Tư Tưởng Bảo Vệ Môi Trường Sinh Thái Của Phật Giáo

30 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 8457)

Tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của Phật Giáo
Tác Giả: Lại Hiền Tông - Thích Nhuận Đạt dịch

Lời nói đầu


 Bản dịch đầy đủ bài viết của Lại Hiền Tông do thầy Thích Nhuận Đạt gởi đến, nguyên có tên “Phật giáo Thiên Thai và triết học môi trường”, là một phần của tập sách đang được dịch giả chuẩn bị hoàn thành để xuất bản trong nay mai. Đây là một luận văn có tính bác học bàn luận một cách có hệ thống và rất sâu về triết học môi trường theo quan điểm Phật giáo Thiên Thai, trong đó có một phần khá dài trình bày “Vấn đề căn bản và bối cảnh lý luận của cuộc tranh luận tư tưởng bảo vệ môi trường Phật giáo Đài Loan hiện nay” với những chú thích rất cặn kẽ đầy đủ của dịch giả. Do khuôn khổ giới hạn, chúng tôi xin phép chỉ cho đăng những nội dung cốt lõi nhất liên quan đến quan điểm Phật giáo nói chung về bảo vệ môi trường, chủ yếu chỉ giữ lại phần đầu giới thiệu mấy vấn đề tổng quát và cả phần thứ III của bài dịch, rồi đặt lại tên bài như trên, nhằm tiếp tục phổ cập đến đông đảo bạn đọc một trong những vấn đề trọng yếu nhất này của nhân loại trong thời đại mới.

Thuật ngữ chính

Sinh thái học (Ecology), đạo đức học môi trường (Environmental Ethics), Phật học Thiên Thai (T"ien-t"ai Buddhism), Phật giáo Đài Loan (Taiwanese Buddhism), triết học sinh thái (Ecophilosophy)

Dẫn nhập

Từ sinh thái học(Ecology, Ökologie) lần đầu tiên do nhà sinh vật học người Đức Ernst Haeckel (1834-1919) đưa ra vào năm 1866 trong tác phẩm Generellen Morphologie der Organismen (Hình thái học sinh vật đại cương) của ông. Từ sinh thái học xuất hiện đầu tiên bằng tiếng Đức là Ökologie ở phương Tây. Ökologie được tạo thành do hai từ căn oikos logos của tiếng Hy Lạp. Oikos có nghĩa là: chỗ ở, sự chiếu cố (Haus, Wohnhaus, Haushalten) về chỗ ở. Logos có nghĩa là nghiên cứu hay là thảo luận. Đương thời, Ernst Haeckel định nghĩa sinh thái học như sau: “Sinh thái học là môn học nghiên cứu toàn bộ mối quan hệ của động vật đối với môi trường hữu cơ và vô cơ”. Từ đó về sau, nhiều học giả đã giải thích sinh thái học không giống nhau. Hiện nay, sinh thái học được nhiều người định nghĩa đơn giản là:“Khoa học nghiên cứu mối quan hệ tương quan giữa sinh vật và môi trường xung quanh của chúng”[1].

Nghiên cứu của Hubertus Mynarek chỉ ra: Trên phương diện từ nguyên, Ecology (Ökologie) ngay từ đầu đã có liên quan đến tôn giáo (Religion). Bởi lẽ, từ căn Religio của từ Religion (tôn giáo), có nghĩa là Rück-Bindung an das Ganze (quay lại và kết hợp với chỉnh thể), nhưng sinh thái học (Ecology, Ökologie) trên ý nghĩa về mặt từ nguyên là Oeconomie des Natur-Ganzen (kinh doanh quan tâm đến chỉnh thể tự nhiên).[2]Nói cách đơn giản, sinh thái học (Ecology, Ökologie) liên quan đến sự chiếu cố và hiến thân đối với quan điểm tự nhiên mới, liên quan đến sự tồn tại của con người đối với tính chỉnh thể của tự nhiên, là một loại Das ganzheitliche Denken (tư duy mang tính chỉnh thể)[3].

Cho nên, có thể nói sinh thái học ngay từ đầu đã có chiều hướng của tôn giáo. Loại này trở thành Das ganzheitliche Denken (tư duy mang tính chỉnh thể), tư tưởng uyên nguyên của sinh thái học phương Tây sau này.

Trong lịch sử tư tưởng phương Tây, cũng có rất nhiều người đề xướng lịch sử văn hóa phương Tây chịu ảnh hưởng sự phân tích lí tính đối lập nhị nguyên của triết học truyền thống, xưa nay hoàn toàn không được coi trọng. Nhưng đến thời phục hưng thế kỷ 20, nó đã dần dần thịnh hành, trở thành một trong những nguồn tư tưởng sinh thái học phương Tây. Mô thức tư duy Das ganzheitliche Denken (tư duy mang tính chỉnh thể) ở châu Á là dòng chính của triết học truyền thống.

Đặc biệt là, tư tưởng Phật giáo như Duyên khởi luận và tính nương tựa lẫn nhau là nguyên lí cơ bản, có đầy đủ hàm nghĩa triết học sinh thái. Cho nên, thông qua sự liên thông của văn hóa phương Đông và phương Tây, triết học châu Á cũng đã kích thích sự phát triển mạnh mẽ của sinh thái học phương Tây đương đại.[4]Mối quan hệ nội tại của sinh thái học (Ecology, Ökologie) và tôn giáo (đặc biệt là Phật giáo) cũng chính là bối cảnh quan trọng trong bài viết này của tác giả.[5] Mối quan hệ mật thiết giữa sinh thái học và tôn giáo về mặt lịch sử tư tưởng có nguồn gốc sâu xa, lâu dài. Al Gore gọi đây là “Chủ nghĩa bảo vệ môi trường tinh thần”.[6]

I. Lược thuật sinh thái học và tư tưởng bảo vệ môi trường

Trong nửa sau thế kỷ 20, cùng với sự ngày càng xấu đi của môi trường thì sinh thái học chủ yếu triển khai hai phương diện.

Trước tiên là nghiên cứu vấn đề môi trường sinh thái thực tế, phong trào bảo vệ môi trường. Năm 1962, nữ sĩ Rachel Carlson xuất bản tác phẩm Silent Spring (Mùa xuân lặng lẽ), thức tỉnh con người quan tâm đến môi trường, đồng thời ý thức được tính trọng yếu của sự phá hoại môi trường, làm cho con người hiểu được bản thân đang phải gánh chịu sự đáp trả khốc liệt của thiên nhiên.

Kế đến là suy nghĩ lại triết học sinh thái. Tác phẩm A Sand County Almanac (Niên Giám Quận Cát) của Aldo Leopold (1887-1948) xuất bản lần đầu vào năm 1949, đề xuất đạo đức học trái đất (the land ethics), chủ trương thiên nhiên là một cộng đồng sinh mệnh (community of life, biotic community) và con người chỉ là một phần tử trong đó, tạo nên tiếng vang rất rộng rãi. 

Triết học sinh thái xét lại khái niệm căn bản và dự kiến của sinh thái học, chẳng hạn như:

Luận bàn tồn hữu học về khái niệm “tự nhiên”.

Giá trị của giới tự nhiên (giá trị thủ đoạn, giá trị nội tại).

Vấn đề địa vị và tác dụng của con người trong giới tự nhiên.

Vấn đề khuynh hướng giá trị và nền tảng khoa học của đạo đức học sinh thái (Ökologie-Ethik).

Vấn đề xác lập và đánh giá tiêu chuẩn đạo đức sinh thái.

Triết học tôn giáo và sinh thái học, thần học sinh thái.

Mỹ học và sinh thái học.

Khái niệm lí tính của phong trào Khởi mông[7] là hình thức và quy tắc thuần túy thuộc tiên thiên. Tinh thần của chủ nghĩa Khởi mông dũng cảm sử dụng lí tính, phá trừ quyền uy và mê tín. Vì thế, quan điểm tự nhiên của phong trào Khởi mông là thông qua lí tính mà nắm bắt được quy tắc phía sau của tự nhiên để chế ngự tự nhiên, khai phát tự nhiên, chinh phục tự nhiên. Tự nhiên từ đó mất đi tính thiêng liêng và cơ thể đặc trưng của nó, và biến thành “trong chính nó” (in-itself) thuần túy đối lại với ý thức “cho chính nó” (for-itself).

Do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên phong trào Khởi mông khống chế tự nhiên ngày càng mãnh liệt hơn. Nhưng từ phong trào Khởi mông trở về sau, văn minh phương Tây ngược lại cho rằng loại này khống chế tự nhiên ngày càng mãnh liệt hơn, là phù hợp với “quan điểm tiến bộ” của nó. Loại quan điểm tiến bộ này thực ra là lấy “nguồn tài nguyên vô hạn” làm dự kiến lí luận của nó.

Vào thập niên 60 sản sinh trào lưu tư tưởng mới về sinh thái học, thay đổi phương thức cư xử của con người đối với thiên nhiên, khôi phục tính thiêng liêng và cơ thể đặc trưng của tự nhiên, đưa ra quan niệm “vạn vật nương vào nhau”, thừa nhận “sinh thái thiếu hụt”. Nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường: đất đai, không khí và nước, không giống kinh tế học và khoa học cận đại thừa nhận là vô cùng giàu có, ngược lại, chúng là “nguồn tài nguyên hiếm hoi” cần phải biết thương tiếc, sử dụng cẩn thận. Để duy trì sự ổn định của sinh thái tự nhiên, để duy trì hệ thống nương tựa lẫn nhau của địa cầu, chúng ta cần phải khôn khéo trong việc tái sử dụng vật chất. Như thế, “sự tiêu thụ xanh” trở thành một khâu quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.

Phong trào “tiêu thụ xanh” rất thịnh hành ở Đức vào năm 1980, người tiêu thụ cần phải tuân thủ nguyên tắc của “3 R” và “3 E”. “3 R” là Reduce (giảm lượng), như khi ăn buffet thì tự mình chuẩn bị hộp đựng thức ăn tiện lợi, để tiết kiệm khỏi rửa dụng cụ đựng thức ăn; hai là quan niệmReuse (tái sử dụng), đối với sản phẩm cung cấp để sử dụng thì không nên vứt đi ngay sau sử dụng mà giữ lại để sử dụng tiếp; ba là Recycle (tái chế). “3 E” là Ecology (sinh thái), suy nghĩ vật phẩm có hại đối với môi trường sinh thái hay không; Economy (kinh tế), cuộc sống đơn giản mộc mạc nhưng không sơ sài; Equitable (bình đẳng) tức là con người và thiên nhiên là bình đẳng.[8]

Ngoài ra, phong trào bảo vệ môi trường ở Mỹ đại khái có thể phân làm bốn thời kỳ:

Thời kỳ triển khai kế hoạch: 1900-1960.

Thời kỳ kháng nghị xung đột: 1960-1975.

Thời kỳ chuyển hình: từ 1981 đến nay, nhấn mạnh “sự kiến lập mô hình sinh thái mới”.[9]

Bắt đầu từ năm 1991, phong trào bảo vệ môi trường của phương Tây bước vào thời kỳ chuyển hình, dốc sức kiến lập mô hình sinh thái mới. Họ cho rằng, chăm sóc môi trường sinh thái không thể thông qua niềm tin thuộc “mô hình xã hội có thế lực mạnh mẽ” mà phải suy nghĩ ưu tiên. Vì thế muốn khai sáng một “mô hình sinh thái mới” có thể khai sáng quan điểm giá trị và mô thức hành vi, thể chế mới. Trong sự kiến lập mô hình mới này, tư tưởng Phật giáo cũng chiếm một khâu quan trọng. Chẳng hạn như nhà sinh thái học nổi tiếng E.F.Schumacher (1911-1977) hết mực ca ngợi quan điểm sinh thái của Phật giáo.

Bản viết này căn cứ Pháp giới quan (quan điểm về pháp giới) của Phật giáo đưa ra nền tảng tư tưởng bảo vệ môi trường, để chúng ta tham cứu. Nguyên tắc cơ bản nhất của sinh thái học là tính chỉnh thể và tính nương tựa lẫn nhau của vạn vật. “Tính nương tựa lẫn nhau” và “tính chỉnh thể” tương ứng với tư tưởng “duyên khởi” và “cộng nghiệp” của Phật giáo.

Nhưng hai loại này đều kết hợp trong Pháp giới quan (thí dụ như sự sự vô ngại pháp giới của tông Hoa Nghiêm và nhất niệm tam thiên của tông Thiên Thai). Hơn nữa, sự kiến lập của tâm và cảnh của Phật học Thiên Thai, quan điểm pháp giới của triết học Hoa Nghiêm và khái niệm thiên nhiên trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, có thể tương thông về mặt tư tưởng của nó, đều có hàm nghĩa lí luận triết học sinh thái. Bài viết căn cứ theo ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa triết học để tham cứu.[10]

Giới nghiên cứu Trung văn sắp xếp loại hình lí luận của triết học bảo vệ môi trường phương Tây, có thể tham chiếu tác phẩm Trung Tây hoàn cảnh triết học: Nhất cá chỉnh hợp đích tiến lộ (中西環境哲學: 一個整合的進路, Triết học môi trường Trung Tây: Con đường tiến triển của chỉnh hợp) của Trang Khánh Tín (莊慶信)[11], phân nó thành bốn loại:

1. Triết học môi trường của chủ nghĩa nhân loại trung tâm,

2. Triết học môi trường của chủ nghĩa sinh mệnh trung tâm,

3. Triết học môi trường của chủ nghĩa môi trường chỉnh thể,

4. Triết học môi trường của chỉnh hợp luận. 

Phân tích rất rõ ràng, từng tầng từng tầng tiến lên, rất đáng nên tham khảo. Nhưng, về mặt so sánh triết học bảo vệ môi trường của Trung Quốc và phương Tây thì cuốn sách này dường như bao hàm rất nhiều sự tùy tiện trên phương diện quy loại, so sánh và giải thích. Chẳng hạn như triết học bảo vệ môi trường của Nho gia, Đạo gia, Phật giáo và Tân Nho gia, mỗi tông phái đều chọn lấy lí luận một phần của nó (như học thuyết mà Phật giáo chọn là quan điểm chúng sinh bình đẳng), rồi phối hợp nó với bốn loại lí luận phương Tây như triết học môi trường... của chủ nghĩa nhân loại trung tâm. Hơn nữa, hạn định nó trong tầng bậc của chính nó. Sự chia cắt, phối hợp và hạn định như thế thật khó tìm được lí do đầy đủ của nó. Ví dụ như, thiên thứ nhất, chương 3 của sách này “Triết học môi trường chúng sinh bình đẳng của Phật giáo Trung Quốc”, thiên thứ ba, chương 10 “Đối thoại giữa chủ nghĩa sinh mệnh trung tâm và lí luận "chúng sinh bình đẳng" của Phật giáo Trung Quốc”, đem triết học bảo vệ môi trường của Phật giáo chỉ quy về “Triết học bảo vệ môi trường của chủ nghĩa sinh mệnh trung tâm”, có rất nhiều ý kiến khác nhau của rất nhiều học giả (như Thích Hằng Thanh, 釋恆清)[12]

Chúng ta cũng không thấy được lý do triết học bảo vệ môi trường của Phật giáo tại sao không phải là triết học môi trường thuộc về chủ nghĩa môi trường chỉnh thể và lý luận chỉnh hợp? Cho nên, bài viết này, chúng tôi lấy triết học bảo vệ môi trường của Phật giáo làm triết học môi trường thuộc chủ nghĩa môi trường chỉnh thể và lý luận chỉnh hợp, sử dụng nó làm điểm khởi đầu để bàn luận. Đây chính là quan điểm nghiên cứu được đa số học giả áp dụng.

II. Triết học sinh thái từ quan điểm đa văn hóa đến tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của phật giáo

1. Phật học và thần học sinh thái đương đại

Bốn trăm năm về trước, khoa học kỹ thuật hiện đại cướp đoạt tư thế của thiên nhiên mang về với mảnh đất phương Tây. Hơn nữa, cho rằng con người được mô tả trong Thánh kinh là chủ nhân của trái đất làm điểm y cứ. Giáo hội phương Tây đối với sự phân biệt giữa thiên nhiên và ân huệ mà sản sinh ra sự khinh thường thiên nhiên. Đối với việc giáo hội truyền thống Kitô giáo phá hoại thiên nhiên thì khó mà dùng từ ngữ để nói hết tội cho được. Nhưng, từ nửa sau thế kỉ 20 đến nay, dưới sự ảnh hưởng của triết học sinh thái và triết học phương Đông thì giới thần học phương Tây đương đại cũng dốc sức giải thích lại thần học truyền thống đã được thiết định trước đây. Chẳng hạn như, sửa lại chủ nghĩa nhân loại học trung tâm và tách ra thế giới thuộc thần tính và thế giới được tạo ra… mà bắt tay vào việc sáng tác thần học sinh thái đương đại.[13]

Thần học sinh thái thứ nhất xuất phát từ tác phẩm Ecological Theology (Thần học sinh thái), do nhà thần học quá trình người Mỹ là John Cobb (1925-) viết. Cho đến tác phẩm Im Bauch des Fisches: Okolog. Theologie (Trong bụng cá: Thần học sinh thái) 1979, do nhà nghiên cứu Kinh thánh Cựu ước người Đức là Gerhard Liedke (1937-) viết.

Những sáng tác thành công nhất về thần học sinh thái đương đại là của Jürgen Moltmann. Ông là một trong những nhà thần học người Đức có sức ảnh hưởng lớn nhất ở phương Tây. Ông dạy tại Đại học Tübingen. Ngoài việc viết tác phẩm Der Gekreuzigte Gott (Thượng đế bị đóng đinh trên cây thập giá) nhằm đáp ứng lí luận phê phán và phong trào xã hội trong thập niên 60 ra, vào năm 1985, ông còn phát biểu Gott in der Schöpfung (Thượng đế đang sáng tạo).[14]

Trong cuốn sách này, Jürgen Moltmann phối hợp với lí luận sinh thái những năm 80, trình bày lí luận thần học bắt buộc phải có trong cuộc khủng hoảng sinh thái, chủ trương nhìn thấy Thượng đế trong thiên nhiên, nhìn thấy thiên nhiên trong Thượng đế. Chỉ khi nhận thức được giới tính này của Thượng đế thì mới có thể nhận thức được giới tính khác của Thượng đế. Jürgen Moltmann nhấn mạnh quan điểm vạn hữu tại thần luận (Pantheismus). Thượng đế sáng tạo và thế giới do ngài sáng tạo không phải là quan hệ đối lập nhị nguyên truyền thống, mà là, Thượng đế sáng tạo thế giới cư trú trong thế giới. Thế giới cũng cư trú trong thần tính của Thượng đế, ba vị có cùng một thể, tất nhiên có nghĩa sáng tạo luận hoặc là bao hàm sinh thái luận cùng tương ứng với nó. Trong tác phẩm Gott in der Schöpfung (Thượng đế đang sáng tạo) Jürgen Moltmann cũng có bao gồm vài khả năng tính đối thoại triết học Không của Phật giáo. Lời nói đầu bản dịch đó, Jürgen Moltmann đề cập đến quan điểm tự nhiên của Đạo đức kinh (道德經) của Lão Tử (老子, 571~471 B.C), có ảnh hưởng đối với ông khi ông ta viết cuốn sách này.[15]

Nhà thần học Kitô giáo phương Tây chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng phương Đông và triết học sinh thái, có thể giống như Jürgen Moltmann thông qua sự giải thích lại đối với thần học Kitô giáo truyền thống mà khai sáng thần học sinh thái, nhưng cũng có thể bỏ đi cơ bản được thiết lập trước của thần học. Từ đó, sáng lập tôn giáo sinh thái (Ökologische Religion) thoát khỏi Kitô giáo truyền thống. Chẳng hạn như, triết gia người Áo, Hubertus Mynarek, trước đây là vị linh mục Kitô giáo, từng đảm nhiệm chức giáo sư tôn giáo học và thần học ở Đại học Wien. Vào năm 1972, ông tự động ra khỏi giáo hội Thiên chúa giáo, viết các cuốn sách như Ökologische Religion. Ein neues Verständnis der Natur (Tôn giáo sinh thái: Lý giải mới về thiên nhiên) vào năm 1986, và cuốn Religiös ohne Gott? (Có phải tôn giáo không có Thượng đế?) vào năm 1983, …

Tôn giáo sinh thái mà ông nói là một loại tôn giáo kiến lập trên quan điểm mới về thiên nhiên, là một loại tôn giáo lấy tính chỉnh thể và tính phổ biến của thiên nhiên làm sự tồn hữu mà con người nắm bắt được, mà dấn thân vào thiên nhiên và động lực của thiên nhiên, và sự chiếu cố theo khuynh hướng chủ yếu. Mynarek chủ trương tôn giáo có một loại tính phổ biến.[16]

Rất rõ ràng là, tôn giáo sinh thái của Mynarek chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng phương Đông. Ngoài sự xét lại lí luận thần học, một phương diện khác là khảo sát kinh nghiệm của phong trào xã hội của tôn giáo Âu-Mỹ, ông còn đem tư tưởng tôn giáo của Kitô giáo chuyển thành tôn chỉ và hành động của đảng chính trị. Vào thời gian này thường có thể thấy, chẳng hạn như, đảng dân chủ Kitô giáo của nước Đức, từ tên của đảng có thể biết mối quan hệ của đảng và Kitô giáo. Kitô giáo tìm kiếm giá trị cơ bản của chánh nghĩa, bình đẳng và bác ái, là chuẩn mực của nhân vật chính trị. Chung mạt luận (eschatology) của Kitô giáo là cần phải kiến lập trật tự xã hội trên thế giới mới, cũng khiến cho tín ngưỡng tôn giáo can thiệp vào hành động xã hội chính trị.

Đảng dân chủ Kitô giáo cố nhiên là đảng chính trị bảo thủ, nhưng đảng xã hội, đảng chính trị cánh tả… cũng chịu sự ảnh hưởng sâu sắc giáo nghĩa nguyên thủy của tôn giáo Kitô giáo. Bởi lẽ, sự phê phán xã hội của chủ nghĩa xã hội và cách mạng xã hội, kì thực cũng có liên quan với Chung mạt luận của Kitô giáo.

Đảng lục (Grüne Partei) là đảng sinh thái của nước Đức, có sức ảnh hưởng đáng kể trong chính trị xã hội của nước Đức.

Nhưng ở Đông Á, Phật giáo Đại thừa không những có chủ trương chúng sinh bình đẳng, mà còn có sự quy hướng siêu việt về Tịnh Độ, cũng có sự kì vọng chính trị về bậc Pháp vương và chuyển luân thánh vương (cakravartin, cakravartī-rāja). Nhưng trong Phật giáo Hán truyền, vì không tránh khỏi sự tàn độc của phong kiến chuyên chế, Phật giáo Đại thừa thường trở thành công cụ để thuần hóa nhân dân, nương thân vào vương quyền. Tinh thần giác ngộ và công năng phê phán của Phật giáo cũng vì lí do này mà trở nên suy yếu. Sự tranh cãi về tư tưởng bảo vệ môi trường của Phật giáo Đài Loan đương đại tất nhiên phải quay lại bối cảnh lịch sử này để mà khảo sát, cũng phải tiến hành giao lưu với nhiều dạng triết học sinh thái bảo vệ môi trường và tôn giáo phương Tây. Như vậy, trong tương lai mới có thể giải phóng chướng ngại sai lầm trong ý thức tiềm ẩn của chính mình, mở ra tiền đồ sáng rỡ trong công cuộc bảo vệ môi trường của Phật giáo.

2. Triết học sinh thái Phật giáo trong quan điểm đa văn hóa

2.1. Quan điểm về tự nhiên của Đạo gia và quan điểm pháp giới của Phật giáo

Sự liên quan giữa quan điểm pháp giới và khái niệm tự nhiên trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc thì có thể trình bày thuyết pháp thân cảm ứng (法身感應) của Huệ Viễn[17]. Huệ Viễn nêu ra Quan điểm cảm ứng tự nhiên. Đây là tượng trưng cho sự kết thúc về quan điểm tự nhiên của huyền học, nhưng lại đến thời đại tự nhiên quan của nhà Phật. Thời đại Huệ Viễn, lấy “tự nhiên” phiên dịch “tự tính” (svabhāva) trong bộ phái Tiểu thừa, cũng dùng chữ “tự nhiên” để phiên dịch “vô tự tính” (asvabhāva) trong kinh Bát nhã. Vì thế, quan điểm tự nhiên của Phật giáo trong thời đại Huệ Viễn bao gồm hai tầng bậc của “tự tính” trong bộ phái Tiểu thừa và “vô tự tính” trong kinh Bát nhã. Điều này tương ứng với sự phân chia Quan điểm cảm ứng tự nhiên của Huệ Viễn thành nghiệp báo cảm ứng (業報感應) và pháp thân cảm ứng (法身感應).[18]

Sự phân chia này cũng giống như tôn giả Phật Sử (Ajahn Buddhadasa)- một thiền giả vĩ đại của Thái Lan đương đại khai thị: “Tự nhiên” truyền đạt ý nghĩa của hai phương diện bên trong và bên ngoài, tự nhiên bên trong và tự nhiên bên ngoài. Tự nhiên bên trong có thể gọi là Pháp giới. Đây chính là tự nhiên bên trong chính xác. Một con người không những cần phải bảo tồn tự nhiên bên ngoài, mà cũng cần phải bảo tồn tự nhiên bên trong.[19]

Vì thế bảo vệ môi trường tâm linh và bảo vệ môi trường sinh hoạt không thể thiên vị bất kì bên nào được.

Từ “tự nhiên” (自然) được coi trọng trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, lần đầu tiên được tìm thấy trong Lão Tử (老子, 571-471 B.C) và Trang Tử (莊子369-286 B.C).

Đặc biệt là Lão Tử, “Quy luật của con người là ở đất, quy luật của đất là ở trời, quy luật của trời là đạo, quy luật của đạo là ở tự nhiên”[20]. Đạo là phạm trù triết học cao nhất của Lão Tử, nhưng đạo vẫn cần pháp tự nhiên, đạo lấy tự nhiên làm tự nhiên của nó. Vô vi (無為) là cảnh giới thực tiễn cao nhất của Lão Tử liên quan với đạo, nhưng Lão Tử mô tả cảnh giới cao nhất của vô vi, gọi là “trăm họ đều gọi là tự nhiên của ta”. Tự nhiên được coi là tính quan trọng trong thực tiễn của Lão học. Lại nữa, cảnh giới cao nhất của vô vi là tự nhiên, nhưng Lão Tử giải thích vô vi là “vô vi nhi vô bất vi”, thì “tự nhiên” cũng có “tự nhiên của vô bất vi" và “tự nhiên của vô vi”. “Tự nhiên của vô bất vi" là chỉ cho “tính tự luật”, và “tính tự điều tiết” của tự nhiên. “Tự nhiên của vô vi” chỉ cho “chung bản thể (終本體) của tự nhiên”. Nhưng, “tự nhiên của vô bất vi” và “tự nhiên của vô vi” thì sử dụng triết lý “hữu vô huyền đồng” (有無玄同)[21]để biểu đạt.

So sánh sự phân chia Quan điểm cảm ứng tự nhiên của Huệ Viễn được trình bày ở phần trước thành nghiệp báo cảm ứng (業報感應) và pháp thân cảm ứng (法身感應), có thể “tự nhiên của nghiệp báo cảm ứng” tương ứng với “tự nhiên của vô bất vi”, nhưng “tự nhiên của pháp thân cảm ứng” thì lại tương ứng với “tự nhiên của vô vi”. Nhưng, đạo của Lão Tử trải qua sự chuyển hóa của thiền quán và thuyết Như Lai tạng thì lí luận “hữu vô huyền đồng” của nó đã chuẩn bị nhường vị trí cho pháp giới quan Hoa Nghiêm về sau. Y cứ theo phần trên có thể biết được, “lí sự vô ngại pháp giới” của pháp giới quan Hoa Nghiêm chính là nói theo tầng bậc “tự nhiên của vô bất vi”. Nhưng, “sự sự vô ngại pháp giới” chính là nói theo tầng bậc “tự nhiên của vô vi.”

2.2. Triết học tự nhiên của phương Tây và triết học sinh thái Phật giáo

Nếu nói theo sự so sánh của triết học Đông Tây thì Ando Shoeki (安藤昌益,1703-1762) chỉ ra, trong triết học phương Tây, F. W. J.Schelling (1775-1854) tiến thêm một bước giải thích “tự nhiên của sở sản” và “tự nhiên của năng sản” được Baruch de Spinoza (1632-1677) phân chia. Chỉ nói theo phương diện tự nhiên của sở sản (natura naturata) thì, chúng ta gọi đó là tự nhiên thuộc khách quan. Nhưng, nói tự nhiên thuộc khách quan, cũng chính là tự nhiên thuộc về tính sản xuất (tự nhiên của năng sản, natura naturans), gọi nó là tự nhiên thuộc chủ thể.[22]

“Tự nhiên thuộc khách thể” là đối tượng của khoa học cận đại, chỉ cho đối tượng khách thể hóa bị đối tượng chi phối trong kỹ thuật cận đại. Vì thế, đây chính là khái niệm tự nhiên theo mô thức cũ trước sự chuyển hình của sinh thái học. Đây được gọi là “tự nhiên đang bị trói buộc”. Nhưng, “tự nhiên làm chủ thể” là chỉ cho “thiên nhiên tự do” (die freie Natur). Schelling sử dụng tính từ lebendig (thuộc về sinh) để biểu đạt, nói là “tự nhiên thuộc về sinh”, đối lại với quan điểm này, móc xích nhân quả của Cơ giới luận là “tự nhiên thuộc về tử”. Vì thế, “tự nhiên thuộc về sinh” là tự nhiên theo mô thức mới của sinh thái học. Loại tự nhiên này gọi là “làm chủ thể”. Bởi vì bên trong của nó có nguyên lí sáng tạo, ở đây cũng có nghĩa là “có tính tự sản xuất”.[23]

Ando Shoeki chỉ ra “tự nhiên thuộc về sinh” chỉ cho thế giới là một quá trình của “sự sinh sinh”, nội hàm có tính hợp mục đích bên trong. Đây là “tự nhiên làm chủ thể”, bên trong có đủ “nguyên lí của tính tự sản sinh” thông với các đối lập phân cực. “Sinh sinh” thuyết minh nguyên lí của “tính hỗ tương”, giải thích “hoạt tính cùng có nhau”. Vì thế, nhân loại và tự nhiên nối tiếp không qua môi giới. Nhân loại và tự nhiên là “quan hệ của chủ thể cộng đồng”.[24]

Ando Shoeki giải thích rõ về “tự nhiên thuộc về sinh”, phân tích tỉ mỉ nguồn gốc triết học Đông Tây về tự nhiên quan của mô thức sinh thái học mới.

2.3. Học phái triết học Kyōto Nhật Bản xét lại khoa học kỹ thuật và tự nhiên

Trong tác phẩm Thiền Triết học tôn giáo (禪 と宗教哲學), nghiên cứu triết học của Nishitani Keiji (西谷啟治Tây Cốc Khải Trị, 1900-1990) Kawamura Eiko (川村永子Xuyên Thôn Vĩnh Tử, 1938-) chỉ ra, chịu sự ảnh hưởng về việc nghiên cứu chủ nghĩa hư vô và phê phán khoa học kỹ thuật của Martin Heidegger (1889-1976). Nishitani Keiji cho rằng nguồn gốc chủ nghĩa hư vô (Nihinismus) của thế giới phương Tây chủ yếu là triết học truyền thống bị hạn chế ở nhân loại trung tâm (人類中心), tự nhiên trung tâm (自然中心) và siêu việt giả trung tâm (超越者中心). Trong xã hội hiện đại tha hóa, trong ba loại lãnh vực nhân loại, tự nhiên, siêu việt giả, thì nhân loại không có liên quan đến hai lĩnh vực kia. Đây chính là nguyên nhân gây ra do chỉ nghiên cứu khép kín lĩnh vực cô lập của bản thân. Sự khép kín và cô lập lẫn nhau của ba lãnh vực nhân loại, tự nhiên và siêu việt giả, nguy hiểm lớn nhất mang đến cho xã hội đương đại chính là chỉ có tôi là độc tôn của khoa học, kỹ thuật tự nhiên, sự khống chế về lí tính công cụ. Điều này gây ra sự khống chế, bóc lột sinh thái tự nhiên, khiến cho tiêu chuẩn giá trị nhân văn bị mất đi, cùng với sự sụp đổ nền tảng giá trị siêu việt.

Chúng tôi cho rằng, đây chính là triết học của Nishitani Keiji chuẩn đoán về “Văn hóa hiện đại”, cũng chính là phê phán “Tính hiện đại” (modernity), cũng chính là căn nguyên của vấn đề sinh thái và khủng hoảng môi trường ở phương Tây. Đương nhiên, bất luận là hoàn toàn không chú ý đến chủ nghĩa hư vô của siêu việt giả, hoặc là hoàn toàn không quan tâm đến tôn giáo khoa học của sinh thái tự nhiên và sự tồn tại của nhân loại, đều mang đến nguy cơ lớn nhất cho tương lai nhân loại. Sự khảo sát mang tính khoa học kỹ thuật bắt nguồn từ mô thức tư duy căn bản của siêu hình học phương Tây. Heidegger thì đặt tên cho vế sau là tồn hữu thần luận (Onto-theo-logie), trở thành siêu hình học biểu tượng (representative metaphysics), hơn nữa ông còn cho rằng căn cứ theo lịch sử siêu hình học truyền thống châu Âu của Aristotle (384~322 B.C) thuộc Hy Lạp cổ đại về sau thì, toàn bộ đều là quá trình của thần học tồn hữu. Khoa học kỹ thuật hiện đại đã hiện hữu trong mô thức tư duy của siêu hình học Hy Lạp, chính là đã tuyến bố sự ra đời của nó. Cũng chính là, Soren Kierkegaard (1813-1855), Nietzsche (Friedrich Wilhelm Nietzsche,1844-1900) đã thể nhận được chủ nghĩa hư vô và hư vô. Về nguồn gốc của nó, Heidegger chỉ rõ: Siêu hình học phương Tây khi không chú ý đến sự quên lãng tồn hữu về sự khác biệt của tồn hữu học. Đây chính là sản vật của lôgíc học hình thức căn cứ theo tư duy hình thức để hình thành. Hoặc nói, căn cứ tính đồng nhất giữa tư duy và tồn hữu về vạn vật tồn hữu theo tính tư biện mà chuẩn bị từ góc độ lôgíc thuyết minh sản vật lôgíc học về tồn tại tính của sự vật tồn tại. Như vậy, siêu hình học phương Tây quên lãng tồn hữu, chỉ tìm kiếm hình thức và bản chất sau sự vật, nắm bắt quy luật đằng sau hiện tượng mà ngược lại khống chế hiện tượng, hình thành trật tự. Cái được tạo thành là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, quy luật hóa thế giới hiện tượng, nhưng ngược lại quên mất lực lượng tồn hữu liền mở bày liền che khuất từ trước đến nay của biểu tượng. Cái mất đi là, thần bí sâu xa và lực lượng của nơi sâu xa của tự nhiên và nơi sâu xa của ý thức cội nguồn. Kết quả của chủ nghĩa hư vô là như thế. Con người hiện đại cưỡng ép tự nhiên cho phù hợp với cơ cấu do khoa học kỹ thuật nghĩ ra, cưỡng ép tự nhiên nhằm thỏa mãn lòng tham không đáy của nhân loại. Hành động này gây ra bạo lực cho thiên nhiên, tạo thành vấn đề nghiêm trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường. Cái được tạo thành chẳng qua chỉ là mảnh đất hoang phí (The Waste Land) như thi sĩ T.S. Eliot (1888-1965) đã nói.

Sau khi nhân loại mất đi, Đất mẹ sẽ trở thành người không có nhà để quay về, phiêu bạt trên mảnh đất hoang vu. Xã hội và văn hóa cũng trở thành mảnh đất hoang vu. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự phê phán văn hóa này của Heidegger cũng cho thấy bối cảnh hiện đại của sinh thái học đương đại và nguồn gốc tư tưởng của triết học sinh thái.

Cái “tự thể” được triết học Nishitani trình bày, hoàn toàn không phải “thật thể” và “chủ thể” được trình bày trong triết học truyền thống phương Tây, mà là tất cả sự vật đều trình hiện một cách như thật, riêng phần mình. Chẳng hạn như, cá và chim, hoặc là tùng và trúc, xét từ phương thức tồn tại thuộc tự tính bình đẳng, thì nó xuất hiện như thế. Ở đây, cái gọi là “tất cả sự vật đều xuất hiện một cách như thật, riêng phần mình” là tiếp thu lối biểu đạt của triết học Phật giáo, đặc biệt là về sau ảnh hưởng của triết học Thiền, chính là “tự tính” trong tự tính vốn tự thanh tịnh, tự tính vốn không sinh diệt được giảng giải rộng rãi trong Thiền tông. Cái gọi là tất cả đều không, cho biết tất cả sự vật đều không có thể tính chân thật. Có nghĩa là, hoàn toàn không thể đem tính tự ngã đồng nhất của tự kỷ đơn thuần làm thành thật thể (thể cơ bản không thay đổi vĩnh hằng phía sau) thuộc về tự ngã đồng nhất để có thể nắm bắt được.

“Tự kỷ” (tự bản thân) trong Thiền học có nghĩa là “việc của mình đã rõ ràng”. “Tính tự ngã đồng nhất” của tự kỷ trong Thiền học là bản lai diện mục sau khi minh tâm kiến tánh. Hơn nữa, cái gọi là có chỉ là cókhông hợp lại thành bỗng chốc mới là có. Cái có này được chỉ ở đây chính là tính căn nguyên, cũng chính là tính cách “giả” có từ căn để (gốc rễ), nhưng cũng có nghĩa là tất cả sự tồn tại trên bản chất là sự giả hiện (hiện hữu giả), là tính không duyên khởi. Đây là lập trường triết học Không. Tiến thêm một bước thảo luận đến triết học của tự thể. Việc này (tính không duyên khởi) có nghĩa là tự thể nguyên bản của “sự vật”. Nhưng, giữa những tình trạng không này thì hoàn toàn không có khe hở. Từ đó, “sự vật” tồn tại trong phương thức tồn tại thuộc về tính căn nguyên của căn bản tự thân nó. Bản thân đó chính là một loại giả hiện (假現), và bản thân vật tự thể là một loại hiện tượng mà giữa hiện tượng và vật tự thể hoàn toàn không đoạn tuyệt. Tự thể này trên lập trường của Không biểu hiện ra cái gọi là tính không duyên khởi.[25]

Cái của tự thể của “sự vật” tiến đến có thể xuất phát từ tự tính, có thể hiểu được tính dung hợp. Giống như Thiên chánh ngũ vị (偏正五位)[26]của Thiền Tào Động, là tiến thêm một bước giải thích đốn ngộ tự tính của Huệ Năng (慧能)[27]. Có thể nói, “tự tính” mà Nishitani nói chính là “tự tính” mà Huệ Năng nói.

Nishitani siêu việt cả triết học Không, siêu việt cả tuyệt đối vô được các bậc tiền bối xiển dương, tương đương với thiên chánh ngũ vị của thiền Tào Động, chính là giải thích thêm về “tự tính” mà Huệ Năng nói. Nếu căn cứ theo lời của Đạo Nguyên (道元)[28]ở phần trên thì cũng chính là “như chim” trong “chim bay như chim”, bản thân cũng thay thế “chân như”. Cũng chính là con cá bơi lội, tự thể của nó đại biểu cho “tợ như cá”. Nhưng cái mà ở đây phát huy tác dụng, hoàn toàn không phải sự hiểu biết của biểu tượng đối với đối tượng. Ở đây, sự hiểu biết của tính phi nhận thức (非認識性) về tự thể “sự vật” trong tính phi đối tượng (非對象性) cho đến sự hiểu biểu thuộc về “vô tri” (無知) hoặc là tư lượng (思量) của phi tư lượng (非思量), sẽ trình hiện ra.

Triết học Nishitani vận dụng sự phê phán khoa học kỹ thuật và xét lại liên quan đến chủ nghĩa hư vô của Heidegger, quay về với lập truờng Không và tư tưởng của Thiền để phát huy. Ở đây bao gồm triết học xét lại tư tưởng sinh thái, có ý nghĩa sâu sắc. Heidegger cho rằng khoa học kỹ thuật phương Tây có nguồn gốc từ tư duy biểu tượng tính, lãng quên đi tồn hữu, sinh ra sự bóc lột tự nhiên, bỏ mất đi lực lượng sinh sinh không ngừng của sinh thái tự nhiên, đề xướng trở về với bốn phương (Geviert) thiên, địa, thần và nhân, để tiếp cận lại với trái đất, chờ đợi thần minh.

Triết học “tự thể” của Nishitani ngoài việc tiếp thu sự ảnh hưởng của Heidegger thì trở về với tư tưởng vạn vật như như, tư tưởng dung hợp của Thiền Tông, đề xướng vạn vật cùng nương tựa lẫn nhau, vạn vật đều bình đẳng, có đầy đủ hàm nghĩa của sinh thái học tầng sâu. Đồng thời, cũng phối hợp chặt chẽ với sự phê phán khoa học kỹ thuật của Heidegger.

2.4. Triết học sinh thái của nước Đức

Về phương diện nước Đức, E.Haeckel (1834-1919)[29]đưa ra thuật ngữ sinh thái học (Ökologie) vào năm 1866. Người Đức vốn đã có sự quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Do vì người Đức trưởng thành trong lí luận sáng tạo của triết học thần học, cho nên họ có nhiều cống hiến đặc biệt cho tư tưởng sinh thái. Vào đầu thế kỷ 19, triết gia phái lãng mạn của Đức, ý chí quan niệm luận của Đức, có rất nhiều triết học tự nhiên phản đối chỉnh thể luận về tự nhiên quan của Cơ giới luận. Có thể nói, nguồn gốc tư tưởng sinh thái của nước Đức có lịch sử lâu đời. Bước vào thế kỉ 20, tư tưởng sinh thái của Đức vào những năm 60-70 của thế kỷ 20, là một bộ phận của đạo đức học quy phạm. Ngoài ra, sự phê phán khoa học kỹ thuật của triết gia Heidegger, tiến hành phê phán từ sự cấu thành thần học tồn hữu thuộc siêu hình học của triết học phương Tây rất nổi tiếng, có thể nói triết học sinh thái xuất hiện rầm rộ.[30]

Lại nữa, trong lí luận phê phán của trường phái Frankfurt nổi tiếng thì phê phán lí luận công cụ của M. Horkheimer (1895-1973)[31] và Theodor

W. Adorno[32] (1903-1969) là một loại phê phán về nhất nguyên luận của khoa học kỹ thuật, có lực lượng lí luận về xã hội học, có đủ hiệu quả của triết học sinh thái.[33]

Sự phê phán khoa học kỹ thuật của Heidegger và trường phái Frankfurt, giới sinh thái học bình thường tương đối ít biết đến. Thực ra, tư tưởng của họ có đủ ý nghĩa rất sâu sắc về triết học sinh thái, nên đem những tư tưởng này phổ biến trong sự nghiên cứu tư tưởng sinh thái thông thường.

Đến những năm 80 và 90 của thế kỷ 20, thì những tư tưởng đó phát triển thành đạo đức học sinh thái (Ökologische Ethik) và triết học sinh thái (Ökophilosophie). Có thể nói đây là thời kì bội thu của tư tưởng sinh thái nước Đức, đồ tượng được vận dụng gồm có Gaia, Mutter Erde (mẹ của trái đất), Partnerschaft des Menschen mit der Natur (mối quan hệ nhóm của con người và tự nhiên)… Tên gọi liên quan có sinh thái học tầng sâu (Tiefenökologie), tư tưởng chỉnh thể luận (das ganzheitliche Denken), sinh thái học siêu cá thể (Transpersonalle Ökologie)[34]

TNĐ

* Về tác giả:

Lại Hiền Tông賴賢宗(1962- ) sinh ở thành phố Đài Bắc. Ông lần lượt đỗ các học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ triết học tại Đại học Đài Loan. Năm 1994, ông nhận được học bổng của bộ giáo dục đến nước Đức học tiến sĩ. Năm 1998, ông đỗ học vị tiến sĩ triết học tại Đại học München (LMU, Ludwig-Maximilians-Universitat München), sau đó trở về Đài Loan.

Hiện tại, ông là giáo sư khoa Ngữ văn Trung Quốc của Đại học Đài Loan và chủ nhiệm khoa Trung văn, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Thuyên thích học và triết học Đông Tây học viện Nhân văn của Đại học Đài Bắc, từng là phó giáo sư khoa Triết Đại học Hoa Phạm. Ông từng dạy tại khoa Hán học thuộc Đại học München, khoa Tôn giáo Đại học Phật Quang, Sở nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và bình luận nghệ thuật của Học viện nghệ thuật Đài Nam, Sở nghiên cứu Phật học Viên Quang.

Những trước tác tiêu biểu: Ý cảnh mỹ học dữ Thuyên thích học (意境美學與詮釋學) 2003, Ý cảnh dữ trừu tượng: Đông Tây khoa văn hóa câu thông trung đích nghệ thuật bình luận (意境與抽象: 東西跨文化溝通中的藝術評論) 2003, Phật giáo thuyên thích học (佛教詮釋學) 2003, Thể dụng dữ tâm tính: Đương đại tân Nho gia triết học tân luận (體用與心性:當代新儒家哲學新論) 2001, Gesinnung und Normenbegr undung: Kants Gesinnungsethik in der modernen Diskussion, luận án tiến sĩ 1998, dịch Trung văn: Tín niệm dữ quy phạm điện cơ: Đương đại tranh nghị trung đích Khang Đức tín niệm luân lí học (信念與規範奠基: 當代爭議中的康德信念倫理學), Khang Đức, Phí Hy đặc hòa thanh niên hắc-cách-nhĩ luận luân lí thần học (康德、費希特和青年黑格爾論倫理神學) 1998, Đương đại Phật học dữ Phật học truyền thống (當代佛學與佛學傳統) 2005, Như Lai tạng thuyết dữ Duy thức tư tưởng đích giao thiệp (如來藏說與唯識思想的交涉) 2005, Hải-đức-cách-nhĩ (Heidegger) dữ Đạo gia Thiền tông đích khoa văn hóa câu thông (海德格爾與道家禪宗的跨文化溝通) 2007, Đạo gia Thiền tông, Hải-đức-cách dữ đương đại nghệ thuật (道家禪宗、海德格與當代藝術) 2007, Đạo gia Thiền tông dữ Hải-đức-cách đích giao thiệp (道家禪宗與海德格的交涉) 2008, Đạo gia Thuyên thích học (道家詮釋學) 2009, Nho gia thuyên thích học (儒家詮釋學) 2008, Lại Hiền Tông trước Thiên Thai Phật giáo đích giải thoát thuyên thích học (賴賢宗著天台佛教的解脫詮釋學) 2010… Và hơn 60 bài viết về mỹ học và triết học Đông Tây được đăng tải trên các kì san học thuật.



[1]. Xem Gia Cát Dương 諸葛陽 biên, Sinh thái bình hoành dữ tự nhiên bảo hộ (生態平衡與自然保護) Đài Bắc, Thục Hinh xuất bản xã, 1991, tr.4.

[2]. Hubertus Mynarek, Ökologische Religion. Ein neues Verständnis der Natur (Tôn giáo sinh thái: Lí giải mới về tự nhiên, München, 1986, tr.14.

[3]. Das ganzheitliche Denken (tư duy mang tính chỉnh thể) ở cội nguồn phương Tây, xin xem Das Verständnis der Natur. II Die Geschichte des ganzheitlichen Denkens của Karen Gloy, München, 1996.

[4]. Giới thiệu liên quan đến tư tưởng bảo vệ môi trường sinh thái của triết học Trung Quốc có thể xem ba tác phẩm chuyên biệt như: Trang Khánh Tín 莊慶信, Trung Tây hoàn cảnh triết học: Nhất cá chỉnh hợp đích tiến lộ (中西環境哲學:一個整合的進路), Đài Bắc, Ngũ Nam, 2002. Trung Quốc triết học gia đích đại địa quan (中國哲學家的大地觀), Đài Bắc, Đại sư sư uyển, 1995. Phùng Hỗ Tường 馮滬祥, Hoàn cảnh luân lí học (環境倫理學), Đài Bắc, Học sinh, 1991.

[5]. Có thể tham khảo Thẩm Thanh Tùng 沈清松, Luận tâm linh dữ tự nhiên đích quan hệ chi trùng kiến (論心靈與自然的關係之重建), được đưa vào Giản phát tư tưởng dữ hoàn bảo triết học (簡樸思想與環保哲學) Đài Bắc, Lập tự văn hóa, 1997.

[6]. Al Gore, Tân nguy đích địa cầu (Earth in the Balance), Đài Bắc, Đài Loan Địa cầu nhật xuất bản xã, 1997, chương 13, Tinh thần hoàn bảo chủ nghĩa (精神環保主義).

[7]. Bắt đầu từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18 ở châu Âu, còn gọi là phong trào Ánh sáng.

[8]. Xem Trần Tú Huệ 陳秀惠, Thế giới tân phong trào: Lục sắc tiêu phí vận động (世界新風潮「綠色消費運動」) Ma đăng gia đình 摩登家庭, kỳ 193, tr.219.

[9]. Xem Lâm Tuấn Nghĩa 林俊義, Hà vị hoàn cảnh bảo hộ vận động?- Mỹ quốc hoàn cảnh bảo hộ vận động khải thị (何謂環境保護運動?-美國環境保護運動啟示), được đưa vào Lục sắc chủng tử tại Đài Loan (綠色種子在臺灣) Tiền vệ, 1989.

[10]. Martine Bachelor và Kerry Brown biên Buddhism and Ecology, vận dụng tư liệu của Phật giáo Nam truyền, tham khảo Phật giáo và luận đề của triết học, tương đối thông dụng. Phùng Hỗ Tường馮滬祥,chương 5 Trung Quốc Đại thừa Phật học đích hoàn cảnh luân lí học (中國大乘佛學的環境倫理學) trong tác phẩm Hoàn cảnh luân lí học (環境倫理學), thì tuyên dương quan điểm của tông Hoa Nghiêm về tự nhiên, vạn vật, chúng sinh. Đã từng thử thuyết minh Đạo đức học môi trường được bao hàm trong Phật học Hoa Nghiêm.

[11]. Trang Khánh Tín 莊慶信, Trung Tây hoàn cảnh triết học: Nhất cá chỉnh hợp đích tiến lộ (中西環境哲學: 一個整合的進路) Đài Bắc, Ngũ Nam, 2002.

[12]. Thích Hằng Thanh (釋恆清) sinh năm 1943, người huyện Đài Nam, Đài Loan, tốt nghiệp khoa Anh thuộc Đại học Đông Ngô. Năm 1970, sư sang Mỹ học tại đại học Machigan, lấy bằng thạc sĩ về Giáo dục. Năm 1970, sư xuất gia làm đệ tử của hòa thượng Tuyên Hóa ở Vạn Phật Thành tại San Francisco. Năm 1976, sư thọ cụ túc giới. Năm 1979, sư tiếp tục học tại đại học Wisconsin, bắt đầu nghiên cứu Phật học. Năm 1984, sư bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với luận văn “Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư Thiền Tịnh tư tưởng đích dung hợp” (永明延壽禪師禪淨思想的融合)(Sự dung hợp tư tưởng Thiền Tịnh của Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ). Sư trở thành vị tì kheo ni đầu tiên có học vị tiến sĩ Phật học tại Mỹ. Năm 1984, sư trở về Đài Loan dạy tại khoa Triết của Đại học Đài Loan. Sư chủ giảng các môn: Tư tưởng Như Lai tạng, Phật giáo Tùy Đường, Phạn văn v.v., là vị tì kheo ni đầu tiên dạy tại Đại học Quốc lập.

[13]. Lại Phẩm Siêu 賴品超, Đối thoại trung đích sinh thái thần học- Thần học luận đề đạo dẫn (對話中的生態神學-神學論題導引), Hương Cảng, Đạo Phong, 2003.

[14]. Jürgen Moltmann, Thượng đế tại sáng tạo trung: Sinh thái đích sáng tạo luận (上帝在創造中: 生態的創造論) (Gott in der Schöpfung. Ökologische Scöpfungslehreh), München, 1985. Bản dịch tiếng Trung, Trần Nhân Liên 陳仁蓮… dịch, Sáng tạo trung đích Thượng đế: Sinh thái đích sáng tạo luận (創造中的上帝: 生態的創造論), Tam Liên thư điếm, Lịch đại Cơ Đốc giáo học thuật văn khố (歷代基督教學術文庫), 2002. Lại nữa, Moltmann soạn, Tằng Niệm Việt 曾念粵 dịch Tục thế trung đích Thượng đế (俗世中的上帝), Đài Bắc, Nhã ca, 1999, phần 2, chương 2: Địa cầu đích hủy diệt dữ giải phóng: Sinh thái thần học (地球的毀滅與解放: 生態神學). Moltmann soạn, Tằng Niệm Việt 曾念粵 dịch, Đương đại đích Cơ đốc (當代的基督), Đài Bắc, Nhã Ca, 1999, chương 6: Vũ trụ tính đích Cơ đốc (宇宙性的基督).

[15]. Jürgen Moltmann nói: “Có thể viết lời nói đầu cho bản dịch Trung văn Sáng tạo trung đích Thượng đế (創 造中的上帝) là một niềm vinh hạnh lớn nhất của tôi. Khi soạn cuốn sách này từ năm 1981 đến năm 1985, một trước tác trí huệ của Trung Quốc mà tôi xem là sách gối đầu, đó là Đạo đức kinh (道德經) của Lão Tử. Nương theo Lão Tử, tôi muốn tìm lại được sự tôn trọng tự nhiên và xác lập thể liên hợp mới giữa văn hóa nhân loại và môi trường tự nhiên, đồng thời, xác lập Đạo (the Way) của chính sách mới cho hòa bình và tiếp tục phát triển. Xin xem Trần Nhân Liên 陳仁蓮… dịch, Sáng tạo trung đích Thượng đế: Sinh thái đích sáng tạo luận (創造中的上帝: 生態的創造論) tr.21. Cho đến sự đối chiếu giữa Phật học và thần học sinh thái của Moltmann thì có thể nghiên cứu trong cuốn sách này của ông ta liên quan đến kenosis (tự ngã rỗng không) của Thượng đế và thảo luận chủ đề “sáng tạo từ trong Vô”.

[16]. Hubertus Mynarek, Ökologische Religion. Ein neues Verständnis der Natur, München, Goldmann Verlag, 1986, 215.

[17]. Huệ Viễn (慧遠 , c: huìyuǎn, j: Eon, 334-416) cao tăng Trung Quốc, đệ tử của Đạo An, là người sáng lập tông phái tôn thờ Phật A-di-đà, thành lập Bạch Liên xã và được xem là Sơ tổ của Tịnh Độ tông tại Trung Quốc.

[18]. Xem Lâm Triều Thành林朝成, Lục triều Phật gia mỹ học-dĩ Tông Bính đích Sướng thần thuyết vi trung tâm đích tỷ giảo nghiên cứu(六朝佛家美學-以宗炳的暢神說為中心的比較研究) tiết 1, Huệ Viễn đích cảm ứng tự nhiên quan (慧遠的感應自然觀), được đưa vào Quốc tế Phật học nghiên cứu niên san (國際佛學研究年刊) kì 2, Đài Bắc, Quốc tế Phật học nghiên cứu trung tâm(國際佛學研究中心) 1992.

[19]. Xem Trịnh Chấn Hoàng 鄭振煌 dịch Pháp vị (法味) Đài Bắc, Huệ Cự xuất bản xã, 1991, tr.193.

[20]. “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”; 人法地、地法天、天法道、道法自然.

[21]. Hữu vô 有無 thuộc về sự phân biệt, chỉ cho hai, nhưng huyền đồng 玄同 là chỉ cho bất nhị (không hai).

[22]. Dẫn theo Nishikawa Tomio (西川富雄 Tây Xuyên Phú Hùng): Tự nhiên làm chủ thể (主體としての自然) thảo luận với Andō Shōeki (安藤昌益 An Đằng Xướng Ích) tr.45, được đưa vào Tỷ giảo tư tưởng nghiên cứu (比較思想研究) số 16, Kyōto, 1989.

[23]. Dẫn Nishikawa Tomio (西川富雄 Tây Xuyên Phú Hùng): Tự nhiên làm chủ thể (主體としての自然) thảo luận với Andō Shōeki (安藤昌益 An Đằng Xướng Ích) tr.45, được đưa vào Tỷ giảo tư tưởng nghiên cứu (比較思想研究) số 16, Kyōto, 1989.

[24]. Tỷ giảo tư tưởng nghiên cứu (比較思想研究) số 16, tr.48-49.

[25]. Kawamura Eiko(川村永子 Xuyên Thôn Vĩnh Tử) Thiền và triết học tôn giáo (禪と宗教哲學) , Tōkyō, Hokuju Shuppansha, 1994, tr.83.

[26]. Thiên chánh ngũ vị (偏正五位) chỉ cho Chánh trung thiên (正中偏), Thiên trung chánh (偏中正), Chánh trung lai (正中来), Thiên trung chí (偏中至), Khiêm trung đáo (兼中到).

[27]. Huệ Năng (慧能 hay 惠能, Enō, 638-713): Vị tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Quốc, họ Lô (盧), người Phạm Dương (范陽, thuộc tỉnh Hà Bắc ngày nay), sinh tại Tân Châu (新州, huyện Tân Hưng, tỉnh Quảng Đông), thụy hiệu Đại Giám Thiền Sư (大鑑禪師), thường được gọi là Đại Giám Huệ Năng (大鑑慧能), hay Lục Tổ Đại Sư (六祖大師).

[28]. Đạo Nguyên (道元, Dōgen; 1200-1253), cũng được gọi là Vĩnh Bình Đạo Nguyên (Eihei dō-gen) vì sư có công khai sáng Vĩnh Bình tự. Sư sống vào đầu thời kỳ Liêm Thương (鎌倉, Kamakura), tổ sư khai sáng Tào Động Tông Nhật Bản, húy là Hy Huyền (希玄, kigen), xuất thân vùng Kyōto (京都), họ Nguyên (源), con của vị nội đại thần Cửu Nga Thông Thân (内大臣久我通親- Naidaijinkogamichichika), mẹ là con gái của Cửu Điều Cơ Phòng (九條基房), là một trong những thiền sư quan trọng nhất của Nhật Bản. Sư được Phật tử của tất cả các tông thờ phụng như một đại Bồ tát. Sư thường bị hiểu lầm là một triết gia với quan điểm “thâm sâu và quái dị nhất” Nhưng những gì sư viết không xuất phát từ những suy luận về thật tại mà từ sự trực chứng thật tại đó. Năm 1233 sư sang Trung Quốc và được Trường Ông Như Tịnh Thiền sư ở Thiên Đồng sơn, Minh Châu hướng dẫn đạt diệu tâm của dòng Tào Động. Năm 1227 trở lại Nhật, sư sống 10 năm ở Kinh Đô (Kyōto). Nhằm tránh ảnh hưởng của triều đình Nhật, sư rút về sống viễn li trên núi. Tác phẩm chính và nổi tiếng nhất của sư là Chính pháp nhãn tạng (Shōbōgenzō) - được xem là một kiệt tác của Thiền tông Nhật Bản. 

[29]. Tên đầy đủErnst Heinrich Philipp August Haeckel (1834-1919) là nhà sinh vật học, nhà tự nhiên học, triết gia, bác sĩ, giáo sư, nghệ sĩ nổi tiếng của Đức. Ông là người phát hiện, mô tả và đặt tên cho hàng nghìn loài (sinh vật) mới, lập ra cây phả hệ có liên quan đến tất cả dạng sinh vật và đặt ra nhiều thuật ngữ trong sinh vật học, bao gồm anthropogeny (nguồn gốc loài người), ecology (sinh thái học), phylum (ngành, hệ sinh vật học), phylogeny (nguồn gốc giống loài), stem cell(tế bào gốc), kingdom Protista (vương quốc Protista).

[30]. Peter Cornelius Mayer-Tasch biên Natur denken. Eine Genealogie der ökologischen Idee, Band II, Frankfurt am Main, 1991, tr.212-220.

[31]. Max Horkheimer (1895-1973) là nhà lãnh đạo của “Frankfurt School,” một nhóm các khoa học gia và các nhà khoa học xã hội làm việc ở The Institut für Sozialforschung (Viện nghiên cứu xã hội) ở Frankfurt am Main. Horkheimer là giám đốc của The Institute and Professor of Social Philosophy tại Đại học Frankfurt từ năm 1930-1933, và từ năm 1949-1958. Trong khoảng thời gian này ông lãnh đạo Viện, sống lưu vong chủ yếu ở Mỹ. Với tư cách là triết gia, ông rất nổi tiếng (đặc biệt trong thế giới nói tiếng Anh) qua các tác phẩm của ông suốt những thập niên 1940, bao gồm tác phẩm Dialectic of Enlightenment, đồng tác giả với Theodor Adorno, tác phẩm có ảnh hưởng đặc biệt là Dialectic of Enlightenment (và những tác phẩm khác trong thời kì này).

[32]. Theodor W. Adorno (1903-1969) là nhà xã hội học, triết gia, và là nhạc sĩ người Đức. Ông nổi tiếng với lý thuyết phê phán xã hội.

[33]. Peter Cornelius Mayer-Tasch biên Natur denken. Eine Genealogie der ökologischen Idee, Band II, Frankfurt am Main, 1991, tr.205-212.

[34]. Dieter Birnbacher biên Ökophilosophie, Stuttgart, Reclam, 1997. Dieter Birnbacher biên Ökologie und Ethike, Stuttgart, Reclam, 1980. Andreas Brenner, Ökologie-Ethik, Leipzig, 1996. VittorioHösle, Philosophie der ökologischen Krise, München, 1991.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn