Hình Ảnh Con Trâu Trong Nhà Thiền Trúc Lâm - Thích Phước Đạt

18 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 56956)


tuyentapmungxuan

 

HÌNH ẢNH CON TRÂU TRONG NHÀ THIỀN TRÚC LÂM
Thích Phước Đạt


blankTừ lâu, hình ảnh con trâu cứ thế mà đi vào tâm thức mọi người, không chỉ có giá trị trong đời sống lao động thực tiễn mà còn nghiễm nhiên đi vào văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Nhưng điều đáng nói là từ hình ảnh chú tiểu (mục đồng) chăn trâu, thổi sáo vi vu trên đồng xanh ruộng lúa, để rồi nó trở thành thi liệu, biểu tượng, thủ pháp nghệ thuật (thí dụ, ẩn dụ, điển cố) trong văn học Phật giáo nói chung, văn học thiền tông nói riêng.

Nhớ lại thuở còn thơ, ta thường nghe lời ru của mẹ“Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta”, rồi lớn lên, hình ảnh con trâu theo cuộc sống mà hiền hòa thể nhập vào lòng mọi người theo thời gian năm tháng. 

Thế rồi, hình tượng con trâu nghiễm nhiên trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo trong văn chương qua ca dao, thi ca nghệ thuật. Người đọc bắt gặp ở đó những triết lý, thông điệp sống hướng thiện được ẩn tàng qua lớp ngôn từ nghệ thuật.

Khi đạo Phật vào Việt Nam, hình ảnh con trâu lại được minh họa cho những triết lý uyên áo thâm nghĩa của kinh điển Đại thừa. Những bản kinh như Pháp Hoa, Duy Ma, Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, Tứ thập nhị chương, Di Giáo…, có rất nhiều phẩm, chương, đoạn được Đức Phật dùng hình ảnh con trâu như là thủ pháp nghệ thuật để diễn đạt các giá trị nội dung thông điệp văn bản và giá trị thông điệp giải thoát tâm linh đối với người học đạo. 

Ai từng đọc kinh Pháp Hoa, một bộ kinh ẩn tàng nhiều triết lý uyên áo của giáo nghĩa kinh văn Đại thừa, tức sẽ thấy kinh này có đến 9 dụ: dụ Nhà lửa (phẩm Thí dụ 3), dụ chàng Cùng tử (phẩm Tín giải thứ 4), dụ Cỏ thuốc (phẩm Dược thảo thứ 5), dụ Hóa thành (phẩm Hóa thành dụ thứ 7), dụ Cột châu chéo áo (phẩm Ngũ Bá đệ tử thọ ký thứ 8), dụ Cao Nguyên đào giếng (phẩm Pháp sư thứ 10), dụ Viên Minh Châu trong búi tóc (phẩm An lạc hạnh thứ 14), dụ Cha trẻ con gìa (phẩm Tùng Địa Dũng xuất thứ 15), dụ Vị lương y (phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16)(1). 

Trong đó, phẩm Thí dụ chứa nội dung tiêu biểu, có giá trị về thủ pháp nghệ thuật thí dụ. Phẩm kể về một trưởng giả giàu có, sở hữu một tòa nhà lớn nhưng chỉ có một lối ra. Con cái ông đang vui chơi trong đó, nhưng phút chốc ngôi nhà bốc cháy. Các con ông mãi vui chơi, không hề hay biết. Ông phải dùng các xe dê, xe hươu, xe trâu để dụ các con ông ra khỏi. Ngôi nhà lửa ở đây là ngôi nhà tâm thức chúng sinh trú ngụ, nó đang thiêu đốt bởi các ham muốn, nhu cầu của vọng tâm điên đảo. Các người con đang vui chơi nơi nhà lửa mà không hay biết nhà đang bốc cháy, dụ cho chúng sinh đang bị sinh, già, bệnh, chết đốt cháy. 

Trưởng giả dùng ba xe để dụ cho chúng sinh ra khỏi nhà lửa là Phật dùng ba thừa Thanh văn, Duyên giác, Phật thừa để dẫn dắt chúng sinh ra khỏi luân hồi. Điểm đặc trưng của thủ pháp thí dụ mà Phật diễn giải trong kinh điển mà ta khảo sát trên được Phật kết cấu theo mối quan hệ nhân quả khách quan trong triết lý nhân sinh cũng như trong đời sống thực. Việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật thí dụ để diễn đạt chân lý thì chân lý càng hiển lộ mà con người có thể thấu đạt. 

Bản kinh Tứ thập nhị chương, bài 41, Phật đã minh họa hình ảnh con trâu đi trong đám bùn sâu để chỉ cho hàng xuất gia cần phải nỗ lực tu hành mới ra khỏi cảnh luân hồi sinh tử, thoát khỏi hệ lụy phiền não: “Sa môn hành đạo như con trâu mang nặng đi trong bùn sâu, mệt nhọc đến mấy cũng không dám ngoái đầu nhìn hai bên, mà phải đi cho mau, rời khỏi bùn sâu mới được nghỉ ngơi. Sa môn coi ái dục còn hơn bùn sâu, nên thẳng tắp một mạch mà hành đạo, mới thoát khỏi sự khổ lụy”(2). 

Ngay những ngày Đức Phật sắp nhập Niết bàn, Đức Phật cũng giáo huấn hàng đệ tử của mình bằng hình ảnh chăn trâu để khuyến giáo họ về việc chánh niệm tỉnh giác, giữ gìn bản tâm thanh tịnh. Phật nói “Y như chăn trâu, cầm gậy canh chừng, không để nó buông lung phạm vào lúa mạ của người”(3). 

Rõ ràng, hình ảnh con trâu rất quen thuộc và gần gũi với chúng sinh, bản tính của trâu không hung hăng, thuần hậu, siêng năng, nhẫn nại, dễ điều phục, nhưng thỉnh thoảng vẫn làm bậy, ngu si. Kinh điển lấy hình ảnh trâu để nhấn mạnh đến sự vô trí có trong con người. Danh hiệu của Đức Phật là “Điều ngự sư” nên cũng có thể hiểu là Ngài là một người chăn, một người đánh xe kéo, đưa chúng sinh ra khỏi bể khổ, giải thoát an lạc.

Như vậy, hình ảnh con trâu đã được văn học Phật giáo diễn đạt rất bài bản, ẩn chứa những nội dung triết lý uyên áo, huyền diệu từ lâu, nhưng khi vào thế giới thi ca văn chương Thiền tông nói chung, văn chương Thiền phái Trúc Lâm đời Trần nói riêng, thì nó trở nên sinh động và hấp dẫn đến người học đạo trong tiến trình tu tập và thăng chứng của mỗi người. 

Không chỉ trong văn thơ, trong công án mà cả trong hội họa với bộ “Thập mục ngưu đồ" (Mười bức tranh chăn trâu). Tranh vẽ này thường được diễn đạt theo hai khuynh hướng: khuynh hướng Đại thừa vẽ lại quá trình tu chứng, từ việc tự thắng bản năng mình, đến tự tri và cuối cùng là đạt đến tự tại; còn khuynh hướng Thiền tông thì khắc họa tiến trình thực nghiệm tâm linh với ba giai đoạn: sai tâm bắt tâm, tâm vô tâm và tâm bình thường. Trong các công án của các thiền sư, được ghi trong các ngữ lục, hình ảnh con trâu hiện lên khá sinh động. 

Chẳng hạn, Thạch Củng một hôm đang làm việc trong nhà trù (nhà ăn), Mã Tổ hỏi: “Làm việc gì?. Sư thưa: “Chăn trâu”. - “Làm sao chăn thế?” - “ Một khi trâu vào cỏ bèn nắm mũi kéo lại”. - “Con thật là biết chăn trâu”. Hay trong một công án khác, ngài Phước Châu - Đại An hỏi ngài Bách Trượng: “Tôi khao khát muốn hiểu Phật pháp, việc đó như thế nào?”. Bách Trượng đáp: “Hệt như cưỡi trâu.” Hỏi: “Hiểu rồi như thế nào?” Đáp: “Như người cỡi trâu về nhà”. Hỏi: “Rồi làm sao giữ cho trước sau khế hợp?” Đáp: “Như người chăn trâu cầm roi giữ mình, đừng cho phạm vào lúa mạ của người”. 

Trong Vô môn quan, có ghi lại một công án rất hiểm hóc. Ngũ Tổ nói: “Ví như con trâu đi qua khung cửa, đầu sừng, bốn chân đã lọt, sao đuôi không lọt được”… Xem ra, từ hình ảnh con trâu trong kinh điển Đại thừa, rồi đến hình ảnh con trâu trong Thiền tông Trung Hoa, đều là biểu tượng của quá trình “hàng phục tâm”. 

Tuy nhiên, tùy theo đối tượng, tùy theo môi trường tu tập khác nhau mà về mặt hình thức, hình ảnh con trâu được xem là biểu tượng được thể hiện thành những cách biểu đạt khác nhau, với những tính chất độc đáo của nó. 

Trong thơ văn thiền phái Trúc Lâm đời Trần, biểu tượng con trâu được ngụ dưới hình thức là những con trâu bùn, trâu đất, hay trâu đá mang những phong thái đồng quê Việt Nam, con người Việt Nam. Đó là hình ảnh “Nhập hải nê ngưu thất cước trung” (Trâu bùn xuống biển mất hết tung tích”(4) trong thơ Trần Thái Tông, khi trả lời cho một hành giả học hỏi thế nào là vô vị chân nhân?. Trần Thái Tông trả lời: “Vô vị chân nhân càn thỉ quyết, Tòng giao Thích tử táng gia phong. Khan khan hướng hạ hoàn tri phủ, Nhập hải nê ngưu thất cước trung”(Người giác ngộ như cục phân khô, Người theo Phật thì mất hết gia phong. Không tin hãy nhìn xem rồi sẽ biết, Trâu bùn xuống biển mất hết tung tích). 

Trần Thái Tông phát biểu như thế, là tác giả ví người giác ngộ là người bước ra thế giới hữu ngã hư vọng muôn màu và huyễn ảo, bước vào thế giới vô phân biệt ngã và ngã sở, cũng như trâu bùn xuống bể chẳng thấy tung tích nào. 

Đúng như hình ảnh “trâu bùn” của thiền sư Long Sơn dùng để trả lời cho câu hỏi của Động Sơn trong Truyền Đăng ngữ lục: - “Thiền sư thấy đạo lý gì mà trụ trì núi này?” - Thiền sư Long Sơn đáp: - “Ta chỉ thấy hai con trâu bùn đánh nhau rồi chạy xuống bể. Từ bấy đến nay vẫn không tin tức gì”. 

Hay hình ảnh “Mục đồng địch lý quy ngưu tận” (Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết”)(5) trong bài thơ “Thiên trường vãn vọng” chữ Hán của Trần Nhân Tông rất thân thuộc với con người qua cảnh chân quê dân dã, mộc mạc nhưng rất trữ tình. Có gì đẹp hơn chú mục đồng, cưỡi trâu, thổi sáo vi vu, tâm trong sáng, không vướng bận điều gì. Còn trong “Cư trần lạc đạo phú” được viết bằng chữ Nôm, ở hội thứ 9, Sơ Tổ Trúc Lâm đã viết: “Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt, lượm xá nghênh ngang”(6).

Thơ văn Lý - Trần giải thích: “Trâu thầy Hựu” tức là thiền sư Linh Hựu, hiệu Quy Sơn, chăn một con trâu ba mươi năm, hễ lạc đường vào cỏ rậm thì nắm mũi dắt về, hễ ăn lúa má của người thì đánh roi; thuần hóa lâu ngày, biến thành một con trâu trắng, ở bên mình suốt ngày. Lại một hôm, sư lên tòa nói: “Lão tăng một trăm năm sau sẽ biến thành một con trâu ở dưới núi”(7). 

Rất sống động và rất hồn nhiên, tự tại, nhưng có dấu ấn hơn hết vẫn là hình ảnh con trâu trong thơ của Tuệ Trung. Tác giả đã thi hóa quá trình điều phục trâu bùn như là quá trình điều phục tâm của mỗi người, trong bài Phóng ngưu, ông viết: “Ngẫu hứng Quy Sơn đắc đệ lân, Hoang vu cam tác mục ngưu nhân. Quốc vương đức trạch khoan như hải, Tuy phận ta ta thủy thảo xuân” (Quy Sơn xóm nọ bỗng quay sang, Cam nhận chăn trâu chốn nội hoang. Ơn đức quốc vương như biển cả, Riêng vui cỏ suối với hoa ngàn”(8). 

Hơn ai hết, Tuệ Trung trong cuộc hành trình tìm về miền đất an lạc, từ việc tự nhận làm kẻ chăn trâu cho chính mình và cũng tự mình chuyển hóa hình tượng con trâu ban đầu thành hình tượng con trâu đất Việt Nam quen thuộc ngày nào. Nhưng việc chăn trâu đâu có dễ dàng gì, nó đòi hỏi công phu, kiên nhẫn để điều phục, thuần tịnh “Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu, Thiết sách khiên trừu thạch hổ ngồi” (Trâu bùn chạy tuốt, roi vàng đuổi, Cọp đá lôi về, gậy sắt giong)(Nhập Trần)(9). 

Chưa dừng tại đó, việc giữ trâu cần được thuần hóa bằng cách tiến thêm một bước nữa. Quá trình xỏ mũi trâu được người chăn trâu khéo léo điều ngự để “xỏ mũi dắt trâu về”. Ai từng chăn trâu trên đồng xanh cỏ nội, ắt hẳn sẽ hiểu quá trình này như thế nào. Nó thật tế nhị và thiện xảo biết chừng nào “Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu, Đằng tỵ khiên lai vị khẳng hưu. Tương đáo Tào Khê đô phóng hạ, Mang mang thủy cấp đả viên cầu” (Một mình riêng giữ con trâu đất, Xỏ mũi dắt về chưa từng chịu nghỉ. Đem đến Tào Khê thì thả ra, Mênh mông nước chảy cuốn quả cầu tròn) (Thủ Nê ngưu)(10). 

Cuối cùng là hình con trâu đã hoàn toàn được thuần phục dưới sự điều phục của người chăn trâu cần mẫn sau một thời gian tương thân, tương thích. Cả người chăn trâu và trâu không còn phân biệt người chăn và được chăn, ở đây có hòa điệu, trong cái thế ung dung tự tại: “Nhất khúc vô sinh xướng liễu thì, Đảm hoành tất lật cố hương quy. Thượng đầu đả quá hồ hà hữu, Nhất cá nê ngưu nhậm đảo ky” (Khi hát xong khúc hát vô sinh, Thì cầm ngang ống sáo trở về làng cũ. Bỏ qua cái trước đây không gì cả, Mặc sức cưỡi ngược con trâu đất) (Điệu tiên sư)(11). 

Và như thế, quá trình hàng phục trâu là quá trình hàng phục tìm lại chân tâm thường tịnh trong mỗi con người thường xuyên giáp mặt những ham muốn của cuộc sống quá nhiều bụi trần đeo bám. Hình tượng con trâu được Tuệ Trung cho người đọc thấy được tiến trình chuyển hóa tâm linh của ông rất thực và rất sống động mà bất cứ ai cũng cảm nhận được. Từ khi phát hiện, gặp gỡ trâu cho đến việc chăn dắt, rồi điều phục, thuần hóa, tương thích, tương thân giữa người chăn và trâu trong tinh thần vô phân biệt, an nhiên tự tại, thong dong… 

Cuối cùng là hình ảnh của một thiền sư thỏng tay vào chợ, sống an nhiên giữa trần thế. Có gì diệu kỳ hơn nữa, chẳng khác gì hình ảnh “Thạch ngưu - nhập Hải đông” mà Tuệ Trung hát ca trong Trừu trần ngâm: “Tâm vương vô tướng diệc vô hình, Nhãn tự ly châu dã bất minh. Dục thức giá ban chân diện mục, Ha ha nhật ngọ dã tam canh” (Đến khi nào thì “lý” và “sự” mới hoàn toàn rõ rệt, Sao còn đắn đo gì nắm cầm và buông bỏ. Trâu đá nửa đêm chạy xuống Hải đông, Xông vào giữa đám san hô ánh trăng như nước)(12). 

Tóm lại, từ hình ảnh con trâu hiện hữu gắn liền với cuộc sống người nông dân hiền hòa trên đồng ruộng, khi đi vào thế giới thi ca thì không chỉ có giá trị biểu trưng cho hình ảnh sự thực tâm linh, tu hành chứng ngộ, trở về bản tính chân như giác ngộ, giải thoát mà còn mang cả tính nghệ thuật cao. Trên hết là sự hấp dẫn của thi ca qua những cảm hứng từ sự trực cảm tâm linh của các thiền sư chứng đạo, những hình ảnh con trâu đời thường trở thành phương tiện diễn đạt các giáo nghĩa uyên áo để đánh thức tâm trí con người bước vào cửa đạo khi Xuân về Tết đến. 

(1) Xem Diệu pháp Liên Hoa kinh, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb TP. HCM 
(2) Tứ thập nhị chương HT Thích Trí Quang dịch, Nxb TP. HCM, 1994, tr. 57. 
(3) Xem Di giáo kinh, Thích Hoàn Quan dịch, THPGTP. HCM, 1992 
(4) Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, 1989, tr. 122. 
(5) Viện Văn học, Sđd, tr. 464. 
(6) Viện Văn học, Sđd, tr. 509. 
(7) Viện Văn học, Sđd, tr. 530. 
(8) Viện Văn học, Sđd, tr. 238. 
(9) Viện Văn học, Sđd, tr. 247. 
(10) Viện Văn học, Sđd, tr. 227 
(11) Viện Văn học, Sđd, tr. 230 - 231. 
(12) Viện Văn học, Sđd, tr. 294.
 
Thích Phước Đạt 
(Giác Ngộ Online)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn