Bài 07

28 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 4678)

PHẢN BIỆN 
HIỆN TƯỢNG THÍCH THÔNG LẠC
Toàn Không

07

XVI). HT TTL: Trên đường hoằng hóa độ sanh, Thượng Tọa bộ tuy cố giữ gốc Nguyên Thủy, nhưng vì các vị tu hành chưa chứng đắc nên có sự kiến giải trong giáo lý ấy bằng trí tuệ học giả hoặc bằng những kinh nghiệm chưa đến nơi đến chốn như: Thiền sư Mahàsi, Thiền sư A-Chaan-chah. Hai Ngài có những bài kinh soạn theo kiến giải kinh nghiệm tu hành của mình như: Mặt Hồ Tĩnh Lặng, Thiền Minh Sát Tuệ, v.v... làm sai ý nghĩa và giáo pháp của Đức Phật rất lớn. Vì tu hành chưa tới nơi tới chốn, nên các Ngài biên soạn những loại kinh sách này vô tình đã để lại cho loài người trong hiện tại và mai sau những tai hại rất lớn, làm hao tài tốn của và phí cả cuộc đời của hậu học chẳng ích lợi gì, khi họ theo tu những pháp môn này. Trong thế kỷ này, tín đồ Phật Giáo khắp năm châu bốn biển đua nhau tu tập thiền Minh Sát Tuệ; tu tập thiền này phải tập trung theo cơ bụng (Phồng, xẹp) nhằm diệt vọng tưởng. Loại thiền ấy thuộc về thiền ức chế tâm nó không phải là thiền của Đạo Phật.....(ĐVXP-Tập 8)

XVI). Phản Biện: Tác giả Thông Lạc cho rằng các vị Thiền sư Mahàsi, Thiền sư Ajahn-chah tu theo Nguyên Thủy Nam truyền chưa tới nơi tới chốn, nên đã viết theo kiến giải kinh nghiệm của mình như quyển “Mặt Hồ Tĩnh Lặng của Thiền Sư Ajahn Chah và quyển “Thiền Minh Sát Tuệ” của Thiền sư Mahàsi làm sai ý nghĩa và giáo pháp của Phật…. Để tiện việc nhận xét, chúng ta thử tìm hiểu hai tác giả và lược qua hai tác phẩm của hai vị Thiền Sư nổi tiếng Nam truyền như dưới đây:

1). Thiền sư Ajahn Chah của Thái Lan đã từng đến giảng dạy Phật pháp tại Anh Quốc, Mỹ Quốc và Gia Nã Đại, Ngài viết cuốn Mặt Hồ Tĩnh Lặng do Tỳ Kheo Khánh Hỉ dịch. Trong cuốn sách này đề cập tới những vấn đề:

1. Đạo giản dị về Chân Tám Thánh Đạo ở trong chúng ta là: Hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, một lưỡi và một thân; tám cửa này là toàn thể Đạo (Con Đường); tâm con người đi trên con đường ấy. Biết những cửa này và quan sát chúng thì tất cả giáo pháp sẽ hiện khởi. Sách nói đến Trung Đạo: không nghiêng về lạc thú hay đau khổ mà chỉ đặt chúng xuống (buông bỏ).

 

2. Sách cũng nói đến việc quan sát hoạt động của tâm, theo dõi tâm di chuyển, chúng ta có thể thấy được những đặc tính căn bản của nó; đó là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Đối với năm uẩn (sắc thọ tưởng hành thức) phải buông bỏ chúng, không dính mắc vào chúng, không xem chúng là ta hay của ta.

 

3. Sách còn nói về Chánh kiến, người phát triển chánh kiến bằng cách nhìn mọi vật dưới ánh sáng vô thường, khổ và vô ngã, sẽ chấm dứt được luyến ái và mê lầm, không luyến ái không có nghĩa là ghét bỏ, nhưng đi tìm sự bình an là thoát khỏi khổ đau.

 

4. Nói về Giới hạnh, có hai trình độ thực hành giáo pháp: Gìn giữ giới luật là phần căn bản đầu tiên, giới luật đem lại hạnh phúc, thoải mái và hòa hợp; thứ đến -- tích cực hơn, không liên quan đến sự thoải mái -- đó là thực hành giáo pháp; muốn thực hành đúng đắn giáo pháp của Đức Phật, phải hiểu rõ giới luật và pháp hành. Đức Phật dạy: "Làm điều lành, lánh xa điều ác, giữ tâm trong sạch." Việc hành thiền của chúng ta cũng vậy: "Lánh xa điều xấu và giữ gìn điều tốt", cuối cùng chúng ta phải bước qua cái tốt lẫn cái xấu; Giải thoát bao gồm tất cả không dính mắc gì cả, từ sự không dính mắc này tình thương và trí tuệ lưu chuyển một cách tự nhiên.


5. Những tên trộm trong tâm: Mục đích của thiền là nắm sự vật lên và đưa vào phòng thử nghiệm để rõ thực chất của chúng. Chẳng hạn, khi nhìn hình dáng của một vật, ta thấy nó xinh đẹp, trong khi đó Đức Phật dạy chúng ta: nó là bất tịnh, vô thường, và chất chứa đau khổ; vậy quan niệm nào đúng chân lý? Những tên trộm chính tông không ở ngoài chúng ta là nhóm đạo chích của tham ái, Ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức đã luôn luôn trộm cắp, đánh đập ta, hành hạ ta đủ điều; tất cả những tên trộm ấy -- sự hiểu biết sai lầm -- đưa ta đến hành động sai lầm.


6. Hạnh phúc và Đau khổ: Một thanh niên Tây phương vừa mới đến tu viện trong rừng của Ngài Ajahn Chah xin ở lại để học thiền và sống trong yên tĩnh. Câu nói đầu tiên của lối dạy của Ajahn Chah thường thẳng thắn và trực tiếp vì Ngài nói:
-- Tôi hy vọng anh không sợ đau khổ.
Ajahn Chah giải thích rằng:
-- Có hai loại đau khổ: đau khổ dẫn đến đau khổ hơn, và đau khổ dẫn đến chấm dứt đau khổ; nếu anh không muốn gặp loại đau khổ thứ hai thì anh chắc chắn sẽ gặp loại đau khổ đầu tiên.


7. Tâm phân biệt: Nghĩa rốt ráo của Chánh Kiến là không phân biệt. Thấy mọi người như nhau, không tốt cũng không xấu, không thông minh cũng không ngu dốt. Tâm phân biệt phát xuất từ tham muốn và si mê, nó nhuộm màu mọi vật bằng lối này; đó là thế giới do chính chúng ta tạo ra, chỉ vì chúng ta so sánh nên mới nhận lấy đau khổ.


8. Theo thầy: Có nhiều hiểu biết sai lầm về sự tập trung tâm ý, nhiều hiện tượng bất thường sẽ xẩy ra trong lúc bạn hành thiền; lúc chúng xẩy ra, vị thầy sẽ kịp thời hướng dẫn và đặc biệt điều chỉnh những sai lầm của bạn. Vị chân sư thường chỉ dạy những cách hành thiền khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực của bạn để loại bỏ tự ngã; dầu có gì xẩy ra cũng đừng bỏ thầy, hãy để thầy hướng dẫn vì bạn rất dễ quên thực hành.


9. Cái gì còn mới thì đều tốt đẹp: Ngài Ajahn Chah đến thăm một trung tâm thiền ở Hoa kỳ. Được thưởng thức những câu chuyện ý nhị, được nghe giáo pháp qua lối diễn đạt mới mẻ nên các thiền sinh rất thích thú yêu cầu Ngài hãy ở lại thêm một thời gian, nhưng Ngài cười nói: -- Cái gì mới thì đều tốt đẹp, nhưng nếu tôi ở lại dạy các bạn và bắt các bạn thực hành, các bạn sẽ mệt mỏi và chán tôi.

 

10. Hãy để cho cây mọc tự nhiên: Khi trồng cây bạn không thể thúc ép cây mọc nhanh hơn, cây có bước tiến của nó. Nhiệm vụ của bạn là đào lỗ, trồng cây, tưới nước, bón phân, trừ sâu, v. v…, nhưng cây mọc thế nào là chuyện của cây; việc hành thiền của bạn cũng vậy, bạn hãy vững tin là mọi chuyện sẽ tốt đẹp

 

11. Hãy để cho cây mọc tự nhiên: Nhóm người hành hương này là những vị đại diện cho một tổ chức tôn giáo Âu Châu đã đến gặp nhiều thiền sư ở Á Châu để hỏi:

1. Tại sao Ngài hành thiền?
2. Ngài hành thiền như thế nào?
3. Kết quả việc hành thiền của Ngài ra sao?

Ngài Ajahn Chah bằng cách hỏi lại ba câu hỏi khác:
1. Tại sao quí vị ăn?
2. Quí vị ăn như thế nào?
3. Sau khi ăn xong quí vị cảm thấy ra sao?
Nói xong Ngài cười, về sau Ngài giải thích rằng: Những lời dạy của Đức Phật nhằm mục đích hướng dẫn mọi người hãy trở về với Trí Tuệ nội tại của mình, trở về với Giáo Pháp tự nhiên của mình. Bởi thế nên Ngài muốn nhắc nhở không cần phải đi khắp Á Châu tìm kiếm lời giải đáp mà hãy trở về tìm hiểu phần bên trong của mình bằng Thiền trong mọi tác động, cố gắng ý thức và tỉnh thức trong mọi lúc, chế ngự sự lười biếng và phiền não, thực hiện trong tỉnh thức mọi tác động hàng ngày của chúng ta.


12. Giữ rắn trong tay: Khi tâm nắm giữ sự đau khổ thì chẳng khác nào bị rắn cắn, nếu thích thú nắm giữ cái gì với tâm tham ái chẳng khác nào nắm lấy đuôi rắn, vì sau đó không lâu, rắn sẽ quay đầu lại cắn ta. Hãy lấy chánh niệm và không luyến ái làm người canh giữ tâm mình vì khi giác quan tiếp xúc với sự vật thì yêu và ghét phát sinh, và si mê đi liền theo đó; nếu với chánh niệm thì cũng sự tiếp xúc đó, nhưng trí tuệ phát sinh.


13. Giới, Định, và Tuệ: Đức Phật chỉ dạy con đường thoát khổ, nguyên nhân khổ đau và con đường thực hành. Trong việc thực hành có con đường đơn giản này thôi. Con đường thoát khổ, tốt đẹp ở giai đoạn đầu: Giới; tốt đẹp ở giai đoạn giữa: Định; và tốt đẹp ở giai đoạn cuối: Tuệ. Nếu xem xét một cách kỹ càng, chúng ta sẽ thấy cả ba nhập một, Giới, Định, Tuệ phải được phát triển để hỗ trợ lẫn nhau; bất kỳ đối tượng gì hiện ra ở sáu căn đều kiểm soát được, nếu mạnh thì có thể tiêu diệt được phiền não Tham, Sân, Si. Giới, Định, Tuệ tạo nên Đạo, nhưng Đạo không phải là Chân Pháp, không phải là mục tiêu mà là con đường dẫn đến chân lý; khi bạn phát triển ba yếu tố này, kết quả sẽ là sự bình an kỳ diệu nhất.


14. Thế nào là tự nhiên: Nếu để tâm con người tự do tiến đến cái gọi là tự nhiên theo cảm tính, không cần rèn luyện -- cảm xúc thế nào thì làm theo thế ấy, thì tâm sẽ dẫy đầy tham lam, sân hận, si mê; và đau khổ cũng phát sinh từ đấy.


15.
Điều hòa: Ba điểm căn bản thực hành là Thu Thúc Lục Căn (nghĩa là không chìm đắm và dính mắc trong dục lạc ngũ trần), Ăn Uống Tiết Độ và Tỉnh Thức. Muốn có chánh niệm thì phải có nỗ lực liên tục, chứ không phải chỉ siêng năng một lúc rồi thôi. Dầu bạn hành thiền suốt đêm, nhưng những lúc khác bạn để cho lười biếng ngự trị thì cũng không phải là hành thiền đúng mà phải luôn luôn quan sát, theo dõi tâm


16. Hãy nương tựa vào mình: Không có chút khác biệt nào giữa những lời tán dương và câu chỉ trích; dầu người ta nói thế nào cũng không quấy rầy được bạn, một người không tự tin sẽ cảm thấy mình xấu khi bị kẻ khác chê xấu. Hãy tự xét: Nếu họ nói sai, hãy quên đi; nếu họ nói đúng, hãy học theo họ; bất kỳ trường hợp nào xẩy ra cũng chẳng có gì, chúng ta tất cả đều phải nương tựa nơi chính mình là vậy.


17. Để mặc người ta: Đừng tìm lỗi người, nếu cách cư xử của họ sai lầm, bạn cũng chẳng cần làm khổ mình mà chi. Nếu khi bạn chỉ cho họ thấy sai lầm của họ mà họ vẫn không sửa đổi, hãy để yên như thế.

 

18. Tình yêu thật sự: Tình yêu thật sự là trí tuệ, còn tình yêu như phần lớn mọi người nghĩ chỉ là một cảm giác tạm bao gồm tham ái và luôn luôn dính liền với đau khổ. Chúng ta không nên dính mắc hay đồng hóa với chúng mà chỉ cần biết chúng là gì, Khi chúng ta thể nhập chân lý, không còn cần hay muốn thứ tình yêu ấy nữa, vì lúc đó trí tuệ và tình yêu thật sự sẽ lấn át tham ái và tràn ngập thế gian.


19. Đương đầu với tâm mình: Nếu chịu khó rèn luyện, trước tiên bạn sẽ nhận thấy rằng thân ẩn cư là điều quan trọng. Khi sống ẩn cư bạn có thể nghĩ đến lời khuyên của Ngài Sariputta về ba loại ẩn cư: thân ẩn cư, tâm ẩn cư, xa lánh phiền não cám dỗ ẩn cư. Ngài nói rằng: "Thân ẩn cư là nguyên nhân tạo nên tâm ẩn cư, và tâm ẩn cư là nguyên nhân phát sinh phiền não ẩn cư." khi tâm bạn yên tĩnh, bạn có thể sống bất kỳ nơi nào.


20. Bỏ hết ngôn từ sách vở, và tự mình nhận thức: Lấy những lời dạy của Đức Phật làm căn bản và bắt đầu nghiên cứu tâm mình, khi thực hành bạn dẹp bỏ tất cả ngôn từ, biểu tượng, dự định, kế hoạch, v.v…, và ngưng học hỏi vì sự học hỏi này biến thành chướng ngại nhiều hơn là hỗ trợ; thực ra nếu nhìn vào bên trong chính mình, khi thực hành một thời gian sau sẽ thấy rõ chân lý,.

21. Bỏ đói phiền não: Nơi nào bất hòa và khó khăn, nơi đó là chỗ để hành thiền, chúng ta phải biết mối nguy hiểm phải đương đầu khi hành thiền là phiền não. Phiền não chẳng khác nào rắn độc, phiền não chẳng khác nào một con mèo, nếu cho nó ăn, nó sẽ quanh quẩn bên ta; đừng cho nó ăn, nó sẽ không quấy rầy nữa. Muốn đề kháng lại phiền não thì bạn đừng cho chúng ăn ngủ theo ý muốn của chúng. Nhiều người cho làm như thế là tự hành hạ mình thái quá, nhưng đó là điều cần thiết để có sức mạnh bên trong; chúng ta phải huấn luyện tâm như huấn luyện một con trâu. Trâu là tư tưởng của chúng ta, và người chăn trâu là thiền sinh, nuôi trâu và huấn luyện trâu là hành thiền, với một con trâu được huấn luyện thuần thục, chúng ta có thể thấy chân lý.

 

 Xét sơ lược về nội dung của tập “Mặt Hồ Tĩnh Lặng”, chúng ta thấy ý nghĩa của sách toàn là nói việc tu hành theo thực tế mà Đức Phật đã dạy, như giữ cho các căn không lạc không khổ, thủ thúc lục căn, tiết độ ăn uống, tỉnh thức liên tục. Quán sát để thấy căn bản của Tâm là vô thường bất toại nguyện và vô ngã, phải có chính kiến về ba thứ ấy sẽ thoát khỏi khổ đau. Người hành thiền phải giữ giới luật và thực hành bằng cách: làm lành tránh làm ác giữ tâm trong sạch; nếu phải khổ đau để chấm dứt đau khổ thì đó là hạnh phúc.

 Nếu có tâm phân biệt tâm trộm cắp luyến ái thì sẽ đưa đến sai lầm và khổ đau, hãy hành thiền để tìm hiểu bên trong của mình chứ không cần tìm kiếm đâu xa và vững tin, mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Giới định tuệ là con đường thoát khổ nếu giữ chính niệm thì trí tuệ sinh, nếu thực hành rồi thì không cần học hỏi nữa, thực hành một thời gian sẽ thấy chân lý mà thôi. Chúng ta thấy không có một điểm nào dư thừa hay nghịch lý. Tới đây, chúng ta xét qua về Thiền Sư Mahasi viết tập “Minh Sát Thực Tiễn” (Vipassana) do Sư Pháp Thông dịch.

2). Thiền Sư Mahasi Sayadaw Miến Điện: Mahasi Sayadaw sinh năm 1904, đã được diện kiến Trưởng Lão Mingun Jetawan Sayadaw (U Nārada Mahāthera, 1868-1955), U Nārada được thừa nhận như người khai sáng ra cách đổi mới cho phù hợp với thời đại mới về kỹ thuật Tứ Niệm Xứ cổ điển nhằm thực hành thiền Minh sát, hay Vipassanā. Vào đầu thế kỷ 20, U Nārada, có ý muốn thực chứng những lời dạy của Đức Phật mà ông đã học, tha thiết đi tìm một Thiền sư có đường lối thiền trực tiếp, ngài gặp một vị sư mà người ta đồn là đã bước vào các Thánh Đạo cao thượng (tức đã đắc các đạo quả) trong vùng đồi núi của Sagaing ở thượng Miến.

 Khi U Nārada đặt ra những Câu hỏi cho vị này, ngài đã hỏi ngược lại: “Tại sao ông lại đi tìm (chân lý) ngoài lời dạy của bậc Đạo Sư; chẳng phải Satipaṭṭhāna, con Đường Độc Nhất, đã được Đức Phật công bố đó sao?” U Nārada đón nhận lời chỉ dẫn này, ông bèn nghiên cứu lại kinh điển và những bản Chú giải theo truyền thống, suy xét sâu xa trên đó, và bước vào thực hành một cách tinh tấn dũng mãnh, cuối cùng ông đã đi đến chỗ thấu triệt những đặc tính của nó. Những kết quả đạt được trong thực hành đã làm cho tin chắc rằng ngài đã khám phá ra cái ngài đang đi tìm: một phương pháp tu tập tâm rõ ràng và hiệu quả để đạt đến sự chứng ngộ cao nhất, và nhiều người tin rằng ngài đã đạt đến sự giải thoát cuối cùng (đắc A-la-hán).

 Dưới sự hướng dẫn của bậc thầy tài ba này, Mahāsi Sayadaw đã hành thiền tích cực dựa trên bốn nền tảng chánh niệm (Tứ Niệm Xứ), bắt đầu với quán thân, và đạt được những tiến bộ đáng kể; sau này, không xao lãng việc thực hành Vipassanā, và những hoạt động giảng dạy của mình như trước, và ngày càng được công nhận như một học giả danh tiếng nhất. Năm 1949, Thủ Tướng U Nu của Miến Điện, đã thỉnh cầu Mahāsi Sayadaw trở về Rangoon để dạy những khóa thiền tại Thathana Yeiktha, trụ sở Trung ương của Hội Phật Giáo Quốc Gia Miến Điện. Cho đến năm 1973, hơn 15.000 thiền sinh đã tham dự thiền Minh sát tại trung tâm Rangoon, và hàng trăm ngàn người đã được chỉ dẫn trong hơn một trăm trung tâm thiền địa phương khắp nước Miến. Ngoài Miến Điện các trung tâm thiền như Sri Lanka, Ấn Độ, Thái lan cũng được mở hoạt động dưới sự hướng dẫn của ngài Mahāsi Sayadaw. Ngài viên tịch ở tuổi bảy mươi tám, năm 1982,

 Những thành tựu nổi bật của ngài như một học giả, một vị thầy và một bậc thiền sư, Mahāsi Sayadaw đã được chỉ định vào vị trí chính yếu của “Người Hỏi” tức người làm nhiệm vụ đặt ra những Câu hỏi liên quan đến Tam Tạng Kinh Điển và Chú giải, theo thể thức giống như các cuộc kết tập kinh điển và Người Trả Lời là Trưởng Lão Tam Tạng Bhaddanta Vicittasārā Bhivatsa ND tại Đại Hội Phật Giáo lần Thứ Sáu tổ chức tại Thủ Đô Rangoon, Miến Điện từ năm 1954 đến 1956 nhân kỷ niệm 2.500 năm Phật lịch. 

 Cốt lõi của Pháp Hành Minh Sát Thực Tiễn là Chánh Niệm, Chánh Niệm là gì? Theo Thiền Sư Mahãsi Sayadaw thì Chánh niệm không phải là giữ cho tâm tập trung trên hơi thở của bạn, cũng không có nghĩa là chỉ chú ý đến bất cứ điều gì bạn đang làm trong lúc đó; bất luận một người có đủ nghiêm túc trong công việc của mình đều làm một cách bình thường. Ngay cả các con vật cũng thường chú ý làm như con mèo chăm chú hoàn toàn vào việc rình bắt chuột, con cò rình bắt cá, v.v… mà không phạm một sai lầm nào; nhưng chẳng có con mèo, con cò nào có thể đoạn trừ được lòng tham lam, dục vọng, v.v…, của chúng.

 Cho dù lúc nào bạn cũng chú tâm đến những gì bạn đang làm cũng sẽ không diệt được tham, sân và si, thực sự đây chính xác là những gì bạn làm trong thiền vắng lặng hay thiền định; dù mỗi lúc bạn chỉ chú tâm đến một đối tượng duy nhất trong năm mươi năm bạn cũng không thể loại trừ được những phiền não trong tâm của bạn mà vẫn còn nguyên xi không thay đổi.

 Một người có thể giữ hết thảy mọi giới luật, người khác có thể học thuộc lòng tất cả kinh điển, ai đó có thể đắc định, hoặc một người có thể suốt cuộc đời sống độc cư; tất cả họ có thể đinh ninh rằng mình đã kinh nghiệm được sự giải thoát tối thượng khỏi mọi phiền não, nhưng thực sự chẳng ai trong họ có thể có được kinh nghiệm đó nếu không tiêu diệt mọi phiền não trong tâm. Do đó, ngoài tất cả những gì họ đã hành họ còn phải loại trừ hết những bất tịnh trong tâm để chứng nghiệm hạnh phúc của sự giải thoát khỏi mọi loại khổ đau.

 Sự chú tâm hoàn toàn của bạn vào một đối tượng duy nhất trong mọi lúc cần phải kết hợp với như lý tác ý. Như lý tác ý là sự tác ý hay hướng tâm có ba thiện căn đi kèm. Ba thiện căn đó là vô tham (bố thí), vô sân (tâm từ), và vô si hay trí tuệ. Còn tham sân và si là ba bất thiện căn; hãy để cho tư duy vô tham, tâm từ và trí tuệ ngự trị tâm bạn trong lúc chú tâm vào bất cứ một điều gì.

 Bạn phải chú tâm đến bất kỳ ý nghĩ nào liên quan đến chính bạn, hoặc đến một chúng sinh nào đó; bạn luôn luôn có sự quán niệm trong lúc mặc áo quần, trong lúc ăn uống, trong lúc nói chuyện với người khác, trong lúc nghe tiếng, trong lúc thấy một vật, trong lúc đi đứng hay lái xe. Khi bạn chú tâm trọn vẹn với như lý tác ý hoặc với sự quán niệm như vậy, tham sân si của bạn sẽ mất dần đi, bởi vì trong như lý tác ý vô tham từ ái và trí tuệ hoạt động; khi bạn nhận thức đối tượng với tham sân si, tâm bạn sẽ dính mắc vào nó chứ không mở rộng cho bất kỳ một ý nghĩ buông bỏ tham sân si ra được.

 Do như lý tác ý, bạn phải học cách thấy ra tính chất vô thường, bất toại nguyện (khổ) và vô ngã trong đối tượng bạn đang nhìn. Như lý tác ý của bạn chỉ ra cho thấy chẳng có đối tượng nào bạn nhận thức, chẳng có cảm thọ hay cảm xúc nào liên quan tới đối tượng ấy giữ nguyên được như vậy dù chỉ trong hai sát-na liên tiếp, bạn sẽ thấy rằng mọi thứ đều vô thường. Tri kiến hiểu biết về vô thường này cho phép bạn buông bỏ cảm giác bực bội, với trí tuệ bạn thấy ra những gì bất toại nguyện đều vô thường, và thấy được sự liên hệ giữa bất toại nguyện và sự tham lam; khi bạn có như lý tác ý bạn sẽ thấy rằng cái gì vốn vô thường và bất toại nguyện đều không có tự ngã.

Tóm lại: chánh niệm không phải là sự thận trọng, cũng không phải là sự khôn lanh, là trạng thái tâm tự phản tỉnh trên chính nó không để bị vướng vào tham sân và si, những gốc bất thiện gây khổ đau cho bản thân, cho người khác và cho cả hai. Chánh niệm là trạng thái tâm tràn đầy quảng đại (vô tham) từ ái (vô sân) và trí tuệ cùng với bi hỷ và xả; nên bất cứ lúc nào bạn chú tâm tới một điều gì bạn phải tự hỏi xem tâm bạn có đầy đủ những yếu tố này không.

Satipatthāna là gì?

 

 Satipatthāna có nghĩa là niệm, hay luôn luôn ghi nhớ, cái người ta cần phải ghi nhớ không quên ở đây là hiện tượng thân, thọ, tâm hay pháp ngay khoảnh khắc (sát-na) chúng xuất hiện đối với họ; điều rất quan trọng là phải loại trừ hoài nghi pháp hành của mình. Việc quan sát các đối tượng như đang đi, đang co, đang duỗi, v.v… không chỉ là một sự luyện tập cơ bản, mà ghi nhớ các hoạt động thân tâm, như đang đi, đang co, đang duỗi, v.v… cũng còn là cách thực hành ở những giai đoạn cao hơn nữa.

 Thiền Minh sát (Vipassanā) chú ý tới bất kỳ đối tượng rõ rệt nào - điều này được nói đến trong phụ Chú giải Thanh Tịnh Đạo - Visuddhi magga. Vì thế, hành giả được hướng dẫn bắt đầu công việc Minh sát của mình bằng cách ghi nhận một đối tượng rõ rệt, đó là một đối tượng dễ ghi nhận hay dễ quan sát nhất. Đức Phật dạy một cách rất dễ: "khi đi, biết hay ghi nhận đang đi”; có vậy thôi.

Vipassana Ngày Nay

 Xét theo bài kinh Cūtatathāsankhaya Sutta (Tiểu Kinh Ái Đoạn Tận - Cūtatathāsankhaya Sutta, Kinh số 37 Trung Bộ I), bài kinh nói về cách làm thế nào để đoạn trừ ái hay tham, thì rõ ràng người ta có thể thực hành Vipassanā mà không cần phải có kiến thức về Vi Diệu Pháp và Pháp Duyên Khởi nếu như họ biết rằng những gì thực sự hiện hữu không ngoài tâm và vật chất (danh và sắc), và danh sắc ấy phải chịu vô thường, khổ và vô ngã.

 Người hành thiền phải quan sát tâm và thân, không cần quan sát chúng bằng cách gọi tên, vì gọi tên hoàn toàn không quan trọng, cũng chẳng phải bằng cách kể ra từng khoản thế này, thế nọ là các hiện tượng tâm lý hoặc vật lý (danh pháp hoặc sắc pháp); thế này, thế nọ là tâm và các tâm sở của nó v.v…; trong thực tế, chỉ biểu thị đặc tính bằng màu sắc và cảm thọ, chứ không có gì khác. Trong cuốn Abhidhamma, gọi là Yếu Nghĩa của Vi Diệu Pháp (Abhidhammatthasatgaha) có lẽ sẽ rất rõ ràng đối với mọi người học Phật, nói như sau: “Lakkhana-rasa-paccupatthāna-padatthāna-vasena nāma-rūpa-pariggaho ditthi-visuddhi nāma.” Có nghĩa là: “Kinh nghiệm tâm và thân, dưới dạng các đặc tính, nhiệm vụ, sự thể hiện và nhân gần của chúng, dẫn đến kiến tịnh”.

 Chữ ‘sati’, hay niệm nghĩa đen của nó lại là nhớ, vì thế nó được giải thích như là “ghi nhận” cho phù hợp; ghi nhận ở đây chỉ là sự quan sát tâm và thân hay danh và sắc ngay sát-na chúng xảy ra để hay biết đúng như chúng thực sự là. Còn đối tượng phồng và xẹp của bụng được bao gồm trong các hiện tượng vật lý nằm trong sắc uẩn (rūpa-kkhandha); trong nghĩa tối hậu, đối tượng phồng và xẹp của bụng này nằm dưới Sắc uẩn (Rūpa-kkhandha), Xúc xứ (Photthabba yatana), Phong đại (Vāyo Dhātu), và Khổ đế (Dukkha Sacca), được xem như đủ điều kiện làm một đối tượng cho Vipassana (Minh sát) để nhận thức Tam Tướng vô thường, khổ và vô ngã, theo lời dạy của Đức Phật.

 Để hiểu rõ hơn, chúng ta trích một số câu hỏi và giải đáp cốt lõi của tập “Minh Sát Thực Tiễn” (Vipassana) như sau:

1- Bạch Ngài, có phải ngài đã khởi xướng cách quan sát sự “phồng - xẹp' của bụng khi thở?

Đáp: Không, tôi không phải là người khởi xướng cách quan sát 'phồng - xẹp', thực sự chính Đức Phật đã khởi xướng nó vì Ngài dạy quan sát Vāyo-dhātu, tức quan sát phong đại hay yếu tố gió gồm trong năm uẩn. Sự phồng - xẹp là do phong đại tạo thành.

Mới đầu, một số người đã chất vấn cách quan sát sự phồng - xẹp của bụng này. Tuy nhiên, do bạn bè khuyến khích, sau đó họ đã thử và hiểu được giá trị của nó nhiều đến độ thậm chí họ đã chỉ trích lại những kẻ ưa bới lông tìm vết trước đây. Tôi chắc chắn rằng: người nào thử rồi cũng sẽ hiểu được giá trị của nó từ kinh nghiệm cá nhân của mình, cũng giống như việc nếm đường người nào cũng có thể trực tiếp hiểu vị ngọt của nó từ kinh nghiệm riêng của mình.

2- Bạch ngài, những khó khăn nào ngài đã gặp phải trong việc giảng dạy thiền Vipassanā này?

Đáp: Năm 1939, khi tôi mới bắt đầu dạy thiền Satipatthāna Vipassanā tại quê nhà của tôi, Tu viện Mahāsi, làng Saik Khon, thị trấn Shew Bo. Thời gian đó, vị trụ trì tu viện kế bên không hoan hỷ với việc giảng dạy của tôi, nhưng, ông không dám chỉ trích công khai trước mặt vì ông biết tôi là người có uy tín; vì thế ông chỉ làm điều đó sau lưng tôi. Cũng có một số vị sư và cư sĩ ủng hộ ông ta, tuy nhiên, tôi không phản ứng gì cả, mà cứ tiếp tục công việc giảng dạy của mình như thường lệ; dù cho họ có chỉ trích như thế nào chăng nữa, cũng chẳng có gì làm lay động tôi được bởi vì tôi giảng dạy từ kinh nghiệm riêng của mình. Sau đó ngày càng nhiều người bắt đầu chứng minh được điều tôi dạy là chính xác qua kinh nghiệm trực tiếp của tự thân họ; về sau vị sư chỉ trích việc giảng dạy thiền của tôi này, không may vướng phải một người phụ nữ nên phải xả y hoàn tục và Ông qua đời bốn hoặc năm năm sau đó.

3- Bạch ngài, vì sao ngài hướng dẫn các thiền sinh ở đây khởi sự công việc thực hành của họ với việc ghi nhận 'phồng, xẹp'?

Đáp: Nếu bạn ghi nhận một đối tượng quá đa dạng, hoặc quá vi tế, sẽ phải mất thời gian để phát triển định, trong khi nếu bạn quan sát một đối tượng rõ rệt và giới hạn thì định có thể được khơi dậy nhanh hơn. Đó là lý do vì sao chúng tôi hướng dẫn các hành giả ở đây bắt đầu công việc thực hành của họ vơi việc quan sát bụng biểu thị đặc tính bằng sự căng cứng, sức ép, rung động, được xem là đồng nhất với vāyo-dhātu hay yếu tố gió.

4- Bạch ngài, chỉ có hai đối tượng để ghi nhận là 'phồng, xẹp' thôi sao?

Đáp: Đúng vậy, buổi đầu thiền sinh được hướng dẫn ghi nhận chỉ hai đối tượng 'phồng, xẹp', tuy nhiên, họ cũng được hướng dẫn ghi nhận những ý nghĩ nếu chúng khởi lên, và rồi trở lại với đối tượng chính là 'phồng, xẹp'. Với cái đau cũng tương tự như vậy, hành giả phải trở lại với đối tượng chính khi cái đau tan đi, hoặc sau một thời gian phải chăng cho dù cái đau vẫn còn; điều này cũng áp dụng đối với việc co, duỗi chân tay, hoặc thay đổi oai nghi. Hành giả phải ghi nhận từng mỗi hoạt động hay hành vi cư xử có liên quan, và rồi trở lại với đối tượng chính. Nếu hành giả thấy hay nghe một điều gì nổi bật hơn, hành giả phải ghi nhận nó đúng như nó là, đó là, ‘thấy’, ‘nghe’, v.v…; sau khi ghi nhận chúng ba hoặc bốn lần, hành giả phải trở lại đối tượng chính với đầy đủ tinh tấn.

5- Bạch ngài, ngài có thể mô tả kinh nghiệm giác ngộ đạo quả của một người giống như thế nào được không?

Đáp: Trạng thái tâm của một người thay đổi một cách phi thường và đột ngột khi họ chứng ngộ Đạo Quả, người ấy cảm thấy như thể mình vừa mới tái sanh; đức tin của họ phát triển một cách rõ rệt dẫn đến sự hỷ lạc, ngây ngất và hạnh phúc tột độ. Đôi khi, những trạng thái tâm này xảy ra nhiều đến nỗi họ không thể thể nhập sâu vào đối tượng giống như trước được nữa mặc dù họ vẫn tập trung sự chú ý vào chúng; tuy nhiên, hàng giờ hay hàng ngày sau, những trạng thái tâm như vậy có khuynh hướng dịu lại, và người ấy có thể tiến triển tốt trở lại trong pháp hành. Đối với một số người, họ có thể cảm thấy rất thanh thản; hoặc rõ ràng không muốn hành; hoặc dường như đã thoả mãn với những gì họ vừa thành tựu, và có lẽ do đó mà họ không có ý định thành tựu cao hơn nữa.

6- Bạch ngài, sự mô tả Niết-bàn do những người mà ngài tin đã đạt đến đó là như thế nào?

Đáp: Một số mô tả về Niết-bàn do những người, theo tôi tin, đã chứng ngộ thực sự, là như sau:

- Tôi thấy các đối tượng và tâm ghi nhận (hay tâm chánh niệm) đột nhiên ngừng lại.

- Tôi khám phá ra rằng các đối tượng và tâm chánh niệm bị cắt đứt giống như một sợi dây leo bị chặt đứt vậy.

- Tôi thấy các đối tượng và tâm chánh niệm rơi xuống như thể tôi không còn cầm được chúng nữa.

- Tôi thấy các đối tượng và tâm ghi nhận rơi xuống thình lình giống như vất xuống một gánh nặng vậy.

- Tôi cảm thấy như thể tôi đã thoát khỏi các đối tượng và tâm ghi nhận.

- Tôi phát hiện ra rằng các đối tượng và tâm ghi nhận đột nhiên ngừng lại giống như một ngọn nến bị thổi tắt.

- Tôi cảm thấy như thể tôi đã rời khỏi các đối tượng và tâm ghi nhận, giống như thoát ra khỏi bóng tối đi vào ánh sáng vậy.

- Tôi thấy cả đối tượng lẫn tâm ghi nhận chìm xuống như thể chúng bị dìm vào nước vậy.

- Tôi khám phá ra rằng cả đối tượng lẫn tâm ghi nhận đột nhiên dừng lại giống như một vận động viên chạy nước rút bị đẩy lại từ phía trước vậy.

- Tôi thấy cả đối tượng lẫn tâm ghi nhận đột nhiên biến mất.

7- Bạch ngài, ngài tin là có bao nhiêu người đã được giác ngộ dưới sự hướng dẫn của ngài?

Đáp: Tôi tin có cả ngàn người đã đạt đến tuệ phân biệt danh sắc (nāma-rūpa pariccheda ñata) từ kinh nghiệm cá nhân của họ, nhờ thực hành nghiêm túc như đã chỉ dẫn, và đề khởi được định mạnh mẽ, trong vòng một tuần lễ. Có cả ngàn người đã kinh nghiệm được tâm và thân (danh - sắc) tương tác lẫn nhau và thay đổi không ngừng, đó là nhân và quả, là trạng thái vô thường, khổ và vô ngã của các hiện tượng; và cũng có cả ngàn người được tin là đã hoàn tất sự chứng ngộ Đạo Quả sau khi họ phát triển tuệ Minh sát thành thục nhờ quan sát tâm và thân từ sát-na này đến sát-na khác.

8- Bạch ngài, Ngài có thể mô tả cho chúng con biết chúng con phải nhận ra vô ngã như thế nào trong nghĩa tối hậu?

Đáp: Một số người tin rằng sự thực chứng vô ngã xảy ra nếu như một lúc nào đó bạn mất cảm giác về hình dáng của thân mình bằng cách mường tượng sắc thân này như những phân tử; thực ra thực chứng vô ngã không phải là bạn đơn thuần mất đi cảm giác về tính rắn chắc hay hình dáng của thân thể. Mà chính vì bạn đang kinh nghiệm một cách rõ ràng cái tâm biết. Điều này tương tự như các chúng sanh khi ở cõi người tu tập thiền vô sắc, sau khi chết sinh lên cõi trời vô sắc, ở đây họ không có sắc thân vật lý như con người, nhưng vẫn lầm chấp tâm họ là cái “Tôi” hay tự ngã.

Vì thế chỉ đơn thuần mất cảm giác về hình thể rắn chắc thôi thì không thể xem như đó là sự thực chứng vô ngã được. Chỉ khi bạn quan sát tâm và thân (danh - sắc) ngay sát-na chúng xảy ra, và thấy chúng sanh diệt liên tục theo tự nhiên của chúng, không có quyền lực của bất kỳ ai can thiệp vào, bạn mới thực sự thực chứng vô ngã trong nghĩa tối hậu. Nếu bạn theo dõi tâm và thân từ sát-na này đến sát-na khác, bạn chắc chắn sẽ kinh nghiệm những đặc tính thực của các hiện tượng, và thấy chúng sinh diệt.

9- Bạch ngài, khi đi nếu chúng con phải hay biết về những đặc tính, chúng con có cần quan sát sự cứng (đơ), chuyển động hay di chuyển không?

Đáp: Đức Phật dạy: “khi đi, biết đang đi”. Khi chúng ta đi, yếu tố gió hay phong đại nổi bật, yếu tố gió vốn được kinh nghiệm như sức ép, hay sự cứng đơ dưới dạng những đặc tính của nó, hay sự chuyển động, di chuyển dưới dạng nhiệm vụ của nó. Tuy nhiên, Đức Phật đã không chỉ dẫn chúng ta phải ghi nhận nó như là ‘sức ép’, ‘sự cứng đơ’, ‘sự chuyển động’ hay ‘đẩy tới’ v.v…

Sự chỉ dẫn đích thực của Đức Phật là: “Khi đi, biết đang đi”, chỉ vậy thôi. Lý do là ngài muốn đưa ra một cách dễ hành và dễ hiểu. Ghi nhận theo ngôn ngữ quy ước tất nhiên là hoàn toàn quen thuộc và dễ dàng đối với tất cả mọi người.

10- Bạch ngài, có số người nói, sẽ không hợp lý nếu một vị thiền sư không thể xác nhận rằng hành giả này, hành giả nọ trong số những thiền sinh của ông đã trở thành bậc thánh Tu-đà-hoàn (Sotāpanna); điều đó có thực không?

Đáp: Đúng vậy, điều đó có thể đúng theo quan điểm của họ, song nó lại rất thích hợp đối với truyền thống Phật giáo - Sāsana, một vị thiền sư không thể xác nhận, rằng người như vậy như vậy trong số những hành giả của ông đã trở thành bậc Tu-đà-hoàn. Đức Phật là người duy nhất trong địa vị này, để xác nhận sự giác ngộ của một người nào đó, như là Sotāpanna (bậc Tu-đà-hoàn), Sakadāgāmi (bậc Tư-đà-hàm), Anāgāmi (bậc A-na-hàm), hay Arahant (bậc A-la-hán). Ngay cả Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) cũng không bao giờ xác nhận theo cách đó; vì thế chúng tôi cũng không làm điều này, đây là cách thích hợp trong truyền thống Sāsana.

 Xét qua về tập “Mặt Hồ Tĩnh Lặng” và tập “Minh Sát Thực Tiễn” với những sự trình bày của Thiền Sư Ajahn Chad và sự giải thích của Thiền Sư Mahãsi Sayadaw trong tập Minh Sát Thực Tiễn (Vipassana), chúng ta thấy không có điểm nào đi ngược lại và làm sai ý nghĩa giáo pháp của Đức Phật. Các vị này không làm các biên soạn tai hại cho các thế hệ trong hiện tại và mai sau, vì nó không trái với lời Phật dạy khi tu theo những điều các vị viết; sự thực thì trong hiện tại chỉ có một số tín đồ Phật Giáo tu tập thiền Minh Sát Thực Tiễn mà thôi. Các vị Thiền sư này tu hành tới nơi tới chốn hay chưa, điều ấy chỉ có bậc Thánh mới biết được và chính các vị tự biết, như người uống nước nóng hay lạnh tự mình biết, và các vị Thiền sư này đã không tự vỗ ngực nói mình đã giải thoát.

 Chúng ta có thể dối gạt người nhưng không thể dối gạt mình được, còn người tự nói mình đã đạt đạo mà viết ra những điều sai lời Phật dạy thì chẳng còn có giá trị gì nữa; vì người đạt đạo là người phải thông suốt Phật pháp, nói ra lời nào thì không ai có thể nói khác được. Về tu tập thiền Minh Sát này theo dõi cơ bụng (Phồng, Xẹp), đây không phải nhằm diệt vọng tưởng mà là quan sát Phong Đại (Vāyo-dhātu), tức theo dõi, để ý, quan sát phong đại hay yếu tố gió của một trong Tứ đại trong Sắc Uẩn của Năm Uẩn; sự phồng - xẹp là do phong đại tạo thành, chứ không phải cố ý làm cho bụng phồng lên xẹp xuống như tập Khí công hay thở để chữa bệnh, như vậy nó không phải là loại thiền ức chế tâm như tác giả Thông Lạc đã chỉ trích một cách lầm lẫn.

 (Còn tiếp)

Toàn Không

 

 

TRÍCH DẪN THAM KHẢO

- Mặt Hồ Tĩnh Lặng của Th sư Ajahn Chad, Thái Lan, Thích Khánh Hỉ dịch.

- Minh Sát Thực Tiễn của Th sư Mahasi Sayadaw do Sư PhápThông dịch.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn