Chương 6: Thần Học Kinh Tế

30 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 4753)

KINH TẾ PHẬT GIÁO
Quán Như Phạm Văn Minh
Nhà Xuất Bản Văn Hóa-Văn Nghệ 2012

Chương Sáu
Thần Học Kinh Tế


Nhiệm vụ chính tôn giáo tìm cách giải thích ý nghĩa đời sống, xác định vai trò của con người trong vũ trụ và hình thành một nhân sinh quan, hay nói như Aristotle, “chúng ta nên sống đời mình như thế nào”. Nếu hiểu tôn giáo theo nghĩa khái quát như trên, tôn giáo truyền thống càng ngày càng thoái hóa và dần dần bị thay thế bởi hệ thống giá trị thế tục khác. Hiện nay khoa học đóng vai trò chính trong việc giải thích thế giới hiện tượng và kinh tế cung cấp một hệ thống giá trị mới: chủ trương tiêu thụ.

Các tôn giáo truyền thống càng lúc càng phản ứng thụ động, thường tiếp tục bám víu vào các nguyên tắc thần học đã bị thế kỹ ánh sáng bỏ rơi, như cấm ngừa thai, cấm ly dị hay chống trợ tử tự nguyện, biến tôn giáo thành một pháo đài kiên cố thay vì xem đó là con đường hành đạo. Các buổi truyền đạo trên truyền hình, ca hát như bị lên đồng lúc hành lễ, biến tôn giáo thành thứ quảng cáo thương mại rẻ tiền. Tôn giáo truyền thống không còn cung cấp sinh hoạt tâm linh nào khả dĩ có thể ‘giải hoặc’ hệ thống giá trị của kinh tế thị trường và chủ nghĩa tiêu thụ.

Các nhà kinh tế lúc nào cũng tự hào về tính “khoa học”, “khách quan” và không dính dáng tới một hệ thống giá trị nào và chắc chắn sẽ cực lực phải đối khi môn kinh tế bị gọi là một thứ ‘thần học’.

Kinh tế chủ nghĩa xã hội bị sụp đồ khi chiến tranh lạnh kết thúc, kinh tế tư bản độc chiếm ‘thị trường’ và trong quá trình toàn cầu hóa, đã tích cực rao giảng về một ‘thiên đường mới’, trong đó cái vòng lẩn quần sản xuất-tiêu thụ- tiếp tục sản xuất- tiếp thụ tiêu thụ không bao giờ chấm dứt. Quốc gia hối hả lo thi hành chánh sách để tăng trưởng kinh tế, cá nhân hối hả tiêu thụ như thể không có ngày mai, như hình ảnh của con chó tiếp tục đuổi theo cái đuôi của mình. Có người ví von thanh lịch hơn: chúng ta đuổi theo ‘nhu cầu’ tiêu thụ như một người tập thể dục, chạy trên một treadmill, càng chạy càng nhanh, nhưng trên thực tế vẫn đứng yên một chỗ! Nếu có ai hỏi các nhà kinh tế ‘khoa học, khách quan’ là, nếu trong quá trình sản xuất-tiêu thụ, thìên nhiên bị hủy hoại vì nguyên liệu không tái tạo bị khai thác một cách vô trách nhiệm, họ trả lời tài nguyên chỉ là một nhu yếu trong quá trình sản xuất và cần thiết để tăng trưởng kinh tế. Nếu được hỏi là nếu quê hương xanh của chúng ta bị đe dọa trầm trọng vì thiên tai, hạn hán bất thường, có phải do hậu quả của hiện tượng global warming gây ra không, các nhà kinh tế trả lời nhiệm vụ chính của mình là giúp kinh tế tăng trưởng, còn việc bảo vệ môi trường là công việc của các nhà tranh đầu cho môi trường. Trong tiến trình toàn cầu hóa, nếu nhân công các nước nghèo được trả lương với giá rẻ mạt và việc làm chỉ còn là phương tiện kiếm tiền để tiêu thụ và như thế lao động mất hết ý nghĩa sáng tạo, họ trả lời các nước nghèo nên cám ơn toàn cầu hóa đã đem công ăn việc làm cho công nhân thay vì than phiền. Đối với họ, lao động là yếu tố trong quá trình sản xuất và chi để ý chi phí lao động ảnh hưởng tới giá thành của sản phẩm. Nếu có ai hỏi tại sao kinh tế thị trường tăng trưởng trong hơn 20 năm qua, tại sao hiện nay một phần năm nhân loại vẫn chưa có nước sạch để uống và mỗi ngày vẫn có hàng ngàn trẻ em ở Phi Châu và Đông Á chết vì thiếu dinh dưỡng hay vì đói, các nhà kinh tế trả lời họ không phải là nhà chính trị và không có trách nhiệm phân phối lợi tức. Cuối cùng nếu có ai hỏi tiêu thụ có đem đến hạnh phúc không, họ cho đây là nhiệm vụ của tôn giáo. Tuy nhiên họ cam đoan là nếu cứ để guồng máy kinh tế hoạt động tự nhiên, thế nào cũng có một ngày nhân loại sẽ hưởng thành quả tốt đẹp.

Các nhà kinh tế gia không chịu nhận chính họ là những nhà truyền đạo mới trong thời hiện đại hứa hẹn một thiên đường hạ giới của một tôn giáo mới: tôn giáo tiêu thụ!

 

Khoa học hay thần học?

Chưa có thời đại nào tất cả mọi giá trị của đời người được quyết định bởi một tiêu chuẩn duy nhất là lợi nhuận. Những hậu quả khốc hại như môi sinh bị tàn phá, bất công xã hội và hố sâu giữa người giàu và nghèo trong một quốc gia và giữa các quốc gia, sự sa đọa phầm chất con người và giá trị đạo đức được biện chính bằng ‘tư lợi’ ‘tăng trưởng’. Các nhả kinh tế không ngần ngại giả định ‘bản chất’ con người là tham lam và luôn luôn vì tư lợi và tham lam là điều tốt vì là một động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế ca ngợi mánh mung có giá trị kinh tế trong khi công bằng chẳng đem lại lợi ích nào cả. Fair is foul and foul is fair.

Các giả định của kinh tế thi trường gần gũi với các giả định của thần học KiTô-Do Thái hơn là có tính khoa học, nếu chúng ta hiểu khoa học như các phương pháp khách quan được sử dụng trong khoa Vật lý hay hóa học. Khi giới thiệu Kinh Tế Phật Giáo trong Small Is Beautiful, E. F. Schumacher đã phê bình các nhà kinh tế bị ‘mù lòa về siêu hình’. Giả định bản chất con người tham lam, hành động bị thúc đầy vì tư lợi là một hệ luận tất nhiên của thần học Ki Tô và Do Thái và chủ nghĩa cá nhân trong xã hội Tây Phương. Giả định về ‘bản chất’ con người chẳng khác gì các ‘giả định’ của Khổng Mạnh về con người ‘nhân chi sơ, tính bản thiện’, ‘bất nhẫn chi tâm’, hay giả định bản tính con người là Ác như Tuân Tử, hoặc giả định của Phật Giáo xem con người có đủ cả hai chủng tử thiện ác.

 blank

Daniel Kahnemn

Một giả định khác của kinh tế thị trường là con người khi chọn lựa các hoạt động kinh tế thường dựa trên tiêu chuẩn ‘hợp lý” và gọi kinh tế học là kinh tế thuần lý, Economic Retionalism. Ba năm trước đây, Giáo sư Daniel Kahneman, người chia giải Nobel kinh tế với Vernon Smith, không phải là một nhà kinh tế, mà là một tâm lý gia. Kahneman nhận thấy rằng khi chọn lựa một quyết định kinh tế, tứ một thanh thiếu niên 15 tuổi đến một người có bằng tiến sĩ, đều dựa trên nhận thức chủ quan về mối nguy hiểm có thể đưa đến, thay vì cân nhắc lợi hại dựa trên lý trí. Nghĩa là những lựa chọn của người tiêu thụ thường dựa trên yếu tố tình cảm. Mặc dù giả định ‘bàn tay vô hình’ của Adam Smith điều khiển các hoạt động kinh tế một cách ‘hợp lý’ đã bị bất tín nhiệm từ lâu, các nhà kinh tế thị trường vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến tánh cách ‘tất nhiên’ của của các hoạt động và hậu quả kinh tế. Các nhà kinh tế này ‘tin rằng’ kinh tế có những định luật ‘tự nhiên’ và ‘tất yếu’ như các định luật tư nhiên trong vật lý! Dùng các biện pháp ‘nhân tạo’ để can thiệp có thể làm đảo lộn trật tự kinh tế, và do đó có thể ảnh hưởng đến ‘an sinh’ của con người về lâu về dài. Các kết quả kinh tế bao giờ cũng công bằng và không thể tránh được. Can thiệp chỉ lảm cho ngày đến ‘thiên đường hạ giới’ chúng ta càng xa thêm. Chúng ta phải ‘tin’ vào vận hành tự nhiên của kinh tế và sẽ có một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều được hưởng tiện nghi do thành quả kinh tế. Các lời hứa này chúng ta đã quen tai, từ nước Chúa đến thiên đường. Thêm một giả định vế thiên đường tiêu thụ cũng không hại gì.

Những giả định này đã trở thành những ‘giáo điều’. nghĩa là có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi văn hóa, mọi quốc gia. Nếu hiện nay vẫn có những những hậu quả tai hại như sinh môi bị tàn hại, bất công xã hội. đó là những phản ứng phụ cần phái có trong quá trình phát triển! Không có gì phải lo và giữa vững lòng tin, thế nào cũng có ngày chúng ta đến thiên đường hạ giới. Giáo hội kêu gọi con chiên hết một lòng tin vào Thiên Chúa, các nhà kinh tế thị trường cũng kêu gọi người tiêu thụ giữ vững niềm tin của mình. Hai giả định dựa trên trực giác và lòng tin hơn trên lý trí: nếu đừng can thiệp kết quả của hoạt động kinh tế luôn luôn hợp lý và công bằng.

Hoạt động của thị trường tư bản tuân theo một định luật tự nhiên, cũng như luật tự nhiên của Vật lý hay Hóa học. Đúng theo tinh thần duy lý của thời hiện đại, các nhà kinh tế cố gắng đồng hóa luật kinh tế tự nhiên với luật tự nhiên của khoa vật lý. Các gì tung lên thì phải rơi xuống. Cung ít cầu nhiều thì giá phải lên. Kết quả kinh tế đương nhiên không thể tránh được. Nếu có ai có người hỏi là dựa trên nền tảng nào để kết luận kết quả của thị trường không thể nào tránh được, các nhà kinh tế học không có câu trả lời nào khác hơn là họ ‘tin’ như vậy.

Sự tràn ngập của kinh tế thị trường trên thế giới không đưa đến những ‘tự do kinh tế’, hưởng được thành quả của thiên đường kinh tế như các lý thuyết gia tiên đoán, ít ra cho đám đông nghèo khổ trong các quốc gia chậm phát triển và người nghèo trong các nước giàu có, dù rằng định nghĩa về mức nghèo khó có thể khác nhau.

Kinh tế tư bản toàn cầu chứa đựng nhãn quan về thế giới và hàm chứa một hệ thống giá trị về cuộc đời, cũng như bất cứ một tôn giáo và triết lý nào khác. Nó hàm chứa quan niệm về hữu thể học và đạo đức, ‘hướng dẫn’ các tín đồ, trong trường hợp này là người tiêu thụ, cách ở đời.

Hệ thống kinh tế thị trường phát sinh từ điều kiện lịch sử, cách mạng kỹ nghệ, với mục đích tổ chức một ‘trật tự mới’, nghĩa là nó có thể thay đổi, phát triển, biến hóa sang một hướng mới. Không làm gì có chuyện ‘không thể tránh được’.

Với một phái bộ ‘truyền giáo’ hữu hiệu, tức là những nhà kinh tế thị trường, với một thần học truyền thừa từ Ky Tô và Do Thái Giáo và chủ nghĩa cá nhân Tây Phương, tôn giáo thế tục mới còn có phương tiện và tài nguyên vĩ đại do các tổ hợp quốc tế, cơ quan truyền thông và kỹ thuật quảng cáo để ‘cải đạo’ hàng tỷ tín đồ mới, từ các nước nghèo Phi Châu và Đông Á, cho đến thanh thiếu niên nam nữ tại các nước phát triển. Thanh thiếu niên điển hình, nghèo cũng như giàu, ở Tây Phương uống coca cola, ăn hamburgers, mang giày Nike, CD Walkman và smart phone. Tất cả đều là sản phẩm các Logo nổi tiếng. Các hãng quảng cáo đã dùng các nhà tâm lý chuyên nghiệp truyền bá kỹ thuật nhồi sọ đám đông. Không phải chỉ có đám đông bình thưởng phản ứng theo tâm lý tập thể, mà ngay chính những trí thức lỗi lạc ở các viện đại học đã quên mất tinh thần phê phán cố hữu, đã góp tay đào tạo những nhà truyền giáo tương lai cho kinh tế thị trường. Ở viện đại học Sydney vào cuối thập niên 70 đã có cuộc tranh chấp kịch liệt giữa hai phân khoa kinh tế chính thống và kinh tế chánh trị. Khoa trưởng phân khoa Kinh Tế Chánh Trị cuối cùng bị áp lực phải từ chức và phân khoa này phài sát nhập vào kinh tế chính thống. Phân khoa kinh tế chỉ còn đào tạo các chuyên viên thương mại, tài chánh, kinh toán, quản trị cho guồng máy của kinh tế thi trường. Các tổ hợp quốc tế chỉ cần những người truyền đạo này chớ không cần đến những nhà kinh tế phê phán, vì một ngày nào đó, những người này có thể trở thành những người nổi loạn từ bên trong, như Joseph Stiglitz .

 blankJoseph Stiglitz

Phương tiện ‘truyền giáo’ hữu hiệu nhất là quảng cáo. Ti vi, báo chí, ngoài đường góc phố, khu thương mại, không có chỗ nào là không tràn ngập quảng cáo để quyến rũ chúng ta tiêu thụ. Theo Clive Hamilton trong tác phẩm Affluenza, mỗi ngày một người dân Mỹ nhận được 9 ngàn quảng cáo dưới nhiều hình thức! Theo một báo cáo của Ủy Ban Phát Triển Liên Hiệp Quốc vào năm 1999, các tổ hợp và cơ sở thương mai thế giới đã dành một ngân sách là 435 tỷ đồng cho việc quảng cáo, trong đó tiền quảng cáo của các tổ hợp Mỹ chiếm một nửa ngân sách trên. Các nhà truyền giáo thời thực dân phải thành lập phái bộ truyền giáo đi năm châu bốn bể để ‘dành’ tín đồ, cải đạo từ dân bản xứ. Ngày nay các tổ hợp kinh tế có đủ phương tiện truyền thông để tẩy não tập thể. Các quảng cáo hàm ý là nếu không tiêu dùng các sản phẩm có Logo mắc tiền là…quê mùa, không giống ai! Các thể tháo gia, nghệ sĩ nổi tiếng, người mẫu sexy đã được mướn để quảng cáo sản phẩm. Tư hang cùng ngỏ hẻm, trẻ em giàu, nghèo đều đòi hỏi cha mẹ mua những sản phẩm này mang mặc do giống thần tượng của mình. Giá thị trường của các sản phẩm này được khuếch đại lên hàng trăm lần để bù đắp vào chi phí quảng cáo. Có nhiều trẻ em da đen ở Mỹ sẵn sàng mua giày và áo thung có logo, mặc dù cha mẹ các em sống nhờ food stamps.

Có một vài quảng cáo thông minh có thể làm người tiêu thụ cười hay suy nghĩ, tuy nhiên phần lớn nhằm khích thích ham muốn tình dục và dùng kỹ thuật tâm lý kích thích đua đòi và những người không chịu tiêu thụ là ‘thua’ láng diềng. Người tiêu thụ cảm thấy rối loạn vì quảng cáo tràn ngập và không còn phân biệt đâu là nhu cầu và ham muốn. Nhiều người bị nhiễu loạn tâm lý, cái gì cũng muốn nhưng không bíết mình thực sự muốn gì. Càng ham muốn tiêu thụ thì càng thấy ‘thiếu’. Nói như các hiền triết Đông Phương, chúng ta không biết khi nào là đủ, cho nên không bao giờ thấy đủ và không biết là lúc nào nên dừng lại.

Dựa trên căn bản khoa học nào các nhà kinh tế thị trường cho rằng động cơ thúc đầy con người hành động là tư lợi? Trong lịch sử nhân loại có bao nhiêu người đã coi thường mạng sống, nói chi là tư lợi nhỏ nhen, để hy sinh cuộc đời mình cho đại cuộc, đồng bào, đất nước? Kinh tế thị trường cho rằng các luật lệ vận hành kinh tế là các luật ‘tự nhiên’ như các định luật vật lý. Kinh tế không thể đặt ngang hàng với vật lý về tiêu chuẩn khoa học. Khoa kinh tế dù dùng biểu đố, thống kê và toán học nhưng không thể nào đặt ngang hàng với các khoa học thuần lý và thực nghiệm, không có những định luật hay mô thức kinh tế nào có thể gọi là duy lý và không thể tránh được. Từ ngữ economic rationalism là từ ngữ tự mâu thuẫn. Như Daniel Kahneman đã nhận định, phần lơn những chọn lựa kinh tế liên hệ đến nhu cầu thiết thân của con người, trong đó có nhu cẩu tình cảm, như nhu cầu được chấp nhận mình vào một đoàn thề, như cầu được người khác yêu thương và kính trọng. Các định luật kinh tế không những không hiển nhiên, mà còn bất trắc và nhiều khi không thể tiên đoán được. Những cuộc khủng hoảng kinh tế, mức tăng trưởng mức thất nghiệp thường xảy ra bất ngờ như một cơn bão và khi biết ra thì đã quá muộn. Mặc dù hình ảnh bàn tay vô hình của Adam Smith đã bị phủ nhận từ lâu, nhưng các nhà truyền đạo cổ võ cho tôn giáo tiêu thụ tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố ‘tất nhiên’ này chỉ để nhắm đến một hậu ý: tránh sự can thiệp vào các vận hành ‘tự nhiên’ của tiến trình kinh tế! Trong xã hội Tây Phương, ít nhất cho đến thời phục hưng, không có một lý thuyết kinh tế không liên hệ đến đạo đức. Thời Adam Smith kinh tế được dạy trong các đại học như là một bộ môn triết lý. Trong các xã hội truyền thống Đông Phương nơi quyền lợi tập thể được xem là thiêng liêng, các hoạt động kinh tế không bị tách rời khỏi sinh hoạt xã hội. Cá nhân và tư lợi chỉ được chú trọng tới khi thần học Ky Tô sụp đổ và khi các giáo phái thệ phản giải thích lại sự cứu rỗi và mối truyền thông với Thượng Đế. Thượng đế thần học cũ đã chết như Nietzche tuyên bố và Thượng đế kinh tế ích kỷ và tư lợi ra đời. Nguồn gốc thần học của kinh tế thị trường đã hiện nguyên hình.

Nhà xã hội Max Weber đã khám phá ra mối liên hệ giữa thần học Tin lành và kinh tế thị trường. Tác phẩm Đạo Đức Tin Lành và Tinh Thần của Chủ Nghĩa Tư Bản, chính tư tưởng Calvin đã khuyến khích đề nghị tiêu chuẩn cho những người được chọn lựa và cứu rỗi ngay tại đời này: sự thành công về mặt kinh tế được chấp nhận như là dấu hiệu được Thượng Đế cứu rỗi. Tuy nhiên tư tưởng Puritan khuyến khích tín đồ tiếp tục sống một cuộc đời thanh bạch và khắc kỷ, thay vì tiêu xài cá nhân, tiếp tục đầu tư vào tư bản sản xuất. Tuy nhiên hình ảnh Thượng Đế càng ngày càng mờ nhạt, các nhà tư bản không còn giữ tinh thần khắc kỷ, và tư bản thay vì là một phương tiện chứng tỏ mình được cứu rỗi, trở thành mục đích tối hậu của hoạt động kinh tế. Tư lợi không những trở thành động cơ chính trong các hoạt động kinh tế, tiêu thụ trở thành mục đích tối hậu của đời người. Cả hệ thống kinh tế khuyến khích mọi người cùng tiêu thụ, tiếp tục tiêu thụ, không có gì ngoài tiêu thụ. So help me God! Không còn tin vào sự cứu rỗi ở đời này cũng như đời sau, mọi người xem hưởng thụ tiện nghi vật chất trở thành tiêu chuẩn giá trị duy nhất. Mối lo sợ của Nietzche đã thành sự thật: sau khi thượng đế thần học đã chết, con người đã sống trong xã hội hư vô như những loài ngạ quỷ: giá trị tâm linh không còn, chết là hết, sống ngày nào cứ hưởng thụ thả cửa ngày ấy!

Nếu tư lợi là động cơ chính trong guồng máy sản xuất, các hạt giống tham và si được tưới tẩm trở thành ‘tươi tốt’ nhất. Hạt giống tham lam biến con người chạy theo tư lợi và ham muốn tiêu thụ mà họ biết là không bao giờ thỏa mãn được. Đã tham lam thì không còn tình nghĩa và đạo đức. Không có tôn giáo nào khuyến khích tham lam, ngay cả đạo đức Tin Lành cũng khuyến khích tín đồ sống khắc kỷ, trong sạch và chỉ dùng thành quả vật chất như bằng chứng cho thấy mình được chọn lựa. Giáo pháp của đức Phật về điểm này rất minh bạch: tham và si làm con người chìm đắm trong ái dục và làm con đường giải thoát càng ngày càng xa thăm thẳm. Giả sử như tham lam tư lợi là đức tánh ‘tự nhiên’ đi nữa, các tôn giáo cũng khuyến khích tín đồ tiết chế long tham lam, không có công khai cổ võ như kinh tế thị trường. Phật giáo khuyến khích tín đồ hành trì lục mật, trong đó quan trọng nhất là bố thí và Phật tử dù sơ cơ đến mấy cũng đều biết tham là một trong những trở ngại lớn nhất trên đường tu tập.

Những lời tuyên bố như ‘Greed is good”, “ Foul is Fair” cho thấy hệ thống giá trị của kinh tế thị trường là phản đề của tất cả tôn giáo truyền thống. Về phương diện tôn giáo, tự tánh ‘tư lợi’ là một diễn dịch méo mó của thần học Tin Lành và về phương diện văn hoá và lịch sử, nó thừa hưởng chủ nghĩa cá nhân thực dụng của Tây Phương. Giáo điều này phải được thách đố trên bình diện đạo đức, thực chứng, công bằng xã hội. Đối với Phật giáo, đây không thể hiện chính kiến và là biểu hiện của vô minh, cần phải được ‘giải hoặc’. David Loy cho rằng nguyên tắc chống bất công xã hội của các tôn giáo được thần không đủ sức thuyết phục người tiêu thụ chống lại cơn sóng thần kinh tế thị trường mà cần có một sự chuyển hóa tâm linh, như ‘lộ đồ’ hành trì bát chánh đạo của đạo Phật. Có chánh kiến, trí tuệ, chúng ta sẽ thấy là việc tích tụ tài sản và tiêu thụ thả cửa không làm cho chúng ta hạnh phúc. Khi đói khổ, chúng ta nói ‘dĩ thực vi thiên’ hay ‘có thực mới vực được đạo’. Nhưng khi đã được ăn no mặc ấm, thay vì tiếp tục bị ám ảnh bởi ăn ngon mặc đẹp, chúng ta biết chúng ta còn có những nhu cầu thiết thân khác, như nhu cầu tâm linh, văn hóa, nghệ thuật…Biết đến đâu là tri túc, tri chỉ, ngừng lại ở ngưỡng cửa vật chất, là biết bắt đầu con đường hạnh phúc. Người Tây Phương cũng không nói gì khác hơn: chúng ta không thể sống không có bánh mì, nhưng cũng không sống chỉ vì bánh mì. Tục ngữ Việt nam thẳng thừng hơn: ăn để sống, không phải sống để ăn. Ăn no mặc ấm xong, chúng ta cần thỏa mãn những nhu cầu thanh cao khác. Đông Tây gặp nhau ở chỗ này: trung đạo của đạo Phật gặp gỡ

Một nhà sử học Pháp, cho cuộc cách mạng kỹ nghệ đã làm một cuộc cách mạng về ‘nhu cầu’, hay nói đúng hơn chuyển hoá nhu cầu thành ham muốn không bảo giờ có thể thoả mãn được. lồ ‘thổi phồng’ và nhào nặn lên. Đây là quá trình tẩy não người tiêu thụ nhằm chế tạo ra những ‘nhu cầu’ giả tạo để vận hành guồng máy kinh tế và tạo ra lợi nhuận cho các tổ hợp. Nếu đây là như cầu ‘tự nhiên’ cần thoả mãn, tại sao các tổ hợp thương mại bỏ ra những món tiền quá lớn để quảng cáo? Các nhà kinh tế tiếp tục biện chính bằng lý luận như guồng máy vận hành ‘tự nhiên’ và không nên ‘can thiệp’ để thay đổi các kết quả này, cho dù ‘cơn mê tăng trưởng’ đã gây ra tàn hại cho hệ thống sinh thái, tạo ra những bất công xã hội lớn lao không tiền khoáng hậu và hủy hoại tận cùng nền tảng đạo đức, Đông cũng như Tây. Nếu đạo đức tiêu thụ phát sinh từ hoàn cảnh lịch sử và xã hội, nó có thể thay đổi và cần thay đổi. Homo sapiens đã bị thu nhỏ thành Homo economicus. Lối ăn tiêu thả cửa đã làm các mối liên hệ xã hội sụp đổ và một hậu quả nghịch lý là càng tiêu thụ, dân chúng ở các nước phát triển càng thấy không thoả mãn và không cảm thấy hạnh phúc. Giả sử nhưng chúng ta đều đồng ý với Đức Đạt Lai Lạt Ma là ai cũng đều muốn hạnh phúc, câu hỏi căn bản từ thời Aristote trở lại ám ảnh chúng ta: chúng ta nên sống cuộc đời như thế nào để được hạnh phúc an lạc?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn