Bệnh Của Thanh Niên Ht. Tinh Vân - Đạt Ma Khả Triết Dịch

02 Tháng Tám 201100:00(Xem: 16079)

BỆNH CỦA THANH NIÊN
HT. Tinh Vân - Đạt Ma Khả Triết dịch

Thưa các vị Thanh thiếu niên: Mấy hôm trước một cơn mưa to ập đến, con đê vừa mới đắp để ngăn chặn dòng suối ở phía Tây đã sạt lỡ rất nguy hiểm, các vị pháp sư trong học viện đích thân dẫn đại chúng đến đó để sửa sang lại. Việc công quả trong Phật giáo cũng là một pháp tu, cũng là một thời khóa, tham gia công việc khiến cho chúng ta có thể hiểu rõ sự thánh thiện của việc làm, sự vĩ đại của việc phục vụ, từ công việc chúng ta có thể nhận thức được mình là người hữu dụng.

 Ngày xưa, các bậc cổ đức cao tăng đều tham gia làm công quả mà thành tựu công hạnh. Thí dụ: Lục tổ Huệ Năng ròng rã giã gạo ở dưới nhà trù, mà nhận ra chân như phật tính của chính mình. Thiền sư Pháp Diễn ở viện Quảng Giáo thuộc Diệp Huyện Nhữ Châu, chuyên làm tăng Phạn đầu(1), nhẫn chịu rất nhiều gian khổ mà ngộ đạo. Vì vậy, tất cả các vị đừng e ngại phải đảm đang công việc.

Vừa rồi đại chúng làm việc ở trong mưa, mọi người quần áo ướt đầm, cô Y Tĩnh phục vụ ở Quả Lạc Trai nói với chúng tôi: “Bạch sư phụ! Chúng con đã nấu xong nước trà gừng nóng dâng lên đại chúng uống để chống cảm lạnh.” Nghe câu nói này tôi liền có cảm nghĩ: Đời người của chúng ta đâu chỉ có một căn bệnh cảm cúm mà thôi. Bồ-tát Duy Ma Cật nói: “Bởi vì chúng sinh có bệnh, cho nên ta bệnh”. Vậy chúng sinh rốt cuộc bị bệnh gì? Thanh niên Phật giáo chúng ta hiện tại có bệnh hay không? Hôm nay sẽ cùng với tất cả mọi người bàn luận về vấn đề “Bệnh Của Thanh Niên”, thế Thanh niên có những bệnh gì?

I. Nôn nóng không bền chí:

Thanh niên thường không thích ở yên một chỗ, không chịu học hành đến nơi đến chốn, không kiên quyết thực hiện chí hướng của mình, đó là do tâm nôn nóng. Hầu như sự nôn nóng đã trở thành căn bệnh chung của tất cả Thanh niên ngày nay. Thanh niên bây giờ yếu kém hơn cổ nhân đâu chỉ ở sức chịu đựng, thân tâm các Ngài luôn uyển chuyển giống như hòn đá xoay lăn, rong rêu không cách gì bám lên được, trở thành khối đá cứng chắc kiên cố. Các công ty ngày nay đều cần tuyển dụng nhân viên trẻ, khi các vị Thanh niên đến thử việc chắc chắn vị giám đốc sẽ hỏi: “Đã từng phục vụ công việc ở những nơi nào?” Nếu Thanh niên trả lời: “Tôi từng công tác ở nơi kia nửa năm, kinh nghiệm phục vụ ở nơi nọ ba tháng, hôm nay đến công ty đây để thử việc.” Vị Thanh niên này cho rằng với kinh nghiệm công tác phong phú, ắt vị giám đốc sẽ tuyển chọn mình, nhưng trái lại vị giám đốc chẳng cần người này, bởi vì vị Thanh niên này thường xuyên thay đổi công việc, chứng tỏ anh ta không kiên nhẫn, không bền chí, không an lòng với chức vụ của mình. Công việc của công ty, đâu thể đem giao phó cho một người không có sự kiên nhẫn đối với công việc? Không kiên nhẫn theo đuổi sự nghiệp là một trở ngại lớn biết bao.

Nôn nóng thuộc về bệnh gì? Chính là “bệnh không bền chí”. Tục ngữ thường nói: “Bền chí là gốc của sự thành công”. Bất kể làm việc gì nếu không có bền chí, thì đừng mong sẽ làm tốt công việc hay học tập đạt thành tích. Người xưa vì muốn thành tựu công danh trải qua nhiều năm bên song vắng quyết chí học tập. Thời nhà Hán, có ông Đổng Trọng Thư, lúc tuổi còn trai trẻ luôn dốc lòng học tập, suốt ba năm chưa bao giờ vào vườn ngắm hoa dạo cảnh, cuối cùng ông trở thành vị học giả danh tiếng thời đó.

Thời nhà Tấn, có ông Vương Hy Chi đến bên bờ ao mài mực, và đã dùng hết một lu mực nước để viết chữ, cuối cùng ông trở thành nhà thư pháp lừng danh suốt xưa nay. Nhìn lại Phật giáo của chúng ta, những tấm gương kiên nhẫn đã thành công thì không sao kể hết. Đặc biệt như động đá Đôn Hoàng nổi tiếng, đã trải qua biết bao triều đại, các nhà nghệ thuật muôn ngàn năm trước, đã đem trí tuệ và sinh mạng suốt đời mình, để hoàn thành kiệt tác kỳ vĩ, chấn động cả đất trời, quỷ thần cũng phải khiếp, kỹ thuật tinh xảo ấy hơn cả sự khéo léo của đất trời, là kiệt tác không gì sánh bằng. Nếu như không có sự kiên nhẫn của các nhà nghệ thuật điêu khắc đó, thì đâu có những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại lưu truyền đến ngày nay và đời sau? Bền chí là điều rất quan trọng để sự nghiệp được thành công.

Ở tại quê tôi có một tín nữ vào tuổi thanh xuân xinh đẹp, nhân vì mẫu thân cô lâm trọng bệnh, thuốc thang không giảm, nhờ cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm gia bị,từ đó bệnh tình mẫu thân được qua khỏi.

Vì cảm đến ân đức của Bồ-tát, cô phát nguyện dùng tóc của mình bện thành một tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cao hai trượng, cô phân đầu tóc óng mượt như tơ ra bốn phần rồi bện thành thánh tượng. Kể từ lúc cô còn là một thiếu nữ xinh đẹp, mãi cho đến khi trở thành một bà cụ già lụm cụm, trải qua sáu mươi năm mới bện xong tôn tượng Bồ-tát, đôi mắt long lanh như giọt nước mùa thu của cô lúc này bị mù loà, nhưng thần thái diện mạo thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm vẫn trang nghiêm đầy từ bi, đã để lại nhân gian một giá trị bất hủ. Đôi mắt vị tín nữ ấy tuy đã mù nhưng đôi mắt từ bi của Bồ-tát lại luôn soi sáng đến nhân gian. Tinh thần hy sinh để đền ơn thay cho mẹ của cô khiến cho mọi người đều kính phục, sức kiên trì nhẫn nại này người bình thường đâu thể bì kịp.

Tất cả các vị thường ngày sao không tự hỏi: Mình đã chuyên cần học tập chưa? Chịu khó làm việc chưa? Kiên nhẫn tu tập chưa? Thời nhà Đường, vị tổ sư Luật tông Nam sơn rất nổi tiếng, là Ngài luật sư Đạo Tuyên, Ngài đã đọc hết trọn bộ giới luật, nhưng vẫn đọc đi đọc lại đến ngàn lần. Có vị pháp sư ở Đài Bắc, kiến thức Phật pháp rất thâm sâu, Ngài đọc bộ Bách Pháp Minh Môn Luận qua mười bốn lần, thế mà vẫn muốn đọc lại nhiều lần nữa. Lẽ nào các Ngài không thông minh lanh lợi? Bởi vì có kiên nhẫn bền chí sự học tập sẽ được thông suốt, làm việc mới có thể thành công, tu hành ắt đạt kết quả. Cho nên nói: “Kiên nhẫn trong lúc làm việc thì dễ bàn bạc trao đổi với nhau.” Nếu không có sự kiên nhẫn và bền chí, thì dù cho đào giếng đã được tám chín thước, nhưng không tiếp tục đào thêm thì vẫn không có nước uống, rốt cuộc do thiếu một chút cố gắng mà việc không thành. Cho nên “Nôn nóng không bền chí” là căn bệnh không tốt, các vị nên cố gắng sửa đổi.

II. Ảo tưởng không thực tế:

Thanh niên ngày nay do quá nhiệt tình nên thiếu bình tĩnh, quá sôi nổi nên kém thận trọng, lại chạy theo trào lưu hư dối không thực tế. Sự thiếu thực tế đó giống như tòa nhà không có nền móng kiên cố, chỉ cần có sự chấn động nhẹ ắt sẽ ngã đổ. Cũng như xây một bờ kè, công trình đó làm không được kiên cố, chợt một cơn nước lũ cuốn qua liền bị sụp đổ, khiến cho mọi người phải nhọc nhằn sửa chữa lại.

Điều đáng quý trọng ở Thanh niên là họ giàu lýù tưởng, nhưng có lý tưởng rồi cần phải nỗ lực thực hành một cách cụ thể, bằng không lý tưởng đó sẽ như cái lâu đài xây trên biển nước, liền biến thành “bệnh ảo tưởng”. Tục ngữ có câu: “Nhà cao muôn trượng phải từ đất xây lên”, cho nên ở trên không trung mà xây lâu đài thì việc đó không thể thực hiện. Trong Kinh Bách Dụ có một câu chuyện Phú Ông Cất Lầu với ngụ ý rất sâu. Câu chuyện thế này: Thuở xưa có một phú ông giàu có nhưng rất là ngu si, nhân một hôm đến dự lễ khánh thành chúc mừng nhà mới của người bạn, ông trông thấy nhà người bạn xây ba tầng, mỗi tầng trang trí hết sức xinh đẹp, đặc biệt nhất là tầng thứ ba, trần nhà được chạm trổ sắc sảo, đường nét hoa văn rất tinh tế, vô cùng tráng lệ rực rỡ. Vị phú ông chiêm ngưỡng xong rất ưa thích, đặc biệt thích nhất là tầng thứ ba. Sau đó ông ra về, liền mời nhà kiến trúc đến thiết kế cho ông một tòa nhà y khuôn y mẫu như toà nhà của người bạn, rồi bảo nhà kiến trúc chỉ xây độc nhất tầng lầu thứ ba thôi, vì ông đặc biệt chỉ ưa thích tầng lầu này. Một toà nhà cao mà không có nền móng, cũng đồng với ảo tưởng xây lâu đài trong hư không.

Việc làm ngu si của vị phú ông này thật đáng tức cười. Nhưng chúng ta thường hay phạm phải cái bệnh này mà không tự biết! Chúng ta học cách làm việc nếu không có sự thực tế, thì cũng giống câu chuyện phú ông chỉ xây tầng lầu thứ ba không nền móng như đã kể ở trên, rốt cuộc tất cả là hư ảo, làm thế nào cũng không trở thành sự thật.

Vì sao các Thanh niên có bệnh không thực tế? Bởi vì các Thanh niên chạy theo âm ảo tưởng. Xưa nay say mê ảo tưởng hoàn toàn không phải là việc xấu. Sự văn minh của nhân loại làm ra rất nhiều sản vật, không ít đều phát xuất từ những ảo tưởng của con người. Sản vật ấy trải qua những kế hoạch kỹ càng và thao tác thực nghiệm tinh tế của các nhà khoa học, cuối cùng ảo tưởng trở thành sự thật. Thí dụ: Trong quá khứ nhân loại nhìn thấy chim bay, liền ảo tưởng mình cũng bay lượn trong bầu không khí giống như loài chim. Thế là các nhà khoa học nỗ lực tìm tòi phát minh sáng tạo. Nhân loại ngày nay ngồi trên phi cơ bay đi giống như con chim, bay qua bay lại trong mây trắng, từ trên cao nhìn xuống nhà cửa giống như hộp diêm quẹt, đồng ruộng giống như miếng đậu hủ.

Vào thời cổ xưa, vầng trăng còn gọi là cung Quảng Hàn nơi Hằng Nga ở, người ước muốn leo lên đó là việc ảo tưởng. Có lần ông Tô Đông Pha diễn tả niềm cảm xúc bằng mấy câu thơ:
…………………
我欲乘風歸去,
唯恐瓊樓玉宇,
高處不勝寒。

 “Ta muốn cưỡi gió trở về,
Chỉ ngại lầu vàng điện ngọc,
Chốn cao đó lạnh buốt.”

Hôm nay vào thế kỷ XX, nhân loại đã phóng phi thuyền vào vũ trụ, đặt chân lên mặt trăng du hành một cách dễ dàng. Cho nên sự ảo tưởng là động lực thúc đẩy sự văn minh tiến bộ của nhân loại, như thế có ảo tưởng hơn là không có ảo tưởng. Thế nhưng, nếu chỉ là cái ảo tưởng trống rỗng hoàn toàn không một chút thực tiễn, thì ảo tưởng đó là hoang tưởng và mộng tưởng. Cho nên các Thanh niên đã có ảo tưởng, bước kế đến là phải lập ra một kế hoạch hoàn chỉnh, sau đó đích thân ra sức thực hiện, đồng thời với cách làm việc thực tế, thì ảo tưởng đó sẽ trở thành lý tưởng. Có thể nói một ảo tưởng tốt, một ảo tưởng thiết thực thì rất trân trọng.

Trong thời đại này, đối với Phật giáo, Thanh niên có những ảo tưởng gì? Trước đây có một vài Thanh niên thường đề nghị chúng tôi rằng: “Trong tương lai, Ngài nên mở trường đại học Phật giáo và lập bệnh viện Phật giáo.” Hiện nay một số Thanh niên lại bảo: “Ngài nên xây dựng thư viện và giảng đường.” Với lý tưởng hoài bão tràn đầy, nhưng tôi cảm thấy chưa thực sự cần thiết lắm. Đến khi có người khác xây dựng nào bệnh viện thư viện và giảng đường xong, mời những vị đã nêu lời đề nghị đến hiệp sức hỗ trợ cùng phát huy, thì những Thanh niên ấy lại kém hăng hái, hoặc từ chối không như lời đã hứa. Thí dụ: Giảng đường chùa Thọ Sơn ở Cao Hùng, được trang bị rất tiện nghi như dưới nền trải thảm, ghế tràng kỷ, hệ thống máy điều hoà, cửa kính cách âm, v.v… Tôi đã bàn giao cơ sở đó cho các vị cũng là những người muốn kiến tạo giảng đường, nhưng có lẽ không có ai dám tiếp nhận, bởi vì có những vấn đề khó giải quyết. Như người giảng kinh không dễ mời, tiếp người niệm Phật thì rất phiền phức.

Điều chủ yếu là do nền tảng học Phật của chính các vị chưa thâm hậu, chính các vị không thể lên pháp toà diễn giảng. Cho nên mời người khác chẳng được, giảng đường cũng đành để không, thật đáng tiếc biết bao! Bởi thiếu sự tu hành chân thực, nên tất cả những lý tưởng cao đẹp đều trở thành bọt bóng.

Cho nên, các Thanh niên sau khi có một lý tưởng rồi, cần phải đặt ra một kế hoạch chặt chẽ, với thái độ kiên quyết trau dồi chính mình để thực hiện lý tưởng. Kế đến, các vị nên vận dụng sự thể nghiệm chắc thực đó để tự chữa trị căn bệnh ảo tưởng, “ngồi mà nói không bằng đứng mà làm”, làm nhiều nói ít mới là bí quyết cầu học và hành đạo.

III. Phóng túng lại cố chấp:

Các Thanh niên chúng ta ngày nay sinh lực phấn chấn tợ mặt trời mới mọc, sung mãn như khí ban mai, nhưng tất cả đều cóù một khuyết điểm chung, là cứ cắm đầu lao về phía trước bất kể chuyện gì, để rồi lầm lạc, thậm chí đi vào ngõ cụt họ cũng chẳng nhận biết, đến nỗi đâm vào tường vách mặt mũi sưng tấy cũng chưa chịu dừng. Có người khuyên: “Như thế không được”; “như thế không tốt”. Nhưng Thanh niên thì cố chấp không chịu suy xét lại, với lý do “ngựa hay không xoay đầu gặm cỏ”, và cho rằng xoay đầu lại là việc mất vinh dự, cho nên khăng khăng làm theo ý riêng mình, mặc cho tới đâu thì tới.

Quan niệm chung của người thông thường là đời người cần phải thăng tiến về phía trước, nếu thoái lui là thất bại. Trong Phật giáo cho rằng đời người tiến về trước là nửa thế giới, lùi về sau cũng là nửa thế giới, thế giới phía trước là cửa hẹp, thế giới phía sau thì rộng bao la. Chúng ta nhìn thấy những người nông phu đang khom lưng cấy lúa, khi họ lùi về phía sau cấy những cây mạ non, lùi đến cuối bờ, cuối cùng mảnh ruộng trải dài một màu xanh biếc lúa non. Bởi vì các vị nông phu hiểu được cách lùi về phía sau, lấy lùi làm tiến, từ đó mới có thể gặt hái kết quả lớn lao. Các vị thiền sư nói: “Lùi bước hoá ra là tiến về phía trước.”

Cuộc sống của chúng ta cũng giống như cấy lúa mạ, phải biết lùi bước xoay đầu, nếu biết lùi bước xoay đầu cuộc sống mới có thể vẹn toàn. Như khi cưỡi ngựa gặp phải vách núi thẳng đứng, nếu không biết ghìm chặt dây cương và quay ngựa lại thì chắc chắn sẽ bị té nhào tan xương nát thịt. Trong cuộc sống biết xoay đầu cơ may còn phương thuốc có thể cứu, là điều trân quý vô cùng. “Kẻ lãng tử một khi xoay đầu dù có đem vàng đến cũng không đổi”. Khi kẻ lãng tử biết hồi tâm hối cải thì mọi người đồng vỗ tay hoan nghênh anh ta, bởi vì trong sự thất bại kẻ lãng tử ghi nhận một bài học, ngoi lên giữa thất bại, lấy đó làm điều răn nhắc cho lời nói và việc làm hiện tại, đồng thời cũng là năng lực thúc đẩy sự thành công trong tương lai, nên thất bại đối với họ có thể nói không phải là điều nhục nhã, đó là sự thử thách. Cuộc sống chúng ta chông chênh giống như bề mặt cung trăng, thật khó đi. Bởi vậy, người nào khi chưa vấp ngã hay đã vấp ngã, cũng không đáng hổ thẹn, ai không biết đứng dậy mới là đáng buồn. Cho nên thái độ cần thiết của Thanh niên khi gặp thất bại là: rút tỉa bài học từ sự thất bại, lắng nghe mọi ý kiến rồi can đảm sửa đổi, để chuyển thất bại thành thành công.

Người xưa ví kẻ mê muội không biết xoay đầu với những câu: “Chưa đến sông Hoàng Hà lòng chưa chết”, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.

Bởi vì người xưa khi đến sông Hoàng Hà thì cõi lòng như bị nhấn chìm trước dòng nước mênh mông ngút ngàn đó, nhìn thấy quan tài liền xót thương cho kiếp người. Thanh niên bây giờ sống thái quá bất cập, thậm chí đến sông Hoàng Hà vẫn chưa chuyển lòng, nhìn thấy quan tài vẫn chưa hồi tâm, đây là nguyên nhân gì? Đó là sự xem thường và buông thả. Xem thường chẳng kể đến đạo lý, buông thả chẳng nghe theo lời khuyên. Trong quá trình học hiểu, ai dám đảm bảo mình không nói sai, hoặc không có những nhận định sai? Các vị Thanh niên hay nói: “Điều này tôi đã nói, nhất định tôi phải thực hiện!”; “việc này tôi đã quyết định, nhất định tôi phải hoàn thành!” Các vị cho rằng Thanh niên ấy đã lầm, thì vị Thanh niên ấy sẽ viện lý do “người quân tử một lời đã nói ra, xe bốn ngựa khó đuổi kịp”, rồi cố giữ cái thấy của mình cứ thế làm càn. Chúng ta thường nói: “Người quân tử tôn trọng lời hứa”; một khi đã nói ắt phải làm tròn, để giữ vẹn chữ tín chúng ta càng coi trọng điều chân thật, tôn trọng chân thật thì càng phải biết lẽ phải, nếu nói ra mà không hợp lẽ phải thì nên sửa đổi ngay, sự việc biết làm sai thì tức thời nên xoay đầu lại. Đời người nên nhẫn nại và chăm chỉ làm việc, nhưng không nên càn ẩu. Nếu đã không đúng lẽ phải vẫn cố chấp làm bừa, thì chỉ chuốc lấy sai lầm này đến sai lầm khác, ngày càng lìa xa chánh đạo. Như khi chúng ta điều khiển chiếc xe chạy trên đường, chợt gặp đèn đỏ ắt phải dừng lại, nếu không dừng lại mà chạy càn, thì nhất định sẽ xảy ra tai nạn. Trong cuộc đời, việc gặp đèn đỏ và dừng xe, đôi khi cần nhìn qua hai bên, có lúc cần phải xoay đầu lại phía sau, đó là việc thường. Những người cứng đầu ương ngạnh, cần dùng phương thuốc gì để chữa trị ? Nên dùng phương thuốc tuỳ duyên, tuỳ hỷ, thuận theo tập thể trong Phật pháp để chữa trị. Bỏ hết những ý kiến cá nhân, tuỳ thuận theo đại chúng, lấy lợi ích của mọi người làm đầu, đối với lời chỉ dạy của những bậc tri thức, cần phải y giáo phụng hành, giống như xe lửa chạy trên đường rây, mới có thể chạy nhanh đến mục tiêu.

IV. Cố chấp không chịu nhận sai lầm:

Thông thường cái bệnh lớn nhất của con người là không bao giờ chịu nhận mình sai, như Thanh niên chúng ta thời nay đối với lỗi lầm của mình, không những không có dũng khí thừa nhận, mà còn cố chấp không chịu thú nhận. Thí dụ: Một Thanh niên được giao công việc nhưng lại không làm tốt, nếu có người nhắc nhở thì vị ấy liền đổ thừa: “Người kia không nói rõ ràng,” hoặc viện cớ: “Vì thiếu thời gian nên không thể làm kịp.” Hoặc khi hành đường(1) làm đổ vỡ chén bát, người đó không kiểm điểm sự thô thiển của mình, lại còn trách móc: “Mặt sàn quá trơn, nền gạch quá cứng, trở ngại cho việc đi lại, chén bát không được nung tốt v.v…” cuối cùng anh ta cho rằng mọi người đều không am hiểu, sự vật đều không tốt, còn chính mình luôn luôn là đúng. Người xưa nói: “Con người không phải là thánh hiền, có ai mà không phạm sai lầm, nhưng sai lầm mà biết xoay đầu, thì không có điều tốt nào quý bằng!” Riêng mỗi người chúng ta, không phải giống như đấng Từ Phụ, Ngài đã tự giác, giác tha, đức hạnh viên mãn vẹn toàn. Riêng mỗi người chúng ta đều có khuyết điểm, nhưng có khuyết điểm mà không thừa nhận, không thừa nhận khuyết điểm thì không biết sửa đổi, làm sao có thể tiến bộ? Bình thường chúng ta mặc quần áo đội nón, nếu mà áo mũ không ngay ngắn, thì khi đứng trước gương, chúng ta có thể chỉnh trang nó lại cho ngay ngắn, mới ra dáng vẻ đàng hoàng. Cũng thế, khi chúng ta có sai lầm, tiếp nhận sự nhắc nhở của người khác, cũng có thể như viên ngọc bích không tì vết, trở thành người có nhân cách thanh cao. Cho nên hầu hết Thanh niên biết nhận những khuyết điểm của mình, thì tiến bộ nhanh, không nhận những khuyết điểm thì tiến bộ chậm. Vì sao các Thanh niên không chịu nhận sai lầm ? Chính là do cái ngã chấp che mờ, luôn cho mình là rất tốt, rất đúng.

Mỗi người chúng ta có một thói quen: nhìn thấy hình ảnh của người khác sau khi chết, nhưng không nhìn thấy hình ảnh của mình sau khi chết. Đối với khuyết điểm của người khác chúng ta thấy rõ không sót, còn đối với khuyết điểm chính mình lại cố chấp bao che. Cụ thể như: ban giám thị bảo chúng ta, nhà trường quy định trong giờ học không được phép ăn quà vặt, nhưng các vị vẫn ăn, ban giám thị quở trách về việc ấy, trái lại chúng ta oán trách ban giám thị quá khắc khe. Ban giảng viên muốn kiểm tra bài tập của tất cả học sinh, nhưng các vị lại không giao nạp đúng hạn, khi ấy ban giảng viên tra hỏi, trái lại các vị than phiền thầy cô đã không thường đôn đốc nhắc nhở. Thanh niên lúc nào họ cũng viện đủ thứ lý do như vậy. Có lúc tôi xem qua sổ học tập trong tuần của mọi người, xưa nay sổ học tập là để nhận xét học lực hạnh kiểm tốt hay xấu của chính mình trong tuần, nhưng sổ học tập của các vị lại biến thành sổ phê bình, nào trách các giảng viên quá khắc khe, oán trách bạn bè không gần gũi giúp đỡ, nào thời khóa biểu quá dày đặt v.v… cuối cùng toàn phê bình người khác, trách cứ người khác không tốt, mà chẳng biết suy xét kiểm điểm lại chính mình.

Tăng Tử nói: “Ta trong ngày tự xét lại bản thân ba lần”. Bậc thánh hiền có đạo đức như Tăng Tử, mỗi ngày còn để tâm xét lại chính mình như thế, các học viên chúng ta tự hỏi đã làm được việc ấy hay chưa? Đời Tiên Tần có câu chuyện, tướng quân Liêm Pha nhận lỗi trước Lạn Tương Như, là tấm gương cho hậu thế, dũng cảm nhận sai lầm đối với người cấp bậc dưới mình, danh vọng đương thời như Liêm Pha còn phải nép phục, ông làm như thế cũng chính là hướng về các thế hệ sau xin lỗi vậy, không thẹn là bậc đại dũng cảm. Các học viên chúng ta tự xét lại mình có cái dũng khí đó hay không? Khi chúng ta bị ốm liền tìm đến thầy thuốc, mớicó thể chữa lành bệnh, thân thể khoẻ mạnh lại. Chúng ta hãy làm thầy thuốc cho chính mình, mạnh dạn đem căn bệnh của mình ra mổ xẻ. Trước khi điều trị, thầy thuốc chẩn đoán bệnh trạng, biết rõ căn bệnh của bệnh nhân, sau mới tuỳ bệnh cho thuốc. Cũng vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ căn bệnh của mình, như thói quen không hay trong cuộc sống nên trừ bỏ, ý nghĩ lệch lạc cần chấn chỉnh, lời nói sai quấy cần sửa đổi, một người mà không biết căn bệnh của chính mình, thì làm sao thân thể khoẻ mạnh lại được? Cho nên chúng ta cần phải noi theo Phật pháp, sám hối phản tỉnh từng lời nói và việc làm của mình hằng ngày, bỏ đi những cố chấp, nỗ lực sửa chữa những khuyết điểm.

Khi chúng ta mặc áo, đội nón đều cần soi gương. Cũng vậy, việc tu tập cũng cần có cái gương soi sáng, đó là cái gương chánh pháp. Các vị học viên chúng ta từ nay về sau, nên siêng năng sám hối, từ trong cái mặt gương Phật pháp này, học tập sự nghiêm cẩn để răn nhắc mình, đức khoan dung để tiếp đãi người, đồng thời học tập đức cao quý của người xưa, biết nhận những lỗi lầm trước đó, và nguyện không tái phạm.

V. Không lưu tâm và xem thường:

Trong Kinh A Hàm có ghi về loài phi nhân (1), loài này có một điều mắc phải là: 「聞善言不著意」 “Nghe lời lành mà không lưu tâm”. Các học viên chúng ta đối với ý kiến của mình thì cố chấp chẳng buông bỏ, nhưng đối với lời hữu ích của người khác thì thờ ơ không lưu tâm, điều tai hại phổ biến của bệnh xem thường, là thờ ơ đối với những lời khuyên răn. Như thầy giáo dạy: “Các em hãy nắm lấy thời niên thiếu, chuyên tâm học hành thật tốt!” Trong tâm vị Thanh niên liền thầm nói: “Ôi! Đây chỉ là lời nói cửa miệng”. Hoặc thầy giáo dạy: “Các em nên quý tiếc phước lành, phải phát nguyện lập chí đi!” Thanh niên liền nói thầm: “Hứ! Thật đáng ghét!” Thanh niên đối với lời nói hữu ích chẳng những không tiếp nhận, thậm chí chán ghét mà bỏ ngoài tai, đâu không đáng buồn? Chúng ta nghe đến lời vàng ngọc nên sanh lòng vui mừng, luôn khắc ghi tiếp nhận, lấy đó thực hành. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, vào một đêm đông cuối năm, mọi người ngồi xung quanh đống lửa kể chuyện.

Một vị lớn tuổi kể: “Ở trong núi sâu có một ông lão, chòm râu bạc phơ, ông đang phát bệnh, nhưng không có người chăm sóc ông, …” Câu chuyện đó chưa kể xong, mọi người không trông thấy tôi đâu, bèn chia nhau đi tìm, một hồi lâu mới phát hiện tôi trốn dưới gầm bàn, đang khóc nức nở, mọi người hỏi kỷ đầu đuôi, mới biết cái tình tiết của người trong câu chuyện, thâm nhập vào tâm linh đứa bé, khơi dậy tâm từ bi, nhớ đến “ông ngoại ở phương xa, thật đáng thương sao!” Cần phải ngay đêm đó, bất chấp mưa gió, tuyết rơi, phải đi đến nhìn thấy cho bằng được, mới yên lòng. Tôi từ nhỏ đến nay, rất dễ bị một câu nói làm động lòng, nếu là lời kể của bất cứ ai, đặc biệt là những lời hay chí lý, đều làm cho tôi cảm động một cách sâu xa. Trong những vị học viên thích xem phim, khi xem phim các vị có cảm động hay không? Khi xem sách báo, các vị có bị những lời đạo lý trong đó làm hấp dẫn hay không? Mọi người trông thấy vật gì, chỉ dùng mắt nhìn qua loa, chẳng chịu vận dụng trí não, cũng chẳng lưu tâm để ý đến sự vật, vì thế sự việc qua rồi liền quên, trong đầu trống rỗng như cái bình không. Người nghe những lời thiện lòng liền cảm động, chứng tỏ lời nói đó in sâu vào ý nghĩ, dẫn tới sự cảm thông với nhau. Có thể nói các học viên tuy đã biết vâng lời, mặc dù vâng lời như thế đã nhiều năm, nhưng có mấy ai là người thật sự hiểu được sự vâng lời? Từ nay về sau, các học viên nên vận dụng tâm vâng lời, vâng theo lời hay, nghe theo điều lành, để trưởng dưỡng lòng tin, tăng trưởng hạnh lành. Nghe lời lành mà lưu tâm là nguồn năng lực trưởng dưỡng thiện tâm.

Thân thể chúng ta có căn bệnh, cần phải tiêm hay uống thuốc, tinh thần chúng ta cũng cần lời nói thiện để bồi dưỡng. Lời lành giống như thức ăn ngon cung cấp cho chúng ta ăn, nhưng chúng ta lại không nhận, thật rất đáng tiếc! Căn bệnh không lưu tâm này, chính là do không vận dụng tâm ý vào công việc. Làm việc gì chỉ làm qua loa lấy có, tâm để ở đâu đâu, đương nhiên là không thể thành công. Thí dụ: Có người xuất gia đã lâu năm, sáng tối thời khoá tụng niệm ở điện Phật, nhưng vẫn không thể thấu đạt được tâm xuất thế. Trước đây có một học viên, thuộc làu Chú Lăng Nghiêm, bởi do vị ấy dành thời gian suốt hai tháng, mỗi ngày dùng tâm lắng nghe thời khoá buổi sáng. Nhưng các vị đã nghe mấy năm rồi, mà vẫn không thể thấu đạt, điều quan trọng là ở chỗ phải và không phải chịu dụng tâm! “Trên đời không việc gì khó, chỉ cần người có chí hướng”, nếu có quyết tâm làm việc, thì không việc gì không thành. Kể từ hôm nay về sau, mọi người cần nhất tâm nhất ý, mọi nơi đều lưu tâm, lúc nào cũng chú ý, ngoài việc dùng con mắt, cần phải dùng đến tâm, để quán xét từng sự việc một, nắm rõ ngọn nguồn mỗi sự việc, có thể như thế, thì không việc gì không đạt được, không việc gì không thành tựu.

VI. Không lập nguyện thì không ý chí:

Lúc các vị còn ở cấp tiểu học, thầy giáo đưa ra đề bài: “Hãy nói về chí hướng của chính mình.” Có người viết sẽ lập chí làm kỹ sư, có người lập chí làm nhà giáo dục, bác sĩ, phi hành gia, nhà khoa học v.v… Bây giờ tôi xin hỏi mọi người: Các vị đã vào cửa Phật, thế đã phát nguyện chưa? Lập chí rồi hay chưa? Đã lập nguyện rồi chăng? Khi chúng ta bắn mũi tên cần phải có mục tiêu, lúc chúng ta chạy đua, cần phải đạt điểm đích. Đời người cũng cần phát nguyện lập chí, nguyện lực giống như nhiên liệu trong xe hơi, giúp xe chạy phóng nhanh về phía trước, phát nguyện lập chí chính là năng lực thúc đẩy chúng ta đạt đến thành công. Từ xưa đến nay, chư Bồ tát lúc ở nhân địa tu hành, các Ngài thường hay lập đại nguyện rộng lớn, như bốn mươi tám đại nguyện của Phật A Di Đà, mười hai đại nguyện của Dược Sư Như Lai, mười đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, mười hai bi nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm... Sự phát nguyện của chư Phật, chư Bồ-tát, giống như thời khóa biểu đã đặt định của học sinh, nguyện lực đó khơi dậy tâm từ bi, sẽ sanh ra năng lực vô cùng, từ đó từng bước thực hiện công hạnh cứu giúp chúng sanh. Chư Phật và chư Bồ-tát trong quá khứ nếu không phát nguyện, thì giống như chiếc thuyền không có phương hướng, trôi xuôi theo dòng nước, thì có thể thành bậc thánh hiền chăng? Có phát nguyện mới có năng lực, dùng nguyện tâm để trang nghiêm cõi nước, độ khắp các loài hữu tình. Có vị học viên sẽ nói: “Vào mỗi thời khóa sớm tối, chẳng phải chúng tôi đều xướng tụng Tứ hoằng thệ nguyện đó sao?” Là nguyện độ chúng sanh, nguyện đoạn phiền não, nguyện học pháp môn, nguyện thành Phật đạo, sao nói chúng tôi là không phát nguyện? Thưa các học viên! Tứ hoằng thề nguyện đó, tôi đồng ý các vị có thể xướng tụng, mà còn xướng tụng nghe rất hay nữa, nhưng dường như các vị không dám bàn đến! Các vị cũng chưa thực hành theo! Các vị thật sự có độ vô biên chúng sanh, đoạn vô tận phiền não, học vô lượng pháp môn, có thành Phật quả vô thượng chăng ?

Thanh niên hiện nay, bộ dạng uể oải, làm việc không năng nổ, tinh thần không một chút phấn chấn, không hứng thú đọc sách. Đó là do nguyên nhân gì? Chính là chưa có tâm chân chánh phát nguyện, cho nên không có năng lực. Thí dụ: có một vị Thanh niên phát một tâm nguyện, phải cố gắng trình bày tốt tập đặc san tốt nghiệp, với cái tâm nguyện đó, trao cho anh ta thêm nhiệm vụ, cũng giống như đồng hồ được lên dây cót, sẽ sanh ra một sức mạnh, thế là anh ta bỏ ăn quên ngủ, dốc hết trí não, làm thành tập đặc san đó một cách mỹ mãn. Muốn thực hiện điều gì, tâm chúng ta phải hoàn toàn chuyên chú, một lòng một dạ thực hiện nguyện vọng, thì nhất định có thể đạt được ước nguyện. Các vị tổ sư quá khứ, đến trụ một nơi nào đó, trải qua mười năm, hai mươi năm, cho dù gặp bất cứ khó khăn nào, cũng không dễ dàng rời bỏ. Đó là vì sao? Vì các ngài đã phát nguyện và lập chí, vì tương lai có thể trở thành pháp khí (người hữu dụng), cho nên cam chịu tất cả sự rèn luyện hun đúc. Các học viên chúng ta phải chăng đã có những tâm nguyện? Nếu vị nào chưa phát nguyện thì sẽ mắc cái bệnh không ý chí. Đức Phật lúc trẻ tuổi, trông thấy chúng sanh chịu khổ, liền có bi nguyện muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ. Đại sư Huyền Trang thời thơ ấu, đã có chí nguyện làm rạng rỡ Phật giáo. Các học viên chúng ta muốn trở thành bậc thánh hiền, thì điều chủ yếu đầu tiên nên học tập gương phát nguyện. Các học viên sẽ nói: “Tâm nguyện của chư Phật, chư Bồ tát rất vĩ đại, chúng ta không có cách gì ước mong đảm nhận tâm nguyện đó. Đây là do các vị chưa lập chí. Thí dụ: Các vị xuất gia lập chí là phải làm người xuất gia có đạo hạnh tốt. Người xuất gia cần có đủ những điều kiện: Giữ giới để tu định, cầu trí tuệ để học pháp, lại phát tứ vô lượng tâm, thực hành sáu pháp ba la mật, các vị chỉ cần có nguyện lực, lo gì không thực hành được? Thí dụ: Mọi người lập chí làm người học sinh giỏi, muốn vậy các vị phải phát nguyện: kính trọng thầy giáo, chăm chỉ đọc sách. Trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, của đại sư Tỉnh Am ghi: “Cửa chính yếu vào đạo, phát tâm là đứng đầu, khẩn thiết của việc tu hành, lập nguyện là trước tiên, có lập nguyện thì mới có thể độ chúng sanh, có phát tâm thì Phật đạo mới có thể thành tựu.” Như thế phải phát những nguyện gì? thí dụ: Lúc làm điển tọa, phát nguyện nấu nướng thức ăn thật chu đáo, để đại chúng thưởng thức những vị ngon ngọt của cơm canh; khi quét đất, phát nguyện quét dọn sạch sẽ, để đại chúng có được khung cảnh trong lành mát mẻ. Luôn luôn phát nguyện, từ những tâm nguyện đó, bồi dưỡng công hạnh để thành Phật thành Tổ.

VII. Không thực hành từ bi mà lại ích kỷ:

Phật giáo rất chú trọng tinh thần từ bi, thế nhưng Thanh niên bây giờ lại thiếu tâm từ bi, làm việc gì cũng không có tâm từ. Thấy chúng sanh đau khổ, nhưng không cảm nhận nỗi khổ đó sẽ đến với mình, như thấy người suy yếu có lúc mình cũng sẽ suy yếu, hay thấy người đói khát mình cũng sẽ bị đói khát. Thấy Phật pháp suy vi, nhưng không có chí khôi phục chấn hưng, cũng không có tinh thần quên mình vì đạo như các bậc tiền bối. Tất cả dường như không có quan hệ với họ, nên họ không làm các hạnh từ bi, hay những làm các việc lợi ích có ý nghĩa, có thể nói bệnh “ích kỷ riêng tư” đang phổ biến khắp.

Thanh niên ngày xưa rất dồi dào tâm từ bi, khi nói nín đều nghĩ đến phục vụ viện dưỡng lão hay viện mồ côi, đem tình thương sưởi ấm ban bố cho người già và trẻ em không nơi nương tựa. Hoặc lấy việc “hoằng pháp lợi sinh” làm nhiệm vụ của mình, với tinh thần rất nhiệt tình. Nhưng hiện nay, không có vị Thanh niên can đảm nào nói những lời như thế, bởi vì chỉ cần Thanh niên có những chí hướng, thì lãnh đạo học viện lập tức sẽ hoàn thành tâm nguyện của họ, sẽ giới thiệu họ đến phục vụ những đơn vị đã được thiết lập ở đây, để bổ xung tăng cường nhân lực. Bởi do, trước đây không có những đơn vị tổ chức từ thiện, cho nên Thanh niên thường hô hào khẩu hiệu từ bi, đến khi có cơ hội để thể hiện tâm từ bi, thì họ lại e dè trốn tránh, không dám chung vai gánh vác, cho nên từ bi không phải là điều nói ngoài cửa miệng, mà phải bằng những việc làm cụ thể thiết thực. Các Thanh niên cầu học Phật pháp, hành trì Phật pháp, nếu chẳng thực hành hạnh từ bi, mà muốn sống tương ưng với Phật pháp thì chẳng thể được. Tri thức của một kẻ không có tâm từ bi, thì tri thức đó là tà lệch. Các Thanh niên thời nay vì sao thiếu hạnh từ bi? Bởi vì tâm riêng tư ích kỷ, ích kỷ là chỉ nghĩ đến riêng mình, không nghĩ đến người khác. Ích kỷ chỉ sống riêng cá nhân, mà không sống vì Phật pháp, vì chúng sanh. Bởi vì ý niệm “tự ngã” luôn ở trong tâm, không ý nghĩ vì mọi người, không vì Phật pháp, cho nên tâm từ bi không sanh khởi lên được. Chúng tôi phân tích cấu tạo của chữ ngã, chữ ngã [我], một bên là chữ qua [戈] (nghĩa: đánh nhau), bởi vì ích kỷ, mọi người dùng mưu đồ để lợi ích riêng cho mình, cho nên dễ xảy ra những việc tranh đấu, có ngã thì có tranh chấp. Phật giáo rất vĩ đại và rất phi thường, trong Tam pháp ấn Đức Phật chỉ dạy: 「諸 法無我」 các pháp vô ngã, điều này sớm vì chúng ta vạch ra chân lý bất biến ngàn đời, chỉ có dứt bỏ tự ngã, mới có thể sống hòa bình yên ổn. Nhưng thật hổ thẹn, phật tử chúng ta rất ích kỷ, không có quan niệm hiến dâng mình cho Phật pháp và cho chúng sanh, làm việc gì thấy bất lợi cho mình, dù việc ấy có lợi cho nhiều người, nhưng họ hoàn toàn tiếc rẻ, không dám ban bố từ bi.

Chúng ta thường phê bình Thiên chúa giáo không hay, nhưng chúng ta lại thấy tín đồ Thiên chúa giáo dâng hiến mình cho viện mồ côi, viện bệnh phong, ít nhiều tín đồ đã trải qua năm tháng sống trong các viện đó. Nhưng phật tử chúng ta, một nụ cười, một câu nói hay, có lúc cũng không muốn ban bố cho người. Phật giáo chúng ta là tôn giáo “Đại từ, đại bi”, nhưng phần đông phật tử hiện nay, chẳng những Thanh niên, cho đến những người lớn tuổi đều riêng tư ích kỷ, chẳng thực hành hạnh từ bi, thật là ngược đường mà đi, giống như trèo lên cây tìm cá, càng thêm lìa xa Phật pháp. Cho nên chúng ta cần trừ bỏ quan niệm ích kỷ, thường thực hành hạnh từ bi.

VIII. Không dốc chí học sâu hiểu rộng:

Trước đây không lâu pháp sư Ấn Thuận đến núi này diễn giảng, đã từng cùng tôi thảo luận, về vấn đề Thanh niên hiện nay thiếu nghiên cứu, học hiểu rất sơ sài.

Tôi nói với Ngài: “Thanh niên hiện tại đến Phật học viện, đọc học khoảng mấy năm, liền nôn nóng, trở về chùa lãnh nhận trụ trì, họ không có tinh thần cầu học vững vàng trong đại tùng lâm như thuở trước.” Ngài nói với tôi: “Con người thuở trước, cuộc sống khó khăn, muốn trở thành một vị pháp sư, không trải qua thời gian tu học trên mười năm thì không được. Con người hiện tại, đời sống quá dễ dàng, quá sung túc, học Phật pháp chừng mấy năm, thì lập tức trở thành vị pháp sư, có thể thu nhận đệ tử, quản lý chùa chiền, thọ nhận người cúng dường. Vả lại trước đây Phật học viện thì ít, người muốn được thành tựu, nếu không trải qua một phen ẩn tu, thì không được.

Nhưng hiện nay làm pháp sư rất dễ dàng, làm trụ trì cũng dễ, cần gì phải bỏ thời gian trên mười năm để học tập?” Chúng ta thử nhìn xem: Phật học viện ở Đài Loan giống như măng mọc lên sau cơn mưa xuân, số lượng tính ra không ít, những người đỗ đạt tốt nghiệp từ trước đến nay, giống như con cá chép vượt qua sông, nhiều vô kể, nhưng có mấy người thật sự thành tựu? Người nghiên cứu tu học đến chỗ tinh thâm giống như pháp sư Hội Tính thì rất ít vậy. Pháp sư Hội Tính lúc trước ở núi Sư Đầu, đóng cửa sáu năm, ông không nhận chức trụ trì chùa Nguyên Quang núi Sư Đầu thì không được, nhưng ông không muốn lãnh nhận chùa chiền, vì thế trốn đến thôn làng ở dưới núi, ẩn cư đọc kinh tạng, ngày nay trở thành vị Thanh niên gương mẫu trong tỉnh, có được sự thành tựu. Đa số thanh niên đều rất nông cạn, không muốn cầu học một cách vững vàng, cho nên chẳng trở thành người hữu dụng. Cây cối ở vùng khô và lạnh, sự sinh trưởng rất chậm, cái vân tuổi của nó rất khít, cho nên nó rất cứng chắc, dùng làm trụ cột dựng nhà, hay dùng bắc cầu rất tốt. Mong rằng trong tương lai, các học viên chúng ta sẽ có những thành tựu, hơn hẳn mọi người, hiện tại cần vun bồi sự tu học thâm sâu. Nghiên cứu tu học Phật pháp khác với học kỹ thuật, học kỹ thuật hai hay ba năm, thì tài nghệ có thể siêu xuất. Thí dụ: Các em học sinh trường mầm non, đến trường không lâu thì biết cách đánh đàn organ. Nhưng học Phật pháp hai hay ba năm thì vẫn không thể thành tựu, bởi vì Phật pháp là học vấn cả đời người, là việc lớn đời đời kiếp kiếp. Bồ tát còn phải trải qua thập địa, chuyên cần tinh tấn, hà huống là chúng ta? Cho nên các học viên học Phật pháp, cần phải quyết tâm công phu, cần học đến chỗ thể nhập uyên thâm, không thể làm một cách nôn nóng vội vã.

Phần trên đã trình bày tám thứ bệnh của các Thanh niên, ngoài ra còn rất nhiều căn bệnh, không có cách gì mà kể hết, nói nhiều e rườm rà.

Một thầy thuốc biết rõ căn bệnh của người bị bệnh, chẳng phải là mục đích chân chánh, chủ yếu là làm sao những thứ bệnh của bệnh nhân được tiêu trừ, thân thể khoẻ mạnh, mới là điều tối quan trọng. Các học viên chúng ta phải biết rõ căn bệnh của mình, sau đó nên dụng tâm sửa đổi. Phương pháp để dứt trừ căn bệnh chính là sửa chữ “chẳng nên” [不] thành “cần phải” [要], rồi nỗ lực thực hiện các điều như: Cần phải “nhẫn nại”, cần phải “thiết thực”, cần phải “xoay đầu”, cần phải “biết nhận sai lầm”, cần phải “biết lưu tâm”, cần phải “lập nguyện”, cần phải thực hành “hạnh từ bi”, cần phải “cầu học sâu rộng”, chúng ta dùng cái gương Phật pháp này, để chấn chỉnh những cử chỉ của mình, và dùng Phật pháp làm vị thầy dẫn đường cho mình, sẽ dẫn dắt chúng ta đi theo phương hướng đúng đắn. Căn bệnh trên thân thể, chỉ cần cho thuốc thích hợp thì việc điều trị dễ dàng, nhưng căn bệnh thuộc về tinh thần, khó mà điều trị đến tận gốc, chỉ có tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật pháp, mới là phương thuốc tốt nhất. Từ nay về sau mọi người nắm bắt thang thuốc hay này, kiểm nghiệm rồi hăng hái thực hành, khiến cho mình trở thành người khỏe mạnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn