Quan Điểm Của Đạo Phật Về Những Tôn Giáo Khác - Berzin, Alexander And Chodron, Thubten.

02 Tháng Mười 201200:00(Xem: 8539)

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẠO PHẬT
VỀ NHỮNG TÔN GIÁO KHÁC

Singapore, 10 tháng Tám, 1988
Trích đoạn đã được duyệt lại
từ Berzin, Alexander and Chodron, Thubten.
Glimpse of Reality.
Singapore: Amitabha Buddhist Centre, 1999.

Hỏi: Đạo Phật nghĩ sao về sự tồn tại của các tôn giáo khác?

Đáp: Vì chúng sanh không có cùng khuynh hướng và sở thích, nên Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện khác nhau để giáo hóa họ. Dựa vào thí dụ này mà Đức Dalai Lama cho rằng sự hiện diện của nhiều tôn giáo trên thế giới là điều tuyệt vời. Tựa như một món ăn không thể làm vừa lòng tất cả các thực khách, một tôn giáo hoặc một đức tin cũng không thể thỏa mãn nhu cầu của tất cả mọi người. Vì vậy, việc mọi người có nhiều tôn giáo để chọn lựa là điều vô cùng lợi ích. Đức Dalai Lama đã hoan nghênh và hoan hỷ về điều này.

Ngày nay, cuộc đối thoại giữa các đạo sư Phật giáo và lãnh tụ của các tôn giáo khác đang tiến triển với sự tương kính. Ví dụ như Đức Dalai Lama thường gặp gỡ Đức Giáo Hoàng. Vào tháng 10 năm 1986, Đức Giáo Hoàng đã mời tất cả các lãnh tụ của các tôn giáo trên thế giới họp mặt tại Assisi, nước Ý. Có khoảng 150 vị đã đến tham dự. Đức Dalai Lama ngồi bên cạnh Đức Giáo Hoàng và được hân hạnh đọc diễn văn khai mạc. Tại hội nghị này, các lãnh tụ tinh thần bàn luận về những đề tài chung trong tôn giáo như đạo đức, lòng từ và lòng bi. Mọi người rất phấn khởi về sự cộng tác, hòa hợp và tương kính giữa các lãnh tụ tôn giáo.

Nếu ta bàn về siêu hình học và thần học thì sẽ có những sự khác biệt không tránh được. Tuy nhiên, chúng ta không bắt buộc phải bàn cãi với một thái độ trẻ con: “Ba tôi mạnh hơn ba anh.” Ta nên nhìn vào những điểm tương đồng thì tốt hơn. Tất cả các tôn giáo đều tìm cách cải thiện thế giới và làm cho cuộc sống được tốt đẹp hơn, bằng cách dạy cho con người hành xử theo đạo đức. Các tôn giáo đều dạy con người không nên bị lôi cuốn hoàn toàn vào đời sống vật chất, mà ít nhất cần, có sự quân bình giữa tiến bộ vật chất và tâm linh.

Nếu tất cả các tôn giáo cùng nhau cải thiện đời sống trên thế giới thì đây là một điều vô cùng lợi lạc. Chúng ta không chỉ cần sự tiến bộ về vật chất mà còn cần có tiến bộ về tâm linh. Nếu ta chỉ chú trọng về mặt vật chất thì việc chế tạo một quả bom nguyên tử để giết hết mọi người sẽ là mục đích tốt. Về mặt khác, nếu ta nghĩ theo chiều hướng nhân đạo hay tâm linh, ta sẽ nhận thức được sự đe dọa và những vấn đề mà việc chế tạo thêm bom nguyên tử sẽ gây ra. Nếu ta chỉ phát triển về tâm linh và không chú trọng đến vật chất thì mọi người sẽ lâm vào cảnh đói kém và điều đó cũng không tốt. Chúng ta cần có sự quân bình.

Một khía cạnh của sự liên đới giữa các tôn giáo trên thế giới là việc chia sẻ với nhau những nét đặc trưng của họ. Lấy ví dụ giữa đạo Phật và Cơ Đốc giáo. Nhiều tín đồ Cơ Đốc muốn học cách tập trung tư tưởng và hành thiền của Phật giáo. Đã có nhiều linh mục, tu viện trưởng, nam và nữ tu sĩ Công giáo đến Dharamsala, Ấn Độ, để học hỏi các phương pháp thiền định và mang những kiến thức này về cho truyền thống của họ. Nhiều Phật tử đã giảng dạy tại các trường đạo. Tôi cũng đôi khi được mời dạy về phương pháp hành thiền, cách phát triển định lực và lòng từ. Cơ Đốc giáo dạy ta phải thương yêu mọi người, nhưng không có sự giải thích chi tiết về cách thực hành. Đạo Phật thì lại phong phú về các phương pháp phát triển lòng từ. Cơ Đốc giáo ở cấp độ cao nhất đã cởi mở để học hỏi những phương pháp này từ đạo Phật. Điều này không có nghĩa là họ sẽ trở thành Phật tử, vì không ai muốn cải đạo người khác. Những phương pháp này có thể được thay đổi để thích nghi với tôn giáo của họ, nhằm giúp họ trở thành những con chiên hoàn hảo hơn.

Tương tự như vậy, nhiều Phật tử muốn học hỏi về những hoạt động xã hội từ Cơ Đốc giáo. Có những truyền thống Cơ Đốc giáo nhấn mạnh rằng các nam và nữ tu sĩ phải dấn thân vào việc giảng dạy, làm việc trong các nhà thương, chăm sóc cho người già, trẻ mồ côi v.v... Tuy những hoạt động này đã phát triển ở một vài quốc gia Phật giáo, nhưng nó vẫn chưa được phổ biến ở tất cả các nước, vì các lý do xã hội và địa lý. Phật tử có thể học hỏi điều này từ các tín đồ Cơ Đốc. Đức Dalai Lama rất cởi mở về việc này. Phật tử làm như vậy không có nghĩa là họ sẽ trở thành tín đồ Cơ Đốc, mà đúng hơn là Phật tử có thể học hỏi một vài lãnh vực từ kinh nghiệm tu tập của tín đồ Cơ Đốc và ngược lại. Theo chiều hướng này, ta sẽ có một diễn đàn rộng mở giữa các tôn giáo trên thế giới, đặt căn bản trên sự tưong kính.

Sự giao thoa giữa các tôn giáo thường xảy ra ở cấp độ cao nhất, khi con người trở nên cởi mở và không có thành kiến. Chỉ có ở những cấp độ thấp hơn, người ta mới cảm thấy bất an và nảy sinh tinh thần của những đội bóng: “Đây là đội bóng của tôi và các tôn giáo khác là những đội bóng đối lập!” Rồi từ đó chúng ta ganh đua và tranh đấu với nhau. Điều này thật đáng buồn, dù nó xảy ra giữa các tôn giáo hay giữa các truyền thống Phật giáo. Đức Phật đã dạy vô số pháp môn đa dạng và tất cả đều hài hòa với nhau, để phổ độ chúng sanh với những căn cơ khác nhau. Vì thế, điều quan trọng là ta nên tôn trọng tất cả các truyền thống trong Phật giáo cũng như trong các tôn giáo trên thế giới.

(Viện Lưu Trữ Phật Pháp Berzin)

Tiểu Sử Ngắn Alexander Berzin

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn