Đạo Phật Ở Thế Kỷ 21

21 Tháng Tư 201714:58(Xem: 6510)
ĐẠO PHẬT Ở THẾ KỶ XXI
Hòa thượng Thích Trí Quảng
(Bài giảng tại Học viện Phật giáo TP.HCM ngày 12-3-2017)


thien hanhChủ yếu của đạo Phật là tu, nhưng không nghiên cứu, không học, thì tu mù, dễ đi lạc làm hỏng cuộc đời tu. Vì vậy, cần học, nhưng học phải đi kèm với tu sẽ giúp cho đời sống tri thức của chúng ta phát triển song song với phát triển tâm linh để cuối cùng dẫn đến quả vị Thánh trong đạo Phật.

Thánh theo Phật giáo Nguyên thủy là A-la-hán, nhưng Thánh theo Phật giáo Đại thừa là Phật. Trên bước đường tu, chúng ta mới nhận ra lý này. Thật vậy, mọi người học giống nhau, nhưng tu mới có sự phát triển tâm linh thì tầm nhìn, sự hiểu biếtứng dụng có khác nhau, nên dẫn đến mỗi người có kết quả khác nhau. Thực tế cho thấy việc học giống nhau, nhưng ra làm việc thì không ai giống ai, hoàn toàn khác nhau. Từ đó, có người trụ pháp Tiểu thừaThanh văn, có người chuyên nghiên cứuDuyên giác, Bích chi Phật và người chú trọng đến việc thực tập tinh ba Phật dạy gọi là Bồ-tát đạo, cho đến quả vị Phật.

Bước đầu, Phật cũng là vị A-la-hán đồng với các A-la-hán khác, nhưng theo tinh thần Nguyên thủy, Phật phát huy trí giác đến tột đỉnh, nghĩa là trí tuệ của Phật cao hơn nhiều so với các La-hán khác; vì Phật là A-la-hán có Chánh biến tri. Cho nên, các vị đã đắc La-hán biết rõ họ không thể đồng với Phật được.

Thí dụ các anh em cùng học một trường, tức cùng một khuôn đúc, đều tốt nghiệp cử nhân, nhưng năng lực không giống nhau. Tại sao không giống. Vì quan trọng ở điểm tu hành và đi xa hơn gọi là định hướng tu. Định hướng tu rất quan trọng và mỗi người khác nhau ở điểm đó.

Nếu thấy sự phát triển của xã hội, chúng ta theo đó hành đạothích hợp được với xã hội mình đang sống chính là điều quan trọng để chúng ta tồn tại. Thể hiện lý này, chúng ta nhận thấy đạo Phật xuất hiện trước Công nguyên, nhưng tùy theo từng giai đoạn, từng quốc giađạo Phật được phát triển cho đến thế kỷ XXI.

Nếu đánh dấu mốc ở thế kỷ XXI, chúng ta tu và truyền đạo ở thế kỷ XXI phải làm gì. Thiết nghĩ người ở thế kỷ này sinh hoạt vật chất của mọi người, cho đến tâm tưởng, suy nghĩ, nhu cầu của họ… như thế nào, Tăng Ni cần đáp ứng được những việc này, họ mới có thể nghe và chấp nhận đạo Phật. Ra trường, làm đạo mà đáp ứng được nhu cầu của xã hội, sẽ thành công. Nếu không, thì thất bại, đó là tầm nhìn của Phật giáo Đại thừa.

Phật giáo Nguyên thủy mang tính thuần nhất. Phật giáo Đại thừa mang tính đa dạng, Sự khác biệt giữa Phật giáo Nguyên thủyĐại thừa là như vậy.

Nếu chúng ta đi về hướng thuần nhất cũng tốt, nhưng thực tế cho thấy càng thuần nhất, chúng ta càng bị cô lập. Có thể hình dung xã hội như hình chóp, dưới nền thì rộng, nhưng càng lên đỉnh càng nhỏ lại, nói cách khác, theo cái thuần nhất, chúng ta càng đi càng xa cuộc sống. Thật vậy, người đắc La-hán không muốn tiếp xúc, gần gũi cuộc đời nữa, tức họ đi về hướng nhập diệt tiêu biểu cho sự thuần nhất ở đỉnh cao. Vì lúc đó, họ tự thấy mình không giống ai và không chấp nhận ai, nên cũng không ai chấp nhận họ. Có thời gian tu, tôi cũng rơi vô tình trạng này, dù chưa đắc La-hán, nhưng tu theo hướng thuần nhất, cảm thấy mình cô độc trong rừng người.

A-la-hán tiến tu trên con đường thuần nhất đã bị như vậy. Nếu tu Pháp hoa, Phật dạy rằng người đắc La-hán rồi phải phát tâm Bồ-đề; nếu không phát tâm Bồ-đề là tăng thượng mạn. Nhưng Trí Giả nói nhẹ hơn. Ngài giải thích A-la-hán cũng là Thanh văn, tức tu giống nhau, nhưng Ngài chia ra bốn loại Thanh văn khác nhau.

Phật nói đắc La-hán mà không phát Bồ-đề tâmtăng thượng mạn. Nhưng Trí Giả nói chỉ có một hạng tăng thượng mạn là chưa đắc La-hán, nhưng nhận mình là La-hán. Hạng tăng thượng mạn Thanh văn này coi như bỏ đi, không làm được việc và không đắc đạo.

Hạng A-la-hán thứ hai là thú tịch Thanh văn, tức hướng về tịch diệt. Người chuyên tu hay rơi vô trường hợp này, họ sợ động, cầu tịnh. Vì tu Thanh văn, Phật dạy chúng ta Tứ chánh cần rằng ác đã sanh thì phải tận diệt, ác chưa sanh không cho sanh. Thiện đã sanh thì phát triển nó, thiện chưa sanh, phải làm cho sanh. Đó là cầu học của A-la-hán.

Chúng ta tu hơi nhận lầm ý này một chút, nên từ đầu, chúng ta phân ra thiện ác tương đối về cuộc đời. Nhưng thật tu, nâng một bước nữa, thấy rằng hễ khởi tâm động niệm là ác; giữ tâm cho yên tịnh là thiện, từ đó đưa đến chỗ gọi là Diệt tận định, nghĩa là không khởi tâm thiện, không khởi tâm ác. Tu Thiền Đại thừa cũng phát triển mặt này.

Các La-hán ôm pháp tịch diệt để sống. Trong khi Phật lại tùy duyên, tức tùy người, tùy chỗ, tùy lúc mà Ngài nói pháp khác nhau. Còn La-hán chỉ có một pháp duy nhất, tu hành của họ là hướng về tịch diệt quả, gọi là thú tịch Thanh văn, hướng về Niết-bàn, không muốn làm gì.

Năm 1973, tôi về nước. Hòa thượng Thiện Hoa viên tịch, Hòa thượng Thanh Từ về chùa Ấn Quang thọ tang. Đương nhiên đám tang thì ồn ào. Hòa thượng nói với tôi ở đây ồn quá mà Trí Quảng ở được. Tôi nhận ra rằng Ngài ở núi Lớn ẩn tu, nên bước ra cảnh ồn ào, mệt mỏi.

Hàng thú tịch Thanh văn dù theo Đại thừa, nhưng vì kẹt trong trần sa hoặc, kẹt trong tướng tịch diệt Thiền định, nên ra cuộc đời, sợ ồn ào, sợ đông người, thậm chí sợ loài người, sợ chúng sanh, giống như tôi đã cảm thấy mình bị cô lập trong rừng người. Thiết nghĩ người tu như vậy cũng tốt, cũng là hình mẫu mà mọi người hướng tới để tu.

Tuy nhiên, người ta nói hiền như Phật, nhưng không làm lợi ích cho ai; đó là xã hội phê phán thầy tu như vậy, tức người ta hiểu lầm Đức Phật không làm gì được. Theo tôi, hiền như Phật, nhưng làm được tất cả, vì người biết thì ta cũng biết, người làm được, ta cũng làm được và nâng lên, người không biết, không làm được, còn ta biết, ta làm được. Đó là người tu thật Đại thừa, thực tập Minh hành túc của Phật.

Lịch sử cho thấy thầy tu hiền như 20.000 tu sĩ ở Nalanda ngồi yên để cho 200 anh Hồi giáo giết sạch. Trí Giả nói người tu hiền thì tốt đó, nhưng không làm lợi ích cho đời, nên cuộc đời không quan tâm đến họ, chỉ thương hại họ. Phật giáo không nên để cho người thương hại, vì thương hại thì Phật giáo không thể tồn tại lâu dài.

Tôi sang Nhật học, gặp Hòa thượng Itò nói rằng đừng để người ta hiểu lầm Phật giáo như thế. Nếu chỉ xin ăn, không làm gì, khiến người ta thương hại mình. Ông nói Đức Phật sanh trên cuộc đời vì lợi ích cho số đông, lợi ích cho chư Thiênloài người. Đức Phật là thế. Ngài đào tạo người cứu đời, giúp người, không đào tạo người ăn hại, không đào tạo người để người ta thương hại. Nếu Phật giáo để người ta thương hạiPhật giáo sắp bị tiêu diệt. Đức Phật ra đời không phải để truyền cái đạo ăn hại, nhưng Phật là người biết và làm được tất cả. Không ai có thể nói Phật không hiểu biết, không làm được gì; vì Ngài không ốm yếu, không bệnh hoạn, ngu dốt.

Năm mươi năm trước, Hòa thượng Thiện Hoa đã nói với lớp Giảng sư chúng tôi rằng đạo Phật không phải là nhà chứa ăn mày, không phải nhà dưỡng lão, không phải viện mồ côi. Ngày nay, chúng ta thấy rõ điều này gọi là tệ nạn xã hội qua sự xuất hiện các tu sĩ giả.

Người già yếu, bệnh hoạn, không làm được gì thì đi tu, đó là thời kỳ Phật giáo suy đồi, vì có người xin thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni để tu, nhưng thọ giới xong, họ về nhà tu. Người ta thấy những người già yếu, bệnh hoạn, ngu dốt đi tu, chứ không có người mang chí lớn đi tu, rõ ràng là trại dưỡng lão.

Ngày nay, Phật giáo thành phố HCM quy định người 60 tuổi trở lên không được thọ giới Tỳ-kheo. Điều này Phật giáo Nhật một ngàn năm trước đã thể hiện qua việc Ngài Tối Trừng là Tổ Thiên Thai tông khi 60 tuổi, Ngài xin xả giới Tỳ-kheo không phải để hoàn tục, nhưng Ngài nói vì già yếu không thể giữ được giới Tỳ-kheo, nên chỉ giữ giới Bồ-tát. Vì vậy, Phật giáo Nhật ngày nay chỉ cho thọ giới Bồ-tát, gọi là Phật giáo nhập thế. Tỳ-kheo phải có chuẩn của Tỳ-kheo, có quy cách của Tỳ-kheo; không giữ được như vậy thì coi là phá pháp.  

Chúng ta tự khẳng định lại rằng đạo Phật không phải là trại mồ côi, không phải trại dưỡng lão, không phải nhà ăn mày. Đức Phật của chúng ta biết tất cả mọi việc và làm được tất cả việc như mọi người, nhưng Ngài muốn tìm điều cao hơn, nghĩa là mang chí lớn, hay phát túc siêu phương, vượt trên bình thường, vì Ngài không an phận với những gì bình thường.

Thực tế cho thấy vào thời kỳ tôi xuất gia tu, đạo Thiên Chúa, thậm chí cả đạo Hòa Hảo cũng xem thường Phật giáo. Nhưng thực sự đạo Phật không đào tạo người bất tài, vô dụng, chỉ tại mình tự hạ thấp mình mà thôi. Nhưng nếu tiến tu, đi lên cao chót vót, lại thấy cô độc trong rừng người.

Chính vì vậy, theo Phật giáo Đại thừa, chúng ta tiến lên đỉnh cao nhất, từ đó quan sát sẽ thấy rõ từ trên xuống dưới thấp không sót. Lý này thể hiện qua kinh Hoa nghiêm diễn tả tuyệt vời rằng Thiện Tài cầu đạo với Hải Vân Tỳ-kheo ở bờ biển trong suốt 12 năm quan sát các loài. Điều này nếu chúng ta suy nghĩ xa có nghĩa là tự đem mình đặt ngoài cuộc đời, gọi là cái thân ngoại vật thì chúng ta nhìn đời mới thấy được sự thật của cuộc đời. Còn trước kia, chúng ta chủ quan rằng Phật giáo mình là nhất, những cái khác trở thành đối nghịch, như vậy là thấy không chính xác. Chúng ta đứng ở đỉnh cao, hay ở bờ biển, tức ở ngoài cái khổ của cuộc đời để quan sát, để cứu đời, giúp người. Ai làm như vậy là đi theo lộ trình của Phật.

Vì vậy, nói rằng Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng tư tưởng Đại thừatư tưởng của kinh Hoa Nghiêm nói riêng, là thể hiện lý này. Thật vậy, Khuông Việt thái sư, Vạn Hạnh quốc sư… làm được việc lớn cho đất nước ta là nhờ các Ngài thấy rõ xã hội, không sai lầm.

Kinh Nguyên thủy nói Phật thấy lục đạo tứ sanh như thấy quả cam trong bàn tay. Còn chúng ta thấy được lục đạo, thấy được xã hội một cách đúng đắn, hay là tự cô lập mình. Nếu ta tự cô lập mình là đi theo con đường thú tịch Thanh văn.

Nếu đạt đến tâm yên tịnh hoàn toàn thì Đại thừa nói rằng “Sơn cùng thủy tận”. Nghĩa là đứng trước bờ sống chết, chúng ta phải dấn thân lên đỉnh, mới nhận ra được cuộc sống đúng thật.

Hải Vân quan sát sinh hoạt các loài suốt 12 năm. Đối với tôi, quan sát 12 năm theo Hải Vân là chúng ta cố gắng đọc 12 bộ kinh của Phật dạy để quan sát cuộc đời, thấy rõ không sai lầmtùy theo đó cứu vớt chúng sanh, không phải nhắm mắt làm càn. Kinh Nguyên thủy cũng dạy rõ điều này, trước khi đi khất thực, Phật nhập định để quan sát cuộc đời, coi nên đi đâu, gặp ai, nói gì.

Giảng sư tương lai phải suy nghĩ kỹ ý này, thấy rõ như vậy mới đi, không phải đi theo quán tánh, không phải đi ăn xin. Phật đã dạy không vì ăn mà khất thực, nhưng vì để cứu đời, ban vui cho người. Phải có mục tiêu rõ ràng như vậy. Vì vậy, tư tưởng Đại thừa phát xuất từ học, từ nhận thức cuộc đời đúng đắn, từ tu chứng mà ra.

Ngài Vĩnh Minh thiền sư là Tổ của Thiền, nhưng Ngài lại làm Tổ Tịnh độ. Có người thắc mắc tại sao Thiền sư này xương minh pháp môn Tịnh độ. Qua cách hành đạo của Ngài cho thấy chỗ ngộ đạo, đắc đạo, truyền đạo mới quan trọng, không phải nhắm mắt làm càn. Ngài nói rất hay rằng mười người tu Thiền, chín người đọa, chỉ có một người đắc. Chúng ta thực tu, quan sát kỹ sẽ thấy ý Ngài nói.

Thật vậy, Tổ sư Đạt Ma chỉ độ được một Huệ Khả, Huệ Khả chỉ độ được một Tăng Xán, Tăng Xán chỉ độ được một Đạo Tín, Đạo Tín chỉ độ được một Hoằng Nhẫn, Hoằng Nhẫn chỉ độ được một Huệ Năng là vị Tổ thứ sáu, đến đây chấm dứt.

Trên chùa ghi: Tây Thiên tứ thất. Đông độ nhị tam.

“Tứ thất” là 4 lần 7= 28, đừng tưởng lầm “Tứ thất” là 47.

“Nhị tam” là 2 lần 3=6, đừng tưởng lầm “Nhị tam” là 23.

Như vậy, đắc Thiền, làm Tổ mà chỉ độ được một người cũng quý. Hòa thượng Trí Quang mấy chục năm trước, đã nói với tôi rằng Ngài chuyên tu Tịnh độ, biết tôi dạy học, Ngài bảo muốn tạc tượng Phật, thầy phải tìm ngọc, hay gỗ trầm hương, đừng tìm củi mục.

Có một mục sư Tin Lành nói với tôi rằng sau này chỉ còn đạo Tin Lành tồn tại. Lúc đó, đạo Tin Lành chỉ có 80.000 tín đồ, trong khi Phật giáo chiếm 80%, Thiên Chúa giáo có khoảng 20%. Vậy mà họ nói hai tôn giáo này mất hết, chỉ còn Tin Lành, nghe vậy có cảm thấy dễ chịu hay không.

Nghe vậy, tôi suy nghĩ đến Tổ Vĩnh Minh nói mười người tu Thiền thì chín người rớt. Thử nghĩ xem ngày nay, chúng ta tìm được mấy người làm theo Phật, giống Phật. Làm khác là rớt, may ra có được một người cũng quý. Thực tế cho thấy trải qua suốt mấy ngàn năm không có Phật ra đời, phải chờ Phật Di Lặc ra đời thôi.

Có thể khẳng định rằng chúng ta thành Phật, nhưng không thành Phật trong Hiền kiếp này. Đâu là sự thật. Tổ Vĩnh Minh do tu hành, phát triển trí tuệ, mới nói mười người tu Thiền chỉ có một người đắc và Ngài  nghiên cứu, nói pháp môn Tịnh độ dễ tu, nên Ngài dạy rằng mười người tu Tịnh độ thì được cả mười người. Tại sao Ngài nói như vậy.

Tôi nghĩ cái được của Thiền là gì và cái được của Tịnh độ là gì. Nếu tu Thiền, đi về thực chứng thì không có ai làm được. Mười người tu Thiền, chín người rớt, trong đó có tôi. Vì theo kinh nghiệm tu của riêng tôi, mình vừa tới mí thì rớt ra. Để làm Phật, khó lắm.

 Và Ngài Trí Giả bảo tu Thiền mà rớt, không đắc Thiền là còn may mắn, nhưng rớt vào 51 loại ma, đáng sợ nhất là ngũ ấm ma do Thức của mình biến ra thì đọa. Vì trong tiềm thức, từ vô thỉ kiếp những gì ta đã từng tiếp xúcquen thuộc cho đến ngày nay, khi đủ duyên, nó sẽ hiện ra. Thí dụ tôi ngủ mơ thấy Phật, thấy thuyết pháp, tôi biết đó là ma. Hôm qua tôi mơ thấy giảng pháp ở Học viện này, nhưng không thấy Tăng Ni. Vậy là do Thức biến, tại sao. Vì trong tâm thức tôi đang phân vân giữa việc giảng pháp ở Học viện và việc đặt đá xây dựng chùa Bát Bửu Phật Đài ngày mai. Vì vậy, trong Thức của tôi, chỉ đạo việc đặt đá, đồng thời cũng chỉ đạo giảng ở đây. Ngủ mơ như vậy vẫn tốt hơn, vì còn nghĩ tới giảng kinh, chỉ sợ suy nghĩ những gì không tốt. Tôi mơ thấy giảng kinh nhưng không có Tăng Ni, điều này cũng đúng. Vì tháng trước tôi giảng không có Tăng Ni, nên tiềm thức tôi đã lưu lại hình ảnh của tháng trước không có Tăng Ni. Thiền sư Nhất Hạnh nói trong biển Thức mênh mông có các loài thủy quái, có những tảng đá ngầm, có cả cuồng phong, cần phải lưu tâm.

 Tên bước đường tu, chúng ta nhận ra tiềm thức lưu lại vô số hình ảnh của các kiếp quá khứ cho đến hiện đời. Vì vậy, Trí Giả bảo phải sám hối cho tiêu sạch nghiệp này, để Thức trở thành trắng hoàn toàn gọi là Bạch tịnh thức, thì vào Thiền không còn thấy ma.

Tuy nhiên, các Thiền sư tu ở Tỷ Duệ sơn, Nhật Bản, nói với tôi là họ đã sám hối mười mấy năm mà nghiệp cũng chưa tiêu. Như vậy, người trước có kinh nghiệm rằng không sám hối cho tiêu nghiệp thì rớt vào cảnh giới ma, nhưng sám hối hoài, nghiệp không tiêu thì uổng phí đời tu.

Về sau, có pháp Hồng danh sám hối là lạy từng vị Phật để giúp chúng ta có điểm nương tựa. Còn trước kia, sám hối theo Thiền, dễ rơi vô chỗ trống không sẽ gặp thủy quái xuất hiện. Nhưng thực hiện Hồng danh sám hối, ta có chỗ nương bằng cách mượn hình ảnh Phật để chúng ta quan sátchuyển hóa được thân khẩu ý thanh tịnh, tức sạch nghiệp.

Trở lại pháp căn bản thiện ác mà Phật dạy ban đầu. Muốn ngăn chặn ác không cho khởi không gì hơn là làm thiện. Nhờ nghĩ thiện mà tâm niệm ác không sanh. Trên căn bản này, Tổ Vĩnh Minh dạy phải nghĩ đến Phật bằng cách niệm Phật. Điều này kinh Nguyên thủy đã nói có sáu niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tu hành phải giữ ba niệm này là chính và mở rộng, có niệm giới, niệm thí, niệm Thiên.

Từ sáu niệm theo Nguyên thủy, về sau, Tịnh Độ tông triển khai thành pháp môn niệm Phật. Hành giả bám vô danh hiệu Phật A Di Đàhình ảnh Phật A Di Đà để nhiếp tâm.

Pháp môn niệm Phật thực hư chưa biết thế nào, nhưng Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng chú tâm vô Phật A Di Đà mà niệm, Ngài được bình yên. Tổ Vĩnh Minh cũng nói vậy. Hòa thượng suốt đời niệm Phật và bảo tôi niệm Phật, bớt việc làm để thêm thì giờ niệm Phật, nên tôi ngại gặp Ngài, vì tôi thích làm việc.

Niệm Phật thấy bình an, còn làm khiến chúng ta thấy bất an. Nhưng riêng tôi cố tập tìm bình an trong bất an. Thật vậy, lúc tôi tham gia Hội đồng Tôn giáo Thế giới vì hòa bình, có tu sĩ của đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, đạo Hồi…  

Làm sao tôi tìm được bình an trong bất an đó, vì các tôn giáo thường chống nhau.  Tôi nghĩ cần vô hiệu hóa sự chống trái này là tập hòa mà không đồng. Ngồi trong phòng họp với những người mang hình thức khác nhau hoàn toàn, tôi tìm điểm chung, mẫu số chung để hòa được thì mới bình an.

Thiết nghĩ thời đại của anh em nên đi theo hướng này hơn là đi theo hướng dị biệt, đó là tìm bình an trong cảnh bất an, tìm sự hòa đồng trong sinh hoạt dị biệt. Lý này được một số tôn giáo, một số trí thức ngày nay chấp nhận, đó là hướng chung của thế kỷ XXI, thể hiện sự hài hòa tất cả tôn giáo. Hài hòa với nhau, không lên án nhau, có thể học hỏi, chia sẻ cho nhau, hỗ trợ  nhau, đó là sự cần thiếtlợi lạc tối đa của sự hiện hữu đa dạng cộng tồn.

Trên bước đường hoằng pháp, từng bước tôi trải qua sự thể nghiệm theo Thiên Thai tông, Thiền tông, Tịnh Độ tông, tôi nhận thấy mỗi tông đều có điểm tốt khác nhau. Người trước từng có kinh nghiệm, những người đi sau học theo để phát triển nhận thứcứng dụng vào cuộc sống cho lợi lạc.

Tôi gợi ý về sự phát triển của Phật giáo ở thế kỷ XXI, chúng ta cần hài hòa tất cả tông phái Phật giáo và hơn thế nữa, hài hòa với tất cả tôn giáo trên trái đất, mới mang lợi ích an vui cho số đông. Thật vậy, mỗi tôn giáo chiếm lãnh một vùng và hướng dẫn tinh thần của một số lượng quần chúng. Vì vậy, chúng ta muốn tạo sự an vui trên trái đất, phải hài hòa, không có cách gì khác. Si mê mà nghĩ đến độc tôn, chắc chắn bị tiêu diệt. Tăng Ni tiếp tục suy nghĩ lý này để có phương hướng hoằng pháp trong tương lai được lợi ích trọn vẹn.

HT.Thích Trí Quảng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn