Nói về con bò quy y ở chùa Pháp Hải, H. Bình Chánh

17 Tháng Sáu 201509:54(Xem: 6790)

NÓI VỀ CON BÒ QUY Y Ở CHÙA PHÁP HẢI, H. BÌNH CHÁNH
Hưng Long

 

Con bò được làm lễ quy y
Con bò đang được làm lễ quy y

Nhiều ý kiến trái chiều đưa ra về việc làm lễ quy y Tam bảo cho con bò tại một ngôi chùa ở xã Hưng Long (huyện Bình Chánh, TP HCM

Phóng viên Báo Năng lượng Mới – PetroTimes đã phỏng vấn Thượng tọa Thích Nhật Từ, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam, kiêm Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP HCM để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: Xin Thượng tọa cho biết sự kiện con bò được làm lễ quy y Tam bảo dưới góc nhìn Phật pháp như thế nào?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Sau khi xem clip về sự kiện con bò được quy y trong vòng hơn 3 phút, tôi thấy không có dấu hiệu gì đặc biệt để chứng tỏ rằng con bò đang quy y Phật, đang quy y Pháp, quy y Tăng như một số hiện tượng đặc thù vẫn xảy ra ở chỗ này hay chỗ khác. Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, người ta nghĩ rằng, quy y cho các loài động vật, gieo duyên cho chúng để tái sinh hết kiếp này để ra kiếp sau trở thành người. Trong clip chỉ là hoạt động một chiều, có nghĩa là một vị tu sĩ đứng quây quần bên các Phật tử tại một ngôi chùa làm nghi thức quy y Tam bảo cho một con vật.

Tôi nghĩ, đó là thiện chí của ông tu sĩ đối với con bò này. Và con bò này chẳng biết gì về hướng dẫn của ông thầy tu này. Cho nên, không thể xem clip là một dấu hiệu cho thấy con bò quy y Phật. Ở đây, con người đang áp đặt cho con bò và con người kỳ vọng cho con bò quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con bò không thể hiện động tác gì để nói lên điều đó.

PV: Thưa Thượng tọa, theo câu chuyện, con bò được ông lái buôn dẫn đi ra lò mổ, đi ngang qua ngôi chùa thì bỗng dưng dừng lại. Sư thầy trong chùa thấy sự việc lạ nên chạy ra và dẫn con bò vào chùa để làm lễ quy y. Thượng tọa nhận định vấn đề này như thế nào?

thich nhat tu
TT. Thích Nhật Từ

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Tôi không cho đó là một sự kiện đặc thù vì bản thân con bò ý thức hoạt động rất là kém cho nên người Việt Nam thường dùng hình ảnh con bò để chỉ những người "có đầu mà không có óc", không phát triển ý thức, không phát triển trí tuệ. Bản thân loài bò thì nó dừng bất kỳ nơi đâu mà nó thích.

Tôi từng có thời gian 8 năm ở Ấn Độ, thời gian này, tôi chứng kiến cảnh bò trâu đứng ở giữa đường vì nước này thờ bò trâu, không ai được giết bò, giết trâu. Người ta đưa bánh mì, trái cây cho bò ăn và thậm chí bò ở đây không ăn cỏ. Trong trường hợp này, cộng nghiệp ăn cỏ của trâu bò thay đổi ở một mức độ nhất định. Không ai dám đụng vào nó vì sẽ rắc rối về luật pháp, rắc rối về niềm tin đối với những người theo Ấn Độ giáo.

Bò ở đây rất tự nhiên. Tự nhiên đi, tự nhiên đứng, tự nhiên nằm và xe tránh bò, người tránh bò chứ bò không tránh người, bò không tránh xe. Ở giữa các ngã tư đường, trâu bò dừng lại đứng ở đường 5 đến 10 tiếng đồng hồ là bình thường. Bản chất của trâu bò là thế.

Có trường hợp ngẫu nhiên, con bò dừng lại ngay vị trí của ngôi chùa làm cho người ta liên tưởng đến có lẽ do nhân duyên kiếp trước con bò là người hay là Phật tử. Nay đến chỗ này, con bò không chịu đi nữa, nó muốn dừng lại và các thầy ở đây làm lễ quy y. Hãy xem đây là chuyện bình thường. Đây có thể xem là phản ứng của loài trâu bò mà nó có thể dừng, đứng để nhai lại những thức ăn có trong cơ thể của nó.

PV: Thưa Thượng tọa, trở lại sự kiện vị tu sĩ “quy y Tam bảo” cho con bò cũng là sự việc bình thường?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Tôi suy đoán thế này! Vì con bò được đưa ở một nơi khác đến và qua ngang chùa này nên dừng lại, kêu hoài không đi. Từ đó, vị tu sĩ và Phật tử ngộ nhận rằng con bò này muốn quy y Phật, vì chùa là có Phật. Nghĩa là, nó có một tính tâm giống con người. Từ đó, vị thầy ở trong clip đã niệm Phật “A Di Đà” và với giọng của các Phật tử để làm lễ niệm quy y Phật Pháp Tăng cho con thú.

Thật ra, quy y Phật là dành cho con người, từ đó, con người phát ra lời nói nhận thức và thái độ từ bi của mình: “Từ nay cho đến trọn đời, tôi xin chứng nhận đức Phật làm thầy, kính nhận chân lý đức Phật dạy làm thầy, kính nhận tăng đoàn cao quý làm thầy để dẫn dắt hướng thiện, bỏ ác, phụng sự xã hội”. Đó mới là lễ quy y truyền thống của đạo Phật. Quy y tức là nương tựa vào 3 ngôi Phật – Pháp – Tăng. Người quy y phải tự nói ra được và nói bằng tinh thần tự nguyện chứ không phải bị áp lực, bị bắt buộc hoặc bị dụ dỗ.

Đối với con vật, mình có lòng thì đọc nghi thức quy y chứ thực tế nó không thể quy y được vì nó không thể phát biểu bằng miệng được và nó cũng không tình nguyện làm được việc đó. Trên nguyên tắc của Phật pháp được xem là quy y không thiết thực.

PV: Thưa Thượng tọa, một số người chưa hiểu về Phật pháp hay Đạo Phật thì người ta cho việc quy y cho con bò là mê tín. Lời khuyên của thầy về vấn đề này như thế nào?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Khác với các tôn giáo khác, về Đạo Phật, một năm có 4 ngày lễ lớn: Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Tư, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười. Các chùa thường tổ chức lễ quy y, gọi nôm na là lễ Phật tử. Đây hoàn toàn là tự nguyện. Người nào thích thì đến văn phòng của chùa nơi cảm thấy có duyên để đăng ký tên, ghi lại địa chỉ, số điện thoại và đến giờ làm lễ thì những người tình nguyện có mặt và họ tham gia vào khóa lễ.

Thông thường, trước đó, họ tự nghiên cứu về kinh sách Phật và tự nghe sách nói về Phật ở trên băng hay ở trên Internet thì họ mới làm việc đó. Kiến thức của người chuẩn bị nhận thức làm thầy chuẩn với lời Phật dạy hay còn mê tín là chuyện riêng của họ. Công việc của các tu sĩ trong chùa thì sau lễ quy y sẽ tiếp tục hướng dẫn để người nương tựa vào mình hiểu đúng chánh đạo.

Hiện nay, phương tiện Internet rất hữu dụng để người quy y về nhà được hướng dẫn nghe các băng giảng để mở mang trí tuệ. Để từ đó, tất cả những nhận thức sai lầm nói chung, mê tín dị đoan, sợ hãi sẽ từ từ được tháo mở.

Xin cảm ơn Thượng tọa! Kính chúc Thượng tọa dịp Đại lễ Phật đản an vui, sức khỏe và mọi sự như ý nguyện.
Hưng Long (PetroTimes)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 4017)
30 Tháng Bảy 2015(Xem: 7783)
Việt Nam là một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời. Nhiều người VN, dù theo đạo Phật, cũng không có sự hiểu biết tối thiểu về đạo Phật hoặc biết một cách rất mơ hồ, sai lạc, thậm chí nguy hại. Dưới đây là vài điều hiểu lầm rất phổ biến hiện nay
26 Tháng Bảy 2015(Xem: 4990)
“Với tư cách Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, đại biểu Quốc hội, tôi xin khẳng định nghi thức hiến sinh dã man động vật trong một số lễ hội như: lễ hội chém lợn giữa sân đình tại Bắc Ninh, giết trâu tại Phú Thọ dứt khoát phải chấm dứt và loại bỏ”
06 Tháng Năm 2015(Xem: 11064)
Có quan niệm cho rằng, người tu pháp môn Tịnh độ mà đọc tụng, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp ngoài các kinh Tịnh độ, và hành thiện tu phước (làm các việc cúng dường, bố thí-từ thiện) là tạp tu; chỉ niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà là đủ, đó gọi là chuyên tu.
30 Tháng Tư 2015(Xem: 5900)
Vào tuần thứ 3, tháng 4.2015, trang nhà www.thuvienhoasen.org có đăng một số ý kiến về Phật Giáo và Âm Nhạc, mà trọng tâm là đặt thành vấn đề Tăng Ni “trẻ” Phật Giáo có nên ca hát không? Và dựa trên tiêu chuẩn nào để trả lời câu hỏi. Hòa Thượng Thích Thiện Tánh, Trưởng Ban Kiểm Soát Trung Ương GHPGVN, ....
23 Tháng Tư 2015(Xem: 7598)
Nhân đọc bài viết " Bất lập văn tự " của cư sĩ Nhuận Bảo và xem lời comment của một số Đạo Hữu xa gần thấy có đôi chỗ cần làm sáng tỏ thêm nên mạo muội viết bài này tới quý ban điều hành trang Web mong cũng được đóng góp đôi lời vào một vài vần đề mà tôi có chút tìm hiểu . rất hy vọng bài viết của tôi sẽ được đăng ngõ hầu tôi cũng có thể được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm tri thức từ các Đạo hữu gần xa để giúp tôi mở mang thêm những hiểu biết còn hạn chế của mình trong quá trình tìm hiều phật giáo . trân trọng cảm ơn!
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 6177)
Tổ chức Động vật châu Á (AAF) phát động chiến dịch kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn ở tỉnh Bắc Ninh, được tổ chức theo truyền thống vào dịp đầu xuân.
18 Tháng Giêng 2015(Xem: 6515)
Thông thường qua một thời gian dài những nghĩa chính của kinh bị pha trộn vì nhiều nguyên nhân. Như từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác hay những danh từ địa lý hay những sự vật trước kia thì có mà nay không còn. Hay những vị dịch kinh không đủ trình độ vì vậy qua nhiều lần thì tam sao thất bổn…
25 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 5744)