Tinh Thần Ahimsa Trong Jain Giáo

31 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 12553)

TINH THẦN AHIMSA TRONG JAIN GIÁO
Nguyễn Trần Tiến 
Khoa Lịch sử Đại học Ravenshaw, Odisha, Ấn Độ

Bạo lực, chiến tranh và nhiều mối nguy cơ mâu thuẫn tiềm ẩn ngày càng trở thành vẫn đề đáng quan tâm trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phải chăng xã hội càng phát triển thì con người lại càng có khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề? Làm thế nào để con người thoát khỏi không chỉ nỗi ám ảnh mà còn cả những hậu quả tồi tệ mà mà bạo lực đem lại?

Con người đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này và cho tới tận ngày nay vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thích đáng cho vấn đề đó. Điều dễ nhận thấy cho sự đối kháng này nằm ở chỗ cái ác, cái bạo lực sẽ được giải quyết, được xóa bỏ bởi cái thiện, điều thiện. Hay nói cách khác, câu trả lời cho việc từ bỏ bạo lực chính là việc thực hành bất bạo lực. Để hiểu thêm về vấn đề này, chúng ta có thể tìm thấy ở trong những tôn giáo Cổ đại của người Ấn Độ để thấy được cái gốc của Ahimsa hay bất bạo động, không sát sinh - tư tưởng cốt lõi trong trong các tôn giáo Ấn Độ như Hindu giáo, Phật giáo và Jain giáo.

Cũng như các tôn giáo khac trên, Jain xem Ahimsa là nguyên tắc đạo đức đầu tiên và là tín điều quan trọng nhất. Ahimsa trong đạo Jain đã gần như phát triển đến mức tuyệt đối, trở thành một trong những đặc trưng phân biệt Jain giáo với những tôn giáo khác cùng lấy Ahimsa làm trung tâm.

Ra đời vào khoảng thế kỉ thứ 6 trước Công Nguyên do Mahavira sang lập. Ông được coi là một trong những người thầy vĩ đại nhất, có ảnh hưởng lớn nhất trong đạo Jain mặc dù trước ông đã có tới 23 vị Tirthankar hay còn gọi là các vị thầy, thánh tăng. Các giáo lý trong Jain giáo lại không phải do một người duy nhất sáng lập mà được đưa ra, truyền bá và giảng dạy bởi rất nhiều người đi trước và mỗi người lại bổ sung và hoàn thiện các giáo lý này.

Mục đích lớn nhất của Jain giáo, cũng giống với các tôn giáo khác khởi phát từ vùng đất tiểu lục địa, đó chính là giải thoát con người khỏi khổ đau. Và bằng việc tuyệt đối tuân theo “Ahimsa”, con người sẽ có thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử,, đạt được sự tự do và niềm hạnh phúc tối cao. Đó cũng là điều mà các Tirthankar muốn truyền dạy cho đệ tử của mình.

Có quan điểm cho rằng Jain giáo là tôn giáo vô thần bởi không thừa nhận sự tồn tại của những thế lực siêu nhiên như Thượng Đế hay thánh Ala hay Tam vị nhất thể. Song Jain giáo thừa nhận những thực thể thiêng liêng hoàn hảo mà những thực thể này thực chất chính là sự phát triển hoàn thiện nhất của các loài. Jain giáo cho rằng bản thân tất cả các linh hồn đều thiêng liêng và đều có khả năng đạt được cảnh giới tối cao.

Ahimsa tiếng Sanskrit có nghĩa là tính bất hại hay còn được hiểu là cái xấu, cái ác, cái bạo lực (himsa) không xuất hiện không chỉ trong hành động, lời nói mà còn trong cả suy nghĩ. Ahimsa là sự biến mất hoàn toàn của bạo lực trong tất cả đời sống tinh thần và hành động của con người. Đây chính là nguyên tắc cơ bản nhất trong các quy phạm và học thuyết của đạo Jain. Tại sao nó lại là nguyên tắc cơ bản nhất? Tại sao chỉ tuân theo nguyên tắc bất hại mà con người có thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử? Jain giáo nói riêng và các tôn giáo cổ của Ấn Độ nói chung thường chia sẻ cùng các niềm tin về nghiệp (karma), luân hồi và giải thoát (moska). Thời gian lặp đi lặp lại thành một vòng tròn được ví với vòng quay của cuộc đời con người sinh - tử - sinh - tử. Và kiếp người chỉ là một trong số rất nhiều lần chuyển hoá của jiva - tức nhận thức của mỗi một dạng sống. Cá thể jiva ấy lãnh nhận hậu quả mà nó gây ra mà ở đây gọi là nghiệp (karma).Tuy nhiên điểm khác nhau căn bản giữa nghiệp của đạo Jain và đạo Hindu nằm ở chỗ nghiệp của Jain giáo đơn giản là một hệ thống luật nhưng thiên về tự nhiên hơn là đạo đức, bởi vậy những hành động khác nhau thì cũng tạo ra hậu quả khác nhau. Song tất cả các hành động đều tạo ra nghiệp và nghiệp ấy tạo nên số phận của jiva. Và bản thân jiva luôn luôn cố gắng thoát khỏi chuỗi luân hồi sinh tử tức nghiệp mà các hành động của bản thân mang lại.

Việc cố gắng thoát khỏi vòng xoay của nghiệp mà bản thân jiva ấy tạo ra mối quan hệ qua lại với ahimsa? Jain giáo tin rằng cách duy nhất cứu thoát jiva chính là việc thực hành bất hại. Đây không đơn thuần là không làm việc xấu mà còn là việc không tồn tại những ý niệm xấu trong đầu, không có ý đồ làm điều xấu. Hành động xấu ở đây không chỉ gây tổn hại tới người khác mà còn gây tổn hại tới tâm hồn của chính bản thân mình. Đây chính là điểm khác biệt giữa ahimsa của đạo Jain với ahimsa của các tôn giáo khác. Nếu ở trong các tôn giáo khác, bạo lực thường mang nghĩa là làm hại người khác thì trong Jain giáo, hậu quả đầu tiên mà bạo lực mang lại chính là việc làm tổn thương ngay tâm hồn của mình, bạo lực chính là hành động hạn chế hay thậm chí làm suy giảm đi khả năng của tâm hồn cá thể có thể đạt tới cảnh giới giải thoát.

Đối tượng mà ahimsa hướng tới không chỉ dừng lại giữa con người với con người mà còn hướng tới cả các loại động vật, thực vật, những loại sinh vật siêu vi nhỏ bé tồn tại mà mắt thường không thể nhìn thấy được có sự sống hoặc có thể có sự sống. Bởi vậy mà có thể coi ahimsa trong Jain giáo đã phát triển tới mức gần như tuyệt đối khi chứng kiến việc thực hành tính bất hại của tín đồ đạo Jain ở ngoài đời sống. Ngoài giới luật ăn chay nghiêm khắc, cách ăn mặc của cả hai phái Bạch y và Loã thể đều nhằm làm giảm đến mức thấp nhất số lượng các sinh vật hay gần sinh vật bị chết.

Điều dễ nhận thấy ở Jain giáo là ahimsa quan trọng không chỉ bởi nó là con đường duy nhất giải thoát jiva mà chính ahimsa cũng chính là cái thiện, là bản chất tốt đẹp nhất của tâm hồn. Bất cứ tâm hồn nào cũng bình đẳng, đáng được trân trọng, được bảo vệ bất chấp tôn giáo, niềm tin, đẳng cấp, chủng tộc. Giáo chủ Mahavira nói “không có phẩm chất nào của tâm hồn tinh nhạy như phi bạo lực và cũng chẳng có đức hạnh nào của tinh thần lớn lao bằng sự tồn sùng dành cho cuộc sống”. Bởi vì tất cả các linh hồn đều bình đẳng, thiêng liêng nên “Không được làm hại, lạm dụng, áp bức, bóc lột, sỉ nhục, giày vò, tra tấn hay giết hại bất cứ một sinh vật sống nào ”. Chính vì thế những tín đồ Jain giáo thực hành ahimsa ngoài việc không có hành động và ý nghĩ bạo lực cũng như giảm thiểu tối đa số lượng những loài sinh bị giết hại thì việc truyền bá tính khoan dung, sự công bằng, độ lượng và tình nhân ái đồng thời giúp đỡ những người nghèo khổ cũng là một trong những biểu hiện rộng hơn khi áp dụng ahimsa vào cuộc sống.

Trái với ahimsa là himsa có nghĩa là bạo lực. Trong Jain giáo, bạo lực được xác định bằng động cơ và hậu quả nó mang lại nhiều hơn là bản thân hành động có tính bạo lực. Như vậy, bạo lực cố ý bị coi là xấu nhất trong tất cả các dạng bạo lực. Mức độ nghiêm trọng của hậu quả mà hành động bạo lực mang lại còn được tính theo cấp độ phát triển của dạng sinh vật, bạo lực hướng tới những dạng sinh vật kém phát triển được cho là gây ra hậu quả ít nặng nề hơn so với bạo lực hướng tới các sinh vật cấp cao hơn.

Vấn đề đặt ra là liệu có mâu thuẫn giữa việc Jain giáo xác định tất cả các loài sinh vật đều bình đẳng với việc phân định cấp độ hậu quả nghiêm trọng của bạo lực dựa trên cấp độ phát triển của sinh vật? Sẽ không xảy ra điều đó bởi không có loài sinh vật nào tồn tại mà không làm hại tới bất kì một sinh vật nào khác cả, cũng như việc con người tồn tại đã phá huỷ mạng sống của rất nhiều sinh vật, những loại côn trùng nhỏ, những loại vi khuẩn mắt thường không nhìn thấy, đấy chính là cái nghiệp mà bất cứ jiva nào cũng phải gánh chịu. Hơn nữa, tất cả các jiva đều bình đẳng song bản chất của các sinh vật lại không hoàn toàn giống nhau ở điểm chỗ khả năng cảm nhận của chúng hay nói cách khác - khả năng trở thành jiva. Khả năng cảm nhận ở đây là khả năng cảm nhận được nỗi đau khổ, khả năng gánh chịu nỗi đau khổ. Và bạo lực ở đây là gây đau khổ cho cá thể khác và từ đó gây ra đau khổ cho chính bản thân mình, làm cho con đường đạt đến giải thoát của cá thể càng trở nên khó khăn hơn. Do vậy khả năng tự nhận thức của cá nhân lại càng trở nên quan trọng, tính đúng đắn để nhận ra được ahimsa - bất hại và phân biệt các cá thể sinh vật thực sự lại càng trở nên cần thiết.

Nói tóm lại ahimsa được xem là nguyên tắc căn bản nhất, quan trọng nhất mà mỗi tín đồ đạo Jain cần phải tuân thủ. Ngoài ra còn có các giáo lý, giáo luật khác được đặt ra dựa trên nguyên tắc này như ăn chay, tuyệt thực trong một khoảng thời gian nhất định. Bản chất Ahimsa luôn tồn tại trong chính mỗi con người bởi nó là bản tính thiện, là phần tốt đẹp của con người. Do vậy không chỉ Jain giáo mà trong cốt lõi của mỗi tôn giáo đều khuyên con người làm điều thiện, tránh điều ác. Sau này, tư tưởng “Bất bạo động” của Mahatma Gandhi đã áp dụng tinh thần của các tôn giáo Ấn Độ cổ đại để thu hút sự quan tâm của nhiều người chính khởi phát từ ahimsa. Ahimsa không chỉ đơn thuần tồn tại trong niềm tin thuộc về tôn giáo, tính bất hại không gò bó trong những bài giảng kinh hay đơn thuần là những câu chữ khô cứng trong lời khấn nguyện. Ahimsa còn đi vào đời sống, trở thành động lực tạo nên một thế giới hòa bình và xích lại gần nhau, lật đổ sự thống trị, kì thị chủng tộc và chiến tranh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười 2013(Xem: 37397)
01 Tháng Bảy 2013(Xem: 6873)
Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!