Sanh tử sự đại

05 Tháng Tám 201418:15(Xem: 5622)
blank

SANH TỬ SỰ ĐẠI
HT. Thích Thanh Từ

blank
Thiền sư Động Sơn Lương Giới

Thiền sư Lương Giới, Tổ của tông Tào Động ở Trung Hoa. Khi đi tu Ngài có viết mấy lá thư cho cha mẹ. Đọc thư Ngài ta mới thấy ý chí người xưa.


Lá thư thứ nhất:

“Được nghe, chư Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân, muôn loài sanh trưởng thảy nhờ trời đất che chở. Cho nên, không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che.

Song, tất cả hàm thức, vạn tượng hình nghi đều thuộc vô thường chưa lìa sanh diệt. Ân bú sú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm, dù đem của cải thế gian phụng dưỡng trọn khó đáp đền, dùng máu thịt dâng hiến cũng không được bền lâu. Trong Hiếu kinh nói: “Dù một ngày giết đôi ba con vật để cung hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu, vì sẽ lôi nhau vào vòng trầm luân chịu muôn kiếp luân hồi”. Muốn đền ân sâu dày của cha mẹ đâu bằng công đức xuất gia, cắt đứt dòng sông ái sanh tử, vượt qua khỏi biển khổ phiền não, đáp ân cha mẹ ngàn đời, đền công từ thân muôn kiếp, bốn ân ba cõi thảy đều đền đáp. Kinh nói: “Một đứa con xuất gia, chín họ đều sanh lên cõi trời”. Con thệ bỏ thân mạng đời này, chẳng trở về nhà, đem căn trần muôn kiếp chóng tỏ sáng Bát-nhã. Xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong”.

Tụng rằng:

Vị liễu tâm nguyên độ sổ xuân

Phiên ta tịnh thế mạn thuân tuần

Kỷ nhân đắc đạo không môn lý

Độc ngã yêm lưu tại thế trần

Cẩn cụ xích thư từ quyến ái

Nguyện minh đại pháp báo từ thân

Bất tu sái lệ tần tương ức

Thí tợ đương sơ vô ngã thân.

Dịch:

Chưa rõ nguồn tâm quá mấy năm

Thương thay mê mải luống trì trầm

Cửa Không đã lắm người đắc đạo

Riêng ta trì trệ ở trong trần

Xin viết lá thư từ quyến thuộc

Nguyện thông đại pháp đáp từ thân

Không nên rơi lệ thường thương nhớ

Xem tợ buổi đầu con không thân.

Qua lá thư này chúng ta thấy Ngài cố tình nhắc cha mẹ đừng buồn, đừng khóc, coi như buổi đầu không có thân Ngài.

Sau đây là trích đoạn lá thư của bà mẹ gởi cho Ngài:

“Mẹ không dám mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, chỉ mong con như Tôn giả Mục Liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Nếu mẹ không như vậy e phải có tội. Con cần phải giải quyết cho xong”.

Trọng trách người tu là làm sao đạt đạo để giải quyết vấn đề sanh tử cho mình, cho cha mẹ và cho tất cả chúng sanh, chớ không phải muốn bỏ cha mẹ để tìm chỗ an ổn vui chơi qua ngày hết tháng. Chí cương quyết của người tu không phải là ý bất hiếu, bỏ cha mẹ phiêu bạt để tìm chỗ an ổn cho chính mình. Vì vậy, khi thực hiện bản hoài cao cả đó chúng ta phải gan dạ ngay từ buổi đầu, không thể chần chờ nửa tiến nửa lùi, nay thì quả quyết mai thì do dự, như vậy không thể nào tiến xa được. Dù biết rằng việc làm đó là bất hiếu trong hiện tại nhưng có thể cứu cha mẹ và mọi người ở ngày mai. Ngài Động Sơn nhờ lòng cương quyết mà được thành đạo.

Nếu người xưa chần chờ hay yếu đuối thì không bao giờ có đạo hạnh để chúng ta bắt chước theo. Vì vậy tôi mong rằng người xuất gia hay tại gia, đã quyết chí tu thì phải có lập trường vững chắc. Việc làm này không phải là việc tầm thường đơn giản, mà là việc làm cả một đời người. Nếu không bền vững, chúng ta đang tu tiến, gặp chuyện gì bận bịu của gia đình thì chúng ta bị lùi, đã không cứu được mình, huống nữa là cứu được ai. Sự tu hành chánh yếu là để thoát ly sanh tử. Muốn thoát ly sanh tử phải bền chí mới được.

Người mẹ như bà thân của ngài Động Sơn rất hiếm. Dù thương con tràn trề nhưng không nỡ ngăn ý chí xuất gia của con nên bà tùy thuận và hy vọng con mình thành tựu đạo quả. Lời nói đó chính là một sức mạnh giúp người con nỗ lực sao cho đạt đạo mới thôi. Nhờ vậy ngài Động Sơn đã làm tròn bổn phận của mình, tức quyết tâm đạt đạo để đền ơn cha mẹ. Do đó chúng ta khi đã phát tâm học đạo đều phải cố gắng nỗ lực và quyết chí tiến lên, chứ không tu với tánh cách lưng chừng được.

Gần đây tôi thấy người phát tâm xuất gia thì đông, mà người giữ được ý chí xuất gia thì ít. Nghĩa là tuy thân ở chùa, nhưng tâm cứ nghĩ việc nhà, không buông được. Như vậy tuy có tinh thần phát tâm xuất gia, nhưng chí người xuất gia đạt đạo thì quá ít. Vì vậy tôi mong những vị đã được có phúc duyên sâu dày, xuất gia học đạo nên nhớ ý chí của người xuất gia, phải làm được việc mình đã nguyện làm.

Không nên rơi lệ thường thương nhớ

Xem tợ buổi đầu con không thân.

Chúng ta khi đã xuất gia, đối với gia đình phải xem như mình đã chết. Có như thế mình mới thật sống. Đó là điều hết sức quan trọng đối với người tu.

Phiền não tận thời sầu hỏa diệt

Ân tình đoạn xứ ái hà khô.

Phiền não hết rồi lửa sầu tắt, ân tình dứt bặt sông ái khô. Khi chúng ta hết phiền não thì lửa sầu mới tắt. Khi ân tình bặt thì sông ái mới khô. Người tu nếu để tình cảm gia đình ràng buộc mãi, thì sông ái không biết chừng nào mới khô. Trái lại, sông ái tràn đầy thì chúng ta sẽ bị cuốn trôi, không thể dừng nổi.

Thế nên người tu có hai điều kiện hệ trọng, thứ nhất là tinh thần dứt khoát của mình, thứ hai là sự giúp đỡ của cha mẹ bằng cách hiểu đạo khuyên con. Có nhiều người thương con mà không hiểu đạo, cho xuất gia nhưng không dạy ý chí xuất gia. Cần phải tập cho con ý chí xuất gia nữa, đó là điều cao cả của bậc làm cha mẹ. Cho nên bà mẹ chỉ nói rằng mẹ không mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây mà chỉ mong con như Tôn giả Mục Liên độ mẹ thoát khỏi trầm luân tiến lên Phật quả. Đó là điều mẹ Ngài mong mỏi và cũng là điều rất quan trọng cho tinh thần tu tiến của hàng xuất gia.

Quý Phật tử học Phật pháp kỹ, lại cần có thêm ý chí thực hành nữa mới đưa chúng ta đến giải thoát sanh tử. Vì vậy tôi mong muốn tất cả đều lập chí vững chắc trên đường đạo. Nếu là người tại gia khi biết đạo rồi chúng ta phải nỗ lực dùng mọi phương tiện để sống hợp với đạo. Còn người xuất gia thì phải ứng dụng sự hiểu biết của mình cho đúng và tự tháo gỡ hết những ràng buộc do bản ngã, do tình lưu luyến gia đình để mạnh dạn tiến tu. Làm sao cho đời tu chúng ta xứng đáng, không hổ thẹn khi nhắm mắt, tiếc một đời không đi tới đâu. Ngày nào còn sống thì xứng đáng là người xuất gia, đến khi nhắm mắt chỉ nở một nụ cười, thanh thản ra đi. Có như thế sự tu hành mới có ý nghĩa. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất.

HT.Thích Thanh Từ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 2015(Xem: 5423)
Tháng bảy. Gió hiu hắt. Trời âm u. Nghe mùa Thu lại gần. Chiều nhạt nắng, từng sợi nước lướt thướt nối nhau – mưa ngâu. Mưa làm dịu tiết trời ngày hè oi bức. Những hạt nước trong veo cho mầm xanh dậy sống, cỏ cây tự tình theo mưa. Và, không biết do mưa tưới tẩm những cảm xúc bâng quơ trong lòng người thế tục, hay cảm xúc dâng trào vọng hướng Vu lan.
14 Tháng Tám 2015(Xem: 6688)
Vào ngày kết hôn, mẹ hỏi tôi: “Hai người trông giống ăn mày ngồi ở nơi vắng vẻ kia là ai vậy?
08 Tháng Tám 2015(Xem: 7808)
Nhắc đến Nguyễn Du (1765-1820) chúng ta thường liên tưởng đến áng văn bất hủ của Đại Thi hào là “Đoạn Trường Tân Thanh” hay “Truyện Kiều”. Hồi năm 1947, Giáo sư Trần Cửu Chấn (1906-1980)*1 đang lúc làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục trong Nội Các của Thủ Tướng Chánh Phủ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân, đã trình Luận án Tiến Sĩ Văn Chương tại Đại Học La Sorbonne ở Paris, Pháp quốc với đề tài: “Étude critique de Poème Kim Văn Kiều”.
01 Tháng Tám 2015(Xem: 5835)
Tới giờ con phải đi rồi / Mẹ ơi con phải đi thôi mẹ à. / Khi trong bóng tối nhạt nhòa / Bình minh cô tịch hiện ra dịu hiền / Mẹ vươn tay xuống giường bên / Tìm con bé bỏng. Con bèn thưa mau: / “Bé nào còn ở đó đâu!” / Mẹ ơi Con phải đi nào còn đây.
24 Tháng Năm 2015(Xem: 5222)
Như vì sao sáng xuất hiện trên vòm trời văn học Việt Nam và Âu Mỹ từ cuối thập niên 1940, Nhất Hạnh – một thiền sư, một nhà văn, nhà thơ – đã đi vào lòng người đọc bằng những tác phẩm: Bông Hồng Cài Áo, Nói Với Tuổi Hai Mươi,, Tình Người, Nẻo Về Của Ý, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức (có nhiều bản dịch ra nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Thái Lan…Đặc biệt bản tiếng Anh “The Miracle of Mindfulness” được phổ biến nhiều hơn cả).
27 Tháng Giêng 2015(Xem: 10074)
Hiếu là tất cả .
22 Tháng Tám 2014(Xem: 6858)
Điều tôi cảm nhận đầu tiên về người là đôi bàn tay. Tôi không nhớ lúc đó mình bao nhiêu tuổi, nhưng hình như sự hiện hữu, cuộc sống của tôi gắn liền với đôi bàn tay đó. Đôi bàn tay của mẹ, một người mẹ mù. Tôi còn nhớ những lần ngồi tô vẽ màu ở bàn ăn, trong nhà bếp. Tôi nói, “Mẹ! Xong rồi. Hãy nhìn tranh của con nầy”. “Ồ, đẹp quá”, mẹ trả lời, và tiếp tục với công việc đang làm.
20 Tháng Tám 2014(Xem: 7666)
Từ nhỏ đến lớn… Là đến khi cha mẹ mất, chẳng bao giờ nghe ông bà nhắc đến hai chữ hiếu hạnh. Chưa hề nghe ông nói: “Con phải hiếu hạnh với mẹ cha”. Chỉ nghe ông bảo: “Mẹ ngủ, con đóng cửa nhẹ thôi”. “Con đi khẻ thôi, không thì mẹ thức giấc”. “Con lớn hơn em thì phải nhường em một chút”.