ĐỨC PHẬT
BẬC THẦY VĨ ĐẠI CỦA NHÂN LOẠI
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề, chứng được Tam minh và vượt thoát mọi sự ràng buộc của thế gian, Đức phật đi giáo hoá và danh tiếng ngày càng vang xa, khắp mọi nơi ai cũng nhắc đến Sa môn Cồ Đàm. Vua Tần Bà Sa La và dòng tộc đồng quy y Tam Bảo và dâng cúng Tịnh xá Trúc Lâm. Ba anh em Ca Diếp cùng 1000 đệ tử cũng đều quy y Phật. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cùng 200 đệ tử cũng đều phát nguyện làm đệ tử Phật. Các giáo chủ ngoại đạo hết sức bất bình vì đệ tử của mình đi theo Sa môn Cồ Đàm, vua Tần Bà Sa La cũng giảm bớt niềm tin với các nhà thông thái Bà La Môn.
Từ đó, tiếng lành đồn xa, các ngoại đạo bị giảm uy tín nên họ bắt đầu nói xấu Phật và giáo đoàn của Phật. Họ đi rêu rao và tuyên truyền khắp nơi Sa môn Cồ Đàm đã làm mê hoặc lòng người khiến nhiều gia đình ly tán, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, người già phải sống trong cảnh cô đơn không người nuôi dưỡng. Các thầy tỳ kheo thuộc giáo đoàn của Phật đi khất thực đến làng nào cũng bị nghe nói xấu nên lòng hoang mang, lo lắng.
Tuy vậy, Đức Phật vẫn bình thản, an nhiên mà dạy các thầy tỳ kheo: “Này các thầy, chớ có sinh tâm buồn rầu, lo lắng, hãy tỉnh giác trong từng phút giây. Dư luận khen chê đúng sai, phê phán hay chỉ trích cũng chỉ là dư luận mà thôi. Quý thầy chỉ nên thực tập im lặng như Chánh pháp.” Người tu theo đạo Phật phải có sức chịu đựng trong mọi hoàn cảnh từ lời nói cho đến những điều trái ý, nghịch lòng. Đức Phật bị dư luận của ngoại đạo chống đối, bêu xấu giáo đoàn và những lời dạy chân chínhnhưng Ngài chỉ khuyên đệ tử nên quán tình thương mà có sự cảm thông, bao dung và độ lượng.
Trước đây, vua Tần Bà Sa La và dân chúng chỉ biết tôn sùng ngoại đạo và cấp dưỡng cho họ đầy đủ về mọi phương diện. Sau khi Phật ra đời, Ngài đem giáo pháp nhân quả và giác ngộ, giải thoát hướng dẫn cho nhiều người biết mà tu hành chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Ngoại đạo cảm thấy bị mất quyền lợi, mất sự tín nhiệm của người dân nên sinh tâm thù hằn, ghét bỏ mà tìm cách phá hoại Phật và giáo đoàn. Nếu đức Phật xúi giục đệ tử tuyên truyền chống đối trở lại thì chắc bây giờ chúng ta chẳng ai tu theo Phật. Chúng ta cung kính và tôn trọng Phật vì lòng từ bi vô hạn, không thấy ai là kẻ thù mà chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi.
Con người chúng ta luôn nói xấu, chỉ trích, phỉ báng, dèm pha nhau tạo ra sự mâu thuẫn đối kháng để tôn vinh bản ngã của mình. Người không đủ niềm tin về chính mình hay bị kẹt trong dư luận về những lời đàm tếu của thiên hạ. Cho nên, việc áp dụng lời nói từ ái, chân thật để tạo nhịp cầu nối kết yêu thương trở nên rất khó khăn trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.
Con người từ khi được sinh ra trước tiên phải học cách ăn, cách uống và cách nói năng. Khi còn nhỏ việc ăn uống do người mẹ chăm sóc, nhưng khi lớn lên chúng ta phải tự ý thức ăn như thế nào để tiêu hoá được tốt. Một gia đình cha mẹ không tin sâu nhân quả sẽ dạy con ăn nhiều các loài động vật để nuôi sống bản thân, ăn như vậy sẽ làm tổn hại rất nhiều và giết chết lòng từ bi của mình. Học nói là học chia sẻ, học yêu thương, học bao dung, học tha thứ và học cách lắng nghe.
Trong cuộc sống ngày hôm nay, sự kết nối yêu thương giữa cha mẹ và con cái, bạn bè và đồng nghiệp, sếp và nhân viên không có sự cảm thông với nhau do thiếu khả năng lắng nghe nên không biết chia sẻ mỗi khi có những điều phiền toái xảy ra. Người nào cũng chấp vào sự thấy biết của mình, luôn cho suy nghĩ của mình là đúng nên bị tri giác sai lầm đánh lừa. Thế gian thường dạy nhau phải cạnh tranh để vươn lên đỉnh cao của cuộc sống, tranh nhau hùng biện và hơn thua nhau trong lời ăn tiếng nói.
Một người đang chửi mắng mình vì kẻ đó đang khổ đau tột cùng nên mới phát ra những lời lẽ khó chịu như thế, họ đang tự tàn phá thân tâm và làm tổn thương chất liệu của từ bi. Nhiều người cảm thấy ăn năn, hối hận sau khi đã lỡ lời chửi mắng vì không làm chủ được bản thân và không biết cách chuyển hóa cơn giận. Chúng ta đôi khi cũng muốn giận lắm chứ, muốn chứi mắng cho hả cơn giận nhưng nhớ ra mình là người tu rồi nên làm vậy không đúng mới ý thức quay về thực tại của chính mình.
Muốn chuyển hóa căn bệnh sân hận ta phải thực tập hạnh kham nhẫn, nghĩa là nhịn chịu những điều không được vừa ý, nghịch lòng; dù bị nói nặng, bị nói xấu, bị bêu rếu, bị mắng chửi, bị thách thức, bị nhục mạ nhưng mình vẫn bình tĩnh, thản nhiên xem những lời ấy như chất liệu của yêu thương, hiểu biết mà sẵn sàng đón nhận với lòng an ổn, nhẹ nhàng. Kham nhẫn còn là sức chịu đựng trong mọi hoàn cảnh như khi nóng lạnh, đói khát, tham muốn quá đáng hay bị mất mát, đau thương…
Một hôm, đức Phật đến giáo hóa tại một làng người Bà La Môn. Một gia đình nọ có bà vợ giỏi xem tướng số cùng cô con gái xinh đẹp. Họ muốn tìm người có đủ 32 tướng tốt về làm rể nên khi người cha vô tình gặp Phật thì mừng quýnh chạy về báo với vợ rồi cùng bà đến xem cho chính xác. Khi thấy Phật thì quả đúng như người bà bỏ công tìm kiếm bấy lâu nay nên rất ưng ý và muốn gã con gái ngay cho Phật không cần bất cứ điều kiện gì.
Tuy nhiên, đức Phật từ chối: “Ta xưa kia có đầy đủ tất cả từ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, thần dân thiên hạ nhưng đã bỏ lại sau lưng để sống đời đơn giản, đạm bạc, rày đây mai đó mà hướng dẫn đạo lý giác ngộ giải thoát cho mọi người. Bà vui lòng tìm người khác đi vì Ta đã từ bỏ ngũ dục thế gian để sống đời an nhiên tự tại.”
Bà buồn quá trở về kể lại cho con gái nghe làm cô tự ái vì sắc đẹp kiều diễm nghiêng nước nghiêng thành mà có người dám buông lời từ chối. Kể từ đó, cô ôm lòng oán thù và chờ ngày rửa hận. Vì có nhan sắc mặn mà nên về sau cô được làm hoàng hậu, mẫu nghi một nước. Khi đức Phật đến giáo hóa tại vương quốc đó, hoàng hậu biết được nên mướn bọn côn đồ, du đãng chặn đường Phật mà chửi mắng thậm tệ.
Trên con đường hoằng hóa độ sinh đức Phật đã gặp nhiều gian nan, thử thách. Nếu ta không kham nhẫn hoặc kham nhẫn sai phương pháp thì tất cả công đức lành sẽ bị thiêu đốt hết. Nếu chúng ta không có bồ đề tâm kiên cố, tức thành tâm hướng về sự giải thoát giác ngộ, thiếu lòng từ bi khi làm việc thiện giúp ích cho đời bằng tình thương bình đẳng không phân biệt đối xử, không vụ lợi cá nhân thì sự dấn thân ấy dù làm Phật sự đôi lúc cũng có thể trở thành ma sự.
Cả bọn côn đồ, du đãng do hoàng hậu mướn cứ vây quanh chửi mắng, khủng bố thậm tệ nên ngài A Nan mất hết bình bĩnh mà thưa với Phật rằng: “Kính bạch Thế Tôn, dân ở đây họ không có tâm cung kính, lại thiếu sáng suốt nên ta hãy đến nước khác giáo hóa. Con bây giờ chịu hết nổi những lời mắng chửi, sĩ nhục kia rồi.” Phật hỏi: “Vậy thì chúng ta đi đâu?” “Thưa Thế Tôn, ta đi nước nào không có ai vây hãm, chửi bới là được.” Phật nói: “Giả sử chúng ta đi tới chỗ khác và cũng bị mọi người mắng chửi nữa thì sao?” “Nếu vậy chúng ta trở về thành Xá Vệ, Ma Kiệt Đà, nơi Thế Tôn đã có nhiều đệ tử thuần thành.” Phật hỏi: “Nếu ông là thầy thuốc giỏi thì có nên đề bảng ở đây tôi chỉ trị bịnh nhẹ, còn bệnh nặng vui lòng đi nơi khác?” A Nan thưa: “Dạ đâu được thưa Thế Tôn, thầy thuốc giỏi thì phải trị những bệnh nan y mới cứu được nhiều người ạ.” Phật nói: “Cũng vậy! Dân ở đây vì chưa biết đạo lý làm người nên nhiều người bệnh quá nặng mới có những lời lẽ thiếu văn hóa như vậy. Thôi, ta hãy thong thả, từ từ để tìm cách chuyển hóa họ.”
Bọn du đãng vẫn tiếp tục chửi hoài, ngài A Nan nói: “Họ chửi hoài làm sao Thế Tôn giáo hóa họ được?” Phật bảo: “Khi nào họ không chịu nghe lời nói của ta nữa thì ta đi nơi khác cũng không muộn màng gì.” Tên cầm đầu nghe Phật nói với ngài A Nan như thế thì bỗng nhiên chuyển tâm hồi ý mà quỳ xuống cung kính thưa rằng: “Dạ thưa sa môn Cù Đàm, chúng con từ sáng tới giờ vì ngu si, mê muội nên mới có mắt như mù trước bậc siêu phàm vượt Thánh như Ngài. Xin Ngài mở rộng lòng từ mà thương xót chỉ dạy cho chúng con biết được điều hay lẽ phải để tu hành.” Kể từ đó, Phật đã ở lại xứ này giáo hóa giúp cho nhiều người tin sâu nhân quả và biết tránh ác làm lành.
Nếu chúng ta muốn gieo tạo công đức trọn vẹn và hạnh phúc, an vui lâu dài thì phải kham nhẫn, kiên chí, bền lòng. Bản thân đức Phật cũng từng gặp rất nhiều trở ngại suốt cuộc đời hoằng hóa độ sinh. Người có đủ 32 tướng tốt cùng 80 vẻ đẹp, dung mạo hoàn hảo khiến nhiều người quy kính nhưng cũng kéo theo những rắc rối khi nhiều cô gái đem lòng thương yêu nhưng không được đáp trả mà sinh lòng thù hận, tìm cách hãm hại Ngài.
Với tất cả lòng hoan hỷ, từ bi và trí tuệ, sự kiên nhẫn nơi đức Phật đã làm bao trái tim con người được chuyển hóa. Do đó, ta có thể khẳng định đức kiên nhẫn là chất liệu nuôi lớn lòng từ bi, là điều kiện làm cho tâm ta trở nên diệu mát như nước cam lồ của Bồ tát Quán Thế Âm. Sự kiên nhẫn được định nghĩa như một hạt giống tốt để con đường dấn thân thêm tinh tấn, là thành trì để tất cả phiền não, nghiệp chướng trong đời lần hồi rơi rụng. Tuy nhiên, mỗi hành giả cần phải kiên nhẫn với thái độ bình tĩnh, sáng suốt bằng từ bi và trí tuệ.
Lòng kham nhẫn trong các Phật sự hay trong sự dấn thân phải bắt nguồn từ nhận thức sáng suốt. Tất cả những điều chướng tai gai mắt diễn ra xung quanh đều có những nguyên nhân sâu xa của nó, không lẽ nào là vô cớ, ngẫu nhiên. Nếu không đủ bình tĩnh, sáng suốt và kham nhẫn chịu đựng thì con đường hoằng hóa sau lời ngài A Nan góp ý đã đứt đoạn giữa đường. Biết rõ nguyên nhân nên Phật sáng suốt nhận ra đây là cơ hội để chuyển hóa hoàng hậu và cuối cùng bà cũng quy y Phật trong nỗi niềm ăn năn, hối hận. Đức kham nhẫn là sự chịu đựng, chấp nhận, nhẫn chịu trước những điều không hài lòng vừa ý.
Như chúng ta đã biết, đức Phật ngày xưa còn bị nhiều người vì thương yêu không được nên đem lòng thù hận. Vì lòng tham lam, ganh ghét, tật đố mà bọn ngoại đạo đã âm mưu chống phá Phật đủ điều. Chúng vu khống, hủy nhục, dựng chuyện cô gái có bầu để bêu rếu Phật ngay trước mặt quần chúng. Độc ác hơn nữa, chúng giết chết cô gái rồi chôn trong Tịnh xá và mời vua quan xác minh, làm chứng để hãm hại Phật. Chuyện như vậy mà Phật vẫn bình tĩnh, sáng suốt và an nhiên, tự tại.
Như vậy, sự kiên trì, nhẫn chịu để làm lợi ích cho người là cơ hội mang lại niềm an vui, hạnh phúc. Vì nội tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng nên bợn nhơ không thể nào vẩn đục. Như nước trong ly đã gạn lọc hết chất cáu bẩn, dù có cố tình quậy đục nhưng nước vẫn cứ trong. Phật cũng lại như thế! Chính nhờ vậy mà hơn 2600 năm qua, Chánh pháp Phật đà đã trường tồn trên thế gian này giúp cho con người thấu triệt chân lý, biết sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha.
Khi ai lớn tiếng chửi mình thì ta đau đầu, nhức óc lắm chứ. Vậy thì ta đừng bao giờ nói nặng hay chửi mắng ai. Ta chửi là quá đáng rồi vì nói lớn tiếng, nói thô tục sẽ làm cho người bực tức, khó chịu. Ta đang đọc sách về hạnh kham nhẫn, ngoài kia xe cộ chạy rầm rầm, tiếng còi xe bấm kèn inh ỏi. Nếu không chịu nổi chắc mình gấp sách rồi đi bộ một vòng cho khuây khoả, hoặc ngồi chịu trận mà trong lòng không vui nên không tiếp thu được gì.
Những âm thanh ồn ào, náo nhiệt đó lại là âm thanh của sự sống. Tiếng chim hót rất dễ thương nên mình thích nghe, một bản nhạc hay cũng làm mình thích, một lời nói từ ái mình cũng thấy ấm lòng. Nhưng không có những tiếng chói tai của còi xe ầm ĩ thì làm sao ta cảm nhận được tiếng chim hót thật dễ thương. Sự ồn náo của muôn loài vật là góp phần tô điểm cho cuộc sống vì ai cũng có tính nghe thường hằng. Tuy nhiên, ai cũng thích lời nói dịu dàng, dễ chịu và bực bội với tiếng thô bạo, chát chúa của sự chửi mắng. Vì có khổ đau do lời qua tiếng lại làm mình dính mắc, chấp trước nên ta biết trân quý hạnh phúc nhờ sự trải nghiệm trong khổ đau. Cho nên, trong tình yêu muốn có được hạnh phúc thì chúng ta cũng phải chấp nhận khổ đau.
Người thực tập kham nhẫn cần được rèn luyện khi mới bước vào đường tu. Một là có lòng thương yêu tất cả chúng sinh như thương yêu chính bản thân mình, chính vì vậy họ cảm thông được nỗi khổ niềm đau vì đã thực hành hạnh kham nhẫn. Hai là lìa tham dục, là bớt tham đắm-dính mắc vào tiền tài, danh vọng, sắc dục, ăn sung mặc sướng và các lối sống hưởng thụ khác; là nhịn chịu sự đòi hỏi quá đáng ở ngay nơi thân tâm mình; đó chính là lìa tham dục. Nếu chúng ta thỏa mãn hết những thứ tham đó thì con người nên hay hư? Chắc chắn là hư! Thế cho nên chúng ta phải nhịn bớt. Như vậy, đối với ngũ dục trong thế gian này chúng ta luôn luôn phải có sức kham nhẫn để hạn chế lòng tham trong sự nhịn chịu.
Người ta không những chẳng nói lời ái ngữ mà còn hay nạt nộ, chửi mắng mình thì mình cũng không phản ứng lại; đó là hạnh kham nhẫn. Người ta hành động không dễ thương với mình thì mình cũng vậy, không hề phản kháng; đó là hạnh kham nhẫn. Người ta hay dèm pha, chỉ trích mình thì mình cũng nhịn, vẫn im lặng, không cần đính chính; đó là hạnh kham nhẫn. Người ta lúc nào cũng muốn tranh luận hơn thua với mình, mình biết im lặng nhường phần thắng cho người; đó là hạnh kham nhẫn. Người ta hay kiếm chuyện làm cho mình giận, mình biết vậy nên luôn tỉnh giác quán chiếu sự tác hại của cơn giận; đó là hạnh kham nhẫn.
Người ta hay hưởng thụ các thú vui thế gian không được lành mạnh và lãng phí thời gian, ta biết vậy nên tìm cách chuyển hoá sự ham muốn, thèm khát; đó là hạnh kham nhẫn. Người ta thích lời khen tặng và hay chán ghét lời chê bai, cả lời khen tiếng chê đều làm ta dễ đánh mất chính mình, biết vậy mình quay trở về hiện tại bằng cách giữ tâm ý trong sạch; đó là hạnh kham nhẫn. Người ta chịu luân hồi sinh tử khổ đau vô số kiếp vì tạo nghiệp xấu ác, biết vậy mình thực tập giữ Giới để chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, thực tập từ bi và trí tuệ để biết buông xả; đó là hạnh kham nhẫn.
Có một điều ta cần phải quán chiếu thường xuyên là tất cả các Thánh nhân đều xuất phát từ gốc phàm phu, nhờ tu hạnh kham nhẫn mà thành tựu đạo pháp. Người xuất gia tu hạnh giác ngộ-giải thoát trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh là đi ngược lại dòng đời, tức là không lập gia đình mà vẫn dấn thân đóng góp phục vụ lợi ích tha nhân. Chúng ta kham nhẫn không chỉ với cơn giận mà còn kham nhẫn với những tham muốn bên trong, tức là ta biết cách chuyễn hoá những tham muốn đó.
Khi dấn thân đóng góp chúng ta không thể tránh khỏi sự va chạm của lời qua tiếng lại, sự khen chê đúng sai. Chúng ta đi vào cuộc đời như làm dâu trăm họ, làm sao có thể làm vừa ý tất cả mọi người. Nếu ai đó hay nói trong cơn giận dữ rằng “mình hãy nên quán chiếu lại, mình đã làm gì để họ phải đau khổ như vậy, chắc chắn mình đã có lỗi với họ nên khiến họ buồn phiền như thế.” Lắng nghe và chia sẻ là phương cách giải tỏa nỗi khổ niềm đau. Lắng nghe là biết cảm thông, chia sẻ; là biết chuyển hóa niềm đau, bằng sự tha thứ và bao dung; là làm cho nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Chúng ta đi làm và bị nhiều người ganh tỵ nên nói xấu mình sau lưng, mình biết rõ nhưng vẫn bình tĩnh lắng nghe, không nói lời nào. Họ nói đúng thì mình tìm cách sửa sai và nên cám ơn họ vì đã cho mình sự yêu thương trong cuộc sống. Lời nào không đúng thì do họ hiểu lầm, lúc nào thuận lợi mình chia sẻ để họ dễ dàng thông cảm bằng tình người trong cuộc sống.
Chúng ta kham nhẫn với sự sân hận của người khác là việc làm khó nhất, nếu người ta nổi sân với mình mà mình nộ khí xung thiên lại thì vô tình cả hai đều đánh mất chính mình. Mình tu lâu mà không nhẫn được với cái sân là do còn quá nhiều cố chấp. Ngọn lửa sân có thể thiêu rụi cả rừng công đức mà chúng ta đã gây dựng bấy lâu nay. Người ta hành động không dễ thương vì họ đang đau khổ lắm, họ không có cách giải tỏa nên mới hành động trong si mê. Một người đem quà tới cho mình mà mình không nhận thì họ lại đem về. Không ai nổi sân cả trăm năm nên mình chờ cơ hội khi họ nguôi giận sẽ cùng chia sẻ mà cảm thông cho nhau.
Trong cơn giận nào mình cũng có phần lỗi dù không nhiều cũng ít. Cho nên, lắng nghe và chia sẻ để chúng ta có dịp nhìn lại chính mình. Nếu người không chịu lắng nghe, không chịu chia sẻ thì ta phải thương họ nhiều hơn. Vì trong họ còn quá nhiều nỗi khổ, niềm đau nên họ mới xử sự như thế, mà hễ giận thì ai cũng xấu xí, khó coi. Chúng ta thử nhìn vào gương xem lúc đang giận mặt mình trông như thế nào, chắc chắn trông rất hung dữ và cực kỳ xấu xí. Do đó, chúng ta phải tìm cách chuyển hoá cơn giận để nó không xảy ra. Mình nổi giận vì tham mà không được. Mình chấp ngã, sĩ diện nên mới nổi cơn “tam bành lục tặc”. Chúng ta làm chủ được cơn giận, biết mình đang giận ta quán chiếu, soi sáng lại nên thấy được những hậu quả do cơn giận gây ra nên ta làm chủ được bản thân.
Sự nóng giận khiến cho cơ thể tiết ra những chất độc, những chất độc này sẽ đi vào các bộ phận và gây bệnh. Có người vì giận mà bị nhồi máu cơ tim rồi chết bất đắc kỳ tử. Kiểm soát cơn giận bằng cách quán tình thương nên ta bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh. Chúng ta hãy nên nhớ, mọi cơn giận xảy ra đều do sự chấp ngã của “cái tôi” mà thiếu sự cảm thông, lắng nghe và chia sẻ nên không làm chủ được bản thân.
Muốn làm chủ bản thân trong mọi lúc mọi nơi thì trước hết ta phải biết mình đang giận và cũng biết mình có năng lực để chuyển hóa cơn giận. Chúng ta lúc nào cũng nghĩ người làm mình giận cách mấy vẫn là người thương, người thân của mình. Chúng sinh lặp ngụp trong luân hồi sinh tử vô số kiếp nên ta và người chắc chắn đã từng là cha mẹ, ông bà, anh em, họ hàng, bạn bè, làng xóm nên đã là người thân, người thương thì không nên giận nhau. Ta hãy sử dụng tình thương để chuyển hoá cơn giận mỗi khi chúng phát khởi.
Kế đến ta hãy kham nhẫn, nhịn chịu với sự nóng tính của mình. Nóng tính có hai dạng là hay lăng xăng và dễ nổi nóng. Người lăng xăng là sự trạo cử biểu hiện rất mạnh, họ không thể ngồi yên, không thể an trú trong hiện tại. Tâm ý họ thường hay bám víu vào sự thương và ghét. Đang làm việc trong nhà thì họ nghĩ đến chuyện ngoài đường, tâm ít khi ở với thân nên dễ bị căng thẳng, sự căng thẳng này là do tâm quen chạy nhảy như vượn chuyền cành. Ta phải tập kham nhẫn với sự lăng xăng, bay nhảy thì tâm mình sẽ bớt dao động và bình yên.
Một bông hoa đẹp mà còn tỏa hương thơm ngát đem lại sự tươi mát cho cuộc đời thì ai cũng thích ngắm nhìn. Mình tập buông bỏ những giận hờn, tập im lặng để bớt tính nóng nảy, thường gần gũi với những người có chất liệu từ bi để có được cảm giác dễ chịu. Dù có ai nói bóng nói gió mình vẫn bình thường là ta biết mình có tu; ngược lại, ta cảm thấy khó chịu và bực mình là phải biết mình còn yếu lắm.
Có người lại hay tự hào về sự nóng tính của mình và còn nói họ nổi tiếng về sự nóng giận. Chúng ta hãy nên xây dựng và nuôi dưỡng sự tươi mát trong tâm, đừng làm cho tâm cằn cỗi, héo úa như sa mạc. Những người nóng tính rất tội nghiệp, bơ vơ. Họ thật tội nghiệp vì mệt mỏi trong trận đồ sa mạc nóng bức. Họ bơ vơ vì ai cũng muốn chạy ra khỏi sa mạc để tránh cái nóng gay gắt. Người không làm chủ được cơn giận là người cuồng dại như người bệnh tâm thần, họ không kiểm soát được chính mình từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động.
Kế đến là sự kham nhẫn với mong muốn tranh đua, giành giựt và dính mắc vào ý niệm hơn thua, được mất. Sự tranh đua, giành giựt là một cơn lốc xoáy của cuộc đời, nó đưa chúng ta vào mê hồn trận và khó tránh khỏi những đau thương, mất mát. Ta làm việc trong công ty cũng vậy, mình không muốn cạnh tranh nhưng cấp trên cứ thúc đẩy, đồng nghiệp cứ nhắc nhở và bản thân mình phải cạnh tranh và đặt ra mục tiêu để phấn đấu. Tận cùng của sự cạnh tranh là sự thất vọng và tuyệt vọng vì luôn có kẻ thắng người thua. Thắng thì vênh váo tự đắc. Thua thì buồn rầu khổ sở, ăn ngủ không yên. Chúng ta hãy nên nói không với sự tranh đua, giành giựt vì nó là nhân dẫn đến oán thù.
Ta hãy nên tập kham nhẫn, nhịn chịu trong sự im lặng, tức là không nói một lời nào. Ta thường hay thích tranh cãi giành phần hơn thua nên rất khó để im lặng. Đôi khi mình lại sợ sự im lặng vì đã quen với sự ồn ào. Đó là lý do ta thường kiếm chỗ đông người để tán gẫu đủ thứ chuyện trên đời. Do đó, im lặng có giá trị riêng của nó, ta hãy tập im lặng để cảm nhận được một chút bình yên trong lòng.
Khi tâm quá mệt mỏi chúng ta thường đi vào chùa vì muốn tìm chút thanh thản của im lặng. Nhưng sự im lặng này vẫn mang tính chất trốn chạy cuộc đời nên chỉ thanh thản được nhất thời mà thôi. Dù bên ngoài người đang ồn ào, căng thẳng; đang tranh đua, giành giựt quyết liệt thì mình cũng đừng nói gì cả. Ta nên im lặng để cuộc đời có được một chút bình yên trong hiện tại.
Bên cạnh đó, chúng ta phải biết kham nhẫn trong sự vui chơi giải trí, nhất là những thứ giải trí không lành mạnh. Công việc bộn bề cùng những áp lực trong cuộc sống khiến ta mệt mỏi và rất cần giải trí. Mục đích của giải trí là giảm bớt căng thẳng của công việc hay tạm thời quên đi những lo toan hằng ngày. Tuy vậy, nhiều người khi giải trí xong lại càng mệt mỏi, nỗi khổ niềm đau lại càng có cơ hội phát sinh.
Trong nhà Phật có Giới thứ năm rất hay. Ta nguyện thực tập bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm bằng cách không sử dụng rượu bia, các chất gây say gây nghiện và những sản phẩm có hại làm tổn thương đến thân tâm. Ta biết thực tập Giới này sẽ giúp gia đình được yên vui, thân thể khoẻ mạnh, trí tuệ phát triển và xã hội vui vẻ, không loạn lạc vì không có tệ nạn bất chính. Đây là Giới dạy về cách giải trí lành mạnh.
Thiền trong đời sống hằng ngày, trong gia đình và xã hội là phương thức giải trí lành mạnh nhất cho mọi người, không có sự thư giãn nào hay bằng Thiền định. Thở vô ta biết ta đang thở vô, thở ra ta biết ta đang thở ra. Khi thở vô ta thấy khỏe, thở ra ta thấy thân tâm an ổn, nhẹ nhàng. Ta thở vô dài và sâu, khi thở ra ta cảm thấy bao nhiêu độc tố trong người cũng ra theo.
Khi con sư tử bị thương nó biết nằm xuống liếm vết thương để tự chữa trị và nghỉ ngơi, nó không tiếp tục chạy theo con cái hay đi kiếm mồi. Nhiều người mất ngủ vì căng thẳng, lo lắng, bệnh tật hay bực tức trong lòng. Thiền định là phương cách giúp ta buông bỏ những điều đó. Khi quay về tiếp xúc với hơi thở, nương vào hơi thở thì chúng ta đứng ngồi được yên, ăn ngon và ngủ an lành.
Chúng ta biết kham nhẫn, nhịn chịu với tình trạng tâm hay chạy nhảy, lăng xăng theo dòng đời như khỉ vượn chuyền cành, hết leo cây này lại trèo qua cây kia khiến thân đứng ngồi không yên, hay nghĩ ngợi lung tung. Có người ở nhà đang nói chuyện với ông xã nhưng tâm lại nghĩ đến chàng trai trẻ họ mới gặp hôm nào. Khi đi làm việc thì tâm để đâu đâu, khi đang ở nhà thì tâm cứ muốn đi tham quan, du lịch. Chính vì vậy, công việc họ đang làm không đạt kết quả tốt vì tâm lúc nào cũng tính toán tìm cầu không lúc nào dừng nghỉ.
Buổi sáng thức dậy chúng ta đánh răng súc miệng, làm vệ sinh cá nhân rồi lên bàn thờ Phật đốt nén tâm hương, sau đó ngồi Thiền một chút rồi kế đến thực tập Thiền lạy Bồ tát và Thiền trong đi đứng, tâm chỉ quán sát một cách rõ ràng. Một buổi sáng chỉ cần một tiếng đồng hồ để Thiền thì tâm làm sao chạy hoang từ đầu trên đến xóm dưới. Cái đầu nhỏ bé của chúng ta lúc nào cũng tính toán đủ thứ nên tâm ít khi được nghỉ ngơi và yên tĩnh. Nó lúc nào cũng lăng xăng, lộn xộn và hay chạy theo những niệm thương ghét. Chúng ta thực tập tỉnh giác trong mọi hoàn cảnh sẽ giúp cho tâm có sức định tĩnh, nhận diện rõ ràng chuyện đang xảy ra là tốt xấu, phải quấy hay đúng sai. Chúng ta chú tâm vào công việc đang làm tức là ta đang áp dụng Thiền định, nhờ vậy ít phóng tâm nên kết quả việc làm càng thêm tốt đẹp.
Trên thế gian này có rất nhiều đứa trẻ mồ côi không có cha mẹ, không nơi nương tựa nên phải tự kiếm sống, tự bươn chải, tự chăm sóc bản thân. Xã hội đầy dẫy những cám dỗ, sự thiếu hiểu biết, không tin sâu nhân quả. Nếu không ai dạy cho chúng điều gì nên làm, điều gì không nên làm thì chúng sẽ rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội.
Có những tội phạm tuổi đời còn rất trẻ và cũng có những người lính tuổi đời còn rất trẻ, và rất nhiều người trẻ thất học, nghèo dốt khác. Nếu chúng ta biết kham nhẫn với những trò tiêu khiển không lành mạnh, biết dừng lại để ôm ấp, chia sẻ, yêu thương trẻ em, chăm sóc trẻ em như chính con cái của mình thì chúng sẽ được khôn lớn trưởng thành trong hiểu biết.
Chúng ta cũng hãy kham nhẫn, chịu đựng trong giao tiếp, ứng xử một cách ôn tồn, điềm đạm. Người ôn tồn luôn nói lời từ ái, nhẹ nhàng, cử chỉ hay lời nói của họ đều toát lên sự thanh tịnh của nội tâm. Chúng ta có đầy đủ phúc duyên được gần những người này sẽ không bao giờ cảm thấy lo lắng, sợ hãi hay bất an một điều gì vì không bị la mắng hay bị phán xét một cách vô cớ.
Người điềm đạm là người có sức định tĩnh vì đã có khoảng thời gian dài thực tập hạnh kham nhẫn nên không la mắng và phán xét người khác. Chúng ta hãy dừng lại sự la mắng để có thời gian lắng nghe người khác, để hiểu và thương được những hạnh phúc và khổ đau của họ. Ta dừng lại những suy nghĩ ác ý không đúng về họ để thấy ta và người tuy hai mà một. Người có những hạnh phúc và khổ đau thì ta cũng vậy nên ta thương mình bao nhiêu thì cũng phải biết thương người bấy nhiêu. Ta biết dừng lại những lời nói ác ý và những phán xét để tâm ta trở nên khiêm tốn thấp mình với mọi người mà bớt đi sự kiêu căng, ngã mạn.
Do tâm yếu đuối nên chúng ta vẽ ra đủ thứ những buồn thương, giận ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua nên vọng tưởng nhiều mà phát sinh lo lắng, sợ hãi. Nhìn thấy sợi dây bên vệ đường ta tưởng là con rắn. Nghe tiếng bụi tre kêu xào xạc ta nhìn bóng tre che khuất bờ tường lại tưởng tượng có ma vì âm thanh kỳ lạ và bóng tre đung đưa. Chúng ta kham nhẫn trong sự sợ hãi để biết buông xả, lìa bỏ những vọng tưởng không đâu mà quay trở về giây phút thực tại nên được yên ổn, bình an.
Vì trong thâm sâu ta có ý niệm về sự tấn công của các loài rắn, ta nghe nói loài rắn ngoằn nghoèo phùng mang, lè lưỡi phóng tới dí con mồi nên ta liên tưởng chúng sẽ mổ mình nên ta sợ hãi. Nỗi sợ hãi này đeo đẳng bấy lâu nay nên nhìn thấy cái gì ngoằn nghoèo, dài dài thì ta liền cho đó là rắn nên hoảng sợ. Có người bỏ chạy thụt mạng mà không dám quay đầu lại. Khi còn nhỏ chưa biết gì nên mỗi khi bướng bĩnh người lớn lại dọa ta sẽ bị ông kẹ bắt. Ta tưởng tượng hình ảnh ông kẹ chắc ghê gớm và độc ác lắm. Hình ảnh đó khắc sâu vào tâm thức khi có cơ hội ta sẽ nhớ lại và rất hoảng sợ. Những người hay yếu bóng vía là do chất chứa sự sợ hãi quá nhiều. Trong bóng tối họ rất lo sợ, chỉ cần nghe một tiếng động vu vơ là họ có thể đứng tim.
Sự kham nhẫn kế đến chúng ta cần phải thực hành là kham nhẫn với những lời phải quấy, đúng sai. Đức Phật suốt 49 năm hoằng pháp độ sinh đã bị không biết bao nhiêu tiếng thị phi nhưng Ngài vẫn bình tĩnh, thản nhiên trước những lời lẽ không được dễ thương cho lắm. Chúng ta kham nhẫn với tiếng thị phi để xem mình đã làm gì sai mà người ta đã nói như vậy. Khi biết lắng nghe ta sẽ nhận biết rõ mình đúng hay sai mà biết cách sửa lỗi và cảm ơn người đã cho ta cuộc sống. Nếu lời nói phải quấy đó không đúng thì ta biết họ đang hiểu lầm mình nên ta hãy thực hành rải tâm từ thương yêu đến họ.
Chúng ta nhờ có quán chiếu nên biết rõ nhân quả nghiệp báo mà không dám phạm sai lầm. Có người rất thích chửi thề và đã quen thói chửi thề nên ngày nào không chửi là họ không thể ăn cơm. Nhưng chính những tiếng chửi đó làm cho tâm họ bực tức, giận hờn trong mệt mỏi, chán chường. Với người hay chửi thề như vậy ta hãy quán chiếu sự tha thứ và cảm thông. Khi ta thương yêu nhau thì mình cần đối xử tốt với nhau. Ta cần nói lời nhẹ nhàng, biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết tôn trọng nhau nên làm gì có đối kháng, xung đột xảy ra.
Ta cũng phải biết kham nhẫn với bệnh tật của thân, với những khổ đau đang thấm nhuần trong cơ thể mình. Thân này rồi phải già-bệnh-chết là lẽ đương nhiên, chỉ bệnh ít hay bệnh nhiều mà thôi. Bệnh nhẹ thì dễ trị, chỉ cần vận động làm việc thì qua khỏi. Bệnh nặng thì hơi khó trị và có thể làm ta đau đớn, mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Người không biết tu khi bị bệnh thân đau nhức một thì tâm đau nhức mười. Thân đau thì có thể hết nhưng tâm đau thì lại rất khó trị.
Thế giới chúng ta ngày hôm nay có quá nhiều bệnh tật vì ô nhiễm môi trường, ô nhễm thức ăn thực phẩm và do con người ăn uống vô độ. Có ai bệnh mà lại không buồn phiền? Điều đầu tiên chúng ta lo lắng là phải hao tiền tốn của lo thuốc thang, tìm cách chữa trị. Bệnh có hai dạng là thân bệnh và tâm bệnh, nhưng phần nhiều thân bệnh là do tâm điều hành, sai sử. Thân chúng ta tại sao lại bệnh? Vì tâm tham ăn uống nên ta đưa nhiều các thức ăn uống nhiễm độc vào cơ thể. Do tâm tham muốn quá nhiều nên trở thành tâm bệnh, vì tham nên chúng ta muốn thân sung sướng, không ngờ cái sung sướng trong khoái khẩu lại là nguyên nhân gây ra bệnh.
Ta không biết trân quý sức khỏe sẽ làm tổn thương thân này. Có người suốt cả cuộc đời lúc nào cũng bệnh, khi bị như vậy ta phải biết mình đã gieo tạo nghiệp sát sinh hại vật quá nhiều. Ta hãy nên thường xuyên thực tập sám hối để dừng nghiệp cũ, không cho chúng tái phạm nữa; mặt khác lại hay giúp người cứu vật, nhờ vậy chúng ta sẽ được mau lành bệnh. Khi bệnh ta hãy tìm phương cách chữa trị như đi khám bác sĩ, đi bệnh viện theo dõi, đồng thời phải biết sám hối, biết làm thiện để chuyển hoá nghiệp xấu ác thì sẽ từ từ hết bệnh.
Chúng ta biết kham nhẫn, chịu đựng với bệnh tật nên thân tuy đau nhức mà tâm vẫn an ổn, nhẹ nhàng. Thân này chịu sự vận hành của đất-nước-gió-lửa nên chúng thường chống trái lẫn nhau. Gió thổi mạnh thì đất rung rinh. Lửa nhiều thì sinh nhiệt và nóng nảy. Bản thân chúng tôi trước kia do thiếu hiểu biết nên làm quá nhiều nghiệp xấu ác, do đó khi vào Thiền Viện tu hành phải chịu rất nhiều bệnh tật khốn khổ, có những bệnh nan y tưởng chừng không qua nổi. Cụ thể nhất là bệnh huyết áp cao với chỉ số lúc nào cũng từ hai mươi mốt hay hai mươi hai trên mười một hoặc mười hai. Nếu có uống thuốc đều đặn, liên tục với đô mạnh thì giảm xuống còn khoàng mười tám trên mười.
Mẹ chúng tôi đã chết vì bệnh này, em gái ruột của tôi cũng bị đột quỵ chết liền tại chỗ. Sau ba năm bị liên tục như vậy với huyết áp cao dẫn đến mất trí nhớ, mất tự chủ lại là thời gian chúng tôi viết sách nhiều nhất . Từ năm 2010 đến năm 2013 huyết áp đã hạ xuống còn khoảng 15/9 thì coi như chúng tôi đã tạm thời thoát chết.
Tuy nhiên, chúng tôi giờ đây còn rất nhiều bệnh tật khác dẫn đến mất năng lực đề kháng, thành ra phải chịu đau nhức, mệt mỏi hoành hành mãi. Đành phải chịu thôi! Nghiệp sát sinh hại vật, làm người khác đau khổ quá nhiều nhưng nhờ có tu chút đỉnh nên thân này tuy chịu hành hạ nhưng tâm bớt khốn khổ. Phương pháp hay nhất để chuyển hóa bệnh tật là ta phải biết sám hối lạy Phật-Bồ tát hay làm phước giúp người cứu vật, giữ Giới và biết buông xả phiền não tham-sân-si.