Mẹ Có Nghĩa Là Duy Nhất! - Lưu Đình Long

10 Tháng Tám 201100:00(Xem: 71548)
tuyentapvulan-03

MẸ CÓ NGHĨA LÀ DUY NHẤT!
Lưu Đình Long


Tình cờ tôi lại đọc được những vần thơ cũ, tưởng đã thấm, đã quen nhưng khi ôn lại thì thấy mới tinh nguyên, xúc động rơi nước mắt. Chắc tại đó là vần thơ về mẹ, một định nghĩa giản dị nhưng gần gũi xiết bao. Những vần thơ tôi vừa nhắc là của Thanh Nguyên: “Mẹ! Có nghĩa là duy nhất/ Một bầu trời/ Một mặt đất/ Một vầng trăng/ Mẹ không sống đủ trăm năm/ Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát...”.

Mẹ có nghĩa là duy nhất

Vâng, chúng ta ai sinh ra cũng có mẹ, và phải có mẹ thì ta mới được “giới thiệu” trên cuộc đời này. Cái ơn ấy được gọi là ơn sinh thành, người đã cho ta có hình, có vóc với chín tháng mang nặng và một lần đẻ đau. Trải qua “dặm trường” như thế, cùng với biết bao lo toan, mong ước, đợi chờ thì ta mới có mặt trên đời, hiện hữu để mẹ yêu thương. Trong cơn đau sản, mẹ chỉ cần nghe tiếng ta khóc là biết con mình bình an, hạnh phúc khi đó lớn lắm, nhiều bà mẹ đã tâm sự như thế.

Có lẽ chỉ có mẹ mới có thể chịu đựng được những điều như thế vì con! Chính vì lẽ đó nên “mẹ có nghĩa là duy nhất”. Duy nhất ở chỗ chỉ có mẹ mới sinh ra mình, và chỉ có mẹ mới có thể chịu đớn đau vì con như thế mà thôi.

Mẹ là duy nhất còn bởi sự tảo tần, tận tụy hy sinh cho con. Tôi cảm nhận rất rõ điều đó từ chính mẹ của mình. Câu chuyện đời tôi là một chương ngắn trong cuốn tiểu thuyết mang tên Tình Thương Của Mẹ. Là mẹ thì ai cũng thương con, và mẹ của tôi đã viết một chương trong tình thương vô bờ ấy. Đó là khoảng thời gian mang thai, ba tôi bỏ đi, phụ rẫy mẹ, bà con bảo mẹ phá cái thai đi nhưng mẹ quyết không. Bởi con là con của mẹ. Bởi ai sai thì có nhân có quả của họ, mình không nên nông nổi mà giết con mình. Lý lẽ đó, tình thương đó đã cho mẹ quyết định gian khó trong thời điểm đó: giữ tôi lại, một mình nuôi con.

Nói là gian khó bởi thời đó, ở làng quê nghèo của tôi người ta vẫn chưa chấp nhận chuyện người phụ nữ chưa chồng mà có con. Mà mẹ tôi “táo bạo” chọn cái cách mà nhiều người dị nghị. Chừng ấy thôi cũng đủ thấy tình thương của mẹ lớn đến mức nào. Nếu sinh con trong hoàn cảnh bình thường, có chồng, có điều kiện thì dễ hơn, đằng này mẹ tôi phải “đi biển một mình” trước bao dị nghị của bà con, láng giềng. Đó là điều duy nhất nữa mà tôi cảm nhận được từ thực tế mẹ của mình. Cho đến bây giờ, sau hàng chục năm sống, lớn lên trong niềm vui, nỗi buồn của mẹ thì điều mà tôi nhận được từ mẹ quả đúng như Thanh Nguyên viết: “Mẹ không sống đủ trăm năm/ Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát...”.

Thương mẹ có nghĩa là…

“Nếu có đi vòng quả đất tròn

Người mong con mỏi mòn

chắc không ai ngoài mẹ

Cái vòng tay mở ra từ tấm bé

Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên...”(Thanh Nguyên)

Cũng là những vần thơ của Thanh Nguyên. Mẹ mong con những gì? Tôi tự hỏi khi đọc bốn câu này để rồi nhận ra niềm mong lớn nhất của mẹ không ngoài việc con lớn lên, sống tử tế với đời, với người.

Học Phật, tôi hiểu thêm rằng khi mình tử tế với đời, với người cũng chính là tử tế với mình. Luật nhân quả gọi đó là gieo nhân lành thì sẽ được quả lành. Tất nhiên, học Phật tôi không mong cầu theo kiểu của người thế gian là làm lành để mong nhận được quả lành nhưng tôi hiểu điều đó để thấy niềm mong của mẹ tôi và tất cả những người mẹ trên đời này mãi mãi là cho con. Khi con được điều đó thì mẹ cũng hạnh phúc vì mẹ đã có trong con, sống trong con, và con cũng có trong mẹ, sống trong mẹ.

Sự có mặt trong nhau của hai mẹ con là một cách thực tập quán niệm sâu sắc mà nếu mình nghiêm túc làm thì sẽ cảm nhận được. Mẹ mong điều đó, càng ngày càng lớn nên khi mẹ đi chùa thì mẹ dắt con theo để con nghe giáo lý sống đẹp, sống phải biết yêu thương và thương yêu đúng cách. Thương mẹ cũng cần phải học hỏi, thương như thế nào để tình thương mang lại giá trị hạnh phúc. Đầu tiên là phải làm những điều tốt mà mẹ mong. Sau đó là cùng mẹ nguyện sống theo những hạnh lành mà hai mẹ con học hỏi được từ giáo lý nhà Phật. Từ-bi-hỷ-xả phải luôn niệm để kiến tạo bằng an cho mình, và như thế cũng có nghĩa là cho mẹ bởi mẹ có trong mình, mình có trong mẹ!

Khuyên mẹ làm những việc thiện lành cũng chính là báo hiếu bởi mình đã giúp mẹ mình cấy vào tâm thức hạt giống Bồ đề, giải thoát, giác ngộ. Chính vì nhận diện điều đó nên hai mẹ con tôi giờ giống như bạn đạo. Vài ba hôm điện thoại về thăm mẹ và chào nhau bằng câu quen thuộc: “Nam mô A Di Đà Phật”, rồi thì sách tấn mẹ ráng niệm Phật, lạy Phật, quán niệm hơi thở và phát nguyện vãng sanh… Cũng may là mẹ tôi mộ đạo, hiểu được lý vô thường nên mẹ tôi hay nhắc tôi… đi tu đi.

Rồi thì sẽ đến lúc tôi “cắt ái từ thân” như mẹ mong, cũng là điều mà tôi ao ước, vì tôi biết đó là con đường vui tu tập giải thoát, con đường có thể mang lại hạnh phúc cho tôi, cho mẹ, cho số đông.

Để ta lớn thành người

Con người với đầy đủ ý nghĩa của nó phải có hạnh hiếu, là hạnh đầu tiên mà Đức Phật dạy: hạnh hiếu là hạnh Phật. Ở bài pháp này, tôi nhận diện rõ rằng: một người tu để làm Phật thì trước tiên phải có hiếu với ba mẹ.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân trong bài thơ Quê hương cũng có nhắc về nghĩa của quê hương: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Nhớ, yêu quê hương, sống xứng đáng với quê hương là điều cần thiết để làm người, để tâm hồn lớn lên. Thương mẹ, báo ơn mẹ bằng những cách đúng đắn, thiết thực từ vật chất đến tinh thần cũng chính là chất liệu để mình “lớn thành người”. Yếu chỉ làm người ở chỗ đó mình phải thực hiện cho được thì mới mong giải thoát.

Chúng ta không thể tìm Phật ở đâu đâu mà bỏ quên Phật nơi tâm mình, nơi hiện tại này với hình tượng cụ thể là mẹ, là cha. Ở đây tôi chỉ nói về mẹ, bởi mẹ và cha giống nhau, đều có công sanh-dưỡng nên mình. Do vậy ý thức về hiếu hạnh đối với mẹ và ba là ngang nhau, như nhau, không phân biệt.

Phải “lớn nổi thành người” từ chất liệu hiếu hạnh thì mới mong thành Phật, thành Bồ tát được. Đó là tâm niệm và điều tôi thực tập hàng ngày, cụ thể là cùng với mẹ sống đời thảnh thơi trong ánh hào quang của Phật!

Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Mười 2015(Xem: 9897)
kinh Tăng Chi dạy “Nơi nào có chư Tăng tu tập thanh tịnh thì trú xứ đó được thanh tịnh, hội chúng Phật tử nương theo đó mà tu tập, nhất định được an lạc, thanh tịnh”.
02 Tháng Chín 2015(Xem: 5915)
Bố tôi vừa mới mất. Cuối cùng, rồi chứng nghiện rượu của bố cũng phải đi đến hồi kết thúc. Bố là người đã nghiện rượu hơn 20 năm, nhưng tôi không nghĩ rằng, tôi đã hiểu được điều nầy nghiêm trọng như thế nào, khi bố còn sống.
01 Tháng Chín 2015(Xem: 6503)
Năm nay, Vu Lan khởi sắc một cách khác thường. Từ ngày 14 âm lịch đến rằm, lượng số người đi lễ như trẩy hội. Một số con đường chính đều bị tắt nghẽn giao thông. Những chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Hoằng Pháp, khách thập phương dập dìu ngay cả về đêm. Không những tại Sài Gòn, cả Hà Nội, các tỉnh miền Trung và Cao nguyên đều như thế.
30 Tháng Tám 2015(Xem: 5846)
Đạo Phật dạy về tầm quan trọng của sự kính trọng bố mẹ, và sự báo đáp công ơn bố mẹ. Tuy nhiên, người sáng lập ra đạo Phật, Thái Tử Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), chính ngài đã từ bỏ cuộc sống gia đình, chống lại ý của cha ngài, rồi từ bỏ vợ và con trai của ngài để theo đuổi sự giác ngộ.
30 Tháng Tám 2015(Xem: 5945)
Vu lan lại đến.Hiếu hạnh của con trẻ lại được nhắc đến. Nhưng đâu đó cũng thấy hiện lên các tiêu đề nói về việc con giết cha, hãm hiếp mẹ, những nghịch hạnh không ai có thể chấp nhận.
28 Tháng Tám 2015(Xem: 6179)
Nhân mùa Vu Lan 2015, nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã thu âm ca khúc “Rồi Mẹ Như Sương” tại phòng phát thanh Hương Sen, Santa Ana, để tưởng nhớ tới mẹ hiền. Bài thơ được giữ nguyên văn, lồng vào câu nhạc đằm thắm tình mẫu tử, bàng bạc gió mây, vang vọng lời kinh Phật dạy.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 5717)
Truyện tôn giả Mahā Moggallāna báo hiếu mẹ của tôi đăng trên Thư Viện Hoa Sen vừa rồi, nó chỉ là truyện chứ không phải là một bài nghiên cứu hàn lâm; trong đó có những tình tiết hư cấu chứ không có trong kinh tạng Nikāya. Nếu việc báo hiếu mẹ như kinh Vu Lan bồn là có thật – thì có thể xẩy ra như vậy, chứ không có đoạn ngài là một vị thánh lậu tận lại khóc lóc bi luỵ như kẻ phàm phu (Mục Liên – Thanh Đề - La Bốc và chuyện đức Phật lạy đống xương trắng là hoàn toàn nguỵ tạo).
25 Tháng Tám 2015(Xem: 5353)
mẹ đến như rừng thông / vi vu trời gió hát / mẹ đến như vầng trăng / lung linh đầu bọt sóng.
24 Tháng Tám 2015(Xem: 7372)
Trong phòng cách ly dành cho người sắp từ giã cõi đời, người phụ nữ tuổi gần 60 nằm bất động. Điều duy nhất cho biết bà còn sống là màn hình máy y khoa biểu hiện nhịp tim đập rất chậm. Bà nằm đó, biết đứa con trai duy nhất từ tiểu bang xa đang bay về, bà muốn dồn hết nguồn sinh lực còn lại mỉm cười với nó lần cuối trước khi vĩnh viễn rời xa thế giới này.