Bài 08

28 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 5902)

PHẢN BIỆN 
HIỆN TƯỢNG THÍCH THÔNG LẠC
Toàn Không

08

XVI). PHẢN BIỆN HIỆN TƯỢNG THÔNG LẠC VỀ KHÔNG TÁNH

Trong bài KHÔNG TÁNH Trưởng Lão Thích Thông Lạc, trích NLGPD.4 đăng trên mạng Thân Tâm An Lạc ngày 28-11-2012 có đoạn viết:

“Nhưng ở kinh Tiểu Không này dạy không tánh là pháp hữu vi vô thường chịu sự đoạn diệt. Cho nên, kinh sách các bạn phải hiểu đúng nghĩa, đừng hiểu sai, vì chính hiểu sai mà các Tổ mới kiến giải, tưởng giải sinh ra kinh Đại Bát Nhã, mới có Chân Không Diệu Hữu, Bát Nhã Tâm Kinh.

Tất cả những điều này chỉ là một ảo tưởng của kinh sách Đại Thừa, còn kinh Tiểu Không thì không có nghĩa đó. Không có nghĩa đó rất rõ ràng vì vô tướng tâm định, không tánh là một pháp hữu vi vô thường, chịu sự đoạn diệt”.

 Để việc phán đoán được rõ ràng, chúng ta chia bài Phản Biện này làm 3 phần: 1. Phân tích một phần Kinh Tiểu Không. 2. Phân tích Bát Nhã Tâm Kinh. 3. Phân tích một số phê bình chỉ trích của tác giả Thông Lạc và so sánh với Bát Nhã Tâm Kinh.

1). PHÂN TÍCH MỘT PHẦN KINH TIỂU KHÔNG

 Chúng ta sẽ dùng chữ nghiêng chỉ Phật nói, chữ đứng ngay để giải thích, và sẽ biện giải Kinh Tiểu Không (Cùlasunnata) trong Kinh Trung Bộ của Nam Truyền, trích gần một nửa Kinh, từ đoạn cuối đến hết Kinh như sau:

Đức Phật nói: Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng, không có tác ý Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tác ý sự nhất trí do duyên Vô tướng tâm định Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Vô tướng tâm định (Ý Phật nói Tỳ Kheo không còn nghĩ tới Vô sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng nữa, được không còn tướng nào trong tâm nên được định tĩnh, được định tĩnh nên được thích thú hân hoan trong an trú).

Vị ấy tuệ tri như sau: "Các ưu phiền do duyên Vô sở hữu xứ tưởng không có mặt ở đây, các ưu phiền do duyên Phi tưởng phi phi tưởng xứ không có mặt ở đây; và chỉ có một ưu phiền này, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này". (Nghĩa là: Hành giả biết rõ các lo buồn về Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng không còn; chỉ có lo buồn về Sáu nhập là Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp hiện diện trong thân)

Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có Vô sở hữu xứ tưởng". Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng. Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này". Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy tuệ tri: "Cái kia có, cái này có". Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh. (Nghĩa là: Hành giả biết Vô Sở Hữu Xứ Tưởng không còn, biết Phi Tưởng Phi Phi Tưởng cũng không còn, nên được thanh tịnh, Không Tánh đây là đối với hai loại tưởng Vô sở hữu xứ tưởng và Phi tưởng phi phi tưởng, chứ không phải là đối với sáu nhập duyên mạng, vì vậy Phật sẽ nói cái vô tướng tâm định này là hữu vi ở dưới đây).

 

Lại nữa, này Ananda, vị Tỷ-kheo không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng, không tác ý Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, tác ý sự nhứt trí do duyên Vô tướng tâm định. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Vô tướng tâm định. Vị ấy tuệ tri như sau: "Vô tướng tâm định này thuộc hữu vi, do tâm tự tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi, do tâm tự tạo nên, cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt" (Hữu vi vô thường đoạn diệt bởi vì sáu căn còn dính mắc sáu trần trong tâm, còn ô nhiễm), vị ấy tuệ tri như vậy.

Do vị ấy tuệ tri như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, là sự hiểu biết (nana) rằng đã được giải thoát. Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn phải trở lại trạng thái này nữa" (Ở đây phải nên hiểu: Sinh đã tận là Tâm không còn sinh ra Tưởng Vô Sở Hữu, Tâm không còn sinh ra Phi Tưởng Phi Phi Tưởng nữa; Phạm hạnh sự tu về việc này đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa là đã làm xong việc loại bỏ Tưởng Vô Sở Hữu và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, chứ không phải đã làm xong những cái khác đâu, không phải sự SINH TỬ của hành giả hết đâu).

Vị ấy tuệ tri: "Các ưu phiền do duyên dục lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên hữu lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên vô minh lậu không có mặt ở đây (Ở đây nên hiểu là các ưu phiền do duyên dục lậu, các ưu phiền do duyên hữu lậu, các ưu phiền do duyên vô minh lậu của Tưởng Vô Sở Hữu, của Phi Tưởng Phi Phi Tưởng không có mặt ở đây, chứ không phải là các cái khác).

Và chỉ ở một ưu phiền này, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này" (Ở đây Phật nói là: chỉ ở ưu phiền Sáu nhập: Sắc, Thanh, Hương, Vi, Xúc, Pháp duyên đến nhập vào Thân hành giả). Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có dục lậu (Loại Tưởng Vô Sở Hữu, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng không tham ô nhiễm)". Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có hữu lậu" (Loại Tưởng Vô Sở Hữu, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng không có hữu lậu). Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có vô minh lậu (Loại Tưởng Vô Sở Hữu, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng không có vô minh Lậu).

Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này". Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có (ý Phật nói: cái gì không có trong tâm hành giả cái ấy là không có). Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy biết: "Cái kia có, cái này có". Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, Không tánh.

Tại sao ở trên Đức Phật nói: “chỉ ở một ưu phiền này, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này”, ở đây lại nói “cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, Không tánh”? Nghĩa là cái ưu phiền là thật có, vẫn còn trong tâm, nhưng những cái gì không có mặt trong tâm thì hoàn toàn được thanh tịnh, đó là Không tánh đối với những cái không có mặt mà thôi, chứ không phải những cái ưu phiền. Đọan này chứng minh cho câu ở trên Phật nói:

Vô tướng tâm định này thuộc hữu vi, do tâm tự tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên, cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt"; vì những cái có mặt trong tâm thì không thể nói là không, cái gọi là Không Tánh chỉ là đối với những cái vừa loại ra khỏi tâm mà thôi. Đến đây thì chúng ta hiểu rõ thế nào là Không Tánh hay Tánh Không, hai chữ nói đảo qua đảo lại nhưng nghĩa vẫn như nhau. Tới đoạn chót của Kinh Tiểu Không, chúng tôi tóm gọn nhưng ý nghĩa không khác Phật nói như sau:

 

Này Ananda, phàm có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ, trong tương lai, trong hiện tại, sau khi chứng đạt, đã an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh (Sunnatam), tất cả các vị ấy sau khi chứng đạt đều chỉ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh này. Do vậy, này Ananda, sau khi chứng đạt Ta sẽ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh. Như vậy, này Ananda, các Ông cần phải học tập. (Nghĩa là các hành giả trong quá khứ, tương lai và hiện tại, sau khi chứng đạt được đến đâu thì an trú đến đó trong cứu cánh thanh tịnh Không Tánh, còn Phật đã đạt cứu cánh tuyệt đối rồi và Ngài luôn luôn an trú trong cứu cánh thanh tịnh vô thượng Không Tánh. Do đó Ngài bảo tất cả mọi người phải học và tu tập).

 

 Để kết luận, tâm chúng ta có muôn nghìn sai khác, như lá rừng, như chỉ rồi, nhặt bỏ lá này còn lá kia, gỡ được chỗ rối này còn chỗ rối khác, phải công phu không ngưng nghỉ lâu ngày mới mong giải quyết được, cho nên Kinh Tiểu Không, Đức Phật dạy từ dễ đến khó, từ nông đến sâu an trú Không Tánh từng phần một, loại bỏ trong tâm được đến đâu thì nên an trú đến đó, cho tới khi nào không còn gì ở trong tâm nữa, thì lúc đó tiến tới cái Không Tánh hoàn toàn như Phật vậy.

 

Bây giờ, chúng ta bước qua Bát Nhã Tâm Kinh, phân tích xem nó có khác hay nó giống với Kinh Tiểu Không của Nam truyền?

 

2). PHÂN TÍCH BÁT NHÃ BA LA MẬT TÂM KINH:

 

Chúng ta giải thích tóm tắt ý nghĩa Bát Nhã Tâm Kinh:

 

BÁT NHÃ: Là Trí huệ, nhưng Trí huệ nầy không phải như Trí huệ của thế gian; Trí huệ của thế gian cần phải qua sự tác ý mới dùng được, còn Bát Nhã của Tự tánh thì không cần sự tác ý.

BA LA MẬT: Nghĩa là bờ bên kia, nếu chúng ta phát huy được cái đại dụng của BÁT NHÃ thì được đạt đến bờ bên kia là chỗ tự do tự tại, không có khổ não. 

TÂM: Chữ TÂM biểu tượng cả chân tâm lẫn vọng tâm, cả chánh tâm lẫn tà tâm; còn Bản Tâm tức là Tự tánh, Tự tánh là KHÔNG HAI (BẤT NHỊ); TÂM cũng tức là hư không pháp giới. Nhưng tâm của chúng ta hiện nay có muôn ngàn sai biệt, mục đích của TÂM KINH này là muốn làm cho tất cả muôn ngàn cái tâm sai biệt đều đạt đến chỗ hoàn toàn không sai biệt, hồi phục lại cái BẤT NHỊ của Tự tánh, cho nên Kinh này chỉ rõ đường lối tu hành cho chúng ta, dạy chúng ta y theo đó mà thực hành để đạt đến chỗ BẤT NHẤT BẤT NHỊ.

 

 Chúng ta bắt đầu phân tích lời Kinh, chữ nghiêng đậm là lời Kinh, chữ đứng ngay là giải thích, chúng ta cùng theo dõi:

 

Quán Tự Tại Bồ Tát sau khi đi sâu vào trí huệ Bát Nhã, soi thấy Năm Uẩn đều không, liền qua tất cả khổ nạn;

Quán Tự Tại Bồ Tát là quán sát TỰ TÁNH Tự Tại của mình hay Quán Tự Tánh Quán Âm của mình; nói cho rõ là quán TỰ TÁNH PHẬT của mình. Chữ ĐI là thực hành, chữ SÂU (Thâm) này tức là siêu việt số lượng, không phải đối với Cạn mà nói Sâu, cũng như chữ ĐẠI của Kinh Đại Bát Nhã, không phải đối với Nhỏ mà nói Lớn, mà là siêu việt số lượng, nếu có số lượng thì không gọi được là Sâu, nếu có số lượng thì không phải là Bát Nhã; khi đã soi thấu thấy Năm Uẩn đều không liền thoát khỏi tất cả khổ nạn.

 Trước hết, để hiểu toàn bài Bát Nhã Tâm Kinh, chúng ta cần hiểu KHÔNG là gì, khi đã hiểu rõ chữ KHÔNG rồi thì sau đó phân tích sẽ hiểu dễ dàng hơn. Theo Hòa Thượng Thích Duy Lực giải thích chữ KHÔNG như sau: “Phật pháp nói chữ KHÔNG là để hiện ra cái Dụng tích cực của Tự Tánh, chứ không phải là cái rỗng không tiêu cực như người đời hay hiểu lầm, cũng không phải là cái không ngơ. Chữ KHÔNG nầy kỳ thực nói ra rất dễ hiểu, ví như một căn nhà, nếu không có cái KHÔNG (chổ trống) thì không ở được, một cái tủ không có cái KHÔNG thì chẳng thể để đồ được. Một cái tách nếu không có cái KHÔNG thì chẳng thể đựng nước trà được, nếu hai cái tách to bằng nhau, nhưng một cái mỏng sẽ có cái Không lớn hơn là cái tách dầy; cho nên có thể suy ra, bất cứ cái gì nếu không có cái Không thì chẳng thể dùng được.

 Muốn Dùng thì phải có cái KHÔNG, cái KHÔNG đến cùng tột thì cái Dụng cũng được đến cùng tột; cái Dụng của Tự Tánh cũng như vậy, hễ KHÔNG đến đâu thì Dụng đến đó, KHÔNG đến vô cực thì Dụng đến vô cực, mà Dụng đến vô cực tức là Phật, cũng là hoàn toàn phát huy được cái Dụng của Bát Nhã, đến lúc đó cái Đại Dụng, Toàn Dụng của BÁT NHÃ cùng khắp hư không pháp giới, ánh sáng ấy chiếu đến đâu thì tất cả tai nạn khổ sở đều bị tiêu tan sạch”, do đó mới nói “CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU”.

 Không này, kinh Lăng Nghiêm gọi là Không Như Lai Tạng, kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới Tánh, Pháp Thân; kinh Viên Giác gọi là Viên Giác, cái biết thường hằng viên mãn. Kinh Lăng Già gọi là Viên thành thật Trí hay Đại viên cảnh Trí. Thiền tông gọi là Tâm, Chân Tâm, Tự Tánh, Phật Tánh, Tâm Không, Tâm Ấn; Mật tông gọi là Kim Cương Giới, thế giới bản thể, tất cả đều biểu trưng cho chữ KHÔNG.

 

SẮC CHẲNG KHÁC KHÔNG, KHÔNG CHẲNG KHÁC SẮC:

 

SẮC là tất cả vật chất có hình có tướng, KHÔNG thì không phải là vật chất, hai cái khác nhau, nhưng ý của Kinh này thì nói SẮC, KHÔNG bất nhị, chẳng có khác biệt; như Kinh Hoa Nghiêm nói: "NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO", Sắc là do tâm tạo, KHÔNG cũng là do tâm tạo, hai cái đều không có Tự Tánh nên nếu không chấp cái SẮC là thật thì SẮC TỨC LÀ KHÔNG, không chấp cái KHÔNG là thật thì KHÔNG TỨC LÀ SẮC; cũng là cái nghĩa không hai (bất nhị) của Tự Tánh, hai cái vốn không khác biệt chỉ vì chúng sanh có bệnh chấp thật nên mới phân biệt có SẮC có KHÔNG.

 

SẮC uẩn trong Ngũ uẩn như vậy thì bốn uẩn kia: THỌ TƯỞNG HÀNH THỨC cũng như vậy, cho nên nói CŨNG LẠI NHƯ THẾ; không những thọ, tưởng, hành, thức như vậy, mà vũ trụ vạn vật tất cả đều phải như vậy. Thí dụ lấy ta mà nói thì "Ta chẳng khác không, không chẳng khác ta, ta tức là không, không tức là ta", Cái nghĩa trong Kinh này cũng như “Nghĩa Ba Câu” trong Kinh Kim-Cang và cái nghĩa "Lià Bốn Câu” (Ly Tứ Cú) như sau:

 Suốt phần Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi Phật của Kinh Kim Cang đều chẳng ngoài ý nghĩa ba câu như:

Hoặc: Bồ Tát có trang nghiêm cõi Phật, tức không phải là trang nghiêm; chỉ tạm gọi là trang nghiêm thôi.

Hoặc: Thân người to lớn như núi Tu Di thật là to lớn, nhưng không phải là thân to lớn, đó mới thực là thân to lớn.

Câu thứ nhất: Chấp thật

Câu thứ hai: Phủ định, phá, chống lại câu 1, lọt vào chấp không.

Câu thứ ba: Giả danh, tạm gọi thôi.

Câu thứ ba phá cả ba câu 1, 2, 3, vì cả ba đều là giả danh, nghĩa là bác bỏ chấp thật của câu 1, bác bỏ chấp không của câu 2, bác bỏ chấp điên đảo tưởng của câu 3,

 Còn áp dụng vào lià Tứ cú thì:

Hễ: “Khởi niệm” thì lọt vào cú thứ nhất, "Không khởi niệm" lọt vào cú thứ hai, "Chẳng khởi niệm chẳng không khởi niệm" lọt vào cú thứ ba, "Cũng khởi niệm cũng không khởi niệm" lọt vào cú thứ tư, nên phải lìa Tứ cú.

Này Xá Lợi Tử, tướng của tất cả các pháp, nó không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt; vì thế trong tướng không nó không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp; không có nhãn thức giới cho đến ý thức giới.

 Câu nầy dùng chữ KHÔNG để phá sạch Tri kiến chấp thật của mọi người Phàm phu, như ở trên đã nói "NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO", cũng gọi là KHÔNG TƯỚNG, cái KHÔNG TƯỚNG đó chẳng phải chỉ KHÔNG những cái có hình tướng, mà cũng KHÔNG những cái vô hình tướng. Như thấy có chẳng phải thật có, thấy chân chẳng phải thật chân là KHÔNG TƯỚNG, thấy không chẳng phải thật không, thấy giả chẳng phải thật giả, cũng là KHÔNG TƯỚNG. Nói tóm lại, không có một pháp nào chẳng phải là KHÔNG TƯỚNG, cái KHÔNG TƯỚNG nầy chẳng phải đối với có mà nói không, nó không có đối đãi, không lọt vào tứ cú; hai chữ KHÔNG TƯỚNG cũng là biệt danh của Tự Tánh.

 Mục đích là để phá ngũ uẩn, phá lục trần, phá lục thức, chữ KHÔNG này chẳng phải là cái vô của tuyệt diệt mà là cái Không của "không thật"; bởi vậy ở đây dùng chữ KHÔNG để phá sạch Tri kiến chấp thật của mọi người. 

 

Không có vô minh, cũng không có hết vô minh cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết.

 Câu này để phá 12 Nhân duyên, vì tất cả pháp đều là KHÔNG TƯỚNG, tức là chẳng phải thật, vô minh đã chẳng phải thật thì không có vô minh để Hết (Tận), già chết chẳng phải thật thì không có già chết để hết; nhưng trước mắt chúng ta thấy có già, có chết thì làm sao nói chẳng phải thật được? Hiện nay chúng ta thấy rõ ràng có sinh có tử, nhưng chẳng biết cái sanh tử đó là do cảm giác sai lầm của chúng ta sinh ra.

 Chứng minh: Trong Kinh Viên Giác Phật có nói: Do vọng tâm của chúng ta ngày đêm hoạt động không ngừng cho nên thấy có sanh tử luân hồi, cũng như thân mình xoay không ngừng thì thấy căn nhà xoay vậy. Căn nhà xoay dụ cho sinh tử luân hồi, căn nhà ngưng xoay dụ cho Niết Bàn. Cái xoay của căn nhà là do cái xoay của thân thể sinh ra cảm giác sai lầm như thế, căn nhà ngưng xoay dĩ nhiên cũng là do cảm giác sai lầm mà ra, bởi vì căn nhà có xoay hồi nào đâu mà nói căn nhà ngưng xoay? Do vọng tâm hoạt động thấy có sanh tử luân hồi và do vọng tâm ngưng hoạt động mà hiển hiện Niết Bàn (liễu thoát sinh tử) cũng là lý lẽ nầy vậy.

 Như thế chứng tỏ Thập nhị nhân duyên chẳng phải thật, mà hàng Duyên Giác chấp đó là thật, cho nên đoạn nầy dùng chữ KHÔNG để phá cái Tri kiến chấp thật của hàng Duyên Giác. 

Không có khổ, tập, diệt, đạo:

 Đoạn nầy là phá hàng Thanh Văn, hàng Thanh Văn gọi KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO là Tứ Thánh đế, chúng ta ở trong sanh tử chịu đủ thứ Khổ, là do cái tâm tạp nhiễm tích Tập, rồi tu hành đến khi cái khổ sinh tử được diệt, nên gọi là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Như đoạn trên đã nói: sinh tử là do cảm giác sai lầm của vọng tâm hoạt động mà sinh ra, thì Khổ, Tập, Diệt, Đạo này chẳng phải là thật, cho nên ở đây lấy chữ KHÔNG để phá cái Tri kiến chấp thật của hàng Thanh Văn. 

Không có trí tuệ, không có chứng đắc, cũng không có chỗ được; Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, có tâm không ngăn ngại; vì tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi.

 

 Câu này là phá hàng Bồ Tát tức là Đại Thừa, nếu người tu Đại Thừa chấp Trí tuệ là thật thì bệnh chấp thật vẫn còn, cho nên nói KHÔNG TRÍ TUỆ KHÔNG CHỨNG ĐẮC, ý là không có Trí huệ cho mình đắc được (VÔ SỞ ĐẮC), nếu tất cả đều Không Chứng Đắc thì tâm được không động, tâm không động là tâm thanh tịnh, tâm được thanh tịnh thì cái Dụng của Bát Nhã tự hiển lộ, Dụng của Bát Nhã hiện ra thì đạt đến bờ bên kia, cho nên Kinh nói Y THEO BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA, TÂM KHÔNG NGĂN NGẠI, muốn làm cho tâm không ngăn ngại thì phải KHÔNG TRÍ TUỆ KHÔNG CHỨNG ĐẮC, nếu chấp có trí tuệ, có sở đắc thì sẽ bị cái chứng đắc ấy ngăn ngại rồi. Đã được tâm không ngăn ngại tức là tự do tự tại, thì đương nhiên KHÔNG SỢ HÃI nữa; đoạn nầy là phá sạch cái Tri kiến chấp thật của Đại Thừa. 

 

Xa lià mộng tưởng điên đảo, đạt tới cứu cánh Niết Bàn.

 

 Hai chữ XA LÌA (VIỄN LY) cũng là để phá, mấy đoạn trước lấy chữ KHÔNG để phá, đoạn nầy muốn phá cái Tri kiến chấp Phật, nên dùng hai chữ Xa Lià để nhấn mạnh thêm; nếu chấp có cứu cánh Niết Bàn thật để chứng nhập thì cái Tri kiến chấp thật nầy tức là điên đảo mộng tưởng, cho nên đoạn nầy CỨU CÁNH NIẾT BÀN cũng phải phá luôn. 

 Trong kinh này, từ Phàm phu, Thanh Văn, Đại Thừa cho đến Phật Thừa, chia làm bốn đoạn để phá, phá tới sạch hết không còn gì để phá nữa rồi mới có tư cách thành Phật; như trong Kinh Kim Cang, phá tới phá lui nhiều lần: Phật hỏi Tôn giả Tu Bồ Đề:

- Này Tu-bồ-đề, ý ông nghĩ sao, Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng, Như Lai có nói pháp chăng?
Tu-bồ-đề thưa:

- Như con hiểu qua nghĩa Phật nói, không có pháp nhất định tên là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai có thể nói; vì cớ sao? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp; vì tất cả bậc Hiền Thánh đều do pháp vô vi mà có sai biệt.

 Nếu thấy pháp Như Lai được Vô Thượng Chính Đẳng là thật thì cũng còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả …; vì nói thành Phật thì ai thành Phật? Ta thành phải không? Thấy có pháp thành Phật thật thì phải có người thành Phật, đó là còn ngã, còn ngã thì còn nhân, còn chúng sanh, thọ giả; nếu thế Phật là phàm phu mất rồi! Nếu cho rằng “Phật có nói pháp thật” cũng không được, phàm những gì nói ra đều là tướng hư giả; ở đây chúng ta thấy nếu phá những cấp dưới thấp thì mọi người dễ chấp nhận, còn phá luôn cả Phật thì mọi người cảm thấy rất khó chấp nhận, nên mới phải phá tới nhiều lần là vậy. 

Ba đời Chư Phật y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, được đạo qủa Bồ Đề.

 Câu nầy mới chính thức thành PHẬT, cứu cánh Niết Bàn của đoạn trên chưa phải thành PHẬT, phải phá luôn cứu cánh Niết Bàn, sau khi phá sạch chấp thật Tri kiến Phật rồi mới đủ tư cách thành PHẬT. Ba đời Chư Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai đều phải y theo BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA mà thực hành; phá sạch tất cả Tri kiến, không còn một pháp nào để chấp thật mới có thể đạt đến giác ngộ tối cao Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. 

 Nếu cứu cánh Niết Bàn ở đoạn trên đã chứng nhập rồi, ở đây còn chứng nhập thêm nữa là không đúng, cho nên cứu cánh Niết Bàn ở trên cần phải phá; đoạn sau tả cái sức Dụng do sự phá của KHÔNG mà hiển lộ ra, như thế mới được phù hợp.

Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú, là Vô Thượng Chú, là Vô Đẳng Đẳng Chú, trừ hết thảy khổ nạn không hư dối.

 

 Câu này diễn tả cái Dụng của Bát Nhã, ở đây Thần chú chia làm bốn cấp, tùy theo sự phá KHÔNG của từng trình độ cao thấp mà hiện ra cái Dụng lớn nhỏ, phá trống được bao nhiêu thì cái Dụng hiện ra được bấy nhiêu. Bốn cấp Thần chú là đại diện cho sức Dụng bằng ĐẠI THẦN CHÚ, phá được Tri kiến hàng Thanh Văn rồi thì hiện ra cái sức Dụng bằng ĐẠI MINH CHÚ, phá được Tri kiến của Bồ Tát rồi thì hiện ra cái sức Dụng bằng VÔ THƯỢNG CHÚ, phá sạch được Tri kiến Phật rồi thì hiện ra cái sức Dụng bằng VÔ ĐẲNG ĐẲNG CHÚ. Đến đây đã phá tới chỗ không còn gì để phá nữa, sức Dụng của Bát Nhã đã đạt được đến Cứu cánh, không có gì có thể bằng được, nên gọi là không còn bậc nào cao hơn nữa (VÔ ĐẲNG ĐẲNG); cuối cùng trừ hết thảy khổ nạn không hư dối, đến đây là đạt được đến chỗ tự do tự tại rồi. 

 

Cho nên nói ra lời Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa, Chú ấy rằng: “Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề tát Bà ha; Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa

 Sau chót nói đến chú Bát nhã Ba La Mật Đa, Thần chú là đại diện mệnh lệnh hoặc sức Dụng tự động của Tự Tánh, cho nên không cần giải nghĩa.

Tóm lại Bát-nhã Tâm Kinh nói: "Y theo Bát-nhã này, người nào muốn thành Tu Đà Hoàn phải phá hết chấp thật của sắc và không, Cách tu là: Phá hết sạch chấp thật của Sáu Căn: Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân ý, Sáu Trần: Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp, và Sáu Thức: Nhãn Nhĩ Tỵ Thiệt Thân Ý Thức. Như Mắt-Sắc-Nhãn Thức chẳng khác Không, Mắt-Sắc-Nhãn Thức là Không, Tai-Thanh-Nhĩ Thức chẳng khác Không, Tai-Thanh-Nhĩ Thức là Không v.v…, cho đến Ý-Pháp-Ý Thức chẳng khác Không, Ý-Pháp-Ý Thức là Không. Tất cả đều chẳng khác Không, đều là Không rồi thì tâm được không động, tâm không động là tâm thanh tịnh, tâm được thanh tịnh thì cái Dụng của Bát Nhã tự hiển lộ theo kết qủa tu hành của mình mà sẽ đắc quả Tu Đà Hoàn.

 

 Muốn thành A-la-hán phải phá chấp thật hết sạch Ngũ Uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; phải phá chấp thật khổ, tập, diệt, đạo. Nghĩa là hành giả tu quán thấy sắc dù đẹp dù xấu, dù to dù nhỏ, dù cứng dù mềm v.v… đều chẳng khác không, đều là không; thấy thọ vui buồn, thọ khổ sướng đều chẳng khác không, đều là không; thấy tưởng nhớ hình nọ ảnh kia, nhớ tới danh nọ địa vị kia đều chẳng khác không, đều là không; thấy hành suy nghĩ khởi làm cái này, tính toán làm cái kia đều chẳng khác không, đều là không; thấy thức phân biệt so sánh đủ thứ điên đảo chẳng khác không, đều là không.

 Hành giả còn phải tu quán thấy Khổ chẳng khác không, Khổ là không; quán thấy Tập sinh ra Khổ chẳng khác không, Tập sinh ra Khổ là không; quán thấy Diệt Khổ chẳng khác không, Diệt Khổ là không; quán thấy Đạo qủa của Khổ chẳng khác không, Đạo qủa của Khổ là không. Khi đã phá sạch hết chấp thật của Năm Uẩn và khi quán thấy hết sạch tất cả chấp thật Khổ Tập Diệt Đạo thì tâm được không động, tâm không động là tâm thanh tịnh, tâm được thanh tịnh thì cái Dụng của Bát Nhã tự hiển lộ theo kết qủa tu hành của mình mà đắc quả A-la-hán.

 

 Muốn thành Bích Chi Phật phải phá chấp thật 12 Nhân duyên, nghĩa là tu quán thấy Vô minh ngu si chẳng khác không, Vô minh si mê là không; quán Hành từ suy nghĩ nói năng hành động chẳng khác không, Hành động tạo tác là không; tu quán Thức từ Nhãn thức, Nhĩ Thức, Tỵ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt Na thức và A Lại Đa thức chẳng khác không, là không, tu quán cho đến Danh Sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Già chết đều chẳng khác không, đều là không. Khi quán thấy hết sạch tất cả chấp thật về 12 Nhân Duyên như thế rồi thì tâm được không động, tâm không động là tâm thanh tịnh, tâm được thanh tịnh thì cái Dụng của Bát Nhã tự hiển lộ theo kết qủa tu hành của mình mà thành Bích Chi Phật.

 

 Muốn thành Bồ-tát phải phá chấp thật Trí tuệ, phá chấp thật có Chứng đắc; nghĩa là tu quán thấy Trí tuệ chẳng khác không, Trí tuệ là không; quán thấy Chứng đắc chẳng khác không, Chứng đắc là không. Khi quán thấy phá hết sạch chấp thật Trí tuệ và tất cả đều không sở đắc thì tâm được không động, tâm không động là tâm thanh tịnh, tâm được thanh tịnh thì cái Dụng của Bát Nhã tự hiển lộ theo kết qủa tu hành của mình mà thành Bồ-tát.

 

 Muốn thành Phật phải y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, nếu phá chấp thật luôn Cứu cánh Niết Bàn tức là phá chấp Tri Kiến Phật là thật; nghĩa là tu quán thấy Niết Bàn chẳng khác không, Niết Bàn là không thì tâm được không động, tâm không động là tâm thanh tịnh, tâm được thanh tịnh thì cái Dụng của Bát Nhã tự hiển lộ cùng khắp, Dụng của Bát Nhã hiện ra thì đạt đến bờ bên kia, được đạo qủa Bồ Đề thành Phật".

 Tất cả đều nhờ Bát-nhã, như thế Bát-nhã Tâm Kinh bao gồm hết thảy Phật Pháp, tùy theo người sử dụng mà được đạo qủa tương ưng.

 

3). PHẢN BIỆN PHẦN CHỈ TRÍCH:

 Bây giờ là bắt đầu phần phản biện.

 

Tác giả Thông Lạc viết:

Tâm không phóng dật tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm không động hay gọi “không tánh”. Không tánh tức là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải không tánh là “Tánh không”. Các bạn đừng hiểu lầm như các Tổ. Ở đây Phật không nói Tánh không như trong kinh Đại Bát Nhã của Đại Thừa”.

 

1. Tác giả Thông Lạc viết về:Tâm không phóng dật tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự”. Theo chỗ hiểu thông thường thì tâm không phóng dật không phải là tâm thanh thản an lạc và vô sự, mà tâm không phóng dật là phải để ý xem tâm mình thấy những gì không còn dính mắc, có những gì dính mắc, đúng như ý Phật dạy, ví như: “không tác ý nhân tưởng, không tác ý thôn tưởng, chỉ tác ý lâm tưởng”, nghĩa là không còn nghĩ tới người và thôn xóm, chỉ còn nghĩ tới rừng thôi. Không phóng dật như vậy là phải để ý quán sát những gì xảy ra trong tâm chứ không phải ngồi đấy mà thanh thản, an lạc và vô sự, chẳng cần biết đến những gì xảy ra trong tâm là sai ý Phật.

 

2. Tác giả Thông Lạc viết về:Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm không động hay gọi “không tánh”.” Đây là tâm gỗ đá dích thực, vì không để ý gì cả, chỉ thanh thản, an lạc, và vô sự thì có khác gì gỗ đá; cái tâm không động này giống như người chết không động, đây là không ngơ chứ chẳng phải Không Tánh Phật chỉ, cái Không Tánh Phật chỉ là cái biết rõ không còn có cái nọ cái kia, biết rõ còn có cái này cái khác, sự thật hiện hoàn toàn thanh tịnh, Không Tánh. Khi đã biết rõ như vậy rồi, hành giả nhớ nghĩ mãi (niệm) như thế, dần dần đi vào định tức là không động, ở trong cái không động này tức là an trú trong Không Tánh.

 

3. Tác giả Thông Lạc viết về: “Không tánh tức là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải không tánh là “Tánh không”.” Ý Phật là: Cái gì tâm đã loại bỏ được rồi thì đó là Không Tánh, chứ Phật không nói là ác pháp hay cảm thọ, bất cứ cái gì mà tâm đã loại bỏ được không còn ghi nhớ trong tâm nữa thì đó là Không Tánh. Thí dụ loại bỏ được Sắc, Thọ, Hành rồi thì được Không Tánh về những thứ ấy, Tưởng và Thức còn có trong tâm thì nhận biết có trong tâm, loại bỏ được ít thì Không Tánh nhỏ, loại bỏ được nhiều thứ thì Không Tánh lớn hơn, loại bỏ không còn gì loại bỏ được nữa thì Không Tánh đồng với Phật.

4. Tác giả Thông Lạc viết:

An trú “KHÔNG” của Phật giáo không có nghĩa là Tánh không, Chân không, Trí Tuệ Bát Nhã Ba La Mật. Chữ KHÔNG có nghĩa không chướng ngại pháp, tức là không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Dó đó, chữ KHÔNG TÁNH phải hiểu nghĩa đúng đắn theo Tứ Diệu Đế, chứ không thể hiểu nghĩa theo kiểu Đại Thừa và Thiền Tông cho Không tánh là Tánh không, là Phật tánh là sai”.

 Nếu hiểu rõ lời giải thích về cái Không của Bát Nhã Tâm Kinh ở trên thì thấy cái Không của Nam truyền và Bắc truyền hoàn toàn giống nhau, chữ KHÔNG là để hiện ra cái Dụng tích cực của Tự Tánh, chứ không phải là cái rỗng không tiêu cực như người đời hay hiểu lầm, vì nếu phá được một phần thì cái Dụng có một phần, nghĩa là phá được chướng ngại pháp một phần thì cái Dụng có một phần, cái Dụng có một phần thì cái Không có một phần. Khi đã phá được một phần chướng ngại rồi thì cái phần ấy không còn dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu nữa, như thế đâu có khác gì hiểu theo nghĩa Tứ Diệu Đế? Đây là hiểu lầm mà cho rằng nghĩa chữ Không của Bát Nhã Tâm Kinh sai với Kinh Tiểu Không, sự thật thì không hề khác nhau.

5. Tác giả Thông Lạc viết:

Như vậy không tánh không có nghĩa là không có, mà cũng không có nghĩa là chân không, tánh không, v.v... như nghĩa của các nhà Đại Thừa.

Không tánh có nghĩa là không có dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, chứ không phải tánh không của trí tuệ Bát Nhã.

Ở đây, nếu các bạn không hiểu rõ mục đích của đạo Phật là chỗ bất động tâm trước ác ác pháp và các cảm thọ, nếu các bạn hiểu khác nghĩa bất động này, là các bạn đã hiểu sai lệch bài kinh trên đây”.

 Tác giả Thông Lạc đã hiểu lầm chữ Chân Không, Tánh Không của Bát Nhã Tâm Kinh là cái rỗng không tiêu cực như người đời hay hiểu lầm; thực ra chữ KHÔNG hay Chân Không hay Tánh Không v.v… là do cái Dụng tích cực của Tự Tánh như đã giải thích ở trên. Khi phá được bao nhiêu tâm dính mắc (như phá được Sắc rồi) là Tánh Không hiện ra bấy nhiêu và khi phá được bao nhiêu thì những dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu của những cái ấy đều vắng bóng không còn. Như thế thì chẳng khác gì cái Không Tánh mà Đức Phật nói trong Kinh Tiểu Không mà chính tác giả Thông Lạc đã viết:

Đến đây các bạn đã hiểu không tánh rồi chứ. Không tánh chỉ là tâm bất động, nhưng bất động đối với thôn tưởng và nhân tưởng chứ không phải bất động hết các pháp, vì thế chỉ còn có một ưu phiền này tức là sự nhất trí do duyên lâm tưởng”.

 Cái Tánh Không này là biểu hiện cái DỤNG của TỰ TÁNH, phá được một phần thì có một phần Tánh Không, phá hết thảy thì Tánh Không ngang với Phật. Chỉ có điều là Kinh Tiểu Không Đức Phật chỉ giảng phần căn bản đầu, còn Bát Nhã Tâm Kinh thì dạy chúng ta từ đầu cho tới khi thành Phật, nên tuy Kinh chỉ có 262 chữ Hán Việt mà đầy đủ tất cả, như vậy thì sự đánh giá Kinh này là “Mẹ Ba Đời Chư Phật” không phải là qúa đáng vậy.

 

6. Tác giả Thông Lạc viết:Đức Phật nói:

{{“Sanh đã tận Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn phải trở lại trạng thái này nữa”. Vô tướng tâm định này thật hữu vi, do tâm tư tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi do tâm tư tạo cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”.

Đọc đến đoạn kinh này các bạn thấy đức Phật đã xác định rất rõ vô tướng tâm định vẫn là pháp hữu vi do tâm tư (ý thức) tạo nên cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt. Như vậy làm sao các bạn hiểu nó là Chân Không diệu hữu, Trí Tuệ Bát Nhã, Tánh Không. Những từ này trong kinh sách Đại Thừa chỉ cho Phật tánh là một pháp vô vi thường hằng bất biến. Nhưng ở kinh Tiểu Không này dạy không tánh là pháp hữu vi vô thường chịu sự đoạn diệt. Cho nên, kinh sách các bạn phải hiểu đúng nghĩa, đừng hiểu sai, vì chính hiểu sai mà các Tổ mới kiến giải, tưởng giải sinh ra kinh Đại Bát Nhã, mới có Chân Không Diệu Hữu, Bát Nhã Tâm Kinh.

Tất cả những điều này chỉ là một ảo tưởng của kinh sách Đại Thừa, còn kinh Tiểu Không thì không có nghĩa đó. Không có nghĩa đó rất rõ ràng vì vô tướng tâm định, không tánh là một pháp hữu vi vô thường, chịu sự đoạn diệt.}}

 Đoạn Kinh trên vẫn phù hợp đối với Bát Nhã Tâm Kinh, khi hành giả chỉ mới phá được chút ít, ví dụ như hành giả chỉ phá được Sắc, còn Thọ, Tưởng Hành Thức vẫn còn dính mắc thì cái Dụng cũng chỉ biểu hiện được Tánh Không ở phần vắng mặt Sắc thôi; cho nên vẫn còn hữu vi vô thường chịu sự đoạn diệt và hành giả vẫn còn trong vòng luân hồi sinh tử, bởi vậy phải phá cho hết chấp ngã mới ra khỏi luân hồi sinh tử.

 Chữ “Chân Không Diệu Hữu” tức là Dụng để chỉ khi đã phá được một phần thì cái Dụng của Tự Tánh hiển lộ được một phần tương ưng với những gì đã phá, nó cũng tương tự như Không Tánh mà Kinh Tiểu Không nói đó. Chẳng có gì là thần bí mà nhiều người lầm tưởng, nhưng cái tổng thể của Tự Tánh cũng gọi là Phật Tánh thì nó thường hằng bất biến không thể nghĩ bàn được; thử hỏi khi đã loại bỏ hết sạch trơn mọi dính mắc rồi thì có đạt A La Hán không? Chắc chắn là đạt A La Hán và cao hơn nữa là thành Phật, thì có còn hữu vi không, có còn luân hồi không? Chắc chắn là không còn hữu vi, không còn hữu vi thì hết sinh tử, không còn sinh tử thì chấm dứt luân hồi, phải không? 

 

7. Tác giả Thông Lạc viết:Cho nên, kinh sách các bạn phải hiểu đúng nghĩa, đừng hiểu sai, vì chính hiểu sai mà các Tổ mới kiến giải, tưởng giải sinh ra kinh Đại Bát Nhã, mới có Chân Không Diệu Hữu, Bát Nhã Tâm Kinh”.

 Như đã chứng minh toàn bài Bát Nhã Tâm Kinh cho tới đây chứng tỏ chính Tác giả Thông Lạc là người hiểu sai; thế mà lại khuyên người khác đừng hiểu sai thì cũng lạ, chỉ thấy lỗi người khác mà chẳng chịu thấy lỗi của mình! Tác giả Thông Lạc đã hiểu sai, nên nghĩ không đúng, sinh ra giải thích theo kiến giải của mình về Bát Nhã Tâm Kinh và nhiều Kinh khác; do đó đã viết ra biết bao nhiêu chê bai chỉ tích sai lầm làm hoang mang biết bao nhiêu người đang tu theo Phật Giáo Bắc truyền, làm họ không biết đâu là thật đâu là giả thực sự. Từ sự hoang mang làm họ nản chí, từ sự nản chí họ xuống tinh thần, tư sự xuống tinh thần họ đâm ra buồn rầu phiền muộn! Thật là khổ thay cho những việc làm tưởng là giúp người, chấn chỉnh dẹp bỏ Phật pháp Bắc truyền, ai ngờ lại là chỉ trích hầu hết sai lầm đưa đến tai hại không lường được!

 Chỉ có chúng ta không hiểu Kinh nên hành sai, đây là điều vô cùng tai hại; chỉ có chúng ta hiểu sai ý Kinh nên có kiến giải sai lầm, giải thích sai lầm, cho là thế này hay thế kia theo sự giải thích nông cạn của chúng ta, chứ Chư Tổ Sư là những người đã tu hành đạt tới một mức cao rồi thì làm sao lầm lẫn được. Vì vậy sự phê phán của Tác giả Thông Lạc không có cơ sở để bài bác Bát Nhã Tâm Kinh; đã không có chỗ chỉ trích được thì không nên viết các Kinh Phật giáo Bắc truyền “chỉ là một ảo tưởng của kinh sách Đại Thừa”; bởi đây chỉ là viết sai sự thật mà thôi.

 (Còn tiếp)

Toàn Không

 

TRÍCH DẪN THAM KHẢO

- Không Tánh của Trưởng Lão Thích Thông Lạc, Trích trong NL GPD4.

- Kinh Tiểu Không (Cùlasunnata Sutta) trong Kinh Trung Bộ, Nguyên Thỉ.

- Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải của HT Thích Thanh Từ

- Bát Nhã Tâm Kinh Lược Giải của HT Thích Duy Lực

- Bát Nhã Tâm Kinh Thiền Giải của Đương Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6458)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.