Hiếu Hạnh

14 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 6073)


Truyện Ngắn Phật Giáo

Tâm Không - Vĩnh Hữu 


HIẾU HẠNH CHÂN THÀNH

Trong kho tàng ca dao - tục ngữ Việt Nam có biết bao nhiêu câu ca, biết bao nhiêu ngôn từ ca ngợi, xưng tụng tán dương công ơn trời biển của cha mẹ, mà một đời người có học hoài cũng không hết, không cạn…

Công cha đức mẹ cao dầy
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân!

Hoặc như câu:

Còn cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Đờn đứt dây còn tay lại nối
Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi…

Ơn cha cao ngút tựa núi Thái như vậy. Nghĩa mẹ rộng lớn như biển Đông như vậy. Vậy mà, ở đời lại có nhiều người làm con không chịu nhìn thấy, hoặc thấy mà không chịu chiêm bái gẫm suy, cứ muốn làm một người … mù lòa trong đạo làm con. Hễ nghe ai đó nhắc đến chữ Hiếu thì làm lơ, đánh trống lãng, hoặc lạnh lùng tay xua miệng thốt: “Xưa rồi!”. Những người con đó đã cố tình quên đi rằng:

Biển Đông có lúc đầy vơi
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng…

Suốt cả một đời cha mẹ luôn lo lắng, luôn quan tâm, lắm khi mất ăn mất ngủ vì con mình. Một niềm vui nhỏ bé của con lại làm cho cha mẹ râm ran sung sướng, và một nỗi đau buồn cỏn cỏn của con có thể làm cha mẹ rát buốt cả ruột gan. Người con sẽ thật sự cảm nhận, nhìn thấy rõ “núi Thái và biển Đông” hiển hiện sừng sững và mênh mông trong cuộc đời mình khi:

Lên non mới biết non cao
Nuôi con mơi biết công lao mẫu từ…

Hay là:

Ở đời ai cũng có lần
Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành
Người xưa khó nhọc nuôi mình
Khác gì mình đã hết tình nuôi con!

Trong “Cổ học tinh hoa” còn ghi lại câu chuyện nhân vật Dương Phủ lặn lội đường xa tìm cho được vị đại sư Vô Tích -vốn được tôn xưng là một vị Bồ Tát tái thế- để cầu học Phật pháp. Dương Phủ đi được một quãng đường rất dài, tình cờ gặp một vị sư khác giữ chân lại, nói rằng: “Đại sư Vô Tích chính là sư phụ ta, ngài biết ngươi đang trên đường tìm đến diện kiến ngài, nên sai ta đi tìm ngươi để khuyên ngươi nên đi tìm gặp một vị Phật sống!”. Dương Phủ nghe nói đến Phật sống thì mừng lắm, Phật vẫn hơn Bồ Tát mà, vội hỏi kỹ đường đi nước bước. Vị sư kia bảo rằng: “Ngươi hãy đi thẳng về hướng Đông, khi nào nhìn thấy một người mặc áo trái, mang giầy ngược mừng rỡ đón ngươi thì đó chính là vị Phật sống!”.

Dương Phủ nghe lời, cắm đầu cắm cổ đi không ngơi nghỉ về hướng Đông, tức hướng ngược lại mà mình đã vừa đi qua, đi cho đến khi về đến… nhà mình. Người mẹ của Dương Phủ nghe tiếng con gõ cửa, trong lòng mừng rỡ, vội vội vàng vàng mặc áo không kịp ngay ngắn, xỏ ngược đôi giầy chạy ra mở cửa. Dương Phủ nhìn thấy hình ảnh mẹ “mặc áo trái, mang giầy ngược” mới tỉnh ngộ, hiểu ra rằng mẹ mình chính là một vị Phật sống, và lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ ở trong nhà vẫn quý hơn, vẫn đẹp hơn là đi tìm một vị Bồ Tát, hay Phật sống nào đó ở bên ngoài xa xa… Phật có dạy rằng: “Phụ mẫu tại đường tức chư Phật tại thế” (Cha mẹ ở ngay trong nhà chính là chư Phật ở trên thế gian) là vậy! Ta cũng thường nghe câu ca dao:

Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu!

Đối với Phật tử Việt Nam, lễ Vu Lan đã trở thành truyền thống là một mùa đền ơn đáp nghĩa cho những người con hướng về cha mẹ bằng tấm lòng hiếu hạnh chân thành: Mùa Báo Hiếu. Tấm lòng hiếu hạnh đó đâu đòi hỏi phải được biểu lộ bằng ngọc ngà châu báu chất đầy mâm, sơn hào hải vị bày tràn bàn, hay tiền vun bạc đống dâng lên cho cha mẹ vui sướng? Lòng hiếu hạnh chân thành là được, chỉ cần chân thành là quý rồi, nghĩa là phải tưởng nghĩ đến công cha nghĩa mẹ bằng trái tim thổn thức và tấm lòng biết ơn thật sự, không phải bằng sự hào nhoáng lòe loẹt mang tính hình thức, hay thủ tục.

Chỉ một trái quít bé xíu nhận từ một nhà người thân, nhịn không ăn mà đem giấu trong tay áo để mang về dâng lên mẹ, cậu bé Lục Tích trong “Nhị Thập Tứ Hiếu” đã bộc lộ được tấm lòng hiếu hạnh chân thành của mình. Hay như chuyện Hàn Bá Dũ bị mẹ đánh không hề đau mà lại khóc rống lên thảm thiết, hỏi ra mới hay mọi lần bị mẹ đánh đòn rất đau nhưng không khóc vì biết rằng mẹ còn khỏe, nay bị đòn không thấy đau đớn gì nên biết sức lực mẹ đã suy kiệt, vì vậy mà mới khóc, khóc với một tấm lòng hiếu hạnh chân thành. Những tấm lòng hiếu hạnh đó đâu có giá trị gì về vật chất, nhưng còn quý hóa gấp nghìn lần vàng bạc gấm lụa cao sang phù phiếm.Thế nên:

Thờ cha kính mẹ hết lòng
Ấy là chữ Hiếu dạy trong luân thường!

Là Phật tử, chúng ta quanh năm suốt tháng tinh tấn tu học pháp Phật, quy y đãnh lễ Tam Bảo, siêng chăm lên chùa thắp nhang và tụng niệm, chúng ta đừng quên một điều:

Lên chùa lạy Phật muốn tu
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền!

Chúng ta hãy luôn nhớ lấy điều đó khi nghĩ về công cha nghĩa mẹ bằng tấm lòng hiếu hạnh chân thành, thì mới mong con đường tu học đạo pháp của mình được thông suốt tốt đẹp, và trọn vẹn …

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn