Trầm tư bên vở kịch đời

25 Tháng Mười 201519:07(Xem: 4641)

TRẦM TƯ BÊN VỞ KỊCH ĐỜI
Vĩnh Hảo

 

“Does the flap of a butterfly’s wings in Brazil set off a tornado in Texas?”
— Edward Lorenz

 

con buom buomTất cả cửa ra vào và cửa sổ mặt trước của những căn nhà trong xóm này đều hướng về sân vườn chung. Nhiều loại hoa được trồng trong các bồn sát với cửa sổ của mỗi nhà; còn ngoài sân chơi thì chỉ có các loại cây có tàng lớn tạo bóng mát, vươn lên từ những vòm cỏ xanh mướt. Hoa nơi các bồn công cộng thường là những loài hoa không cần chăm sóc nhiều. Chúng thường không hương sắc, cho nên cũng hiếm khi thấy bướm bay lượn trong khu vực nầy. Bướm chỉ vờn quanh ở vườn sau của nhà riêng, nơi có những loài hoa ngọt ngào hương mật.

Sau giờ tan trường vào mỗi chiều, trẻ con trong xóm thường tập trung nơi vườn cỏ, chơi đủ trò. Không gian tĩnh mịch của người lớn mau chóng nhường lại cho sân chơi huyên náo của tuổi thơ.

Bọn trẻ bày trò lúc nào cũng ồn ào. Đua xe đạp, xe hẩy (scooter), kéo co, cút bắt, trốn tìm, và ngay cả trò chơi chiến tranh bằng đao kiếm nhựa hay súng đạn giả…

Thế giới của người lớn, của phụ huynh, cùng với sách báo, phim ảnh, vi tính, cũng các mạng truyền thông… đã đưa ra những hình ảnh, âm thanh, ý tưởng, lý tưởng, v.v… cho con nít noi gương, bắt chước. Chúng mô phỏng và thực tập những hiện thực (hay giấc mơ) của người lớn qua những trò chơi. Trò chơi của con gái thì hiền lành, biểu lộ sự chia sẻ, chăm sóc, làm đẹp (cho mình hay cho người); trò chơi của con trai thì hầu như lúc nào cũng có đua tranh, thắng-bại. Chơi đùa với nhau cũng có khi dẫn đến tranh cãi, la hét inh ỏi, có khi khóc tràn cả nước mắt nước mũi, hoặc giận hờn nhau, thề không thèm chơi với nhau nữa… nhưng rồi nhà ai nấy về, ăn no ngủ kỹ, ngày mai cũng sáp lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra ngày trước. Những môn chơi và các vai trò lại tái diễn, và khi chơi, cũng chơi rất thật, rất tận tình. Người lớn quan sát sẽ buồn cười, không hiểu tại sao con nít lại có thể cãi cọ om sòm hoặc khóc cười vì những trò chơi!

Người lớn cho rằng họ không như vậy. Họ làm tất cả với lòng thực, ý thực, vì tất cả đều là thực đối với họ: tranh giành với nhau địa vị, quyền lợi, danh vọng, từ cấp độ nhỏ đến tầm mức lớn, từ gia đình đến xã hội, rồi quốc gia, quốc tế, tạo nên những mâu thuẫn, xung đột, và tệ hại nhất: chiến tranh! Trẻ thơ không sao hiểu được người lớn, và không cần biết người lớn làm gì. Có biết chăng thì chỉ thấy rằng người lớn như đang tranh cãi và giành giật nhau những món đồ giả trong một vở kịch.

Nhưng điều khác nhau giữa trò chơi con nít và những vở kịch của người lớn, là dù sớm hay muộn, trẻ con cũng biết rằng những gì chúng làm, vai trò gì chúng đóng, đều là trò chơi, là giả; trong khi người lớn thì mải mê trong những tấn tuồng của mình, hưởng thụ và cảm nhận những hạnh phúc, khổ đau như thật.

Để có hạnh phúc cho mình, người ta quên bẵng đi những thiệt thòi, tổn hại và khổ đau của kẻ khác. Đến khi khổ đau, mất mát, thì oán trách, đổ lỗi cho tha nhân. (Thái độ này không biết nên gọi là của trẻ con hay của người trưởng thành?)

Tác động của nhân-quả thì ai cũng biết, nhưng ít người tin rằng con bướm đập cánh nơi vườn hoa sau nhà lại có thể góp phần ảnh hưởng đến sóng thần biển đông.

Không chiêm nghiệm và chứng minh được tác động của trùng trùng nhân duyên trong đời sống và vũ trụ bao la, người ta dễ đi vào quên lãng, không nhớ rằng mình đang sống trong giấc mộng dài của vô minh và ảo tưởng. Đón nhận cho mình hay gây tạo khổ đau cho kẻ khác cũng đều phát xuất từ sự lãng quên nầy.

Điều cần ý thức là chúng ta nên làm gì khi bước vào và ra khỏi những vở kịch cuộc đời. Thực hay mộng, khởi sự hay chấm dứt, đều có âm hưởng của nó; không thể hời hợt thờ ơ mãi như con nít bày trò được.

 

Thực ra, con bướm vẫy cánh xập xòe giữa đồng hoa xuân, hay khép cánh lặng lẽ trên ngọn cỏ đầu thu, đều có tác động nào đó trong đời sống vô hạn nầy. Hoa thơm, cỏ biếc, người vui hơn, có khi không phải vì hôm nay nhà có khách phương xa đến viếng, mà có thể vì tiếng nô đùa của trẻ thơ đâu đó, phương tây hay phương đông, hồn nhiên cất lên từ những khung trời đổ nát.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Sáu 2015(Xem: 3718)
Thời tiết mùa hè năm nay bất thường. Đã có những ngày quá oi bức, và cũng có những ngày lù mù, không mưa không nắng, gió se lạnh. Khí hậu đôi khi cũng tác động vào lòng người, khiến họ dễ bẳn gắt, khó chịu. Những người đã nuôi dưỡng từ lâu sự kỳ thị, thành kiến, hay tỵ hiềm nào đó, có thể bị thời tiết nóng bức châm ngòi cho sân hận và sự bạo động.
13 Tháng Tư 2015(Xem: 3593)
Những ngày tàn xuân năm ấy, gió bấc thổi không mang theo giá lạnh mà lại thốc vào cả một luồng bão lửa nóng bức, kinh hoàng. Không ai mong đợi một cơn bão lửa như thế. Bão lửa, từ bắc vào nam, từ cao nguyên xuống đồng bằng, từ rừng sâu ra hải đảo, từ thôn quê vào thị thành… thiêu rụi bao cội rễ của rừng già nghìn năm, đốt cháy bao cành nhánh của cây xanh vườn tược.
06 Tháng Ba 2015(Xem: 5371)
Mai năm nay nở sớm trước Tết. Qua Tết thì những cánh hoa vàng đã rụng đầy cội, và trên cây, lá xanh ươm lộc mới. Quanh vườn, các nhánh phong lan tiếp tục khoe sắc rực rỡ giữa trời xuân giá buốt. Đêm đến, trời trong mây tịnh, vườn sau đón ngập ánh trăng, tạo một không gian huyền ảo lung linh.
18 Tháng Hai 2015(Xem: 9220)
Vào dịp cuối năm, đầu năm, dương lịch hay âm lịch, có lẽ không có nhóm từ nào được mọi người dùng đến nhiều như là mấy chữ "Chúc mừng năm mới." Ngôn ngữ nước nào rồi cũng chỉ ngần ấy chữ, ngần ấy ý. Chúc vui, chúc mừng đến với bạn và gia đình trong năm mới...
02 Tháng Hai 2015(Xem: 7861)
Ước vọng của con người luôn là những gì tốt đẹp, sung túc và dài lâu, cần phải đạt được trong một tương lai gần nhất. Nói cách thực tế theo quán tính của người bình phàm, thì đó là hạnh phúc (phước), thịnh vượng (lộc), sống lâu (thọ). Với các chính trị gia, và những nhà đấu tranh cho dân tộc, cho đất nước, thì đó là tự do, dân chủ, nhân quyền. Với đạo gia thì đó là giải thoát, giác ngộ, và niết-bàn.
24 Tháng Giêng 2015(Xem: 3999)
Mỗi sáng sớm khi sương còn mù mịt trên sông, chiếc thuyền con của lão già đã là đà rẽ nước, hướng về bờ – lúc thì bờ đông, lúc thì bờ tây, nơi những ngôi nhà tranh và những chiếc ghe nhỏ tụ tập. Mái chèo khua nhè nhẹ như thể sợ động giấc ngủ của thế nhân.
27 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5265)
Mùa thu dường như chưa qua mà gió đông đã về tới. Mặt trời mọc sớm nhưng ánh nắng vẫn không xuyên qua nổi những tầng mây xám trên cao và sương mù nặng trĩu trên những con đường nườm nượp xe cộ của thành phố. Thời tiết bắt đầu lạnh, hơn cả tuần nay. Người không nhà đứng co ro nơi hiên của một ngân hàng ở góc đường, chờ đợi kẻ từ tâm.
25 Tháng Mười 2014(Xem: 3750)
Gió mùa thu năm nay, trở nên khô khốc, ảnh hưởng bởi nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở xứ này. Nhưng đâu đó trên hành tinh, mưa thu lất phất bay, và gió thu se sắt gợi buồn; cũng có nơi mưa ngập cả các con lộ chính của thành phố lớn để người và xe cộ phải lội bì bõm trong giòng nước ngầu đục. Và chỗ nọ, chỗ kia, làn gió dân chủ, hòa bình, khơi niềm hứng cảm cho sự vươn dậy của ý thức tự do, khai phóng.
25 Tháng Chín 2014(Xem: 5183)
Nói đến mùa thu, người ta nghĩ ngay đến lá vàng. Trên cây là những tán lá vàng rợp. Dưới đất là những thảm lá vàng, trải lấp cả lối đi. Trời dìu dịu, không có nắng chói chang. Gió se lạnh, lùa qua hàng cây bên đường. Tâm và cảnh dường như có sự giao cảm tương ứng nào đó, gợi lên một nỗi buồn man man, vời vợi. Đẹp, mùa thu thật đẹp.