Thùy Linh
Đức Phật là người chinh phục vĩ đại nhất. Ngài chinh phục thế giới bằng vũ khí của tình thương và chân lý. Giáo lý của Ngài soi sáng Con đường cho nhân loại để vượt qua thế giới tối tăm, hận thù và đau khổ, để đến thế giới của ánh sáng, tình thương và hạnh phúc.
Đó là cuộc chinh phục vĩ đại nhất mà loài người được biết cho đến nay. Theo Phật Giáo, phép màu nhiệm nhất chính là giúp một kẻ độc ác trở thành một người thánh thiện. Ngài là thái tử nhưng đã từ bỏ ngai vàng để xuất gia cầu tìm chân lý giúp nhân loại thoát khỏi khổ não. Tuy không còn dính đến quyền thế, nhưng giáo lý của Ngài lại rất gần gũi với con người, kể cả các chính trị gia. Nhân Nội các mới của đất nước được thành lập, Quốc hội mới đang nhóm họp kỳ đầu tiên, tiện ngày nghỉ cuối tuần, TL mời bạn bè đọc trích đăng phần nói về Đạo Phật và Chính trị của hòa thượng K.Sri Dhammnanda do Thích Tâm Quang dịch.
Rất mong các quan chức bớt chút thời gian ghé mắt đến khi có thể, hoặc Thùy Linh nhờ ai đó in ra cho các vị ấy đọc để soi lại mình để tu tâm, tu tính…Tất nhiên từ không đọc đến đọc đã là một chặng đường dài. Từ đọc đến thực hành còn dài tít tắp nữa…Nhưng với thiện tâm là một Phật tử, Thùy Linh cứ post lên đây và hy vọng, hy vọng…
Hòa thượng K.Sri Dhammnanda do Thích Tâm Quang dịch.
PHẬT GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ
Đức Phật thuộc dòng dõi vua chúa nên đương nhiên có liên hệ với các bậc quan quân và đại thần. Mặc dù mối liên hệ và giao tiếp đó, Ngài không bao giờ dùng đến ảnh hưởng quyền uy chính trị để quảng bá giáo lý của Ngài. Ngài cũng không cho phép giáo lý của Ngài được lạm dụng để đạt uy quyền chính trị…Có một vấn đề cố hữu là người ta hay đem trộn lẫn tôn giáo vào chính trị. Căn bản của tôn giáo là đạo đức, thanh tịnh và đức tin, trong khi căn bản của chính trị là quyền thế. Khi tôn giáo được sử dụng để thỏa mãn ý đồ chính trị, tôn giáo phải đi trước những lý tưởng đạo đức cao cả và trở nên mất giá trị bởi những yêu cầu chính trị trần tục. Sức đẩy của Phật Pháp không phải nhằm vào việc tạo lập các thể chế chính trị mới và các cuộc cải tổ chính trị. Phật Pháp căn bản tìm cách giải quyết các khó khăn của xã hội bằng cách cải tạo chính những con người thành lập xã hội ấy, bằng cách đề nghị một số nguyên tắc tổng quát để xã hội được hướng dẫn tới tinh thần nhân cao cả hơn, để cải tiến phúc lợi cho các thành viên và chia sẻ tài nguyên công bằng hơn. Thể chế chính trị chỉ có một giới hạn nào đó trong việc bảo toàn hạnh phúc và sự thịnh vượng của người dân. Không có một hệ thống chính trị nào, dù lý tưởng đến đâu đi nữa, có có thể mang lại thực sự hòa bình và hạnh phúc chừng nào con người còn bị chi phối bởi tham, sân và si. Dù một hệ thống chính trị tốt và công bằng, bảo đảm nhân quyền căn bản, bao hàm sự hạn chế và quân bình trong việc sử dụng quyền lực là một điều kiện quan trọng cho đời sống hạnh phúc trong xã hội, người ta cũng không nên lãng phí thì giờ vào sự tìm kiếm bất tận một hệ thống chính trị chủ yếu mà con người có thể hoàn toàn được tự do. Vì tự do hoàn toàn không thể tìm trong bất cứ một hệ thống nào mà chỉ tìm thấy trong những tâm đã được tự do mà thôi. Muốn được tự do, con người phải nhìn trở vào nội tâm mình và hành hoạt làm sao để giải thoát chính mình khỏi xiềng xích của vô minh và tham dục. Tự do trong ý nghĩa đúng nhất của nó chỉ có thể đạt được khi một người biết sử dụng Pháp để phát triển cá tính qua lời nói và hành động chính đáng và rèn luyện tâm ý để phát triển tiềm năng tinh thần và hoàn tất mục tiêu giác ngộ tối hậu.
Trong khi công nhận sự ích lợi của việc tách rời tôn giáo với chính trị và những giới hạn của hệ thống chính trị trong việc mang hòa bình và hạnh phúc, có nhiều khía cạnh của lời Phật dạy tương đồng gần gũi với sự cải biến chính trị hiện tại.
- Trước tiên, Đức Phật đã nói về sự bình đẳng của tất cả mọi người, trước cả Abraham Lincoln. Ngài còn nói những giai tầng và đẳng cấp xã hội là những chướng ngại nhân tạo dựng nên bởi xã hội. Theo Ngài chỉ có sự phân chia thứ hạng con người được căn cứ trên phẩm cách, đạo đức.
- Thứ hai, Đức Phật khuyến khích tinh thần hợp tác xã hội và sự tham gia tích cực vào xã hội. Tinh thần này được tích cực đẩy mạnh trong tiến trình chính trị của xã hội tiên tiến.
- Thứ ba, vì Đức Phật không chỉ định ai là người thừa kế Ngài nên thành viên của Tăng Đoàn được hướng dẫn bởi Giáo Pháp và Luật, hay nói tóm lại bởi Giới Luật. Cho đến ngày nay, thành viên của Đoàn Thể Tăng Già đều phải tuân theo Giới Luật. Giới Luật chi phối và hướng dẫn tư cách đạo đức họ.
- Thứ tư, Đức Phật khuyến khích tinh thần trao đổi ý kiến và tiến trình dân chủ. Điều này được thể hiện trong phạm vi Đoàn Thể Tăng Già mà tất cả thành viên đều có quyền quyết định những công việc chung. Khi nêu lên một vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi sự chú ý, những cách giải quyết được đưa ra giữa các tỳ kheo để bàn luận giống như trong hệ thống nghị trường dân chủ hiện tại. Thủ tục theo chế độ tự quản này đã làm cho nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng trong các hội trường Phật Giáo tại Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm đã thấy có những nguyên tắc sơ đẳng của thể thức áp dụng tại nghị trường ngày nay. Một giới chức đặc biệt giống như vị Chủ Tịch Viện được chỉ định để bảo quản phẩm cách của hội nghị. Một giới chức thứ hai được chỉ định giống như vai trò của Nghị Viên phụ trách tổ chức (Chief Whip) để kiểm soát túc số (tức số đại biểu qui định). Những vấn đề được đưa ra thảo luận dưới hình thức đề nghị. Trong một số trường hợp, vấn đề chỉ cần biểu quyết một lần, có trường hợp phải đến ba lần. Thủ tục này đã đi trước Nghị Viện ngày nay đòi hỏi một dự án phải được đọc lần thứ ba truớc khi thành luật. Nếu cuộc thảo luận có những ý kiến dị biệt, vấn đề phải được quyết định bằng đa số tuyệt đối trong một cuộc đầu phiếu kín.
Đường
lối Phật Giáo đến với quyền uy chính trị là đạo đức hóa và sự sử dụng có
trách nhiệm về quyền lực của đại chúng. Đức Phật thuyết giảng về bất bạo
động và hòa bình như một thông điệp cho toàn thể vũ trụ. Ngài không chấp nhận
bạo động hay sự phá hoại đời sống. Ngài tuyên bố, không có một cuộc chiến tranh
nào được gọi là "chính đáng".
Ngài dạy: "Kẻ chiến thắng gieo hận thù, kẻ chiến bại sống đời lầm than.
Ai là kẻ từ bỏ cả thắng lẫn bại, kẻ đó hạnh phúc và an lạc". Không
những Đức Phật dạy bất bạo động và hòa bình, Ngài là vị Đạo Sư Tôn Giáo duy
nhất thân hành đến chiến trường để ngăn cản chiến tranh. Ngài đã hóa giải sự
căng thẳng giữa hai dòng họ Thích Ca và Koliyas sắp sửa khởi chiến trên dòng
sông Rohini. Ngài đã thuyết phục được Hoàng Đế A-Xà-Thế dừng binh đi đánh Vương
Quốc Vajjis. Đức Phật thảo luận sự quan trọng về điều kiện tiên quyết của một
chính quyền tốt. Ngài trình bầy cho thấy một đất nước đi đến thối nát, suy đồi,
bất hạnh như thế nào khi người cầm đầu chính phủ nhũng lạm và bất công. Ngài
chống lại sự tham nhũng và cho biết chính quyền cần hành động ra sao căn cứ
trên nguyên tắc nhân đạo. Đức Phật có lần nói: "Khi người cầm quyền
quốc gia công bằng và đức hạnh, các bộ trưởng (đại thần) cũng trở nên công bằng
và đạo hạnh; khi các bộ trưởng công bằng và đạo hạnh, những giới chức cao cấp
trở nên công bằng và đạo hạnh; khi các giới chức cao cấp công bằng và đạo hạnh,
đội ngữ và đoàn sinh trở nên công bằng và đạo hạnh; khi đội ngữ và đoàn sinh
trở nên công bằng và đạo hạnh, người dân trở nên công bằng và đạo hạnh".
(Tăng Chi Bộ Kinh). Trong kinh Cakkavatti Sihananda, Đức Phật dạy
vô luân và tội ác, như trộm cắp, lừa dối, bạo động, sân hận, độc ác, có thể
phát xuất vì nghèo khổ. Các vua chúa và chính quyền có thể cố gắng ngăn chận
tội ác bằng hình phạt, nhưng chỉ dùng võ lực để triệt tiêu tội ác thì vô ích.
Trong kinh Kutadanta, Đức Phật khuyến dụ nên phát triển kinh tế thay vì
võ lực để giảm thiểu tội ác. Chính quyền nên sử dụng tài nguyên quốc gia để cải
tiến điều kiện kinh tế trong nước. Có thể bắt tay vào việc phát triển nông
nghiệp và mở mang nông thôn, hỗ trợ tài chánh cho các nhà thầu và người kinh
doanh, trả lương xứng đáng cho công nhân để duy trì cuộc sống tươm tất có nhân
cách. Trong kinh Jataka, Đức Phật dạy mười điều cần thiết cho một chính
quyền tốt được gọi là "Dasa Raja Dharma". Mười điều này có thể
áp dụng cả đến ngay nay cho bất cứ một chính quyền muốn trị nước hòa bình.
Những nguyên tắc đó là:
1. Không thành kiến và tránh ích kỷ.
2. Duy trì đặc tính luân lý cao.
3. Sẵn sàng hy sinh lạc thú riêng tư cho hạnh phúc của người dân
4. Chân thật và hết sức liêm chính.
5. Sống cuộc đời thanh bạch cho người dân tích cực noi gương.
6. Không bị bất cứ hình thức sân hận nào.
7. Bất bạo động.
8. Thực hành hạnh kiên nhẫn.
9. Tôn trọng ý kiến quần chúng để động viên hòa bình và hòa hợp.
Về tư cách của người lãnh đạo, Ngài khuyên thêm:
1. Người cầm quyền tốt hành động vô tư, không thành kiến và không kỳ thị giữa nhóm này với nhóm khác.
2. Người cầm quyền tốt không ấp ủ bất cứ loại sân hận nào với bất cứ ai.
3. Người cầm quyền tốt phải tỏ ra không sợ hãi bất cứ điều gì khi thi hành luật pháp, nếu luật pháp ấy đúng.
4. Người cầm quyền tốt phải có sự hiểu biết rõ ràng luật lệ thi hành. Không phải là luật lệ phải thi hành chỉ vì người cầm quyền có quyền hành để thi hành luật ấy. Luật pháp phải được thi hành một cách hợp lý và hợp với lẽ phải thông thường.-(Kinh Cakkavatti Sihananda)
Kinh Milanda Panha có nêu như sau: "Nếu một người thiếu tư cách, thiếu khả năng, không thích hợp, bất lực và không đáng làm vua, tự mình tôn phong làm vua hay người trị vì với uy quyền to lớn, kẻ đó sẽ bị hành hạ khổ sở...phải chịu nhiều hình phạt bởi người dân, vì thiếu tư cách và không xứng đáng, đã tự mình lên ngôi vua bất chính". Người cầm quyền, cũng như những người khác vi phạm và đi quá giới đức và nguyên tắc căn bản của tất cả luật lệ xã hội trong nhân loại, thì cũng phải chịu hình phạt. Hơn thế nữa, người cầm quyền bị khiển trách đã sử sự như một tên ăn cắp của công. Câu chuyện trong Kinh Jataka có nêu rằng, người cầm quyền mà trừng phạt người vô tội, không trừng phạt kẻ có tội thì không xứng đáng trị vì đất nước. "Nhà Vua lúc nào cũng phải tự mình thăng tiến, và cẩn thận quán chiếu hạnh kiểm của mình trong hành vi, lời nói và tư tưởng, luôn luôn cố gắng tìm tòi và lắng nghe ý kiến đại chúng xem mình có phạm lỗi lầm hay sai sót trong việc trị vì vương quốc. Nếu có sự trị vì sai quấy, họ sẽ kêu ca khi bị thiệt hại bởi sự bất lực của người cầm quyền do chính sách hình phạt, thuế má, bất công hay những áp bức kể cả sự tham nhũng dưới bất cứ hình thức nào, và người dân sẽ chống lại nhà cầm quyền bằng cách này hay cách khác. Trái lại, nếu nhà vua trị vì minh chánh, thần dân sẽ chúc phúc ngài: Hoàng Thượng Muôn Năm". (Majjhima Nikaya - Trung Bộ). Đức Phật nhấn mạnh về trọng trách của người cầm quyền biết dùng sức mạnh quần chúng để cải tiến phúc lợi cho dân như Hoàng đế Asoka đã làm vào thế kỷ III (TCN). Asoka, một tấm gương sáng chói về nguyên tắc này vì vua đã quyết định sống đúng theo Giáo Pháp và truyền bá Chánh Pháp để phục vụ dân chúng và nhân loại. Vị Hoàng Đế này tuyên bố không dùng võ lực với quốc gia lân bang, cam kết thiện chí này bằng cách gửi các sứ giả cùng với thông điệp hòa bình và không gây hấn đến những vị vua ở xa. Ngài đã động viên sự phát huy các đức hạnh xã hội như chân thật, trung thành, từ bi, nhân ái, bất bạo động, cư xử đứng đắn với mọi người, không phung phí, không hám lợi, và không làm tổn thương thú vật. Ngài khuyến khích tự do tôn giáo và sự tôn kính lẫn nhau giữa các tôn giáo. Ngài tổ chức các cuộc thuyết Pháp định kỳ cho các đồng bào tại nông thôn. Ngài phụ trách các công việc lợi ích công cộng, như thiết lập các bệnh viện cho người và vật, cung cấp thuốc men, trồng cây cối trên các đường lộ và rừng, đào giếng, xây cất các trạm tiếp tế nước và các nhà tạm trú. Ngài triệt để cấm ác độc với thú vật.
Có
đôi khi Đức Phật được xem như một nhà cách mạng xã hội. Chẳng hạn như Ngài lên
án hệ thống giai cấp, xác nhận sự bình đẳng giữa mọi người, lên tiếng về sự cần
thiết cải tiến các điều kiện kinh tế xã hội, công nhận tầm quan trọng của việc
chia sẻ hợp lý của cải giữa người giàu và người nghèo, nâng cao địa vị phụ nữ,
khuyến cáo tinh thần hợp tác nhân đạo trong chính quyền và nền hành chánh, dạy
rằng không nên điều hành xã hội bằng lòng tham mà phải bằng lòng tôn trọng và
từ ái đối với dân chúng. Ngoài những việc như trên, sự đóng góp của Đức Phật
cho nhân loại còn vĩ đại hơn nhiều vì Ngài đã phát động một điểm mà từ trước
tới nay chưa có một nhà cải cách nào đã làm bằng cách đi ngược vào gốc rễ thâm
sâu nhất của tính bất thiện nằm trong tâm con người. Cải cách chân chính
chỉ có thể có hiệu quả khi được thực hiện ngay trong tâm con người.
Những cải cách bằng sức mạnh trên thế giới bên ngoài đều rất ngắn hạn vì không
có gốc rễ. Nhưng những cải cách nẩy sanh từ kết quả của sự thay đổi tâm thức
bên trong con người mới có gốc rễ lâu dài. Khi những cánh cây đâm chồi mọc
nhánh, chúng sẽ rút dinh dưỡng từ một nguồn không bao giờ cạn là những thôi
thúc do bản năng của dòng sống đang trôi chảy. Cho nên những cải cách chỉ hữu
hiệu khi tâm con người đã chuẩn bị sẵn sàng phương cách, và chúng chỉ được duy
trì được bao lâu mà con người còn biết bồi dưỡng sinh khí cho chúng bằng tình
yêu thương chân lý, công bằng, và đồng loại. Học thuyết của Đức Phật giảng dạy
không căn cứ trên "Triết Lý Chính Trị". Học thuyết này cũng
chẳng phải để khuyến khích con người thụ hưởng lạc thú thế gian mà để chỉ rõ
cho thấy con đường đạt Niết Bàn. Nói một cách khác, mục đích rốt ráo là chấm
dứt ái dục trói buộc con người trong thế giới này. Câu kệ trong Kinh Pháp Cú
đã khéo tóm tắt sự xác định ấy như sau: "Con đường dẫn đến lợi lạc trần
gian là một, và dẫn đến Niết Bàn bằng cách sống một cuộc đời đạo hạnh lại là
một con đường khác". Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người Phật
Tử không thể, hay không nên tham gia vào hoạt động chính trị vốn là một thực
thể trong xã hội.
Cuộc sống của những thành viên trong xã hội được hình thành bởi luật lệ và quy
tắc, bởi những cải cách kinh tế hợp pháp trong nước, những sự canh tân về tổ
chức ảnh hưởng bởi các nguyên tắc chính trị của xã hội ấy. Tuy vậy, nếu một
Phật tử muốn hoạt động chính trị, người đó không nên dùng tôn giáo để đạt uy
quyền chính trị, và cũng không nên khuyến bảo những ai đã từ bỏ cuộc đời trần
tục sống một cuộc đời thanh tịnh, đạo hạnh tham gia hoạt động chính trị.