Vài Sự Góp Ý Với Những Nhận Định Cực Đoan - Ngẫu Hồ

25 Tháng Sáu 201200:00(Xem: 14011)

VÀI SỰ GÓP Ý
VỚI NHỮNG NHẬN ĐỊNH CỰC ĐOAN

Ngẫu Hồ

 Trong những buổi họp mặt bàn luận về Phật pháp, những đạo hữu thuộc nguyên thủy luôn luôn làm tôi thấy ngạc nhiên về những nhận định cứng ngắc của họ và sự đánh giá của họ về những người thuộc các tông phái khác, về Phật pháp (bao gồm sự liên can đến kinh sách, truyện tích, và cả nhân vật nữa), mà tôi thật sự không thể tìm chữ nào chính xác hơn chữ cực đoan được cả. Những liệt kê và phân tách sau đây sẽ thấy sự cực đoan này:

 1/ Đàn bà không thể thành Phật được, và chỉ đàn ông mới có thể đạt một qủa vị nào đó nhưng phải dưới qủa vị Phật.

 2/ Đàn bà vì có kinh nguyệt nên được xem là ô uế, chính vì sự ô uế này mà không thể thành Phật!

 3/ Qủa vị Phật chỉ có một và chỉ có Đức Thích Ca là được xem là người duy nhất đạt được qủa vị này, còn tất cả chúng ta dù cố gắng cũng chỉ đạt được một qủa vị nào đó nhưng phải dưới qủa vị Phật, nói thẳng ra là sẽ chẳng bao giờ thành Phật được cả!

 4/ Và cuối cùng nhận định này là làm tôi ngạc nhiên hơn cả là Đức Phật chỉ nói thời A Hàm (bao gồm tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, bát chánh đạo) mà thôi, như vậy tất cả những kinh sách nào không ở trong thời A Hàm thì đều là sự tự chế tác của những học giả sau này và vì vậy không phải là những điều Phật dậy, nên được đánh giá là không có giá trị, và vì vậy không đáng để tìm hiểu bởi những người theo nguyên thủy Phật giáo, có lẽ danh hiệu nguyên thủy xuất hiện từ sau nhận định này? Và cũng có lẽ vì vậy mà chư vị này luôn luôn cho rằng những gì mình đang theo mới thật là Phật pháp, từ họ thường dùng là “Pháp thật“. Hàm ý những pháp khác đều là tự tạo tác bởi những người sau Phật!

 Sau đây ta sẽ lần lượt phân tách từng luận điểm để may ra có được sáng tỏ và sự đồng thuận chăng?

 Trước hết ta phải nhận ra rằng có thể hơn phân nửa dân số trên thế giới là đàn bà, theo thống kê của LHQ là tại các quốc gia kỹ nghệ thì 108 cụ bà trên 100 cụ ông. Vì thế nên khi nhận định về đàn bà là cần phải quân bình, thận trọng và đòi hỏi phải chính xác nữa. Đàn bà tạo ra đàn ông (tạo ra các hài nhi trai và gái) tức là tạo ra các vị Phật (như đề mục 3 tuyên bố), dù trong tiến trình này cần có sự góp sức của đàn ông nhưng vai trò của đàn bà vẫn là chính, (bao gồm đau đớn và cực nhọc), vậy mà tự thân họ lại không thể thành Phật!?. Có sự đánh giá nào lại bất công và sai sót hơn thế nữa không? Xin các vị trả lời dùm.

 Đàn bà trong thời đại của thế kỷ 21, tại các nước tân tiến hoàn toàn không thua kém đàn ông về bất cứ phương diện nào, nó thể hiện ra hàng ngày ngay trước mắt ta mà ta không cần phải dài dòng liệt kê ra đây. Như vậy xét về khả năng về trí tuệ họ đâu có thua đàn ông ở điểm nào đâu mà chư vị đã kết luận là họ không thể thành Phật? Vậy nên điều này cần phải được loại bỏ ra khỏi thế giới quan của Phật pháp vì nó mâu thuẫn và sai thực tế.

 Luận điểm kế tiếp cho rằng vì đàn bà có kinh nguyệt nên ô uế nên không thể thành Phật được! Ta thật sự không thể biết rõ nguồn gốc của sự quy kết này, và dựa vào tiêu chuẩn nào để dẫn đến sự nhận định đó, nhưng bất luận nó phát xuất từ đâu, nó cũng không thể chấp nhận được vì nó cũng sai với thực tế và nó phải được xem như được bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về khoa học sinh lý con người và hiển nhiên nó sai cả về Lý và về Đạo nữa. Vì kinh nguyệt của đàn bà là tự nhiên mà tất cả những gì là tự nhiên đều là thuộc tính của Đạo, (Đạo theo tự nhiên), vậy như nếu kinh nguyệt của đàn bà là ô uế thì Đạo là ô uế chăng? Vả lại, sự ô uế cũng hiện hữu nơi đàn ông nữa chứ chẳng riêng gì đàn bà như nhiều kinh sách Phật đã mô tả. Như vậy rõ rệt đây cũng là một nhận định sai lạc, bất công, cần phải loại bỏ. Sự bất công, lệch lạc, cực đoan không thể xuất hiện nơi pháp cao thượng của đức Thích Ca được, vì pháp của ngài bao trùm, rải rắc tình thương với tất cả các loài, không bỏ xót, kỳ thị một chủng loại nào như ngài đã nhiều lần tuyên xưng và xác định. Hạ giá trị đàn bà là sai với Phật pháp, là mâu thuẫn với trí tuệ Phật vì đức Phật được xem như đại từ bi, đại trí tuệ chẳng lẽ lại hẹp hòi, vụn vặt như vậy ?

 Luận điểm thứ ba cho rằng chỉ có một người duy nhất thành Phật đó là ngài Thích Ca Mâu Ni, còn sau đó chẳng ai có thể đạt được qủa vị cao qúi nầy được! Lại mâu thuẫn nữa, mâu thuẫn ngay trong giòng chữ đầu tiên là “Chỉ có một người duy nhất ” Vậy rõ ràng là ngài Thích Ca đã là người trước khi ngài thành Phật, vậy sao lại đoán quyết rằng chỉ có ngài Thích Ca là thành Phật thôi, còn hậu thế không ai là người đạt được qủa vị nầy! Rõ ràng kẻ nào tuyên bố điều này là chưa thấu hiểu được Phật là thế nào và có lẽ chính vì sự giới hạn nội tại, nên thấy qủa vị Phật qúa khó khăn để đạt được mà tuyên bố một cách tuyệt vọng như vậy chăng? Vậy thì còn đợi gì mà không hướng về Thiền tông để thấy rằng người được giải thoát trong thời Lục Tổ nhiều như lá mùa thu (chữ của các Thiền Sư). Còn nếu cho rằng Phật đã là Phật từ những kiếp xa xưa, thì thử hỏi sao ngài không đến thế gian bằng sau một tiếng sét nổ bùng, và rồi xuất hiện như một người đàn ông oai nghi, tuấn tú và sau đó đi nói pháp giải thoát luôn, chứ cần gì phải ở trong thai mẹ chật chội trong một thời gian dài cho nó khổ thân!? Nhận định tùy tiện này cũng thiếu thuyết phục, khôi hài như điều cho rằng Phật xuất thai bằng bên hông mẹ, và vừa ra khỏi thai đã đi 7 bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói lời dị thường, rồi sau đó quay phải, quay trái cầu cứu nữ tỳ đỡ cho khỏi té ngã !!

 Và luận điểm sau cùng là chỉ thời A Hàm, kinh A Hàm mới là pháp thật, mới là điều Phật chỉ dậy, còn ngoài ra đều do người đời sau tự đặt ra nên không phải là lời Phật, nên không có giá trị mô phạm, nên không đáng theo!. Ít ra tôi đã đọc được điều này một vài lần trên mạng, nay trong một buổi họp bàn về Phật pháp, chính tai tôi được một đạo hữu tự nhận là nguyên thủy xác nhận điều này, như vậy chẳng sai khi cho rằng tất cả, hay đa số các đạo hữu nguyên thủy đều tin như vậy! Vậy thì thưa các chư vị, khi tin là chỉ có A Hàm mới là pháp Phật thì có phải các vị đã tự ý giải thích và giới hạn trí tuệ của đức Phật rồi không? Và cũng đồng thời tự xác định mình và để lộ ra trình độ (cái thấy giới hạn) của mình về Phật pháp rằng: Những người nguyên thủy chúng tôi chỉ hiểu được Phật qua A Hàm mà thôi, còn tất cả sự mô tả, giải thích khác chúng tôi không chấp nhận (Vì chúng tôi không hiểu được.). Trong khi đó, ở một mặt khác thì các vị lại tán thán là trí của Phật sâu, rộng như biển lớn, cái biết của Phật như lá cây trong rừng.

 Các kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, các tông Duy Thức, Thiền Tông là từ trí tuệ của những người sau Phật tạo thành? Những bài giảng sâu xa về Tâm (Trong kinh Lăng Nghiêm ), những công án (mà công án đầu tiên từ Phật là công án nhãn hoa vi tiếu) để học nhân có thể thấu triệt được Tánh để có thể kiến Tánh thành Phật là những trước tác cuả những con người sau Phật? Còn Phật chỉ có thể nói những bài pháp dễ hiểu, dễ thấu triệt như tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, bát chánh đạo? Vậy tại sao lại ca tụng trí biết của Phật sâu rộng như biển, như lá cây trong rừng? Chư vị có nhận thấy cái mâu thuẫn của mình khi muốn loại các kinh sách Đại Thừa ra khỏi các lời giảng của Phật? Thế nên, nếu muốn hết mâu thuẫn thì chư vị chỉ có nước phải công nhận những kinh sách Đại Thừa cũng chỉ ở trong phạm vi lời giảng của Phật (có lẽ ở những thời pháp lúc ngài còn tại thế, số người hiểu được những kinh này rất giới hạn, nên những kinh đó chỉ phổ biến cho những căn cơ thích hợp?) là ngừng tranh cãi phải không? Vả lại, thật sự thì các sử gia sau này đều đồng ý với nhau rằng chằng có kinh nào được viết ngay vào thời đức Phật còn tại thế cả, vì ba tháng sau khi ngài nhập diệt, thì đệ tử mới nghĩ đến chuyện kiết tập lần đầu, như thế sau 3 năm những lời kinh đầu tiên mới được viết ra và thường thì cũng phải bắt đầu bằng những bài giảng ở những thời pháp đầu tiên của đức Phật, mà để hoàn tất thời A Hàm dài đằng đẵng thì ít ra cũng phải mất 15, 20 năm. Với thời gian dài như vậy thì những kinh Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã có xuất hiện thì cũng đã trở nên xa lạ với những vị tỳ kheo (là đa số?) đã quen thuộc với nề nếp Trường A Hàm là điều dễ hiểu, chưa kề yếu tố do không nắm bắt được ý nghĩa của các kinh trên mà khi này lại vắng bóng một vị thầy uy tín, có tiếng nói quyết định chung cuộc. Và cũng vì những bài giảng khó hiểu trong những kinh không phải thuộc A Hàm chỉ dành cho những đệ tử có căn cơ thích hợp nên có lẽ việc phân chia nguyên thủy (tiểu thừa), bắc tông (đại thừa) đã manh nha từ lúc này đây chăng?

 Bốn luận điểm đưa ra ta đều có thể chỉ ra sự sai trái, mâu thuẫn, vậy những luận điểm đó có phải phát xuất từ một vị thầy có trí tuệ hay không? Và có xứng đáng là những luận điểm có tính mô phạm không? Chắc chắn là không rồi. 

 Trước khi chấm dứt bài viết, tôi xin được kể một câu chuyện để xem có thể có sự đồng cảm chăng?

 Tại một thị trấn nọ có một ngọn núi cao, không biết từ lúc nào có một ngôi chùa đẹp, trong đó có những tượng La Hán cổ kính và đặc biệt là có một vị trụ trì nói pháp rất hay và dễ hiểu, nên dù đường lên núi có khó nhọc, khách đi tìm nghe pháp cũng chẳng quản ngại, và có khuynh hướng ngày càng tăng, và cũng chính vì điều này, nên có nhiều phật tử đã phát tâm trùng tu con đường lên núi, nên nhờ vậy mà sau một thời gian con đường lên núi đã trở thành tiện nghi và thoáng đãng.

 Đường mòn um tùm ngày xưa nay đã trở thành những bậc thang đá rộng và dễ đi, con đường gồm bốn tầng bậc. Mỗi tầng bậc gồm 108 bậc thang bằng đá nhẵn , trên bốn tầng bậc này còn ba tầng bậc cao nữa, tuy không còn cây cối um tùm nhưng lúc nào cũng chìm trong mây khiến hành trình tìm nghe pháp càng lôi cuốn và thích thú, để đề phòng sự trơn trợt người ta còn làm những cọc sắt cao dần hai bên, có bện dây thừng vững chãi để làm chỗ nắm cho những khách yếu sức. Năm tháng trôi qua, ngôi chùa trở thành một thắng cảnh không thể bỏ qua của khách vãng lai, vì nhu cầu thăm viếng ngày một lớn, và cũng vì ngân sách thặng dư do sự cai trị khôn ngoan, trong sạch của quan tổng trấn nên người ta nghĩ đến chuyện thực hiện những phương tiện tiện nghi hơn để phục vụ nhu cầu du khách, thế là cầu treo lên núi bằng dây cáp được thiết kế cách lối lên núi cũ chẳng bao xa và thang máy đồng thời cũng được thành lập trong hang ngay sau lưng chùa. Để giải quyết số lượng khách lên núi ngày một đông hơn. Đến đây thì có một rắc rối nhỏ xảy ra. Những người lên núi nếu không chọn đúng phương tiện thích hợp có thể gặp vấn đề, số là do độ cao của núi nên sự phân bố của không khí trên cao khác nhau nên những người bị phổi yếu (nhỏ) bẩm sinh khi lên cao đột ngột có thể bị siủ, và mỗi lần như vậy sự cấp cứu rất là phiền phức, nên để giải quyết vấn đề này người ta thiết lập một trạm y tế nhỏ ở dưới chân núi, một y tá làm công việc kiểm tra sức khỏe của khách lên núi, người nào phổi nhỏ yếu không thích hợp với cách lên núi bằng hai phương tiện nhanh thì phải lên bằng cách leo lên từng bậc một, tới đâu mà bị ngộp thở vì không khí loãng thì nhẩn nha ngừng lại nghỉ ngơi, khi nào phổi được ổn thì lại tiếp tục hò dô ta lên tiếp, lên núi nghe pháp cách này mất khoảng nửa ngày, còn đi bằng dây cáp treo thì mất khoảng nưả giờ vì phải chuyển trạm ba lần, còn đi bằng cầu thang máy thì mất khoảng 03 phút. Nhưng hai phương tiện sau này có thể giúp lên núi nhiều người cùng lúc. (đại thừa, cỗ xe lớn). Nhanh chậm cách nào thì cuối cùng cũng lên được đỉnh núi nghe pháp.

 Bạn nghĩ sao, nếu ta đem ví những phương pháp tu tập của nguyên thủy (tiểu thừa, cỗ xe nhỏ) giống như cách lên đỉnh núi bằng những tầng bậc thang, (lên từng người), một trăm lẻ tám bậc đầu tiên tương đương với thiền một, tầng bậc thứ hai tương đương với thiền 2 và cứ thế tầng bậc 4 tương đương với tứ thiền, còn ba tầng bậc sau cùng tương đương với tam minh, bạn thấy đó, lên núi bằng cách này tuy cực nhọc nhưng chắc ăn phải không? Có lẽ vì vậy nên các hành giả nguyên thủy lên được tới một tầng nào đó rồi thấy qủa Phật qúa khó để đạt được (ba tầng cuối cùng đầy mây mù ) nên tuyên bố luôn là chỉ có đức Thích Ca là thành Phật mà thôi? Có thể lắm.

 Tuy nhiên nếu ví những tông phái đại thừa có thể lên núi bằng những phương pháp nhanh hơn chẳng phải họ có thể thành Phật ngay trong vòng vài giờ hay 03 phút đâu, việc thiền tông chẳng hạn bằng phương pháp công án để giúp hành gỉa thấy được tánh ngay (kiến tánh), nhưng để thật sự thành Phật thì phải công phu nghiêm ngặt lắm, như ngài lục tổ Huệ Năng phải mất 15 năm mới thuần thục được, các ngài Thần Hội, Hành Tư sau khi đắc pháp từ ngài lục tổ cũng phải ẩn tu một thời gian dài, đó là ý nghĩa của việc “kiến tánh khởi tu” là thế. Những người thấy tánh khi khởi tu cũng có thể phải kinh qua những phương tiện như người theo các phái nguyên thủy, có thể cũng phải dùng các pháp thiền sổ tức, tùy tức để loại trừ vọng tưởng, hay dùng câu niệm Phật để nhất tâm, hoặc dùng thoại đầu để thể nhập tri kiến giải thoát. Có khác chăng khi họ thấy tánh là họ thấy được cái hướng họ phải đến và với niềm tin là họ sẽ có thể thành Phật được. Đây là điều khác biệt và dễ dàng hơn so với các đạo hữu nguyên thủy.

 Khách lên núi bằng cách leo lên từng những bậc thang, một số hiểu rằng mình chỉ thích hợp với cách này, họ yên tâm và hài lòng với những điều họ đang theo, nhưng có những vị khác nghi ngờ là tất cả những cách không lên bằng những tầng bậc thang là vô giá trị, là không có thật, thậm chí có những đánh gía là những phương pháp đó là mưu ma, giả dối!.

 Những người lên núi nghe pháp bằng những phương tiện nhanh hơn (dụ cho các pháp đại thừa). Nhìn những đạo hữu nguyên thủy của mình, vừa leo thang núi vừa càm ràm những người lên núi bằng những phương tiện khác với lòng ái ngại nhưng tránh việc tranh luận cao, thấp, sâu, cạn với huynh đệ của mình vì họ biết rõ pháp nào cũng là từ pháp Phật mà ra thôi, chê bai, dè biủ cái phương tiện mà huynh đệ mình đang hành trì, đang theo thì có khác nào chê Phật? Vả lại, với phương tiện đó sẽ thích hợp với họ, sẽ không làm cho họ choáng váng, xây xẩm thì mình làm sao mà thay đổi được đây? Tốt nhất là hãy để họ an bình với phương cách mà họ chọn lựa và nếu (đại thừa) có bị mang tiếng (những đánh gía từ phiá của họ) là không đúng với pháp Phật thì cũng chẳng hại gì, vì thật sự thì kẻ nào uống nước nóng lạnh ra sao thì chỉ chính kẻ đó hay biết mà thôi.

 Nam mô Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni

 Phật tử Ngẫu Hồ 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Ba 2016(Xem: 6061)
Lời giới thiệu của người dịch: Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài viết về một phụ nữ Pháp thật phi thường là bà Alexandra David-Néel (1868-1969), đăng trên tập san "Hướng nhìn Phật giáo" (Regard Bouddhiste, số l1, năm 2015). Trong Phật giáo có rất nhiều phụ nữ siêu việt và khác thường, xứng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và kính phục, mà bà Alexandra David-Néel là một trong những người phụ nữ ấy. Bài chuyển ngữ dưới đây là bài thứ ba trong một loạt bài với chủ đề "Phật giáo và người phụ nữ":
07 Tháng Ba 2016(Xem: 5661)
Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài viết ngắn phân tích hiện trạng của người nữ tu sĩ Phật giáo trên toàn thế giới. Trong suốt lịch sử nhân loại, vị trí của người phụ nữ luôn bị xếp vào hàng thứ yếu trong xã hội, và người nữ tu sĩ thì "thấp kém" hơn các nam tu sĩ trong lãnh vực tín ngưỡng. Phật giáo cũng không hoàn toàn tránh khỏi ảnh hưởng của tình trạng đó, dù rằng điều này đi ngược lại Giáo Huấn của Đức Phật. Bài này được viết cách nay đã 10 năm, trong khoảng thời gian này nhiều cải thiện đã được thực hiện, thế nhưng dường như vấn đề này vẫn còn là một đề tài nóng bỏng.
11 Tháng Giêng 2016(Xem: 10392)
Hiện nay, giới nghiên cứu Phật học đang lưu tâm đến vấn đề: “Bát kỉnh pháp do Đức Phật chế ra hay do người sau thêm vào trong Tam tạng giáo điển?”. Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta sẽ nghiên cứu từng kỉnh pháp và liên hệ với bối cảnh mà Bát kỉnh pháp ra đời.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 6278)
Dưới đây là phần chuyển ngữ của một bài viết trong quyển "Người phụ nữ" ("Les Femmes", nhiều tác giả, nhà xuất bản de l'Atelier, 2002), thuộc một bộ sách với chuyên đề "Các tôn giáo nghĩ gì?" (Ce qu'en pensent les religions). Tác giả bài viết này là Dominique Trotignon, nguyên tổng giám đốc Viện Nghiên Cứu Phật Học (IEB/Institut d' Etude Bouddhique) của Pháp, tu tập theo Phật giáo Theravada.
02 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6090)
Dù Phật giáo luôn quan tâm đến việc nêu cao trước quảng đại quần chúng hình ảnh của một tín ngưỡng phi-bạo-lực và mở rộng, thế nhưng đôi khi cũng không tránh bị cáo buộc là kỳ thị phụ nữ (misogyny) và phân biệt giới tính (sexism), nhất là khi nhìn vào vị trí của người phụ nữ trong sinh hoạt tập thể chốn chùa chiền.
13 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6739)
“Những nữ Phật tử đầu tiên” - The First Buddhist women - nói về các nữ đệ tử đầu tiên của Đức Phật nhằm khai thác thái độ tương đối tự do của Phật giáo đối với phụ nữ kể từ khi hình thành gần 2.600 năm về trước.
04 Tháng Chín 2015(Xem: 6017)
Một Tăng đoàn Phật giáo hoạt động đúng phải gồm bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nữ cư sĩ và nam cư sĩ. Tất cả đều cần thiết như nhau để duy trì và hỗ trợ truyền thống và thực hành giáo pháp của Đức Phật.
11 Tháng Sáu 2015(Xem: 9730)
Vấn đề phá thai đã gây ra những bất đồng sâu xa về xã hội và chính trị ở Đông cũng như Tây Phương. Phật tử ở mọi nơi đều có bổn phận đưa ra sự chỉ đạo khôn ngoan cho những người gặp phải vấn đề nhức nhối này.
11 Tháng Sáu 2015(Xem: 15083)
Câu hỏi của tuần nầy đến từ Cô Gái Đẹp (Pretty Girl): Tôi là một người mẹ độc thân, đang nuôi một đứa con còn bé, mới bốn tuổi. Tôi năm nay 41 tuổi, và tôi đã có thai ba lần. Lần có thai đầu tiên, tôi đã phá thai, rồi sau đó, tôi cảm thấy không thể tha thứ cho chính tôi.