Tâm linh dưới cái nhìn của Phật giáo

25 Tháng Ba 201608:24(Xem: 6954)

TÂM LINH DƯỚI CÁI NHÌN CỦA PHẬT GIÁO
Thích Phước Đạt

1

Tâm linh là gì?

tam linh duoi cai nhin cua phat giaoTrong những năm gần đây, khái niệm tâm linh được định hình và đi vào đời sống hiện thực. Vậy tâm linh là gì, sao không dùng một từ quen thuộc hơn là linh hồn, mà các từ tương đương ở tiếng Anh hay tiếng Pháp là Soul hay Âme?

Theo Carl Jung, đại biểu nổi tiếng của ngành tâm lý học mệnh danh là tâm lý học chiều sâu, thì linh hồn cũng là một hiện tượng tự nhiên như các hiện tượng tự nhiên khác… Không có một bệnh nào của thân mà không có sự tác động của yếu tố tinh thần. Cũng như trong nhiều bệnh rối loạn tinh thần, cũng có sự tác động của những yếu tố của cái thân vật chất. Thân và tâm không cách biệt nhau. Cả hai đều cùng một sự sống duy nhất.

Jung phê phán một số các nhà khoa học phương Tây chỉ thừa nhận các hiện tượng vật chất là có thật, còn các hiện tượng tinh thần thì họ đánh giá là không  thực hay là siêu thực. Jung ca ngợi thái độ các nhà minh triết phương Đông khi đối diện với những hiện tượng tâm lý như xuất hồn, gọi hồn, nói chuyện với người đã chết thông qua trung gian, của những người gọi là ông đồng bà cốt. Những người này cho rằng đó là những sự kiện tâm lý đặc biệt của một số người đặc biệt; chỉ thế thôi, họ không vội gán cho những sự kiện đó những nhãn hiệu như là siêu nhiên, siêu thực v.v… 

Jung bảo rằng, chúng ta chỉ biết được thế giới trong chừng mực mà cấu trúc sinh vật và tâm lý của chúng ta cho phép. Tức là có một phần lớn của thế giới và vũ trụ nằm ngoài tầm nhận thức và nắm bắt của chúng ta.

Cũng có ý kiến, phải chăng từ tâm linh có nguồn gốc ở các tôn giáo thần quyền, với truyền thuyết Thượng đế tạo ra con người. Có tôn giáo cho rằng Thượng đế tạo ra con người đầu tiên rồi thổi hơi thở của Ngài vào đấy, và hơi thở đó chính là linh hồn, là cái thiêng liêng, cái  bất tử ở trong con người. Linh hồn ở trong con người sở dĩ linh thiêng và bất tử, chính là nó được Thượng đế tạo ra với hơi thở của Ngài. 

Do đó, theo tôn giáo thần quyền, thân người thì có sanh có diệt, có sống có chết nhưng linh hồn thì sống mãi, bất tử vì là linh thiêng. Tâm linh có thể được hiểu là chỉ cho cái gì cao cả nhất, sâu sắc nhất trong tâm người. Đó là hàm ý của từ tâm linh, hay linh thiêng.

Còn quan điểm Phật giáo như thế nào? Theo Phật giáo, con người được hình thành từ năm uẩn. Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Do đó không có linh hồn bất tử, tùy theo nghiệp nhân, nghiệp quả mà sau khi mạng chung được sanh vào đời sống này hoặc đời sống khác. 

Mục đích của đạo Phật là giới thiệu cho mọi chúng sinh về con đường đoạn trừ khổ đau, thành tựu giải thoát ở đời này và đời sau. Từ tâm linh theo Phật giáo được hiểu là cuộc hành trì nội  tâm; con đường trở về với tự thân tu tập, tự thân chứng ngộ, thành tựu Niết bàn.

2

Con người hiện đại và nhu cầu của cuộc sống tâm linh

Có nhiều quan điểm phê phán con người hiện đại; nói chung, các quan điểm ấy cho rằng con người hiện đại là con người đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn thứ nhất, do kinh tế phát triển, con người hiện đại có thể trở thành giàu có. Thế nhưng, đời sống nội tâm ngày trở nên trống vắng, cô đơn, dẫn đến sự đam mê dục lạc. Có thể nói, con người hiện đại là con người hưởng thụ. 

Mâu thuẫn thứ hai của con người hiện đại là xu hướng máy móc làm việc thay người. Con người biến thành một cái máy, bị chi phối bởi những dục vọng thấp hèn. Mâu thuẫn thứ ba của con người hiện đại là biết nhiều thứ, nhưng cái cần thiết thì lại không biết: Con người hiện đại không biết chung sống hòa bình, không biết tôn trọng những tín ngưỡng khác mình, những lý tưởng sống khác với mình, không chịu đựng nổi những phong tục tập quán khác với phong tục tập quán của mình.

Mặt khác, có quan điểm cho rằng con người hiện đại hôm nay có thể thực nghiệm những giá trị tâm linh của đạo Phật để giữ vững phẩm chất nhân bản, không bị tha hóa, nhất là thăng chứng nội tâm, thiết lập một đời sống hạnh phúc thật sự.

3

Phật giáo và con người lý tưởng

a. Tâm linh trong tôn giáo thần quyền chính là Phật tánh theo quan điểm Phật giáo.

Đạo Phật đề cao, tôn vinh con người, tuyên bố rằng con người có khả năng ngang hàng với Phật, là bậc toàn thiện và toàn giác, bởi lẽ con người nào cũng có Phật tánh, tức là tiềm năng thành Phật. Trong các kinh điển Đại thừa, con người được định nghĩa như là vị Phật sẽ thành, còn Phật Thích-ca cũng như các vị Phật khác trong quá khứ đều là những vị Phật đã thành. Vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia đã trở thành Sơ tổ của phái Thiền Trúc Lâm, đã viết những câu đầy khích lệ như bài Cư trần lạc đạo phú:“Bụt ở cuông nhà, Chẳng phải tìm xa, Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt, Chỉn mới hay chính Bụt là ta”.

Một tuyên bố như thế, phát ra từ một thiền sư lỗi lạc, đã từng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến vệ quốc của quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông, đã khích lệ hàng triệu Phật tử Việt Nam, vượt lên trên những ham muốn thế tục, để thành tựu lý tưởng cao cả nhất, thành Phật.

Xã hội tốt đẹp lên nhờ có những con người có niềm tin như thế. Chân giá trị của Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung là nó hướng con người vươn tới cái toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ, mà biểu tượng nhân cách hóa chính là Đức Phật cũng như các giáo chủ của các tôn giáo thế giới khác.

b. Tác dụng nhiều mặt của cái nhìn lý tưởng: Người vốn là Phật.

Tất nhiên, cái nhìn của Trần Nhân Tông đối với con người là một cái nhìn lý tưởng, một niềm tin hơn là một nhận thức thực tế. Tuy là một cái nhìn lý tưởng, là một niềm tin, nhưng niềm tin đó có tác dụng lớn lắm, một khi nó lôi cuốn được nhiều người chấp nhận nó làm lý tưởng của đời mình:

Ta có cái nhìn bình đẳng đối với mọi người, không kể là sang trọng hay nghèo hèn, có trí thức hay vô học đều xứng đáng được kính trọng, vì tất cả đều có Phật tánh, đều là những vị Phật tương

Có cái nhìn khiêm tốn đối với tự thân, do lý tưởng thành Phật thì xa vời vợi, mà con người thật thì quá thấp kém; do đó dù đã hay đang làm được gì, chúng ta đều thấy chưa đủ, không có gì tự hào và tự mãn.

Bản thân phải cố gắng, phấn đấu không mệt mỏi, để dần dần rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta là con người hiện thực và lý tưởng thành Phật.

Cốt lõi của toàn bộ công phu tu hành là biện tâm, tìm hiểu tâm, cải tạo tâm, nên cuộc sống nội tâm của người Phật tử ngày càng phong phú, cao quý, nó giúp cho con người vượt cao lên trên những ham muốn thế tục. Một con người như thế, thì đồng tiền không cám dỗ được, quyền uy không khuất phục được, sẽ toàn tâm toàn ý phục vụ dân tộc, đất nước và con người. 

4

Hành trình tâm linh – Con đường thành tựu lý tưởng của Phật giáo

Khác với các tôn giáo thần quyền, đạo Phật không đòi hỏi tín đồ chỉ một chiều sùng bái và cầu Phật gia hộ, mà yêu cầu tín đồ phải nỗ lực để trở thành Phật. Như vua Trần Nhân Tông, vị thiền sư lỗi lạc đời Trần, đã chỉ rõ con người có thể thành Phật, vì con người vốn là Phật, nhưng chỉ tại mình quên mất gốc mình là Phật, nên mới đi tìm Phật ở trong chùa hay là trên núi. Chân lý này không những từ miệng thiền sư nói ra, mà người bình thường cũng nói, và nói rất là hình ảnh: “Phật ở trong nhà, đi cầu Thích Ca ở ngoài đường!”.

Chỉ cần giải thích thêm một chút, câu trên sẽ đủ nghĩa. Phật ở trong nhà nghĩa là Phật ở trong tâm mìnhPhật chính là bản thân mình, nhưng bản thân mình lại không biết. Do đó, toàn bộ phương pháp tu hành của đạo Phật chỉ là một sự trở về, trở về với cái Ta thật của mình là Phật, trở về với cái tâm chân thật của mình là chân tâm, là cái tâm vốn giác ngộ và giải thoát.

a. Tâm lặng mà biết thì đó là ông Phật thật.

Con đường trở về đó theo Quốc sư Viên Chứng đã nói với vua Trần Thái Tông khi vua muốn bỏ ngôi vị để lên núi Yên Tử xuất gia: “Sơn bản vô Phật. Duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị vi chân Phật” (Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, thì đó là ông Phật thật). Mấu chốt của toàn bộ sự nghiệp tu hành chỉ là làm cho tâm bình lặng.

Thực tế, tâm của người bình thường rất động, sống động: Tâm viên, ý mã, nghĩa là tâm như con vượn, ý như con ngựa. Kinh Pháp Cú, ở các bài kệ 33, 34, 35, 36 đều có những câu nói lên tình trạng rất động của tâm:“Tâm hoảng hốt, dao động, Khó hộ trì, khó nhiếp,..”“Như cá quăng lên bờ, Vất ra ngoài thủy giới, Tâm này vùng vẫy mạnh,..”;“Tâm khó thấy, tế nhị, Theo các dục quay cuồng…”.

Trong các bài kệ trên, Đức Phật đã dùng những hình ảnh rất gây ấn tượng để nói cái tâm vùng vẫy mạnh, như con cá từ ở trong nước bị quăng lên bờ, nói cái tâm khó thấy, tế nhị chạy quay cuồng theo dục vọng. Tuy nhiên, cũng trong các bài kệ trên, Đức Phật cũng khẳng định khả năng của con người có thể cải tạo tâm, phòng hộ tâm, điều phục tâm: “Người trí làm tâm thẳng, Như thợ tên làm tên.” (Kệ 33); Tuy rằng, “Khó nắm giữ, kinh động, Theo các dục quay cuồng, nhưng mà Lành thay điều phục tâm, Tâm điều, an lạc đến.” (Kệ 35)“Người trí phòng hộ tâm, Tâm hộ, an lạc đến.” (Kệ 36)

Tinh thần và lời các bài kệ trên đây cho thấy, tâm người dao động mạnh như thế, nhưng người có trí vẫn phòng hộ tâm được, điều phục tâm được, và nhờ sự phòng hộ và điều phục tâm thành công mà đem lại cho tâm sự an lạc, hạnh phúc.

Vậy thì phòng hộ tâm và điều phục tâm như thế nào? Kinh Phật thường khuyên: Chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm là suy nghĩ và nhớ đúng đắn, nhớ điều phải, điều lành. Tỉnh giác là tỉnh táo, có nghĩa là không được sống mơ hồ hay mơ màng, đầu óc phải luôn tỉnh táo. Còn các thiền sư Tây Tạng, thường dùng một lời khuyên rất có hình ảnh: Đưa tâm về nhà.

b. Đưa tâm trở về nhà.

Một phương pháp để làm cho tâm bình lặng, đó là đưa tâm về nhà. Thực tế, tâm người không chịu ở yên trong hiện tại mà hay nghĩ vơ vẩn vào các chuyện đã xảy ra trong quá khứ, hay các chuyện tương lai chưa xảy ra mà mình mơ ước. Mặt khác, tâm luôn luôn hiện hữu khi chúng ta làm bất cứ một điều gì. Khi nhìn, thì không phải chỉ nhìn bằng mắt, mà phải bằng cả cái tâm của mình nữa. Khi nói, không phải chỉ nói bằng miệng mà còn nói bằng tâm của mình nữa. Thậm chí khi suy nghĩ, cũng phải có ý thức rõ mình đang suy nghĩ gì.

Qua kinh nghiệm ta thấy, nếu nhìn bằng mắt mà tâm để đâu đâu thì không thể nhìn rõ. Phải thấy bằng mắt và bằng cả cái tâm của mình nữa, thì mới thấy rõ. Khổng Tử từng nói: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” (Nếu tâm không có ở đó, thì nhìn mà không thấy, nghe mà không biết, ăn mà không biết mùi vị). Cái tâm thức đó, sách Phật gọi là ý thức hay thức thứ sáu. Nếu tâm thức này mà không sanh khởi và hoạt động cùng với năm cảm quan đầu, thì nhận thức của năm cảm quan, như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân sẽ không được minh bạch. Kinh nghiệm này ai cũng biết nhưng đáng tiếc là không chú ý áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong mọi công việc. Do đó, ta cần đem tâm về nhà là vậy.

c. Tâm luôn luôn nghĩ thiện, nhờ đó mà lời nói và hành vi đều thiện lành.

Có gì làm cho chúng ta bức xúc, hối hận bằng những ý nghĩ, lời nói và việc làm bất thiện, hại người, hại vật? Cũng không có gì làm cho tâm chúng ta bất an bằng những ham muốn không thỏa mãn.

Một phương pháp cơ bản để giữ cho tâm bình lặng là không làm điều ác, không hại người đồng thời cũng không ham muốn nhiều và biết đủ. Điều đó có nghĩa là bạn phải sống đạo đức, giữ đúng giới luật là điều kiện để thành tựu định tâm, đảm bảo cho tâm được bình lặng. Hơn nữa, theo đúng luật nhân quả nghiệp báo, kẻ làm điều ác mà không biết hối cải thì nhất định sẽ rước lấy quả báo ác và đau khổ. Nhưng cái gì thúc đẩy chúng ta nói điều ác và làm điều ác? Đó chính là tâm chúng ta. Trái lại, khi chúng ta nói lời thiện và làm điều thiện, thì cũng đều do tâm chúng ta nghĩ thiện.

Kinh Pháp Cú, hai bài kệ số 42 và 43, đều rất có ý nghĩa trong việc nêu bật vai trò của tâm trong hành vi thiện ác:“Kẻ thù hại kẻ thù, Oan gia hại oan gia, Không bằng tâm hướng tà, Gây ác cho tự thân”; “Điều mẹ, cha, bà, con,Không có thể làm được, Tâm hướng thiện làm được, Làm được còn tốt hơn”. Nói tóm lại, tâm của ta có thể là kẻ thù của chúng ta, nếu chúng ta không biết tu tập tâm, mặc cho tâm nghĩ ác, nghĩ bậy. Cũng một cái tâm ấy, nếu được tu tập, luôn luôn nghĩ thiện nghĩ lành thì chính tâm ấy là bạn của ta.

d. Tâm thiện chưa đủ, phải đạt tới cái tâm vô trú, tâm vô niệm.

Có tâm thuần thiện, không bao giờ nghĩ tà, nghĩ bậy là chuyện rất tốt, nhưng vẫn chưa đủ. Vì khi bạn nghĩ thiện, làm điều thiện thì chỉ giúp cho ta tránh không tái sanh vào cõi ác, được tái sanh vào các cõi lành. Nghĩa là, con người thiện vẫn luân hồi, nhưng chỉ luân hồi trong các cõi lành. Thế nhưng, mục đích tối hậu của đạo Phật là siêu việt lên trên thiện và ác, đạt tới lý tưởng giác ngộ và giải thoát, đạt tới cảnh giới toàn giác như Đức Phật vậy.

Phương pháp định tâm, cũng gọi là phương pháp Thiền, nếu thực hành kiên trì, đúng pháp thì sẽ giúp chúng ta đạt tới chỗ tâm hoàn toàn không còn vướng mắc, được giải thoát. Kinh Kim Cang, một bản kinh Đại thừa nổi tiếng có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Nghĩa là tâm vị Bồ-tát tuy đối diện với sắc, với thanh, hương, vị, xúc tức là với mọi cảnh trần bên ngoài, nhưng không chấp thủ, không vướng mắc, thật sự xả, và giải thoát. 

Cái tâm vô trú và không chấp thủ đó, có sách gọi là cái tâm vô niệm, cái tâm dứt bỏ các niệm, các ý nghĩ, cái tâm hoàn toàn bình lặng và thanh tịnh, lâu dài và ổn định, thì có thể nói đó là một bước tiến bộ rất lớn trên con đường tu tập để thành tựu con người lý tưởng, tức là thành Phật.

e. Điều hòa hơi thở, theo dõi hơi thở, là phương pháp điều phục tâm rất hữu hiệu.

Phương pháp giản dị này được Phật Thích Ca dạy cho các đệ tử trong những bài kinh nổi tiếng, hiện nay đang lưu hành ở khắp nơi, như các bài kinh Đại niệm xứ (Trường Bộ) và Niệm hơi thở vô, hơi thở ra (Trung Bộ). Hơi thở tuy là một hiện tượng sinh lý, nhưng lại rất quan hệ đến tâm thức, và ngược lại cũng vậy. 

Khi ngồi thiền, ta chỉ cần điều hòa hơi thở, theo dõi hơi thở ra vào một vài phút, tâm sẽ trở nên bình lặng. Ngay những người mới học hành thiền cũng đều cảm nhận điều này. Vấn đề là bạn phải kiên trì; nếu kiên trì, thì tiến bộ đạt được sẽ rất dễ thấy, rất đáng khích lệ.

Trên đây là một số phương pháp thực tập đời sống hướng nội trong cuộc hành trình tâm linh, tìm về miền giải thoát. ■

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 169

Người gửi bài: Kim Trần

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 5775)
Kinh điển Phật giáo phân định vạn hữu thành 2 thể loại là Hữu tình và Vô tình: động vật thuộc về Hữu tình và các loại khoáng vật, thực vật thuộc Vô tình. Tất cả Hữu tình trong vũ trụ đều có một tâm thức A-lại-da. Thức này có khả năng lưu trữ, bảo trì tất cả các kinh nghiệm và chờ khi gặp cơ duyên thì hiện hành trở lại. Vì vậy, cho nên công năng tưởng tượng của ký ức đã hiện hữu thì những ký ức phải được lưu trữ.
23 Tháng Giêng 2015(Xem: 9176)
Một vị lãnh đạo một tôn giáo lớn, tuy thờ Trời nhưng lại sợ con người, đã không dám tiếp một vị lãnh đạo tôn giáo khác trong một dịp viếng thăm Âu Châu gần đây, mặc dù một vị lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng khác từ một nước rất xa xôi tận phía nam Phi Châu đã trực tiếp can thiệp và trách cứ về hành động đáng tiếc này.
26 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 6400)
Triết lý Phật giáo đầy mâu thuẫn. Logic học hiện đại đang nghiên cứu tại sao bây giờ nó có thể là một Triết thuyết hay. Nhìn chung, một số Triết gia phương Tây đã không nhìn tư tưởng Phật giáo với nhiều sự nhiệt tình. Như một đồng nghiệp đã từng nói với tôi:
03 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 8539)
Một người Phật tử đã hỏi tôi Lucy có phải là phim Phật giáo không? Nhân đây tôi cũng xin chia sẽ đến các bạn. Lucy là một bộ phim hành động viễn tưởng khoa học của Pháp viết bởi đạo diễn Luc Besson khởi chiếu vào ngày 25/07/2014 đem lại doanh thu hơn 458 triệu đô la. Lucy được khán giả đón nhận nhiệt tình và có rất nhiều phản hồi tích cực trên khắp thế giới. Điều đáng nói là nội dung của phim có rất nhiều điều đáng để suy ngẫm.
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6642)
Thời gian có lẽ là một phạm trù gây nên những băn khoăn nhiều nhất cho triết học, khoa học, tôn giáo và con người nói chung bởi nó là điểm trụ của mọi hình thái tồn vong vũ trụ. Thật vậy, mọi vật sinh khởi trong thời gian, và cũng hủy diệt trong thời gian, hữu sinh tất hữu diệt là một quy luật chẳng những đúng cho vạn vật, mà còn cho tất thảy mọi chúng sinh.
06 Tháng Mười Một 2014(Xem: 4972)
Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, loài người tiếp tục đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Có lẽ nghiêm trọng nhất và khiến cho những cuộc khủng hoảng khác khó được giải quyết hơn chính là sự khủng hoảng niềm tin.
04 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11868)
Ngài Long Thọ (Nagarjuna) thường được tôn xưng là “đức Phật thứ hai” bởi các truyền thống Phật Giáo Đại Thừa tại Tây Tạng và Đông Á. Ngài Long Thọ là người đưa ra những phê phán nghiêm khắc về triết lý thực thể của Bà La Môn và Phật Giáo, về nhận thức luận, và các pháp môn tu tập.
23 Tháng Mười 2014(Xem: 5131)
Trong bất cứ một cộng đồng nào đều có nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều chủng loại con người khác nhau sống cùng trong đó, thì chắc chắn luôn có sự hiện diện của nhiều mặt tư tưởng khác nhau, phát sinh nhiều vấn đề liên quan.