Giáo Dục Phật Giáo - Nền Giáo Dục Hoàn Thiện Nhân Loại - Danh Lung

30 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 8774)


Giáo Dục Phật Giáo - Nền Giáo Dục Hoàn Thiện Nhân Loại

Danh Lung

Giáo dục Phật giáo giúp cho con người hiểu sâu, hiểu đúng sự thật về bản chất của bản thân, mà tâm lý chung ít có ai nghĩ đến suy xét về bản thân…từ đó giúp cho con người những bài học cho bản thân cần sống thế nào, cần phải làm gì để hoàn thiện mình.

I. GIÁO DỤC và GIÁO DỤC PHẬT GIÁO:

A. Khái niệm chung về Giáo dục:

Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc biệt chỉ có ở loài người, trong giáo dục có nhiều tính chất: Tính phổ biến và vĩnh hằng, tính lịch sử và tính giai cấp, tính nhân văn và tính dân tộc, giáo dục luôn luôn có mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục, cho nên mỗi nước mỗi quốc gia đều có những nét độc đáo, những sắc thái và nền giáo dục riêng phù hợp với đất nước và chế độ của mình. Song, giáo dục cũng có nhiều chức năng như: Chức năng kinh tế - sản xuất, chức năng chính trị - xã hội, chức năng tư tưởng – văn hoá. Chính vì những tính chất và chức năng trên mà ngày nay giáo dục đã được nhìn nhận như “ chiếc chìa khoá để mở cửa vào tương lai”, là con đường quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội, để tồn tại và phát triển xã hội loài người nói chung, đồng thời giáo dục có tính giai cấp, nên giáo dục còn được sử dụng như một công c ụ để duy trì và bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị, và vì giáo dục còn có chức năng chính trị nên giáo dục còn đào tạo ra con người có đạo đức, tri thức, nghề nghiệp và ý thức chính trị nhất định để đáp ứng yêu cầu của xã hội.

B. Khái Niệm Chung Về Nền Giáo Dục Phật Giáo:

Trong đạo cũng như ngoài xã hội, giáo dục là một hiện tượng đặc biệt của xã hội, người lập ra nền giáo dục là người có kiến thức nhất định, trải qua nhiều kinh nghiệm, dựa trên nhiều yếu tố, lập nên một nền giáo dục đáp ứng nhu cầu của xã hội; Phật giáo cũng vậy, Đức Phật là vị lập ra nền giáo dục Phật Giáo, Ngài đã có đầy đủ kiến thức, trí tuệ, qui tụ đầy đủ các yếu tố, trải qua nhiều kinh nghiệm của chính bản thân trong bốn A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp…đúc kết lại thành một nền giáo dục, nên nền giáo dục của Đức Phật cũng có khác xa với trên thế giới, nền giáo dục đó không chỉ phục vụ một xã hội, một chế độ, một đất nước mà là một nền giáo dục phục vụ chung cho chư thiên và nhân loại, một trong những điều khác đó là: Minh- Sát - Trí tuệ - là Cái Giác của Ngài, cái tri giác cao xa hơn chư thiên và nhân loại, được chư thiên và nhân loại tôn vinh là toàn giác.

a. Cái Giác Của Đức Phật Là Đỉnh Của Giáo Dục Phật Giáo:

Đức Phật xây dựng nền giáo dục căn cứ trên nền tảng vào cái giác c ủa mình đã đạt đến đỉnh cao nhất, cái giác của Ngài qua kiểm chứng, chắc lộc và đúc kết vô lượng kiếp mà chính bản thân Ngài đã từng trải qua, đă đắc được, đó là:

- Ba Cái Giác của Đức Phật: VIJJÀCARANA

+ PUBBENIVÀSÀNUSSATINNÀNA: Túc Mạng Minh, dùng trí tuệ suy xét thấy rõ những kiếp trước của Ngài. Đầu tiên một kiếp, hai kiếp rồi ba kiếp rồi một trăm kiếp, một ngàn kiếp, … và rồi bốn A Tăng Kỳ và một trăm ngàn Đại Kiếp. Ngài nhớ ở đây mình tên gì, sanh trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào, vui thích và đau khổ thế nào và rồi chết cách nào…Rồi từ đó ra đi, tái sanh vào cảnh nào v.v..

+ CUTÙPAPÀTANNÀNA : Thiên Nhãn Minh, là Tri Giác hiện tượng Diệt và Sanh của Chúng Sanh, với tuệ nhãn tinh khiết và siêu phàm, Ngài nhận thấy chúng sanh chết từ kiếp này tái sanh vào một kiếp sống khác, thấy rõ tình trạng phân tán và cấu hợp trở lại của chúng sanh. Ngài chứng kiến cảnh tượng người sang kẻ hèn, người đẹp kẻ xấu, người hạnh phúc kẻ khổ đau, tất cả đều trải qua hiện tượng Diệt và Sanh, tuỳ hành vi tạo tác của mỗi người.

+ PATICCASAMUPPÀ DANNÀNA: Lậu Tận Minh, Tuệ hiểu biết sự chấm dứt các pháp Trầm Luân. Là tuệ đúng với thực tại, Ngài nhận định: Đây là Phiền Não, đây là sự chấm dứt Phiền Não, và đây là Con Đường dẫn đến Chấm Dứt Phiền Não. Và Ngài nhận định tiếp: đây là Ô Nhiễm, đây là sự Chấm Dứt Ô Nhiễm, và đây là Con Đường dẫn đến Chấm Dứt Ô Nhiễm. Từ nhận thức như thế, tâm Ngài đã thoát ra khỏi Dục Lậu (ô nhiễm của dục vọng), Hữu Lậu (ô nhiễm của sự luyến ái đời sống), và Vô Minh Lậu (ô nhiễm của vô minh). Ngo ài ra Ngài còn có thêm tám cái giác nữa, đó là:

- TÁM CÁI GIÁC CỦA ĐỨC PHẬT = VIJJÀCARANA

+ VIPASSA NÀNNÀNA: Minh Sát Minh, là Tuệ biết rõ 10 pháp Minh sát.

+ MANOMAYIDDHI: Hoá Tâm Minh, là Tuệ biết biến hoá tâm mình ra thành nhiều người hoặc nhiều người thành một người.

+ IDDHIVIDHANNÀNA: Thần Thông Minh, là Tuệ biết biến hoá các phép thần thông.

+ DIBBASOTANNÀNA: Thiên Nhãn Minh, là Tuệ có tai nghe được những tiếng nói xa hoặc gần của người và chư thiên.

+ PAROPARIYANNÀNA: Tha Tâm Thông, là Tuệ biết rõ t âm của người khác, hoặc là tham, sân, si…

+ PUBBENIVÀSÀNUSSATINNÀNA: Túc Mạng Minh, là Tuệ biết rõ những tiền kiếp của mình và của tất cả chúng sanh.

+ CUTÙPAPÀTANNÀNA : Sanh Tử Minh, là Tuệ nhãn thông thấy rõ sự sanh tử luân hồi của chúng sanh đều do nghiệp của mình đã cấu tạo.

+ ÀSAVAKKHAYANNÀNA : Lậu Tận Minh, là Tuệ biết rõ các pháp Trầm Luân mà tận diệt.

Trên nền tảng tuệ giác siêu phàm mà Ngài đã dày công trao dồi, trải qua vô lượng kiếp, Ngài đã nắm bắt được chìa khoá mở cửa vào mọi kiến thức, mọi suy nghĩ, mọi tính tình, tâm trạng của chúng sanh, nên chư thiên và nhân loại tôn Ngài là Sabbannù: Toàn giác. Và vì vậy vào một ngày nọ có một người theo Bà La Môn tên Dona thấy dấu chân của Ngài in trên cát có đặc điểm lạ thường rồi hỏi: Ngài có phải là Trời không? Là nhạc công cảnh trời không? Là Yakkha không? Tất cả đều được Ngài trả lời không, khi hỏi đến: vậy Ngài là ai thì Đức Phật trả lời: Là người đã tận diệt các pháp trầm luân, Ngài nói thêm:

"Như hoa sen, đẹp đẽ và dễ mến, Không ô nhiễm bùn dơ nước đục, Giữa đám bụi trần, ta không vướng chút bợn nhơ,…".

Thật vậy, với Ngài bùn nhơ nước đục trong ao hồ, đám bụi trần trên thế gian không thể làm nhơ đục, không thể bám vào thân Ngài nữa, thân Ngài đã bóng hơn độ bóng của thế gian, đã sạch hơn độ sạch của thế gian, lại còn thơm hơn những hương thơm của chư thiên và nhân loại, đẹp đẽ và dễ mến hơn mọi thứ dễ mến của chư thiên và nhân loại. Ngài trong sạch, thơm ngát, đẹp đẽ và dễ mến bởi trong Ngài luôn có 15 cái hạnh là nền tảng.

b. Mười Lăm Cái Hạnh Là Nền Tảng Giáo Dục Phật Giáo:

1. Thu thúc giới hạnh.

2. Thu thúc lục căn cho thanh tịnh là không cho tâm vui hay buồn khi lục căn tiếp xúc với lục trần.

3. Tư cách biết tiết độ vật thực.

4. Luôn luôn thức tĩnh, ít mê ngủ.

5. Có đức tin chơn chánh theo lý nhân quả và Bồ đề giác.

6. Luôn luôn có sự ghi nhớ và biết mình.

7. Hổ thẹn tội lỗi.

8. Ghê sợ tội lỗi.

9. Sự nghe nhiều học rộng.

10. Sự tin tấn đúng theo pháp tứ chánh cần.

11. Trí tuệ thấy rõ Tứ Diệu Đế.

12. Rành mạch trong sơ thiền.

13. Rành mạch trong nhị thiền.

14. Rành mạch trong tam thiền.

15. Rành mạch trong tứ thiền.

Đức Phật thấy rằng giới hạnh là phương tiện nhằm đi đến mục tiêu, là nền tảng, là cái gốc của Phật giáo, là nền tảng của giáo dục: VINAYO DHAMMAMULE “ Giới luật là cội gốc ”.

Tóm lại giáo dục Phật giáo luôn được xây dựng trên hai nền tảng: Giới là quy tắc và Tuệ là ánh sáng, giới như chân và tuệ như mắt luôn bổ trợ cho nhau. Một trong những danh hiệu của Đức Phật là: Vijjàcarana sampanno “Minh Hạnh Túc, người đầy đủ trí tuệ và đạo hạnh”. Như giáo sư Max Muller đã nhận định: “ Quy tắc Phật giáo là một trong những quy tắc toàn hảo nhất trên thế gian”.

II. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO LÀ NỀN GIÁO DỤC HOÀN THIỆN NHÂN LOẠI:

Qua ba tuệ giác, tám trí tuệ cùng mười lăm cái hạnh mà Ngài đã trao dồi trong vô lượng kiếp, và gần nhất là trong những khi chưa thành Phật, lúc bấy giờ ở Ấn Độ đã có đến sáu mươi hai chủ thuyết triết học nổi bật, mỗi chủ thuyết có quan kiến khác nhau, và ở các nước trên thế giới cũng có triết học, có nền giáo dục riêng, nhằm phục vụ cho chế độ, cho dân tộc cũng như cho đất nước, nên đức Phật có đầy đủ căn cứ, yếu tố xây dựng một nền giáo dục phù hợp chung cho nhân loại, đi sâu vào nội tâm, nhu cầu, bản năng và sự phát triển …của mỗi người, và vượt lên trên sáu mươi hai Thuyết đã có để nhân loại hoàn thiện mình, như đối với năm vị Kiều Trần Như là những người từng tu cùng với Ngài, từng cố chấp khi Ngài Cồ Đàm thực hiện trung đạo, các vị cho rằng: “Đạo sĩ Cồ Đàm trở lại sống xa hoa, từ bỏ mọi cố gắng và đã t rở lại đời sống lợi dưỡng, tiện nghi phong phú”, bởi lúc đó cũng có quan kiến chủ trương cho rằng “chỉ có đời sống khắc khe tu khổ hạnh mới có thể đưa con người hoàn thiện đến giải thoát, và chính Ngài cùng năm vị Kiều Trần Như đã từng thực hành khắc khe phi thường; bên cạnh đó cũng có chủ thuyết cho rằng: “Chết là hết, là chấm dứt tất cả, chỉ có thế gian hiện tại là thực tiễn: “Hãy ăn, uống và tận hưởng mọi lạc thú, vì cái chết đến với tất cả”. Nên Ngài chọn bài Pháp đầu tiên cho phù hợp với 5 vị Kiều Trần Như và đây cũng là nền giáo dục Phật giáo bắt đầu hình thành, bài Pháp đó là Dhammacakka thuyết tại Vườn Lộc Giả, xứ Isipatana, gần Benares. Dhammacakka: “Vương Quốc của Chân Lý”, “Vương Quốc của sự Chánh Đáng” hay “Bánh Xe Chân Lý”. Theo chú giải thì: Dhammacakka có nghĩa là Thành lập hay Củng cố trí tuệ; Dhammacakkappavattana là “Giảng giải sự củng cố Trí tuệ”, hay là “ Vận chuyển hay Củng cố Bánh xe Chân lý”. Ở đây chúng ta thấy:

- Giảng giải củng cố trí tuệ, ở đây chúng ta có thể hiểu: Giảng giải, lý giải, phân tích cho những ai chưa có trí tuệ để có trí tuệ, còn ai đã có trí tuệ rồi thì củng cố bổ sung cho chắc thêm, cho phát triển thêm, đúng đắn thêm…để rồi giác ngộ hoàn thiện mình, như năm vị Kiều Trần Như chẳng hạn, đã có trí tuệ nhưng chưa phải là trí tuệ giác ngộ, chưa phải hoàn thiện mình…

- Vận chuyển hay củng cố Bánh xe Chân lý, ở đây chúng ta có thể hiểu:

Chân lý đã có nhưng chưa hoàn chỉnh, sắp xếp theo tuần tự hoặc đã có nhưng chưa có ai tìm thấy và Bánh xe đã có nhưng chưa được sắp xếp một cách logic, đúc kết thành tuần tự có quy tắc rõ ràng, chưa chuyển động để vận chuyển đem Chân Lý đến với chúng sanh, như năng lượng đã có nhưng chưa có ai tìm ra và sáng chế ra dụng cụ để thắp sáng cho nhân loại.

Chân lý đó là Tứ Diệu Đế : Khổ Thánh Đế, Tập Khổ Thánh Đế, Diệt Khổ Thánh Đế và Đạo (đường) Diệt Khổ Thánh Đế. Và con đường diệt khổ Thánh Đế đó là Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy,Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.

Khi đức Phật giảng xong bài Pháp, Kondanna (Kiều Tần Như) không còn vướng bụi, hết bợn nhơ, đắc quả Tu Đà Hườn, Ngài thấy rằng: “Cái gì đã có sanh tức phải hoại diệt ”, chư thiên trên quả địa cầu hoan hô, chư thiên ở các cung Trời Tứ Đại Thiên Vương…đồng thanh hoan hô, “Pháp luân này quả thật tuyệt diệu! không có Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên, Ma Vương hay Phạm thiên nào trên thế gian có thể giảng giải được…”

Giáo sư Rhys Davids nói : “ Dầu là Phật tử hay không Phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế gian, và trong tấ t cả, tôi không tìm thấy trong tôn giáo nào có cái gì cao đẹp và toàn vẹn hơn Bát Chánh Đạo của Đức Phật. Tôi chỉ còn có một việc làm là thu xếp nếp sống cho phù hợp với con đường ấy”.

Qua chuyển pháp luân chúng ta nhận thấy:

- Giáo dục phật giáo căn cứ trên kinh nghiệm của bản thân, không dựa trên suy niệm hay lý luận suông.

- Kiến thức thích hợp với lý trí, với khả năng tiếp thu của mọi giới.

- Giáo dục phật giáo có pháp học, học phải được hiểu rõ, và pháp hành, chú trọng vào pháp hành, hành để có lợi ích, như trong kinh pháp cú Đức Phật có dạy: “Người lão thông pháp học và đọc thuộc lòng kinh điển mà không hành theo lời dạy, con người dễ duôi ấy cũng tựa như kẻ chăn bò. Có đếm bò, nhưng bò thì của người khác. Người ấy không hưởng được phước báu của bậc Sa Môn”.

- Giáo dục phật giáo dựa trên bản năng đã có, tự mình nỗ lực, chớ không dựa theo Thần linh ban cho. “ Các con phải tự mình nỗ lực, các Đấng Như Lai chỉ là đạo sư”.

- Giáo dục phật giáo là một hệ thống thuần lý và thực tiễn không thể chứa đựng bí truyền hay thần bí, như trong kinh Mahà Parinibbàna Sutta ( Đại Niết Bàn), Ngài tuyên bố rõ ràng: “Như Lai đã truyền dạy chân lý mà không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền bởi vì, khi đề cập đến chân lý, Như lai không hề có bà n tay nắm lại của ông thầy còn muốn giữ lại điều gì‖. Với Tứ vô lượng tâm, Ngài luôn cởi mở không hề dấu diếm bất cứ điều gì, như trong bộ kinh Anguttara Nikàya ( Tăng Nhất A Hàm), Đức Phật dạy: “ Này các đệ tử, có ba hạng còn giữ lại bí mật của mình, khô ng cởi mở. Là ba hạng nào? Hàng phụ nữ không cởi mở, giữ kín bí mật. Tri kiến thần bí được giữ kín, không cởi mở. Tà giáo được giữ kín, không cởi mở. Giáo Pháp và Giới Luật do một vị Phật toàn thiện công bố thì rực rỡ chói sáng trong thế gian, chớ không giữ kín”.

- Giáo dục phật giáo đặt ra tình huống, đặt câu hỏi cho mỗi trường hợp, và lý giải thấu đáo, hợp tình hợp lý, có căn cứ rõ ràng, như trong KINH VÔ NGÃ TƯỚNG, Ngài hỏi “ Hởi các Tỳ Khưu, sắc (rùpa) là vô ngã (anatta), thọ (vedanà), tưởng (sannà), hành (samkhàrà) và thức (vinnàna) đều vô ngã” “Vậy, chư Tỳ khưu nghĩ thế nào, sắc này thường còn hay vô thường? – Bạch đức Thế tôn là vô thường(aniccà). Cái gì vô thường là khổ đau hay hạnh phúc? Bạch đức Thế tôn là Khổ đau (dukkha)…người học lý giải tìm giải đáp, khi đúng được đức Phật xác nhận.

- Giáo dục phật giáo không áp đặt mà tuỳ theo khả năng lãnh hội, tuỳ theo lứa tuổi và dùng nhiều phương pháp giảng giải, như Sadi Ràhula (La Hầu La) vừa mới lên bảy, Ngài dùng hình ảnh dễ nhận biết để dạy: Ngày kia, thấy đức Phật từ xa đến, Sadi La Hầu La dọn dẹp chỗ ngồi và để sẵn nước cho đức Phật rửa chân. Khi rửa xong, đức Phật chừa lại một ít nước trong thau và hỏi: “Ràhula, con thấy còn lại một chút nước trong thau không?” Bạch đức Thế Tôn, dạ con thấy”. “Cùng thế ấy, Ràhula, đời Sadi quả thật không có nghĩa lý gì nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn”.

Rồi Đức Phật tát hết nước trong thau ra và dạy: “Đời Sadi quả thật như bỏ đi, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn ”…Đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của hạnh chân thật bằng những hình ảnh thông thường thí dụ dễ hiểu, Ngài giải thích cho Ràhula giá trị suy luận và đức hạnh căn bản, làm cho Ràhula dễ hiểu, các trẻ khác cũng dễ hiểu, dễ lãnh hội, như Ngài giải tiếp theo: “Này Ràhula, cái Gương để làm gì?”, “ Bạch Ngài, để phản chiếu lại hình ảnh ” rồi Ngài giải thích: “Cùng thế đó, Ràhula, trước khi hành động con phải dò xét, suy ngẫm tận tường. Trước khi nói con phải dò xét, suy gẫm. Trước khi nghĩ gì con phải dò xét và suy gẫm tận tường ”…“Như thế ấy con phải cố gắng luyện tập, luôn luôn suy gẫm tận tường để giữ trong sạch mọi hành động bằng thân, khẩu và ý‖. Ngài luôn hướng người tự rèn luyện hoàn thiện bản thân, dù còn trẻ cũng phải biết hoàn thiện mình như Ràhula.

- Đối với những người tự cho mình là thù nghịch với Ngài mà nguy hiểm nhất là người thân tộc, thì đức Phật cũng có những phương pháp phù hợp để giáo dục, như : Vua A xà Thế, tỳ khưu Kolàlika hay thân tộc của Ngài là tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa: Vì danh lợi âm mưu với thái tử A Xa Thế mưu toan sát hại đức Phật, khi không được như ý thì âm mưu chia rẽ Tăng Già, lúc đầu xin đức Phậy giao quyền cho ông Chưởng quản Giáo Hội Tăng Già, biết được âm mưu và tác hại từ việc làm của Đề Bà Đạt Đa, đức Phật thẳng thắn từ chối: “Chí đến Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallàna(Mục Kiền Liên), Như lai còn chưa giao phó Giáo Hội Tăng Già, có đâu Như Lai giao cho ngươi".

Những việc có hại đến lợi ích chung, đức Phật luôn thẳng thắn không nệ nang vì thân tộc. Với trí thông minh sẳn có, ông ta xoay qua một mưu toan có vẻ hoà bình hơn, tức ông ta yêu cầu đức Phật ban hành thêm năm điều giới luật nữa cho người xuất gia: Tỳ khưu phải sống trọn đời trong rừng, tỳ khưu phải đắp y Pamsukùla (y may bằng những mảnh vải lượm ở các đống rác hoặc ở nghĩa địa), tỳ khưu phải sống đời du phương khất thực .v.v.v Thấy điều này, Ngài đã từng giảng đúng sai cho các tỳ khưu nghe rồi, sẽ không ai hành theo yêu cầu của Devadatta, và với lòng từ bi, đức quảng đại khoan dung bao la, đức Phật tuyên bố rằng: “Các đệ tử được tự do hành động về năm điều này, ai muốn áp dụng theo Đề Bà Đạt Đa hay theo Ngài cũng được”. Cuối cùng không vị nào theo, về sau trước khi nhắm mắt, ông ăn năn hối cải và mong muốn yết kiến đức Phật, không có duyên gặp cuối cùng ông đọc câu kinh quy y Phật.

Điều này cho chúng ta thấy, đối với những người chống đối, mưu toan phá hoại, đức Phật dùng phương pháp giáo dục hữu hiệu để họ quay về với Tam bảo mà không bị thương tích. Hay như câu chuyện Sujàtà con dâu ông Cấp Cô Độc, là con nhà giàu có trưởng thành trong cảnh sung túc, không nghe lời cha mẹ chồng, không để ý đến lời khuyên dạy của chồng, không biết tôn trọng và kính nể ai ngay cả đức Phật. Đức Phật cho gọi cô dâu và giảng một bài Pháp về bảy hạng vợ trên thế gian, như: “Người không sẵn lòng bi mẫn, tâm hồn đồi bại, không ngó ngàng chăm sóc chồng và không nhã nhặn ôn hoà. Người dễ bị khiêu gợi, dễ bị kích thích làm chuyện hư hèn trắc nết, có khuynh hướng phá rối quấy rầy – Hãy gọi kẻ ấy là: một người vợ quấy rối”. “Kẻ phung phí của chồng, dầu chút đỉnh nào mà chồng có công tạo nên bằng tiểu công nghệ, thương mại hay nông nghiệp – Hãy gọi kẻ ấy là: một người vợ có tánh trộm cắp‖.v.v.v. Cuối cùng Ngài hỏi: “Này Sujàtà, đó là bảy hạng vợ, con thuộc về hạng nào?"

"Bch hoá Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nghĩ rằng kể từ nay con thuộc về hạng vợ như người tớ gái.”

- Cũng tại Benares, đức Phật cảm hoá Yasa là con một nhà triệu phú, một buổi sáng chàng dậy sớm thấy các nàng hầu thiếp nằm ngủ ngổn ngang bừa bãi thì lấy làm nhờm chán, ghê tởm, còn đền đài nguy nga tráng lệ đối với chàng chỉ là một nơi tối tăm buồn bã, đầy dẫy những hình ảnh thô kịch xấu xa, chàng đến gần đức Phật và than rằng: “Thống khổ thay cho con! Đoạ đày thay cho con”, đức Phật gọi Yasa và dạy: Bố thí (dàna), Giới luật (sìla), Cảnh trời (sagga), Tai hại của nhục dục ngủ trần (kàmàdìnava), và phước báu của sự xuất gia (nekkhammànisamsa), khi thấy tâm Yasa bắt đầu thuần thục và sẳn sàn lãnh hội giáo lý cao siêu Ngài mới giảng về bốn Chân lý thâm diệu… Khi cha đến tìm con đức Phật cũng đón và giảng pháp cho nghe, ông hoan hỷ và bạch: “Bạch đức Thế tôn, con xin quy y Phật, Pháp và Tăng…xin Ngài cho phép con nương tựa nơi Tam Bảo, từ ngày nay đến giờ phút cuối cùng của đời con”; còn Yasa thì xin xuất gia Sadi và Tỳ Khưu, Ngài truyền giới: “Hãy đến đây hỡi tỳ khưu ! Giáo pháp đã được truyền dạy đầy đủ. Hãy sống đời phạm hạnh thiêng liêng của bậc xuất gia để chấm dứt mọi đau khổ”. Gặp trường hợp chúng sanh đang khổ, Đức Phật không bỏ lở cơ hội biến khổ thành tín nhiệm (saddhà), từ tín nhiệm dẫn đến hoan hỷ thoả thích (pàmojja), từ thoả thích dẫn đến Phỉ lạc (pìti)… Ngài dùng phương pháp từ dễ hiểu rồi đến pháp cao siêu, khi thấy duyên đến Ngài cho xuất gia…

- Còn đối với giai cấp trong xã hội, đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã cố gắng loại bỏ chế độ mua tôi bán mọi, đã xây dựng một nề n luân lý cao thượng, một nền giáo dục bình đẳng và ý niệm tình huynh đệ giữa loài người, Ngài lên án hệ thống đẳng cấp, có tánh cách xúc phạm đến phẩm giá con người và gọi chung là chúng sanh. Khi phân xử cho hai cậu thanh niên Bàlamôn cãi nhau về vấn đề cái gì làm cho con người thuộc Bàlamôn, Ngài nhắc nhở và dạy rằng: Các loài cây cối, côn trùng, rắn rít, cá tôm, chim chóc…có hình thể riêng biệt và có thể phân biệt với nhau được, còn trường hợp con người thì khác, không có biệt mạo riêng từng loại, Ngài tuyên bố:

Là cùng đinh, không phải do sanh trưởng.

Là Bàlamôn, không phải do sanh trưởng.

Do hành động, ngưòi này là cùng đinh

Do hành động ngưòi kia là Bàlamôn."

Đức Phật kết luận:

Sự sanh trưởng không làm cho con người được liệt vào giai cấp Bà la m ôn hay bị loại ra khỏi giai cấp này.

Nếp sống hàng ngày tạo nên người nông dân, thương gia hay nô bộc.

Nếp sống hàng ngày tạo ra hạng trộm cắp, binh sĩ, tu sĩ, hay vua chúa.”

Và khi tế độ sáu mươi vị đệ tử thành đạt đạo quả Araham, Ngài quyết định gởi các vị đệ tử đi truyền bá giáo pháp mới mẽ ấy cho tất cả không có một sự phân biệt nào, Ngài kêu và nói : “…Hãy ra đi, các thầy Tỳ khưu, đem sự tốt đẹp đến nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ khưu, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở giai đoạn đầu, toàn hảo ở giai đoạn giữa, toàn hảo ở giai đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng, vừa toàn thiện vừa trong sạch. Và: “Có những chúng sanh còn vướng ít nhiều cát bụi trong mắt và nếu không nghe được Giáo Pháp sẽ sa đoạ. Cũng có những người sẽ am hiểu Giáo Pháp, ―Chính Như Lai cũng đi, Như Lai sẽ đi về hướng Uruvela ở Senànigàma để hoằng dương Giáo Pháp, Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo Pháp cao siêu. Hãy mang sự tốt đẹp lại cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ.”

Qua đây chúng ta thấy:

- Nền giáo dục phật giáo lại bắt đầu hình thành một tổ chức lớn mạnh, đó là một tổ chức không chỉ một mình Ngài mà là có đến sáu mươi vị đệ tử đạt trình độ đạo quả Araham “Này hỡi các thầy Tỳ khưu, Như lai đã thoát ra khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay các cảnh trời, Các con cũng vậy, này hỡi các Tỳ khưu, các con cũng đã thoát khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay các cảnh trời”, những người làm công tác giáo dục phật giáo cùng với đức Phật lúc này toàn là những vị đã thoát khỏi mọi trói buộc dầu ở cảnh người hay cảnh trời: trói buộc bởi tinh thần, vật chất và kiến thức, trí tuệ. Và phát triển lớn mạnh, sâu rộng, bởi không phải chỉ vì một nơi một nước, một thành phố hay một nông thôn, mà “mỗi người hãy đi một ngã”, hơn thế không chỉ có ở một dân tộc, chỉ có ở nhân loại mà đến tận chư thiên, “... đem sự tốt đẹp đến nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư thiên và nhân loại”, như ngày nọ một vị Trời đến hầu Phật và hỏi: “Những người thường lai vãng chốn rừng sâu, những bậc thánh nhân, có đời sống đạo hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một lần, tại sao các vị ấy trong có vẻ tự tại, xin Ngày dạy cho”. Đức Phật đáp: “Những vị ấy không than van sầu muộn những chuyện đã qua, không nóng nảy khao khát những gì chưa đến, mà chỉ tập trung tâm trí vào hiện tại, do đó các vị ấy tự tại. Và không miễn cưỡng, vụ lợi ép buộc nào mà là giáo dục của từ bi, hoan hỷ nhiệt tình đóng góp cống hiến.

- Một nền giáo dục toàn hảo, hoàn thiện : Nội dung, phương pháp, tổ chức thực hiện…suốt ba giai đoạn: đầu, giữa và cuối; hay hiểu sâu thêm một chút nữa là: Đầu vào, đào tạo và đầu ra luôn toàn hảo, bởi chúng ta thấy ở giáo dục Phật giáo còn có kèm theo hai yếu tố quyết định thành, bại cho nền giáo dục, đó là: “Toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự ”. Văn tự ở đây có thể hiểu đó là: Nội dung, nội dung luôn đúng với mọi thời đại, mọi đất nước, mọi chế độ, mọi dân tộc hay đúng hơn cả chư thiên và nhân loại. Tốt đẹp, lợi ích, hạnh phúc; là mục tiêu để phấn đấu; phương pháp tổ chức thực hiện “Dạy và Học” toàn hảo trên nền tảng “Tinh thần” từ bi, hoan hỷ, đầy trách nhiệm của các nhà tổ chức, lãnh đạo, quản lý giáo dục; Và chúng ta còn thấy cuộc sống thiêng liêng cao thượng, vừa toàn thiện vừa trong sạch của nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục và những người trực tiếp dạy, toàn thiện không có một chút ác và trong sạch, tinh khiết không có một chút đục nhơ đó chắc chắn làm cho nền giáo dục không chỉ phát triển mà còn trường tồn mãi mãi với thời gian và không gian.

Một điều chúng ta thấy đức Phật là đấng toàn giác nhưng Ngài không bao giờ tự cao, tự cho là “Đấng cứu thế” có quyền năng cứu vớt kẻ khác bằng chính sự cứu rỗi của mình, mà Ngài luôn chủ trương tha thiết kêu gọi những ai hoan hỷ bước theo dấu chân Ngài không nên ỷ lại nơi người khác, nơi Ngài mà phải tự mình giải thoát lấy mình, bởi vì cả hai trong sạch và bợn nhơ, sáng giả hay lu mờ, hạnh phúc hay đau khổ…tuỳ thuộc vào chính bản thân của mỗi người, Ngài không trực tiếp làm cho ai trong sạch hay ô nhiễm, để minh bạch Ngài dạy rằng: “Các con phải tự mình n ỗ lực, các Đấng Như lai chỉ là đạo sư”, chỉ là người chỉ đường. Đức Phật còn nhấn mạnh thêm: “Ỷ lại nơi kể khác để giải thoát cho mình là tiêu cực. Nhưng đảm đang lãnh lấy trách nhiệm, chỉ tuỳ thuộc nơi mình để tự giải thoát, quả thật là tích cực”. Từ hai câu trên chúng ta thấy đức Phật đã đưa ra thêm một phương pháp giáo dục nữa, song, Ngài cũng kịch liệt phê phán cho ai ỷ lại chông chờ người khác, lười biếng, hôn trầm dã dượi, không tự nỗ lực; đồng thời Ngài cũng tán dương, khen ngợi những người siêng năng, chăm chỉ, tinh tấn giám trách nhiệm với bản thân, tự giải thoát cho chính mình.

III. KẾT LUẬN

a. Những phương pháp và nội dung giáo dục Phật giáo đã được nghiên cứu:

- Giáo dục Phật giáo không chỉ giúp cho con người những kiến thức, những kỹ năng sống… mà còn vượt qua vô minh để đạt được trí tuệ.

- Giáo dục Phật giáo giúp cho con người hiểu sâu, hiểu đúng sự thật về bản chất của bản thân, mà tâm lý chung ít có ai nghĩ đến suy xét về bản thân…từ đó giúp cho con người những bài học cho bản thân cần sống thế nào, cần phải làm gì để hoàn thiện mình.

- Giáo dục Phật giáo giúp cho con người có đạo đức thật tốt, giúp người đã sai lầm quay về đúng đắn, giúp ngườiác quay về thiện, giúp người từ u mê đến giác ngộ.

- Về phương pháp: Chúng ta thấy giáo dục Phật giáo có nhiều phương pháp tổ chức thực hiện: căn cứ vào đối tượng, tuỳ theo từng giới, từng bản năng lãnh hội, là giới trẻ thì dùng hình ảnh ví dụ dễ hiểu, văn tự ngắn gọn dễ nhớ, nội dung luôn hướng về nội tâm để người học tự hoàn thiện mình. Giáo dục Phật giáo còn tận dụng mọi tình huống, mọi cơ hội để dạy và thảo luận.

- Giáo dục Phật Giáo có cả pháp học và pháp hành, Ngài chú trọng nhiều vào pháp hành, và mỗi người học tự vương lên chính mình.

b. Những kiến nghị

- Giáo dục Phật giáo hiện nay chưa thống nhất về chương trình theo từng cấp học, do đó cần thống nhất chương trình chung, thống nhất chương trình cho từng hệ phái.

- Giáo dục Phật giáo hiện nay chưa được chú trọng đến đối tượng trẻ, đối tượng sai lầm kể cả phạm pháp và những đối tượng vùng sâu vùng xa, do đó giáo dục Phật giáo cần được mở rộng thêm, đi sâu vào đối tượng này để họ sớm nhận được tinh hoa Phật giáo để hoàn thiện mình, và những người phạm sai quay về với lương thiện.

- Giáo dục Phật giáo hiện nay chưa chú trọng nhiều đến pháp hành. Do đó học, hiểu và hành theo, nhất là Giới, Định, Tuệ để thấy rõ bản chất chân thật của cuộc sống, giúp con người thoát khỏi cái khổ, cũng là góp phần quan trọng đến sự trường tồn giáo pháp, trang nghiêm cho giáo hội.

- Phương pháp giảng dạy còn mang nặng gập khuôn, theo khối lượng chương trình, cần tận dụng tình huống, đặt câu hỏi và thảo luận để Tăng-ni sinh và những người học phát huy khả năng của mình.

- Trong Bát Chánh đạo có đề cặp đến Chánh nghiệp, đây là một nhu cầu lớn của sự tồn tại và phát triển nhân loại, giáo dục Phật giáo cần nghiên cứu sâu, định hướng cho Tăng-ni trẻ trong phạm vi xuất gia, và giới trẻ trong phạm vi tại gia, để giúp ích cho Đạo và cho Đời.

Trên đây là những điều tôi tìm hiểu và mong muốn trao đổi cùng quí vị, rất mong quí vị góp cho sự hiểu biết ít ỏi này. Đức Phật cũng từng dạy: “Cũng như người thợ Bạc sáng suốt thử vàng bằng cách đốt lên, cắt và cọ sát trên hòn đá, cùng thế ấy, con chấp nhận những lời Như Lai khi thận trọng xét đoán chớ không phải chỉ vì tôn kính Như Lai ”.

Kinh chúc sức khoẻ quí vị!

 

TT. Ths. DANH LUNG

U/v HĐTS

Phó ban Văn hoá TW. GHPG VN

Chánh Văn phòng Học viện PG Nam tông Khmer

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn