Phần Ii Câu Hỏi Và Trả Lời

06 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 6114)

J. KRISHNAMURTI
GẶP GỠ CUỘC SỐNG
MEETING LIFE 
Biên soạn: Mary Lutyens
Lời dịch: Ông Không
[www.thuvienhoasen.org]
– Tháng 11-2011 –

PHẦN II

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI


Thiền định và Khoảnh khắc
 không thời gian
Trích dẫn từ một bàn luận ở New Delhi, 1956

 

N

gười hỏi: Điều gì được bao hàm trong thiền định?

Krishnamurti: Điều cốt lõi là làm trống không hoàn toàn cái trí khỏi mọi thứ nó đã biết; điều thứ hai, một năng lượng không bị kiểm soát, không bị hướng dẫn. Tiếp theo, nó cũng đòi hỏi hình thức tột đỉnh của trật tự, trật tự trong ý nghĩa một kết thúc hoàn toàn của vô trật tự bị tạo ra bởi sự mâu thuẫn, và một chất lượng của cái trí không có đặc tính. Chúng ta phải hoàn toàn xóa sạch ý tưởng hay sự thực hành của một phương pháp. Nghi vấn cốt lõi là liệu cái trí – nó gồm có quả tim, bộ não và toàn cơ quan thân thể – có thể sống mà không có bất kỳ sự biến dạng, mà không có bất kỳ sự ép buộc và vì vậy không có bất kỳ sự nỗ lực. Làm ơn, hãy đặt ra nghi vấn đó cho chính bạn; tất cả điều này là thiền định.

 Những cái trí của chúng ta bị biến dạng; chúng đã bị định hình bởi văn hóa mà chúng ta sống trong đó, bởi những cấu trúc thuộc tôn giáo, thuộc kinh tế, bởi thực phẩm chúng ta dùng và vân vân. Cái trí được trao cho một hình dạng hạn định, nó bị quy định và tình trạng bị quy định này là một biến dạng. Một cái trí có thể thấy rất rõ ràng, trong sáng, tổng thể, hồn nhiên, chỉ khi nào không có sự biến dạng. Chuyển động đầu tiên là khả năng để thấy – nghệ thuật của lắng nghe – nhìn ngắm không biến dạng, mà có nghĩa cái trí phải tuyệt đối bất động, không một chuyển động. Liệu cái trí trong chuyển động liên tục có thể hoàn toàn và tuyệt đối yên lặng, không có bất kỳ chuyển động nào, không có bất kỳ phương pháp, hệ thống, thực hành, kiểm soát nào?

 Cái trí phải tự làm trống không chính nó khỏi tất cả quá khứ để trở nên nhạy cảm cực kỳ; và nó không thể nhạy cảm nếu có gánh nặng của quá khứ. Chỉ cái trí đã hiểu rõ tất cả điều này mới có thể đặt ra nghi vấn. Và khi nó đặt ra nghi vấn nó không có đáp án, bởi vì không có đáp án. Cái trí đã trở nên nhạy cảm cực kỳ và thế là thông minh tột đỉnh và thông minh không có đáp án. Trong chính nó là đáp án. Người quan sát không có vị trí bởi vì thông minh là tột đỉnh.

 Vậy là cái trí không còn đang tìm kiếm, không còn ao ước những trải nghiệm cao hơn và vì vậy nó không kiểm soát. Thấy vẻ đẹp của nó, thưa bạn. Nó không kiểm soát, bởi vì nó là thông minh. Nó đang vận hành, nó đang làm việc. Vì vậy, trong chính trạng thái của thông minh, tình trạng phân hai biến mất. Tất cả điều này là thiền định. Nó giống như một đám mây mà bắt đầu trên một đỉnh đồi với một ít đám mây rất nhỏ, và, khi nó chuyển động, nó bao phủ toàn bầu trời, thung lũng, những hòn núi, những con sông, những con người, quả đất; nó bao phủ mọi thứ. Đó là thiền định, bởi vì thiền định là sự quan tâm của tất cả sự sống, không phải một bộ phận của nó.

 Vậy thì chỉ khi nào cái trí tuyệt đối yên lặng mà không có bất kỳ chuyển động – không phải trong khoảng thời gian của khoảnh khắc đó, bởi vì khoảnh khắc đó không có khoảng thời gian, bởi vì nó không thuộc thời gian. Thời gian hiện diện chỉ khi nào có người quan sát mà trải nghiệm sự yên lặng đó và nói: ‘Tôi ước ao tôi có thể có được nhiều hơn của nó’. Vì vậy, khoảnh khắc đó của sự yên lặng tuyệt đối, sự bất động, bởi vì nó không thuộc thời gian, không có tương lai hay quá khứ. Vì vậy, sự bất động không chuyển động đó vượt khỏi tất cả suy nghĩ. Và chuyển động đó, bởi vì nó không thời gian, là vô tận.

 Một cái trí được tự do khỏi bất kỳ biến dạng nào thực sự là cái trí tôn giáo đích thực, không phải một cái trí mà đi đến đền chùa, không phải một cái trí mà đọc những quyển sách thiêng liêng, không phải một cái trí mà lặp lại những nghi thức, dù có lẽ chúng đẹp đẽ đến chừng nào, không phải một cái trí mà chất đầy những hình ảnh, bị áp đặt vào nó hay tự sáng chế.

 Đang sống không tách khỏi đang học hành, và trong việc này có vẻ đẹp vô cùng. Bởi vì, rốt cuộc, tình yêu là cái đó. Tình yêu là từ bi, đam mê, đam mê cho mọi thứ. Khi có tình yêu, không có người quan sát, không có sự phân hai: ‘bạn’ mà thương yêu ‘tôi’ và ‘tôi’ mà thương yêu ‘bạn’. Chỉ có tình yêu, mặc dù nó có lẽ đang thương yêu một người hay nhiều người; chỉ có tình yêu.

 Khi có tình yêu, vậy thì bạn không thể làm việc gì sai lầm, dù bạn làm bất kỳ việc gì. Nhưng nếu không có tình yêu chúng ta đang cố gắng làm mọi việc – đi tới mặt trăng, những khám phá khoa học tuyệt vời – và vì vậy mọi thứ chuyển động sai lầm. Tình yêu chỉ có thể hiện diện khi không có người quan sát. Điều đó có nghĩa, khi cái trí không tự tách rời trong chính nó như người quan sát đang quan sát và vật được quan sát, chỉ như thế mới có chất lượng của tình yêu đó. Khi bạn có điều đó, nó là Tối thượng.

 Từ Bản tin 35, 1978

 

Sợ hãi và Rối loạn

Trích dẫn từ một bàn luận cùng những người trẻ

Paris, tháng 4 năm 1967

 

K

rishnamurti: Rối loạn có lẽ là một trong những nguyên nhân cơ bản của sự sợ hãi. Vì bị rối loạn và không tìm ra một lối thoát, chúng ta sợ hãi. Vì bị đau khổ và không thể chấm dứt sự đau khổ, chúng ta nói, một cách tuyệt vọng, ‘Vô vọng rồi, nó là điều này, nó là điều kia.’ Lúc này, liệu có một lối thoát? Chúng ta hãy thâm nhập nó.

 Khi chúng ta nói, ‘Tôi bị rối loạn,’ liệu chúng ta thấy nó như một sự kiện? Bạn hiểu rõ điều gì tôi có ý? Liệu tôi nhận ra rằng tôi bị đói hay liệu rằng tôi được bảo tôi bị đói? Hai vấn đề hoàn toàn khác biệt. Lúc này, nó là vấn đề nào? Liệu tôi nhận ra rằng tôi bị rối loạn hay liệu tôi nhận biết sự rối loạn của tôi chỉ trong sự liên hệ với điều gì đó?

Người hỏi: Trong liên hệ với trạng thái nào đó mà chúng ta tưởng tượng.

Krishnamurti: Đó là nó. Vì vậy, liệu sự rối loạn là một trải nghiệm trực tiếp hay chỉ là một trải nghiệm sẽ đạt được trong sự so sánh với trạng thái nào đó mà nó không là? Làm ơn, thưa các bạn, bàn luận điều này rất quan trọng. Tôi bị rối loạn: Liệu tôi nhận ra nó như tôi nhận ra tôi bị đói, hay liệu tôi nhận ra nó chỉ trong sự so sánh với điều gì đó mà tôi đã suy nghĩ hay đã đạt được, hay mà tôi đã hiểu rõ như sự thấu triệt? Thưa bạn, khi bạn bị đói liệu bạn so sánh nó với khi bạn không bị đói? Bạn không so sánh; bạn bị đói. Trong cùng cách, liệu tôi nhận ra tôi bị rối loạn? Nếu bạn nhận ra nó, vậy thì nó trở thành sức sống, vậy thì bạn phải tìm được một đáp án.

Người hỏi: Vậy thì, tại sao chúng ta không nhận ra nó?

Krishnamurti: Chờ đã, chờ đã. Đầu tiên, hãy thấy sự khác biệt. Khi bạn nhận ra bạn bị đói, bạn hành động – nài nỉ, vay mượn, hay ăn cắp – bạn làm việc gì đó. Nhưng nếu bạn nói, ‘Ồ, tôi có lẽ bị đói,’ vậy thì bạn sử dụng thời gian, nói về nó, bàn luận loại thức ăn nào bạn sẽ dùng và vân vân. Khi bạn nhận ra, hành động của bạn là tức khắc. Và đó là toàn mấu chốt. Tôi bị rối loạn và tôi nhận ra rằng bất kỳ chuyển động nào tôi thực hiện – bất kỳ chuyển động nào trong sự suy nghĩ hay bất kỳ hoạt động nào bắt nguồn bởi sự suy nghĩ – vẫn còn là sự rối loạn. Đúng chứ? Liệu tôi nhận ra sự kiện đó? Mà có nghĩa chính sự suy nghĩ đang tạo ra sự rối loạn, và thế là sự sợ hãi.

Người hỏi: Nhưng vấn đề là rằng, ngay khi người ta nghe điều đó, người ta tưởng tượng một trạng thái không suy nghĩ.

Krishnamurti: Không, thưa bạn. Bạn thấy, bạn không chuyển động từ sự kiện sang sự kiện; bạn đã rời xa sự kiện rồi. Tôi bị rối loạn và tôi nhận ra rằng bất kỳ chuyển động nào tôi thực hiện vẫn còn là sản phẩm của sự rối loạn. Khi tôi biết điều đó, tôi ngừng lại; tôi không sáng chế, lý thuyết hóa hay hết hy vọng. Tôi nói, ‘Thế à, tôi bị rối loạn.’ Sau đó điều gì xảy ra – theo kinh nghiệm, không phải như một lý thuyết? Điều gì xảy ra khi tôi nhận ra rằng tôi bị rối loạn và rằng bất kỳ việc gì tôi thực hiện hay suy nghĩ, bất kỳ hoạt động nào tôi hy vọng đạt được, bất kỳ chuyển động nào tôi làm, đều là sản phẩm của sự rối loạn và thế là gia tăng sự rối loạn thêm nữa – khi tôi nhận ra rằng thuộc tâm lý tôi bị rối loạn và rằng thuộc tâm lý bất kỳ chuyển động nào của cái tinh thần thực hiện vẫn còn ở trong lãnh vực của sự rối loạn, tôi ngừng lại, đúng chứ? Chuyển động của cái tinh thần kết thúc – và thế là tôi không sợ hãi bởi vì sợ hãi là bộ phận của sự rối loạn.

 Lúc này, liệu đây là trường hợp với mỗi người chúng ta? – ngược lại chúng ta không thể bàn luận vấn đề này.

Người hỏi: Không phải cho tôi. Tôi vẫn còn ở trong một trạng thái tuyệt vọng.

Krishnamurti: Tôi nhận ra rằng không có lối thoát, rằng con đường không dẫn đến nơi nào cả, rằng có một ngõ cụt. Tôi làm gì? Bạn không nói, ‘Ồ, tôi không biết phải làm gì.’ Bạn không ở lại đó; bạn quay lưng lại, đúng chứ?

Người hỏi: Nhưng làm thế nào nhận ra?

Krishnamurti: Đó là câu hỏi: làm thế nào nhận ra sự rối loạn tổng thể của con người, không phải làm thế nào vượt khỏi nó. Vậy thì bạn bắt đầu tìm được những nguyên nhân của sự rối loạn này – bởi vì bạn đã ngừng lại, không phải bởi vì bạn đang tìm kiếm. Tôi không hiểu liệu bạn thấy sự khác biệt. Trước kia, tôi đã tìm kiếm những nguyên nhân của sự rối loạn với mục đích xóa sạch chúng; vì vậy tìm kiếm của tôi, thâm nhập của tôi, hoàn toàn khác biệt với lúc này khi, bởi vì tôi nhận ra tôi bị rối loạn, tôi có thể thấy rằng không hoạt động nào có thể được. Đang nhìn này là một quan sát hoàn toàn khác hẳn.

Người hỏi: Một quan sát không có một động cơ.

Krishnamurti: Đó là nó. Một quan sát không có động cơ. Cái còn lại có động cơ.

Người hỏi: Từ sự rối loạn ông thấy nó một cách khác hẳn bởi vì ông có một động cơ phía sau nó – ông thấy điều gì ông muốn, không phải điều gì thực sự là. Nhưng nếu ông không có động cơ, ông có thể thấy cái gì là một cách hiệp thông.

Krishnamurti: Điều đó đúng. Làm ơn thấy mấu chốt của bạn ấy, theo dõi điều gì bạn ấy nói. Bạn ấy nói rằng nếu bạn có một động cơ, vậy thì động cơ đó gây biến dạng, và rằng khi bạn không có động cơ bạn thấy rõ ràng.

Người hỏi: Nhưng làm thế nào chúng ta có thể kết thúc có những động cơ?

Krishnamurti: Chờ đã, chờ đã. Bạn không thể kết thúc bất kỳ thứ gì nhưng chỉ quan sát. Thưa bạn, bạn đang bỏ lỡ mấu chốt chính, bạn đang vận dụng trí năng quá. Đây là một vấn đề hiệp thông, không phải một vấn đề thuộc trí năng.

 Về phần tôi bất kỳ chuyển động nào đều là sự rối loạn, và đó là sự khó khăn. Lúc này, tôi đã nhận ra rằng chừng nào tôi còn quan sát bằng một động cơ, tất cả quan sát đều bị biến dạng. Vì vậy, liệu có thể quan sát không có một động cơ? Chắc chắn, chính là một động cơ mà sẽ nuôi dưỡng sự sợ hãi. Vì vậy, một nghi vấn cơ bản thâm sâu hơn được bao gồm trong điều này: liệu có thể có bất kỳ hành động nào xảy ra mà không có động cơ?

 Từ Bản tin 22, 1974

 

Trạng thái của Không Biết

Một trích dẫn từ một bàn luận cùng sinh viên

Huizen, Hà lan, tháng 6 năm 1967

 

N

gười hỏi: Liệu không có một sự kiện rằng cùng sự nhận biết mãnh liệt trong khi ông tỉnh táo, ông có thể có trải nghiệm của nhìn ngắm sự tức giận đến và đi bên trong chính ông mà không bị nó tác động vào ý thức của ông, hay sao?

Krishnamurti: Ồ, thưa bạn! Chúng ta hãy cẩn thận một chút về điều này. Liệu cái tôi nhận biết khác biệt sự tức giận? Chúng ta hãy nói, tôi ghen tuông. Liệu ‘tôi’ khác biệt sự ghen tuông? Liệu sự ghen tuông đó khác biệt cái người đang quan sát sự ghen tuông? Tôi là người trải nghiệm và sự việc mà tôi trải nghiệm là sự ghen tuông. Liệu người trải nghiệm khác biệt sự việc trải nghiệm đó.

 Rất thú vị khi bàn luận điều này từ quan điểm của điều gì đang học hành. Tôi ghen tuông bạn, tôi ganh tị bạn, và tôi muốn học hành tất cả về nó, bởi vì khi tôi học hành nội dung tổng thể của nó, nó chấm dứt; nó không còn ảnh hưởng nữa. Lúc này, làm thế nào tôi học hành? Học hành là gì? Ngoại trừ học hành một ngôn ngữ – làm thế nào lái một chiếc xe hơi, và vân vân – học hành gì? Khi nào bạn học hành? Bạn học hành khi bạn không biết. Tôi học hành một ngôn ngữ bởi vì tôi không biết nó. Đúng chứ? Nếu tôi biết một ngôn ngữ rồi tôi không thể học hành nó! Chúng ta hãy thử nghiệm điều này. Liệu chúng ta đang học hành lúc này – đó là, trong hiện tại năng động – hay liệu chúng ta chỉ đang tích lũy điều gì đã được nói, được lưu trữ và được suy nghĩ sau đó? Bạn thấy sự khác biệt?

 Chúng ta đã và đang nói về những giấc mộng. Tôi muốn học hành về chính tôi, ‘chính tôi’ mà nằm mơ. Lúc này, liệu tôi tiếp cận nó bằng sự hiểu biết mà tôi đã lượm lặt khi đọc Jung hay Freud, hay những người thần học?

Người hỏi: Từ đọc Freud ông học hành về Freud.

Krishnamurti: Đó là nó, thưa bạn. Tôi học hành về Freud: tôi không học hành về chính tôi. Vì vậy khi tôi học hành qua Freud về chính tôi, tôi không đang quan sát về chính tôi; tôi đang quan sát hình ảnh mà Freud đã sáng chế về chính tôi. Thế là, tôi phải xóa sạch Freud. Lúc này, làm ơn theo chầm chậm cùng điều này: khi tôi quan sát về chính tôi, tôi đang học hành về chính tôi. Liệu tôi tích lũy hiểu biết về chính tôi và tiếp theo, cùng sự hiểu biết đó, quan sát? – mà là cùng qui trình khi quan sát về chính tôi nhờ vào Freud. Bạn theo kịp chứ? Vì vậy, liệu tôi có thể học hành về chính tôi – nhưng không có bất kỳ sự tích lũy nào? Đó là cách duy nhất để học hành, bởi vì ‘chính tôi’ luôn luôn đang chuyển động, luôn luôn năng động cực kỳ, và tôi không thể học hành về hoạt động này qua cái gì đó cố định, dù nó là sự hiểu biết mà tôi đã tích lũy về chính tôi hay sự hiểu biết từ Freud. Vì vậy, tôi phải tự do, không chỉ tự do khỏi Freud nhưng cũng tự do khỏi sự hiểu biết mà tôi đã thâu lượm về chính tôi ngày hôm qua. Nó rất phức tạp – và nó không chỉ là một trò lừa bịp.

Người hỏi: Dường như ông đã loại bỏ sự hiểu biết và học hành về những sự kiện?

Krishnamurti: Đó là nó. Đó là, khi bạn quan sát sự kiện mà không có sự hiểu biết, vậy thì bạn có thể học hành. Ngược lại bạn ‘biết’ hay suy nghĩ rằng bạn biết. Vì vậy, học hành là sáng tạo; nó là cái gì đó mới mẻ. Luôn luôn bạn đang học hành. Vì vậy tôi phải quẳng đi không những Freud và Jung, nhưng còn cả sự hiểu biết mà tôi đã thâu lượm về chính tôi ngày hôm qua. Liệu điều đó có thể được, trước hết?

Người hỏi: Ông bao gồm ngày hôm qua, thưa ông. Và có hàng triệu ngày hôm qua đó mà chúng ta đã quên bẵng nơi ý thức bên ngoài, những vẫn còn giấu giếm tại ý thức bên trong của chúng ta. Tất cả nó cũng phải được xoá sạch, đúng chứ?

Krishnamurti: Vâng, liệu bạn có thể xóa sạch tất cả nó?

Người hỏi: Tôi nghĩ nó có thể được xóa sạch…

Krishnamurti: Bạn nghĩ nó có thể – vì vậy bạn không biết. Tất cả mọi điều mà bạn có thể nói là rằng bạn không biết. Lúc này, hãy thâm nhập chầm chậm; hãy lắng nghe bất động. Làm ơn, hãy thâm nhập vào trạng thái của cái trí mà nói: ‘Tôi không biết.’

Người hỏi: Nó là yên lặng.

Người hỏi: Nó là khoáng đạt.

Krishnamurti: Không, không! Đừng chỉ đưa ra những câu nói. Chỉ nhìn ngắm. Có hai triệu năm di sản, hàng ngàn và hàng ngàn trải nghiệm, ấn tượng, quy định, hiểu biết. Tất cả điều đó là nền quá khứ của tôi, và tôi muốn học hành về nó, khai quang tất cả nó và tự do khỏi nó, bởi vì những thứ đó đang điều khiển hiện tại của tôi và đang định hình tương lai, và thế là tôi tiếp tục sống trong cái cũi. Vì vậy, tôi tự nói với mình: ‘Điều này khủng khiếp quá. Tôi phải xóa sạch nó.’ Tôi không biết phải làm gì. Tôi không biết. Sau đó tôi tự hỏi mình: trạng thái của cái trí tôi khi tôi nói tôi thực sự không biết là gì? Bạn và tôi là kết quả của hai triệu năm bị quy định. Đúng chứ? Trong hai triệu năm đó không những có di sản của động vật nhưng còn cả nỗ lực để phát triển, để trở thành của con người – hàng trăm thứ. Chúng ta là cái đó. Và tất cả cái đó đang vận hành trong hiện tại và trong tương lai. Đây là chủng tộc của loài chuột mà tôi đã sống trong đó. Vì vậy tôi nhìn ngắm chủng tộc chuột này, và tôi nói, ‘Tôi phải loại bỏ nó.’ Tôi hỏi bạn về nó, và bạn không biết: tôi hỏi Đức Giáo hoàng, hàng tá người, và họ đều không biết. Họ chỉ biết tùy theo thuật ngữ của họ; đó là, nếu bạn tin tưởng Jesus, nếu bạn tin tưởng Thượng đế, bạn nghĩ bạn biết tùy theo điều đó. Thế là, lúc này tôi ở trong một vị trí phải tìm ra trạng thái của cái trí của tôi là gì khi nói: tôi thực sự không biết. Liệu bạn có khi nào đã nói như thế?

Người hỏi: Thật ra, nó là một trải nghiệm hay hay.

Người hỏi: Nó là một trải nghiệm tầm thường.

Krishnamurti: Không, không! Tôi không gọi nó là một trải nghiệm. Nó không là một trải nghiệm buồn thảm hay một trải nghiệm vui vẻ; nó là một sự kiện. Tôi không thể nói nó tốt lành hay xấu xa. Nó là một sự kiện – giống như cái micro này. Tôi đã nhìn hướng bắc, nam, đông và tây, trên và dưới, và tôi thực sự không biết. Vậy thì, việc gì xảy ra?

Người hỏi: Ông tiếp tục tìm một phương cách.

Krishnamurti: Vậy thì, bạn không còn đang nói: tôi không biết.

Người hỏi: Tôi không biết làm thế nào.

Krishnamurti: Vậy thì, bạn đang tìm kiếm ‘làm thế nào’. Tôi bị trói buộc trong cái bẫy của hai triệu năm. Tôi không thể có sự trung thành trong bất kỳ người nào – những đấng cứu rỗi, những bậc thầy, những người thầy, những giáo sĩ – bởi vì tất cả họ đã dẫn dắt bạn vào cái bẫy này, và tôi là bộ phận của cái bẫy này. Tôi không biết làm thế nào để thoát khỏi. Khi tôi nói, ‘Tôi không biết,’ liệu tôi thực sự có ý điều đó, hay liệu tôi đang tìm kiếm một phương cách thoát khỏi?

Người hỏi: Tôi có ý không có đáp án trong bảng phân loại.

Krishnamurti: Đó là tất cả. Bảng phân loại của bạn không có đáp án, và vì vậy bạn muốn tìm ra một bảng phân loại khác mà có một đáp án.

Người hỏi: Ông tiếp tục cố gắng tìm kiếm một phương cách.

Krishnamurti: Vậy thì bạn rơi lại cái bẫy. Thưa các bạn, chúng ta đã nói: ‘Tôi không biết’. Những cái trí của chúng ta bị rối loạn, và từ sự rối loạn đó chúng ta tìm kiếm những giáo sĩ, những người tâm lý, những người chính trị. Sự rối loạn tạo ra nhiều rối loạn thêm. Tại sao tôi không nói: ‘Được rồi, tôi bị rối loạn. Tôi sẽ không hành động.’ Dĩ nhiên tôi sẽ đi đến văn phòng, tiếp tục những hoạt động hàng ngày của tôi, nhưng về sự rối loạn thuộc tâm lý của tôi tôi sẽ không làm bất kỳ việc gì, bởi vì tôi thấy rằng nếu tôi làm bất kỳ việc gì nó sẽ tạo ra nhiều rối loạn thêm. Vì vậy, thuộc tâm lý, tôi sẽ không chuyển động gì cả. Bất kỳ chuyển động nào đều dẫn đến cái bẫy. Vì vậy, thuộc tâm lý, liệu bạn có thể không làm bất kỳ việc gì về cái bẫy?

Làm ơn, lắng nghe cẩn thận. Nếu bạn không làm bất kỳ việc gì về cái bẫy, bạn được tự do khỏi nó. Chỉ bởi vì sự hoạt động không ngừng nghỉ của làm việc gì đó về cái bẫy mà nhốt bạn trong cái bẫy. Khi bạn thấy đó là như thế, bạn sẽ ngừng lại, đúng chứ? Bạn sẽ chấm dứt tất cả mọi hoạt động. Và điều đó có nghĩa gì? Nó có nghĩa rằng thuộc tâm lý bạn sẵn lòng chết. Vì vậy, khi bạn không biết, và bạn thực sự có ý điều đó, bạn thoát khỏi cái bẫy, bởi vì quá khứ đã kết thúc. Chỉ khi nào bạn tiếp tục nói, ‘Tôi đang nhìn, tôi đang hỏi, tôi phải biết,’ thì quá khứ mới tiếp tục tự lặp lại.

Người hỏi: Nhưng khi ông giữ yên lặng…

Krishnamurti: A! Nó không giữ yên lặng. Nó là hành động mãnh liệt nhất.

Người hỏi: Nhưng khi ông không biết gì cả…

Krishnamurti: Vậy thì bạn có chính bạn.

Người hỏi: Nhưng điều đó quá ít ỏi.

Krishnmaurti: Nó không quá ít ỏi đâu. Nó là điều gì đã là suốt hai triệu năm. Nó không là sự việc phức tạp cực kỳ nhất, và bạn phải học hành về nó. Hoặc bạn có thể học hành về nó ngay tức khắc, hoặc nó có thể tiếp tục cho hai triệu năm nữa. Nhưng chúng ta hãy chỉ sử dụng năm mươi năm. Trong đó chúng ta đã tích lũy một lượng khổng lồ: đã có hai cuộc chiến tranh kinh hoàng – sự tàn sát, sự hung ác, những cãi cọ, những phân chia, những lăng mạ. Tất cả ở đó. Đó là cái bẫy. Chúng ta là cái bẫy đó, và vì vậy, liệu có thể thoát khỏi nó ngay tức khắc?

Người hỏi: Trong một khoảnh khắc?

Krishnamurti: Dĩ nhiên nó phải trong một khoảnh khắc. Và nếu bạn nói nó không thể, vậy thì nó chấm dứt. Bạn không có vấn đề. Nếu bạn nói, ‘Nó có thể được,’ điều đó cũng không có ý nghĩa. Nhưng nếu bạn nói, ‘Tôi thực sự không biết phải làm gì,’ mà không tuyệt vọng, không cay đắng, không tức giận, vậy thì trong trạng thái đó không có chuyển động gì cả – vậy thì cánh cửa mở toang.

 Từ Bản tin 18, 1973

 

Tình yêu, Tình dục và Sống tôn giáo

Kingston, nước Anh, ngày 2 tháng 10 năm 1967

 

I

 

N

gười hỏi: Cách đây nhiều năm, khi tôi bắt đầu quan tâm đến sống tạm gọi là tôn giáo, tôi thực hiện một quyết tâm mạnh mẽ phải từ bỏ hoàn toàn tình dục. Tôi tuân theo nghiêm ngặt điều gì tôi nghĩ là một yêu cầu bắt buộc của sống đó và sống cùng tất cả sự khổ hạnh khắc nghiệt của một thầy tu độc thân. Lúc này tôi thấy rằng loại tuân theo nghiêm ngặt đó mà trong nó sự kiềm hãm và bạo lực được bao hàm là dốt nát, tuy nhiên tôi không muốn quay lại sống cũ của tôi. Lúc này làm thế nào tôi hành động về vấn đề tình dục?

Krishnamurti: Tại sao bạn không biết phải làm gì khi có sự ham muốn? Tôi sẽ bảo cho bạn lý do tại sao. Bởi vì sự kiên quyết cố chấp trong những quyết định của bạn vẫn còn đang vận hành. Tất cả những tôn giáo đã dạy bảo chúng ta khước từ tình dục, kiềm hãm nó, bởi vì họ nói nó là một lãng phí của năng lượng và bạn cần có năng lượng để tìm được Thượng đế. Nhưng loại khổ hạnh và kiềm hãm khắc nghiệt và tuân phục đến một khuôn mẫu này tạo ra sự bạo lực tàn nhẫn cho tất cả những bản năng đẹp đẽ của chúng ta. Loại khổ hạnh khắc nghiệt này là một lãng phí to tát hơn hẳn sự buông thả trong tình dục.

 Tại sao bạn biến tình dục thành một vấn đề? Thật ra nó không quan trọng gì cả liệu bạn lên giường cùng người nào đó hay liệu bạn không. Tiếp tục nó hay buông bỏ nó nhưng đừng biến nó thành một vấn đề. Vấn đề hiện diện từ sự ám ảnh liên tục này. Điều thực sự lý thú không phải liệu chúng ta có lên giường với người nào đó hay không, nhưng tại sao chúng ta có tất cả những mảnh này trong sống của chúng ta. Trong một ngõ ngách luôn khuấy động có tình dục cùng tất cả những ám ảnh của nó; trong một ngõ ngách khác có loại thèm khát nào đó; trong một nơi khác có một theo đuổi cái này hay cái kia, và trong mỗi ngõ ngách có sự huyên thuyên liên tục của cái trí. Có quá nhiều cách trong đó năng lượng bị lãng phí.

 Nếu một ngõ ngách thuộc sống của tôi ở trong vô trật tự, vậy thì tổng thể thuộc sống của tôi đều ở trong vô trật tự, nhưng tại sao tôi đã phá vỡ sống của tôi thành quá nhiều mảnh khác nhau – những mảnh mà vô trật tự bên trong chính nó và tất cả đều gây mâu thuẫn lẫn nhau. Tôi có thể làm gì khi tôi thấy quá nhiều mảnh như thế? Làm thế nào tôi có thể giải quyết tất cả chúng? Tôi có những mảnh này bởi vì tôi không là tổng thể phía bên trong. Nếu tôi thâm nhập vào tất cả cái này mà tuy nhiên không tạo ra một mảnh khác, nếu tôi theo sát đến tận cùng của mỗi mảnh, vậy thì trong sự nhận biết đó, mà là đang nhìn ngắm, không có sự tách rời. Mỗi mảnh là một vui thú tách rời. Tôi nên tự hỏi mình liệu tôi sẽ ở trong căn phòng nhỏ xíu nhơ nhớp của sự vui thú này suốt sống của tôi. Vào trong sự nô lệ của mỗi vui thú, mỗi mảnh, và nói với chính bạn, chúa của tôi ơi, tôi bị lệ thuộc, tôi là một nô lệ cho tất cả những ngõ ngách nhỏ xíu này – liệu đó là tất cả mọi việc tôi có trong sống của tôi? Ở lại cùng nó và thấy điều gì xảy ra.

 

II

 

Người hỏi: Tôi đang yêu, nhưng tôi biết không có tương lai cho sự liên hệ này. Nó là một tình huống mà tôi đã trải nghiệm nhiều lần trước kia và tôi không muốn dính dáng lại trong tất cả rối loạn và đau khổ đó. Tuy nhiên tôi lại cảm thấy tuyệt vọng vô cùng nếu không có người tôi yêu này. Làm thế nào tôi có thể thoát khỏi tình trạng này?

Krishnamurti: Trạng thái cô độc, trống vắng, bất hạnh mà bạn cảm thấy nếu không có người mà bạn thương yêu này hiện diện trước khi bạn thương yêu. Điều gì bạn gọi là tình yêu chỉ là sự kích thích, đang che đậy nhất thời của sự trống rỗng trong bạn. Bạn tẩu thoát khỏi tình trạng cô độc qua một con người, sử dụng con người này để che đậy nó. Vấn đề của bạn không phải là sự liên hệ này, nhưng trái lại nó là vấn đề thuộc sự trống rỗng riêng của bạn. Tẩu thoát rất nguy hiểm bởi vì, giống như loại thuốc kích thích nào đó, nó che giấu vấn đề thực sự. Bởi vì bạn không có tình yêu phía bên trong nên bạn mới liên tục tìm kiếm tình yêu để lấp kín bạn từ phía bên ngoài. Không tình yêu này là tình trạng trống rỗng của bạn, và khi bạn thấy sự thật của điều này bạn sẽ không bao giờ lại cố gắng giết chết nó bằng những sự việc và những con người từ bên ngoài.

 Có một khác biệt giữa hiểu rõ sự vô lý của sự tẩu thoát này và quyết định không dính dáng loại liên hệ này. Một quyết định không giúp ích gì cả bởi vì nó củng cố sự việc bạn đang quyết định chống lại. Hiểu rõ hoàn toàn khác hẳn. Quyết định là kiềm hãm, bạo lực, xung đột, nhưng thấy rằng có sự cô độc này, sự trống rỗng phía bên trong của bạn này và rằng bất kỳ hành động nào về phần của người quan sát để thay đổi nó chỉ củng cố nó – đó là hiểu rõ. Thậm chí đang gọi nó là cô độc cũng là một hành động của người quan sát muốn loại bỏ nó. Hành động như thế không thay đổi gì cả, nó chỉ củng cố sự cô độc, nhưng tuyệt đối không hành động về sự cô độc này là sự thay đổi. Nó vượt khỏi cảm thấy và suy nghĩ, không liên quan đến chúng. Bất kỳ việc gì đang xảy ra bên trong bạn – tức giận, trầm uất, ghen tuông hay bất kỳ xung đột khác, buông bỏ nó ngay tức khắc. Kết thúc nó.

 

III

 

Người hỏi: Liệu một người đàn ông và một người đàn bà có thể sống chung cùng nhau, có tình dục và con cái, mà không có bất kỳ phiền muộn, cay đắng và xung đột vốn có sẵn trong một liên hệ như thế? Liệu có thể có tự do cho cả hai người? Tôi không có ý sự tự do để cho hai người liên tục có những cuộc tình với người nào khác. Thường thường người ta đến cùng nhau và lấy nhau bởi vì họ thương yêu nhau, và trong đó có ham muốn, chọn lựa, vui thú, chiếm hữu và thôi thúc cực kỳ. Từ ngay khởi đầu chính bản chất của trạng thái tình yêu này đã chứa đầy những hạt giống của xung đột.

Krishnamurti: Thế sao? Nó cần phải như thế à? Tôi nghi ngờ điều đó nhiều lắm. Liệu bạn không thể thương yêu và không có một liên hệ sở hữu, hay sao? Tôi thương yêu người nào đó và cô ấy thương yêu tôi và chúng tôi lấy nhau – tất cả việc đó hoàn toàn thẳng thắn và đơn giản, trong nó không có xung đột gì cả. (Khi tôi nói chúng tôi lấy nhau, tôi có lẽ nói chúng tôi quyết định sống chung cùng nhau – chúng ta đừng bị trói buộc trong những từ ngữ.) Liệu người ta không thể có tình yêu đó mà không có những thứ còn lại, mà không có cái đuôi, như nó đã là, nhất thiết đang theo sau, hay sao? Liệu hai người không thể thương yêu và cả hai đều thông minh và nhạy cảm đến độ có tự do và không có một trung tâm mà tạo ra xung đột, hay sao? Xung đột không ở trong cảm thấy của thương yêu. Cảm thấy của thương yêu hoàn toàn không có xung đột. Không có sự hao tán năng lượng trong tình yêu. Sự hao tán năng lượng trong cái đuôi, trong mọi thứ theo sau – ghen tuông, sở hữu, nghi ngờ, lưỡng lự, sợ hãi của mất tình yêu đó, sự đòi hỏi liên tục cho bảo đảm và an toàn. Chắc chắn, phải có thể vận hành trong một quan hệ tình dục với người nào đó mà bạn thương yêu nhưng không có ác mộng thường thường theo sau. Dĩ nhiên, nó phải.

 

 Từ Bản tin 3, 1969

 

Một phỏng vấn trên truyền hình

 

 

N

gày 7 tháng 12 năm 1970 BBC thực hiện một phỏng vấn với Krishnamurti mà sẽ được quay phim trong Krishnamurti School tại Brockwood Park, vào đầu năm sau. Những chủ đề được bàn luận bao gồm uy quyền, sợ hãi và vui thú, chức năng của sự suy nghĩ, tình yêu và thiền định. Những trích dẫn từ phỏng vấn được ghi lại dưới đây.

 

Về uy quyền

 

Người phỏng vấn: Thưa ông Krishnamurti, ông nói tất cả những vấn đề của chúng ta khởi nguồn từ một vấn đề: chúng ta sống như chúng ta được chỉ bảo sống, chúng ta là những người thứ hai, và suốt hàng thế kỷ chúng ta đã quy phục mọi loại uy quyền. Bây giờ những người trẻ ngày nay đang phản kháng chống lại uy quyền. Liệu thuộc cá nhân ông có bất kỳ điều gì phản kháng lại uy quyền?

Krishnamurti: Tôi không nghĩ thuộc cá nhân tôi có bất kỳ điều gì phản kháng lại uy quyền, nhưng uy quyền, khắp thế giới, đã làm tê liệt cái trí – không chỉ thuộc tôn giáo nhưng còn cả phía bên trong – bởi vì chắc chắn uy quyền của một niềm tin bị áp đặt bởi tôn giáo hủy diệt sự khám phá sự thật. Người ta phụ thuộc vào uy quyền bởi vì người ta sợ hãi đứng một mình.

 

Người phỏng vấn: Tôi khá bối rối bởi điều này, bởi vì chắc chắn sự thông minh tích lũy của chủng tộc loài người không phải hoàn toàn bị phủ nhận.

Krishnamurti: Không, nhưng sự thông minh là gì? Liệu sự thông minh chỉ đơn thuần là sự tích lũy của hiểu biết, hay sự thông minh hiện diện chỉ khi nào sự đau khổ kết thúc? Rốt cuộc, sự thông minh không ở trong những quyển sách, nó cũng không ở trong sự tích lũy hiểu biết của trải nghiệm của những người khác. Chắc chắn, sự thông minh hiện diện trong tự hiểu rõ về chính mình, trong tự khám phá về toàn cấu trúc của chính mình. Trong hiểu rõ về chính mình là sự kết thúc của đau khổ và sự khởi đầu của thông minh. Làm thế nào cái trí có thể thông minh khi nó bị trói buộc trong sợ hãi và đau khổ? Chỉ khi nào đau khổ – mà là sợ hãi – kết thúc, mới có thể thông minh.

 

Về Tình yêu

 

Người phỏng vấn: Tại sao chúng ta quá khao khát được thương yêu?

Krishnamurti: Bởi vì chúng ta quá trống rỗng, cô độc.

Người phỏng vấn: Nhưng ông nói rằng thương yêu còn quan trọng hơn được thương yêu.

Krishnamurti: Vâng, dĩ nhiên – mà có nghĩa người ta phải hiểu rõ sự trống rỗng này, sự cô độc này trong chính người ta. Một cái trí quan tâm đến chính nó cùng những tham vọng, những tham lam, những sợ hãi, những tội lỗi, những đau khổ riêng của nó không thể thương yêu. Một cái trí bị phân chia trong chính nó, sống trong những mảnh, chắc chắn không thể thương yêu. Phân chia hàm ý đau khổ; nó là nguyên nhân gốc của đau khổ – phân chia giữa ‘bạn’ và ‘tôi’, ‘chúng tôi’ và ‘chúng nó’, những người da đen, những người da trắng, những người da màu và vân vân. Vì vậy, bất kỳ nơi nào có sự phân chia, sự tách rời, tình yêu không thể hiện diện, bởi vì tốt lành là trạng thái của không-phân chia. Thế giới, chính nó là tách rời.

Người phỏng vấn: Ông nói, thật ra, tình yêu chỉ có thể hiện diện khi có một tự-từ bỏ tổng thể. Nhưng làm thế nào người ta đạt được tự-từ bỏ tổng thể?

Krishnamurti: Tự-từ bỏ tổng thể chỉ có thể xảy ra cùng sự hiểu rõ về chính mình. Hiểu rõ về chính mình là sự khởi đầu của thông minh và vì vậy thông minh và tình yêu theo cùng nhau. Điều này có nghĩa có tình yêu chỉ khi nào người ta thực sự đã hiểu rõ về chính người ta và thế là biết trong chính người ta không có sự phân chia gì cả – không ý thức của tức giận, tham vọng, tham lam, hoạt động tách rời.

Người hỏi: Nhưng, ông thấy, chúng ta vẫn còn sống trong xã hội và một xã hội khá bi thảm bởi điều đó, và nó tác động chúng ta: chúng ta thực sự không được tự do để là chính chúng ta một phần do bởi xã hội đó.  

Krishnamurti: Nhưng, chắc chắn, thưa bạn, chúng ta xã hội – xã hội là chúng ta, thế giới là chúng ta. Không phải rằng thế giới là cái gì đó khác biệt chúng ta. Tôi là kết quả của thế giới, của xã hội, văn hóa, tôn giáo, môi trường trong nó tôi đã sống.

Người phỏng vấn: Ông thấy, ông đã nói rằng do bởi sự nỗ lực mới hủy diệt chúng ta, rằng sống là một chuỗi của những đấu tranh, và con người hạnh phúc duy nhất là con người không bị trói buộc trong nỗ lực. Nhưng, liệu ông có thể thực hiện bất kỳ việc gì trong thế giới này mà không cần nỗ lực nhiều?

Krishnamurti: Tại sao không, thưa bạn? Nhưng nỗ lực là gì? Nó là một xung đột của những năng lượng, đúng chứ? Một năng lượng đang chống đối một năng lượng khác.

Người hỏi: Liệu không thể có một thúc đẩy kiên định trong một phương hướng, hay sao?

Krishnamurti: Nếu có một thúc đẩy, một theo đuổi, sự mâu thuẫn trong đó ở đâu? Không có sự lãng phí của năng lượng, không xung đột. Nếu tôi dạo bộ, tôi dạo bộ. Nhưng nếu tôi muốn ra ngoài dạo bộ và vẫn vậy tôi phải làm việc gì khác, vậy thì mâu thẫn bắt đầu, vậy thì xung đột, vậy thì nỗ lực. Vì vậy, đó là lý do tại sao, muốn hiểu rõ nỗ lực, người ta phải tìm ra chúng ta nỗ lực như thế nào.

 

Về Thiền định

 

Người phỏng vấn: Ông có ý gì qua từ ngữ thiền định? Từ ngữ đó thường xuyên xuất hiện trong những quyển sách của ông. Tôi tra cứu nó trong Oxford Dictionary trước khi đến gặp ông và nó định nghĩa thiền định là buông thả trong sự suy nghĩ. Nhưng ông không muốn chúng tôi thực hiện điều này.

Krishnamurti: Người ta phải thâm nhập vào nó để biết nó thực sự là gì – đối với tôi nó là một trong những sự việc quan trọng nhất.

Người hỏi: Tốt nhất ông nên giải thích bằng cách nói nó không là gì?

Krishnamurti: Tôi vừa đang định gợi ý điều đó. Bạn thấy, có vô số trường phái thiền định. Chúng giới thiệu vô vàn hệ thống, phương pháp, và họ nói rằng nếu bạn luyện tập những phương pháp này ngày sang ngày, bạn sẽ đạt được một hình thức nào đó của sự khai sáng, một trải nghiệm lạ thường nào đó. Trước hết, toàn ý tưởng của những hệ thống, những phương pháp, hàm ý sự lặp lại máy móc – và đó không là thiền định. Lúc này, liệu có thể không làm cho cái trí đờ đẫn bởi sự lặp lại, nhưng nhận biết chuyển động của sự suy nghĩ này – mà không kiềm hãm, mà không kiểm soát những suy nghĩ, nhưng chỉ nhận biết toàn động lực của sự suy nghĩ này, sự huyên thuyên này đang xảy ra?

Người phỏng vấn: Nhưng chúng ta luôn luôn diễn đạt những suy nghĩ của chúng ta thành những từ ngữ, đúng chứ?

Krishnamurti: Đó là nó. Sự suy nghĩ tồn tại chỉ trong những từ ngữ, hay trong những hình ảnh. Thiền định đòi hỏi sự kỷ luật lạ thường nhất – không phải sự kỷ luật của kiềm hãm và tuân phục – nhưng cái mà hiện diện khi bạn quan sát sự suy nghĩ riêng của bạn, khi có một quan sát về sự suy nghĩ. Chính sự quan sát đó mang lại sự kỷ luật tinh tế lạ thường riêng của nó. Điều đó tuyệt đối cần thiết.

Người hỏi: Người ta không sử dụng thời gian cho việc này?

Krishnamurti: Thưa bạn, bạn có thể thực hiện nó tại bất kỳ thời gian nào. Bạn có thể thực hiện nó khi bạn đang ngồi trong một chiếc xe buýt – đó là, quan sát, nhìn ngắm. Chú ý việc gì đang xảy ra chung quanh bạn và việc gì đang xảy ra trong bạn – nhận biết sự chuyển động tổng thể. Bạn thấy, thật ra thiền định là làm trống không cái trí khỏi mọi thứ đã được biết. Nếu không có điều này, bạn không thể biết cái không biết được. Muốn thấy cái gì đó mới mẻ, tuyệt đối mới mẻ, cái trí phải trống không khỏi tất cả quá khứ. Sự thật, hay Thượng đế, hay bất kỳ cái tên nào bạn muốn gọi nó phải mới mẻ, không phải cái gì đó mà là kết quả của sự tuyên truyền, kết quả của tình trạng bị quy định. Những người Thiên chúa giáo bị quy định bởi 2.000 năm của sự tuyên truyền, những người Ấn giáo, những người Phật giáo cũng bị quy định. Vì vậy đối với họ Thượng đế hay Sự thật là kết quả của sự tuyên truyền. Nhưng đó không là Sự thật. Sự thật là cái gì đó đang sống hàng ngày. Vì vậy, cái trí phải được trống không để nhìn ngắm Sự thật.

Người hỏi: Ông lau láng phiến đá, nếu nói như thế?

Krishnamurti: Đó là thiền định.

Người hỏi: Và vậy là ông nhận được sự nhận biết thanh thản, tổng thể của ‘cái gì là’.

Krishnamurti: Của ‘cái gì là’ – điều đó đúng. Và ‘cái gì là’ không là một vật bất động; nó sinh động lạ thường. Và vì vậy cái trí mà thực sự trong thiền định, cái trí thiền định, là một cái trí rất yên lặng, và sự yên lặng đó không là sản phẩm thuộc sự kiềm chế của ồn ào. Nó không là sự đối nghịch của ồn ào. Nó hiện diện khi cái trí hoàn toàn hiểu rõ về chính nó – vì vậy, không chuyển động nào xảy ra, mà có nghĩa chính những tế bào não trở nên yên lặng. Và vậy là trong sự yên lặng đó mọi việc xảy ra. Đây là một điều lạ thường, nếu người ta đã quan sát nó. Đó là thiền định thực sự, không phải tất cả sự chấp nhận giả dối của uy quyền và sự lặp lại của những từ ngữ, và mọi công việc đó. Tất cả việc đó hoàn toàn vô lý.

Người phỏng vấn: Tôi xin phép cố gắng tóm tắt, và ông sửa cho tôi nếu tôi hiểu sai? Dường như đối với tôi, thiền định là sự tiến hành cốt lõi của cởi bỏ tình trạng bị quy định.

Krishnamurti: Điều đó đúng.

Người hỏi: Và nếu tôi xóa sạch trọng tải chết người này của uy quyền, nếu tôi loại bỏ mọi thứ. Tôi đã được bảo, tôi sẽ hoàn toàn một mình tại khoảnh khắc đó, nhưng trong một mình đó có một cơ hội tôi có lẽ hiểu rõ ‘tôi thực sự là gì’.

Krishnamurti: Và cái gì là Sự thật, hay Thượng đế, hay bất kỳ cái tên nào bạn thích trao tặng nó.

 Từ Bản tin 9, 1970-71

 

 

Khả năng lắng nghe

Santa Monica, California, tháng 3 năm 1974

 

N

gười hỏi: Tôi đã lắng nghe ông nhiều lần cho đến lúc này, nhưng không thay đổi nào đã xảy ra.

Krishnamurti: ‘Tôi đã lắng nghe những nói chuyện của ông trong vài năm nhưng không thay đổi nào đã xảy ra trong tôi.’ Vậy thì, đừng lắng nghe nữa.

 Lúc này, hãy quan sát, thưa bạn, bạn lắng nghe người nào đó suốt nhiều năm, và trong chính bạn bạn thấy vẻ đẹp của điều gì đang được nói, vậy là bạn muốn lắng nghe nữa, vậy là nó mở toang những cái cửa cho bạn mà chưa bao giờ bạn thấy trước kia. Nhưng nếu nó không mở, vậy thì điều gì sai lầm? Có gì sai lầm với người nói mà trình bày những điều này, hay có gì sai lầm với người lắng nghe? Tại sao một người đàn ông hay một người đàn bà đã lắng nghe người nói nhiều năm lại không thay đổi? Trong đó có sự đau khổ vô cùng, đúng chứ?

 Bạn thấy một bông hoa, một bông hoa đẹp bên lề đường, bạn liếc nhìn và đi qua. Bạn không dừng lại và nhìn ngắm, bạn không thấy vẻ đẹp, sự cao quý yên lặng, trạng thái tình yêu. Bạn đi qua. Điều gì sai lầm? Liệu bạn không nghiêm túc? Liệu bạn không quan tâm? Liệu bạn có quá nhiều vấn đề đến độ bạn bị trói buộc trong chúng, không thời gian, không nhàn rỗi để ngừng lại, đến độ bạn không bao giờ nhìn ngắm bông hoa đó? Hay liệu điều gì người nói đang trình bày không có giá trị gì trong chính nó – không phải điều gì bạn suy nghĩ về nó – nhưng trong chính nó, nó không có giá trị? Nó không có giá trị? Muốn khẳng định liệu nó có hay không có giá trị, bạn phải thâm nhập điều gì người nói đang trình bày. Và muốn thâm nhập bạn phải có khả năng lắng nghe, bạn phải có thể nhìn ngắm, bạn phải trao thời gian của bạn cho nó. Vì vậy, liệu nó là trách nhiệm của bạn hay liệu nó là trách nhiệm của người nói? Nó là trách nhiệm hỗ tương của chúng ta, đúng chứ? Cả hai chúng ta phải nhìn ngắm. Người nói có lẽ vạch ra, nhưng bạn phải nhìn ngắm, bạn phải thâm nhập nó, bạn phải học hành. Và nếu cái trí của bạn không chuyên cần nhưng lại lười biếng, nếu cái trí của bạn không đang nhìn ngắm, không nhạy cảm cao độ; đó là cách bạn đang làm. Điều đó có nghĩa bạn phải thay đổi những cách sống của bạn; mọi thứ phải được thay đổi để học hành một cách sống hoàn toàn mới mẻ. Và điều đó đòi hỏi năng lượng; bạn không thể bê trễ, biếng nhác.

 Vậy là, bởi vì nó là trách nhiệm hỗ tương của chúng ta – có lẽ là trách nhiệm của bạn nhiều hơn trách nhiệm của người nói – có lẽ, thưa bạn, bạn đã không trao trọn sống của bạn cho nó. Chúng ta đang nói về sự sống – không phải về những ý tưởng, không phải về những lý thuyết, những luyện tập, thậm chí không phải về những kỹ thuật – nhưng nhìn ngắm toàn sống này, mà là sống của bạn, và chăm sóc nó. Và điều đó có nghĩa không lãng phí sống của bạn. Bạn có một thời gian rất ngắn ngủi để sống, có lẽ mười năm, có lẽ năm mươi năm, nhưng đừng lãng phí nó. Hãy nhìn ngắm nó, trao trọn sống của bạn để hiểu rõ nó.

 Từ Bản tin 27, 1975

 

Một thâm nhập vào tình bằng hữu

Santa Monica, California (không ngày tháng)

 

 

N

gười hỏi: Tình bằng hữu thực sự là gì, nếu không có sự tin cậy và tôn trọng?

 

Krishnamurti: Nếu không có sự tin cậy và tôn trọng, làm thế nào bạn có thể có tình bằng hữu? Tôi thực sự không biết! Nhưng, hãy theo dõi, thưa bạn, trước hết tại sao bạn muốn một người bạn? Liệu có phải bởi vì bạn muốn phụ thuộc vào anh ấy, nhờ cậy anh ấy, có sự bầu bạn? Do bởi sự cô độc, sự nghèo khó của bạn nên bạn mới phụ thuộc một người khác để lấp đầy sự trống rỗng của bạn và thế là bạn đang lợi dụng một người khác, đang trục lợi một người khác để lấp đầy sự nghèo khó riêng của bạn, sự trống rỗng riêng của bạn và vì vậy gọi người đó là một người bạn? Liệu anh ấy là một người bạn trong cách đó – sử dụng anh ấy cho sự vui thú của bạn, sự thanh thản của bạn và vân vân? Hãy thâm nhập nó, thưa bạn, đừng đồng ý điều gì tôi đang nói. Hầu hết chúng ta đều quá cô độc, và chúng ta càng lớn tuổi bao nhiêu chúng ta càng cảm thấy và khám phá sự trống rỗng riêng của chúng ta nhiều bấy nhiêu.

 Khi bạn còn trẻ, những việc này không xảy đến cho bạn. Nhưng khi bạn bắt đầu trưởng thành – nếu có khi nào bạn chín chắn – lúc đó bạn khám phá cho chính bạn nó có nghĩa gì khi trống rỗng, khi cô độc, khi không có người bạn bởi vì bạn đã sống một sống hời hợt, đã phụ thuộc những người khác, đã trục lợi những người khác. Bạn đã đầu tư quả tim của bạn, những cảm giác của bạn trong những người khác, và khi họ chết, hay đi khỏi, bạn cảm thấy quá cô độc, trống rỗng: và từ sự trống rỗng đó có tự thương hại, và bạn ao ước tìm được người nào khác để lấp đầy sự trống rỗng đó. Đây là việc gì đang xảy ra suốt mọi ngày trong sống của chúng ta.

 Lúc này, liệu bạn có thể thấy điều này và học hành về nó? Học hành bị cô độc có nghĩa gì và không bao giờ trốn chạy nó. Nhìn ngắm nó, sống cùng nó, thấy điều gì được hàm ý, để cho thuộc tâm lý, phía bên trong, bạn không phụ thuộc bất kỳ người nào cả. Vậy thì, bạn sẽ biết tình yêu có nghĩa gì.

 

  Bản tin 30, 1976

 

Vẻ đẹp là gì?

London, Anh (không ngày tháng)

 

N

gười hỏi: Tôi không biết vẻ đẹp là gì. Tôi chưa bao giờ suy nghĩ về nó cho đến khi tôi nghe ông nói về nó. Tôi là một kỹ sư và đã xây dựng nhiều cao ốc, cầu cống và đường xe lửa. Tôi đã sống một sống cực nhọc ở ngoài trời và trong những vùng nông thôn nơi chẳng có bao nhiêu cây cối. Một ngày nào đó trên một chuyến dạo bộ, ông đã chỉ ra hình thể đẹp đẽ của một cái cây. Tôi quan sát nó và lặp lại những từ ngữ, ‘Đẹp quá,’ nhưng sâu thẳm bên trong tôi, tôi đã không cảm thấy bất kỳ điều gì cả. Tôi lịch sự đồng ý với ông, nhưng thật ra tôi không cảm thấy vẻ đẹp là gì. Thỉnh thoảng một đường xe lửa ngay thẳng có lẽ đẹp đẽ với tôi và thỉnh thoảng tôi khâm phục một trong những chiếc cầu hiện đại tuyệt vời đó bắc qua một con sông rộng hay bắc qua cửa của một cái cảng. Chúng thực dụng và được cho là khá đẹp, nhưng tôi thực sự không thấy vẻ đẹp. Những máy bay phản lực hiện đại đó là những cái máy thực dụng. Khi ông chỉ chúng cho tôi và nói rằng nó đẹp, không hiểu vì lý do nào đó tôi cảm thấy nó là những vật để được sử dụng và không hiểu tại sao ông lại quá phấn khích bởi nó. Bông hoa màu vàng đó bên đường đi đã không trao tặng cho tôi cùng chất lượng của cảm thấy như nó đã trao tặng cho ông. Tôi quả quyết rằng tôi quá thô thiển. Cái trí của ông nhạy bén nhiều hơn cái trí của tôi. Tôi đã chưa bao giờ bận tâm nhìn ngắm những cảm giác của tôi hay vun quén chúng. Tôi đã có con cái và sự vui thú của tình dục, nhưng thậm chí việc đó cũng khá nhàm chán và nặng nề. Và lúc này tôi không hiểu liệu tôi đang mất đi cái gì đó mà ông gọi là vẻ đẹp và liệu tại tuổi của tôi có khi nào tôi thực sự cảm thấy nó, thấy thế giới như một vật kỳ diệu, những bầu trời, những cánh rừng và những con sông. Vẻ đẹp là gì?

Krishnamurti: Bạn đang nói về vẻ đẹp của đang sống hay vẻ đẹp mà mắt thấy trong cái gì đó, hay vẻ đẹp của một bài thơ hay vẻ đẹp của âm nhạc? Đối với bạn có thể tất cả điều này khá cảm tính hay cảm xúc, nhưng cũng có vẻ đẹp trong toán học, mà bạn biết. Trong đó có sự trật tự tối thượng. Và liệu cùng trật tự như thế trong sống cũng không đẹp đẽ, hay sao?

Người hỏi: Tôi không biết liệu nó đẹp đẽ, nhưng tôi có biết tôi đã làm gì với sống riêng của tôi: tôi đã tự kỷ luật mình rất khắt khe, hầu như tàn nhẫn, và có một trật tự bị tra tấn nào đó trong nó. Nhưng có thể ông sẽ nói rằng điều này không là trật tự gì cả. Tôi thực sự không biết sống đẹp đẽ có nghĩa gì. Thật ra, tôi thực sự không biết ngoại trừ một ít việc máy móc liên quan đến việc làm của tôi; qua nói chuyện với ông tôi thấy rằng sống của tôi khá chán nản, hay cái trí của tôi. Vì vậy, làm thế nào tôi thức dậy nhạy cảm này, thông minh này mà khiến cho sống trở thành đẹp đẽ lạ thường đối với ông?

Krishnamurti: Trước hết, thưa bạn, người ta phải mài bén những giác quan bằng cách nhìn ngắm, tiếp xúc, quan sát, lắng nghe không chỉ những con chim, tiếng xào xạc của những chiếc lá, nhưng còn cả những từ ngữ mà bạn sử dụng cho riêng mình, sự cảm thấy mà bạn có – dù nó nhỏ nhen và tầm thường – về tất cả những hàm ý kín đáo của cái trí riêng của bạn. Lắng nghe chúng và đừng kiềm hãm chúng, đừng kiểm soát chúng hay cố gắng thăng hoa chúng. Chỉ lắng nghe chúng. Nhạy cảm với những giác quan không có nghĩa buông thả chúng, không có nghĩa nhượng bộ những thôi thúc hay kháng cự những thôi thúc đó, nhưng có nghĩa chỉ đơn giản đang nhìn ngắm để cho cái trí luôn luôn cảnh giác như khi bạn đi trên một đường rầy xe lửa; bạn có lẽ mất thăng bằng nhưng ngay lập tức đi thẳng lại trên đường rầy. Thế là toàn cơ quan của thân thể trở nên sinh động, nhạy cảm, thông minh, cân bằng, hoàn hảo.

 Có thể bạn nghĩ rằng thân thể không quan trọng lắm. Tôi đã trông thấy bạn ăn, và bạn ăn như thể bạn đang tống vào cái ống khói. Bạn có lẽ thích hương vị của thức ăn, nhưng tất cả nó đều quá máy móc, quá không chú ý. Cách bạn trộn thức ăn trong cái đĩa của bạn. Khi bạn bắt đầu nhận biết được tất cả điều này, những ngón tay của bạn, hai mắt của bạn, hai tai của bạn, thân thể của bạn, tất cả đều trở nên nhạy cảm, linh động, sẵn sàng đáp lại. Điều này tương đối dễ dàng. Nhưng điều gì còn khó khăn hơn nhiều là làm tự do cái trí khỏi những thói quen máy móc của sự suy nghĩ, cảm thấy và hành động mà nó đã bị đúc khuôn vào chúng bởi những hoàn cảnh – bởi người vợ của người ta, con cái của người ta, việc làm của người ta. Chính cái trí đã mất đi khả năng linh động của nó. Những hình thức tinh tế hơn của sự quan sát không còn trong nó. Điều này có nghĩa, đang thấy chính bạn thực sự như bạn là mà không mong muốn sửa đổi bạn hay thay đổi điều gì bạn thấy hay trốn chạy nó – chỉ thấy chính bạn thực sự như bạn là, để cho cái trí không rơi lại trong một chuỗi thói quen khác. Khi một cái trí như thế nhìn ngắm một bông hoa hay màu sắc của một cái áo hay một chiếc lá khô đang rời khỏi một cái cây, lúc này nó có thể thấy một cách rõ ràng chuyển động của chiếc lá đó khi nó rơi xuống và màu sắc của bông hoa đó. Thế là cả phía bên ngoài lẫn phía bên trong, cái trí trở nên linh động, mềm dẻo, tỉnh táo cực độ; có một nhạy cảm mà khiến cho cái trí thông minh. Nhạy cảm, thông minh và tự do trong hành động là vẻ đẹp của đang sống.

Người hỏi: Được rồi. Vì vậy người ta quan sát, người ta trở nên rất nhạy cảm, rất tỉnh táo, và sau đó cái gì? Liệu đó là tất cả mà người ta có, chỉ kinh ngạc mãi mãi nơi những sự vật sự việc hoàn toàn tầm thường? Tôi chắc chắn rằng mọi người luôn luôn làm điều này, ít ra khi họ còn trẻ, và với việc đó chẳng có gì lay động quả đất này. Vậy thì cái gì? Liệu không có sự thâm nhập thêm nữa nào khác hơn là chỉ sự quan sát này mà ông nói?

Krishnamurti: Bạn bắt đầu nói chuyện này bằng cách hỏi về vẻ đẹp, bằng cách nói rằng bạn không cảm thấy nó. Bạn cũng đã nói rằng trong sống của bạn không có vẻ đẹp và vì vậy chúng ta đang thâm nhập nghi vấn của vẻ đẹp là gì này, không chỉ bằng từ ngữ hay trí năng, nhưng cảm thấy ngay sự rộn ràng của nó.

Người hỏi: Vâng, đó là như thế, nhưng khi tôi hỏi ông tôi đã không hiểu liệu có cái gì đó vượt khỏi chỉ đang nhìn ngắm nhạy cảm đó mà ông diễn tả.

Krishnamurti: Dĩ nhiên có, nhưng nếu người ta không có sự nhạy cảm của quan sát này, thấy cái gì đó vô hạn không thể xảy ra được.

Người hỏi: Vậy là nhiều người có thấy cùng sự nhạy cảm cao độ. Những thi sĩ quan sát cùng cảm thấy mãnh liệt, tuy nhiên trong tất cả điều này dường như không có bất kỳ sự đột biến để đến cái gì đó vô hạn, đẹp đẽ vô hạn mà con người gọi là thiêng liêng. Bởi vì tôi cảm thấy rằng dù người ta rất nhạy cảm hay khá chai lỳ, giống như tôi, nếu không có một đột biến để đến kích thước hoàn toàn khác hẳn nào đó, điều gì người ta nhận biết chỉ là đang thay đổi sắc thái của màu xám xịt. Trong tất cả nhạy cảm này mà ông nói xảy ra qua sự quan sát, dường như đối với tôi chỉ có một khác biệt thuộc số lượng có thể xác định được, chỉ là một cải thiện nho nhỏ, không phải cái gì đó tuyệt đối khác hẳn. Thành thật mà nói, tôi không hứng thú trong chỉ thêm một chút xíu của cùng sự việc.

Krishnamurti: Vì vậy, lúc này bạn đang hỏi điều gì? Liệu bạn đang hỏi làm thế nào để phá vỡ sự đơn điệu xám xịt nhàm chán của sống để đến được kích thước hoàn toàn khác hẳn nào đó?

Người hỏi: Vâng. Vẻ đẹp thực sự phải là cái gì đó khác hẳn vẻ đẹp của những thi sĩ, những họa sĩ, cái trí tỉnh táo non trẻ, mặc dù trong bất kỳ cách nào tôi không đang xem thường vẻ đẹp đó.

Krishnamurti: Liệu thực sự đây là điều gì bạn đang tìm kiếm? Thực sự nó là điều gì bạn mong muốn? Nếu bạn muốn, phải có sự cách mạng tổng thể của thân tâm bạn. Liệu đây là điều gì bạn mong muốn? Liệu bạn mong muốn một cách mạng mà xóa sạch tất cả những ý tưởng của bạn, những giá trị của bạn, luân lý của bạn, kính trọng của bạn, hiểu biết của bạn – xóa sạch bạn để cho bạn được thâu gọn thành trống không tuyệt đối, để cho bạn không còn có bất kỳ đặc điểm nào, để cho bạn không còn là người tìm kiếm, người đánh giá, người hung hăng hay có lẽ không hung hăng, để cho bạn hoàn toàn trống không khỏi mọi thứ mà là bạn? Trống không này là vẻ đẹp cùng sự mộc mạc lạ thường của nó mà không có một khuấy động của sự khắc nghiệt hay sự khẳng định hung hăng. Đây là điều gì sự đột biến có nghĩa, và liệu đây là điều gì bạn theo đuổi? Phải có một thông minh kinh ngạc, không phải thông tin hay học hành. Thông minh này luôn luôn đang vận hành, dù bạn ngủ hay thức. Đó là lý do tại sao chúng ta đã nói phải có những bên ngoài và những bên trong mà mài bén bộ não. Và chính sự mài bén này của bộ não khiến cho nó yên lặng. Và chính sự nhạy cảm và thông minh này khiến cho sự suy nghĩ vận hành chỉ khi nào nó phải bắt buộc; phần còn lại của thời gian bộ não không ngủ im lìm nhưng yên lặng nhìn ngắm. Và thế là, bộ não cùng những phản ứng của nó không tạo ra sự xung đột. Nó vận hành mà không đấu tranh và vì vậy không biến dạng. Vậy là đang làm và đang hành động là tức khắc, giống như khi bạn thấy sự nguy hiểm. Vì vậy, luôn luôn có sự tự do khỏi những tích lũy thuộc hình thành ý tưởng mà là người quan sát, cái vị kỷ, ‘cái tôi’ mà phân chia, kháng cự và dựng lên những rào chắn. Khi ‘cái tôi’ không còn, đột biến không còn, vậy là không có sự đột biến; lúc đó toàn sống ở trong vẻ đẹp của đang sống, vẻ đẹp của liên hệ, mà không thay thế một hình ảnh cho một hình ảnh khác. Vậy là, chỉ đến lúc đó cái vô hạn có thể hiện diện.

 Từ Bản tin 32, 1977

 

Tự do khỏi những Quyến luyến

Saanen, Thụy sĩ, ngày 16 tháng 7 năm 1974

 

N

 

gười hỏi: Tôi thấy những hàm ý của sự quyến luyến, nhưng dẫu vậy tôi muốn hỏi liệu không có một quyến luyến thuộc sinh học nào đó? Có những quyến luyến trong thế giới động vật. Làm thế nào ông có thể hình dung chủng tộc loài người, gồm có hàng triệu con người, những gia đình con người, không có những quyến luyến trong họ?

Krishnamurti: Chờ đã, thưa bạn. Liệu chúng ta đang nói với hàng triệu con người về sự quyến luyến, hay liệu chúng ta đang nói với bạn về sự quyến luyến? Bạn hiểu rõ câu hỏi của tôi? Bởi vì hàng triệu người không quan tâm đến việc này. Hàng triệu người ở Ấn độ, Nam Mỹ không quan tâm đến việc này. Họ nói, ‘Vì Chúa, hãy cho tôi lương thực, quần áo và chỗ ở – tôi đang đói, tôi đang bệnh.’ Và bạn đang hỏi, ‘Làm thế nào ông yêu cầu hàng triệu người này đừng quyến luyến?’ Bạn không thể! Nhưng chúng ta đang nói với bạn – đúng chứ? Làm ơn, hãy lắng nghe điều này: nếu trong ý thức của bạn, mà là ý thức của hàng triệu người, có một thay đổi, vậy thì thay đổi đó ảnh hưởng hàng triệu người. Vậy thì bạn sẽ có một loại khác hẳn của giáo dục, một loại khác hẳn của xã hội, bạn theo sát chứ?

 Bạn quyến luyến người mẹ của bạn, dĩ nhiên. Khi bạn là một đứa trẻ, bạn cần một người mẹ và một người cha để chăm sóc bạn; đứa trẻ cần sự an toàn tuyệt đối, sự an toàn thuộc loại đúng đắn càng nhiều bao nhiêu, đứa trẻ càng hạnh phúc bấy nhiêu. Nhưng hàng triệu người ao ước sự an toàn, và họ nghĩ họ sẽ tìm được nó trong sự quyến luyến, quyến luyến quốc gia của họ, ngôi nhà nhỏ xíu của họ. Họ sẵn sàng chiến đấu với phần còn lại của thế giới cho quốc gia của họ, đây là sự quyến luyến của họ. Người Thiên chúa giáo sẵn lòng chiến đấu với người Tin lành giáo cho sự quyến luyến của anh ấy. Lúc này, chúng ta quan tâm đến những người đang ở trong cái lều này. Nếu tôi đi và nói chuyện với những người đang lao động vất vả ngoài đường họ sẽ nói, ‘Làm ơn đi khỏi đây, điều gì chúng tôi cần là một cốc bia.’ Chúng ta đang nói chuyện cùng bạn. Liệu bạn có thể thay đổi nội dung ý thức của bạn để cho trong sự thay đổi đó bạn ảnh hưởng ý thức của con người? Hãy quan sát, những tổ chức tạm gọi là tôn giáo đã nói với những cá thể suốt hàng ngàn năm và ý thức của bạn đã chấp nhận tình trạng bị quy định này như những người Thiên chúa giáo hay những người Tin lành giáo, và bạn vận hành từ đó nếu bạn dư thừa nghiêm túc trong điều gì bạn đã bị quy định vào, và ý thức của bạn đã ảnh hưởng ý thức của thế giới. Lúc này, chúng ta đang nói: trong sự thay đổi của ý thức của bạn, cùng tất cả nội dung của nó, trong sự tự do đó bạn có năng lượng lạ thường, mà là bản thể của thông minh và thông minh đó sẽ vận hành trong mọi lãnh vực nếu bạn nhận biết sự tồn tại tổng thể của con người.

 Hãy thấy việc gì đang xảy ra: mọi người cần quần áo, lương thực và chỗ ở, nhưng điều đó bị ngăn cản bởi sự phân chia, sự phân chia cơ bản, sự phân chia quốc gia, sự phân chia kinh tế, sự ganh đua quyền hành giữa những quốc gia. Khi chúng ta đang nói về điều này với một người chính trị nổi tiếng, một thành viên của Quốc hội, và anh ấy nói, ‘Ông bạn thân mến của tôi, điều đó không thể xảy ra được, một lý tưởng tuyệt vời, nhưng viễn vông quá; tôi thích điều gì ông nói nhưng nó không thực tế. Chúng ta phải giải quyết những việc xảy ra trước mắt.’ Bạn theo kịp chứ? Và những việc xảy ra trước mắt là quyền hành của họ, địa vị của họ, học thuyết của họ, những việc thực tế nhất và những việc phá hoại nhất. Bạn biết tất cả điều này. Liệu bạn có ý rằng nếu tất cả những người chính trị trong thế giới cùng nhau ngồi lại và nói, ‘Nhìn kìa, hãy gạt đi những hệ thống của các bạn, hãy gạt đi những học thuyết của các bạn, hãy gạt đi quyền hành của các bạn, chúng ta hãy quan tâm đến sự đau khổ của con người, những nhu cầu, quần áo, lương thực chỗ ở của con người’ – liệu bạn có ý rằng chúng ta không thể giải quyết vấn đề này? Dĩ nhiên, chúng ta có thể. Nhưng không người nào mong muốn giải quyết. Mọi người đều quan tâm đến học thuyết và sự bất mãn cấp bách của riêng họ.

 Từ Bản tin 32, 1977

 

Nếu Người ta là Thế giới

Ojai, California, ngày 13 tháng 5 năm 1980

 

 

N

gười hỏi: Nếu người ta là thế giới, nó có nghĩa gì khi ra khỏi dòng chảy, và ‘ai’ ra khỏi dòng chảy?

Krishnamurti: Tôi không hiểu liệu người ta nhận ra, không phải như một ý tưởng, không phải như cái gì đó quyến rũ lãng mạn, nhưng như một sự kiện thực sự, rằng người ta là thế giới – thuộc tâm lý, phía bên trong, người ta là thế giới. Đi đến Ấn độ, họ có cùng vấn đề như ở đây, đau khổ, cô độc, chết chóc, lo âu, phiền muộn. Bất kỳ nơi nào người ta đi đến, đây là sự kiện chung cho nhân loại.

 Khi bạn nghe câu nói này rằng thuộc tâm lý, phía bên trong, người ta là thế giới, liệu bạn hiểu nó như một ý tưởng? Hay liệu bạn thực sự nhận ra nó như bạn nhận ra khi một cây kim đâm vào đùi bạn hay cánh tay bạn, sự đau đớn thực sự của nó? Bạn không có một ý tưởng về điều đó: nó là như thế, có sự đau đớn. Vì vậy, liệu người ta nhận ra sự kiện vô hạn đó, cảm thấy nó như cái gì đó cốt lõi, cái gì đó thực sự lạ thường? Nếu người ta nhận ra, vậy thì sự kiện thuộc tâm lý đó tác động cái trí, bộ não – không phải cái trí nhỏ nhen riêng của người ta bị chật hẹp lại bởi những quan tâm thuộc gia đình hay quốc gia – nó tác động bộ não của con người. Khi người ta nhận ra điều đó, nó mang lại một ý thức của sự trách nhiệm vô cùng, mà không có bất kỳ ý thức của tội lỗi, nhưng một ý thức của sự trách nhiệm lạ thường đối với tất cả những sự việc sự vật liên quan đến những con người, làm thế nào người ta giáo dục con cái của người ta, làm thế nào người ta ứng xử, và vân vân. Nếu người ta thực sự nhận ra sự vô hạn này – nó là vô hạn – vậy là thực thể riêng biệt như ‘cái tôi’ dường như không còn ý nghĩa; tất cả những quan tâm nhỏ nhen của người ta trở nên quá tầm thường.

 Khi người ta thấy sự kiện này, khi nó được cảm thấy trong quả tim và cái trí của người ta, người ta bao bọc quả đất; người ta muốn bảo vệ mọi thứ, bởi vì người ta có trách nhiệm.

 Người hỏi muốn biết: Nó có nghĩa gì khi ra khỏi dòng chảy và ‘ai’ ra khỏi dòng chảy? Dòng chảy là sự đấu tranh và sự đau khổ liên tục của tất cả những con người, dù là cộng sản, xã hội hay thực dân: nó là mảnh đất chung mà tất cả chúng ta đều đứng trên nó. Được tự do khỏi dòng chảy đó, không có ‘ai’ ra khỏi nó; cái trí đã trở thành cái gì đó khác hẳn. Nó không là, ‘Tôi ra khỏi nó’; cái trí không còn ở trong dòng chảy nữa.

 Nếu bạn quyến luyến và bạn kết thúc sự quyến luyến, cái gì đó hoàn toàn khác hẳn xảy ra; không phải rằng bạn được tự do khỏi sự quyến luyến. Có một chất lượng khác hẳn, một âm điệu khác hẳn đối với tổng thể sống của người ta khi người ta nhận ra sự kiện lạ thường này, rằng chúng ta là nhân loại.

 

 Từ Bản tin 40, 1981

 

 

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI

 

Hung hăng

Ojai, California, ngày 15 tháng 5 năm 1980

 

N

gười hỏi: Trong quan sát không người quan sát, liệu có một đột biến khỏi ở cùng sự kiện đó mà dẫn đến sự gia tăng của chú ý? Liệu năng lượng được sáng tạo có một phương hướng?

Krishnamurti: Rủi thay, những câu hỏi này không liên quan đến sống thực sự. Điều đó không có nghĩa rằng người ta không nên đặt ra những câu hỏi này, nhưng liệu thực sự chúng đã tác động sống hàng ngày của người ta? Những câu hỏi như thế này là những câu hỏi trừu tượng, lý thuyết, cái gì đó mà người ta đã nghe rồi. Tại sao không nhìn vào sống của người ta và tìm ra tại sao người ta sống trong cách này, tại sao người ta lo âu, tại sao cái trí của người ta luôn luôn đang huyên thuyên, tại sao người ta không có sự liên hệ đúng đắn với một người khác, tại sao người ta độc ác? Tại sao cái trí của người ta quá nông cạn, tại sao người ta loạn thần kinh? Rõ ràng, người ta không bao giờ bàn về những vấn đề ảnh hưởng sự tồn tại hàng ngày của người ta. Tôi không hiểu tại sao? Nếu người ta đặt ra một câu hỏi rất chân thật mà ảnh hưởng sâu sắc đến sống của người ta, nó có nhiều sức sống hơn nhiều.

 Vì vậy tôi sẽ đặt ra một câu hỏi: tại sao chúng ta, mỗi người chúng ta, sống trong cách chúng ta đang sống, đang sử dụng thuốc kích thích, đang nhậu nhẹt, đang hút thuốc, đang theo đuổi vui thú và hung hăng? Tại sao chúng ta lại như thế? Tại sao chúng ta hung hăng? Trong tổng thể của xã hội mà chúng ta sống trong nó, sự hung hăng là một trong những việc quan trọng nhất, và sự ganh đua – chúng theo cùng nhau. Bạn có thể thấy sự hung hăng trong những con thú trong những mùa nào đó, trong thời kỳ giao phối. Nhưng tại những thời kỳ nào đó, chúng không ganh đua. Một con sư tử giết một con hươu, những con sư tử khác chia sẻ nó. Nhưng rõ ràng, đối với chúng ta sự hung hăng là một việc bám rễ chặt nhất.

 Tại sao chúng ta ganh đua? Liệu nó do bởi sự sai lầm của xã hội, hay sự giáo dục của chúng ta? Đừng khiển trách xã hội về việc này; xã hội là cái gì chúng ta đã tạo ra nó, và nếu người ta không ganh đua, không hung hăng, thế là trong xã hội này người ta bị chà đạp, bị khai trừ, bị khinh miệt.

 Liệu chúng ta hung hăng bởi vì sự tập trung vào sự tự do cá thể, một tự do mà đòi hỏi rằng người ta phải tự thể hiện chính mình bằng bất kỳ giá nào, đặc biệt ở phương Tây? Có một tin tưởng rằng nếu người ta muốn thực hiện việc gì đó, người ta thực hiện nó; không kiềm chế, không tìm hiểu, không đặt thành vấn đề gì cả; nếu người ta có một thôi thúc, người ta phải hành động. Người ta có thể thấy sự hung hăng tác động ra sao. Người ta hung hăng, ganh đua cho cùng công việc, cho việc này, việc kia hay việc khác, đang luôn luôn đấu tranh lẫn nhau từ ngay khởi đầu, cả thuộc tâm lý lẫn thuộc vật chất.

 Đó là khuôn mẫu mà người ta tiếp tục sống, bộ phận thuộc sự giáo dục xã hội của người ta. Và để phá vỡ khuôn mẫu đó, người ta nói rằng phải vận dụng ý chí. Vận dụng ý chí của người ta là một hình thức khác của ‘Tôi phải’, một hình thức khác của sự hung hăng. Người ta hung hăng, đó đã là khuôn mẫu từ thời niên thiếu được áp đặt bởi người mẹ, người cha, bởi giáo dục và xã hội, và từ những cậu trai chung quanh mà tất cả đều hung hăng. Và người ta ưa thích điều đó, nó trao tặng sự vui thú, người ta chấp nhận nó và thế là người ta cũng trở thành hung hăng. Sau đó, khi người ta lớn lên, người nào đó chỉ rõ cho người ta bản chất của sự hung hăng, nó gây ra điều gì trong xã hội, sự ganh đua đang phá hoại những con người ra sao. Không chỉ người nói đang trình bày điều này nhưng những người khoa học cũng đang bắt đầu giải thích nó – vì vậy có lẽ người ta sẽ chấp nhận điều gì những người khoa học nói. Nó được giải thích với người ta rất kỹ càng, lý do, nguyên nhân, bản chất hủy hoại của sự ganh đua, và của luôn luôn so sánh. Lúc này, cái trí mà không so sánh gì cả là một loại cái trí hoàn toàn khác hẳn; nó có nhiều sinh lực hơn.

 Vậy là, tất cả điều này được giải thích cho người ta, và vẫn vậy người ta tiếp tục hung hăng, ganh đua, tự so sánh mình với những người khác – không phải vì những việc nhỏ nhoi hơn, nhưng luôn luôn vì những việc to tát hơn. Thế là có khuôn mẫu này được thiết lập, cái khung này, mà cái trí bị trói buộc trong nó.

 Người ta lắng nghe điều này và nói, ‘Tôi phải thoát khỏi nó, tôi phải làm cái gì đó về nó,’ mà là một hình thức khác của sự hung hăng. Vì vậy liệu người ta có thể có một thấu triệt vào sự hung hăng? – không hồi tưởng những hàm ý của nó, mà có nghĩa tìm hiểu liên tục, đạt được một kết luận và hành động từ sự kết luận đó – đó không là thấu triệt. Nhưng nếu người ta có một thấu triệt tức khắc vào nó, thế là người ta đã phá vỡ toàn cấu trúc của sự hung hăng.

 Vì vậy, bạn sẽ làm gì cho cách bạn đang sống: mãi mãi đi đến những gặp gỡ, những bàn luận với những người triết lý, và những người tâm lý mới nhất? Người ta không bao giờ nói, ‘Nhìn kìa, tôi giống như thế này, hãy để tôi tìm ra lý do tại sao. Tại sao người ta có những tổn thương, những hành hạ thuộc tâm lý? Tại sao người ta sống cùng chúng?”

 Nhưng, thật ra, người nào đó mà đã tham gia những nói chuyện của Krishnamurti suốt năm mươi năm hay nhiều hơn, và thuộc lòng tất cả những điều này, không cần phải trích dẫn tôi. Đừng trích dẫn; hãy tìm ra cho chính bạn, vậy thì có năng lượng vô cùng và bạn trở nên sinh động nhiều hơn.

 Từ Bản tin 40, 1981

 

Ý muốn và Ham muốn

Saanen, Thụy sĩ, ngày 23 tháng 7 năm 1980

 

N

gười hỏi: Nếu không có sự vận hành của ham muốn và ý muốn, làm thế nào người ta chuyển động trong phương hướng của sự hiểu rõ về chính mình? Liệu chính sự cấp bách phải thay đổi không là một bộ phận thuộc sự chuyển động của ham muốn, hay sao? Bản chất của bước đầu tiên là gì?

Krishnamurti: Muốn hiểu rõ câu hỏi này, không chỉ hời hợt nhưng sâu thẳm, người ta phải hiểu rõ bản chất của ham muốn và ý muốn, và cũng vậy bản chất của hiểu rõ về chính mình. Người hỏi muốn biết: nếu người ta không có sự thôi thúc, mà là bộ phận của ham muốn và ý muốn, làm thế nào sự nở hoa có thể xảy ra trong hiểu rõ về chính mình?

 Sự liên quan của ham muốn với ý muốn là gì? Ham muốn hiện diện như thế nào? Đầu tiên, có những cảm xúc thuộc xúc giác và thị giác; sau đó sự suy nghĩ tạo ra một hình ảnh từ những cảm xúc đó, và ham muốn được sinh ra. Người ta có thể thấy điều này cho chính người ta khi đang nhìn một cái áo sơ mi hay cái áo dài trong cửa sổ bày hàng; khi vào cửa hàng, cảm xúc thuộc xúc giác được khơi dậy trong tiếp xúc cái áo đó, và sau đó sự suy nghĩ nói, ‘Vui lắm nếu có cái áo đó!’ Sự suy nghĩ sáng chế hình ảnh của mặc vào cái áo và tại khoảnh khắc đó sự ham muốn nảy ra. Đây là chuyển động đó; nhận biết, tiếp xúc, cảm xúc – hoàn toàn tự nhiên, lành mạnh – sau đó sự suy nghĩ chiếm hữu cảm xúc đó, sáng chế một hình ảnh, và ham muốn được sinh ra. Ý muốn là sự tổng kết của ham muốn, sự củng cố của ham muốn, sự thôi thúc để đạt được, để diễn tả ham muốn của người ta, và thâu lợi; nó là sự vận hành của ham muốn được củng cố bởi ý muốn.

 Vì vậy, ham muốn và ý muốn theo cùng nhau. Lúc này người hỏi muốn biết: ‘Nếu không có ham muốn hay ý muốn, tại sao người ta nên tìm kiếm sự hiểu rõ về chính mình?’ Sự hiểu rõ về chính mình là gì? Chúng ta hãy thâm nhập câu hỏi đó trước. Những người Hy lạp cổ xưa và những người Ấn giáo đã nói biết về chính mình. Nó có nghĩa gì, biết về chính mình? Liệu có khi nào người ta có thể biết về chính mình? Cái gì cái tôi mà, rõ ràng, rất cần thiết phải biết? Và người ta có ý gì qua từ ngữ ‘biết’? Tôi biết Gstaad (Khu nghỉ mát gần Saanen nơi Krishnamurti ở) bởi vì tôi đã đến đây suốt hai mươi năm. Tôi biết bạn bởi vì tôi đã gặp bạn ở đây suốt hai mươi năm hay nhiều hơn. Khi người ta nói, ‘Tôi biết’, qua câu đó người ta có ý, không những sự công nhận nhưng còn cả sự nhớ lại của khuôn mặt, cái tên. Có sự liên tưởng: ‘Tôi đã gặp bạn ngày hôm qua, tôi nhận ra bạn ngày hôm nay.’ Đó là ký ức đang vận hành. Vì vậy, khi người ta nói, ‘Tôi biết,’ nó là quá khứ đang tự diễn tả chính nó trong hiện tại. Người ta đi đến trường học, cao đẳng, đại học và kiếm được nhiều hiểu biết. Sau đó người ta nói, ‘Tôi là một người hóa học, hay một người vật lý,’ hay người này người kia. Vì vậy, khi người ta nói người ta phải biết về chính mình, liệu người ta biết về cái tôi mới mẻ, hay người ta tiếp cận nó bằng một nền tảng của hiểu biết đã kiếm được sẵn? Bạn thấy sự khác biệt.

 Tôi muốn biết về chính tôi. Tôi có lẽ đã học tâm lý học hay đã viếng thăm những người điều trị phân tâm, hay đọc nhiều sách báo. Liệu tôi tiếp cận sự hiểu rõ về cái tôi qua sự hiểu biết đó? Hay tôi tiếp cận nó mà không có sự tích lũy trước của sự hiểu biết của cái tôi? Khi tôi nói, ‘Tôi phải biết về chính tôi’, liệu tôi không quen thuộc với chính tôi qua sự hiểu biết quá khứ mà sai khiến cách tôi quan sát về chính tôi, hay sao? Hiểu rõ điều này rất quan trọng nếu người ta muốn thâm nhập nó cẩn thận. Vì vậy, khi có sự hiểu biết trước của chính mình, người ta sử dụng hiểu biết đó để hiểu rõ về chính người ta; mà là điều hoàn toàn vô lý. Vì vậy, liệu người ta có thể xóa sạch tất cả mọi điều mà người ta đã hiểu rõ về chính người ta từ sự hiểu biết của những người khác – Freud, Jung, những người tâm lý hiện đại – và nhìn ngắm người ta mới mẻ lại, trong sáng lại?

 Lúc này, người hỏi muốn biết: liệu ham muốn và ý muốn có cần thiết trong quan sát về chính tôi? Thấy điều gì xảy ra. Người ta đã thâu lượm hiểu biết về chính người ta qua những người khác như đối nghịch sự kiện thực sự của người ta là gì. Bạn thấy sự khác biệt? Có một mâu thuẫn giữa điều gì tôi đã thâu lượm và ‘cái gì là’. Và để khuất phục sự mâu thuẫn này người ta vận dụng ý muốn. Người ta có lẽ viếng thăm người phân tâm học hiện đại nhất và được anh ấy cho sự hiểu biết nào đó về chính người ta; người ta mang hiểu biết đó về nhà và phát giác rằng nó khác biệt với người ta là gì. Vậy là bắt đầu sự xung đột: điều chỉnh điều gì người ta đã được chỉ bảo đến ‘cái gì là’. Muốn khuất phục sự xung đột, muốn kiềm chế nó, hay chấp nhận nó, sự ham muốn và ý muốn hiện diện.

 Lúc này, liệu ý muốn và ham muốn cần thiết? Liệu chúng không hiện diện chỉ khi nào người ta phải điều chỉnh chính người ta đến một khuôn mẫu, đến một khuôn mẫu của ‘tốt lành’, hay sao? Sau đó, sự xung đột, sự đấu tranh để khuất phục, để kiểm soát, không bắt đầu, hay sao?

 Người ta là một người tìm kiếm, người ta đang thâm nhập; vì vậy người ta hoàn toàn khước từ tất cả thông tin được cung cấp bởi những người khác về chính người ta. Liệu người ta sẽ thực hiện việc đó? Người ta sẽ không, bởi vì chấp nhận uy quyền sẽ an toàn nhiều hơn. Lúc đó người ta cảm thấy an toàn. Nhưng nếu người ta hoàn toàn khước từ uy quyền của mọi người, làm thế nào người ta quan sát chuyển động của cái tôi, bởi vì cái tôi không đứng yên, nó đang chuyển động, đang sống, đang hành động? Làm thế nào người ta quan sát cái gì đó mà năng động cực kỳ, dư thừa những thôi thúc, những ham muốn, những tham vọng, những tham lam, những lãng mạn? Mà có nghĩa: liệu người ta có thể quan sát chuyển động của cái tôi cùng tất cả những ham muốn và những sợ hãi của nó, mà không có sự hiểu biết được thâu lượm từ những người khác hay, mà người ta đã thâu lượm trong tìm hiểu về chính người ta?

 Một trong những hoạt động của cái tôi là tham lam. Lúc này, khi người ta sử dụng từ ngữ ‘tham lam’, người ta đã kết hợp hành động đó, hay phản ứng đó, với một kỷ niệm mà trước kia người ta đã có về phản ứng đó. Người ta sử dụng từ ngữ ‘tham lam’ để nhận dạng phản ứng đó, để công nhận nó, và khoảnh khắc sự công nhận đó xảy ra, nó được củng cố và bị rơi lại ký ức rồi. Vì vậy, liệu người ta có thể nhìn ngắm cảm xúc đó, phản ứng đó, mà không có từ ngữ, và thế là không có sự quen thuộc trước cùng nó? Liệu người ta có thể nhìn ngắm phản ứng đó mà không có một chuyển động nào của sự công nhận?

 Lúc này, liệu người ta có thể quan sát về chính người ta mà không có bất kỳ phương hướng, mà không có bất kỳ so sánh và thế là không có bất kỳ động cơ? Đó là đang học hành về chính người ta mới mẻ lại mỗi lần. Nếu người ta thâm nhập rất nghiêm túc vào điều này, người ta sẽ phát giác rằng nó không là vấn đề của từng chút một, đầu tiên một bước, kế tiếp một bước khác, nhưng là vấn đề của thấy sự thật của nó ngay tức khắc, sự thật rằng tại khoảnh khắc sự công nhận xảy ra người ta không đang biết về chính người ta gì cả. Nó đòi hỏi nhiều chú ý để thực hiện việc này, và hầu hết chúng ta đều quá lờ đờ, quá trì trệ; chúng ta có mọi loại những ý tưởng về điều gì chúng ta nên là hay chúng ta không nên là, thế là chúng ta tiếp cận nó bằng một gánh nặng vô cùng và vì vậy không bao giờ biết về chính chúng ta.

 Trình bày nó theo cách khác: chúng ta giống như phần còn lại của nhân loại, và nhân loại, khắp thế giới, đều chịu đựng sự đau khổ, trải qua những khốn cùng, hỗn loạn, phiền muộn. Vì vậy, thuộc tâm lý, người ta giống như phần còn lại của nhân loại; người ta là nhân loại. Kế tiếp, vấn đề nảy sinh: liệu nội dung ý thức của người ta có thể được xóa sạch, tất cả đang học hành về chính người ta, mà là ý thức của nhân loại? Người ta quá bị quy định vào ý tưởng của chính người ta như một cá thể, thuộc tâm lý khác hẳn một người khác – mà không là một sự kiện – đến độ khi người ta nói, ‘Tôi phải biết về chính tôi,’ người ta đang nói, ‘Tôi phải biết cái tế bào nhỏ xíu của tôi’ – và khi người ta thâm nhập cái tế bào nhỏ xíu đó, nó không là gì cả. Nhưng sự thật thực sự là rằng người ta là nhân loại, người ta là phần còn lại của nhân loại. Thâm nhập vào sự phức tạp cực kỳ của cái trí con người là đọc câu chuyện về chính người ta. Người ta là lịch sử, và nếu người ta biết làm thế nào để đọc quyển sách, người ta bắt đầu tìm được bản chất của chính người ta, bản chất của ý thức này mà là ý thức của tất cả những con người. 

 

Từ Bản tin 40, Mùa Xuân và Mùa Hè 1981

 

 

Nơi sự hiểu biết không được cần đến

Saanen, Thụy sĩ, ngày 29 tháng 7 năm 1981

 

N

gười hỏi: Làm thế nào người ta gạch được đường phân chia giữa sự hiểu biết mà phải được duy trì và sự hiểu biết mà phải được loại bỏ? Cái gì thực hiện sự quyết định?

Krishnamurti: Người hỏi đang muốn biết nơi nào để gạch một đường giữa ghi lại sự hiểu biết mà cần thiết để trở thành một kỹ sư, một người thợ mộc hay một người thợ ống nước, và ghi lại sự hiểu biết cá nhân, những tổn thương cá nhân, những tham vọng cá nhân mà rõ ràng chúng ta đã tiếp tục giữ gìn sự hiểu biết đó cùng sự thoái hóa hậu quả của nó. Vì vậy, bạn gạch một đường giữa cái đó và cái này ở đâu, và người hỏi muốn biết: cái gì tạo ra sự phân chia này?

 Bạn thấy một trong những nhân tố trong câu hỏi này – tất cả chúng ta phụ thuộc vào những quyết định biết chừng nào? Tôi sẽ quyết định đi đến đây, không đến đó. Quyết định đó được đặt nền tảng trên cái gì? Chỉ quan sát cẩn thận: trên vui thú – hiểu biết quá khứ, vui thú quá khứ hay đau khổ quá khứ, hồi tưởng về những sự việc quá khứ của tôi, mà nói, ‘Đừng làm việc đó nữa,’ hay, ‘Làm nó.’ Đó là, trong sự quyết định có yếu tố của ý muốn. Ý muốn là hình thức được tập trung, được tích lũy của ham muốn. Đúng chứ? Ham muốn, mà nói, ‘Tôi phải làm việc đó,’ nhưng tôi gọi nó là ‘ý muốn’. Chúng ta đã thâm nhập câu hỏi của ham muốn, vì vậy tôi sẽ không thâm nhập nó lúc này. Chúng ta đang nói rằng ý muốn là một yếu tố quan trọng trong sự quyết định, và chúng ta bị quy định vào truyền thống đó. Chúng ta đang thâm nhập hành động đó bởi vì ý muốn, mà cơ bản là ham muốn, là một nhân tố gây phân chia: ý muốn để thành công, ý muốn để làm việc gì đó và người vợ của tôi không đồng ý, cái tôi và cái không tôi, và vân vân.

 Vì vậy, liệu có một cách sống – làm ơn lắng nghe điều này – mà không có sự vận hành của ý muốn? Một cách sống trong đó không có sự xung đột, bởi vì, chắc chắn, sự xung đột hiện diện nếu tôi vận dụng ý muốn. Lúc này, chúng ta hãy tìm ra liệu điều đó có thể được.

 Người hỏi muốn biết: làm thế nào người ta gạch một đường giữa nhân tố đó mà tích lũy hiểu biết cần thiết cho hành động thuộc kỹ năng và nhân tố không ghi lại đó của cái tinh thần? Không ghi lại những tổn thương, những nịnh nọt, những dọa nạt của tôi, và tất cả điều đó. Làm thế nào người ta gạch một đường giữa hai nhân tố? Bạn không gạch một đường. Khoảnh khắc bạn gạch một đường, bạn đã tạo ra sự tách rời, và vì vậy bạn sẽ gây ra sự xung đột giữa đang ghi lại và đang không ghi lại. Sau đó bạn hỏi, ‘Làm thế nào tôi sẽ không ghi lại?’ Tôi bị sỉ nhục cá nhân, làm thế nào tôi không thể ghi lại sự sỉ nhục, hay sự nịnh nọt – nó là cùng sự việc, nịnh nọt và sỉ nhục là hai mặt của cùng đồng tiền. Trong lãnh vực của công nghệ tôi phải ghi lại, và khi bạn sỉ nhục tôi, ngay tức khắc tôi ghi lại nó. Tại sao tôi phải ghi lại nó? Tại sao sự sỉ nhục đó phải được chuyển qua ngày này sang ngày khác? Và từ sự sỉ nhục đó, khi tôi gặp lại bạn tôi trả đũa.

 Lúc này, liệu có thể không ghi lại bất kỳ những nhân tố thuộc tâm lý nào? Bạn hiểu rõ câu hỏi của tôi? Người vợ của tôi, nếu tôi có vợ, nói điều gì đó khó chịu khi tôi mệt nhọc về nhà từ nơi làm việc bởi vì cô ấy đã trải qua một ngày mệt nhọc cùng những đứa trẻ ầm ĩ, vì vậy cô ấy nói diều gì đó hung tợn. Ngay tức khắc, bởi vì tôi cũng mệt nhọc và tôi muốn một loại an bình nào đó trong căn nhà, tôi ghi lại nó. Lúc này, tôi đang hỏi liệu có thể không ghi lại biến cố đó? Ngược lại, tôi đang dựng lên một hình ảnh về cô ấy và cô ấy đang dựng lên một hình ảnh về tôi, vì vậy sự liên hệ là giữa những hình ảnh và không phải giữa chính chúng tôi. Vì vậy, liệu có thể không ghi lại? Qui trình ghi lại củng cố, cho sức sống đến một trung tâm mà là ‘cái tôi’. Điều đó rõ ràng. Chỉ có thể không ghi lại, không đặt thành vấn đề người ta mệt nhọc ra sao, bằng cách chú ý tại khoảnh khắc đó khi người vợ hay tôi đang hung tợn, bởi vì, như ngày hôm trước chúng ta đã giải thích về đề tài thiền định, nơi nào có sự chú ý không có đang ghi lại.

 Vì vậy, hãy thấy sự thật của điều này: rằng trên một mức độ bạn cần sự hiểu biết, và ở đây trên một mức độ khác bạn không cần sự hiểu biết gì cả. Hãy thấy sự thật của nó – nó mang lại cho bạn sự tự do như thế nào. Đó là sự tự do thực sự. Đúng chứ? Nếu bạn có một thấu triệt vào nó, bạn cũng không gạch một đường cũng không thực hiện một quyết định. Không có ghi lại. 

 Từ Bản tin 45, 1983

Đừng Van xin Sự Giúp đỡ

Saanen, Thụy sĩ, ngày 30 tháng 8 năm 1981

 

 

N

gười hỏi: Tôi đã tìm hiểu, đã đến Châu á, đã bàn luận cùng nhiều người ở đó; tôi đã cố gắng thâm nhập vượt khỏi sự hời hợt của những tôn giáo để thâm nhập cái gì đó mà tôi cảm thấy trong xương tủy của tôi – mặc dù tôi là một người lý luận – cái gì đó huyền bí thăm thẳm và thiêng liêng. Và vẫn vậy, dường như tôi không nắm bắt được nó. Liệu ông có thể giúp đỡ tôi?

Krishnamurti: Nó phụ thuộc vào bạn đã cố gắng bàn luận cùng ai. Chúng ta sẽ thâm nhập câu hỏi này chứ?

 Người ta không hiểu tại sao bạn đi đến Châu á – ngoại trừ để buôn bán. Thật ra, những người đi đến đó vì những mục đích tôn giáo lại có lẽ đang buôn bán – bạn cho tôi cái gì đó và tôi cho bạn cái gì đó. Liệu sự thật ở đó, không ở đây? Liệu sự thật được tìm thấy nhờ vào con người, nhờ vào vị đạo sư, nhờ vào con đường, nhờ vào một hệ thống, nhờ vào một người tiên tri, một đấng cứu rỗi? Hay liệu sự thật không có con đường?

 Có một câu chuyện rất hay của Ấn độ kể về một cậu trai rời bỏ gia đình để tìm kiếm sự thật. Cậu ấy đi tới nhiều người thầy, đi vô tận trong mọi vùng đất của quốc gia, mọi người thầy đều khẳng định điều này hay điều kia. Sau nhiều năm, khi là một người già nua, sau khi tìm kiếm, tìm kiếm, hỏi han, thiền định, thực hiện nhiều tư thế, hít thở đúng cách, ăn chay, không tình dục và tất cả việc đó, cậu ấy quay lại ngôi nhà cũ. Khi cậu ấy mở cửa, nó kia kìa: sự thật hiện diện ở đó. Bạn hiểu chứ? Bạn có lẽ nói, ‘Nó sẽ không ở đó nếu cậu ấy không lang thang khắp mọi nơi.’ Đó là một bình phẩm khôn ngoan, nhưng bạn bỏ lỡ vẻ đẹp của câu chuyện nếu bạn không thấy rằng sự thật không thể được tìm kiếm. Sự thật không là cái gì đó để đạt được, để trải nghiệm, để giam cầm. Nó hiện diện ở đó cho những người mà có thể thấy. Nhưng hầu hết chúng ta đều liên tục đang tìm kiếm, đang chuyển động từ một thích thú nhất thời này qua một thích thú nhất thời khác, từ một hưng phấn này sang một hưng phấn khác, đang hy sinh – bạn biết tất cả những vô lý đang xảy ra – đang suy nghĩ rằng thời gian sẽ giúp đỡ chúng ta đến được sự thật. Thời gian sẽ không làm việc đó.

 Vì vậy, vấn đề là: tôi là một người lý luận, tuy nhiên tôi cảm thấy rằng cái gì đó huyền bí sâu thẳm có hiện diện, nhưng tôi không thể nắm bắt nó. Tôi có thể hiểu rõ nó, tôi có thể thấy nó một cách lý luận, nhưng tôi không thể có nó trong quả tim của tôi, trong cái trí của tôi, trong hai mắt của tôi, trong nụ cười của tôi. Người hỏi nói: ‘Hãy giúp đỡ tôi.’ Liệu người ta có thể vạch rõ điều gì đó: đừng van xin sự giúp đỡ từ bất kỳ ai, bởi vì toàn sự huyền bí đều ở trong bạn, toàn sự việc – nếu có một huyền bí. Mọi thứ mà con người đã đấu tranh vì nó, đã tìm kiếm, đã tìm được, đã loại bỏ như ảo tưởng, tất cả điều đó là bộ phận thuộc ý thức của bạn. Khi bạn van xin sự giúp đỡ – hãy tha thứ cho tôi nếu tôi được phép nói ra bằng sự tôn trọng nhất, không phải sự bi quan – khi bạn van xin sự giúp đỡ, bạn đang van xin cái gì đó từ phía bên ngoài, từ một người khác. Làm thế nào bạn biết người khác có chất lượng của sự thật đó? Nếu bạn không có nó cho chính bạn, bạn sẽ không bao giờ biết liệu anh ấy có nó hay không.

 Vì vậy, việc đầu tiên là – tôi đang nói điều này bằng sự ân cần, bằng sự thành khẩn nhất – làm ơn đừng van xin sự giúp đỡ. Nếu bạn van xin, vậy thì những giáo sĩ, những đạo sư, những người trung gian, tất cả họ sẽ dìm bạn chết bởi những thổ lộ tuôn trào của họ. Ngược lại, nếu bạn quan sát vấn đề, vấn đề là thế này: con người qua những thế hệ đã tìm kiếm cái gì đó huyền bí, cái gì đó mà không bị thoái hóa bởi thời gian, bởi tất cả những khó nhọc của sự suy nghĩ; anh ấy đã tìm kiếm nó, đã ao ước nó, đã hy sinh, đã hành hạ chính anh ấy phần thân thể, đã nhịn ăn hàng tuần, nhưng anh ấy đã không tìm được nó. Vì vậy, người nào đó đến và nói, ‘Tôi sẽ chỉ cho bạn, tôi sẽ giúp đỡ bạn.’ Vậy là, bạn bị mất hút. Nhưng khi bạn hỏi liệu có cái gì đó huyền bí sâu thẳm, thiêng liêng, sự huyền bí đó chỉ tồn tại như một ý tưởng, nhưng nếu bạn phát hiện nó, nó không còn là một huyền bí. Sự thật không là một huyền bí, nó là cái gì đó vượt khỏi tất cả ý tưởng của sự huyền bí.

 Thế là, người ta sẽ làm gì? Tôi là con người, tôi có thể cười đùa, tôi có thể khóc lóc, nhưng tôi là một người nghiêm túc. Tôi đã thâm nhập tất cả những khía cạnh của tôn giáo, và tôi nhận ra sự hời hợt của chúng, và của những đạo sư, những nhà thờ, những đền chùa, những thánh đường, những người giảng đạo. Nếu tôi đã thấy sự hời hợt thực sự của một trong chúng, tôi đã thấy toàn cánh đồng giả tạo. Tôi không phải trải qua tất cả chúng. Vì vậy, tôi sẽ làm gì? Liệu có bất kỳ việc gì sẽ được làm? Ai là người làm? Và cái gì đang được làm? Làm ơn theo sát tất cả điều này từng bước một, nếu bạn hứng thú nó. Liệu bạn có thể loại bỏ tất cả sự hời hợt của bạn, cùng những vòng hoa, những bức tranh của bạn, tất cả sự vô lý đó? Liệu bạn có thể loại bỏ tất cả sự vô lý đó và một mình? Bởi vì người ta phải một mình. Từ ngữ ‘alone’ một mình có nghĩa ‘all one’ tất cả một. Biệt lập là một việc, tất cả một là một việc khác. Biệt lập có trong nó chất lượng của sự cô độc. Bạn có thể dạo bộ trong cánh rừng và một mình, hay bạn có thể dạo bộ trong cánh rừng đang cảm thấy rằng bạn biệt lập. Cảm thấy đó hoàn toàn khác hẳn cảm thấy của một mình. Lúc này, tôi sẽ làm gì? Tôi đã tham thiền, tôi đã tuân theo những hệ thống, những luyện tập khác nhau, và tôi nhận ra sự hời hợt của chúng.

 Tôi phải kể cho bạn câu chuyện này, nếu bạn không phiền. Chúng ta đã nói chuyện ở Bombay cùng một số khán giả rất đông, và ngày hôm sau một người đến gặp người nói. Ông ấy là một người lớn tuổi, tóc bạc, râu bạc, và ông ấy kể cho tôi câu chuyện dưới đây. Ông ấy đã là một luật sư quan trọng ở Ấn độ, một người biện hộ, có địa vị cao cùng một gia đình, con cái, được kính trọng nhiều và vân vân. Và một buổi sáng ông ấy đã nói với chính mình, ‘Tôi đã đưa ra sự đánh giá vào những người khác, những tội phạm, những người lừa đảo, những người ăn cướp, những người biển thủ, những người kinh doanh và những người chính trị, nhưng tôi không biết sự thật là gì. Làm thế nào tôi có thể đưa ra sự trừng phạt nếu tôi không biết sự thật là gì?’ Và thế là ông ấy rút lui, từ giã gia đình và đi vào rừng để tham thiền. Đó là một trong những truyền thống cũ kỹ ở Ấn độ, được tôn kính nhiều trong những ngày này, rằng khi một người đàn ông từ bỏ thế giới, dù bất kỳ nơi nào ông ấy lang thang ở Ấn độ, ông ấy phải được cho quần áo, cho ăn, được kính trọng. Nó không phải là một tổ chức xã hội của những thầy tu. Ông ấy ở một mình. Thế là, ông ấy rút lui vào một cánh rừng, và ông ấy bảo với tôi rằng ông ấy đã tham thiền suốt hai mươi năm. Lúc này, sau khi đã nghe người nói chiều hôm trước, ông ấy nói, ‘Tôi đến đây để thú nhận tôi đã tự mê hoặc mình nhiều đến chừng nào, và trong sự mê hoặc này tôi đã tự dối gạt mình biết bao nhiêu – bạn hiểu rõ bản chất của một người mà thú nhận điều đó?

 Thế là tôi đây nè, nghiêm túc, vì có một khoảng thời gian nhàn rỗi tương đối nào đó, không theo sau bất kỳ người nào – bởi vì nếu bạn theo sau bất kỳ người nào, đó là sự kết thúc của nó. Làm ơn thấy điều này. Đó là kết thúc sự thâm nhập của bạn vào cái vĩnh cửu. Bạn phải hoàn toàn là một ngọn đèn cho chính bạn. Tôi nhận ra điều đó vì vậy tôi không theo sau bất kỳ ai hay bất kỳ tôn thờ, bất kỳ nghi thức nào, và tuy nhiên cái vĩnh cửu đang lẩn tránh tôi. Nó không ở trong hơi thở của tôi, trong hai mắt của tôi, trong quả tim của tôi. Vì vậy, tôi sẽ làm gì?

 Trước hết, liệu bộ não có thể được tự do khỏi trung tâm, mà là cái tôi? Bạn hiểu rõ câu hỏi của tôi? Liệu bộ não của tôi có thể được tự do khỏi chính tôi, cái ngã? Dù cái tôi đó là một siêu ngã hay đại ngã, nó vẫn còn là cái tôi. Liệu có sự tan biến hoàn toàn của tánh vị kỷ – trình bày nó đơn giản lại? Trung tâm cái tôi rất ranh mãnh – nó có thể nghĩ rằng nó đã vượt khỏi tất cả vị kỷ, khỏi tất cả quan tâm về thực thể riêng của nó, trở thành riêng của nó, và tuy nhiên, rất tinh tế, sâu thẳm, nó đang chìa ra nanh vuốt của nó. Vì vậy, người ta phải tự khám phá cho chính người ta liệu có thể có sự tự do tổng thể, tuyệt đối khỏi tất cả vị kỷ, mà là tất cả hoạt động tự cho mình là trung tâm. Đó là thiền định – tìm ra một cách sống trong thế giới này mà không tự cho mình là trung tâm, ích kỷ, mà không có hoạt động quanh cái tôi, chuyển động quanh cái tôi. Nếu có một cái bóng của điều đó, một máy động của điều đó, vậy là bạn bị mất hút. Vì vậy người ta phải tỉnh táo lạ thường về mọi máy động của sự suy nghĩ.

 Điều đó rất dễ dàng, đừng làm phức tạp nó. Tại khoảnh khắc khi bạn tức giận, thậm chí bạn không nhận biết cảm giác đó. Nhưng khi bạn thâm nhập nó, bạn có thể nhìn ngắm sự trỗi dậy của nó, sự trỗi dậy của tham lam, của ganh tị, của tham vọng, của hung hăng. Khi nó trỗi dậy, nhìn ngắm nó – không đuổi theo nó khi nó qua rồi – bạn hiểu chứ? Khi nó trỗi dậy, khi bạn nhìn ngắm nó, nó tan biến. Thế là, bộ não có thể nhận biết sự trỗi dậy của sự suy nghĩ, và nhận biết sự trỗi dậy của sự suy nghĩ đó là sự chú ý. Đừng bóp nghẹt nó, hủy diệt nó, xua đuổi nó, nhưng chỉ nhận biết cảm giác đó. Liệu bạn không biết cảm giác của đói khi nó nảy sinh, hay cảm giác tình dục của bạn? Chắc chắn bạn biết. Khi nó nảy sinh hãy hoàn toàn nhận biết nó và cùng sự nhận biết đó, sự chú ý đến chuyển động của ‘cái tôi’ đó, ham muốn của tôi, tham vọng của tôi, theo đuổi ích kỷ của tôi, tan biến. Sự nhận biết đó tuyệt đối cần thiết đến độ không có một máy động, một cái bóng của ‘cái tôi’, bởi vì cái tôi là tách rời. Chúng ta đã thâm nhập tất cả điều đó. Vì vậy, đó là điều đầu tiên mà bạn phải hiểu rõ – không phải sự kiểm soát của thân thể, hít thở đúng cách, tập luyện yoga; xóa sạch tất cả việc đó. Vậy là, bạn có một bộ não không đang hành động từng mảnh, nhưng tổng thể.

 Ngày hôm trước chúng ta đã vạch rõ rằng chúng ta đang vận hành không phải cùng tất cả những giác quan, nhưng chỉ từng mảnh. Dĩ nhiên, sự từng mảnh, sự thâu hẹp, nhấn mạnh cái tôi. Tôi sẽ không thâm nhập nó trong chi tiết; bạn có thể tự thấy nó cho chính mình. Khi bạn quan sát hòn núi, những cái cây, con sông, bầu trời xanh, người mà bạn thương yêu cùng tất cả những giác quan của bạn, không có cái tôi. Không có ‘cái tôi’ mà đang cảm thấy tất cả việc này, và điều đó có nghĩa một bộ não mà không đang vận hành như một người nha sĩ, một người học thức, hay một người lao động, hay một người thiên văn, nhưng một bộ não mà đang vận hành như một tổng thể. Điều đó có thể xảy ra chỉ khi nào bộ não tuyệt đối yên lặng, vì vậy không có cái bóng của cái tôi, sự yên lặng tuyệt đối của cái trí – không phải sự trống không, mà chuyển tải một ý nghĩa sai lầm. Dù sao chăng nữa, những bộ não của hầu hết mọi con người đều trống không. Nhưng chỉ bộ não không bị bận tâm bởi bất kỳ điều gì, kể cả Thượng đế, mới yên lặng, dư thừa sức sống, và bộ não đó có ý thức vô hạn của tình yêu, từ bi, mà là thông minh.

 

 Từ Bản tin 47, 1984

 

Mục đích những trường học của Krishnamurti

Brockwood Park, ngày 1 tháng 9 năm 1981

 

N

gười hỏi: Ông đã thường xuyên nói rằng không ai có thể chỉ con đường dẫn đến sự thật. Tuy nhiên, những trường học của ông được nói để giúp đỡ những thành viên của chúng hiểu rõ chính họ. Liệu đây không là một mâu thuẫn? Liệu nó không sáng tạo một môi trường tinh hoa, hay sao?

Krishnamurti: Người nói đã trình bày rằng không có con đường dẫn đến sự thật, rằng không ai có thể dẫn một người khác đến nó. Ông ta đã lặp lại điều này rất thường xuyên suốt sáu mươi năm vừa qua. Và người nói cùng sự giúp đỡ của những người khác đã thành lập những trường học ở Ấn độ, ở đây và ở Mỹ. Người hỏi nói: ông không đang gây ra sự mâu thuẫn với chính ông khi những giáo viên và những học sinh trong tất cả những trường học này đang cố gắng hiểu rõ tình trạng bị quy định riêng của họ, đang giáo dục chính họ không chỉ học vấn, nhưng còn đang giáo dục chính họ hiểu rõ toàn tình trạng bị quy định của họ, toàn bản chất của họ, toàn tinh thần của họ? Người ta hoàn toàn không thấy sự mâu thuẫn.

 Từ những thời đại của Hy lạp cổ xưa và Ấn độ cổ xưa, những trường học đã là những nơi mà bạn học hành. Học hành nơi có sự nhàn rỗi. Làm ơn theo từng chút một cùng tôi. Bạn không thể học hành nếu bạn không có sự nhàn rỗi – đó là, thời gian cho chính bạn, thời gian để lắng nghe những người khác, thời gian để thâm nhập. Một nơi như thế là trường học. Khắp thế giới, những trường học hiện đại chỉ vun quén một phần của bộ não, mà liên quan đến sự thâu lượm của hiểu biết, công nghệ, khoa học, sinh học, thần học và những chủ đề ưa thích. Chúng chỉ quan tâm đến sự vun quén một phần đặc biệt của bộ não mà thâu lượm vô số hiểu biết, hiểu biết phía bên ngoài. Hiểu biết đó có thể được sử dụng thuộc kỹ năng để kiếm sống, hay không kỹ năng, phụ thuộc vào con người. Những trường học như thế đã tồn tại được hàng ngàn năm.

 Ở đây trong những trường học này chúng ta đang cố gắng cái gì đó hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta đang cố gắng không chỉ giáo dục thuộc học vấn đến những mức độ ‘A’ và ‘O’, nhưng còn cả vun quén một hiểu rõ, một thâm nhập vào toàn cấu trúc thuộc tâm lý của những con người. Những học sinh đến đây đã bị quy định sẵn rồi, thế là bắt đầu có sự khó khăn ở đó. Người ta không những phải giúp đỡ một cách tổng quát để cởi bỏ tình trạng bị quy định nhưng còn phải thâm nhập sâu thẳm thêm. Đây là điều gì những trường học mà chúng ta gắn kết đang cố gắng thực hiện. Chúng có lẽ không thành công hay chúng có lẽ thành công. Nhưng bởi vì nó là một công việc khó khăn, người ta phải gắng sức thực hiện nó, không phải chỉ luôn luôn theo con đường dễ dàng nhất. Đây là một nghi vấn khó khăn cần phải thâm nhập, nhưng nó không tạo ra một người tinh hoa. Có gì sai trái với một người tinh hoa? Bạn muốn mọi người và mọi thứ được hạ xuống thành mẫu số chung? Đó là một trong những bất ổn cho những chính thể tạm gọi là dân chủ.

 Vì vậy, không thể có sự mâu thuẫn nếu người ta có thể thấy. Sự mâu thuẫn tồn tại chỉ khi nào bạn khẳng định điều gì đó tại một thời điểm và phủ nhận nó tại một thời điểm khác. Nhưng ở đây chúng ta đang nói rằng không ai có thể dẫn dắt chúng ta đến sự thật, đến sự khai sáng, đến loại đúng đắn của thiền định, đến cách ứng xử đúng đắn, không người nào, bởi vì mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm cho chính anh ấy, không phụ thuộc vào bất kỳ người nào. Trong tất cả những trường học này, chúng ta đang cố gắng vun quén một cái trí, một bộ não mà là tổng thể, đang thâu lượm sự hiểu biết để hành động trong thế giới, nhưng không đang lơ là bản chất thuộc tâm lý của con người, bởi vì nó còn quan trọng nhiều hơn nghề nghiệp thuộc học vấn. Muốn có khả năng để kiếm sống trong thế giới hiện nay, văn minh hiện nay, dù văn minh đó là gì, chắc chắn một loại giáo dục nào đó là cần thiết, và hầu hết những trường học ở cả phương Tây lẫn phương Đông đều đang bỏ sót khía cạnh còn lại, mà còn sâu thẳm và quan trọng hơn nhiều. Nhưng ở đây chúng ta đang cố gắng thực hiện cả hai khía cạnh, mà là điều gì đó không được thực hiện trong những trường học khác. Chúng ta có lẽ thành công, chúng ta hy vọng chúng ta thành công. Không có sự mâu thuẫn.

 Từ Bản tin 46, 1984

 

Đương đầu với Xã hội

Madras, Ấn độ, 1981

 

 

N

gười hỏi: Trong nói chuyện đầu tiên, ông nói về đứng lên chống lại xã hội thoái hóa và vô luân lý giống như một tảng đá trồi lên từ giữa dòng chảy trong một con sông. Tôi thấy điều này gây hoang mang lắm bởi vì đối với tôi tảng đá có nghĩa một người đứng ngoài, và một người đứng ngoài như thế trong sống riêng của anh ấy không cần đứng lên chống lại bất kỳ thứ gì hay bất kỳ người nào. Sự giải thích và trả lời rõ ràng của ông rất quan trọng cho tôi.

Krishnamurti: Trước hết, liệu chúng ta rõ ràng tại mức độ nào, tại chiều sâu nào, khi chúng ta đang sử dụng từ ngữ ‘thoái hóa’? Nó hàm ý gì? Có sự thoái hóa thuộc vật chất – sự ô nhiễm không khí trong những thành phố, những thị trấn. Nhưng con người đang hủy hoại biển cả, họ đã giết chết 50 triệu con cá voi và nhiều hơn nữa, họ đang giết chết những con hải cẩu con. Tiếp theo, có sự thoái hóa thuộc chính trị, thuộc tôn giáo, và vân vân. Khắp thế giới, khi bạn đi mọi nơi, quan sát, nói chuyện với những con người, bạn thấy sự thoái hóa khắp mọi nơi, và còn nhiều hơn nữa, bất hạnh thay, trong vùng đất này của thế giới – trao tiền bạc dưới bàn, nếu bạn muốn mua một cái vé bạn phải hối lộ. Từ ngữ ‘thoái hóa’ có nghĩa ‘tan tác’. Nhưng tại cơ bản, sự thoái hóa khắp mọi nơi là của bộ não và quả tim. Vì vậy, chúng ta phải rõ ràng liệu chúng ta đang nói về sự thoái hóa thuộc chính trị, quan liêu và tài chánh, hay về sự thoái hóa của thế giới tôn giáo, mà đầy dẫy mọi loại mê tín – chỉ còn là lạm dụng những từ ngữ mà đã mất đi mọi ý nghĩa, sự lặp lại của những nghi thức và tất cả điều đó. Nó không là sự thoái hóa, hay sao? Những lý tưởng không là một hình thức của sự thoái hóa, hay sao? Ví dụ, bạn có lẽ có những lý tưởng của không bạo lực. Bởi vì bạn bạo lực, bạn có những lý tưởng của không bạo lực, nhưng trong khi bạn đang theo đuổi những lý tưởng, bạn bạo lực. Vì vậy, liệu nó không là sự thoái hóa của một bộ não khi lơ là sự hành động để kết thúc bạo lực, hay sao? Và liệu nó không là sự thoái hóa khi không có tình yêu, chỉ có vui thú, mà là đang chịu đựng đau khổ, hay sao? Khắp thế giới, từ ngữ ‘tình yêu’ này đã bị lạm dụng quá nhiều và đã kết hợp với vui thú, với lo âu, với ghen tuông, với quyến luyến, và liệu nó không là sự thoái hóa, hay sao? Chính sự quyến luyến không là sự thoái hóa, hay sao? Khi người ta quyến luyến một lý tưởng hay một ngôi nhà hay một con người, những kết cuộc là rõ ràng – ghen tuông, lo âu, sở hữu – tất cả điều đó và còn nhiều hơn nữa. Khi bạn tìm hiểu sự quyến luyến, liệu nó không là sự thoái hóa, hay sao?

 Đề cập đến câu hỏi của bạn về sự ví von của đứng lên giống như một tảng đá ở giữa dòng sông, đừng mang sự ví von quá xa. Một ví von là một diễn tả của việc gì đang xảy ra, nhưng nếu bạn khiến cho sự ví von thành quan trọng, vậy thì bạn mất đi ý nghĩa của việc gì đang xảy ra.

 Tại cơ bản, xã hội mà trong đó chúng ta sống được đặt nền tảng trên sự liên hệ lẫn nhau. Nếu trong sự liên hệ đó không có tình yêu, chỉ sự trục lợi lẫn nhau, sự thỏa mãn lẫn nhau trong vô vàn hình thức, chắc chắn nó phải tạo ra sự thoái hóa. Vì vậy bạn sẽ làm gì về tất cả việc này? Đây là một thế giới tuyệt vời – vẻ đẹp của thế giới, vẻ đẹp của quả đất, chất lượng lạ thường của một cái cây – và chúng ta đang hủy diệt quả đất giống như chúng ta đang hủy diệt chính chúng ta. Vì vậy, bạn như một con người, đang sống ở đây, sẽ hành động? Chúng ta, mỗi người chúng ta, sẽ thấy rằng chúng ta không thoái hóa? Nếu sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta là trận chiến, đấu tranh, đau khổ, thất vọng liên tục và hủy hoại, vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra một môi trường mà sẽ đại diện cho chúng ta là gì. Vì vậy, chúng ta sẽ làm gì cho nó, mỗi người chúng ta? Liệu sự thoái hóa này, sự không hòa hợp này, là một trừu tượng, một ý tưởng, hay liệu nó là một thực sự mà chúng ta muốn thay đổi? Điều đó tùy thuộc bạn.

Người hỏi: Liệu có một sự việc như sự thay đổi? Cái gì được thay đổi?

Krishnamurti: Khi bạn đang quan sát, đang thấy sự bẩn thỉu trên đường, đang thấy cách những người chính trị ứng xử, đang thấy thái độ riêng của bạn đối với người vợ của bạn, con cái của bạn, và vân vân, sự thay đổi hiện diện ở đó. Bạn hiểu chứ? Sáng tạo loại trật tự nào đó trong sống hàng ngày, đó là sự thay đổi; không phải cái gì đó lạ thường, vượt khỏi thế giới này. Khi người ta không đang suy nghĩ rõ ràng, khách quan, hợp lý, hãy nhận biết điều đó và thay đổi nó, phá vỡ nó. Đó là sự thay đổi. Nếu bạn ghen tuông, nhìn ngắm nó, đừng cho nó thời gian để nở hoa, hãy thay đổi nó ngay tức khắc. Đó là sự thay đổi. Khi bạn tham lam, bạo lực, tham vọng, đang cố gắng trở thành loại người thánh thiện nào đó, hãy thấy nó đang tạo ra một thế giới xấu xa như thế nào. Tôi không hiểu liệu bạn nhận biết điều này. Sự ganh đua đang hủy hoại thế giới. Thế giới đang trở nên mỗi lúc một ganh đua hơn, mỗi lúc một hung hăng hơn, và nếu bạn thay đổi nó ngay tức khắc, đó là sự thay đổi. Và nếu bạn thâm nhập sâu thẳm hơn vào vấn đề, rõ ràng rằng sự suy nghĩ phủ nhận tình yêu. Vì vậy, người ta phải tìm ra liệu có một kết thúc cho sự suy nghĩ, một kết thúc cho thời gian, không phải triết lý nó và bàn luận nó, nhưng tìm ra. Chắc chắn, đó là sự thay đổi, và nếu bạn thâm nhập nó rất thăm thẳm, sự thay đổi có nghĩa không bao giờ có một suy nghĩ của đang trở thành, đang so sánh; tuyệt đối nó đang là không gì cả.

 

Người hỏi: Tôi nghĩ những vị thánh tạo ra những thần tượng và những câu chuyện để dạy bảo con người làm thế nào sống một sống đúng đắn và tốt lành. Làm thế nào ông có thể gọi nó là không ý nghĩa?

Krishnamurti: Liệu cần phải trả lời câu hỏi đó? Trước hết, ai là một vị thánh – cái người mà đấu tranh để trở thành cái gì đó? Cái người mà từ bỏ thế giới? Anh ấy không đang từ bỏ thế giới, thế giới là chính anh ấy. Anh ấy có lẽ bị tức giận và kiểm soát sự tức giận của anh ấy, nhưng anh ấy đang sôi sục phía bên trong; anh ấy có lẽ hành hạ mình, anh ấy có lẽ hơi hơi loạn thần kinh và chẳng mấy chốc bạn bắt đầu tôn thờ anh ấy. Có một ngày ở Benares, một khất sĩ khoác những chiếc áo choàng xuất hiện, ngồi dưới một cái cây cùng một loại gậy nào đó trong bàn tay của anh ấy và bắt đầu la hét. Không người nào chú ý đến anh ấy suốt bốn hay năm ngày. Người nói đang nhìn ngắm tất cả việc này từ cửa sổ tại Rajghat (gần Benares). Sau đó, một người đàn bà già nua xuất hiện và dâng cho anh ấy một bông hoa. Một vài ngày sau đã có nửa tá người vây quanh anh ấy. Anh ấy có một vòng hoa. Sau mười lăm ngày anh ấy trở thành một vị thánh. Tôi không hiểu liệu bạn nhận ra điều này. Ở phương Tây, một người mà hơi loạn trí được gửi tới bệnh viện tâm thần. Ở đây anh ấy trở thành một vị thánh. Tôi không đang bi quan, tôi không đang hỗn láo, khiếm nhã, nhưng đây là điều gì đang xảy ra. Một khất sĩ không còn là một khất sĩ, anh ấy chỉ đang qui phục một truyền thống. Và liệu những vị thánh đã tạo ra một thế giới khác hẳn, một xã hội tốt lành, một con người đúng đắn qua những câu chuyện của họ, qua những thần tượng, những lý tưởng? Bạn là kết quả của tất cả điều này. Liệu chúng ta là những con người tốt lành, tốt lành trong ý nghĩa của tổng thể, không bị tách rời, không bị vỡ vụn – tốt lành cũng có nghĩa thiêng liêng? Tôi không có ý cư xử tốt lành, tử tế, đó chỉ là bộ phận của nó. Là tốt lành hàm ý một con người hòa hợp, không tách rời, không vỡ vụn. Liệu chúng ta là điều đó sau hàng ngàn năm này của những vị thánh và kinh Upanishads và Gitas? Hay chúng ta chỉ giống như người nào đó? Chúng ta là nhân loại. Để tốt lành không phải là qui phục. Tốt lành là có thể hiểu rõ toàn chuyển dộng của sự sống.

Người hỏi: Ông nói rằng nếu một cá thể thay đổi, anh ấy có thể thay đổi thế giới. Liệu tôi có thể trịnh trọng trình bày rằng bất kể sự chân thật của ông, tình yêu và những câu nói sự thật, và quyền năng đó mà không thể diễn tả được, thế giới đã đi từ xấu xa đến xấu xa hơn? Liệu có một sự việc như số mạng?

Krishnamurti: Thế giới là gì? Cá thể là gì? Những cá thể đã làm gì trong thế giới mà đã gây ảnh hưởng thế giới? Hitler đã gây ảnh hưởng thế giới, Mao Tsetung đã gây ảnh hưởng thế giới, Stalin đã gây ảnh hưởng thế giới, Lenin đã, và tất cả những quái vật chiến tranh đó. Dường như đó là điều rõ ràng. Lịch sử đầy dẫy những chiến tranh. Suốt năm ngàn năm qua lịch sử ghi lại chiến tranh đang xảy ra tại một vùng đất này hay một vùng đất khác của thế giới, năm này kế tiếp năm khác. Việc đó đã gây ảnh hưởng hàng triệu triệu con người. Và cũng vậy, những tốt lành đã gây ảnh hưởng thế giới. Bạn có Phật ở khía cạnh này; ngài cũng đã gây ảnh hưởng cái trí của con người, bộ não của con người, khắp phương Đông. Vì vậy, khi chúng ta nói về sự thay đổi cá thể và hỏi liệu sự thay đổi cá thể đó sẽ tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào trong xã hội, tôi nghĩ đó là một câu hỏi sai lầm khi đặt ra. Liệu chúng ta thực sự quan tâm về sự thay đổi của xã hội – xã hội mà thoái hóa, mà vô luân lý, mà được đặt nền tảng trên sự ganh đua, sự tàn nhẫn? Đó là xã hội mà trong đó chúng ta đang sống. Liệu thực sự, sâu thẳm, bạn hứng thú trong thay đổi điều đó, thậm chí như một con người độc nhất? Nếu bạn hứng thú, vậy thì bạn phải thâm nhập vào xã hội là gì. Liệu xã hội là một từ ngữ, một trừu tượng hay một thực tế? Nó là thực tế hay nó là một trừu tượng của sự liên hệ con người? Chính sự liên hệ của con người là xã hội. Sự liên hệ của con người đó cùng tất cả những phức tạp của nó, những quy định của nó, cùng tất cả những hận thù của nó, liệu bạn có thể thay đổi tất cả sự liên hệ đó? Bạn có thể. Bạn có thể kết thúc sự độc ác và tất cả mọi việc theo cùng nó. Sự liên hệ của bạn là gì, môi trường sống của bạn là gì. Nếu sự liên hệ của bạn là sở hữu và tự cho mình là trung tâm, bạn đang tạo tác một việc quanh bạn mà sẽ hủy hoại tương đương như thế. Vì vậy, cá thể là bạn và bạn là phần còn lại của nhân loại. Tôi không hiểu liệu bạn nhận ra nó.

Người hỏi: Ông thường thường chuyển từ cái trí sang bộ não. Liệu có bất kỳ sự khác biệt nào giữa chúng? Nếu có, cái trí là gì?

Krishnamurti: Tôi e rằng nó là một lỗi lầm không đáng kể. Tôi chỉ đang nói về bộ não. Người hỏi muốn biết cái trí là gì. Liệu cái trí khác biệt bộ não? Liệu cái trí là cái gì đó không tiếp xúc được bởi bộ não? Liệu cái trí không là kết quả của thời gian, hay sao? Trước hết, muốn hiểu rõ cái trí, chúng ta phải rất rõ ràng về bộ não vận hành như thế nào – không phụ thuộc vào những chuyên gia não, không phụ thuộc vào những người thần kinh học, không phụ thuộc vào những người đã nghiên cứu nhiều về những bộ não của chuột và chim bồ câu và tất cả những động vật khác; chúng ta, mỗi người chúng ta, đang học hành bản chất của bộ não riêng của chúng ta – chúng ta suy nghĩ như thế nào, chúng ta suy nghĩ cái gì, chúng ta hành động ra sao, cách cư xử của chúng ta ra sao, những phản ứng tự phát tức khắc của chúng ta là gì. Liệu chúng ta nhận biết điều đó? Liệu chúng ta nhận biết rằng sự suy nghĩ của chúng ta bị kiềm hãm lạ lùng trong một khe rãnh chật hẹp, rằng sự suy nghĩ của chúng ta là máy móc theo những khuynh hướng riêng biệt nào đó của hoạt động, rằng sự giáo dục của chúng ta bị quy định bởi học hành tập trung vào nghề nghiệp nào đó? Lúc này, những người khoa học nói rằng sự suy nghĩ là bản thể của bộ não, mà là trải nghiệm, hiểu biết, ký ức, hành động. Thực sự họ đang đến điều đó! Chúng ta liên tục đang nói rằng sự suy nghĩ là một qui trình vật chất. Không có gì thiêng liêng về sự suy nghĩ, và bất kỳ thứ gì sự suy nghĩ sáng chế, dù thuộc máy móc, thuộc lý tưởng, hay trong chiếu rọi một tương lai với hy vọng đạt được loại hạnh phúc, an bình nào đó, đó là tất cả chuyển động của sự suy nghĩ. Liệu chúng ta nhận biết điều này, rằng khi bạn đi đến một ngôi đền, nó không là gì cả ngoại trừ một qui trình vật chất? Bạn có lẽ không thích nghe điều đó, nhưng nó là một sự kiện. Sự kiến trúc của ngôi đền, thánh đường, nhà thờ, và tất cả mọi thứ được đặt trong chúng là kết quả của sự suy nghĩ. Liệu chúng ta thực sự nhận biết nó và vì vậy chuyển động trong một hướng hoàn toàn khác hẳn.

 Khi bạn chấp nhận truyền thống, nó khiến cho cái trí của bạn quá đờ đẫn, dốt nát, mặc dù bạn có lẽ đọc vô tận kinh Gita. Bạn bám vào truyền thống – đó là điều gì đang xảy ra cả trong phương Tây và phương Đông. Liệu bạn có thể kết thúc điều này trong chính bạn, hay liệu bạn quá đờ đẫn, quá quen thuộc với sự rối loạn, sự đau khổ? Vì vậy, bạn phải hiểu rõ hoạt động của bộ não, mà là hành động của ý thức chúng ta, mà là hoạt động của thế giới tâm lý mà chúng ta sống trong nó. Tổng thể của điều đó – bộ não, ý thức, thế giới tâm lý, tất cả đều là một. Bạn sẽ chất vấn điều đó? Thậm chí có thể bạn đã không suy nghĩ về nó. Rất quan trọng phải hiểu rõ cái trí là gì, hiểu rõ những hoạt động của sự suy nghĩ là gì, mà đã tạo ra những nội dung của ý thức chúng ta và thế giới tâm lý mà chúng ta sống trong đó. Nó là bộ phận của sự suy nghĩ – cấu trúc mà sự suy nghĩ đã dựng lên trong con người, ‘cái tôi’ và ‘cái không tôi’, ‘chúng tôi’ và ‘chúng nó’, những cãi cọ, những đấu tranh giữa mỗi con người. Và bộ não đã tiến hoá qua thời gian, đã tiến hoá qua hàng triệu năm, đang tích lũy hiểu biết, trải nghiệm, ký ức và vân vân. Nó là kết quả của thời gian. Không cần chủ đề của tranh luận về nó. Và liệu tình yêu, từ bi, cùng thông minh của nó là kết quả, chuyển động của sự suy nghĩ? Bạn hiểu rõ câu hỏi của tôi, thưa bạn? Liệu bạn có thể vun quén tình yêu?

Người hỏi: Tôi là một sinh viên của ngành kế toán. Mặc dù tôi hiểu rõ mỗi và mọi từ ngữ của J.K., lời giảng vẫn còn mơ hồ. Tôi nên làm gì để hiểu rõ lời giảng của ông ta?

Krishnamurti: Đừng hiểu rõ lời giảng của ông ta! Ông ta không đưa ra lời giảng. Ông ta đang vạch ra sống của bạn, không phải sống của ông ta, không phải thông điệp của ông ta. Ông ta đang vạch rõ bạn sống như thế nào, sống hàng ngày của bạn là gì và người ta không sẵn lòng đối diện nó. Chúng ta không sẵn lòng thâm nhập vào những đau khổ của chúng ta, những hành hạ, lo âu, cô độc của chúng ta, những phiền muộn chúng ta trải qua, sự ham muốn để thành tựu, để trở thành cái gì đó. Chúng ta không sẵn lòng đối diện tất cả điều đó và muốn được dẫn dắt bởi người nào đó, kể cả người nói, mong muốn hiểu rõ lời giảng của kinh Gita hay quyển sách vô lý nào đó. Lặp đi lặp lại, người nói giải thích rằng ông ta hành động như một cái gương mà trong đó bạn có thể thấy hoạt động của cái tôi riêng của bạn. Và muốn quan sát rất kỹ càng bạn phải chú ý. Bạn phải lắng nghe nếu bạn hứng thú, lắng nghe và tìm ra nghệ thuật của lắng nghe, nghệ thuật của nhìn ngắm, nghệ thuật của học hành. Tất cả đều hiện diện ở đó như một quyển sách mà là chính bạn. Quyển sách của nhân loại mà là bạn. Làm ơn, thưa bạn, thấy sự thật của tất cả điều này. Bạn không sẵn lòng đọc quyển sách đó. Bạn muốn người nào đó kể cho bạn về quyển sách hay giúp đỡ bạn phân tích quyển sách, để hiểu rõ quyển sách. Vì vậy, bạn sáng chế một giáo sĩ, một đạo sư, một yogi, người khất sĩ mà sẽ kể cho bạn tất cả về nó. Liệu bạn có thể đọc quyển sách mà quá cổ xưa, mà chứa đựng tất cả lịch sử của nhân loại mà là bạn? Liệu bạn có thể đọc quyển sách đó cẩn thận, từng từ ngữ một, không biến dạng nó, không lắng nghe một chương và lơ là những chương khác, không chọn lựa một câu và suy nghĩ về nó, nhưng tổng thể quyển sách? Hoặc bạn đọc toàn quyển sách, chương này sang chương khác, trang này sang trang khác, mà sẽ mất nhiều thời gian, nguyên sống của bạn, hoặc liệu có một cách đọc nó trọn vẹn chỉ một lần? Bạn hiểu rõ câu hỏi của tôi? Làm thế nào người ta có thể đọc quyển sách này mà là ‘tôi’, mà là ‘bạn’, mà là nhân loại cùng tất cả trải nghiệm của đau khổ, phiền muộn, rối loạn, không hòa hợp, và tất cả điều đó? Làm thế nào bạn có thể đọc quyển sách đó chỉ trong nháy mắt, không tốn tháng này sang tháng khác? Quyển sách là bạn và nếu bạn sử dụng thời gian cho quyển sách, thời gian sẽ hủy diệt quyển sách, chính thời gian sẽ hủy diệt bởi vì bộ não của chúng ta vận hành trong thời gian. Vì vậy, người ta phải có khả năng lắng nghe quyển sách, toàn quyển sách nói gì, thấy rõ ràng, mà có nghĩa rằng bộ não phải cực kỳ tỉnh táo, cực kỳ năng động đến độ nó là toàn hoạt động của bộ não. Liệu bạn có thể quan sát chính bạn trong cái gương, trong quyển sách, quyển sách đó mà là chính bạn, trọn vẹn, tức khắc? Vậy thì, bạn sẽ thấy rằng quyển sách không là gì cả. Tôi không biết liệu bạn hiểu rõ? Bạn có lẽ đọc quyển sách từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng và bạn có lẽ phát giác rằng không có gì trong nó. Bạn hiểu rõ điều gì tôi đang nói? Điều đó có nghĩa, hãy là không gì cả, đừng trở thành. Quyển sách là trở thành, lịch sử của trở thành. Vì vậy, nếu bạn tự thâm nhập vào chính bạn, bạn là gì? Một hình dạng vật chất, lùn, cao, râu quai nón hay không râu quai nón, đàn ông hay đàn bà và tất cả khả năng giáo dục, sự theo đuổi tầm thường. Nó là tất cả một chuyển động của trở thành cái gì đó, đúng chứ? Trở thành cái gì – một giám đốc kinh doanh kiếm được nhiều tiền bạc hơn, trở thành một vị thánh? Khi một người cố gắng trở thành một vị thánh, anh ấy không còn là một vị thánh, anh ấy chỉ bị trói buộc trong khe rãnh của truyền thống. Vì vậy bạn có lẽ nhìn thoáng quyển sách và thấy tuyệt đối nó không là gì cả, và sống trong thế giới không là gì cả. Bạn hiểu chứ, thưa bạn? Không, bạn không hiểu. Vì vậy, thưa quý ông và quý bà, bạn nghe tất cả điều này và có lẽ nếu bạn sắp sửa đi cùng người nói, bạn sẽ nghe nó tại mỗi nói chuyện được diễn tả trong những từ ngữ khác nhau, những câu văn khác nhau, những ngữ cảnh khác nhau, nhưng để tạo ra một hiểu rõ hoàn toàn trong chính người ta còn quan trọng nhiều hơn bất kỳ điều gì khác trong sống, bởi vì chúng ta đang hủy diệt sống; chúng ta không có tình yêu, không ân cần. Vì vậy, người nói không có thông điệp, thông điệp là bạn. Người nói chỉ đang vạch ra.

 Từ Bản tin 42, 1982

 

Làm thế nào Gặp gỡ Cuộc Sống

Brockwood Park, Anh, ngày 3 tháng 9 năm 1981

 

N

 

gười hỏi: Chúng ta thấy rằng chúng ta đang sống trong sợ hãi của chiến tranh, của mất việc làm, trong sợ hãi của sự khủng bố, của sự bạo lực của con cái chúng ta, của sự định đoạt của những người chính trị vớ vẩn. Làm thế nào chúng ta gặp gỡ cuộc sống như nó tồn tại ngày hôm nay?

Krishnamurti: Làm thế nào bạn gặp gỡ nó? Người ta phải chắc chắn rằng thế giới đang trở nên mỗi lúc một bạo lực – điều đó rõ ràng. Những đe dọa của chiến tranh cũng rất rõ ràng và cũng cả hiện tượng rất lạ lùng rằng con cái của chúng ta đang trở nên bạo lực. Người ta nhớ một người mẹ đến gặp chúng ta ở Ấn độ cách đây khá lâu. Ở Ấn độ theo truyền thống những người mẹ được kính trọng rất nhiều, và người mẹ này bị kinh hoàng bởi vì, bà ấy nói, con cái đã đánh bà ấy – một điều chưa từng được nghe ở Ấn độ. Vì vậy, sự bạo lực này đang lan tràn khắp thế giới. Và có sự sợ hãi này của mất việc làm, như người hỏi nói. Đối diện tất cả điều này, biết tất cả điều này, làm thế nào người ta gặp gỡ cuộc sống như hiện nay nó tồn tại?

 Tôi không biết. Tôi biết làm thế nào gặp gỡ cuộc sống cho chính tôi, nhưng người ta không biết làm thế nào bạn gặp gỡ cuộc sống. Trước hết, cuộc sống là gì, cái việc này được gọi là sự tồn tại, đầy đau khổ, dư thừa dân số, những người chính trị không khả năng, tất cả sự ranh mãnh, gian ngoan, hối lộ đang xảy ra trong thế giới, là gì? Làm thế nào người ta gặp gỡ nó? Chắc chắn, trước hết người ta phải tìm hiểu sống có nghĩa gì? Sống trong thế giới này như nó tồn tại, là gì? Làm thế nào chúng ta sống cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thực sự, không lý thuyết, không triết lý hay lý tưởng, nhưng thực sự làm thế nào chúng ta sống cuộc sống hàng ngày của chúng ta? Nếu chúng ta thâm nhập nó hay nhận biết nó một cách nghiêm túc, nó là một trận chiến liên tục, đấu tranh liên tục, nỗ lực này kế tiếp nỗ lực khác. Phải thức dậy vào buổi sáng là một nỗ lực. Chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta không thể chạy trốn nó. Lúc trước người ta quen biết nhiều người mà đã nói rằng không thể sống trong thế giới này, và họ rút lui đến những hòn núi Himalayan nào đó và biến mất. Đó chỉ là một chạy trốn, một tẩu thoát khỏi thực tế, như nó là, để mất hút chính mình trong một cộng đồng, hay gia nhập cùng vị đạo sư nào đó có những điền trang rộng lớn và mất hút trong nó. Chắc chắn, những người đó không giải quyết những vấn đề của cuộc sống hàng ngày và cũng không thâm nhập vào sự thay đổi, sự cách mạng thuộc tâm lý của một xã hội. Họ chạy trốn tất cả điều này. Và chúng ta, nếu chúng ta không chạy trốn và thực sự đang sống trong thế giới này như nó tồn tại, chúng ta sẽ làm gì? Liệu chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta? Để không có xung đột gì cả trong cuộc sống của chúng ta, bởi vì xung đột là bộ phận của bạo lực – liệu điều đó có thể được? Sự đấu tranh liên tục để trở thành này là nền tảng của cuộc sống của chúng ta, đấu tranh kế tiếp đấu tranh. Liệu chúng ta, như những con người, đang sống trong thế giới này, có thể tự thay đổi chính chúng ta? Đó thực sự là nghi vấn – một cách cơ bản, thuộc tâm lý, tự thay đổi chính chúng ta, không phải cuối cùng, không đang cho phép thời gian. Đối với một con người nghiêm túc, một con người tôn giáo thực sự, không có ngày mai. Đây là một câu nói khá khó khăn, rằng không có ngày mai; chỉ có sự tôn sùng mãnh liệt của ngày hôm nay. Liệu chúng ta có thể sống cuộc sống này một cách trọn vẹn, và thực sự, hàng ngày, thay đổi sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta? Đó là nghi vấn thực sự, không phải thế giới là gì, bởi vì thế giới là chúng ta. Làm ơn thấy điều này: thế giới là bạn và bạn là thế giới. Đây là một sự kiện rành rành, kinh hoàng, chấn động mà phải được đối diện một cách trọn vẹn – đó là, nhận ra rằng chúng ta là thế giới cùng tất cả xấu xa của nó, rằng chúng ta góp phần vào tất cả việc này, rằng chúng ta chịu trách nhiệm cho tất cả việc này, tất cả mọi việc đang xảy ra ở Trung đông, ở Châu phi, và tất cả sự điên khùng đang xảy ra trong thế giới này, chúng ta chịu trách nhiệm cho nó. Chúng ta có lẽ không chịu trách nhiệm cho những hành động của những người ông và những ông cố của chúng ta – sự nô lệ, hàng ngàn chiến tranh, sự bạo tàn của những đế quốc – nhưng chúng ta là bộ phận của nó. Nếu chúng ta không cảm thấy sự trách nhiệm của chúng ta, mà có nghĩa hoàn toàn chịu trách nhiệm cho chính chúng ta, cho việc gì chúng ta làm, điều gì chúng ta suy nghĩ, cách chúng ta ứng xử, vậy thì nó trở nên quá vô vọng, khi biết rằng thế giới là gì, khi biết rằng chúng ta, cá thể, tách rời, không thể giải quyết được vấn đề của khủng bố này. Đó là vấn đề của những chính phủ, phải thấy rằng những công dân của họ được an toàn, được bảo vệ, nhưng dường như họ không thèm quan tâm. Nếu mỗi chính phủ thực sự quan tâm để bảo vệ những con người riêng của nó, sẽ không có những chiến tranh. Nhưng chắc chắn, cũng vậy những chính phủ đã mất đi sự thông minh, họ chỉ quan tâm đến chính trị thuộc đảng phái, đến quyền hành, địa vị, thanh danh riêng của họ - bạn biết tất cả điều này, nguyên một trò chơi.

 Vì vậy, liệu chúng ta, không chấp nhận thời gian, mà là, ngày mai, tương lai, có thể sống trong một cách mà ngày hôm nay là quan trọng nhất? Điều đó có nghĩa chúng ta phải trở nên tỉnh táo lạ thường đối với những phản ứng của chúng ta, sự rối loạn của chúng ta – làm việc cùng sự chú ý vô cùng vào chúng ta. Chắc chắn, đó là việc duy nhất mà chúng ta có thể làm. Và nếu chúng ta không thực hiện việc đó, chắc chắn không có tương lai cho con người. Tôi không biết liệu bạn có theo dõi một số đầu đề trên báo chí – tất cả đang chuẩn bị cho chiến tranh này. Và nếu bạn đang chuẩn bị cho việc gì đó, bạn sẽ có nó – giống như một món ăn ngon. Rõ ràng những người bình thường trong thế giới có vẻ không thèm quan tâm. Những người có trí năng, khoa học, dính dáng đến sự sản xuất vũ khí, không thèm quan tâm. Họ chỉ hứng thú trong những nghề nghiệp của họ, trong những công việc của họ, trong sự nghiên cứu của họ; và những người của chúng ta mà là những người khá bình thường, tạm gọi là giai cấp trung lưu, nếu chúng ta không thèm quan tâm, vậy là chúng ta thực sự đang bị quẳng trong cái bọt biển. Dường như, bi kịch là chúng ta không thèm quan tâm. Chúng ta không cùng nhau tập hợp lại, không cùng nhau suy nghĩ, không cùng nhau vận hành. Chúng ta chỉ quá sẵn lòng gia nhập những học viện, những tổ chức, hy vọng rằng chúng sẽ chấm dứt những chiến tranh, chấm dứt giết chóc lẫn nhau của chúng ta. Chúng đã không bao giờ thực hiện được nó. Những học viện, những tổ chức sẽ không bao giờ kết thúc bất kỳ việc nào. Chính là quả tim của con người, cái trí của con người phải quan tâm đến việc này. Làm ơn, chúng ta không đang nói chuyện khoa trương; chúng ta đang đối diện cái gì đó rất nguy hiểm. Chúng ta đã gặp gỡ vài người nổi tiếng dính dáng trong tất cả việc này, và họ không thèm quan tâm. Nhưng nếu chúng ta quan tâm và cuộc sống hàng ngày của chúng ta được sống một cách đúng đắn, nếu mỗi người chúng ta nhận biết việc gì chúng ta đang làm hàng ngày, vậy thì tôi nghĩ có sự hy vọng nào đó cho tương lai.  

 Từ Bản tin 46, 1984

 

Đòi hỏi của Xã hội

Saanen, Thụy sĩ, tháng 7 năm 1984

 

N

gười hỏi: Làm thế nào người ta thỏa hiệp những đòi hỏi của xã hội với một sống của sự tự do tổng thể?

Krishnamurti: Những đòi hỏi của xã hội là gì? Làm ơn, hãy chỉ cho tôi. Rằng bạn đi đến văn phòng hay nhà máy từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều, rằng bạn đi đến câu lạc bộ ban đêm để tìm sự hứng khởi sau sự nhàm chán của một ngày làm việc, đi nghỉ mười lăm ngày hay ba tuần lễ dưới ánh mặt trời ở Tây ban nha hay Ý? Những đòi hỏi của xã hội là gì? Rằng bạn phải kiếm sống, rằng bạn phải sống trong vùng đất đặc biệt đó của quốc gia suốt cuộc đời của bạn, theo nghề luật sư, hay một bác sĩ, hay trong một nhà máy như một người lãnh đạo công đoàn, và vân vân. Đúng chứ? Vì vậy người ta cũng phải đặt ra câu hỏi: xã hội này là gì mà đòi hỏi quá nhiều, và ai tạo ra xã hội quỷ quái này? Ai chịu trách nhiệm cho việc này? Nhà thờ, đền chùa, thánh đường, và tất cả gánh xiếc đang xảy ra bên trong chúng? Ai chịu trách nhiệm cho tất cả việc này? Liệu xã hội khác biệt chúng ta, hay chúng ta đã tạo ra xã hội, mỗi người chúng ta, qua sự tham vọng của chúng ta, qua sự tham lam của chúng ta, sự ganh tị của chúng ta, sự bạo lực của chúng ta, qua sự thoái hóa của chúng ta, sự sợ hãi của chúng ta, qua mong muốn sự an toàn của chúng ta trong một cộng đồng, trong một quốc gia – bạn theo kịp chứ? Chúng ta đã tạo ra xã hội này và sau đó chỉ trích xã hội vì điều gì nó đòi hỏi. Vì vậy bạn hỏi: làm thế nào tôi có thể sống trong sự tự do tuyệt đối, hay nói khác hơn, liệu tôi có thể thỏa hiệp cùng xã hội và chính tôi lại tìm kiếm sự tự do? Nó là một câu hỏi vô lý. Xin lỗi, tôi không đang thô lỗ với người hỏi. Nó vô lý bởi vì bạn xã hội. Liệu bạn thực sự thấy điều đó, không như một ý tưởng, không như một khái niệm, hay điều gì đó bạn phải chấp nhận? Nhưng chúng ta, mỗi người chúng ta trên quả đất này suốt 40.000 năm vừa qua hay nhiều hơn thế đã tạo ra xã hội này mà chúng ta sống trong nó: sự dốt nát của những tôn giáo, sự dốt nát của những quốc gia đang tự trang bị vũ khí. Vì ơn Chúa, chúng ta đã tạo ra nó bởi vì chúng ta quả quyết là người Mỹ hay người Pháp hay người Nga. Chúng ta quả quyết gọi chính chúng ta là Thiên chúa giáo, Tin lành giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, và điều này cho chúng ta một ý thức của an toàn. Nhưng chính là những phân chia này mới ngăn cản sự tìm kiếm an toàn. Nó quá rõ ràng.

 Vì vậy không có sự thỏa hiệp giữa xã hội và những đòi hỏi của nó cùng những đòi hỏi của bạn. Những đòi hỏi hiện diện từ sự bạo lực riêng của bạn, từ sự ích kỷ xấu xa, bị giới hạn riêng của bạn. Một trong những điều khó khăn nhất là tìm ra cho chính người ta sự ích kỷ hiện diện nơi đâu, cái tôi tự giấu giếm nó rất tinh tế ở chỗ nào. Thuộc chính trị nó có thể giấu giếm trong ‘làm việc vì sự tốt đẹp của quốc gia’. Nó có thể giấu giếm cao quý nhất trong thế giới tôn giáo: ‘tôi tin tưởng Thượng đế, tôi phục vụ Thượng đế’, hay trong sự giúp đỡ xã hội – không phải rằng tôi chống lại sự giúp đỡ xã hội, đừng nhảy đến kết luận đó – nhưng nó có thể giấu giếm ở đó. Nó cần đến một bộ não rất chú ý, không phải phân tích, một bộ não quan sát để thấy nơi nào những tinh tế của cái tôi, của ích kỷ, được giấu giếm. Vậy là khi không có cái tôi, xã hội không tồn tại; bạn không phải thỏa hiệp với nó. Chỉ những người không chú ý, không nhận biết mới nói, ‘Làm thế nào tôi sẽ phản ứng đến xã hội khi tôi đang cố gắng có được sự tự do?’ Bạn hiểu chứ?

 Nếu tôi được phép nói rõ, chúng ta cần được giáo dục lại, không phải qua trường học, cao đẳng, đại học – mà cũng quy định bộ não – không phải qua công việc ở văn phòng và nhà máy. Chúng ta cần giáo dục lại chính chúng ta qua sự nhận biết, thấy rằng chúng ta bị trói buộc trong những từ ngữ như thế nào. Liệu chúng ta có thể thực hiện việc này? Nếu chúng ta không thể thực hiện nó, chúng ta sẽ có những chiến tranh liên tục, than khóc liên tục, luôn luôn trong xung đột, đau khổ và tất cả mọi việc được bao hàm. Người nói không bi quan hay lạc quan; đây là những sự kiện. Khi bạn sống cùng những sự kiện như chúng là, không phải cùng những dữ kiện được sản sinh bởi máy tính, nhưng quan sát chúng, quan sát hoạt động riêng của bạn, những theo đuổi ích kỷ riêng của bạn, vậy thì từ đó sáng tạo sự tự do lạ thường cùng tất cả vẻ đẹp và sức mạnh của nó. 

 Từ Bản tin 48, 1985

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn