Nữ Phật Tử Xuất Cách Tại Ấn Độ Cổ Đại - Rupali Mokashi - Dịch Việt Sư Cô Viên Ngạn

23 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 15413)

NỮ PHẬT TỬ XUẤT CÁCH TẠI ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI
Rupali Mokashi
Dịch Việt Sư cô Viên Ngạn

Theo kết quả điều tra dân số năm 2001, Ấn Độ quê hương của Đức Phật, hiện là quê hương của 3.881.056 nữ Phật tử (1). Hiện ước chừng có khoảng 300 triệu nữ Phật tử trên thế giới, trong đó 130.000 vị Ni. Cộng đồng ngày càng lớn mạnh này có một vị trí rất đáng tự hào trong một truyền thống mà ở đó Ni giới và nữ Phật tử từ rất lâu đã là một bộ phận không thể tách rời của Tăng già, gần như ngay khi Tăng già được thành lập. Tuy vậy, ngoài những câu chuyện cảm động được kể lại trong Trưởng lão Ni kệ (2), một cuốn sách trong đó các vị Tỳ kheo Ni tiền bối kể lại quá trình nỗ lực cố gắng và những thành quả mà các vị đã đạt được trên bước đường tới quả vị A La Hán, không có một chứng cứ lịch sử nào được chứng minh. Kết quả là, ghi chép về những đóng góp của nữ giới Phật giáo giờ chỉ còn lại trong những nhân vật văn học của Trưởng lão Ni kệ.

Vai trò của những người phụ nữ Ấn Độ thuở xa xưa, những người đã theo truyền thống Phật giáo vượt thời gian, giờ được xác định chủ yếu bằng cách phân tích các nhân vật nữ nổi tiếng trong các tác phẩm văn học hoặc những giới luật được ghi lại trong kinh điển, và như thế là đã lướt qua những phụ nữ “thật”, đến nỗi mà sự bảo hộ và những đóng góp nhằm xiển dương Phật giáo của họ hầu như không được đề cập tới. Đây là một khiếm khuyết lớn trong lịch sử Phật giáo. 


Chính vào thời ký Maurya, Phật giáo nổi lên như một tôn giáo riêng biệt với tiềm năng phát triển lớn lao. Hoàng đế A Dục khởi đầu truyền thống khắc các bản kinh văn, một truyền thống trở nên rất phổ biến tại Ân Độ sau đó (3). Nhiều bia khắc của các thí chủ Phật giáo giúp chúng ta xây dựng một khuôn mẫu chính xác hơn để có thể hiểu thêm về những tín đồ Phật giáo, đặc biệt là phụ nữ. Một cuộc khảo sát những bia khắc ra đời trong khoảng thời gian kéo dài từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 12 sau Công nguyên được phát hiện ở cao nguyên Deccan (4) đã hé mở cho chúng ta thấy những đóng góp của hơn 300 phụ nữ, bao gồm cả Ni giới và nữ Phật tử. Mặc dù sự đóng góp của tất cả những người phụ nữ này đều đáng chú ý, bài tham luận này sẽ tập trung khắc họa một vài người phụ nữ xuất cách thuộc những giai tầng xã hội trong xã hội Ấn Độ cổ đại những thế kỷ đầu sau Công nguyên, những người đã góp phần rất lớn cho việc truyền bá đạo Phật. 


Một dòng khắc trên cột trụ A Dục nổi tiếng ở Alahabad có nhắc đến Karuvaki, thứ hậu của Hoàng đế A Dục (5). Bà là nữ Phật tử đầu tiên mà tên tuổi được nhắc tới rõ ràng trong các bia khắc Ấn Độ. Bia khắc này, cả về mặt hình thức lẫn nội dung, là một chiếu chỉ vua ban xuống, lệnh cho các quan đại thần ghi chép lại việc cúng dường của bà. Bia khắc này vì thế được gọi là “Sắc lệnh cột trụ Hoàng hậu”. 


Nhiều phong cách kiến trúc khác nhau xuất hiện với sự lan truyền của Phật giáo và sự phát triển thương mại mạnh mẽ giữa Deccan và thế giới phương Tây bắt đầu vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Những kiến trúc này bao gồm các bảo tháp, chùa chiền với cấu trúc mái vòm, các tịnh xá trong các dãy núi Sakyadri tại Karle, Bhaje, Nasik, Junnar và các địa điểm khác. Sự cần thiết phải có nơi thờ phụng và chổ ở cho chư Tăng Ni đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng của các phong cách kiến trúc này. Các bia khắc cho chúng ta biết rằng những thành tựu kiến trúc đã đạt được là nhờ một phần vào các khoản cúng dường của nhiều phụ nữ thuộc các giai tầng xã khác nhau. Chúng ta có thể thấy rằng các vị hoàng hậu, cư sĩ, nữ tu và thậm chí cả những kỹ nữ hạng sang cũng đóng góp theo khả năng tài chính của mình. Bảo tháp Sanchi tuyệt đẹp ra đời nhờ sự đóng góp của 87 tín đồ nữ. Trong số này chỉ có một người, Vakalaye Devi, dường như là một phụ nữ hoàng gia; những người còn lại gồm 36 ni cô và 50 nữ cư sĩ. Sondegve, vợ của Siharakhita (6); Naga, vợ của Kamdadi Gamiya Sethin (một thương nhân từ thị trấn Kandadi); Gharini Sijha, một phụ nữ nội trợ sống tại Virohakata; Sangharakshita, các nữ đệ tử (7) của Yasila (8) và Tỳ kheo Ni Kadi đến từ Ujjaini (9) nằm trong số những vị ni và nữ cư sĩ đã cúng dường mà tên tuổi được ghi khắc tại Sanchi. Tổng số nữ thí chủ được xác định thuộc hoàng tộc là 35, ít hơn nhiều so với con số nữ thí chủ cư sĩ 210 và 87 ni cô, điều này cho thấy cơ sở bảo trợ mạnh mẽ nhất của Phật giáo thời kỳ ấy là tầng lớp nào. 


Một bia khắc cho chúng ta thấy được tình hình kinh tế của thời đại đó cũng như tài kinh doanh của một nữ cư sĩ có tên Vishnudatta, người đã lên kế hoạch và đầu tư tiền cúng dường của Tăng đoàn để sinh lời, làm lợi cho Tăng đoàn khoảng 1.700 năm trước. Vishnudatta Shakanika là con gái út của Saka Agnivarman và là vợ của Ganapaka (nghĩa đen của từ này là “kế toán”) Rebhila, và là mẹ của Ganapaka (cũng là một kế toán!). Trong hang số 10 ở Nasik, một người tên là Vishnuvarman được ghi nhận là có đóng góp tiền để ủng hộ Phật pháp (10) vào năm 258 sau Công nguyên (11). Các khoản tiền này được cúng dường để lo việc thuốc men cho những vị Tăng bị bệnh trong cộng đồng các vị Tăng từ mọi nơi đến tu tập tại thiền viện núi Trirami (12). Từ khoản tiền này, Vishnuvarman đầu tư hơn 3.500 karshapana (13): 1.000 karshapana với phường nghề của Kularikas, 2.000 karshapana với phường nghề của Odayantrika, 500 karshapana với phường nghề của (ở đây tên bị mất), và một số tiền nữa với phường nghề của Tilapippaka (14). Thật thú vị khi biết rằng Vishnuvarman đã đầu tư với những phường nghề như Kularika (làm đồ gốm), tilapippaka (bán dầu), Odayantrika (chế tạo thiết bị thủy lực) v.v… Tiền lãi tư những khoản đầu tư này được chuyển tới Tăng đoàn (15).


Bia khắc Lavanika tại động số 75 tại Kanheri (16) được xác định niên đại vào đầu thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Bia khắc thú vị này ghi lại khoản cúng dường của Lavanika tại hai nơi hác nhau, một là các hang động kanheri và hai là tinh xá Ambalika gần thành phố cổ đại Kalyan (17). Lavanika là vợ của một Ưu ba tắc tên là Sethi Achala quê ở Kalyan. Cô cúng dường hang động, bể chứa và một bể tắm để hồi hướng cho gia đình mình. Khoản cúng dường thứ hai được ghi chép lại là 300 kashapana dành cho các vị Tăng tại tinh xá Ambalika. Khoản tiền này được cúng dường để may y cho các vị Tăng sống ở đây (18). Vị trí của tinh xá này được ghi rõ trong bia khắc là “gần Kalyan”, nhưng vị trí chính xác của tinh xá này vẫn chưa được xác định. Vì Kanheri là một nơi nỗi tiếng, rõ ràng Lavanika đã chọn để khắc lại khoản cúng dường của Cô cho tinh xá Ambalika để nhiều tín đồ biết đến tinh xá này. 


Bia khắc tại hang động số 32 tại Kanheri đề cập đến một tu viện gần Kalyan. Bia khắc Brahmi này được xác định niên đại vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Một thương gia tên là Dharma, Kaliyanaka (cư dân thành Kalyan và là con trai của Sivamitra) cùng với Budhaka và toàn thể gia đình người này cúng dường một ngôi nhà, hai căn hộ và một phòng ăn cho một tinh xá tại Kalyan trong một khu vực có tên gọi là Gandharikabhani (19). Vào những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, do hoạt động kinh doanh phát triển hưng thịnh, nhiều người Tây Á và các cộng đồng thương gia Hy Lạp, La Mã đã đến định cư tại Tây Âu. Các bia khắc cho thấy nhiều người phụ nữ gốc nước ngoài đã theo đạo Phật, trở thành những Phật tử thuần thành. 


Không giống như Kamheri, nơi một số lượng lớn các thí chủ xuất thân từ thành Kalyana, tại Karle phần lớn các thí chủ là cư dân thành Dhenukakta. Nhiều người trong số này là những người Yava (20), cũng là những tín đồ Phật giáo. Chùa vòm kỳ vĩ tai Karle (21) có ghi lại khoản cúng dường của Mahamata, vợ của (người bị mờ mắt) quê ở Dhenukakata, được khắc trên cột trụ thứ 10 hàng bên trái (22). Có khả năng Mahamata là người gốc Hy Lạp, vì những khoản đóng góp của các thí chủ là cư sĩ nam người Hy Lạp cũng được ghi lại ở cột trụ này. 


Ngoài ra, còn có những bia khắc ghi lại sự tồn tại của các thí chủ là nữ tu. Theo Giới luật Phật giáo, các tu sĩ khổ hạnh không thể sở hữu tài sản, vì vậy rất có thể họ đã tích lũy kinh phí để xây rường và cột chùa bằng cách đi hóa duyên. Không nghi ngờ gì, họ được phép làm điều này, vì việc làm này có mục đích đúng đắn (23). Kết quả là, các khoản đóng góp của một số lượng lớn của các nữ tu đã được ghi nhận ở nhiều nơi thiêng liêng. Điều này làm nổi bật sự khác biệt giữa các nữ tu sĩ dòng Jain và những nữ tu sĩ Phật giáo. Các bia khắc cho thấy, mặc dù các nữ tu Jain có gây ảnh hưởng đến một số lượng lớn tín đồ khuyến khích họ đóng góp cho các công trình tôn giáo, điều này được ghi lại rõ ràng trong các bia khắc về các khoản đống góp, những nữ tu sĩ Jain hiếm khi được ghi nhận là thí chủ chính. Ngược lại, các nữ tu Phật giáo như ni cô Pavatika Ponakisama (24) và Tỳ kheo Ni Damila (25) được ghi nhận là đã đóng góp tại các địa điểm khác nhau. 


Văn học Phật giáo có kể về những kỹ nữ là những Phật tử thuần thành. Trưởng lão ni kệ có kể về hai kỹ nữ, cũng là hai chị em Vimala và Sarama. Amrapali là một kỹ nữ nỗi tiếng cư trú tại Vaisali, thủ phủ của nước cộng hòa Vriji. Việc những kỹ nữ bảo trợ Phật pháp trở thành một truyền thống kéo dài nhiều thế kỷ. Một bia khắc tại Sannati (26) có niên đại được xác định vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên có nhắc đến một vũ nữ có tên Govidasi (27). Vũ nữ này đã cúng dường để xây hàng rào vây quanh một tinh xá. Một bia khắc khác từ Sannati cùng niên đại với bia khắc trên có nói đến một vũ nữ khác có tên Aryadasi (28), con gái của Nadiya Guda và Nati Valuki đã cúng dường để xây phòng đón khách tại một tinh xá. 


Nhìn chung, câu chuyện về lịch sử Phật giáo sẽ không đầy đủ khi chúng ta không hiểu về đóng góp của những nữ tín đồ đầy khả năng và tự tin. Mặc dù những người phụ nữ này sống trong các khoảng thời gian, các khu vực địa lý và thuộc về các tầng lớp xã hội cũng như có điều kiện kinh tế khác nhau, họ có một điểm chung: một sự thẩm thấu sâu sắc và sự tha thiết hết mực đối với những lời dayh của Đức Phật./. 

 

Người dịch: Sư cô Viên Ngạn 
(Theo tư liệu Hội nghị Sakyadhita thế giới lần thứ 12 tại Thái Lan)

Chú thích: 
(1) http://wcd.nic.in/start/pdf 
(2) Trưởng lão ni kệ hay Therigatha được tìm thấy trong Tiểu bộ kinh, một tập hợp các bản kinh trong Tạng kinh. Trưởng lão ni kệ gồm 73 bài thơ được sắp xếp thành 16 chương. 
(3) A Dục là một vị hoàng đế của triều đại Maurya của Ấn Độ. A Dục cai trị gần như tất cả tiểu lục địa Ấn Độ từ 269 – 232 trước Công nguyên. 
(4) Về mặt địa lý, Deccan là một cao nguyên lớn giáp biển Ả Rập về phía tây vịnh Bengal dưới sông Narmada về phía đông. Khu vực này gọi là Dakshinapatha trong tiếng Phạn. 
(5) Biên niên sử của Viện nghiên cứu phương Đông Bandhakar, cuốn 34, tr. 30; Corpus Inscroptionum Indica tập hợp các bia khắc Ấn Độ I-II-VI-B, p.159
(6) Epigraphia Indica Nghiên cứu các bia khắc Ấn Độ 10, p.27, n. 177
(7) Lịch sử tạng Luật Phật giáo II-I, p. 272
(8) Epigraphia Indica Nghiên cứu các bia khắc Ấn Độ 10, p.33, n. 245
(9) Ibid, p. 31, n. 226
(10) Epigraphia Indica 10, tr. 127 và Epigraphia Indica IV, tr. 114
(11) Bản bia khắc được xác định niên đại vào triều vua Ishvarasena dòng tộc Abhira. 
(12) Tập hợp các bia khắc Ấn Độ Corpus Inscroptionum Indicarum 4, tr. 114
(13) Karshapana là loại tiền xu đúc từ bạc, mỗi xu nặng 34 grain. Loại tiền Karshapana được nói đến ở đây có lẽ là loại tiền kshatrapas miền Tây Ấn, dường như đã lưu hành tại tiểu bang Maharashtra trong thời cai trị của dòng tộc Ahbiras.
(14) Tập hợp các bia khắc Ấn Độ Corpus Inscroptionum Indicarum 4, tr. 114 và nghiên cứu các bia khắc Ấn Độ 10, số 1137, tr. 127
(15) Nghiên cứu các bia khắc Ấn Độ 10, tr. 127
(16) Các hang động Kanheri là một quần thể di tích nằm ở phía bắc của Borivalion ở phía tây ngoại ô thành phố Mumbai. Những hang động này được xác định niên đại vào thế kỷ thứ I trước Công nguyên đến thế kỷ thứ IX sau Công nguyên. Tổng cộng có 109 hang động được khoét sâu vào núi đá bazan.
(17) Kalyan cách Mumbai 53 Km về phía đông bắc.
(18) Các bia khắc Kanheri, tác giả Ghokhale Shobhana, tr. 98-101. Sự tồn tại của các tu viện dọc các tuyến đường thương mại cổ đại không phải là trùng hợp ngẫu nhiên.
(19) Nghiên cứu các bia khắc Ấn Độ 10, tr. 102, n. 998. Theo Ghokhale Shobhana, Gandharikabhami là một khu định cư của người Hy Lạp tại thành phố cổ Kalyan. Thậm chí ngày nay vẫn còn một dòng sông nhỏ có tên gọi là Gandhari, một nháng của sông Kalu, gần kalyan. Khu vực xung quanh cũng được gọi là Gandhari.
(20) Không có sự nhất trí về nguồn gốc dân Yava. Có những phóng thuyết khác nhau về quê gốc của họ, có thể là khu vực từ Ionia qua Tây Á.
(21) Chùa mái vòm này có từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên và là một trong những chùa đẹp nhất loại này so với những hang động Phật giáo cổ xưa. Chùa gồm một bảo tháp lớn và 37 cột được trang trí lộng lẫy. Một bia khắc dựng ở chùa ghi rằng đây là hang động tuyệt vời nhất toàn cõi Diêm Phù Đề, và chùa được xây bởi Bhatapala, người cho vay lãi xứ Vaijayanti. Những hang động này nằm cách Mumbai 114 km. 
(22) Nghiên cứu các bia khắc Ấn Độ 7, tr. 52 và 83-84
(23) Nghiên cứu các bia khắc Ấn Độ 10, tr. 369
(24) Ibid, tr. 105, n. 1006. Danh vị khác của Ponakiasana, their (Trưởng lão ni), cho thấy phẩm bậc của Ni sư trong Tăng đoàn.
(25) Ibid, tr. 106, n. 1013. Cả hai vị ni đều cúng dường tại Kanheri.
(26) Sannati là một nhỏ bên bờ sông Bhimain Chitapurtaluk nằm ở quận Galbarga phía bắc tiểu bang Karnataka.
(27) I. K. Sarma và J. V. Rao, những bia khắc Bhrami đầu tiên ở Sannati, Nhà xuất bản Harman, New Delhi, 1993.
(28) Ibid

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 2016(Xem: 7276)
Nói đến Giáo hội Tỳ-kheo Ni, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến sự kiện Đức Thế Tôn chưa chấp thuận lời cầu xin gia nhập Tăng đoàn của Di mẫu Mahaprajapati. Để được phép xuất gia, Di mẫu Mahaprajapati đã chấp thuận tuân thủ Bát Kỉnh Pháp một cách vô điều kiện. Thế nhưng, theo như lời Phật dạy, Ni chúng được chư vị Tỳ-kheo truyền giới. Không có nơi nào trong Luật tạng đề cập chư Đại đức Tăng phải yêu cầu các giới tử Ni tuân thủ Tám pháp Bát kỉnh mà Đức Thế Tôn đã đưa ra cho Tôn giả Mahapajapati. Các Tỳ-kheo Ni ý thức rằng, chính vì sự nhận thức chưa thấu đáo về bối cảnh và con người, trong sự kiện Đức Phật chế định Bát Kỉnh Pháp mà ngày nay Giáo đoàn Tỳ-kheo Ni tại Ấn Độ và các quốc gia Phật giáo khác đã phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều mới có thể khẳng định sự tồn tại của mình trong lòng Phật giáo.
25 Tháng Ba 2016(Xem: 6478)
Chúng ta cần phải lưu ý đến một điểm thật quan trọng và tế nhị là dù mình đã đạt được nhiều kinh nghiệm luyện tập thiền định, nhưng không phải vì thế mà tránh được sự mê hoặc của các cảm tính (feeling/cảm nhận) thích thú (pleasant/dễ chịu), chẳng qua vì chúng tạo ra cho mình mọi thứ ảo giác ở nhiều cấp bậc khác nhau. Thật hết sức khó cho chúng ta nhận thấy được các sự biến đổi và tính cách phù du của chúng. Chẳng những chúng không mang lại được sự thích thú thật sự nào mà chỉ tạo ra thêm căng thẳng cho mình, và chỉ vì không hiểu được điều đó nên mình cứ tiếp tục bám víu vào chúng.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7235)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài báo của một nữ ký giả và biên tập viên người Thái Sanitsuda Ekachai trên báo Bangkok Post về một phụ nữ Mỹ thật phi thường là bà Jacqueline Kramer. Bà từng là một ca sĩ có tiếng, từng độc diễn trên các sân khấu ở San Francisco, nhưng đã hy sinh tất cả để nuôi con nhờ vào tâm Phật bên trong lòng bà. Bà tin rằng một phụ nữ nuôi nấng con cái, làm bếp, dọn dẹp nhà cửa cũng có thể đạt được giác ngộ.
19 Tháng Ba 2016(Xem: 7108)
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thuyết trình của bà Gabriela Frey với chủ đề "Phụ nữ và Phật giáo", trước cử tọa của tổ chức Ki-tô giáo FHEDLES (Femmes et Hommes, Égalité, Droits et Libertés, dans les Églises et la Société/Nữ và Nam giới, Công bằng, Luật pháp, Tự do, trong Nhà thờ và ngoài Xã hội). Buổi thuyết trình diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 2013, và sau đó đã được ghi chép lại và phổ biến trên nhiều trang mạng, trong số này có trang mạng của Tổ chức FHEDLES trên đây và Hiệp hội Sakyadhita Quốc Tế (Sakyadhita International Association of Buddhist Women/Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo trên thế giới).
19 Tháng Ba 2016(Xem: 6745)
Lời giới thiệu của người dịch Một người con gái sinh trưởng trong một gia đình bình dị ở một khu phố nghèo của thành phố Luân Đôn, tình cờ một hôm đọc được một quyển sách về Phật giáo, bỗng chợt cảm thấy mình là một người Phật giáo mà không hề hay biết. Cơ duyên đã đưa người con gái ấy biệt tu suốt mười hai năm liền, trong một hang động cao hơn 4000m trên rặng Hy-mã Lạp-sơn. Ngày nay cô gái ấy đã trở thành một ni sư Tây Tạng 73 tuổi, pháp danh là Tenzin Palmo, vô cùng năng hoạt, dấn thân và nổi tiếng khắp thế giới.