã nhịn từ buổi trưa qua đến giờ trong khi phải lo bao nhiêu là việc rồi còn gì. Anh đi xuống bếp, chị Chương ơi, chị coi có cục đường đen nào không cho tui một miếng, tui đói quá. Chị Chương là người được nhờ lên nấu ăn giúp, năm đó khoảng 16 hay 17 tuổi. Chị lật đật mở gói lá chuối lấy ra bốn miếng đường để trên dĩa, mỗi miếng nhỏ bằng long tay, tay kia bưng thêm tô nước trong, anh ăn đỡ đi, có nước chè nhưng em không pha, đói bụng anh uống nước chè sẽ say. Mừng quá, anh Nam đưa miếng đường lên miệng. Tiếng các em đang tập hát ngoài sân chùa vọng vào như một bầy sơn ca, đẹp và trong như bình minh, như mùa xuân, như tuổi trẻ. Định cắn miếng đường ngọt lịm ấy, bỗng anh dừng lại, thôi chị Chương ơi, chị cất đi, tui là anh trưởng mà bây giờ lại ăn không đúng bữa, lại ăn đường của trại, thì làm sao tui hướng dẫn các em được, trưa tui ăn cơm cũng được, chị đưa tô nước tui uống được rồi, chị cất đường đi. Cô gái chưa tròn hai mươi ấy chứng kiến tất cả câu chuyện, chị quay mặt đi mà nước mắt cứ lăn dài trên má, chị thương sao một vị anh trưởng khiêm tốn đức độ thực lòng như vậy. Chị Chương ngày nào giờ đã là một bà lão tuổi quá 80, vậy mà bây giờ mỗi lần kể lại, bà vẫn không cầm được nước mắt. Tôi nghe bà kể câu chuyện ấy cho riêng tôi chí ít cũng cả chục lần rồi. Lần nào bà cũng khóc. Lần nào tôi cũng rưng rưng. Sau mỗi lần kể chuyện, mệ Chuộng (tôi thường gọi chị Chương ngày nào với cái cách thân thương ấy) bao giờ cũng nói thêm, sau này chùa xây dựng, vật liệu phải vận chuyện từ dưới sông Lựu Bảo lên, và quý Thầy cùng Phật tử, ai cũng phải bưng từng viên gạch, gánh từng gánh cát gánh nước lên để dựng chùa, vì thế mà giờ đây, từng hạt sỏi từng nắm đất trên chùa con đều quý như xương thịt của chính con. Mệ lại để nước mắt rơi. Mệ Chuộng, mệ Hường… đều đã lớn tuổi, và họ sống với những hạnh phúc ấy thật nhều. Ít năm sau, anh Nam phát tâm xuất gia, sau này trở thành thầy Minh Châu, một bậc đã đem toàn bộ cuộc đời mình hiến dâng cho chánh pháp, đem nhiệt huyết trong lòng cùng những người bạn tu dịch thuật kinh điển và viết sách, đem sự thật đến với cuộc đời. Ánh sáng viên minh châu đã tỏa chiếu rất xa. Cuộc đời anh Nam khi thành thầy Minh Châu, đã rất nhiều người biết đến rồi. Có một anh Nam là đã có thầy Minh Châu. Những gì anh Nam đã làm là những gì thầy Minh Châu đã tiếp nối. Thầy Minh Châu được sinh ra nơi chí hướng và đức sống của anh Nam. Với giáo lý tương tức, chúng ta sẽ thấy điều ấy rất thật. Và thầy Minh Châu sẽ có mặt trong con cháu dòng họ tâm linh của thầy. Con cháu trong dòng họ tổ tiên tâm linh đang tiếp tục đời sống của Thầy. Ngồi đây giữa núi đồi Kim Sơn, tôi lại thong thả chiêm ngưỡng một lần nữa ánh sáng viên minh châu ấy. Đây cũng chính là những lời bái nguyện mà hàng hậu học chúng con muốn dâng lên vị Thầy khả kính, là nén tâm hương chúng con kính cúng dường Thầy. Nụ cười hiền, ánh mắt bao la, tình thương và tuệ giác lớn của Thầy đang có mặt trên cuộc đời này. Thầy đã thành ánh sáng của núi sông. Nguyên Tịnh (Phật Tử Việt Nam)
Trở về mục lục: ● 'TƯỞNG NIỆM TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU |