Giáo Dục Phật Giáo Và Vấn Đề Giáo Dục Tăng Ni Tại Tỉnh Đồng Nai - Thích Nhật Quang

30 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 8858)


Giáo Dục Phật Giáo Và Vấn Đề Giáo Dục Tăng Ni Tại Tỉnh Đồng Nai
Thích Nhật Quang

Nói đến giáo dục Phật giáo là nói đến con đường tu học thông qua Giới (sìla), Định (samàdhi) và Tuệ (pannà).

Kính bạch: Chư tôn Giáo phẩm Lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, các Ban Giáo dục Tăng Ni Tỉnh bạn và chư vị khách quý.

Kính thưa Hội nghị !

Trải qua 80 năm thị hiện nơi cõi đời, bằng ý chí và dũng lực tuyệt vời, bằng trí tuệ và tình thương vô hạn, đức Phật đã thể hiện tròn đầy công đức của một đấng Như Lai, đến với chúng sanh bằng trái tim vô ngã vị tha. Ngài đi vào đời với những bước chân tỉnh tại mà chấn động cả đại thiên sa giới. Tuy thường hằng ở trong đại định mà không nơi nào Như Lai chẳng đến. Nhậm vận tùy duyên, đến đi thường nhiên. Tất cả đều vì lợi ích của chúng sanh. Trong suốt những chặng đường giáo hóa độ sinh, đức Phật chỉ dạy một con đường duy nhất, đó là con đ ường giác ngộ giải thoát. Cho nên có thể nói toàn bộ giáo lý của nhà Phật được hình thành và phát triển suốt hơn 25 thế kỷ cũng chỉ tuyên dương một con đường ấy. Đây chính là tính đặc thù của nền giáo dục Phật giáo.

Nói đến giáo dục Phật giáo là nói đến con đường tu học thông qua Giới (sìla), Định (samàdhi) và Tuệ (pannà). Hòa thượng Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đường hướng giáo dục của Đức Phật chính là sự hoàn thiện hay giải thoát của con người trên cơ sở đánh thức, nuôi dưỡng và phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức của mỗi cá nhân. Do đó một môi trường tu học đáp ứng được mục tiêu trên cần phải có đủ Giới - Định - Tuệ và các điều kiện hỗ trợ cho việc phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức. Đạo Phật chú ý kiến tạo các môi trường giáo dục, khuyến khích sự phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức của cá nhân”.

Đức Phật tự thân chứng đắc giác ngộ viên mãn bằng công phu thiền định, từ đó Ngài thấu triệt bản chất của cuộc đời, của các pháp và trở thành người chủ thật sự của chính mình. Ngài có thể dạo chơi trong tam giới, tùy duyên giáo hóa, tùy duyên độ sanh như dạo chơi trong vườn thượng uyển vậy thôi. Cho nên làm chủ sanh tử, dạo chơi trong sanh tử chính là mục đích tối hậu của những người con Phật. Sau khi thành đạo rồi, đức Phật lên đường ngay tức khắc. Đến với tha nhân như đến với chính mình. Hơn 45 năm trải dài thân tâm khắp vạn nẻo đường nơi đất Ấn và cho tới bây giờ bóng đại từ ấy vẫn còn rọi xuống nhân gian rợp mát vô cùng của tứ vô lượng tâm, đại nguyện đại hạnh vô tận của tứ hoằng thệ nguyện. Cũng từ đó mà nền giáo dục Phật giáo ra đời, ngày nay chúng ta mới có giáo lý để mà học, mà nhuần gội thân tâm, mà an vui tự tại.

Đức Phật từng nói vô minh là nguồn cội gây nên mọi sự khổ đau và khẳng định chỉ có con đường tu tập mới có thể giải thoát khỏi sự khổ đau ấy. Như vậy Phật giáo đã đặt trọng tâm cao nhất vào quá trình tu tập và vì thế giáo dục Phật giáo cũng theo đó mà thiết lập một chương trình giáo dục thích hợp nhất cho một hành giả chuyên sâu vào công phu hơn là một học giả nghiêng về khoa bảng. Trong thời đức Phật, tuy Thế Tôn không nói gì đến hai chữ giáo dục, nhưng hệ thống giáo dục Phật giáo đã hoàn thành và tuần tự phát triển. Bốn yếu tố liên quan đến quá trình giáo dục của đức Phật tạo thành những nền tảng căn bản cho nền giáo dục Phật giáo là:

1. Đức Phật là bậc thầy mẫu mực.

2. Giác ngộ giải thoát bằng trí tuệ là mục đích tối hậu của giáo dục Phật giáo.

3. Tăng đoàn là hội chúng có học có tu, thông qua con đường giới định tuệ.

4. Những tu viện là cơ sở nền tảng cho nền giáo dục Phật giáo.

Đức Phật là bậc Đạo Sư mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và lòng từ bi, là người Thầy rất gần gũi với muôn loài. Bất cứ một sự kiện nào xảy ra chung quanh sinh hoạt của tăng đoàn hay Phật tử. Ngài cũng có thể biến nó thành đề tài giảng dạy thú vị, sâu sắc. Cảnh một bà mẹ khổ đau vì con chết, kẻ chăn bò tất tả tìm kiếm đàn bò, người nông dân bắt gặp túi vàng bên bờ ruộng… đều là cảnh tượng cho những bài pháp sống động của Ngài. Vì thế giáo dục Phật giáo mang tính nhân bản và thiết thực, gần gũi với đời sống con người, chớ không huyền bí kỳ lạ xa xôi. Bất kỳ chúng sanh nào cũng có thể đến với Ngài, tự nhiên và đầm ấm như con đến với mẹ.

Thế Tôn sống khiêm tốn, giản dị và tuyệt đối thanh tịnh, Ngài không dùng thần thông giáo hóa chúng sanh mà chỉ dùng biểu nghi thân giáo của một bậc giác ngộ giáo hóa chúng sanh. Đó cũng chính là phương thức độ sanh của các đức Như Lai. Tùy căn cơ riêng biệt của mỗi đối tượng mà Ngài tuyên giảng, khiến cho tất cả đều được lợi ích. Thế Tôn t hường bắt đầu giảng dạy bằng những điều đã hiểu biết thông qua sự tu tập và nhấn mạnh vào điều ấy như một nguyên tắc căn bản trong giáo huấn. Đức Phật không hề dùng đến những suy đoán lãng phí thời gian và khuyên chúng ta nên cố gắng nhận biết sự vật đúng như thực bản chất của nó. Tóm lại, con đường giáo dục của đức Phật nhắm vào là sự học hiểu lẫn thực hành. Đức Phật không khen ngợi những ai học rộng hiểu nhiều mà chỉ chú trọng ở chỗ ứng dụng của mỗi hành giả. Một kiến thức khiêm tốn nhưng nếu áp dụng tốt sẽ được đánh giá cao hơn kho kiến thức rộng lớn mà thiếu sự nổ lực hành trì.

Điểm qua vài nét sơ lược về đấng Đạo sư, nhà Giáo dục vĩ đại như thế để trở lại vấn đề giáo dục Phật giáo hiện nay của chúng ta. Ở đây, chúng tôi mạn phép được nêu lên suy nghĩ c ủa mình rằng, giáo dục Phật giáo chính là sứ mệnh truyền đăng tục diệm trong nhà Phật. Sứ mệnh này không chỉ là một sứ mệnh thiêng liêng mà còn là một sứ mệnh vô cùng trọng đại và cấp thiết của những người con Phật, nhất là trong thời đại hiện nay. Một thời đại mà nền văn minh phát triển tột bực kéo theo sự suy thoái cũng tột bực của đời sống đạo đức và nhân văn. Con người thời nay dễ tham, dễ sân, dễ si đến mức không lường được. Đức Phật đã từng nói chính ba nộc độc tham sân si này đã nhận chìm chúng sanh trong trầm luân sanh tử từ vô thủy kiếp đến nay, trôi lăn trong ba cõi sáu đường, thọ nhận biết bao là thống khổ. Chư Phật thị hiện ra nơi đời cũng vì để nhổ bật gốc rễ tam độc ra khỏi thân tâm của chúng sanh. Vậy mà càng ngày nhân loại càng lún sâu trong đó. Thật là đáng kinh sợ!

Có thể nói Giáo dục Phật giáo ra đời được coi như là vị cứu tinh của nhân loại, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người đứng trước những cơn phẩn nộ của thiên nhiên mà nguyên nhân tạo ra nó không ai khác hơn ngoài chính con người. Quả báu, nhân duyên… thật sự là một kết quả tất yếu công bằng mà nền giáo dục Phật giáo từ lâu đã lên tiếng với nhân loại. Chúng ta chịu trách nhiệm về chính ý nghĩ, ngôn ngữ và hành vi của mình, không ai khác hơn cả. Điều này Phật đã dạy và chúng ta cũng đã có học hiểu, nhưng cho đến bây giờ việc thực hành vẫn chưa xong.

Tự mình làm điều ác,

Tự mình làm nhiễm ô.

Pháp Cú – 165

Do đó khắp nơi trên thế giới luôn xảy ra tai hoạ, nhân loại chịu nhiều cảnh thống khổ bi thương. Ở đây, lại một lần nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tính chất quan trọng trong việc hành trì nền giáo lý mà mình đã được học hiểu. Chỉ có như thế mới cứu nguy được bản thân và tha nhân đang chung sống trong một hành tinh ở vào thời kỳ sắp hoại diệt.

Chính vì thế việc học Phật và tu Phật bây giờ không thể là chuyện một nắng mười mưa, chuyện tu hành gieo duyên, mà nó vô cùng khẩn cấp. Vô thường không đợi, tử thần rình rập ngày đêm mà đường trước lại tối tăm mịt mùng. Có gì đáng thương, đáng sợ hơn! Con người đang đứng trước sự thoi thóp của chính mình và của vũ trụ vạn hữu. Tất cả như có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Vậy mà tại sao chúng ta vẫn chưa thức tỉnh, chưa chuẩn bị gì cả? Chỗ này người xưa đã có một bài kệ cảnh tỉnh rất hay:

Ngày nay đã qua,

Mạng sống giảm dần,

Như cá cạn nước,

Nào có vui gì?

Vai trò của đức Phật được xác định là vai trò của bậc chỉ đường, chúng ta phải tự mình giác ngộ chân lý và thực sự cất bước lên đường. Ngài như một vị lương y tùy bệnh cho thuốc. Nên khi sắp vào Niết bàn, Ngài đã từ bi huấn thị:

Ta, ví như lương y

Biết bệnh chỉ thuốc hay

Nếu uống hay không uống

Lỗi không phải nơi Thầy

Giống như người chỉ đường

Hướng dẫn con đường thẳng

Đi theo hay không đi

Lỗi không nơi người dẫn.

Theo lời dạy đó, chúng ta phải hiểu và tự nỗ lực phát triển tròn đầy tuệ giác của mình và dần dần thành tựu giác ngộ giải thoát. Đây chính là mục đích cứu cánh trong sứ mệnh truyền đăng tục diệm của nhà Phật. Là đệ tử Phật, chúng ta không thể không biết rõ điều này. Cho nên việc giáo dục của các trường Phật học ngày nay là vô cùng quan trọng và khẩn thiết. Học để tu. Tu để tự cứu mình cứu người. Đó là tôn chỉ từ xưa đến nay của đạo Phật.

Ngày xưa, đức Phật tổ chức tăng đoàn thành một hội chúng có học có tu. Mỗi Tăng Ni đều dành hết cả cuộc đời mình cho việc học tập, thực hành những gì đã học, rồi sau đó mới truyền đạt lại cho người. Chính vì thế, tu viện, tự viện đã trở thành cơ sở nền tảng cho giáo dục Phật giáo. Ngày nay, theo dòng thời gian tăng đoàn c ó những sinh hoạt thay đổi tùy theo xứ sở, phong tục tập quán, nền văn hóa bản địa của mỗi quốc gia, mà việc tổ chức học tập cho Tăng Ni cũng có sai khác. Tuy thế tính tùy duyên bất biến vẫn luôn là yếu tố cốt lõi của giáo dục Phật giáo.

Tại Việt Nam chúng ta từ những thập niên 70 - 80, do điều kiện tu học của Tăng Ni vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh. Chùa chiền tự viện tuy nhiều nhưng Tăng sĩ không tập trung, các pháp môn tu cũng dị biệt. Do đó để thống nhất tổ chức, thống nhất việc lãnh đạo Tăng Ni và tạo điều kiện tu học tốt cho giới tăng lữ cũng như Phật tử, năm 1981 GHPGVN ra đời. Và kể từ đó, việc giáo dục Tăng Ni luôn được giáo hội đặt lên hàng đầu. Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương đã định hướng và phát triển ngành giáo dục Phật giáo ngày càng lớn mạnh.

Từ đó đến nay, hàng chục ngàn Tăng Ni sinh tại 4 Học viện Phật giáo Việt Nam, 9 lớp Cao đẳng Phật học, 33 Trường Trung cấp Phật học và gần 100 lớp Sơ cấp Phật học trên toàn quốc đã ra trường. Rất nhiều vị trở thành sứ giả Như Lai có trình độ Phật học và thế học vững, khả dĩ gánh vác được Phật sự, đặc biệt là ngành Giáo dục và Hoằng pháp, góp phần duy trì và phát triển Tăng già vững mạnh, Giáo hội trang nghiêm, Tăng Ni tứ chúng đồng tu đồng lợi lạc. Thật là một khích lệ, một nguồn an ủi lớn lao cho ngành Giáo dục Phật giáo nước nhà!

Tuân theo sự chỉ đạo chung của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Ban Giáo dục Tăng Ni Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai đã triển khai thực hiện tinh thần ấy và cho tới nay đạt được những thành tựu nhất định. Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học ra đời, trường Trung Cấp Phật học trải qua 6 khóa, đã đào tạo được cả ngàn Tăng Ni sinh tốt nghiệp với trình độ giỏi và khá. Số Tăng Ni sinh ra trường tiếp tục theo học các Học viện Phật giáo trong nước và du học nước ngoài thành tựu cũng đáng kể, số còn lại cùng chung vai góp sức với Giáo hội trong các công tác Phật sự chung. Lớp Sơ cấp Phật học đã cố gắng thực hiện được chức năng đào tạo và giáo dục nền tảng căn bản cho Tăng Ni mới vào đạo. Tất cả đều hòa chung một tinh thần vì tiền đồ Phật pháp, vì sự nghiệp giác ngộ giải thoát của mỗi chúng ta và vì phụng sự chúng sanh mà Thầy trò cùng tiến lên.

Một điểm son đáng trân trọng nhất của Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai chính là chế độ nội trú riêng biệt cho Tăng Ni sinh trong suốt 6 niên khóa vừa qua, mặc dù bổn trường gặp không ít khó khăn trong công tác Phật sự này. Đây cũng chính là vâng theo di chỉ Lục hòa cộng trụ của đức Phật từ xưa. Tu viện, tự viện là cơ sở nền tảng cho nền giáo dục Phật giáo. Chính vì thế bản trường cũng chính là một tu viện khép kín. Ban Giám hiệu, Ban Điều hành lo lắng mọi việc tứ sự cũng như giám sát nghiêm cẩn thời khóa tu học của Tăng Ni, giúp chư huynh đệ yên lòng dồn hết tâm trí vào việc học và tu. Nhờ thế kết quả về học tập và hạnh ki ểm của Tăng Ni tương đối tốt, làm đà tiến lên trên con đường học Phật tu thân. Tâm Bồ -đề kiên cố, chí tu học vững bền, cũng chính từ đời sống lục hòa cộng trụ, đồng học đồng tu này mà ra. Đây quả thực là một kinh nghiệm quý giá của cổ nhân mà người sau không thể không biết và hành trì.

Ở đây, chúng tôi xin chia sẻ một ít thành tựu khiêm tốn như thế để nói lên nền giáo dục siêu việt của đức Phật, mà tất cả chúng ta, những người làm công tác giáo dục không thể không thực hành. Đồng thời qua đó, chúng tôi cũng nói lên sự cố gắng tột bực của Ban Trị sự, Ban Giáo dục tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, Ban Giám hiệu nhà trường trong công tác Giáo dục và đào tạo thế hệ Tăng Ni kế thừa, tuy nhiên cũng không làm sao tránh khỏi những hạn chế chưa khắc phục được. Mong rằng qua hội thảo này, Ban giáo dục Tăng Ni tỉnh hội Đồng Nai sẽ nhận được nhiều chỉ giáo quý báu của chư tôn đức Lãnh đạo Giáo hội Trung ương và Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cùng sự đóng góp chân tình của các Ban Giáo dục Tỉnh bạn, để tất cả chúng ta cùng vui bước đồng hành trong sứ mệnh chung “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”.

Tuy nhiên, chúng tôi còn trăn trở một đôi điều về ngành giáo dục Phật giáo hiện nay. Chúng ta vẫn chưa thành lập được các trung tâm chuyên tu như Tịnh viện, Mật viện… đúng nghĩa cho các Tăng Ni có tâm nguyện chuyên tu, toàn thành được công phu của mình sau thời gian tốt nghiệp ở các trường Phật học. Đối với các vị thích nghiên cứu chuyên sâu giáo lý thì còn bị hạn chế, bởi cơ sở đào tạo chuyên khoa hậu đại học trong nước, chưa đáp ứng đ úng mức nhu cầu hiện tại. Rất mong thiển ý này được chiếu cố và trở thành hiện thực dưới sự Lãnh đạo sáng suốt của hàng Giáo phẩm trong Giáo hội và ngành Giáo dục Tăng Ni Trung ương. Với những phát triển và thành quả của ngành giáo dục Phật giáo hiện nay, hy vọng Phật giáo Việt Nam sẽ đi lên và theo đó đời sống tâm linh của Phật tử Việt Nam cũng được cải thiện tốt đẹp. Kính nguyện Giáo hội đầy đủ thiện duyên để thực hiện được những hoài bão chung cho Tăng Ni tứ chúng trong một ngày không xa.

Một điều nữa cũng xin được nêu lên để đại hội tham khảo và chia sẻ. Tuy hiện nay trong Giáo hội cũng đã có chương trình hướng dẫn sinh hoạt tu học cho giới cư sĩ và thế hệ Phật tử thanh thiếu niên trẻ nhưng chưa được phổ cập rộng rãi. Đây là điều chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa. Bởi vì như trên đã nói, hơn bao giờ hết lúc này là lúc đời sống tâm linh và đạo đức của con người, của xã hội đang tuột dốc bi thảm nhất. Nếu không có một sức mạnh bên trong kéo lại thì con người khó có thể tồn tại vì sự mất quân bình giữa hai đời sống vật chất và tinh thần vốn không thể tách rời này. Đã thế thì không gì hơn bằng con đường trở lại tự thân mà đức Phật đã vạch ra cho nhân loại từ hơn 2500 năm trước. Dù rằng các hội đoàn GĐPT đã ra đời, nhưng như thế vẫn chưa gọi là đủ khi mà trẻ em lang thang và nghèo thiếu trong nếp sống đạo đức đầy dẫy khắp mọi nơi trong xã hội.

Đã đến lúc chúng ta cùng chung vai sát cánh bên nhau để cứu lấy bản thân và đồng loại. Hãy kêu gọi và thức tỉnh mọi người dừng bớt những lãng phí của đời mình, c ủa điêu linh thống khổ mà quay về bến bờ bình an? Tại sao chúng ta không thể tin tưởng rằng giáo dục Phật giáo có thể làm được điều này! Trí tuệ là sự nghiệp, thiền định là con đường thẳng tắt, toàn bộ giáo lý đức Phật đã để lại cho chúng ta là phương tiện tối thượng nhất để đi đến tịnh lạc. Hoa giác ngộ đóa đóa mãn khai, cõi tịnh thanh mỗi mỗi hiện thành, dâng lên cúng dường mười phương chư Phật, cúng dường giáo hội sẽ bắt đầu từ thành quả tu học của tất cả Tăng Ni sinh hiện đang theo học tại các trường Phật học hiện nay. Thành tựu này có được hay không thiển nghĩ là do nơi tâm lực, trí lực và nguyện lực của những nhà Lãnh đạo Giáo hội, Lãnh đạo Giáo dục Phật giáo hiện nay cũng như mai sau, và dĩ nhiên trong đó không thể thiếu sự cần mẫn cố gắng hết lòng của thế hệ Tăng Ni kế thừa.

Trước thềm đại hội, chúng tôi xin được bộc bạch đôi điều cảm nghĩ thô thiển, chỉ mong nhận được sự chỉ giáo của các bậc Tôn túc trong Giáo hội và nếu có thể nhận được sự đồng cảm chia sẻ của chư thiện hữu tri thức gần xa, với niề m tin và hy vọng chúng ta cùng chung vai góp sức đưa ngành Giáo dục Phật giáo Việt Nam đi lên, ngõ hầu thực hiện được di huấn của đấng Đạo sư, cứu giúp chúng sanh là đền ân chư Phật.

Kính chúc đại hội thành công tốt đẹp.

Nam Mô Thường hoan Hỷ Tạng Bồ - tát ma ha tát.

HT.THÍCH NHẬT QUANG

Trưng Ban Giáo Dục Tăng Ni Tỉnh Đồng Nai

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn