Có mẹ trong đời

07 Tháng Tám 201710:31(Xem: 4520)

blankCÓ MẸ TRONG ĐỜI
Thanh Thị   

(Tặng mẹ bé ‘dậm tiêu’,
và tặng những người đã-đang–sẽ làm mẹ trên đời)

  

blank“Lớn lên bé thích làm chi?”
“Ưmmm… bé thích làm bác sĩ.”
“Reng lại thích làm bác sĩ?”
“Vì bé sẽ mổ chân cho mẹ, cho chân mẹ thẳng ra như bé ri nè!”

Đoạn đối thoại đó giữa mẹ và con đã diễn ra không biết bao nhiêu lần, và cho đến bây giờ, thỉnh thoảng trong những giấc mơ, con thấy mình được khoác chiếc áo blouse trắng, được tận tay giúp mẹ có đôi chân hoàn hảo như bao người. (Sinh ra cũng lành lặn, vẹn toàn như bao đứa trẻ khác, nhưng trong một lần tập đi, mẹ đã bị vấp ngã, bàn chân phải của mẹ bị trật mắt cá chân, không được chữa trị, mẹ đã phải mang theo dị tật ấy suốt đời.)

Mẹ về làm dâu nội ở tuổi gái lỡ thì, ba cưới mẹ “già” nửa năm thì sinh ra con. Ngót 20 năm, con là cháu gái duy nhất của nội, nhưng cũng là chừng đó thời gian, mẹ phải sống trong bao điều dị nghị của làng xóm,…

Từ khi còn bé, con đã ý thức được bao nỗi nhọc nhằn luôn oằn lên đôi vai của mẹ, mẹ tất bật với việc buôn bán, với đồng ruộng, việc nhà, rồi với cả chị em con cũng làm mẹ “đứng tim” không ít lần. Vụng dại con tập làm người lớn khi mới ở tuổi lên năm, nhà tranh vách nứa suýt nữa chỉ còn là đống tro tàn. Mẹ cho con học chữ từ rất sớm, ê a chữ to chữ nhỏ, mồ hôi nhễ nhại, mẹ lau cho con khỏi ướt sách, ướt tập; con đâu biết lúc đó mớ tóc màu mun của mẹ đã quyện chặt mồ hôi cùng nỗi lo con gái mẹ không bằng người.

Thuở ấy, con đen nhẻm mà thân hình cứ ục ịch, chơi với chúng bạn thì hay bị thua thiệt, mẹ bảo con: “Đừng thèm chơi với tụi nó, chơi với em V… thôi!”, nhưng con vẫn cứ chơi. Bạn bè có thể ăn hiếp, bắt chẹt con sao cũng được, nhưng đừng bao giờ đụng tới “tự ái thương yêu” của con, mỗi lần nghe chúng nó: “lêu lêu, con H… ‘dẹo’”, là ngọn lửa giận được thổi bùng lên trong con, con có thể đánh nhau chỉ vì câu nói đó. Đừng bao giờ đụng đến niềm yêu thươngtôn kính của con.  

Chỉ vì con thích đi học quá, mẹ đành “khai gian” lên một tuổi, cho thỏa niềm vui thích của con, vào lớp một khi chưa đầy sáu tuổi, vì vậy giấy khai sinh cũng phải sửa đến bốn lần. Được đi học chính thứchạnh phúc tột cùng của con khi ấy. Đi học chính thức nghĩa là mỗi ba tháng hè không còn phải tới lớp cô Hoa - thầy Chính, không phải học chung với mấy anh chị lớn hơn chuyên gia bắt nạt con nít (mà con là đứa bị liệt kê đầu tiên vào danh sách), được đi học chính thức vui hơn lúc mẹ cho đi chợ huyện cùng, hơn cả được ăn ly chè đậu xanh mẹ nấu mỗi tối rằm, hơn luôn được bà nội dẫn đi chơi xa, đó là những suy nghĩ của con khi ấy. Đi học có lúc thua sút bạn bè, nhưng mẹ dạy: “Học là tranh đua chứ đừng ganh đua!”, chỉ một câu nói ấy thôi, mẹ đã giúp con có một tinh thần học đúng đắn ngay từ những ngày đầu tiên, và câu nói ấy vẫn theo con tới tận bây giờ.

Khi con đủ lớn, mẹ thường nói với con: “Ở đời có nhiều cái khổ, mà khổ nhất là cái vòng luẩn quẩn của thế gian, chồng – con - nhà cửa, mệt lắm, khổ lắm!” Một câu nói thôi, nhưng đủ đánh thức tâm trí con, bằng thực nghiệm trong cuộc sống, con thấy ở đời quả thật vui ít khổ nhiều…    

Con nhớ mùi hương trên tóc mẹ, ấy là mùi của bồ kết khô được nướng cho thơm rồi nấu với nước để gội. Những tối sóc - vọng, mẹ vội vã gội đầu để kịp giờ sinh hoạt với Đoàn sinh của Gia đình Phật tử - nơi nuôi dưỡng tinh thần cho mẹ, là nơi mẹ sống trọn vẹn với con đường tâm linh. Con biết mẹ đã từng ước ao giũ bỏ chiếc áo thế tục, để bước vào nhà Như Lai, nhưng dường như nợ trần chưa thể dứt, mẹ đành đem niềm hy vọng ấy gửi gắm vào con gái mẹ.

Con rời vòng tay của mẹ, để nhận Người làm Cha – Mẹ - Thầy, con gọi Người bằng hai tiếng Sư phụ; xa gia đình bé nhỏ để đến với gia đình lớn, nơi mà ở đó có những con người đang tập sửa mình khi vừa tròn mười tám. Những đêm đầu tiên, con đã khóc vì lẽ gì không rõ, nhưng tuyệt nhiên vẫn không có ý nghĩ gọi điện thoại hỏi thăm mẹ lấy một lần, vì không nhớ hay vì con sợ rằng mẹ sẽ khóc, và ba sẽ lại níu kéo con trở về với gia đình huyết thống. Mẹ gọi cho con vào một buổi tối sau một tháng con ở chùa, không cầm được nỗi thương nhớ con, mẹ nấc nghẹn, con bỗng thấy mình có lỗi với mẹ vô cùng,… vì con đã làm mẹ khóc.

Con đã trở thành một xuất sĩ, trở thành con của Phật, là người của chốn không môn, nhưng không ít lần, mẹ là người vực con đứng lên sau vấp ngã; mẹ dạy: “Hạ mình xuống mà sống, đừng có tự cao, tự mãn, phải biết khiêm cung, kính trên nhường dưới, lời Sư phụ dạy phải nhất nhất nghe lời làm theo.” Mẹ dặn: “Coi bộ đi tu ngó rứa chớ mà khó lắm, sống với huynh đệ đừng tranh hơn thua làm chi, hơn nhau một chút lại khó sống, thua một chút đường tu dễ đi, đừng có so bì tỵ nạnh việc chùa, phước đức hết, nhân quả không sai chạy đi mô hết.” Mẹ lo: “Thiếu chi thì cứ nói mẹ, mẹ sẽ làm ‘hộ pháp’ cho cô, làm ông bà thí chủ cho cô, cô chỉ việc yên tâm tu, học tới nơi tới chốn, được rứa là mẹ mừng.” Mẹ tha thiết: “Đi tu mà không học đâu có được, nhưng mà học để tu, chứ đừng học để làm ông này bà nọ, cố gắng, tinh tấn, nỗ lực hết mình, đường tu gian nan lắm, trụ được hay không là ở ý chí. Giữ vững tâm bồ đề, đừng để bị lung lay vì bất cứ lý do gì.”

Còn nhớ như in mùa Vu lan cuối bên mẹ trước khi con vào cửa Thiền, khi con đọc bài cảm niệm về cha mẹ cho các anh chị huynh trưởng và đoàn sinh cài hoa hồng lên áo các bác trong đạo tràng chùa T.T, mẹ đã khóc, cậu khóc, nội khóc, và dường như ai ai cũng khóc; người khóc thành tiếng, nước mắt tràn bờ mi, có những giọt nước mắt chảy ngược vào trong, và con cũng đã khóc khi mẹ cài lên áo con hoa hồng tự tay mẹ làm.

Những năm sau, Vu lan ở chùa, người ta cài cho con hoa hồng vàng, biểu trưng cho sự cao quý của bậc xuất  trần thượng sĩ; nhưng mỗi mùa Vu lan ấy, con đều xin một đóa hồng tươi đủ cả sắc xanh – hồng, vì con cảm giác đóa hồng vàng như xa cách quá; con nhận đóa hồng đủ lá xanh, cánh hoa hồng phấn, như để tự thưởng cho riêng mình, để cảm nhận  rằng, con hạnh phúc lắm khi còn có ba và mẹ trên đời.

Khi xưa, mẹ thường ôm con hát ru với câu hát: “con hỏi mẹ sao cài hoa màu trắng, vào những ngày báo hiếu lễ vu lan, sao không cài hoa hồng màu tươi thắm, mẹ khẽ nói mẹ không còn có mẹ…” (1) Con biết rằng, rồi một ngày nào đó con sẽ mất mẹ, sẽ không còn mẹ hiện hữu trên cõi đời cho chị em con. Có thể, giọt nước mắt con vẫn sẽ rơi khi nghe ai đó hát: “tôi không khóc đâu em, khi áo tôi em cài hoa trắng, vì trong hoa em ơi, tôi thấy mẹ tôi cười,…” (2). Nhưng con biết, mẹ sẽ mãi luôn có mặt cho con trong từng hơi thở.

Ước mơ trở thành một bác sĩ để chữa trị đôi chân cho mẹ của con đã không thành, dị tật ấy chắc sẽ theo mẹ đến hết đời này. Nhưng những khiếm khuyết trên cơ thể, sẽ không bao giờ có thể làm lu mờ nhân cách sống của mẹ. Với ai đó, mẹ là vầng trăng mát, là bể cả mênh mông…, riêng đối với con, MẸ là vị PHẬT chân thật nhất trong đời con. Bởi, có mẹ là con có cả đường đi – lối về…

 

Thanh Thị  

_____________________

 

(1) Màu Hoa Cài Áo, sáng tác Võ Tá Hân.

(2) Tình Hoa Trắng, lời thơ Thích Thái Hòa, phổ nhạc Nguyễn Hiệp.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5836)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6852)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6508)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5506)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4549)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10106)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.
04 Tháng Mười 2015(Xem: 10117)
kinh Tăng Chi dạy “Nơi nào có chư Tăng tu tập thanh tịnh thì trú xứ đó được thanh tịnh, hội chúng Phật tử nương theo đó mà tu tập, nhất định được an lạc, thanh tịnh”.