Mồ Hôi Bao Giờ Cũng Mặn

14 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 5349)


Truyện Ngắn Phật Giáo

Tâm Không - Vĩnh Hữu 


MỒ HÔI BAO GIỜ CŨNG MẶN

Ngày tôi vào Sài Gòn lần đầu tiên, có cha mẹ đi theo để chăm lo cho “niềm tự hào của gia đình”. Tôi cảm thấy hạnh phúc, hình dung ra được nẻo đường trước mắt thật phẳng phiu, êm ái. Vẻ mặt của mẹ lo lắng hiện đầy, nhưng cũng đầy ắp hân hoan. Cha ít nói, mà điệu bộ thì thấy rõ hào hứng vui tươi. Tôi biết khi mình vào được Đại học Y khoa, chính thức trở thành một sinh viên, là một sự kiện trọng đại làm cho cha mẹ tự hào với chòm xóm ở cái miền quê lạc hậu. Cha mẹ tôi còn được hãnh diện với bà con thân tộc, vì trong họ tộc của cả cha lẫn mẹ xưa nay chưa từng có ai được học cao như tôi.

Cha mẹ tôi có năm đứa con. Tôi là đứa con gái duy nhất ở giữa hai cặp con trai lười nhát học hành, nghe nói đến học thì sợ khiếp như bị bắt lao vào lửa. Hai anh và hai em trai của tôi đều bỏ học hành, chưa xong hết cấp 2, chữ nghĩa kiến thức dường như đem trả hết cho cô thầy để hùng hục trở thành những chàng trai thô lỗ chấp nhận lấy những việc cày sâu cuốc bẫm làm nghề nghiệp. Cha mẹ tôi đã dồn hết những khoản chi cho chuyện học hành của con cái về một cửa còn sót lại mà tôi đã trấn giữ. Tôi không thiếu thốn thứ gì dù gia đình đang túng bấn. Tôi thuộc diện ưu tiên số một, không phải vướng vấp một khó khăn nào trên đường học vấn. Và, tôi đã thực hiện được điều mà cha mẹ bao năm mong ước kỳ vọng.

Nhờ một người dì ruột giúp vốn, mẹ mở một quán phở bán vào buổi chiều, còn sáng bán cà phê, có đồng ra đồng vào để lo cho tôi tiếp tục học lên cao, cũng là một cách thoát được những công việc chân lấm tay bùn khi mẹ đã vào tuổi trên bốn mươi. Mẹ tôi căn dặn: “Sau này con có trở thành bà nọ bà kia, thì phải luôn nhớ biết ơn của dì Út nhé!”. Dì Út là em gái út của mẹ, đã theo chồng vào Sài Gòn từ hồi tôi chưa được sinh ra đời. Mẹ có năm anh chị em cả thảy, nhưng qua bao năm đất nước lâm cảnh khói lửa chiến tranh chỉ còn lại hai chị em gái. Dì Út số sướng. Nghe kể rằng, trước ngày đất nước liền chung một dãi, dì Út khi ấy mới mười tám, trên đường ra thăm đồng đã cứu một anh Giải Phóng Quân bị thương nặng lạc đơn vị.

Dì đã quên hết sợ hãi, mang anh ta đem giấu trong nghĩa trang, hằng ngày lo cơm nước thuốc men. Sau đó, có sự trợ giúp của bác Hổ y tá vườn, anh Giải Phóng Quân đã lên được căn cứ địa Hòn Dữ với đơn vị… Hai năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đang khi dì Út không còn nhớ gì về “chuyện động trời” mà mình đã làm, thì người chiến sĩ cách mạng năm xưa đã tự tìm đến để gặp lại dì. Họ thành đôi uyên ương khắn khít sau hôn nhân đại sự vui vẻ cả làng. Dì Út theo chồng về sống ở Nha Trang, được làm trong ngành thương nghiệp mà chồng dì đang là một trong những cán bộ chủ chốt. Trải qua nhiều năm thăng trầm, vợ chồng dì Út đã tạo dựng được một gia đình ấm cúng, chuyển hộ vào đất Sài Gòn sống cho đến nay…

Dì dượng Út của tôi đã mở lời đón tôi vào ăn ở cùng một mái nhà, với điều kiện là tôi phải dành một ít thời gian ra để kèm cho đứa cho gái của dì dượng học thêm các môn chính lớp 1O. Tôi đồng ý ngay. Cha mẹ tôi cũng “mừng hết lớn”. Mừng không phải vì được khỏi lo tiền ăn học cho con gái, mà mừng vì tôi được sống trong một gia đình đàng hoàng, được quản lý khắt khe để không sao nhãng việc học, bị bạn bè xấu rủ rê chơi nhiều học ít. Cha mẹ đưa tôi vào đến nơi, một bữa tiệc thịnh soạn được bày ra mừng ngày hội ngộ. Ngay hôm sau, cha mẹ tôi lên tàu trở về, tôi rưng rưng nước mắt trên sân ga vì cảm nhận được nỗi buồn da diết khi phải sống xa rời vòng tay âu yếm của cha mẹ mình.

Cuộc sống mới mẻ đã bắt đầu ngay sau khi tôi quay lưng lại với sân ga, để trở về nơi trú thân chưa hề có lưu dấu tích gì về tuổi thơ hồn nhiên bay nhảy của mình với lòng hụt hẫng. Nhưng khi về đến nhà, được dì Út xoa đầu bẹo má, khuyên lơn dịu ngọt, tôi bỗng dưng tự tin hơn bao giờ. Tôi đứng thẳng người, và bắt đầu bước rất oai phong với tinh thần sẵn sàng đón nhận bất cứ thứ gì đang đón tiếp mình. 

… Học qua được năm thứ nhất suông sẻ, tôi lạc quan tưởng sẽ không có gì ngăn trở được những bước chân ngon trớn của mình. Té ra học đại học chẳng có gì ghê gớm, tôi nghĩ vậy. Nhưng vào đến năm thứ hai thì đủ thứ chuyện xảy ra vơi gia đình tôi ngoài quê. Cha mẹ tôi vừa mới bán bớt mảnh đất vườn sau nhà để trang trải nợ nần, gửi tiền vào thêm cho tôi, chưa kịp hoàn hồn thì được tin trong này, dượng Út bị đình chỉ công tác, vì có liên quan đến vụ thất thoát công quỹ của xí nghiệp. Dượng phải tạm thời về nằm dài mà thở dài để chờ kết luận của cơ quan điều tra. Không khí trong nhà dì dượng thật u ám. Tôi nghe dì Út khẳng định là dượng sẽ không hề hấn gì vì dượng rất thanh liêm, có thể mọi việc sẽ được làm sáng tỏ, và dượng sẽ tiếp tục công tác như xưa.

Nghe vậy thì tôi nhẹ nhõm, nhưng thời gian chờ đợi kết luận của tranh tra thật là nghẹt thở. Học về bụng đói, cơm dọn ra mà thấy dì dượng không bưng nổi lấy cái chén, uể oải ăn, thì làm sao tôi ăn cho ngon miệng được? Tối đến nhà im lìm, không như mọi khi mở truyền hình, mở nhạc vang trời vào các tối thứ bảy. Thời gian u ám kéo dài gần nữa năm. Nghe tin ngoài quê cha mẹ tôi mắc nợ mắc nần, đã đem thế chấp giấy tờ nhà để vay ngân hàng tiền xóa đói giảm nghèo. Tiền vay về một ít bỏ vào vốn liếng để mẹ bán quán, một ít trả nợ lặt vặt, một ít gửi vào cho tôi, một ít nuôi mấy cậu con trai ăn báo cô, một ít lo cho dâu trưởng nở nhụy khai hoa ra một cậu cháu đích tôn… chia năm xẻ bảy nát vụn chẳng còn gì.

Mất tinh thần, tôi bước đi chuệch choạng, có thể lạc bước vào một nẻo lạ hoắc nào đó, nếu như tôi không gặp được những đứa bạn tốt cùng khóa giúp đỡ. Trong số bạn tốt ấy, có Thạch là đặc biệt nhất. Thạch là con nhà giàu, và gia giáo. Người bạn tốt bụng này đã cho tôi vay tiền những lúc bế tắt. Thoạt tiên, tôi rất dè dặt trước lòng tốt của bạn, nhưng rồi nhận thấy Thạch giúp tôi một cách vô tư, nên tôi mới mạnh dạn nhờ cậy. Thạch còn giới thiệu cho tôi đến làm tiếp tân mỗi tối tại khách sạn ở trung tâm thành phố do người chú ruột làm chủ. Tôi bắt đầu tranh thủ thời gian kiếm thêm tiền để làm vơi nhẹ bớt gánh nặng trên vai và lưng của cha mẹ. Vừa học, vừa dạy kèm, vừa đi làm, những đồng tiền tôi kiếm được thật chua cay, đòi hỏi nơi tôi một quyết tâm dữ dội và tinh thần cứng cõi.

Có kiếm được tiền do chính tâm sức của mình trút đổ ra, tôi mới thấy thấm thía và hiểu biết rốt ráo những lời khuyên dạy của dì Út vào thời gian đầu khi tôi mới vào sống chung với gia đình dì dượng. Tôi nhớ, một lần thấy tôi ăn cơm xong còn chừa lại trong chén một ít, dì nhỏ nhẹ bảo: “Cháu hãy lùa cho hết vào miệng đi, đừng nên chừa hạt cơm nào!”. Tôi ngần ngừ. Dì tiếp: “Cháu có biết để có một hạt lúa ra hạt gạo, hạt gạo hóa hạt cơm thì phải có bao nhiêu giọt mồ hôi đổ xuống không?”. Một lần khác, bé Ly con út của dì vô ý làm văng chiếc muỗng trong chén cơm xuống nền, cơm văng tung tóe theo, dì đã lặng im ngồi xuống nhặt từng hạt cơm bỏ vào… mồm của dì, và nhai nuốt chúng. Tôi còn nhớ nhiều chuyện khác ngoài những hạt cơm mà dì Út của tôi luôn trân trọng, đề cao giá trị cho chúng ngang bằng với ngọc châu.

Thấy tôi dùng tập vở, giấy nháp phung phí, dì cũng mắng yêu một trận. Thật tình, khi ấy tôi thấy chán ngắt. Tôi vâng lời dì, nhưng bụng thì cười thầm cho rằng dì của mình có tính keo kiệt, hà tiện. Bây giờ, tôi hối hận khi nhớ lại mọi chuyện. Tôi biết quý và trân trọng đồng tiền do chính mình kiếm ra biết bao! Làm nhân viên ở quầy tiếp tân khách sạn lớn thật nhàn nhã mà dễ kiếm tiền. Tôi chỉ cần cười tươi tắn, nói năng nhã nhặn là được “puộc-boa”, đôi khi còn được mấy ông “ga-lăng” tặng cho cả quà. Có một ông Việt kiều trồng cây si theo ve vãn tôi, tặng những món quà đắt giá, làm tôi bắt đầu khiếp sợ khi nghĩ đến cạm bẫy rình rập mình từng giây phút. Khi nghe tôi tâm sự, Thạch đã đề nghị tôi nghỉ làm ở khách sạn. Chú của Thạch, ông chủ khách sạn đành giới thiệu tôi đến trợ tá cho ông anh vợ của chú vốn là bác sĩ mở phòng khám rất đông khách. 

Vị bác sĩ ấy- bác sĩ Đào Duy Lương- nổi tiếng là một bậc “từ mẫu” sáng ngời y đức, đã từng làm Trưởng Khoa của một bệnh viện lớn, sau vì nhiều lý do tế nhị ông đã xin nghỉ hưu sớm đến 5 năm, trở về mở phòng mạch tư, tham gia nhiều hoạt động của Phật giáo, về các vùng sâu vùng xa để làm từ thiện, phát chẩn. Rồi, ông được một số các bác sĩ thế hệ học trò thỉnh mời về giữ một ghế quan trọng trong Ban Biên Tập một tạp chí Y học được phát hành với số lượng rất cao. Nghe được đến làm ở một nơi thích hợp với nghề nghiệp tương lai của mình, tôi vui sướng đến không ngủ được. Công việc của tôi chỉ là lo bán thuốc đúng theo hóa đơn của bác sĩ kê cho bệnh nhân, thỉnh thoảng vào phụ giúp vài chuyện lặt vặt.

Được gần vị bác sĩ nổi tiếng khác nào gần một gia sư, tôi được học thêm nhiều điều bổ ích, đã vậy còn được bác sĩ khuyến khích và hướng dẫn viết bài tham gia một vài trương mục của Tạp chí Y học để kiếm thêm nhuận bút, đến cuối tháng còn được lãnh lương. Nhận tháng lương đầu tiên, bác sĩ Lương bảo: “Con đếm tiền đi”. Tôi đếm. Chỉ có bốn trăm năm mươi nghìn đồng. Tôi làm ở khách sạn lãnh mỗi tháng một triệu rưỡi, chưa tính tiền khách “puộc-boa” và quà cáp. Tôi im lặng, mặt hơi thất vọng. Bác sĩ lại hỏi: “Con thấy nhiều hay ít?”. Tôi cười mếu máo: “Hơi ít ạ!”. Ông bật cười ha hả, vỗ vai tôi thân mật, nói: “Những đồng lương của con lãnh được do sức lao động của con bỏ ra, muốn có để trả thù lao cho con thì bác cũng phải làm việc vất vả, và chính bác đã lấy từ trong túi của biết bao nhiêu người bệnh hoạn.

Con hãy nhớ: Những đồng tiền kiếm được do chữa bệnh đừng bao giờ chê ít hay khen nhiều. Sau này, khi con có đỗ đạt trở thành một bà bác sĩ, nếu khám chữa bệnh cho người ta mà cứ tính toán đến tiền bạc thì chính bản thân sẽ mắc bệnh khó chữa đấy!”. Tôi sững sờ trước những lời giáo huấn của một người thầy đức hạnh. Ông lại cười: “Con thử liếm những tờ giấy bạc trên tay xem nào!”. Tôi hơi lúng túng: “Thưa bác… có nhiều vi trùng, vi khuẩn, vi- rút lắm ạ!”. Bác sĩ Lương mỉm cười: “Không sao đâu. Có gì bác chịu trách nhiệm chữa trị cho con!”. Tôi liếm một tờ giấy bạc. Bác sĩ gật gù, hỏi: “Ngọt hay đắng?”. Tôi dè dặt: “Mặn mặn ạ!”. Bác sĩ Lương nghiêm nghị nhìn xoáy vào mắt tôi: “Mồ hôi đó.

Mồ hôi luôn luôn mặn. Nếu những đồng tiền mà có vị ngọt lịm, hay béo ngậy thì hãy cẩn thận, con nhé! Còn khi nào mồ hôi của con, của những bệnh nhân sau này đến cầu cạnh mà ngọt béo thì con hãy ngưng ngày nghề khám chữa bệnh đi, không thì sẽ trở thành thứ lang băm hại người đó, con bé ngây ngô à!”. Những lời giáo huấn của bác sĩ Lương như thiền ngôn khai phá tâm thức tối tăm mê muội, đập thẳng vào tâm trí của tôi theo pháp “trực chỉ nhân tâm” với ánh sáng sáng lòa để tôi phải luôn nhớ mãi, nhớ mãi không quên trong suốt chặng đường còn lại theo đuổi công danh sự nghiệp. 

Có một điều bất ngờ thú vị đến với cuộc đời tôi, mà sau này tôi mới ngồi trầm tư gẫm nghiệm ra: từ khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, đến khi trở thành sinh viên ngồi trong giảng đường của Đại học Y khoa, tôi làm gì ngờ trước được là mình có cái duyên với nghề báo, vậy mà tôi lại mắc phải cái “nghiệp” ấy, cái “nghiệp duyên” theo quan niệm của nhà Phật mà bác sĩ Lương đã giải thích cho tôi nghe. Tôi tôn kính bác sĩ Lương như một người cha, một vị tôn sư của cả “nghề” và “nghiệp”, và đã noi theo gương người thầy “bác sĩ-nhà báo” mà cầm búùt viết báo, viết không phải vì kiếm nhuận bút, mà viết vì trách nhiệm của một trí thức, viết vì sức khỏe của mọi người, và vì cuộc sống có quá nhiều khổ đau bệnh tật quanh mình…

Sau lần được bác sĩ Lương “khai tâm điểm đạo” ấy, tôi về kể cho dì Út nghe chuyện bác sĩ bắt tôi phải nếm vị của tờ giấy bạc, dì cười phì phì, ôm tôi vào lòng: “Đúng vậy. Mồ hôi bao giờ cũng mặn. Dượng của cháu đã báo cho hay dượng vô tội trong vụ bê bối ở xí nghiệp, sẽ trở lại công tác vào ngày mai, và chỉ kiểm điểm thôi cháu à!”. Tôi vui mừng ôm lấy dì mà khóc. Bất chợt tôi nhớ đến mẹ và cha, nhớ đến những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán mẹ, những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo ka-ki đầy của cha… Ôi, những giọt mồ hôi nguyên chất mặn như muối đã hòa quyện vào nhau thành đại dương mênh mông để nâng cho con thuyền bé bỏng trôi đi đến một chân trời sáng…

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn