Quan điểm của Phật giáo về phụ nữ Bình đẳng giới tính (sexual equality) và nữ quyền thuộc về những vấn đề quan trọng nhất của thời đại mới. Trong đa số các nền văn hoá (không cứ là văn hoá Đông phương) giới chịu các bất công trong những bất bình đẳng về giới tính thường tranh đấu cho nữ quyền. Bình đẳng về giới tính một cách tổng quát xoay chung quanh các vấn đề chính mà tôn giáo cũng có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp như: khái niệm về đàn ông và đàn bà và khả năng tâm linh của họ; quyền được học hỏi và thực hành các giáo lý; cơ hội về các vai trò trong tổ chức; địa vị, sự kính trọng, và quyền hành trong gia đình; bình đẳng trong các vấn đề luật pháp như ly dị; quyền được hưởng những phương tiện giáo dục; quyền được theo đuổi nghề nghiệp; quyền lợi chính trị, vân vân. Như đã đề cập, khái niệm của tôn giáo về bản tính của người đàn ông và nhất là đàn bà có rất nhiều ảnh hưởng đối với tình trạng hiện thực của người phụ nữ trong đời sống tôn giáo và xã hội. Ngày nay, vì ưu thế của văn minh Tây phương, đa số mọi người (kể cả người Đông phương) nuôi dưỡng những thái độ rất nông cạn về văn hoá và tôn giáo Đông phương. Một trong những thái độ này là tôn giáo và văn hoá Đông phương “đè nén” phụ nữ. Văn hoá và tôn giáo Tây phương trái lại chấp nhận bình đẳng giới tính. Thật ra thì “đè nén” phụ nữ hầu như là một đặc tính chung của văn hoá nhân loại. Cũng đúng thật phong trào nữ quyền là một hiện tượng mới và bắt nguồn ở Tây phương. Điều này chứng tỏ rằng những hạt giống bình đẳng giới tính cũng có hiện diện trong văn hoá tôn giáo và trong tâm thức của người phụ nữ. Nhưng các điều kiện thuận tiện cho tranh đấu nữ quyền phát triển ở Tây phương nhờ ở các thay đổi về mặt trí thức, kinh tế, chính trị, xã hội. Những ai theo dõi vấn đề này đều nhận thấy rằng tranh đấu nữ quyền hiện nay không còn là một hiện tượng thuần tuý Tây phương nữa. Những người phụ nữ tự giác (self-conscious) ở khắp các nền văn hoá đã bắt đầu đóng góp đáng kể cho việc xác nhận quyền lợi, phẩm tính, và vai trò tích cực/lãnh đạo của người phụ nữ trong đủ mọi phương diện của đời sống. Bài viết ngắn này nhắm trình bày một cách tổng quan những thái độ căn bản của truyền thống Phật giáo có liên quan đến các vấn đề then chốt về bình đẳng giới tính và nữ quyền như đã nêu ra ở trên. Phật giáo có một lịch sử lâu dài hơn hai ngàn năm trăm năm và trải rộng ra trong nhiều nền văn hoá khác nhau, cho nên lập trường của Phật giáo về bất cứ một vấn đề gì cũng hết sức đa dạng. Nói cách khác, quan điểm và thái độ của người Phật tử còn chịu cả ảnh hưởng của các nền văn hoá/tôn giáo trong các quốc gia mà Phật giáo có mặt như Ấn giáo, Nho giáo, Thiên chúa giáo, vân vân. Đức Phật thuyết giảng suốt gần nửa thế kỷ. Giáo lý của ngài bao gồm các vấn đề từ triết lý, vũ trụ quan, tâm lý học, nhận thức luận, chính trị, xã hội, kinh tế, đạo đức, bình đẳng giới tính vô cùng sâu rộng, vượt qua trí tưởng tượng của một Phật tử Việt Nam bình thường. Để có thể đóng góp một cách thiết thực cho nhân loại, để biến cộng đồng Phật giáo thành một cộng đồng khả kính, người Phật tử phải có nhiệm vụ tìm hiểu, suy niệm về các khía cạnh phong phú của Phật Pháp cũng như tạo điều kiện và phương tiện để thực hiện những lời dạy của Đức Phật trong đời sống. Phật giáo không phải chỉ là cúng kiếng cầu phước lễ bái. Thái độ ù lì, thụ động, và giáo điều là những gì hoàn toàn tương phản với Phật giáo. Xin trở lại với vấn đề phụ nữ. Sự hiện diện và đóng góp của giới phụ nữ trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam là điều rất hiển nhiên. Trong các sinh hoạt tôn giáo, chúng ta thường thấy sự hiện diện của phụ nữ đông đảo hơn nam giới. Rủi thay, đây lại là một lý do để một số người hạ thấp Phật giáo. Rất nhiều người nói rằng “đến chùa chán lắm, toàn là đàn bà”. Đây là một câu nói sặc mùi kỳ thị giới tính (sexist) cũng như hoàn toàn vô nghĩa lý. Thứ nhất, không bao giờ nghe ai nói “đến chùa chán lắm toàn là đàn ông”. Thứ nhì, phẩm chất của một tôn giáo tuỳ thuộc khả năng và đức độ của giới lãnh đạo cùng với trình độ hiểu biết và cách hành xử của các tín đồ của tôn giáo ấy. Phẩm chất của một tôn giáo tuyệt nhiên không phải chỉ được qui định bởi sự tham gia của giới tính. Cũng tựa như giá trị của một trường đại học là ở nơi tài nguyên, thư viện, trường sở, khả năng của ban giảng huấn, và trình độ của sinh viên. Không có bằng cớ khách quan nào chứng minh rằng một trường đại học có nhiều nữ sinh hơn nam sinh là một trường có phẩm chất kém và ngược lại. Nói chung, hiện nay sự hiện diện của phụ nữ trong các cộng đồng Phật giáo khắp thế giới rất là hiển nhiên. Những phụ nữ này không chỉ tham gia với tư cách là những tín đồ hay thí chủ mà còn là các tu sĩ và thầy dạy. Nhưng kinh điển và truyền thống Phật giáo mô tả người phụ nữ ra sao? Trong lúc mà hầu hết các tôn giáo bị xem là có tính cách phụ hệ (patriarchal), lập trường của Phật giáo như thế nào? Giáo lý Phật giáo có thể đóng góp những gì cho sự bình đẳng giới tính, cho nữ quyền?
Phật giáo khởi thuỷ trong bối cảnh văn hoá Ấn giáo. Trên mặt tư tưởng, Phật giáo chia sẻ với Ấn giáo một số khái niệm nền tảng tuy rằng Đức Phật đưa ra những lối giải thích khác. Điểm dị biệt chính là ở chỗ Đức Phật không chấp nhận những cơ chế nghi lễ căn bản của Ấn giáo đặt trên nền tảng của hệ thống giai cấp. Điều này cũng đóng góp cho quan điểm của Đức Phật về nhân phẩm và vị trí của người phụ nữ. Do đó, muốn hiểu thái độ của Đức Phật về vai trò của người phụ nữ, chúng ta cần có một khái niệm căn bản về vai trò của người phụ nữ trong Ấn giáo. Ấn giáo cổ thời dựa trên kinh Veda (khoảng 2000-1500 trước Công nguyên) là một thế giới quan nhấn mạnh về nghi lễ tế tự. Theo tư liệu có được, chúng ta biết rằng trong các thần linh được thờ phượng có một số nữ thần; và trong số các tác giả của những thánh thi có một số là phụ nữ. Phụ nữ tương đối được kính trọng và được quyền tham dự vào đời sống tâm linh. Nhưng bởi vì Ấn giáo cổ thời nhấn mạnh vào nghi lễ và tín niệm rằng nghi lễ là bí quyết kiểm soát vũ trụ, cho nên dần dà (vào khoảng từ 1000-700 trước Công nguyên) xuất hiện những kinh văn với những chỉ dẫn phức tạp về việc thực hành nghi lễ. Sự đào luyện các chuyên viên về nghi lễ càng trở nên cần thiết. Chương trình đào luyện này đòi hỏi nhiều thời gian và ở những trung tâm xa nhà với các chuyên gia, cho nên chỉ đàn ông trong giai cấp tu sĩ mới được hưởng đặc quyền này. Một trong các nghi lễ quan trọng nhất của Ấn giáo là tang lễ. Con trai được xem là thiết yếu trong việc thi hành tang lễ để giúp vong linh người cha đạt được cõi trời. Chính vì thế mà nảy sinh ra các nghi lễ để ngăn chặn việc sinh con gái, bởi vì con gái bị xem như gánh nặng cho gia đình cho đến khi đi lấy chồng – nhiệm vụ chính yếu của người phụ nữ. Vai trò của người phụ nữ là làm vợ và sinh đẻ (làm mẹ). Người vợ phải hoàn toàn phục tùng chồng và cha mẹ chồng. Mặc dù trong các kinh Upanisads (khoảng 700-200 trước Công nguyên), các kinh thư nhấn mạnh kinh nghiệm huyền bí(mystical) và khổ hạnh, chúng ta thấy có đề cập đến một vài phụ nữ khổ tu, thế nhưng khổ tu vẫn được xem là đặc quyền của nam giới. Một tâm lý thường tình là các nhà khổ hạnh (hầu như của tất cả mọi tôn giáo) đều xem phụ nữ là những “cám dỗ” cần tránh xa. Đến khi Phật giáo và Kỳ-na Giáo (Jainism) xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, như một thành phần của nỗ lực củng cố cơ chế Ấn giáo, các tu sĩ Ấn giáo bắt đầu soạn thảo ra các kinh thư (được gọi chung làdharmasastras, đại khái là các sách về qui luật tôn giáo) qui định đời sống xã hội dựa trên các phép tắc mà họ soạn ra. Do đó, địa vị của phụ nữ càng bị thấp đi. Theo những kinh thư kia, nhất là các bộ có ảnh hưởng nhất xuất hiện vào khoảng 100 năm trước Công nguyên, phụ nữ không được phép đọc kinh Veda, không được thi hành nghi lễ hay tế tự ngoại trừ với tư cách phụ trợ cho đàn ông. Nếu bảo rằng những kinh thư này (hay là Ấn giáo nói chung) chỉ toàn đưa ra những quan điểm tiêu cực có tính cách kỳ thị phụ nữ thì cũng không công bình lắm. (Bởi vì suốt lịch sử Ấn giáo, cho đến hiện nay, lúc nào cũng có sự hiện diện của các nữ thần và các thầy dạy đạo (guru) phái nữ được các tín đồ thuộc cả nam lẫn nữ giới tôn sùng). Một cách hết sức vắn tắt, các kinh thư này hàm chứa những quan điểm đa dạng về phụ nữ. Chẳng hạn, cũng có nhiều đoạn nhấn mạnh về tầm quan trọng của nghi lễ không thể được thi hành hoàn hảo nếu không có sự trợ giúp của người vợ, vân vân. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận định rằng theo quan điểm chung của các kinh thư này thì địa vị của người phụ nữ vẫn hoàn toàn dưới nam giới. Đại khái là người phụ nữ luôn luôn cần được cha, chồng, hay con trưởng “bảo vệ”. Không bao giờ nên để cho người phụ nữ được độc lập. (Ở đây chúng ta không khỏi liên tưởng đến quan niệm “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” của nhà Nho). Nói tóm, các nhiệm vụ của người phụ nữ chỉ là phục dịch chồng và chăm sóc nhà cửa. Người phụ nữ phải luôn luôn vâng lời và kính trọng chồng dù là người chồng bê tha hoang đàng. Người đàn ông có quyền ly dị vợ, người phụ nữ lại không hề được phép ly dị chồng. (Đức Phật, trái lại, luôn luôn nhấn mạnh sự hỗ tương. Người vợ có bổn phận đối với chồng. Người chồng cũng có những bổn phận tương đương đối với vợ).
Lúc Phật giáo xuất hiện thì khái niệm nghiệp (karma) đã mang những tầng lớp ý nghĩa đa dạng và sâu đậm hơn là ý nghĩa “hành động nghi lễ” trong Ấn giáo thời cổ. Một trong ý nghĩa của khái niệm “nghiệp” mà Phật giáo nhấn mạnh là trách nhiệm cá nhân của con người về hành động của mình. Nói tóm, theo quan điểm của Phật giáo thì định mệnh của một người sau khi chết (hay trong kiếp sau) là do nơi “nghiệp” (có nghĩa là các hành động có ý chí và các hậu quả của các hành động này, tức là nghiệp riêng) của người ấy cùng với sự trợ lực của các “nghiệp” có tương quan với những người khác (tức là nghiệp chung), chứ không giản dị được qui định bởi sự thực hành tang lễ đặc biệt dựa trên vai trò của con trai trưởng như trong Ấn giáo thời cổ. Có lẽ phần nào vì quan điểm này (biểu lộ đa dạng trong các nền văn hoá khác nhau), cùng với các dữ kiện kinh tế, xã hội, cho nên đến tận ngày hôm nay đa số người ta vẫn vui mừng khi sinh con trai hơn là con gái, hay là cảm thấy chưa trọn vẹn nếu chưa có con trai. Từ quan điểm của Phật giáo, nhu cầu phải có con trai ít ra không còn là một thiết yếu nghi lễ nữa. (Do đó, chúng ta nên lưu ý rằng trong các quốc gia mà phần đông dân số theo Phật giáo, chẳng hạn như Việt Nam, tinh thần trọng con trai hơn con gái có thể được giải thích như sau: một là vì nhu yếu chung của các xã hội nông nghiệp, cần con trai để có nhiều bắp thịt cày bừa. Hai là ảnh hưởng của Nho giáo, một thế giới quan chúa trọng nam khinh nữ. Người đàn bà vì lý do gì không biết không sinh được con trai bị xem là một món hàng khiếm khuyết, cũng là cái cớ để ông chồng mừng rỡ đi lấy vợ khác “kiếm đứa con trai”. Cái thái độ “phải có con trai” này tuyệt nhiên không quan hệ gì với thế giới quan Phật giáo cả). Một ví dụ cụ thể trong kinh Phật là khi vua Pasenadi buồn vì vợ ông là hoàng hậu Mallika – người sau này dẫn dắt chồng vào Phật giáo – sinh con gái, Đức Phật đã trách nhà vua rằng buồn phiền vì vợ sinh con gái là một thái độ hết sức sai lầm, bởi vì một người con gái có trí tuệ và đức hạnh không những không kém mà còn ưu việt hơn con trai. Nói tóm lại, với sự xuất hiện của Phật giáo, người phụ nữ được nhiều kính trọng hơn và được xem là những cá nhân (chứ không phải chỉ là những món đồ sở thuộc đàn ông). Họ được nhiều độc lập hơn, tự do hơn để tự theo đuổi nếp sống mà họ lựa chọn. Phật giáo nguyên thuỷ không xem người phụ nữ giản dị như một công cụ sinh đẻ, và mục tiêu duy nhất của người phụ nữ không phải chỉ là hôn nhân. Người phụ nữ có quyền chọn không lập gia đình (mà người khác không nên dè bỉu) và được quyền trở thành tu sĩ, nghĩa là theo đuổi đời sống tâm linh. Một tập tục của Ấn Giáo là sati, hiện vẫn còn lưu hành trong một số cộng đồng tín đồ, theo đó thì cách hành xử cao thượng nhất của người vợ khi chồng chết là chịu chết theo chồng trên giàn hoả. Goá phụ không được phép tái giá và bị xem là “điềm gở”. Phật giáo trái lại cho phép goá phụ được tái giá. Có một số tôn giáo xem hôn nhân như một nhiệm vụ tôn giáo, một thánh lễ(sacrament). Hôn nhân có nghĩa là người đàn ông và người đàn bà được Thượng đế kết hợp, cho nên chết sống gì cũng cứ phải ở với nhau. Ly dị là một tội lỗi. Thái độ của Ấn giáo cũng thế, hôn nhân là một nhiệm vụ của tôn giáo, không phải là cơ hội để “lãng mạn”. (Ví dụ như đi quân dịch là một nghĩa vụ trong một quốc gia có chiến tranh. Những người đi quân dịch đâu cần thiết phải thật sự yêu nghề lính!) Chính vì thế mà trong xã hội Ấn Độ có tập tục hôn nhân được gia đình dàn xếp, chứ không phải do hai người liên hệ tự quyết định. (Nếu xem hôn nhân là một nhiệm vụ tôn giáo thì tập tục này chưa hẳn đã là chậm tiến!) Phật giáo xem hôn nhân như một khế ước (contract) giữa người đàn ông và người đàn bà. (Vì thế mà hôn lễ không phải là một nghi lễ tôn giáo trong truyền thống Phật giáo. Gần đây có một số Phật tử làm hôn lễ trong chùa. Điều này cũng không có gì là sai quấy, nhưng chúng ta phải hiểu rõ lý lẽ đằng sau). Do đó, Phật giáo tuy không khuyến khích (bởi vì Phật giáo nhấn mạnh từ bi, tôn trọng sự hài hoà xã hội, hiểu rằng ly dị không phải là một biến cố vui mừng) nhưng cho phép ly dị. Hơn nữa, Phật giáo còn cho quyền đàn bà ly dị đàn ông. L.B. Horner, một trong hai vị phụ nữ tiên phong trong việc truyền Phật giáo qua Tây phương, một người có công lớn với Phật giáo, tóm lược những điểm chính của quan điểm bình đẳng giới tính trong các kinh điển của Phật giáo nguyên thuỷ như sau: Đức Phật đạt giác ngộ là vì sự hữu ích cho các tăng, ni, nam cư sĩ, và nữ cư sĩ; ngài đã dạy Pháp cho tất cả bốn nhóm này – trong thuật ngữ Phật giáo gọi là “tứ chúng”. (Đó là nhìn từ khuôn khổ nội tại của lịch sử Phật giáo. Từ một viễn cảnh rộng hơn, chúng ta có thể nói rằng Đức Phật đạt giác ngộ vì lợi ích cho chúng sinh thuộc tất cả mọi giới tính, cho cả người xuất gia lẫn người tại gia). Đức hạnh hay thói xấu của “tứ chúng” có ảnh hưởng tương tự đối với sự tồn tại hay diệt vong của trí tuệ và tu tập Phật giáo. Nói cách khác, một vị tăng, ni, nam cư sĩ, hay nữ cư sĩ, có trí tuệ, giới luật, tự tin, thực hành Pháp đều có thể làm rạng rỡ cả cộng đồng Phật giáo. Phụ nữ có cùng những giới hạn và khả năng tâm linh giống như đàn ông. Ni có thể phát triển tâm linh giống như tăng. Đức Phật nói rằng mục tiêu của ngài là làm sao cho tăng, ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ hiểu thấu, phân tích, và giải thích Pháp một cách rành mạch. Đức Phật luôn luôn dạy những giáo lý tương tự cho cả đàn ông lẫn đàn bà, đôi khi ngài còn nỗ lực một cách đặc biệt để dạy giới phụ nữ. Đức Phật công nhận rằng phụ nữ có thể đạt được các thành quả tâm linh cao. Bằng chứng là trong nhóm các tín đồ của Đức Phật có hàng trăm phụ nữ đạt được những thành quả tâm linh khác nhau. Đức Phật nói rằng đời sống tâm linh ngài thiết lập sẽ không hoàn hảo nếu không có phụ nữ tu tập giáo pháp.
Phật giáo là một trong những tôn giáo đầu tiên có giáo đoàn cho ni giới (đại khái là nữ tu sĩ). Giáo đoàn này được thành lập năm năm sau khi Đức Phật thành đạo. Hầu như người Phật tử nào cũng biết nguồn gốc của giáo đoàn ni giới này là từ bà Maha-prajapati Gotami, dì và cũng là kế mẫu của Đức Phật. Sau khi Đức Phật thành đạo, bà Gotami trở thành một trong những đệ tử đầu tiên của ngài. Bà đi theo Đức Phật khắp mọi nơi, cần mẫn tu học, nổi tiếng là người có trí tuệ và đức hạnh rất cao. Có rất đông phụ nữ luôn luôn theo bên cạnh Gotami để học đạo. Theo kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ thì bà Gotami đến gặp Đức Phật để xin được chấp nhận cho phụ nữ xuất gia. Bà xin ba lần, ba lần đều bị từ chối. Thế rồi Gotami và nhóm phụ nữ theo bà cạo đầu, đắp y vàng để tỏ ý thành khẩn và quyết tâm đến xin Đức Phật. Lần này họ gặp cả Ananda, thí giả của Đức Phật. Ananda nói hộ cho Gotami ba lần, lại cũng đều bị từ chối. Ananda thay đổi “chiến thuật” và hỏi Đức Phật rằng nếu phụ nữ xuất gia tu tập những lời của chính Đức Phật dạy, họ có khả năng thành tựu tâm linh hay không. Đức Phật trả lời có và cho phép Gotami và nhóm phụ nữ theo bà được xuất gia trở thành tu sĩ. Đối thoại giữa Ananda và Đức Phật khẳng định một điểm quan trọng là Đức Phật luôn luôn công nhận rằng phụ nữ cũng có khả năng tâm linh chẳng khác gì nam giới. Việc Đức Phật thoạt đầu ngần ngại không chấp nhận lời yêu cầu của Gotami không thể được giải thích là ngài có thái độ kỳ thị giới tính. Những lý do mà Đức Phật từ chối lúc đầu hết sức là phức tạp. Chỉ xin đưa ra một lý do: Đó là 2500 năm trước đây, thuở sơ khởi Đức Phật và các đệ tử của ngài sống như những nhà tu khổ hạnh “không nhà”. Lang thang trong rừng, đêm đến ngủ dưới gốc cây. Rừng rú lại đầy dã thú và đạo tặc, không thuận lợi lắm cho giới phụ nữ. Kinh điển Phật giáo còn ghi lại một số trường hợp các vị ni bị đạo tặc hãm hiếp. Một số kinh điển cũng ghi rằng sau khi chấp thuận cho Gotami xuất gia, Đức Phật đặt thêm tám giới luật đặc biệt cho ni giới. Cũng có kinh ghi lại lời “tiên tri” rằng vì có phụ nữ gia nhập giáo đoàn mà Phật Pháp sẽ bị “giảm thọ” mất 500 năm. Trong khuôn khổ của bài viết ngắn này, không tiện đi sâu vào chi tiết, tôi chỉ xin vạch ra rằng đó là những thêm thắt sau này của các tác gia Phật giáo có đầu óc kỳ thị giới tính. Tuy rằng Đức Phật không hẳn là nhà sáng lập tôn giáo duy nhất và đầu tiên chấp nhận cho phụ nữ xuất gia, nhưng đó là một hành động rất cách mạng vào thời đó. I.B. Horner nhận định rằng những gì mà Đức Phật làm cho giới phụ nữ “rạng rỡ như một ngọn đèn sáng trong lịch sử của tự do.” Điều mỉa mai là I.B.Horner và giới phụ nữ có đầu óc tiến bộ hôm nay có thể cảm kích hành động của Đức Phật, nhưng truyền thống Ấn giáo lại chỉ trích ngài là phá hoại trật tự xã hội. Bởi vì theo quan điểm này, vai trò cao cả nhất của phụ nữ là làm vợ và làm mẹ. Cho phép phụ nữ độc lập theo đuổi đời sống tâm linh thì còn ai để phục dịch đàn ông, rửa chén, nấu bếp, sinh đẻ? Trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ có bộ Therigatha, ghi lại một số bài thơ, kệ tụng về kinh nghiệm tâm linh của những người phụ nữ Phật giáo ưu tú đầu tiên. Những bài kệ tụng này vẫn được tụng đọc, nghiên cứu như những gương sáng cho các thế hệ Phật tử đời sau. Những người phụ nữ Phật giáo đầu tiên này thuộc đủ tầng lớp: Từ những người quí tộc có học, cho đến các nhà tu khổ hạnh, goá phụ, nội trợ, những người bị chồng hắt hủi, cho đến cả các kỹ nữ. Mỗi người một kinh nghiệm riêng, mỗi người một hoàn cảnh riêng, một tâm tư riêng, nhưng họ đều chia sẻ một điểm chung: tin nơi Phật Pháp và khả năng tâm linh của chính mình như là người phụ nữ.
Những thái độ tích cực căn bản của Phật giáo về phụ nữ trên thực tế cũng được phản ánh trong các quốc gia Phật giáo. Trong tất cả các quốc gia Phật giáo, không có sự cách biệt (segregation) giới tính. Trong nhiều tôn giáo lớn hiện nay phụ nữ vẫn không được phép gia nhập tăng lữ giới (priesthood). Trong một số xã hội, phụ nữ thậm chí còn bị cấm không cho vào các nơi thờ phượng. Trong các quốc gia Phật giáo, người phụ nữ có quyền công khai đi lại và tham gia vào mọi sinh hoạt tôn giáo và xã hội chứ không bị kiểm soát gò bó, chẳng hạn như trong các quốc gia Hồi Giáo. Theo một số bộ luật truyền thống của Tích Lan (một quốc gia Phật giáo), đàn bà được phép ly dị và lấy chồng sau khi ly dị. Goá phụ cũng được phép tái giá và không có sự kỳ thị đối với goá phụ. Tuy thế, chúng ta cũng không thể chối bỏ được sự hiện diện của các thành tố phụ hệ và thái độ kỳ thị giới tính trong các xã hội Phật giáo ngày nay. Điều này là bởi vì đặc tính phụ hệ của các xã hội mà Phật giáo du nhập (không có nghĩa là các xã hội mà Phật giáo không du nhập thì không như thế). Đức Phật nói rằng đàn ông và các cộng đồng Phật giáo của những xứ này cũng bị rập theo khuôn mẫu đó. Do đó, quan điểm triết lý chung của Phật giáo là phụ nữ và nam giới là bình đẳng và họ đều có khả năng tâm linh như nhau, trên thực tế vẫn có những kỳ thị giới tính. Điều này cho chúng ta thấy rằng lý tưởng và thực tại không phải bao giờ cũng đi đôi với nhau. Đức Phật công nhận phụ nữ bình đẳng với nam giới. Thế nhưng trên thực tế, xã hội có cho người phụ nữ quyền bình đẳng hay có đủ điều kiện và phương tiện để người phụ nữ thực hiện lý tưởng này hay không lại là một chuyện khác. Quyền bình đẳng của phụ nữ không phải chỉ giản dị được thực hiện bằng một lập trường triết lý hay tâm linh mà còn tuỳ thuộc vào những điều kiện xã hội, chính trị, văn hoá, tập tục, và tâm lý con người nữa, và nhất là nỗ lực tích cực hữu thức của người Phật tử. Nói tóm lại, những lý tưởng Phật giáo không phải tự nhiên được thành tựu (do quyền năng của chư Phật, Bồ-tát) mà phải do chính các Phật tử thực hiện những lý tưởng ấy. Để có thể làm được như thế, người Phật tử phải nỗ lực tạo ra những điều kiện và phương tiện thuận lợi. Cũng tựa như những phát minh khoa học, nếu như không hội đủ hoàn cảnh thuận tiện, thiếu những hỗ trợ tài chính, những phát minh ấy cũng chỉ mai một đi trong ngăn tủ của nhà khoa học mà thôi. Do đó, tuy rằng Đức Phật cho phụ nữ thụ giới xuất gia hoàn toàn (nghĩa là trở thành tu sĩ), giáo đoàn ni giới được truyền từ Ấn Độ sang Tích Lan vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, giáo đoàn ni giới Tích Lan, vì chiến tranh và các rối loạn chính trị, không còn khả năng truyền giới nữa vì không có đủ số ni để làm việc này. Thế rồi cũng không nó nỗ lực để tái thiết lập truyền thống này nữa. Ngày nay truyền thống truyền giới toàn phần cho phụ nữ chỉ còn ở các xứ theo Phật giáo Đại Thừa như Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa, và Việt Nam chứ không còn ở các quốc gia theo truyền thống nguyên thuỷ (hay Theravada mà Phật tử Việt Nam thường gọi một cách không chính xác là “Tiểu Thừa”). Ở các quốc gia này, phụ nữ chỉ được thụ giới “bán phần” thôi. Ngay cả ở Tây Tạng, phụ nữ không thể vượt qua được giai đoạn “tập sự” (thuật ngữ Phật giáo gọi là sa-di-ni). Một số phụ nữ ở các quốc gia này thường lý luận rằng họ chỉ muốn trở thành Phật tử chứ không cần phải là phụ nữ Phật tử. Vấn đề bình đẳng hay giới tính hoàn toàn không liên hệ gì đến sự thành tựu tâm linh. Họ chỉ quan tâm đến tâm linh chứ không tranh giành “bình đẳng” hay địa vị gì cả. Lý luận này thoạt nghe có vẻ như bày tỏ một thái độ không chấp trước. Phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy nó không vững vì những lý do như sau: Một là trên thực tế vẫn có rất nhiều phụ nữ muốn được thụ giới xuất gia làm ni. Lối suy nghĩ của những phụ nữ này hết sức chính xác, bởi vì một giáo đoàn Phật giáo mà thiếu sự hiện diện của phụ nữ là một giáo đoàn không thể hiện được một xã hội bao gồm cả “tứ chung” như lý tưởng mà Đức Phật đề ra. Hai là lý luận trên biểu lộ một thứ thái độ chịu đựng tiêu cực kết quả của một tâm thức bị đè nén. Phụ nữ trong một số cộng đồng Phật giáo, kể cả cộng đồng Phật giáo Việt Nam, thường được khuyến khích nuôi dưỡng những hình ảnh tiêu cực về chính mình. Đại khái như sinh ra là đàn bà là kết quả của những nghiệp xấu. Lối tu tập duy nhất dành cho đàn bà là tụng niệm, cầu xin, chịu đựng, phục dịch, để hy vọng kiếp sau được tái sinh làm đàn ông. Nhưng như chúng ta đã thấy, người phụ nữ bị đè nén, kỳ thị, và luôn luôn phải chịu đựng những thiệt thòi là hậu quả của những khía cạnh chậm tiến bất công của một số xã hội Đông phương. Chúng ta không thể dùng triết lý Phật giáo để biện bạch hay chấp nhận tệ trạng này. Điều may mắn là đa số phụ nữ hiện thời, nhất là phụ nữ Tây phương theo Phật giáo (đa số có giáo dục cao), hiển nhiên không chấp nhận nuôi dưỡng những hình ảnh tiêu cực về người phụ nữ. Trái lại, họ tiếp tục tìm hiểu, giải thích quan điểm Phật giáo về phụ nữ và tạo điều kiện để thực hiện quan điểm này trong đời sống. Điều này chứng tỏ như Đức Phật đã nói những người Phật tử có trí tuệ, giới luật, tự tin làm rạng rỡ cho Phật giáo. Chúng ta có thể nói thêm rằng, ngược lại những người Phật tử thụ động, thủ cựu, bạc nhược chỉ làm cho Phật giáo chậm tiến thôi. Những nghiên cứu về Phật giáo hiện đại cho thấy rằng trên toàn thế giới, giới phụ nữ trong Phật giáo (cả tu sĩ lẫn cư sĩ) không còn cam tâm chấp nhận những bất công nữa. Họ tham gia tích cực vào nhiều phạm vi sinh hoạt. Sự đóng góp của họ nằm trên mọi lãnh vực từ học thuật, tu tập cho đến các hoạt động xã hội. Họ không ngừng khai phá lại, xác định lại vai trò của người phụ nữ trong Phật giáo. Họ không hài lòng chỉ làm những người đi theo, mà còn can đảm nhận cả vai trò lãnh đạo. Họ đã đem lại những thay đổi cho nhiều thái độ và lối suy nghĩ.
Nếu như chúng ta có thể dùng một loại suy luận, như đã sử dụng ở trên, một cộng đồng tôn giáo cũng như một đại học. Người Phật tử Việt Nam thử đặt câu hỏi là chúng ta có thư viện phong phú không? Ban giảng huấn có khả năng không? Trình độ sinh viên có cao không? Quan sát những thực tại Phật giáo Việt Nam khó lòng cho phép chúng ta trả lời là có. Không thể nói là trong giới phụ nữ Phật giáo Việt Nam không có người học cao. Nhưng mà khi quay về Phật giáo thì, cũng y như nam giới, đa số không có ý chí tìm hiểu để vượt qua một vài khái niệm lỗi thời giam nhốt Phật giáo vào trong một mớ nghi lễ mòn mỏi. Tệ hại nhất là ngay cả những phụ nữ có học và độc lập cũng chấp nhận những hình ảnh rất tiêu cực về phụ nữ. Nhiều người thậm chí còn xem việc khinh thường vị trí và thân xác đàn bà là một đức hạnh. Những thái độ trên chỉ là hậu quả của sự hiểu biết hạn hẹp, thiếu xót về Phật giáo của chính những Phật tử. (Đề tài này sẽ được phân tích trong những bài viết khác). Cộng đồng Phật giáo Việt Nam cần tạo điều kiện để huấn luyện cho người phụ nữ hiểu thêm về Phật giáo cũng như vai trò và tiềm năng của họ như những người phụ nữ Phật giáo. Trong số những phụ nữ đang đóng góp rất tích cực trong các cộng đồng Phật giáo thế giới hiện nay bao gồm các phụ nữ thuộc rất nhiều quốc gia từ Đông sang Tây. Có điều đáng tiếc là hình như chưa thấy có người nào thuộc cộng đồng phụ nữ Phật tử Việt Nam cả. |