Về Nguồn Gốc Lễ “Bông Hồng Cài Áo” - Tâm Huy

05 Tháng Tám 201000:00(Xem: 33826)
tuyentapvulan-03

VỀ NGUỒN GỐC LỄ “BÔNG HỒNG CÀI ÁO”
Tâm Huy

rose-0101236Nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 Âm lịch) là một nghi thức đặc biệt của Phật Giáo Việt Nam. Càng đặc biệt hơn, nghi thức này do giới Phật tử trẻ tuổi tại miền Nam đưa vào Phật Giáo từ hơn 40 năm về trước. Sau đó không lâu. nó đã trở thành một nghi thức có tính cách truyền thống trong lễ Vu Lan. Gần đây, tuy có một số người như TT Vân Đàm (Tu viện Pháp Vương, Fairfax, Virginia) hay Cư sĩ Bình Anson (Chủ tịch Hội Phật Giáo Tây Úc) đặt vấn đề về việc lễ Bông Hồng Cài Áo có phù hợp với nghi thức Vu Lan của Phật Giáo hay không, cho tới nay nó này vẫn là một trong những nghi thức không thể thiếu của lễ Vu Lan tại hải ngoại.

Điều đáng nói là một sự kiện quan trong như vậy của Phật Giáo Việt Nam hầu như không được các sử sách Phật Giáo trong nước cũng như hải ngoại đề cập tới. 

Dường như chỉ có một cuốn sách duy nhất nói tới sự kiện này là cuốn ghi chép về thơ thầy Nhất Hạnh của sư cô Chơn Không Cao Ngọc Phượng (Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát, nhà xuất bản Lá Bối, Paris 1980). Sự lãng quên nào cũng có dụng ý của nó, và những dụng ý đó không thiếu trong những cuốn sử về Phật Giáo Việt Nam khi đề cập tới các Phật sự do ni giới hay giới cư sĩ thực hiện. Mùa Vu Lan tượng trưng cho sự tri ân và báo hiếu của Phật Giáo, nên cũng là dịp để chúng ta phủi bớt đi lớp bụi của sự lãng quên này.

Năm 1962 sư ông Nhất Hạnh phổ biến đoản văn Bông Hồng Cài Áo, trong đó ông giới thiệu tục lệ cài một bông hoa trên áo trong ngày Mother’s Day của người Nhật. Ông viết: Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan. Ông cho biết bông hoa mà cô sinh viên người Nhật cài cho ông trong ngày Mother’s Day ở Đông Kinh là hoa cẩm chướng, không phải hoa hồng.

Lúc đó Nhất Hạnh chưa phải là một tên tuổi có sức thu hút mạnh trong giới Phật tử trẻ. Chỉ có một số nhỏ sinh viên biết đến ông. Tuy thế, đề nghị nói trên của Nhất Hạnh được một số thành viên trong Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đón nhận một cách tích cực. Họ chép tay đoản văn Bông Hồng Cài Áo thành thành hàng trăm bản và cho phổ biến ngay trong nội bộ đoàn. Lễ Vu Lan năm đó (1962), đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn thực hiện nghi thức Bông Hồng Cài Áo tại chùa Xá Lợi: họ mời tất cả những người dự lễ nếu còn mẹ cài một bông hoa hồng màu đỏ lên áo, những người mất mẹ cài một bông hoa hồng màu trắng trên áo. 

Có thể đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn thực hiện được điều này nhờ hai yếu tố thuận lợi:

1- Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử toàn quốc họp tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn (trụ sở của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam) từ ngày 26 tới 28 tháng 12.1961 với khoảng 200 đại biểu tham dự. Đại Hội biểu quyết: a- bản nội quy Gia Đình Phật Tử Việt Nam; b- quyết định hợp nhất Gia Đình Phật Tử thuộc Ban Hướng Dẫn bốn đoàn thể Phật Giáo (Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Việt, Nam Việt, Việt Nam Phật Giáo và Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam) dưới sự lãnh đạo của Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam; c- bầu Ban Thường Vụ của Ban Hướng Dẫn Trung Ương với Thượng toạ Thiện Hoa làm Trưởng Ban, các thành phần khác đều là các huynh trưởng kỳ cựu của GĐPT.

Lúc đó Sinh Viện Phật Tử Sài Gòn là đoàn đầu tiên về loại này (đoàn Sinh Viện Phật Tử Huế mãi tới tháng 3.1963 mới được thành lập), nên các hoạt động có tính Phật sự của họ dễ được sự yểm trợ tinh thần dù ẩn hay hiện của ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT. 

2- Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt từ năm 1955, nắm quyền quản trị chùa Xá Lợi, là một cư sĩ học giả Phật học có tinh thần khai phóng không cố chấp bảo thủ, nên không ngăn cản việc đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đưa một nghi thức mới lạ nhưng dễ thương vào lễ Vu Lan.

Có thể nói qua việc thực hiện nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong lễ Vu Lan 1962 tại chùa Xá Lợi, đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đã chứng tỏ được khả năng tổ chức. Họ sẽ trở thành lực lượng xung kích lôi cuốn các sinh viên học sinh khác, làm bùng nổ lớn cuộc đấu tranh của Phật Giáo chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm từ tháng 5.1963, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền này vào đầu tháng 11.1963.

Đầu năm 1965 nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn xuất bản cuốn Bông Hồng Cài Áo nhưng không giữ bản quyền, nên cuốn sách mỏng này được phổ biến rất rộng qua nhiều đợt in khác nhau. Nó trở thành cuốn sách được biết đến nhiều nhất của Nhất Hạnh. 

Nhà văn Cộng sản Anh Đức kết án tác giả Bông Hồng Cài Áo “cố ý làm cho người ta chỉ nhớ đến bà mẹ cá nhân của mình mà quên đi bà mẹ lớn lao là tổ quốc” (trong Bức Thư Cà Mau, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội 1966).

Năm 1967, một nhạc sĩ quen thuộc với giới sinh viên Phật tử Sài Gòn là Phạm Thế Mỹ phỏng theo ý văn của Nhất Hạnh trong đoản văn trên, viết bản nhạc Bông Hồng Cài Áo. Bản nhạc này lập tức được các đơn vị Gia Đình Phật Tử miền Nam đón nhận và đưa vào nghi thức Bông Hồng Cài Áo trong lễ Vu Lan. Kể từ đó bản nhạc này gắn bó với nghi thức Bông Hồng Cài Áo.Bông Hồng Cài Áo, Sáng Tác: Phạm Thế Mỹ | Ca Sĩ: Bằng Kiều

Tại hải ngoại, nghi thức Bông Hồng Cài Áo, được nhiều bài báo Mỹ ca ngợi. Họ cho rằng lòng hiếu đễ được nâng lên thành một nghi thức tôn giáo là một điểm sáng của Phật Giáo đáng được đặc biệt lưu ý. Có điều họ chưa biết nghi thức này là một đặc điểm riêng của Phật Giáo Việt Nam và trở thành một truyền thống trong lễ Vu Lan là nhờ nỗ lực liên tục của các đơn vị Gia Đình Phật Tử từ năm 1962 tới nay. 

* Tâm Huy Aug 20, 2004 

Xem thêm: 

NGUỒN GỐC NGHI THỨC BÔNG HỒNG CÀI ÁO - Khổng Trọng Hinh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5880)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5836)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6852)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6509)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5506)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4552)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10106)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.