Dân Chủ Và Phật Giáo - Cao Huy Thuần

09 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 14713)

DÂN CHỦ VÀ PHẬT GIÁO
Cao Huy Thuần

Từ lâu, khi viết về các vương quốc ở Ấn Độ thời Phật, các học giả đã chú ý đến các yếu tố “dân chủ”trong chế độ các nưóc ấy. Tôi đọc, nhưng thú thực không hào hứng mấy, cứ nghĩ chuyện ấy đã thuộc quá khứ xa xăm. Lý thuyết mà không có thực tế diễn ra trước mắt thì chỉ thỏa mãn được cái đầu, không làm rung động trái tim. Máu tôi chỉ thực sự nóng lên từ khi tôi theo dõi cuộc tranh đấu cho dân chủ của bà Aung San Suu Kyi và sau đó tìm đọc những tác phẩm của bà. Bà đã làm sống lại lý thuyết, bà thở với lời Phật, tranh đấu với hồn Phật. aung_san_suu_kyiĐối với tôi, rất chủ quan, bà là người chí nh trị duy nhất thời nay nắm đúng tư tưởng Phật giáo và hành động đúng với tư tưởng đó. Bà là người lãnh đạo Phật tử duy nhất không xa lý thuyết của Phật một bước trong mọi hành động chính trị. Lý thuyết của Phật nói: vô uý! Bà gan dạ, can trường. Lý thuyết của Phật nói: từ bi! Bà không căm thù, dù là đối với những người đã chà đạp bà. Chỉ với một người lãnh đạo như vậy mới làm được tôi tin khi nói đến dân chủ trong Phật giáo. Tôi tin lý thuyết ấy không phải là lý thuyết suông. Không phải là ý thức hệ. Nó thở nơi người phụ nữ mảnh khảnh mà quắc thước ấy. Vậy thì, đâu là những chỗ trùng hợp giữa Phật giáo và dân chủ? Đâu là nền móng Phật giáo trong hành động vì dân chủ của bà? Trước khi xây từng viên gạch, hãy hỏi một câu ưu tiên: thế nào là dân chủ đối với một người dân Miến Điện bình thường, bình dân, ít học? Mà có thật là họ muốn dân chủ không? Hay đó là triết thuyết ngoại lai? Bà nói: hỏi như vậy là khinh miệt người dân Miến Điện, khinh miệt người dân bất cứ ở đâu, vì dân chủ là ước muốn của mọi người mà mạnh nhất chính là ở các nước nhân dân bị đàn áp. Ở các nước ấy, dân chủ được hiểu rất đơn giản và rất thực tế: làm sao có được một chính phủ tốt, không đàn áp. Làm sao? Phật giáo đáp ứng câu hỏi ấy của người dân trên 5 điểm:

1. Phải có một chính phủ dân cử. Người dân ít học có thể không hiểu những vấn đề cao xa, nhưng họ biết rất rõ bầu cử ai để đại diện cho họ.

Bầu cử trung thực, trong sạch, tôn trọng sự lựa chọn thực sự của người dân: ấy là điều kiện tiên quyết của dân chủ. Bà Aung San Suu Kyi trích lời Phật khi Ngài nói về bốn nguyên do suy thoái và thối rữa: không tìm lại được cái gì bị mất, không chịu sửa lại cái gì bị hư, khinh thường nhu

cầu xây dựng một nền kinh tế hợp lý, đưa lên địa vị lãnh đạo những người thiếu đạo đức và khả năng. Áp dụng lời nói đó vào bối cảnh chính trị của Miến Điện từ 1962, bà thấy: quyền dân chủ bị tước đoạt mà không đủ cố gắng để chiếm lại; giá trị đạo đức và chính trị bị xói mòn mà không

được cộng đồng chung sức cứu vãn; kinh tế suy thoái; lãnh đạo không trong sạch, thiếu lương tâm. Riêng về điểm cuối cùng, thế giới sử quan của đạo Phật là: khi một cộng đồng chính trị bị suy đồi, rơi từ tình trạng tinh khiết khởi thủy xuống tình trạng hỗn loạn xã hội và đạo đức, một ông vua được bầu lên để tái lập hòa bình và công lý. Người cầm quyền có được địa vị ấy vì ba chức tước: Mahasammata, “vì được bầu lên do sự thỏa thuận nhất trí của dân chúng”; Khattiya, “vì cai trị trên một lãnh địa nông nghiệp”; Raja, “vì thu phục được lòng kính mến của dân chúng nhờ tôn trọng dhamma (đức độ, công bằng, luật pháp)”. Ông vua được trả lương để thi hành nhiệm vụ, lương đó được tính bằng thóc. Bà Aung San Suu Kyi nhấn mạnh điều mà các học giả ngày nay công nhận trong tư tưởng về vương quốc của Phật giáo: quyền lực của ông vua đặt trên cơ sở

một hợp đồng xã hội. Một hợp đồng với dân, chứ không phải do thiên mệnh hay thượng đế nào ban cấp. Nếu muốn dùng chữ “con”quen thuộc thì ông vua là con dân, không phải con trời. Mahasammata là mô hình của các vương quốc Ấn Độ ngày xưa và của cả Đông Nam Á. Ngày nay, vua không còn nữa, nhưng tư tưởng về ông vua do dân bầu lên, do dân thỏa thuận, được một nhà lãnh đạo Đông Nam Á đánh thức ra khỏi giấc ngủ ngàn năm trong thư viện để nhập cuộc chơi với tư tưởng Rousseau: dân chủ không phải là lý thuyết ngoại lai.

2. Từ dân mà ra, ông vua không có tính gì là thiêng liêng cả, không phải muốn cai trị thế nào tùy ý, chỉ chịu trách nhiệm với trời hoặc thượng đế. Do đó, yếu tố căn bản thứ hai trái ngược với tư tưởng quân chủ tuyệt đối và trùng hợp với tư tưởng dân chủ hiện đại là: quyền hành đi đôi với

bổn phận. Bổn phận đó, Phật giáo kể ra rất rõ: ông vua có Mười Bổn Phận, Bảy Phòng Ngừa để chống lại suy thoái, Bốn Cứu Giúp đối với dân chúng, chưa kể vô số điều lệ hướng dẫn hành động như Mười Hai Thực Tiễn của người cầm quyền, Sáu Đặc Tính của lãnh tụ, Tám Đức Độ của vua, và Bốn Phương Cách để chiến thắng nguy hiểm. Kể rõ như vậy là vì một luận lý nằm sâu trong truyền thống chính trị: xem ông vua như là một trong năm kẻ thù hoặc năm hiểm nguy cần phải chế ngự bằng cả một hệ thống đạo đức để ràng buộc bất cứ ai nắm quyền lực trong tay. Bà Aung San Suu Kyi nói thêm: dân tộc Miến Điện có quá đủ kinh nghiệm trong lịch sử về quyền lực độc tài để ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải nhắc nhở những bổn phận ấy. Đó là: bố thí, đạo đức, hy sinh, liêm khiết, nhân từ, nghiêm khắc với mình, không giận dữ, không bạo lực, nhẫn nại, và không làm trái (với ý muốn của dân).

Bổn phận đầu tiên, rất quan trọng trong tư tưởng Phật giáo, là bố thí (dana). Điều này có nghĩa là người cầm quyền phải có khả năng mang lại của cải, thịnh vượng cho dân. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, an ninh kinh tế của dân phải được đảm bảo.

Bổn phận thứ hai, đạo đức (sila), buộc ông vua phải nêu gương sáng trong việc giữ năm giới của người Phật tử: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không nghiện rượu. Ngày xưa, dân tin rằng muốn tìm nguyên do của quốc nạn, cứ nhìn đạo đức của vua. Vua vô đạo thì nhà tan nước mất.

Bổn phận thứ ba, paricagga, có khi được dịch là rộng lượng, có khi được hiểu là hy sinh. Rộng lượng thì trùng nghĩa với bố thí, mà bố thí cho đến tận cùng, rốt ráo, thì có thể hy sinh cho đến tất cả của cải, tinh mạng, vì lợi ích của dân. Đây là bố thí của bồ tát mà dân tộc Miến Điện thấm nhuần qua những chuyện tiền thân của Phật. Áp dụng vào đời sống chính trị ngày nay, bổn phận này có nghĩa là người cầm quyền đem hết sức mình để phụng sự cho đất nước, đặt ích lợi chung trên ích lợi riêng, cho đến mức có thể hy sinh cả quyền lợi riêng.

Bổn phận thứ tư, liêm khiết (ajjava), ngày nay là vấn đề nhức nhối không riêng gì ở Miến Điện. Thiếu liêm khiết thì thối nát từ trên xuống dưới, khỏi cần nói thêm. Điều phải nói thêm là: liêm khiết ở đây còn có nghĩa là lương thiện, thành thật trong tương quan với người khác. Ngạn ngữ Miến Điện có câu: “Người cầm quyền thì nói thật; người thường thì thề thốt”. Phải thề thốt thì người thường mới giữ lời. Còn người cầm quyền thì có bổn phận phải nói thật với dân. Đừng tưởng chính trị là mảnh đất của dối trá. Dân chúng có ngu đến bao nhiêu cũng biết khinh những chính quyền nói láo, lấy nói láo làm hệ thống cai trị. Trong một nước Phật như Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi khuyên người làm chính trị nên nói thật như chính danh hiệu của Phật, Tathagata, “Bậc đã đến với Sự Thật”. Phật khuyên nhủ: “Hãy thẳng như mũi tên, một lời nói

thốt ra không lạc thành hai”. Bổn phận thứ năm, nhân từ (maddava), còn có nghĩa là biết xúc động

trước cảnh khổ của dân, biết lấy trách nhiệm, biết hành động theo phương châm “người cầm quyền là sức mạnh của kẻ yếu thế”. Đạo đức đó đã thấm nhuần tâm hồn người dân Miến Điện qua văn học, qua truyện cổ. Một ông vua có thể đày cả con mình lên mạn ngược vì đã gây khổ cho dân: “Trong vấn đề thương yêu, không phân biệt giữa dân và con, thương dân cũng như thương con, đó là đức hạnh của vua”.

Bổn phận thứ sáu, cần kiệm (tapa), buộc người cầm quyền phải sống đơn giản, biết kiềm chế mình, nghiêm khắc với mình, hướng thượng, vun trồng kỷ luật tâm linh. Ngày xưa đã vậy, ngày nay, khi hoang phí đã tran lan từ trên xuống dưới, cần kiệm lại càng là tiếng kêu thống thiết của

dân, của nước, của người đói thiếu cơm, người khát thiếu nước.

Bổn phận thứ bảy, thứ tám và thứ chín - không giận dữ (akkadha), không bạo động (ahimsa), nhẫn nại (khanti) - liên hệ với nhau. Người cầm quyền lực trong tay mà nổi thịnh nộ thì hậu quả khó lường. Hãy nhẫn nại và đối đãi rộng lượng, khôn ngoan, ngay cả đối với những thách đố, xúc phạm của những người mà mình có thể giết như giết muỗi. Bạo lực là trái với tinh thần Phật giáo, ngay cả đối với người cầm quyền. Hơn cả mọi người, người cầm quyền phải nhớ lời Phật dạy, thắng sân hận bằng từ bi, thắng điều ác bằng điều lành, thắng keo kiệt bằng bố thí, thắng dối trá bằng chân thật. Người cầm quyền nào cũng phải lấy hình ảnh của vua Ashoka (A Dục) để làm gương: một đại vương trong một đại quốc vẫn có thể cai trị bằng từ bi và bất bạo động.

Bổn phận thứ mười (aviradha) có thể tách riêng ra để minh chứng nòng cốt dân chủ trong Phật giáo. Không làm trái với ý muốn của dân. Trong nhiều chuyện tiền thân của Phật - mà dân Miến Điện nằm lòng - có chuyện thái tử Vessantara bị vua đày vì … bố thí nhiều quá, bố thí hết kho của nhà nước, bố thí luôn cả con bạch tượng mà nhà nước quý như quốc bảo. Bà Aung San Suu Kyi kết luận chuyện này: thái tử đã bố thí con voi mà dân không thỏa thuận nên bị vua đày. Thỏa thuận của dân là cơ sở chính đáng của quyền lực.

Rất thực tiễn, bà cũng biết có người sẽ bắt bẻ: đó chỉ là những bổn phận lý thuyết, người cầm quyền không thực hiện thì ai làm gì được họ? Thế nhưng, không ai không có chút lương tâm, nhất là trong một nước Phật giáo mà ai cũng tin có Phật tính trong lòng, không người cầm quyền nào ở Miến Điện, xưa cũng như nay, không nghĩ rằng những bổn phận đó đã nằm sâu trong văn hóa và niềm tin tôn giáo của dân tộc họ, của cha mẹ họ, của chính họ. Nhà nước Myanmar có suy đồi đến bao nhiêu đi nữa, xã hội của họ vẫn còn vững, còn sạch, còn đạo đức, còn mang hồn Phật, chuyện Phật, lời Phật trong lòng. Lấy những lời đó làm nền móng để cùng với những ý tưởng mới xây dựng dân chủ, còn gì hợp với lòng người hơn?

3. Ý tưởng mới và lời Phật dạy còn trùng hợp như thế trong vấn đề quyền của con người. Hỏi một người dân Miến Điện ít học nhất: dân chủ là gì, họ sẽ trả lời: “Tôi muốn được đi làm việc tự do, hòa bình, không làm hại ai, chỉ kiếm gạo nuôi con mà không bị lo lắng, sợ hãi gì cả”. Đâu cần lý thuyết gì cao xa! Mà có đủ cả: một đời sống thanh bình, trọng nhân phẩm, tự do không bị thiếu thốn, sợ hãi. Quyền của con người là triết lý ngoại lai? Vậy thì ai nói: “Ta là Phật đã thành, mỗi người là một vị Phật sẽ thành”? Có ai nói hơn như thế không về địa vị của con người? Ai nói: “Được sinh ra làm người là khó, khó như con rùa đui sống dưới đáy biển trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần mà lại chui đúng cái đầu vào lỗ hổng của một khúc gỗ bềnh bồng giữa đại dương”? Chẳng lẽ làm người quý như vậy mà bị khinh như cỏ rác, chẳng có chút quyền gì? Và ai thuyết giảng cho các người Kâlâma cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ: “Đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tiếng đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng… đừng tin vì công thức… đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn là thầy mình… ” Chẳng lẽ tự do tư tưởng cũng là ngoại lai?

Thật là nhục mạ dân tộc Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi nói như vậy, khi ai đó dám nói rằng người dân nước ấy chưa đủ trình độ để hiểu và để hưởng những quyền được ban bố trong bản Tuyên Ngôn 1948.

Nhưng có nên làm cách mạng để lật đổ những quyền lực coi con người như cỏ rác? Lật đổ các ông tướng ở Yangon? Từ trong gian khổ, đàn áp, đày đọa, bà vẫn một lòng, một lời, một đường lối duy nhất: bất bạo động. Dân chủ là mục đích mà phương tiện để thực hiện chỉ có thể là dân chủ. Vì sao? Vì cách mạng, dù thành công, cũng không bảo đảm được tương lai dân chủ. Bạo lực đẻ ra bạo lực, lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng minh. Cho nên:

4. Trật tự và luật pháp là phương tiện. Dân chủ là quyền được nói khác, nghĩ khác, và đồng thời là bổn phận phải giải quyết những khác biệt bằng phương tiện hòa bình. Dân chủ giúp mọi thay đổi chính trị được thực hiện mà không cần đến bạo lực. Những chế độ được dựng lên bằng cách mạng bạo lực có khuynh hướng dùng bạo lực để duy trì quyền lực “cướp”được. Luật trong các nước đó không phải là luật được hiểu trong các nước dân chủ. Dân chủ là tình trạng trong đó luật là tối thượng để bảo đảm an ninh và trật tự cho người dân. “Luật”ở đây phải được hiểu là công lý, và “trật tự”phải được hiểu là kỷ luật mà dân chúng chấp nhận vì nhu cầu công lý được thỏa mãn. Luật đó chỉ có thể được làm ra do một cơ quan lập pháp được dân bầu trung thực và chỉ có thể được áp dụng đúng đắn khi các tòa án được độc lập thực sự. Luật và trật tự như vậy mới hợp với tinh thần Phật giáo. Trong Phật giáo, khái niệm luật đặt căn bản trên từ dhamma mà ta dịch là “pháp”. Pháp đặt sức mạnh trên sự ngay thẳng, đức độ, không phải trên quyền lực để cưỡng chế bằng những nguyên tắc thất nhân tâm. Luật đó tương ứng với công lý được quan niệm để bảo vệ kẻ yếu, kẻ thất thế. Ở đâu mà công lý như vậy không có, ở đấy an ninh, hòa bình vắng bóng. Dân tộc Miến Điện từ xưa đã ví hòa bình và an ninh như bóng mát giữa trưa hè chói chang:

Bóng cây thật mát

Bóng cha mẹ còn mát hơn

Bóng thầy còn mát hơn nữa

Bóng của người cầm quyền lại càng mát hơn

Nhưng mát nhất là lời dạy của Phật.

Tại sao bóng đó mát nhất? Vì lời dạy của Phật là sự thật, ngay thẳng, đức độ, từ bi. Bà Aung San Suu Kyi nói: đó là những đức tính mà dân tộc của bà thấy trước mắt khi tranh đấu cho dân chủ. Chưa hết. Còn một điểm thứ năm này nữa, đặc biệt nơi con người phụ nữ lãnh đạo ấy, đặc

biệt nơi dân tộc Miến Điện của bà, mà nếu không có, chắc chắn bà đã không thể thành công: sức mạnh tâm linh.

5. Sức mạnh tâm linh. Bàng bạc trong khắp các bài viết và phỏng vấn của bà, ở đâu cũng toát ra sức mạnh tâm linh. Ở đây, trong quan niệm của bà về dân chủ, sức mạnh tâm linh đó được dồn vào một điểm, cũng rất đặc biệt: “Dân tộc Miến Điện, bà viết, không phải chỉ muốn một thay

đổi chính phủ, mà là một thay đổi về những giá trị chính trị”. Đây là một niềm tin thông suốt từ những năm bị cấm cố cho đến khi được trả tự do. Trong một phỏng vấn trên tờ New York Times khi được tự do, bà lặp lại y nguyên những gì bà viết trước đó: “Điều chúng tôi muốn là một sự

thay đổi về giá trị. Thay đổi chính thể có thể tạm thời, nhưng thay đổi giá trị là một công trình dài hạn. Chúng tôi muốn những giá trị trong nước tôi thay đổi. Chúng tôi muốn một nền tảng vững chắc cho sự đổi thay. Dù cho thay đổi chính thể có thể xảy ra, nếu những giá trị căn bản không

thay đổi, thì một thay đổi chính thể có thể đưa đến một thay đổi chính trị khác và cứ như thế, như thế mãi”.

Những giá trị gì bà muốn thay đổi? Một mạch văn từ đầu đến cuối, đây là những câu viết cách đây hơn hai mươi năm: “Gia tài bất hạnh của độc tài chỉ có thể dẹp bỏ nếu khái niệm quyền hành tuyệt đối như là nền tảng của cai trị được thay thế bằng khái niệm tin cậy như là nguồn gốc của quyền lực chính trị: tin cậy của dân vào quyền và khả năng quyết định về vận mạng của dân tộc, tin cậy lẫn nhau vào những nguyên tắc của công lý, tự do và quyền của con người”. Bà giải thích: “Trong Phật giáo, bốn đức hạnh đưa đến hạnh phúc, đứng đầu là saddha, tin cậy vào những giá trị đạo đức, tâm linh và trí tuệ”. Đâu có cần phải trích dẫn thuyết tin cậy của Locke? Truyền tin cậy đó vào một xã hội đã mất lòng tin, không phải bằng cách kêu gọi bạo lực mà thông qua niềm tin trí tuệ, là tinh tuý của cuộc tranh đấu vì dân chủ của bà. Đó là niềm tin căn cứ vào những giá trị tâm linh truyền thống của dân tộc bà, được củng cố bằng những tư tưởng tiến bộ mới trên thế giới.

***

Dân chủ không phải chỉ là những định chế chính trị. Dân chủ còn là những giá trị văn hóa và xã hội. Ở Myanmar, dù tướng tá có hư hỏng, văn hóa đó vẫn còn tốt, xã hội đó vẫn còn tốt, con người ở đó vẫn còn tốt, vẫn còn cùng nhau chia sẻ một đạo đức chung. Văn hóa đó, xã hội đó, con người đó đẻ ra được người phụ nữ đó. Văn hóa đó, xã hội đó, con người đó đang làm bà mụ thai nghén cho dân chủ. Và, tất nhiên, bảo vệ độc lập, chống ngoại xâm.

CHT

* Bài viết này tóm tắt bài khảo luận “In Quest of Democracy”trong: Aung San Suu Kyi, Freedom from Fear, Penguin Books, 1991.

© 2012 Thời Đại Mới

http://www.viet-studies.info/kinhte/201225_CaoHuyThuan.pdf

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2016(Xem: 5391)
Jürgen Habermas sinh năm 1929 là giáo sư Triết học tại Đại học Frankfurt (Đức) mà tên tuổi cuả ông gắn liền với Trường phái Triết học Frankfurt. Ông nổi danh với các luận thuyết về các Thay đổi Cấu trúc của Công luận (Strukturwandel der Öffentlichkeit, 1962) và Lý thuyết về Hành vi Thông đạt (Theorie des kommunikativen Handeln, 1981). Với nhiệt tình tham gia tranh luận trong các vấn đề chính trị sôi bỏng, ông được nể trọng là một trí thức can đảm dấn thân và nhận nhiều giải thưởng cao quý. Hiện nay, ông là một trong những triết gia hàng đầu tại châu Âu.
30 Tháng Tám 2015(Xem: 7704)
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, Phật giáo cũng không ngoại lệ. Mặc dù trải qua hơn 2500, sau khi đức Phật nhập niết-bàn, Phật giáo vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội nhân loại. Chúng ta có thể nói ngày nay và tương lai nhân loại ngày càng cần trí tuệ và phương pháp của Phật giáo để giải quyết những vấn đề xã hội.
29 Tháng Tám 2015(Xem: 9147)
Xin Sư cho con hỏi: người tu hành xuất gia có được tham dự chuyện thế sự và chính trị đời thường không? Con nghe nói người tu hành không được xen vào chuyện chính trị, chỉ lo thuyết pháp độ chúng, tu hành cho mình, nhưng con thấy rất nhiều các bài viết từ những người tu hành bàn luận chính trị, các chính sách của nhà nước, của nước ngoài, bàn chuyện đời nhiều hơn chuyện đạo như vậy là có đúng không?
29 Tháng Tám 2015(Xem: 9155)
Tăng đòan cần phải lên tiếng một cách độc lập, với óc phê phán và có đạo đức. Chúng ta nên ủng hộ chính phủ, khi họ làm những điều tốt, chẳng hạn như khuyến khích sự hòa đồng giữa các tôn giáo. Chúng ta nên phản đối, khi họ làm những điều sai, chẳng hạn như gây chiến tranh và phá hoại môi trường. Tăng đòan không nên tham gia quốc hội hay cấu kết với chính quyền nhưng cần phải thẳng thắn lên tiếng về những vấn đề đạo đức quan trọng.
19 Tháng Sáu 2015(Xem: 6130)
Nơi nào sự bất công áp bức, mầm bất thiện còn tồn tại thì sự bất ổn vẫn tiềm tàng như mạch nước ngầm đang tuôn chảy nhưng nếu không hòa nhập vào nhánh sông ra biển mà thành lũ dữ sóng thần đe dọa phá vỡ con đê quyền lực.
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 5583)
Tiểu luận này bắt đầu với sự định rõ điểm đặc thù của “chủ nghĩa tiêu thụ” và khái niệm “người tiêu dùng”. Kế đó khảo sát tỉ mỉ quan điểm của đạo Phật về của cải tài sản và “kinh tế Phật giáo” trước khi dựa trên những điều này để đi đến phác họa cho việc đánh giá định mức về chủ nghĩa tiêu thụ, đây được xem như cách không gây ảnh hưởng và hoang phí đối với hạnh phúc nhân loại.
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 11964)
Đây là bài Diễn văn của Giáo sư Tiến sĩ Damien Keown trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc – lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan từ ngày 28 – 30 tháng 5 năm 2015 với chủ đề hội thảo “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 7132)
Chúng ta biết rằng cõi này không phải lúc nào cũng thuận thảo với những ước muốn của chúng ta. Chúng ta bước ra phố vào một ngày nắng đẹp, và đột nhiên một trận mưa rào ào xuống, làm chúng ta ướt mem. Dĩ nhiên, cõi này là bất như ý, Đức Phật đã dạy như thế.
30 Tháng Ba 2015(Xem: 5391)
Có một tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận rằng sự sống của tất cả chúng sanh đều phụ thuộc vào ăn uống. Thực phẩm là yếu tố cần thiết nhất cho con người (chúng sanh), vì thế nó đã trở thành một yếu tố chủ yếu trong các nhu cầu của con người như là thức ăn, áo mặc, chỗ ở và thuốc trị bệnh.