08. Hồi Kết Pháp Môn Làng Mai Tại Việt Nam

23 Tháng Mười 201000:00(Xem: 16480)

HỒ SƠ TU VIỆN BÁT NHÃ LÀNG MAI
08.
HỒI KẾT PHÁP MÔN LÀNG MAI TẠI VIỆT NAM

MUC LỤC
Hồi Kết Của Pháp Môn Làng Mai Tại Việt Nam - Phỏng vấn Thầy Thích Thanh Thắng
Bát Nhã Là Một Công Án Thiền - Thiền sư Nhất Hạnh
Tôi đọc “Bát Nhã là một Công án Thiền” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Trần Chung Ngọc
Cảm Nhận Từ Công án Thiền Bát Nhã - Tịnh Thái
Công án, hay không công án? - Hoàng Phi Long
Về Bài Viết “Công Án” Của Hoàng Phi Long - Trần Chung Ngọc
Nurturing Bodhicitta in Vietnam - An Interview with Sister Thoai Nghiem - By Janelle Combelic
Buddhism, Under Vietnam's Thumb Thich Nhat Hanh and the Unified Buddhist Church of Vietnam both want the state of religious repression to change. They have very different ideas of how to help


Thứ ba, ngày 12 tháng một năm 2010
HỒI KẾT CỦA PHÁP MÔN LÀNG MAI TẠI VIỆT NAM?

 
Trong buổi gặp mặt đầu năm, thầy Thích Thanh Thắng đã dành cho Sen Việt cuộc trò chuyện tiếp theo về vụ việc Bát Nhã, sau khi toàn bộ tu sinh Làng Mai đã bị giải tán. Câu chuyện vẫn là những suy nghĩ luôn luôn mới, gợi mở và nhiều trăn trở…

Thưa thầy, sau khi các tu sinh rời khỏi chùa Phước Huệ, phải chăng sự việc tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng) đã đi đến hồi kết?

Vâng, tôi theo dõi tin tức thì thấy nhiều nơi báo chí cũng đã đưa tin về “hồi kết” của Pháp môn Làng Mai.

Cá nhân thầy có nghĩ như vậy không?

Dĩ nhiên, những người quán sát bên ngoài đều ít nhiều nhận ra “hồi kết” của Pháp môn Làng Mai tại Việt Nam kể từ khi ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban tôn giáo ra công văn từ chối đơn đề nghị bảo lãnh tu sinh Làng Mai do Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự ký. Mặc dù trước đó ông Xuân có nói trên báo chí, tự viện nào muốn bảo lãnh tu sinh Làng Mai đến nơi tu tập mới thì phải tiến hành theo trình tự thủ tục. “Hồi kết” này sẽ là 5 năm, 10 năm, hay lâu hơn nữa thì không có gì đảm bảo. Nói chung, nhà Phật không có cái nhìn “hồi kết”. 

Người Phật tử nào yêu quý Làng Mai thì cũng không có phải buồn gì với hai từ “hồi kết” này. Trước khi Hoà thượng Nhất Hạnh trở về Việt Nam năm 2005, chưa có cuộc đón rước nào mà Chính phủ và Giáo hội tổ chức lại quy mô đến như thế trên cả khắp ba miền Nam - Trung - Bắc. Lúc đó, mọi người nghĩ rằng đây là “hồi mở đầu” rực rỡ của Làng Mai tại Việt Nam, nhưng bây giờ, sự việc lại bất ngờ trở thành “hồi kết”. Biến động xã hội khôn lường, không riêng gì trong tôn giáo mà trong mọi lĩnh vực cuộc sống, cái gọi là “hồi mở đầu” hay “hồi kết” đều chỉ là giả tạm. Người Phật tử nhận thức cuộc sống như vậy để hiểu rõ hơn về cảm thọ yêu ghét, vui buồn của chính mình.

Thầy có cảm thấy buồn khi sự việc tu viện Làng Mai diễn biến theo chiều hướng như hiện nay không?

Tôi nghĩ rằng, ngoài những “khúc mắc” nào đó của Thiền sư Nhất Hạnh với Nhà nước, cụ thể với Ban tôn giáo Chính phủ, những gì mà Tăng thân Làng Mai thể hiện trong mấy năm hiện diện vừa qua ở Việt Nam đã đón nhận được nhiều tình cảm của người Phật tử dù theo hay không theo Pháp môn Làng Mai. Vì vậy, tôi tin sự việc diễn ra như hôm nay làm cho nhiều Phật tử và cả những người trí thức có cảm tình với Phật giáo cảm thấy buồn lòng. Nhưng nỗi buồn lớn hơn cả là Giáo hội đã không thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Có lẽ nào người Phật tử của thời nay lại thiếu văn minh mà tranh giành, xô xát nhau vì lợi như thế? Nếu sự việc xảy ra ở những tổ chức xã hội khác, nhiều người đã phải hổ thẹn mà từ chức. Tôi nghĩ Giáo hội tồn tại nhờ niềm tin, công sức của người Phật tử, vì thế để xảy ra vu việc, Giáo hội nên công khai xin lỗi người Phật tử trên báo chí. Đó cũng chính là văn hóa tự chịu trách nhiệm mà con người trong mọi xã hội văn minh đề cao.

Thầy nhận xét gì về bốn vấn đề chính được nêu ra trong buổi họp báo tại Hà Nội?

Cho đến lúc không còn nhiều khả năng “đối thoại” như hiện nay, tôi không nói thêm gì về bốn vấn đề chính này, bởi rõ ràng đó là những điều mà Làng Mai đã từng phủ bác. Nhưng tôi cho rằng cuộc họp báo đó nhẽ ra phải có đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia thì sẽ khách quan hơn. Vì sao? Vì từ trước đến nay mọi thông tin đều khẳng định đó là “mâu thuẫn nội bộ” trong Phật giáo, cụ thể là giữa thầy Đức Nghi và Thiền sư Nhất Hạnh. Nếu là “mâu thuẫn nội bộ” thì vai trò giải quyết và tư cách phát ngôn của Giáo hội càng phải lớn hơn nữa. Vì với “bốn vấn đề chính” đó, Giáo hội hoàn toàn có đủ thẩm quyền để xử lý. Chẳng lẽ vấn đề “mâu thuẫn nội bộ” của tôi mà anh lại phát ngôn và xử lý thay tôi hay sao? Đó chính là “thế tay thợ đẽo”.

Thầy có thể nói rõ hơn được không?

Đơn giản thôi, bạn không thể vừa đá bóng vừa thổi còi phải không nào? Vì khi bạn làm như vậy là bạn đã làm thay phần việc vốn thuộc về người khác mà xã hội đã phân công. Vì không phải công việc của mình, nên trong cuộc họp báo, người nọ nói mâu thuẫn với người kia. Ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói: “Đây là va chạm giữa các môn phái tôn giáo và chưa có xô xát, xung đột gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản. Chưa có dấu hiệu hình sự nên không xử lý hình sự. Chưa có bất kỳ điều tra tư pháp nào liên quan đến sự việc xảy ra tại tu viện Bát Nhã”. Điều này khác rất xa với hai bản tường trình và tố cáo của Chư Tôn đức trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, khác với chính những thông tin trước đó từ phía nhà nước khi thừa nhận có xô xát và đẩy về phía “mâu thuẫn nội bộ”, không đúng với thực tế vụ việc, gây cười cho những người tiếp nhận thông tin. 

Khi dư luận đã biết rõ vụ việc qua rất nhiều tư liệu, bằng chứng, mà người gây ra tội không bị xử lý theo đúng pháp luật, thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến những ứng xử xã hội khác, dẫn đến tình trạng vô luật, bất công, đảo lộn trắng đen.

Nội dung buổi họp báo còn đề cập: “Để giải quyết mâu thuẫn trên tại Tu viện Bát Nhã, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, trong chuyến thăm Pháp cuối tháng 9/2009, có đề nghị gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh (đã được thông báo trước một tháng) để bàn cách giải quyết vụ việc nhưng Thiền sư từ chối không gặp, lấy lý do là đã có chương trình sang Mỹ”. Điều đó, chứng tỏ nhà nước họ cũng muốn đối thoại?

Khách quan mà nói, dù hơi muộn so với những phản ứng từ Làng Mai, nhưng đây là một động thái tích cực nhất của nhà nước với Làng Mai sau những sự cố đáng tiếc đã diễn ra tại tu viện Bát Nhã. Nếu họ hẹn gặp trùng vào ngày thiền sư Nhất Hạnh sang Mỹ, tôi nghĩ lời từ chối của thiền sư là bình thường. Nếu không có sự trùng hợp như vậy, phải chăng thiền sư Nhất Hạnh đã có dụng ý nào đó? Thực tế, thiền sư Nhất Hạnh cũng ít nhiều từng kiên nhẫn kêu gọi chính quyền và Giáo hội đoái thương đến những hạt giống lành của đất nước và xem họ như con cháu mà thương tưởng đến, nhưng cũng không sớm có hồi đáp, thậm chí khi giới trí thức cùng vào cuộc ký thỉnh nguyện thư mà sự việc vẫn rơi vào vô vọng. Nhà nước có quyền hiểu khác đi về sự từ chối thành ý này của thiền sư Nhất Hạnh, còn chúng ta hoàn toàn chưa rõ nguyên nhân vì sao thiền sư từ chối cuộc gặp đó.

Vậy thầy có nghĩ rằng đó chính là nguyên nhân chính của “hồi kết”?

Tôi không nghĩ như vậy, vì đó chỉ là những nguyên nhân phát sinh sau những gì đã xảy ra. Trong đối thoại không có “hồi kết”, nếu các bên còn có thể lắng nghe nhau và biết đặt lợi ích dân tộc cũng như lợi ích của mỗi bên vào bàn đối thoại. 

Cũng có ý kiến cho rằng thiền sư Nhất Hạnh có những từ ngữ kích động tu sinh?

Xin lỗi, chúng ta nên sử dụng từ “kích động” này một cách thận trọng. Thiền sư Nhất Hạnh là người Thầy, Thiền sư phải bảo vệ đệ tử của mình khi bị xúc phạm nặng nề như vậy. Một công dân Việt Nam bị đánh đập ở nước ngoài, nhà nước cũng lên án hành động đó cơ mà. Lên án không thể đồng nhất với kích động. Đó là quyền tự vệ chính đáng. Nếu có thể “kích động” đệ tử của mình bất bạo động một cách triệt để, thậm chí biết tha thứ cho cả những người đánh đập và xỉ nhục mình, thì người Phật tử chúng ta nên tự hào vì phương pháp giáo dục đó. Bởi nếu thiền sư không thường xuyên “kích động” đệ tử của mình “ngồi yên như núi”, nhẫn, cảm thông và thương yêu thì sự việc sẽ còn diễn biến phức tạp theo chiều hướng bạo động leo thang. Những lời lẽ nào đó của thiền sư nếu có bị hiểu khác, hay suy diễn theo góc nhìn chủ quan thì cũng là điều rất đỗi bình thường. Trong cuộc sống, điều đáng sợ nhất là thái độ vô cảm trước nỗi khổ đau, nguy nàn của người khác. Cuộc sống còn có phản ứng thì còn nhìn ra được những vấn đề tích cực hay tiêu cực mà điều chỉnh, nhưng khi đã vô cảm rồi thì mạnh ai nấy sống. Một nhà nước văn minh thì công dân của mình không phân biệt tôn giáo, thành phần đều phải được che chở, không thể để tình trạng mạnh ai nấy sống

Thầy nghĩ sao khi Thiền sư Nhất Hạnh nói Giáo hội đã không bảo vệ được chính con em của mình?

Thiền sư đặt đệ tử của mình vào vị trí con em của Giáo hội, chứng tỏ thiền sư không xem mình như người khách “xa lạ” ghé thăm. Nói thế không có nghĩa rằng thiền sư Nhất Hạnh “ký thác” hết cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng vì sao thiền sư không nhận được sự nhiệt tình yểm trợ của Giáo hội? Đơn giản thôi vì người ta hiểu rõ Làng Mai bị “đánh” từ “nguồn lực” nào, nhất là khi khoảng cách trong “hội nhập” và cách thức vận dụng phương tiện chưa uyển chuyển “tuỳ xứ”, “tuỳ thời” của Làng Mai trước đó. 

Chẳng nhẽ Phật giáo cũng rơi vào cảnh “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”?

Thấy rõ chứ! Thấy người bảo vệ cái ghế của mình, chỉ là không thấy được người mà mình phải có trách nhiệm bảo vệ mà thôi. 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nay còn cái gì là thuần tuý và chân phương nhất? Đó không phải hình bóng của người tu sĩ với cái đầu tròn áo vuông thì là gì. Nhưng chúng ta đã thấy di sản sống động nhất ấy của 1.000 năm văn hiến đã bị đánh đập và nhục mạ giữa thanh thiên bạch nhật, giữa công luận. Vậy thử hỏi tinh thần sáng ngời của các vị quốc sư, cư sĩ của Phật giáo Việt Nam đâu rồi? Những ngôn quan, gián quan của lịch sử dân tộc đâu rồi? 

Xin lưu ý, Giáo hội đang vận hành hoàn toàn với cơ chế “xin - cho”, phấn đấu lấy “thành tích” để vững cái ghế của mình, nên không ít người đưa ra lý do này lý do kia bằng cách im lặng để “bảo toàn lực lượng”. Có thể nói, đạo tình là điều mà người Phật tử chúng ta hiện nay còn thiếu. Nếu có đạo tình thì sự việc tu viện Bát Nhã đã có thể hàn gắn được trước bất cứ mâu thuẫn nào. Bởi vốn dĩ người Phật tử chúng ta không bao giờ cho phép mình móng tâm sự xung đột. Để Làng Mai xảy ra mâu thuẫn ngày càng khó hàn gắn với nhà nước đó là cái tội của những người đang nắm giữ trọng trách Giáo hội. Bởi cả hình ảnh của nhà nước và của giáo hội đều bị tổn hại, đáng lo ngại hơn là đánh mất rất nhiều niềm tin yêu của người Phật tử.

Có dư luận cho rằng, vụ việc tu viện Bát Nhã là “pháp nạn Phật giáo Việt Nam”, thầy có nghĩ như vậy không?

Sau Đức Phật nhập Niết bàn 1000 năm là thời Mạt pháp, sẽ sinh ra nhiều tệ đoan rối ren. Quan điểm này vẫn tồn tại trong Phật giáo cho đến ngày nay. Ở vụ việc tu viện Bát Nhã, từ dùng “pháp nạn” có thể bị suy diễn theo những chiều hướng chính trị khác nhau. Thực chất, ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, Tăng đoàn cũng từng xảy ra những vấn đề chia rẽ và gặp những pháp nạn lớn. Điều này cần có cái nhìn lịch sử khách quan. 

Đạo Phật muốn làm hộ pháp thực sự cho dân tộc, cho đất nước thì đó phải là một đạo Phật mạnh về nội lực tu hành và vững trong bản lĩnh nhập thế, vì từ trong truyền thống của tinh thần Hộ quốc an dân, đạo Phật Việt Nam thể hiện rất rõ điều đó và chưa từng làm bất cứ điều gì có lỗi với dân tộc. 

Đạo Phật Việt Nam là đạo Phật nhập thế, vậy mà tiếng nói Giáo hội không có năng lực thuyết phục, không bảo vệ được hình ảnh tôn nghiêm của chính mình, thì không cần dùng đến từ “pháp nạn”, những bất ổn lớn rõ ràng là đang hiện diện. Xin chúng ta đừng tiếp tục hiểu sai về từ “làm chính trị” mà mắc tội miệt thị tiền nhân. Các thiền sư của chúng ta đã từng “làm chính trị” đúng nghĩa trước nhiều vấn đề quân quốc quan trọng của đất nước. Tại sao làm văn hoá, tôn giáo cho tốt để nâng cấp đời sống tinh thần cho mọi người lại không phải là “làm chính trị” cho dân tộc?

Tôi nghĩ, với vụ việc Bát Nhã, khi Ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng viết bản tường trình, tố cáo những “phật tử” hành hung, nhục mạ hàng Giáo phẩm, tu sinh Làng Mai ở Tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ, Giáo hội nhẽ ra phải tiến hành một cuộc họp bất thường, triệu tập các vị trưởng lão của cả hai hội đồng (Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự) để tìm cách tháo gỡ, hàn gắn mọi mâu thuẫn và đề nghị xử lý theo pháp luật đối với những phần tử quá khích, nhưng đáng tiếc điều đó đã không diễn ra. Một đốm lửa nhỏ không lo đề phòng, để đến khi cháy cả khu rừng rồi mới lo chữa lửa thì nhọc công và vô tích sự.

Hồi kết” của Làng Mai tại Việt Nam có phải là một thách thức cho đường hướng hoạt động của các tông phái Phật giáo?

Bất cứ tổ chức xã hội nào cũng có những cơ hội và thách thức, không riêng gì các tông phái Phật giáo. Vấn đề Làng Mai là một bài học thấm thía cho không chỉ riêng ai. Như tôi từng nói, thực trạng Phật giáo Việt Nam thà bộc lộ sớm, hơn bộc lộ muộn. Vì sao tôi nói “sớm”, vì nó bộc lộ ngay lúc mà người ta đang ồn ào về hình thức huy hoàng của chính nó, điều này sẽ cho ra những hình ảnh chân thực hơn, để người Phật tử hiểu rõ bài học “con trùng trong người con sư tử mới giết chết con sử tử” hay mối nguy “xây lâu đài trên cát”.

Với cái nhìn biện chứng về “hoạ phúc” của tư tưởng phương Đông, người Phật tử chắc chắn sẽ có cơ hội nhận thức nhiều hơn về vụ việc Làng Mai. Pháp môn Làng Mai nếu không hiện diện ở trong nước thì vốn dĩ theo đà phát triển và hội nhập quốc tế của nó, mô hình Làng Mai có thể vẫn thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng “hồi kết” Làng Mai đã làm bộc lộ một khoảng trống chưa thể lấp đầy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tinh thần đoàn kết, tập trung trí tuệ. 

Dù tạm thời không còn Pháp môn Làng Mai ở trong nước nữa thì Thiền sư Nhất Hạnh vẫn có thể coi như mình chưa từng có chuyến trở về Việt Nam. Vấn đề là các thế hệ đi sau của Làng Mai có “truyền thông” được với trong nước không, hay sau vụ việc này họ càng đi sâu vào định kiến? Mặt khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại đang rất cần một hình ảnh khác để thể hiện ở bên ngoài. Cơ hội điều chỉnh ở ngay trước mặt, nếu biết nắm lấy nó thì không có mâu thuẫn nào là không thể giải quyết. Người nhà với nhau mà không thể bao dung, thương yêu được nhau thì đó là một nỗi bất hạnh lớn. 

Cảm ơn vụ việc Bát Nhã bởi nó đã kéo một Giáo hội đang lơ lửng ở trên mây xuống mặt đất với đầy những hiện thực ngổn ngang, đó cũng là gián tiếp mở ra sinh lộ cho đạo Phật Việt Nam. Nỗi lo nhất hiện nay là sau vụ việc Bát Nhã, Giáo hội sẽ có những bước điều chỉnh tích cực như thế nào để lấy lại niềm tin của người Phật tử và giới trí thức mà thôi.

Thầy nghĩ gì về tương lai của pháp môn Làng Mai tại Việt Nam?

Ai cũng nhận ra ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban Tôn giáo mâu thuẫn trong những phát biểu của mình về việc bảo lãnh tu sinh, nhưng trong cuộc họp báo quốc tế vừa qua tại Hà Nội, ông vẫn còn đủ "tự tin" để nói: “Trước hết, chính quyền địa phương đã kêu gọi, trên tinh thần lục hòa, để các tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã và những người theo pháp môn Làng Mai đối thoại và hòa giải mâu thuẫn”.

Có thể đối thoại và hoà giải mâu thuẫn được hay không, điều này nằm ở nhận thức của mỗi bên: Giáo hội, Thiền sư Nhất Hạnh và Ban Tôn giáo Chính phủ. Nếu Làng Mai được xem là đối tác dài hạn để mở rộng “sức mạnh mềm” của người Việt ở phương Tây thì vấn đề “hoà giải mâu thuẫn” chắc chắn sẽ không khó khăn gì. Lá rụng về cội đó là niềm tin bao đời của người Việt. Vận dụng sức mạnh nội lực của người Việt trên nhiều lĩnh vực thì cần phải có trí tuệ, có tinh thần đoàn kết và lòng bao dung. Không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích dân tộc lâu dài và bền vững. Đó là chính sách đúng đắn của ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Tôi nghĩ, năm 2010 là năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, một lời mời thiền sư và tăng thân Làng Mai về dự lễ sẽ nói lên được tinh thần khoan dung và đoàn kết của 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, xoá đi những mặc cảm, định kiến. Đó không chỉ là bản lĩnh cầm quyền của nhà nước mà còn là tinh thần mà người Việt từ nghìn đời nay vẫn hướng tới vì lợi ích lâu dài cho dân tộc Việt Nam. 

Đó là lý do tôi nói không có “hồi kết” nào là vĩnh viễn.

Xin chân thành cảm ơn thầy đã dành cho Sen Việt cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

http://huongsenviet.blogspot.com/

BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN Đừng đi tìm cái anh muốn thấy. Việc làm đó vô ích.
Không đi tìm, nhưng cho phép cái thấy tự đến, cái thấy ấy sẽ
giải phóng được cho anh.
- nhất hạnh- Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. Công án là một vấn nạn cần phải giải quyết bằng niệm, định và tuệ chứ không thể chỉ bằng trí năng của ta. Nếu chưa giải quyết được thì mình chưa có hướng đi, chưa có an lạc và hạnh phúc. Công án này có thể được tham cứu chung, nhưng cũng có thể được tham cứu riêng. Công án là một mũi tên cắm vào thân thể ta, chưa rút được mũi tên ra thì chưa có an lạc. Mũi tên này không phải từ bên ngoài bay tới. Nó không phải là một tai nạn mà là một cơ hội để ta quán chiếu và vượt thoát được những băn khoăn trăn trở của ta lâu nay về ý nghĩa cuộc đời, về tương lai đất nước, về hạnh phúc chân thật của ta.

Vua Trần Thái Tông ngày xưa đã từng tu Thiền, đã từng tham khảo công án và vua cũng đã đưa ra bốn mươi công án Thiền với các bài Niêm, Tụng và Kệ để mời các bạn tu cùng tham khảo tại chùa Chân Giáo. Những công án này còn được ghi lại trong sách Khóa Hư Lục do vua sáng tác. Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo, cũng đã từng tham khảo công án, và cũng đã đề ra mười ba công án, những công án này cũng còn được ghi lại trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục. 

Sách Bích Nham Lục do thiền sư Viên Ngộ biên soạn vào thế kỷ mười hai có cả thảy 100 công án thiền với những lời Thùy thị, Bình xướng và Trước ngữ, là một tác phẩm cổ điển được sử dụng trong nhiều trăm năm ở chốn thiền môn. 

Trong số các công án phổ thông nhất có các công án “Cây tùng trước sân”, “Cái tất cả đi về cái một, cái một đi về đâu?”, “Con chó có Phật tính không?” và “Ai đang niệm Phật?”. Công án hào hùng nhất mà Tuệ Trung Thượng Sĩ đưa ra là “ Tất cả đều vô thường, đều là pháp sinh diệt. Cái gì sinh diệt?”

Công án không thể được giải quyết bằng lý luận, bằng biện chứng pháp, dù là biện chứng pháp duy tâm hay duy vật, mà phải được giải quyết bằng niệm lực và định lực, nghĩa là bằng năng lượng của chánh niệm và chánh định. Giải được công án thì ta thấy khỏe, không còn lo sợ thắc mắc gì nữa, là thấy được con đường đi, là đạt được sự an tâm. 

Nếu nghĩ rằng con chó có Phật tính hay không là một vấn đề của riêng con chó, hoặc nghĩ đó là một vấn đề triết học cần phải giải quyết, thì đó chưa phải là một công án. Nếu nghĩ rằng cái một đi về đâu là một vấn đề chỉ liên hệ tới sự vận hành của thế giới khách quan bên ngoài thì đó cũng không phải là một công án. Nếu nghĩ rằng Bát Nhã là vấn đề của 400 tu sinh đang gặp khó khăn, đang cần một giải pháp “hợp tình hợp lý” thì đó cũng không phải là một công án. Chỉ khi nào thấy rằng Bát Nhã là vấn đề chính của bản thân ta, nó có liên hệ trực tiếp đến hạnh phúc, đau khổ của ta, của tương lai ta và tương lai đất nước dân tộc ta, và chừng nào chưa giải quyết được công án Bát Nhã thì ta còn ngủ không yên, ăn không yên, làm việc không yên, thì lúc ấy Bát Nhã mới thực sự là một công án. Niệm có nghĩa là nhớ tưởng, là canh cánh bên lòng, là nâng công án lên từng giây từng phút trong đời sống hàng ngày của mình để quán chiếu, không phút giây nào xao lãng. Niệm phải liên tục không được gián đoạn. Khi ăn cơm, khi mặc áo, khi tiểu tiện hoặc đại tiện, khi uống trà, khi tắm gội, hành giả phải đưa công án lên để mà quán chiếu. Công án có khi còn gọi là thoại đầu. Phật là ai mà ta phải niệm, và người đang niệm Phật, người ấy là ai? Ta là ai? Phải tìm cho ra. Chưa tìm ra là chưa vỡ vạc, chưa chứng ngộ, chưa thông suốt.

***

Những vị xuất gia trong Tăng thân Bát Nhã chắc hẳn là những người có cơ hội nâng công án Bát Nhã lên cứu xét nhiều nhất trong đời sống hàng ngày. Ngày nào họ cũng ngồi thiền nhiều lần, đi thiền hành nhiều lần, và trong khi nấu cơm, giặt áo, lặt rau, quét tước, v.v., lúc nào họ cũng có cơ hội tham cứu về công án Bát Nhã. Họ có niệm và họ có định dễ dàng hơn, vì đó là vấn đề sống chết, vấn đề lý tưởng, vấn đề tương lai của họ. Và có người đã quán chiếu thành công, vì vậy ở trong một tình trạng bị đàn áp và khủng bố thường xuyên như thế mà có những người trong số họ vẫn cười dòn được, vẫn tươi như hoa, vẫn chế tác được bình an và tình thương, vẫn không bị lo lắng sợ hãi và hận thù lôi kéo; trong khi đó thì những vị khác còn mang nặng chấn thương và những thống khổ gây nên trong những ngày Bát Nhã và Phước Huệ bị đánh phá. Một sư cô đã làm được bài kiến giải để trình lên thầy của mình. Cô viết: “Bát Nhã ngày xưa, nay đã thành mưa, rơi xuống mặt đất, nẩy hạt Bồ đề.” Sư cô này chỉ khoảng 18 tuổi, và mới tu chưa đầy hai năm, nhưng đã quán chiếu thành công.

Tại sao mình chỉ muốn tu thôi mà người ta không cho mình tu? Tại sao các bậc tôn túc muốn che chở bảo lãnh cho mình tu mà nhà nước lại không cho bảo lãnh? Mình có biết chính trị là cái gì đâu và chẳng tha thiết gì tới chuyện chính trị, tại sao người ta cứ nói là mình làm chính trị và tại sao cứ nói Bát Nhã là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia? Tại sao phải giải tán cho được Bát Nhã dù phải áp dụng những biện pháp như thuê côn đồ, vu khống, lừa gạt, đánh đập, đe dọa? Tại sao họ là những người đáng bậc cha chú mình mà họ nỡ làm như thế đối với mình? Nếu nhà nước không cho mình tu chung như một Tăng thân nữa mà bắt mình phải mỗi người đi một ngả thì làm sao trong tương lai mình có thể có lại một Tăng thân? Tại sao ở các nước khác người ta có tự do để thực tập pháp môn, còn ở đây thì không? Những câu hỏi như thế dồn dập đi tới. Ngồi thiền, đi thiền hành, nghe pháp thoại, thực tập chánh niệm trong khi nấu cơm, làm vườn, chấp tác, người hành giả nuôi niệm lực và định lực. Niệm và định lực ấy như sức nóng của lửa làm tan rã tất cả những dấu hỏi, những vấn nạn. Bát Nhã ngày xưa là hạnh phúc. Mình đã được sống rất thật với chính mình, với cách sống mà mình muốn sống. Mình có thể nói ra những cảm nghĩ của mình cho các anh chị em đồng tu mà không e ngại sợ sệt. Mình đã tìm ra được tình huynh đệ. Mình có cơ hội đem tuổi trẻ của mình để giúp đời. Đó là hạnh phúc lớn nhất. Bát Nhã trong những ngày qua cũng đã từng là một cơn ác mộng, nhưng ta đã có cơ duyên tìm thấy ta rồi, ta đã tìm được con đường rồi, thì dù có Bát Nhã hay không có Bát Nhã ta vẫn không cần lo sợ. Bát Nhã đã trở thành một cơn mưa, đã mưa xuống làm cho hạt giống kim cương nẩy mầm trong ta. Ngày mai dù không có Bát Nhã, dù bị đuổi ra khỏi Phước Huệ, nhưng hạt giống Bồ đề trong ta vẫn không bao giờ mất. Thầy đã dạy mỗi đứa con thầy phải trở thành một Bát Nhã, một Phương Bối. Mình là sự tiếp nối của thầy, chắc chắn mình sẽ tạo dựng được trong tương lai những Bát Nhã mới, những Phương Bối mới. Đã có hạt giống rồi, đã có đường đi rồi, mình không còn lo sợ cho tương lai, tương lai của mình và của đất nước. Những người cấm cản mình tu học hôm nay, ngày mai mình sẽ có cơ hội độ cho họ. Họ chưa có cái thấy bây giờ, nhưng sau này họ sẽ có cái thấy ấy. Một số trong những người đã từng đàn áp, đã từng làm khổ mình, bây giờ cũng đã hé thấy được sự thật rồi. Thành kiến và tri giác sai lầm như bức tường Bá Linh đang rã ra từ từ và sẽ sụp đổ. Mình không lo ngại, không tuyệt vọng. Mình có thể cười vang như nắng sớm.

***

Mình là một vị đại úy công an. Ban đầu mình tin rằng nếu cấp trên đã có chính sách giải tán Bát Nhã thì chắc chắn là chủ trương này phù hợp với nhu cầu an ninh của đất nước. Mình có niềm tin nơi lãnh đạo. Nhưng trong quá trình thực hiện chính sách, mình đã khám phá ra nhiều việc đau lòng. Bát Nhã đã trở thành công án của đời mình. Mình mất ăn, mất ngủ. Giữa đêm mình thức dậy. Mình tự hỏi nhóm người này đã làm gì để mình phải nhìn họ như là những phần tử phản động, có hại cho an ninh. Họ có vẻ rất bình an; chính mình mới không có đủ bình an trong lòng. Không có bình an trong lòng, mình làm sao giữ gìn và thiết lập được sự bình an trong xã hội? Trên phương diện luật pháp, họ không có tội tình gì cả. Sự thực là mình đã đứng về phía những người muốn chiếm hữu tài sản của họ, buộc họ phải rời nơi mà họ đã cư trú trong nhiều năm, nơi mà cơ sở đã do chính họ góp phần tạo dựng. Mình đã làm đủ mọi cách để cho họ đi, nhưng họ đã nhất định không chịu đi. Họ có vẻ thương yêu nhau, đoàn kết với nhau. Họ sống một đời sống lành mạnh. Tuy họ trẻ tuổi, nhưng không ai rơi vào vòng ma túy, hút xách, đĩ điếm. Họ sống đơn giản, ăn chay, ngồi thiền, nghe kinh, pháp đàm, hoàn toàn bất bạo động. Họ không có vẻ gì là nguy hiểm. Họ không hề có một lời nói hoặc hành động nào chống báng nhà nước. Mình không thể nói là họ phản động, là họ làm chính trị được. Vậy mà cuối cùng mình phải nói họ là phản động, là làm chính trị. Mình đã tìm mọi cách để cho họ bỏ đi: dụ dỗ, dọa nạt, cúp điện nước, kiểm soát hộ khẩu mỗi ngày, và trong suốt nhiều tháng lúc nào cũng tới chùa vào ban đêm để sách nhiễu họ, để họ nản lòng. Họ đã không trách móc, họ lại còn mời mình ngồi lại, hát cho mình nghe và đòi chụp ảnh với mình nữa. Cuối cùng mình phải thuê côn đồ tới để phá phách, để đánh đập, để buộc họ ra đi. Và mình cũng phải mặc thường phục đến để chỉ huy, để chỉ cho người mình thuê biết ai là những người dẫn đầu để mà thanh toán. Họ không chống trả. Vũ khí của họ chỉ là niệm Phật, ngồi thiền, và nắm lấy tay nhau, để mình không thể gỡ họ ra từng người mà tống lên xe được. Có cả một vị thiếu tướng từ trung ương vào để chỉ huy trận đánh. Tại sao phải huy động một lực lượng hùng hậu như thế, từ trung ương đến địa phương, để đánh dẹp một nhóm người tay không hiền lành như thế? Tại sao hơn một năm trời mà không dẹp được họ? Họ có gì để phải bám víu vào cái chùa này? Chỉ có ngày hai bữa cơm chay, chỉ có ngày ba buổi ngồi thiền, một buổi pháp thoại, một buổi thiền hành? Tại sao đông như thế, trẻ như thế mà họ sống chung với nhau an lành được như thế? Trong bọn họ có những đứa tốt nghiệp đại học, con của cán bộ cấp cao, có việc làm, có lương cao, nhưng đã bỏ tất cả để đến sống đời đạm bạc tu hành. Phải có một cái gì hay ho lắm mới hấp dẫn được họ như thế chứ? Đâu có thể nói là chỉ vì họ nghe lời đường mật của một người nào đó sống ở nước ngoài, để chống lại nhà nước ta? Bởi vì lệnh trên đã đưa ra, mình phải thừa hành thôi, nhưng mình rất hổ thẹn với lương tâm mình. Trước kia, mình đã nghĩ là những thủ đoạn ấy chỉ để sử dụng tạm thời vì nước vì dân, vì sự nghiệp đại đoàn kết. Nhưng bây giờ mình đã thấy những thủ đoạn ấy là gian trá, là thấp hèn, là trái với lương tâm con người. Mình bắt buộc phải giữ những cảm nghĩ này cho riêng mình. Mình không dám nói cảm nghĩ ấy ra dù với những người trong cùng đơn vị, huống hồ là nói với cấp trên. Mình đi tới cũng không được, mà tìm cách thoát khỏi guồng máy cũng không xong. Phải làm thế nào đây để mình có thể sống thật được với chính mình?

***

Mình thuộc hàng giáo phẩm của Giáo Hội. Bát Nhã đã trở thành một trăn trở lớn. Những người tu trẻ ấy, mình biết là họ có tu thật. Ai đã từng thăm viếng và tiếp xúc với họ đều thấy như thế. Nhưng tại sao mình bất lực không che chở được cho họ? Tại sao mình phải sống và hành xử như một nhân viên của chính quyền? Tách rời chính trị khỏi tôn giáo, giấc mơ này đến bao giờ mới thực hiện được? Trong thời Thực dân, trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân. Một đạo Phật thật sự có uy quyền lãnh đạo tinh thần, người ta rất sợ. Người ta chỉ chấp nhận được một tổ chức Giáo Hội mà người ta có thể kiểm soát được, sai sử được. Ngày xưa đức Thế Tôn cũng đã không chịu khuất phục trước bạo quyền, kể cả bạo quyền của vua A Xà Thế. Trong thời Pháp thuộc, trong thời ông Diệm, ông Kỳ và ông Thiệu, các bậc cha anh của mình cũng đã tranh đấu. Tại sao bây giờ mình không tiếp nối được công hạnh ấy, tại sao mình phải chấp nhận vai trò làm công cụ cho một đường lối chính trị không muốn cho phép mình vươn dậy trên con đường lý tưởng, thực hiện hoài bão cao cả của bồ đề tâm?

Ban đầu mình nghĩ rằng bó thân theo nhà nước thì còn có cơ hội làm được một ít “Phật sự”, còn nếu chống nhà nước thì hoàn toàn là sẽ không làm được gì, do đó mình đã phải ẩn nhẫn chịu đựng mọi chê trách của các bạn đồng liêu để đi vào guồng máy. Nhưng sau đó mình lại thấy rất rõ ràng rằng chính nhờ các vị ở ngoài Giáo Hội có can đảm nói lên tiếng nói phản kháng cho nên người ta mới để cho mình làm được một ít công việc Phật sự. Mình sẽ trả lời như thế nào với lịch sử? Ý nguyện của mình là vực dậy một nền Phật giáo sinh động có công năng phục vụ dân tộc và đất nước, không phải là chiếm giữ một chức vụ trong guồng máy kiểm soát Phật tử. 

Vị thượng tọa kia bị áp lực không cho phép được tiếp tục bảo lãnh cho các tăng sinh tiếp tục tu học tại chùa, không đủ sức kháng cự, phải buộc lòng phản thầy, phản bạn, đi ngược lại lời nguyền và sự cam kết long trọng của mình cách đây chỉ có mấy năm. Tội nghiệp cho vị ấy. Nhưng vị ấy là ai? Vị ấy có mặt ngoài mình hay có mặt ngay trong tự thân mình ? Mình cũng đang bị áp lực, không dám nói và làm những gì mình nghĩ để có thể bảo hộ cho con em của chính mình. Có phải hoài bão sâu sắc của mình là “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”? Vậy mà vì cớ gì mình đành phải bất lực nhìn các học tăng, học ni con em của mình bị đàn áp, nhục mạ và chà đạp? Mình sẽ nhìn con cháu mình bằng mặt mũi nào? Chân diện mục của mình là gì? Mình là ai?

Mình là huynh đệ với nhau, cùng là đệ tử của đức Thế Tôn, nhưng có phải vì công phu thực tập xây dựng tình huynh đệ của mình chưa đủ vững chắc, cho nên mình mới bị người ta chia rẽ và kết quả là mình đã giận hờn nhau, trách móc nhau? Theo nguyên lý thị hiện của Phật dạy thì đáng lý dù theo Giáo Hội này hay Giáo Hội kia, mình cũng vẫn là anh em của nhau, bên nào làm việc bên ấy mà không cần phải chống đối nhau và xem nhau như thù nghịch. Đó phải chăng là vì sự thực tập của mình còn yếu kém? Đó phải chăng là vì đạo lực của mình chưa đủ cao cường? Nhưng mình đã học được bài học: nếu ngay tự bây giờ mình biết nhìn nhận nhau, hòa giải với nhau thì mình vẫn có thể vực dậy tình huynh đệ ngày xưa, gây niềm tin cho quốc dân và làm gương cho bốn chúng. Dù có trễ nhưng vẫn còn kịp thời. Chỉ cần một giây phút giác ngộ là tình trạng đạo pháp sẽ thay đổi. Hình như Bát Nhã ngày nay đã học được bài học ấy: những vị xuất gia tu học ở đây, số lượng có cả đến 400 vị, nhưng khi bị đánh đuổi họ đã không bao giờ tỏ vẻ thù hận vị thượng tọa đã từng cưu mang họ trong bao nhiêu năm. Họ biết rằng vị thượng tọa ấy vì chịu áp lực rất nặng nên đã bị bắt buộc phải mời họ ra khỏi chùa. Mình bị dồn vào phía phải phản bội huynh đệ mình, đó là vì pháp lực của mình chưa tới mức cao cường. Mình phải quyết tâm hạ thủ công phu thế nào để đạt cho được mức đạo lực ấy? Có hiểu mới có thương. Mà đã thương thì sẽ không còn xem nhau như là thù nghịch. Xem nhau như là thù nghịch tức là còn làm nạn nhân cho những âm mưu chia rẽ.

Người Phật tử Việt Nam, từ hai ngàn năm nay, thời nào cũng thuần kính tôn ngưỡng Tam Bảo, một lòng quy ngưỡng Phật, Pháp và Tăng. Vậy mà bây giờ có những nhóm người được thuê mướn, mang guốc dép đi vào Phật điện giăng biểu ngữ, chửi bới, ném phân thối vào chư vị tôn túc, đập phá chùa, hành hung, đánh đuổi các thầy và các sư cô ra khỏi chùa. Các viên chức chính quyền đã thuê mướn họ, nói họ là Phật tử. Đó là một hành động vu cáo Phật giáo, bôi bẩn lịch sử. Hành động này làm cho mình muốn nôn mửa, nhưng tại sao mình không dám nói lên ? Giáo hội Phật giáo có khả năng minh oan cho người Phật tử khi người Phật tử bị bôi xấu và bị vu oan giá họa không ? 

Bát Nhã không phải là một vấn đề mà ban Thường Trực Giáo Hội phải giải quyết cho xong. Bát Nhã là một công án, một vấn nạn của đời mình. Mình sẽ phải giải quyết như thế nào để đừng hổ thẹn với chư vị tổ sư, với những bậc tiền bối? Tại sao mình không nói được cảm nghĩ chân thành của mình với các vị đồng liêu trong guồng máy Giáo Hội? Tại sao mình không được phép thực tập phép Kiến hòa đồng giải, mà phải che dấu tư tưởng và cảm nghĩ của mình?
(http://www.langmai.org/thu-vien/tac-pham/1404)


TÔI ĐỌC “BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN” 
CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
 Trần Chung Ngọc

Công án” (Koan, 公案, gōng-àn, gong'an) là một thuật ngữ Phật giáo để chỉ một công cụ tham chiếu của một loại hình tu chứng trong Thiền Phật giáo để đi từ bờ mê, trong thoáng chốc hay suốt cả đời, đến bến giác. Ý nghĩa của công án không thể hiểu được bằng tư duy thuần lý, mà chỉ có thể đạt được bằng trực giác (the meaning of which cannot be understood by rational thinking, yet it may be accessible by intuition).

Gần đây, thuật ngữ đó được Thiền sư Nhất Hạnh đặt thành tựa đề của một bài viết làm một số bạn đọc, nhất là bạn đọc Phật tử, thắc mắc. Chúng tôi xin đăng bài viết dưới đây của tác giả Trần Chung Ngọc, một thân hữu Phật tử, như một đóng góp phản hồi. 

Vài Lời Nói Đầu: Bài viết này thuộc loại không nên viết nhưng lại không thể không viết. “Không nên viết” vì tôi là một Phật tử, và “không thể không viết” cũng vì tôi là một Phật tử. Là một cư sĩ còn lăn lộn trong vòng thị phi thế tục mà viết bài nhận định về “Công án” của một Thiền sư đã thoát tục, vang danh khắp thế giới như Thiền sư Nhất Hạnh, thì thật quả là “không nên viết”. Nhưng trong lãnh vực học thuật trí thức, tôi lại không thể không viết, vì đọc suốt bài “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền” của Thiền sư Nhất Hạnh, tôi vẫn không hiểu thế nào là “công án Bát Nhã”, so với cái hiểu trước của tôi về thế nào là một “công án”, vì vậy cho nên không thể không viết. Rất có thể, tôi chưa đủ khả năng để hiểu “công án” của Thiền sư Nhất Hạnh. Tuy nhiên, là một Phật tử không ít thì nhiều đã thấm nhuần “Kinh Nền Tảng Đức Tin (Kinh Phật thuyết cho người dân Kalama] của Phật Giáo, tôi muốn nói lên những suy tư của mình về một vấn nạn không chỉ liên quan đến Tu Viện Bát Nhã mà có thể liên quan đến Phật Giáo Việt Nam nói riêng, đất nước nói chung, dù rằng những suy tư này, với những giới hạn của chúng, có thể làm cho một số người không hài lòng, phật ý.

Thành thực mà nói, đọc bài viết trên ký tên Nhất Hạnh, với sự hiểu biết của tôi về Thiền Sư Nhất Hạnh qua một số không ít những tác phẩm viết về Phật Giáo của Thiền sư trước đây, tôi thật tình không dám tin đó là sản phẩm trí tuệ của Thiền sư Nhất Hạnh. Tôi có cảm tưởng là tên tuổi và uy tín của Thiền sư ở ngoại quốc đã được sử dụng cho những mục đích có thể nằm ngoài vòng kiểm soát của Thiền sư. Nhận định này của tôi có thể sai, nhưng tôi không thể nào nghĩ khác được, sau khi đọc đi đọc lại bài “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền”. Thật vậy, trong “công án Bát Nhã” này tôi thấy cả một tu viện, mấy trăm Tăng thân Làng Mai và Pháp Nạn của Phật Giáo Việt Nam. [Thích Nhất Hạnh: Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầucủa thế kỷ thứ hăm mốt.], trái ngược hẳn với sự hiểu biết của tôi về những “công án” mà tôi đã đọc, thường chỉ là một mẫu đối thoại , một đoản văn , một câu chuyện ngắn ngắn thuộc về Thiền Đạo . Những công án nổi tiếng nhất trong Thiền Tông Phật Giáo chỉ là một chữ “mu” [vô = không] hay ngắn gọn như “Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ: Tất cả đi về một, một đi về đâu”, hoặc “Tiếng vỗ của một bàn tay là gì?”. Vậy bài viết này chỉ để trình bày một khúc mắc trong lòng, hi vọng có thể giải tỏa được nỗi bức xúc của tôi.

 Tôi không phải là đệ tử của Thiền sư Nhất Hạnh, nhưng điều này không có nghĩa là tôi ở phe nào đó chống Thiền sư. Trái lại, tôi đã viết nhiều bài bênh vực Thiền sư, từ chuyện Thiền sư phản chiến khi xưa cho đến vụ Thiền sư phát biểu về vụ Bến Tre sau vụ 9/11 xẩy ra trên nước Mỹ. Tôi cũng đã giới thiệu cuốn “Đường Xưa Mây Trắng” của Thiền sư mà tôi cho là một tuyệt phẩm. Và tôi cũng đã hai lần đưa lên Internet bài “Tùng” của Thiền sư, một trong những bài mà tôi ưa thích nhất của Thiền sư. Lâu lắm rồi, tôi đã có lần định theo chị Chân Huyền đến Làng Hồng [khi còn chưa đổi tên thành Làng Mai] tu học. Nhưng có lẽ vì chưa đủ duyên nên tôi không thực hiện được ý định. Rồi thời gian qua, tôi cũng đã thành thực tỏ ý là tôi không đồng ý với một số điểm trong những bài thuyết giảng ngoài lề Phật Giáo của Thiền sư. Vậy quý độc giả hãy coi bài viết này là một bài phân tích và thảo luận thuần túy trí thức về một phương pháp thiền quán quan trọng trong Phật Giáo để đưa hành giả đến giác ngộ: công án, và chỉ như vậy thôi. Thật ra, phân tích thảo luận trí thức về “công án” là rời xa công án rồi, vì công án chỉ có thể chứng nghiệm chứ không thể luận bàn. Nhưng hiểu thế nào là công án, trong lịch sử Phật Giáo công án thiền được phát triển từ bao giờ, nhằm mục đích gì, công dụng của công án là như thế nào, có tác dụng đối với những hành giả như thế nào, tôi cho không phải là chuyện vô ích. Đây là những điều cần biết trước khi đi vào bài “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền” của Thiền sư Nhất Hạnh.

*

Trước hết, công án là gì? Thật ra thì không ai có thể trả lời câu hỏi trên vì có thể chính câu hỏi đó cũng là một công án, lý do: công án không thể định nghĩa hay hiểu bằng con đường trí thức. Trước khi đi vào chi tiết những vấn đề trên để hiểu về một phương pháp tu tập đặc thù của Phật Giáo, chúng ta hãy đọc vài tài liệu để biết chút ít về “công án”.

1. Tỳ Kheo Thích Chơn Thiện viết trong bài “Thiền Công Án” : 

Thật là lúng túng khi bàn đến Công án Thiền. Hỏi Công án là gì cũng như hỏi Chân như là gì hay Diệu nghĩa của Phật pháp là gì! 
Làm sao đặt chân đến đó với ngôn ngữ khái niệm quá nghèo nàn, giới hạn? 

Đề cập đến Công án một cách gián tiếp, phủ định chăng? Nếu bằng cách đó thì chúng ta đã trở lại ngôn ngữ mà Công án sử dụng. 

Mở cửa Công án bằng những Công án mới chăng? Cách này chỉ đem lại cho người đọc thêm lúng túng, mà vấn đề Công án vẫn bỏ ngõ

Người viết bèn phương tiện mượn ngôn ngữ nhật dụng để nói đến Công án, nhưng nói với thái độ đầy cẩn trọng. 

Tông chỉ của Thiền Công án (hay Thiền Tổ sư) là: "Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật" (truyền riêng ngoài giáo, không lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật). Do đó, Công án Thiền thật sự dành riêng cho căn cơ đặc biệt thích hợp với nó. Tiếng hét, cây gậy, lời lẽ v.v... hình như chỉ đến riêng với hành giả đang đối diện với Thiền sư ở một thời điểm đặc biệt nào đó. Mỗi Công án, vì vậy, có một tác dụng riêng. Điểm giống nhau của các Công án là trợ giúp hành giả bừng ngộ. Nói đến Ngộ là nói đến ngộ tự tánh, hay pháp tánh. Như thế, dù đối tượng nắm giữ có khác nhau, thời gian nắm giữ đối tượng có dài ngắn khác nhau ở mỗi hành giả, chung qui chỉ có một việc: thế nào để làm hiển lộ tâm giữa đám sương mù của vọng niệm. Nếu không phải thế thì chúng ta không có gì để bàn đến Công án cả; trong ý nghĩa đi tìm giải thoát từ nó… 

Với Công án Tổ dạy, do vì hành giả đặt nhiều tin tưởng vào đó, nắm giữ nó như là nắm giữ chiếc đũa thần, nên hành giả tập trung mạnh tâm thức vào đó mà sớm vỡ lẽ tâm, pháp. 

Với sự vật trước mắt, nếu hành giả can đảm, có đủ lòng tin, tập trung quán tưởng vào đó, chúng cũng sẽ giúp hành giả đi đến một thành tựu tương tự. 

Một điều duy nhất đã làm cho Công án trở nên bí ẩn và làm cho việc thấy Tánh trở nên khó khăn là do sức tập trung tâm thức không đủ mạnh để làm tan vỡ các vọng niệm. Sức tập trung tâm thức ấy chỉ đủ mạnh nếu hội đủ hai điều kiện: 

1. Đối tượng quán thích hợp với điều kiện tâm lý của hành giả, thu hút được sức tập trung mãnh liệt của hành giả. 

2. Lòng tin của hành giả chú tâm vào đối tượng. 

Nói cách khác, bí ẩn của Công án chính ở chỗ làm dấy lên được sức tập trung mạnh để xóa tan các vọng niệm ấy. 

2. Trong cuốn “Các Tông Phái của Đạo Phật”. khi viết về Thiền Tông, Thượng Tọa Tuệ Sỹ có viết một đoạn về công án như sau, trang 312-313:
Có một quá trình riêng biệt nơi Thiền Tông. Khi định tâm vào tư duy tịch mặc, một “công án” được đặt ra cho hành giả để trắc nghiệm khả năng tiến bộ đến tỏ ngộ. Khi nhận được một công án, hành giả bắt đầu tĩnh tọa nơi thiền đường. Ngồi thoải mái, chân kiết già, thân ngay ngắn và thẳng lưng, tay kết thiền ấn, mắt mở nửa chừng. Đây gọi là tọa thiền có thể kéo dài nhiều ngày đêm. Sinh hoạt hàng ngày, ở, ăn, ngủ, tắm … đều được giữ cho có chừng mực. Im lặng được tuyệt đối tuân giữ.; tức khi tọa thiền, thọ thực hay tẩy trần, không ai được nói lời nào và gây tiếng động nào. Thỉnh thoảng xảy ra cuộc đối thoại gọi là “vấn đáp” giữa hành giả và thiền sư.., hành giả nêu những thắc mắc và thiền sư trả lời bằng ẩn dụ hay quát mắng. Khi hành giả sẵn sàng để giải quyết vấn đề, ông ta đến thăm sư phụ nơi trượng thất, trình bày những gì đã thấu hiểu và xin được giải quyết công án. Nếu thiền sư đắc ý, ngài sẽ nhận cho là đắc đạo; nếu không hành giả lại phải thiền quán thêm nữa.
3. Trong bài Công Án Thiền và Vấn Đề Nhận Thức, TT. Thích Đức Thắng viết:
Kiến thức của người chưa đạt Đạo cũng giống như kiến thức của bọn mù. Vì cái sở đắc của họ nhờ vào người đạt Đạo nói cho nghe, cho biết chứ không phải chính họ thấy. Như trong kinh Viên Giác đức Phật dạy: "Người chưa ra khỏi luân hồi mà nghĩ bàn về Viên Giác, thì tánh Viên Giác đó cũng trở thành luân hồi" (trang 64 kinh Viên Giác, H.T. Thiện Hoa dịch).

 Từ những nhận thức sai lầm mà chúng ta không nhận ra đó, đã đưa việc làm của chúng ta đến những hậu quả sau đây:

* Sẽ không có sự đạt ngộ về Đạo trong cách dùng kiến giải do trí phân biệt mà bàn ngược bàn xuôi về công án Thiền. 

* Biến Thiền tông thành Giáo tông.

* Biến những hoạt ngữ của công án Thiền trở thành tử ngữ (giết chết công án Thiền).

* Làm mờ mắt thiên hạ bằng những lập luận hợp tình hợp lý của kiến thức nhị nguyên về công án Thiền.

* Từ những sai lầm trên chúng ta đã phản bội lại chính mình, đã phản bội lại chư vị Tổ sư, đã phản bội lại đức Phật.

Như vậy, công án Thiền không phải là một đối tượng nhận thức, vì cứu cánh của chúng vượt lên trên ngôn ngữ chấp trước của tri thức, đó là một cảnh giới mà kinh Bát Nhã gọi là" VÔ SỞ ĐẮC," kinh Kim Cương gọi là"VÔ SỞ TRỤ," kinh Lăng Già gọi là "CẢNH GIỚI CỦA THÁNH TRÍ TỰ CHỨNG."

4. Nhuận Bảo viết trong bài Đôi Nét Về Thiền Công Án:
Công án Thiền, chính là Thiền ngữ của các bậc đắc pháp ngày xưa (Trung-hoa và Việt-nam) được những bậc thầy của Tông môn này sưu tầm, kết tập lại để dạy người đời sau tham thiền, tu học . 

Những Thiền ngữ này, tức phương tiện khai thị của các Thiền-sư hoàn toàn chẳng giống như những bài toán, những luận đề hay là những lý thuyết khoa học mà con người có thể biện biệt, phân tích, luận bàn đúng sai phải trái, để rồi dẫn đến một kết luận tương đối hay cho ra một đáp án khả dĩ số đông chấp nhận được. Bản chất và công năng của Công án Thiền hoàn toàn không phải như thế. 

5. Từ Thị viết trong bài Công Án:
Việc Thiền tông đem ngôn hạnh của tổ sư các đời ghi chép lại dùng để khải thị cho kẻ tọa thiền, lâu dần cũng thành ra một loại tư khảo, hoặc một bài minh nhắc nhở ghi khắc bên cạnh người ngồi thiền. Vì ngôn hạnh của các Tổ sư được ghi chép lại như vừa nói trên cũng mang ý nghĩa như một cáo bạch chính thức, một công án của chính phủ, tức đầy đủ tính cách trang nghiêm bất khả xâm phạm, lại cũng giúp khải phát tư tưởng, cung ứng tư duy cho người nghiên cứu Thiền, đồng thời cũng làm phép tắc khuôn mẫu để đời sau nương nhờ, cho nên mới gọi là công án. 

Phong khí nầy xuất hiện ban đầu từ đời Đường, đến nhà Tống thì thật thạnh hành. Căn cứ vào sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục có người cho rằng tổng số công án ở Trung Quốc ước khoản 1700, nhưng thật ra không đúng như thế, vì một số công án chỉ là các mẫu đối cơ giữa sư đồ hay đấu cơ phong giữa các thiền sư với nhau… 

Công án là một hình thức khải thị sâu kín chỉ ý Thiền tông. Vậy muốn tìm hiểu sơ bộ chỉ ý Thiền để làm phương hướng giúp trực giác tự phát lảnh hội phần sâu thẳm thì các tăng ni sinh nên chú tâm đến phạm trù chỉ ý. Thật ra về phương diện tuyệt đối thì chỉ ý là phần bất khả tư nghì, là thánh ý không thể dùng ngôn ngữ văn tự phàm tình để mong nắm bắt, nhưng ở một chừng mực tương đối nào đó thì chỉ ý này bao hàm một số nguyên lý nằm trong chủ trương và tinh thần Thiền tông. Thiền tông dựa trên tinh thần tự chủ, sùng thật và cách tân ( còn gọi là thích nghi) và đưa ra chủ tương “Bất lập ngôn ngữ văn tự, giáo ngoại biệt truyền, dĩ tâm truyền tâm, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”. 

Nếu chúng ta muốn đào sâu hơn nữa về “công án” thì có thể đọc Daisetz Teitaro Suzuki trong cuốn “Essays in Zen Buddhism”, Second Series, từ trang 90 đến trang 223. Trong phạm vi bài viết này, tôi không nghĩ hơn 100 trang viết về Công án của Suzuki thích hợp với nội dung của bài. Độc giả có thể tìm đọc phần này trong bản dịch của TT Tuệ Sỹ: “Thiền Luận, Tập Trung”, từ trang 125 đến trang 321.

Đọc 48 công án Thiền trong “Vô Môn Quan” và 100 công án Thiền trong “Bích Nham Lục” tôi thấy chỉ là những mẩu chuyện (tắc) hỏi đáp ngắn giữa các Thiền sư, hoặc về các Thiền ngữ hay phong cách của các Thiền Sư đã đắc Đạo, hoặc về những biến cố trong cuộc đời của Thiền sư, và công dụng chính của một công án là giúp hành giả bừng ngộ như Hòa Thượng Thích Chơn Thiện đã viết ở trên. Xin nói rõ ở đây là tôi “chỉ đọc” chứ chưa hề tham chiếu bất cứ một công án nào, đọc để biết vậy thôi, loáng thoáng cũng có đôi chút cảm hứng về những câu chuyện “bất bình thường” trong mấy cuốn trên.

Tại sao trong Thiền Tông Phật Giáo lại có nhiều công án như vậy. Ít ra là 500 nếu không muốn nói đến con số 1700. Vấn đề thật là dễ hiểu. Chúng sinh căn trí bất đồng cho nên không thể dùng một công án cho tất cả mọi người. Các Thiền sư khi xưa thường biết rõ khả năng và căn trí của mỗi đệ tử cho nên thường chọn công án nào thích hợp với căn trí và trình độ tu tập của mỗi đệ tử. Trong Lời Tựa cuốn “Vô Môn Quan” của thiền sư Vô Môn Tuệ Khai, Người kể:

 “Các sư dưới quyền yêu cầu tôi chỉ dạy họ. Cuối cùng, tôi lấy những công án của các Thiền sư trước và sử dụng chúng như là những viên gạch để gõ vào cửa, hướng dẫn họ tùy theo khả năng và khuynh hướng của mỗi người. Từ lập trường căn bản của Thiền, ‘cái đó” [ngộ] không bao giờ có thể dạy hay bày tỏ bởi những người khác, tuy nhiên tôi hi vọng những công án đó có thể dùng như những viên gạch gõ vào cửa, hay như ngón tay chỉ trăng, cho đến khi “vô môn quan” được mở ra.”[1]
Từ những hiểu biết trên về “công án” chúng ta đã có thể có những kết luận sau đây:
Công án Thiền, chính là Thiền ngữ của các bậc đắc pháp ngày xưa.
Công dụng của công án là hướng dẫn hành giả đi đến giác ngộ.
Công án thường được các bậc Thầy đã đạt đạo chọn sao cho thích hợp với khả năng và căn trí của mỗi hành giả. 

Và bây giờ chúng ta hãy đi vào bài “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền” của Thiền sư Nhất Hạnh. 

*

Mở đầu Thiền sư Nhất Hạnh viết:
Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. Công án là một vấn nạn cần phải giải quyết bằng niệm, định và tuệ chứ không thể chỉ bằng trí năng của ta.
“Công án Bát Nhã” của Thiền sư Nhất Hạnh, theo đúng tinh thần của Công án, là để cho các hành giả quán chiếu “Bát Nhã” như là một “thoại đầu”, như Thiền sư đã viết rõ trong bài. Nhưng Bát Nhã là gì? Theo Thiền sư thì Công án Bát Nhã là Công án Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Công án Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Công án Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. , có nghĩa là Tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc là một thoại đầu để quán chiếu, Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền là một thoại đầu để quán chiếu, và Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt là một thoại đầu để quán chiếu.

Nhưng thực ra Tu Viện Bát Nhã, Tăng Thân Làng Mai, và Pháp Nạn Của Phật Giáo Việt Nam có phải là những thoại đầu để tham cứu như là tham cứu một công án không. Câu trả lời nằm trong câu hỏi. Tiện đây chúng ta cũng nên bàn qua về những “thoại đầu” trên.

Thoại đầu 1: Tu Viện Bát Nhã. Quán chiếu thoại đầu “Tu viện Bát Nhã” là quán chiếu cơ sở vật chất “Tu Viện Bát Nhã” hay là quán chiếu “vụ việc xẩy ra ở Tu Viện Bát Nhã”? Nếu quán chiếu cơ sở vật chất của Tu Viện Bát Nhã thì quán chiếu cái gì, toàn bộ cơ sở, hay chỉ có thiền đường, nhà bếp v…v… Còn quán chiếu vụ việc xẩy ra ở Tu Viện Bát Nhã thì còn loạn tâm hơn nữa, vì vụ việc này là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có mặt của chính Thiền sư, của 400 Tăng sinh Làng Mai, của Giáo Pháp Làng Mai, của chính quyền, của vị trụ trì Tu Viện, của chính quyền địa phương, của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, của công an, của côn đồ, của người dân địa phương v…v… và v…v…

Thoại đầu 2: Tăng Thân Bát Nhã. Phần này xin để cho các Tăng thân Làng Mai và Tăng thân Bát Nhã quán chiếu, hoặc cho bất cứ ai muốn quán chiếu..

Thoại đầu 3: Pháp Nạn Của Phật Giáo Việt Nam [trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt]. Nhưng thực ra Pháp Nạn của Phật Giáo Việt Nam là ở đâu? Nó ở ngay trong Làng Mai với những “giáo pháp” như:

- Đức Ki Tô Hằng Sống là Con của Thượng Đế, đã phục sinh, và nay vẫn còn tiếp tục sống.

- Chúng ta phải quán chiếu mọi hành động và mọi lời dạy của Chúa Giêsu trong cuộc đời Ngài, như một mẫu mực để chúng ta tu tập. Giêsu sống đúng như lời dạy của Ngài, cho nên suy gẫm cuộc đời Chúa Giêsu là điều tối cần thiết để hiểu giáo lý của Ngài.

- Tội tổ tông cũng có thể được chuyển hóa khi một người tiếp xúc với Thánh Linh. Giêsu là con của Thượng Đế… 

- Nơi duy nhất chúng ta có thể tiếp xúc với Giêsu và Nước Chúa là ở trong nội tâm mình. 

- Khi chúng ta theo dõi và tiếp xúc một cách sâu sắc với cuộc đời và giáo lý của Chúa Giêsu,

chúng ta có thể thâm nhập vào sự thật của Thượng Đế. Tình yêu, sự hiểu biết, lòng can đảm, sự bao dung, là những biểu hiện của cuộc đời Chúa Giêsu. Thượng Đế xuất hiện với chúng ta qua Giêsu Ki Tô. Với Thánh Linh và Nước Chúa ở trong Ngài. 

Mấy câu trên là ở trong cuốn “Living Buddha, Living Christ”, Chương 4 của Thiền sư. Trên trang nhà: http://www.johnworldpeace.com/tnhanh4.html , sau đây là vài nhận định điển hình của John phê bình Chương 4 trong cuốn sách trên của Thiền sư :

[John: Well! No Brother Hanh, Jesus did not live exactly as he taught. His admonition to turn the other cheek did not apply to his actions in the Temple. There are many such examples in the gospels of the New Testament in the Christian Bible. For more examples go to The Saying of Jesus 

John: Well again Brother Hanh, I do not think you want to make this kind of statement. 

Further you can see here the precedent that Jesus set for later Christians to deal accordingly with non-Christians and their pagan religions. 

I truly respect you Brother Hanh, but you are attempting to write about Christianity which you do not fully understand ]

Thế kỷ 21 mới chưa hết MỘT thập niên. Và trong thập niên này Việt Nam được hân hạnh tổ chức Lễ Tam Hợp của Liên Hiệp Quốc để kỷ niệm Ngày Sinh, Ngày Thành Đạo, và Ngày Nhập Niết Bàn của Đức Phật. Thiền sư cùng Tăng thân Làng Mai đã về dự. Thiền sư cũng đã về Việt Nam làm Trai Đàn Giải Oan cho những người đã khuất. Thiền sư cũng đã được Thủ Tướng Phan Văn Khải và Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết tiếp kiến. Thiền sư cũng đã được dân chúng và Giáo hội đón tiếp với thảm đỏ, lọng vàng. Vậy Pháp nạn là ở đâu, làm gì có Pháp nạn. Chỉ sau vụ việc ở Tu Viện Bát Nhã vào hai năm cuối của thập niên đầu, thế kỷ 21, Thiền sư mới cho rằng có Pháp nạn và đó là Pháp Nạn Của Phật Giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. Vậy phải chăng Thiền sư cho cái mà Thiền sư gọi là “Pháp nạn Bát Nhã” cũng là Pháp nạn của Phật Giáo Việt Nam?  Pháp nạn Bát Nhã [nếu thực sự có] tuyệt đối KHÔNG PHẢI là Pháp Nạn của Phật Giáo Việt Nam. Làng Mai không phải là Phật Giáo Việt Nam, dù ở Việt Nam có một số tu theo Giáo Pháp Làng Mai.. Làng Mai chỉ là một tổ chức tôn giáo có Tổng Hành Dinh ở Pháp. 

Pháp nạn thật ra đã có từ lâu, ở trong những cụm từ phân biệt “Ấn Quang và Quốc Tự”, “Thống Nhất và Quốc Doanh”. Khi xưa, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đã nhìn thấy Pháp Nạn trong nhận định: “bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ Tăng bị phân hóa và thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ, phiến diện”. Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương hay của chính quyền trung ương liên hệ đến vấn đề xã hội không phải là không quan trọng. Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, không thiếu gì những trường hợp kiểm soát việc tu hành của các Tăng sĩ, có khi còn bắt Tăng sĩ hoàn tục. Nhận định như vậy không có nghĩa là những biện pháp của chính quyền đối với các Tăng sinh ở Tu Viện Bát Nhã là đúng với truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Vì cùng là một “công án Bát Nhã” nên hành giả phải quán chiếu cùng lúc ba thoại đầu. Nhưng ai là hành giả?

Thiền sư Nhất Hạnh viết:

Công án Bát Nhã là của mọi người, là của mỗi cá nhân và cũng là của từng tập thể. Công án ấy có thể được tham cứu bởi một vị tu sinh Bát Nhã, một học tăng đang theo học tại một trường Trung Cấp Phật Học trong nước, một vị Thượng Tọa trong Giáo Hội, một chú Công an, một ông Bộ trưởng, một vị Linh mục Công giáo, một vị Mục sư Tin lành, một ủy viên Bộ Chính Trị, một vị chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố, một bí thư Tỉnh Ủy, một ủy viên Trung Ương Đảng, một nguyên thủ quốc gia, một chủ bút nhật báo hay tạp chí, một nhà trí thức, một nhà nghệ sĩ, một nhà doanh thương, một giáo chức, một ký giả, một vị trú trì, một vị đại sứ.
Trong một đoạn khác, Thiền sư Nhất Hạnh viết;
Ngày xưa, vua Trần Thái Tông ngộ đạo nhờ tham cứu công án “bốn núi” và công án “con người thật không có vị trí (vô vị chân nhân) ”. Thiền sư Liễu Quán ở Phú Yên ngộ đạo nhờ tham cứu công án “tất cả đi về một, một đi về đâu? ” và đã đệ trình kiến giải tại chùa Ấn Tôn (Từ Đàm), Huế.
Điều này có nghĩa là tham cứu Công án là để ngộ đạo. Hi vọng mọi người chúng ta, xin để tôi ra ngoài, và tất cả các vị trong danh sách trên của Thiền sư Nhất Hạnh, đặc biệt là Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, hay một chú Công an, hay một Linh Mục Công giáo hoặc Mục sư Tin lành đều có thể ngộ đạo [đạo nào?] nếu có thì giờ và để tâm tham cứu cùng lúc ba thoại đầu trên. Hi vọng Chủ Tịch Nước hãy bò việc nước, công an bỏ việc giữ gìn trật tự an ninh trong xã hội, Linh mục Công giáo bỏ các khóa lễ, Mục sư Tin Lành bỏ nói bậy v…v… để giải quyết công án của Thiền sư Nhất Hạnh. Giải quyết như thế nào? Thiền sư đã dạy rõ:
Công án không thể được giải quyết bằng lý luận, bằng biện chứng pháp, dù là biện chứng pháp duy tâm hay duy vật, mà phải được giải quyết bằng niệm lực và định lực, nghĩa là bằng năng lượng của chánh niệm và chánh định… Niệm có nghĩa là nhớ tưởng, là canh cánh bên lòng, là nâng công án lên từng giây từng phút trong đời sống hàng ngày của mình để quán chiếu, không phút giây nào xao lãng. Niệm phải liên tục không được gián đoạn. Khi ăn cơm, khi mặc áo, khi tiểu tiện hoặc đại tiện, khi uống trà, khi tắm gội, hành giả phải đưa công án lên để mà quán chiếu.
Cứ thế mà theo thì sẽ giải được công án của Thiền sư, và Thiền sư bảo đảm là:
Giải được công án thì ta thấy khỏe, không còn lo sợ thắc mắc gì nữa, là thấy được con đường đi, là đạt được sự an tâm. 
Như vậy, chúng ta thấy rằng, “Công án Bát Nhã” của Thiền sư Nhất Hạnh thực ra không phải là một “công án Thiền”, vì cái gọi là “công án” này phát sinh từ một tâm trạng bất mãn, vì hào quang sáng rực của mình ở ngoại quốc có vẻ như không phát huy được mà còn bị lu mờ ở trong nước, vì những mục đích không thành đạt, hi vọng không thành. Hơn nữa, Thiền sư đã lấy những ý nghĩ một chiều rất chủ quan của mình về vụ việc ở Tu Viện Bát Nhã để áp đặt lên đầu nào là đại úy Công an, nào là hàng giáo phẩm của Giáo hội, thành phần của ban Tuyên Giáo Trung Ương, ủy viên chính trị hay ủy viên trung ương Đảng, và cả vị nguyên thủ quốc gia nữa, để họ phải nghĩ theo những ý nghĩ của mình, bất kể đến khung cảnh chính trị, đến bối cảnh xã hội, và nhất là đến sự góp phần của những nguyên nhân mà chính mình tạo ra để đưa đến vụ việc ở Tu Viện Bát Nhã. Chứng minh?

Chúng ta hãy đọc:

Pháp môn Làng Mai có thể là cơ hội hiếm có để hiện đại hóa đạo Phật ở Việt Nam, và bốn năm hành trì ở Việt Nam hình như đã chứng tỏ được khả năng của pháp môn ấy. Vậy thì tại sao ta lại chịu áp lực của Trung Quốc để đàn áp và tiêu hủy ngay một nguồn sinh lực quý báu của ta? Pháp môn thực tập Làng Mai là một phần trong di sản văn hóa đất nước, hiện thời đang có khả năng đóng góp đáng kể cho một nền văn minh đạo đức toàn cầu, không phải chỉ trên mặt lý luận mà quan yếu nhất là trên mặt thực tế. [Có chủ quan lắm không? Thế giới có hơn 6 tỷ người, có bao nhiêu người thực tập theo Pháp Môn Làng Mai? Việt Nam có hơn 80 triệu người, có bao nhiêu người thực tập theo Pháp môn Làng Mai? Và Pháp Môn Làng Mai có thể hiện đại hóa đạo Phật ở Việt Nam như thế nào, hiện đại bằng cách đưa Phật tử vào vòng mê tín của Ki Tô Giáo??]

Bát Nhã ngày xưa, nay đã thành mưa, rơi xuống mặt đất, nẩy hạt Bồ đề.” [Hạt Bồ Đề của Làng Mai có nẩy mầm kết hoa ra trái ở Việt Nam được không?]

Tại sao mình chỉ muốn tu thôi mà người ta không cho mình tu? Tại sao các bậc tôn túc muốn che chở bảo lãnh cho mình tu mà nhà nước lại không cho bảo lãnh? Mình có biết chính trị là cái gì đâu và chẳng tha thiết gì tới chuyện chính trị, tại sao người ta cứ nói là mình làm chính trị và tại sao cứ nói Bát Nhã là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia? 
[Chắc Thiền sư Nhất Hạnh quên rằng: Trong chuyến đi Việt Nam vào cuối năm 2007, Thiền sư đã nói với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rằng nhà nước nên dẹp bõ ngành công an tôn giáo và giải tán Ban Tôn giáo chính phủ, cơ quan giám định những sinh hoạt tôn giáo.

Rồi đến 2008, niên giám của Làng Mai đề xuất với chính phủ hãy từ bỏ Chủ Nghĩa Cộng Sản, bỏ chữ “Cộng Sản” ra khỏi tên của Đảng chính trị cầm quyền, và bỏ cụm từ “Xã hội chủ nghĩa” ra khỏi tên chính thức của nước, “Cộng hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Vậy, dù Thiền sư vô tình hay hữu ý, dù Thiền sư muốn hay không muốn, thì những tuyên bố của Thiền sư là một ứng xử chính trị: đối tượng là chính trị, lãnh vực là chính trị, nội dung là chính trị, hậu quả là chính trị. Không biết chính trị là cái gì thì lại càng không nên dính vào chính trị]

Tại sao phải giải tán cho được Bát Nhã dù phải áp dụng những biện pháp như thuê côn đồ, vu khống, lừa gạt, đánh đập, đe dọa. [Phải chăng vì Tăng thân Làng Mai đã bất chấp luật pháp quốc gia về đăng ký, bảo hộ v..v… Phải chăng vì những tuyên bố chính trị của mình]

Tại sao hơn một năm trời mà không dẹp được họ? Họ có gì để phải bám víu vào cái chùa này? [Tại vì họ đã được Thầy của họ dạy: “Hãy cứ ngồi yên như núi���, như là một thách đố]

Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng một vị đại úy công an phải thấy rằng Bát Nhã đã trở thành công án của đời mình. Mình mất ăn, mất ngủ. Nhưng bây giờ mình đã thấy những thủ đoạn ấy là gian trá, là thấp hèn, là trái với lương tâm con người.

Trước sự kiện côn đồ giả danh Phật tử để phá phách Tu Viện Bát Nhã, Thiền sư cảm thấy: “Hành động này làm cho mình muốn nôn mửa, nhưng mình lại không dám nói ra”

Thiền sư Nhất Hạnh cũng cho rằng Bát Nhã là một vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nhưng cũng là một công án cho một nhà lãnh đạo chính trị cao cấp như một vị nguyên thủ quốc gia hoặc một vị bộ trưởng, nước mình có hay không có chân trong Hội Đồng Bảo An hay Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc và các vị này phải cảm thấy hổ thẹn, lương tâm mình không an ổn vì không dám can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam.

Tôi không muốn bàn thêm về cái gọi là “công án Bát Nhã” của Thiền sư Nhất Hạnh mà nội dung phần lớn là lên án Đảng [Hay tại vì ta là người Mác-xít, ta không có quyền quy y, ăn chay và giữ giới?], hàng giáo phẩm Giáo hội, ngành công an, Thượng tọa Thích Đức Nghi, Bộ Chính Trị, Trung ương Đảng v…v…, vì đối với Thiền sư, tất cả đều sai lầm trong vụ việc ở Tu Viện Bát Nhã, do đó tất cả đều cần phải quán chiếu “công án Bát Nhã” để sám hối và đạt được sự an tâm.

Vài Lời Kết:

Tôi đã đọc khá nhiều sách của Thiền sư Nhất Hạnh. Tôi đã giới thiệu với một số bạn trẻ, thoải mái hơn khi đọc tiếng Anh, bản dịch cuốn “Đường Xưa Mây Trắng” [Old Path, White Clouds]. Tôi đã học được nhiều từ những tác phẩm của Thiền sư viết về Phật Giáo. Tôi nghĩ rằng những điều Thiền sư giảng về “Chánh Niệm”, “Tỉnh thức”, “Hiểu và Thương” , “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười” v…v… rất cần cho xã hội Việt Nam ngày nay. Nhưng thành thực mà nói, tôi cảm thấy rất đáng tiếc khi Thiền sư càng ngày càng đi ra ngoài sở trường của Người về Phật Giáo để đi vào những sở đoản như về Ki Tô Giáo, về nhập cảng một số hình thức xã hội trong truyền thống văn hóa của nước ngoài như “Thiền Ôm”, “Bông Hồng Cài Áo” mà theo tôi, không cần thiết và có thể không thích hợp trong nền văn hóa Việt Nam, và gần đây dính vào chính trị. 

Có thể chính sự thành công của Thiền sư ở ngoại quốc đã làm cho Thiền sư thay đổi, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng trong một số phát biểu của Người đượm nhiều khoa trương về Tăng thân Làng Mai, nhất là trong bài giảng “Con Người Lý Tưởng Và Hạnh Phúc” của Thiền sư tại San Jose Civic Auditorrium chiều chủ nhật 12/9/99. Nhưng chính những sở đoản này đã làm cho Giáo Pháp Làng Mai không thể ăn sâu bám rễ ở Việt Nam dù Giáo pháp này rất thành công ở ngoại quốc. Phật Giáo Việt Nam phải thay đổi, hiện đại hóa, nhưng điều này không có nghĩa là phải pha trộn với những điều mê tín hoang đường của Ki Tô Giáo mà ngay cả những bậc lãnh đạo trong Ki Tô Giáo cũng đã bác bỏ. Phật giáo có cả một rừng Kinh điển, một nguồn tâm linh vô tận, và dù chúng ta có khai thác suốt đời cũng không làm sao tận dụng được tất cả gia tài của Đức Phật và các Tổ để lại. Pha trộn với những lễ tiết mê hoặc, “trí tuệ” với “đức tin”, thì Phật Giáo không còn là Phật Giáo nữa mà trở thành Phật Giáo lai căng.

Một thí dụ về một điều giảng dạy của Thiền sư mà tôi cho là không thích hợp với người Việt Nam. Thiền sư dạy, để tỏ lòng kính yêu mẹ, tối tối hãy vào nói với mẹ “Mẹ ơi, con yêu Mẹ lắm”. Điều này con nhỏ có thể làm, và bà Mẹ Việt Nam có thể nói: “Ơ cái thằng này ngớ ngẩn” vì chuyện con yêu Mẹ là chuyện đương nhiên, không cần phải nói ra bằng miệng. Đối với người đã trưởng thành thì nếu quan tâm tới bố mẹ, người con thường chỉ hỏi: “Hôm nay Bố Mẹ ăn có ngon miệng không?” vì “ăn ngon miệng” chứng tỏ rằng sức khỏe của Bố Mẹ bình thường, không có gì phải lo ngại. Người Việt Nam sống về nội tâm rất nhiều, không có hời hợt bên ngoài như người Tây phương. Buổi sáng, trước khi chia tay nhau đi làm, vợ chồng Mỹ thường hôn nhau đến chụt một cái, nói “I love you”. Nhưng tỷ lệ ly dị trên nước Mỹ là trên dưới 50%. “Bông hồng cài áo”, “Ngày của Mẹ”, “Ngày của Cha” , “Ngày Valentine”, “Ngày Haloween” [trước là ngày Lễ Chư Thánh], và ngay cả “Ngày Giáng Sinh”, tất cả chỉ là những hình thức bề ngoài của thương vụ.

Bài “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền” cũng thuộc vào sở đoản của Thiền sư Nhất Hạnh. Vì những bức xúc về vụ việc ở Tu Viện Bát Nhã, Thiền sư đã viết lên một bài chẳng liên quan gì đến “công án” cả, ít nhất là “công án” theo sự hiểu biết thông thường trong Thiền Tông Phật Giáo. Hơn nữa, trong bài, Thiền sư đã để lộ ra những dằn vặt tâm tư của mình, dù ẩn sau những dẫn giải hoa mỹ về “công án”. Điều này chúng ta có thể thấy rõ qua văn phong bất xứng với Thiền sư trong nhiều đoạn trong bài. 

Tôi nghĩ rằng Thiền sư Nhất Hạnh cũng chưa giải quyết được “công án” Bát Nhã do chính mình đề ra. Vì tôi không thấy sự an tâm của Ngài trong suốt bài viết. Điều này thật quá rõ ràng vì Thiền sư viết với một giọng trách cứ đượm nhiều chua chát, cay đắng về những chuyện nằm ngoài Tông chỉ của Thiền công án: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật" . Hơn nữa, Thiền sư thực sự có thiện chí để giải quyết vụ Bát Nhã cùng với chính quyền không. Theo dõi thông tin, chúng ta biết:

“Để giải quyết mâu thuẫn trên tại Tu viện Bát Nhã, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, trong chuyến thăm Pháp cuối tháng 9/2009, có đề nghị gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh (đã được thông báo trước một tháng) để bàn cách giải quyết vụ việc nhưng Thiền sư từ chối không gặp, lấy lý do là đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo” 

Chúng ta thử xem hoạt động tôn giáo của Thiền sư là những gì. Theo chương trình trong Lá Thư Làng Mai số 32 thì những hoạt động này như sau:

- 6/9/2009: Ngày quán niệm tại Tu viện Lộc Uyển.
- 8/9 – 13/9: Khóa tu tiếng Anh tại Tu Viện Lộc Uyển.
- 19/9: Pháp thoại công cộng tại Pasadena
- 20/9: Ngày quán niệm.
- 23/9 – 27/9: Khóa tu tiếng Việt tại Tu Viện Lộc Uyển.
- 2/10 – 5/10: Khóa tu tiếng Anh tại Tu Viện Bích Nham, New York.
- 9/10: Pháp thoại công cộng tại nhà hát Beacon, New York.
- 10/10: Ngày quán niệm chung với viện Omega tại trung tâm New York.

Tôi tự hỏi, tất cả những hoạt động tôn giáo trên quan trọng đến độ Thiền sư không thể để ra 1, 2 ngày để tìm cách giải quyết vấn đề 400 Tăng sinh trẻ của Thiền sư đang gặp khổ nạn tại Tu Viện Bát Nhã hay sao? Hơn nữa, Làng Mai có cả một đoàn Giáo Thọ xuất sắc, nổi tiếng, kể cả Sư Bà Chân Không, không ai có thể thay thế Thiền sư trong một số hoạt động tôn giáo thông thường như quán chiếu, khóa tu, mà nhiều Chùa, nhiều Tu Viện khác cũng thường tổ chức hay sao? Nhà nước đã đưa tay ra, nhưng Thiền sư đã không thèm bắt tay, viện một lý do không có tính cách thuyết phục. Nếu chương trình hoạt động tôn giáo của Thiền sư là một chương trình đặc biệt do một quốc gia thỉnh cầu không thể thay đổi và không ai có thể thay thế được thì lý do hoạt động tôn giáo của Thiền sư khả dĩ có thể chấp nhận. Nhưng đây là những hoạt động hàng năm của Thiền sư trên đất Mỹ, năm nào cũng quán niệm, năm nào cũng có khóa tu, những hoạt động này quan trọng hơn là việc giải quyết vấn nạn Bát Nhã hay sao? Nhiều người cho rằng đó là một hành động cống cao ngã mạn.

Người ta trách cứ là Pháp môn Làng mai chủ trương nam nữ cùng tu, trái với truyền thống nam nữ tu riêng của Việt Nam. Thực tế cho thấy tu riêng cũng chưa chắc đã đoạn tuyệt được tình ái huống chi là “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, nhất là đối với giới trẻ chưa đủ định lực. Khi xưa, Đức Phật đưa ra Bát Kỉnh Pháp, chẳng phải là hạ thấp vai trò của phái nữ, mà là tạo nên một khoảng cách đạo đức giữa Nam và Nữ, đề phòng củi lửa.

Người ta cũng trách cứ Thiền sư là, theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), nếu người tu hành dưới 18 tuổi phải có người giám hộ và phải xin ý kiến cha mẹ, nhưng đa số những người theo pháp môn Làng Mai đều dưới 18 tuổi đã không tuân thủ quy định này.

Và nhất là, người ta cũng trách cứ Thiền sư là, tại Tu Viện Bát Nhã, Thiền sư đã bổ nhiệm Phó Trụ trì Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm Hòa thượng cho một vị sư của Việt Nam mà không thông qua Trụ trì tu viện Bát Nhã và GHPGVN.

Nếu thật đúng là như vậy thì những điều trách cứ này cho thấy Thiền sư đã coi thường truyền thống văn hóa của Phật Giáo Việt Nam, coi thường Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, hậu quả ra sao, chúng ta có thể đoán trước được, nhưng không ngờ lại đưa đến vụ việc ngoài ý muốn của mọi người tại Tu Viện Bát Nhã, gây ảnh hưởng không đẹp cho tất cả mọi phía, từ chính quyền cho đến GHPGVN và Làng Mai. Có thể vì cái danh của Thiền sư quá lớn ở ngoại quốc nên Thiền sư thấy không cần phải quan tâm đến hiện thực xã hội ở Việt Nam hay truyền thống Phật Giáo ở Việt Nam.

Tôi hi vọng Thiền sư có thể khiêm tốn một chút trước Nhà Nước, trước đại khối Phật Giáo Việt Nam, nhận ra những hoạt động trái khoáy của mình, và nhất là nhận ra những sở đoản của mình, trở về với những sở trường, tập trung vào việc phát huy Giáo Pháp Làng Mai về Phật Giáo, chỉ là Phật Giáo, không gì ngoài Phật Giáo, và không biến Thiền Tông thành Giáo Tông. 

Mấy chuyến về Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh là cơ hội bằng vàng để cho “Giáo Pháp Làng Mai về Phật Giáo”, nghĩa là những giáo pháp thuần túy Phật Giáo, phát triển và hội nhập vào đại Khối Phật Giáo Việt Nam. Nhưng tiếc thay cho Làng Mai, chỉ vì một số hoạt động có tính cách trình diễn phô trương, một số bước đi chính trị vụng về, một số thái độ có vẻ cống cao ngã mạn, cho nên đã tạo thành một yếu tố tôn giáo trong nhiều yếu tố khác như chính trị, xã hội v..v… để đưa đến vụ việc rất đáng tiếc ở Tu Viện Bát Nhã. Nhưng đây cũng là cơ hội để chính quyền trung ương cũng như địa phương kiểm điểm lại những biện pháp của mình, để Làng Mai nhận thức đúng được thực tế xã hội và “hạ mình để chinh phục” [stoop to conquer], và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cũng nên lo việc chấn chỉnh nội bộ, thanh lọc hàng ngũ, lấy lại vai trò của cổ nhân: quốc sư đối với chính quyền, tôn sư đối với quần chúng.

Phần Phụ: Vài Nét Về Tự Do Tôn Giáo.

Tôn giáo là một thành phần của xã hội, không thể đứng ngoài xã hội hay đứng trên xã hội. Do đó những hoạt động tôn giáo phải ở trong vòng luật pháp quốc gia. Không ai có thể nói rằng, luật pháp quốc gia đó không đúng, hay tôi không đồng ý với luật pháp đó, cho nên tôi không có bổn phận phải theo luật pháp đó. Quan niệm như vậy là làm loạn xã hội chứ không phải là tự do tôn giáo hay tự do tín ngưỡng. Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Cả nước Úc và Giáo hội Công giáo cũng không thể thay đổi được việc Singapore treo cổ một giáo dân Công giáo người Úc gốc Việt về tội buôn ma túy. Cả nước Mỹ cũng không thể thay đổi được việc Singapore đánh đòn một công dân Mỹ vì tội phá hại công ích. Sau vụ 9/11 ở New York, Mỹ đã ra luật mà nội dung vi phạm đời tư cá nhân của công dân Mỹ, nhưng dù người dân không đồng ý cũng bắt buộc phải chịu đựng. Mỹ là một nước có thể nói là có tự do tôn giáo nhất trên thế giới, nhưng chính quyền Mỹ luôn luôn kiểm soát hoạt động của tôn giáo. Vụ David Koresh ở Waco Texas là một vụ điển hình. Một vụ điển hình khác là về Osho, trước là Bhagwan Shree Rajneesh. Nghe nói Việt Nam ngày nay cũng có nhiều người hâm mộ Osho. Nhưng thực chất Osho như thế nào rất ít người biết. Sau đây là vài dòng về Osho.

Osho sinh năm 1931 và chết năm 1990, 58 tuổi. Thời gian ở Ấn độ, Rajneesh đã nổi tiếng là một “sex guru”. Năm 1981, Osho xin nhập cảnh Mỹ để chữa bệnh. Vì những lời thuyết giảng hấp dẫn có sức lôi cuốn quần chúng, quần chúng thường là sơ cơ, [điểm chung của các nhà truyền giáo thành công, thí dụ như Pat Robertson, Jerry Falwell v..v… ở Mỹ] của Rajneesh nên Rajneesh và các đệ tử thành lập ở bang Oregon một cộng đồng gọi là Rajneeshpuram. Cộng đồng tôn giáo này đã vi phạm luật di trú của Mỹ, có nhiều người đến trú ngụ bất hợp pháp qua các dịch vụ kết hôn giả, và phạm nhiều tội ác hình sự (crimes). Rajneesh bị chính quyền Mỹ điều tra về vụ Rajneesh khai gian khi xin visa nhập cảnh Mỹ, và những tội ác hình sự ở Rajneeshpuram, và sau một cuộc dàn xếp của luật sư của Rajneesh với chính quyền Mỹ, Rajneesh bị phạt $400.000 và bị trục xuất khỏi Mỹ. 

Rajneesh đi lang thang tìm nơi định cư nhưng 21 quốc gia từ chối không cho nhập cảnh. Sau cùng Rajneesh trở về cố quốc, Ấn độ, và định cư ở Pune, lập một tổ chức thiền [meditation foundation, truyền bá Giáo pháp Osho, tên mà Rajneesh đổi thành năm 1989. Muốn biết rõ hơn những chi tiết về con người thực và giáo lý thực của Osho, độc giả có thể tìm đọc trên: http://en.wikipedia.org/wiki/Osho_%28Bhagwan_Shree_Rajneesh%29. Độc giả cũng nên tìm đọc trong http://www.quangduc.com/Diendan/80hientuongosho.html, bài “Hiện Tượng Osho” của Hoàng Liên Tâm. Osho cũng đã từng tiên đoán là chiến tranh nguyên tử sẽ xảy ra trong thập niên 1990.

Các học giả về tôn giáo đã đánh giá con người và học thuyết của Osho như thế nào?

Theo Giáo sư về tôn giáo ở đại học Oregon, Ronald O. Clarke, thì “Rajneesh đã để lộ tất cả những đặc điểm điển hình của sự rối loạn tinh thần về nhân cách “cái Ta” của mình, thí dụ như là ý niệm vĩ đại về sự quan trọng và duy nhất của chính mình; bận tâm với những tưởng tượng về sự thành công vô hạn của mình; về một sự cần thiết phải được người ta thường xuyên chú ý đến và kính ngưỡng.” [2] Xin độc giả hãy đọc các học giả tôn giáo đánh giá Osho trong về Osho trong bài bằng tiếng Anh ở trên Wikipedia sau đây.

 Assessments by scholars of religion

Some scholars have suggested that Osho, like other charismatic leaders, may have had a narcissistic personality.[216][217][218] In his paper The Narcissistic Guru: A Profile of Bhagwan Shree Rajneesh, Ronald O. Clarke, Emeritus Professor of Religious Studies at Oregon State University, argued that Osho exhibited all the typical features of narcissistic personality disorder, such as a grandiose sense of self-importance and uniqueness; a preoccupation with fantasies of unlimited success; a need for constant attention and admiration; a set of characteristic responses to threats to self-esteem; disturbances in interpersonal relationships; a preoccupation with grooming combined with frequent resorting to prevarication or outright lying; and a lack of empathy.[218] Drawing on Osho's reminiscences of his childhood in his book Glimpses of a Golden Childhood, he suggested that Osho suffered from a fundamental lack of parental discipline, due to his growing up in the care of overindulgent grandparents.[218] Osho's self-avowed Buddha status, he concluded, was part of a delusional system associated with his narcissistic personality disorder; a condition of ego-inflation rather than egolessness.[218]

In questioning how the total corpus of Osho's work might be summarised, Bob Mullan, a sociologist from the University of East Anglia, stated in 1983: "It certainly is eclectic, a borrowing of truths, half-truths and occasional misrepresentations from the great traditions. It is also often bland, inaccurate, spurious and extremely contradictory."[219] He also acknowledged that Osho's range and imagination were second to none,[219] and that many of his statements were quite insightful and moving, perhaps even profound at times,[220] but what remained was essentially "a potpourri of counter-culturalist and post-counter-culturalist ideas" focusing on love and freedom, the need to live for the moment, the importance of self, the feeling of "being okay", the mysteriousness of life, the fun ethic, the individual's responsibility for their own destiny, and the need to drop the ego, along with fear and guilt.[221]

Writing in 1996, Hugh B. Urban similarly found Osho's teaching neither original nor especially profound, noting that most of its content had been borrowed from various Eastern and Western philosophies.[172] What he found most original about Osho was his keen commercial instinct or "marketing strategy", by which he was able to adapt his teachings to meet the changing desires of his audience,[172] a theme also picked up on by Gita Mehta in her book Karma Cola: Marketing the Mystic East.[222] In 2005, Urban observed that Osho had undergone a "remarkable apotheosis" after his return to India, and especially in the years since his death, going on to describe him as a powerful illustration of what F. Max Müller, over a century ago, called "that world-wide circle through which, like an electric current, Oriental thought could run to the West and Western thought return to the East."[223] By negating the dichotomy between spiritual and material desires, and reflecting the preoccupation with the body and sexuality characteristic of late capitalist consumer culture, Osho had apparently been able to create a spiritual path that was remarkably in tune with the socio-economic conditions of his time.[223] 
 
 

[1] Zenkei Shibayama, Zen Comments On The Mumonkan, p. 13: The monks begged me to for instruction. Finally I took up the koan of ancient Masters and used them as brickbats to knock at the gate in guiding the monks in accordance with their abilities and inclinations. From the fundamental standpoint of Zen “it” can never be taught or shown by others, yet I hope these koan might serve as a brickbats to knock at the door, or as a finger pointing to the moon until no-gate might be opened.

[2] Ronald O. Clarke, Emeritus Professor of Religious Studies at Oregon State University, argued that Osho exhibited all the typical features of narcissistic personality disorder, such as a grandiose sense of self-importance and uniqueness; a preoccupation with fantasies of unlimited success; a need for constant attention and admiration 

Trần Trung Ngọc
(http://giaodiemonline.com/)

 

CẢM NHẬN TỪ CÔNG ÁN THIỀN BÁT NHÃ
Thứ ba, 19/01/2010 17:08 pm

Với công án thiền "Bát Nhã" mà Sư Ông đưa ra cho chúng ta quán chiếu, với nhiều ví dụ và suy nghĩ cụ thể cho từng đối tượng khác nhau, đây thật sự nói lên cái tâm từ bi của Thầy, nhằm mục đích hướng dẫn mọi người qua công án này mà có thể giác ngộ. Bát nhã như cơn mưa rào giữa mùa hạ oi bức, các cây cỏ đều cần nước từ cơn mưa này, để đâm chồi nảy lộc và vươn lên. Mỗi loại cây cỏ đều hấp thụ một lượng nước khác nhau nhưng đều có được lợi ích cho chính mình.

Với Bát Nhã thì cũng vậy, mọi người trong và ngoài cuộc đều trải nghiệm khác nhau, đều thu hoạch được nhiều ích lợi khác nhau cho chính bản thân mình. Nhưng chúng ta chỉ có được lợi ích thật sự từ công án Bát Nhã chỉ khi chúng ta VÔ NGÃ, không đặt cái TA của mình vào đó. Còn cái Ta thì còn phiền não, lúc đó Bát Nhã chính là phiền não, là chấp trước, là phân biệt, là vọng tưởng. Như thế thì trên đạo Bồ Đề không thể có thành tựu.

Là người xuất gia, nơi nào có duyên với ta thì ta đến mà tu tập mà giáo hóa chúng sanh, hết duyên hoặc chưa có đủ duyên thì ta đi. Lòng nhẹ nhàng, không vướng bận, không nuối tiếc. Bát Nhã hết duyên với ta thì ta đi. Cổ đức có câu:" Người xuất gia không sợ không có Chùa, chỉ sợ không có ĐẠO." Nếu ta có ĐẠO thì không cần lo gì hết, mọi việc đều được chư Phật, Bồ tát hộ niệm, các vị Long Thần Hộ Pháp giúp đỡ.

Nhìn lại cuộc đời Đức Thế Tôn thì thấy rõ, Ngài có bận tâm gì về đạo tràng không? Không. Cho đến các vị tổ sư đại đức như Ngài Lục Tổ Huệ Năng: Ngài cũng từng bỏ tự viện mà đi sau khi được truyền y bát từ Ngũ Tổ, ở ẩn trong rừng mười lăm năm. Ngài không có chấp trước, Ngài không có phiền não...Chúng ta là hậu bối, phải học hỏi từ chính cuộc đời của Đức Thế Tôn và Lục Tổ.

Lục Tổ có dạy:" Phàm là bậc chân tu thì không nhìn lỗi người." Chúng ta có làm được hay chưa? Chỉ thường nhìn lỗi mình, nhất định không nhìn lỗi người, với Bát Nhã và là những người trong cuộc thì chúng ta phải thấy rõ cái lỗi của mình, phải thấy rõ cái lỗi của mình...Họ, những người "đàn áp" chúng ta (theo cách gọi của một số đồng tu trong cuộc), chính là Đại Thiện Tri Thức, Đại Nghịch Hạnh Bồ Tát...họ giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, giúp chúng ta trao dồi đức hạnh, tu Nhẫn Nhục Ba La mật. Cái ân này chúng ta cảm còn không hết nữa mà còn lại đi trách móc, đau buồn ư? Như vậy là Mê chứ chưa thật Giác Ngộ, dù tham thiền đến 8 vạn 4 ngàn công án mà không hiểu thấu việc này thì vẫn hoài công...Việc học Phật chưa thể có thành tựu và với công án thiền Bát Nhã này của Sư Ông đưa ra thì cũng không được lợi ích gì cả.

Trên đây là vài cảm nghĩ thô kệch của kẻ hậu học này muốn chia sẻ cùng các bạn đồng tu, chắc chắn còn nhiều thiếu sót, mong Quý Vị hoan hỉ bỏ quá cho.

Chân thành chia sẻ.

Tịnh Thái.

CÔNG ÁN, hay KHÔNG CÔNG ÁN?
Hoàng Phi Long
Tái cập nhựt theo yêu cầu của tác giả.

Kính chào bác Ngọc, trong tình nghĩa đồng bào xin bác vui lòng chấp nhận cách xưng hô bác - cháu này, thay vì gọi bác là Giáo sư Tiến sĩ Trần Chung Ngọc, và xưng tôi nghe có vẻ ngăn cách, khó cảm thông nhau bằng bác - cháu như quan hệ gia đình vừa huyết thống vừa tâm linh giữa hai bác cháu mình.

Thưa bác, cháu đã để nhiều thì giờ suy nghĩ xem có nên viết cho bác hay không, trong thời gian đó, cháu cũng đã đọc ít nhất là 3 lần bài TÔI ĐỌC “BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN” CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH của bác đăng trên giaodiemonline. Cháu bị trì kéo, giằng co bởi một đằng: tác giả đã thuộc vào hàng bác, đã vậy bác còn đứng vào hàng đại trí thức, học giả trên cả hai chân đạo - đời ; đằng khác là câu bác viết: Tôi đã học được nhiều từ những tác phẩm của Thiền sư viết về Phật Giáo. Tôi nghĩ rằng những điều Thiền sư giảng về Chánh Niệm, Tỉnh thức, Hiểu và Thương, Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười v.v… rất cần cho xã hội Việt Nam ngày nay.

Thưa bác Ngọc, cuối cùng sự thôi thúc của câu trên đã thắng, nó bắt cháu phải ngồi đây ( ngày Chủ Nhựt ) gõ bàn phím ( thay vì đi dạo trong vườn ) để chia sẻ cùng bác vài kinh nghiệm của thực hành Chánh Niệm, Tỉnh thức, Hiểu và Thương, Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười ... nếu có gì không phải xin bác chỉ dạy thêm, cháu rất cám ơn bác.

Chắc có lẽ bác sẽ không ít ngạc nhiên nghĩ rằng: vì sao cả một bài viết dài như thế kia mà thằng nhỏ không lý tới, mà nó chỉ để ý có mấy chữ phụ thuộc là nghĩa lý gì? Thưa bác Ngọc, theo cháu thì mọi sự mọi việc bác Ngọc viết ở trên và ở dưới câu này. Cả thảy gồm 9208 từ dàn trải trên 13 trang A4 đều do 17 chữ này mà ra bác ạ. Vì cháu đã ngộ ra rằng bác Ngọc đã đọc nhiều tác phẩm của thầy Nhất Hạnh ( rất nhiều ) nhất là những điều Thầy giảng về Chánh Niệm, Tỉnh thức, Hiểu và Thương, Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười nhưng bác Ngọc không có thực hành cho nên mới có 9191 ( 9208 – 17 ) chữ không cần thiết kia. Chúng nó đã làm phiền lòng, làm mất thì giờ cho bác, cho cháu, và cho nhiều người khác nữa. Một điều đáng tiếc phải không bác!

Thưa bác, cháu không biết nói lý thuyết, hay biện luận bác học như bác, cháu chỉ muốn chia sẻ với bác một kinh nghiệm trong vấn đề thực tập chánh niệm. Vì năm năm trở về trước cháu cũng có suy nghĩ tương tự như bác, bởi vì hồi đó cháu chỉ có đọc mà không có thực hành nên cháu đã rất tự hào về đạo Bụt của mình về những giáo lý tuyệt vời về biện chứng và khoa học, không mù quáng, không có mê tín như nhiều tôn giáo khác,... với những nhận thức phiếm diện ấy cháu đã từng vận dụng giáo lý ( đúng hơn là lý thuyết của giáo lý ) để tranh luận với những người bạn khác tôn giáo về nhiều vấn đề trong sự tín mộ của họ. Cháu đã từng dõng dạc bác bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế trong các tôn giáo hữu thần. Cháu đã từng giận hờn, trách móc, chống đối thái độ cực đoan không được dễ thương cho lắm của những người anh em Kito. Cố nhiên, những hành vi ấy đã gây cho cháu nhiều bất an trong lòng cho dù chưa bao giờ cháu bị bại trong những cuộc tranh luận ấy, và phía đối tác đã có thể xem cháu như một kẻ thù, một tên tội đồ đáng ghét của của họ, nhiều khi cũng đáng thương ( hại ) không chừng. Tóm lại, cháu đã đóng góp vào việc củng cố những ác cảm vốn có của một số nhất định nào đó trong đại khối tín đồ của các tôn giáo hữu thần lên người Phật tử. Vô tình cháu đã làm cho họ có một ấn tượng không tốt về đạo Bụt, hoặc ít nhất họ cũng đã nghĩ cháu là một Phật tử không dễ thương.

Nhưng bắt đầu từ năm năm trở lại đây, cháu lại tự cảm thấy có lỗi với Bụt với chư Tổ về những hành vi hẹp hòi cố chấp đó của mình. Lòng cháu bổng mềm ra và thương được những người mà trước đây cháu cho là cực đoan, cuồng tín, ... Sự đổi chiều nhận thức bằng 1 góc 180° ấy không phải tình cờ mà do một cơ duyên đưa đến, và một thời gian dài thực tập.

Chuyện xảy ra vào một mùa hè của năm năm trước. Thay vì đi nghỉ ở những trung tâm thư giản trong hay ngoài nước. Năm ấy cháu đã dễ dàng nhận lời đề nghị của vài người bạn Pháp. Họ đã rủ cháu về Làng Mai ở miền Nam nước Pháp tham dự một khóa tu thiền. Họ nói với cháu là ở đó có nhiều điều hay lắm, diệu kỳ lắm, v.v...

Như đã thưa với bác ở trên là cháu cũng đã từng được đọc một số tác phẩm của thầy Nhất Hạnh, cháu cũng đã từng nghe về Làng Mai, nhưng tuy cùng ở nước Pháp nhưng cháu chưa từng đặt chân tới Làng Mai bao giờ vậy mà không biết tại sao năm đó cháu lại chấp nhận về Làng Mai một cách dễ dàng như thế, có lẽ do tự ái mà ra, bởi vì họ là người Pháp mà đã biết thực hành một pháp môn đạo Bụt của người Việt Nam, trong khi mình là người Việt Nam mà chỉ biết qua sách vở thôi thì mắc cỡ quá phải không bác!

Thế là tại cái Làng Mai ở miền Nam nước Pháp đó, và chỉ có ở đó, lần đầu chính mắt cháu đã thấy, chính tai cháu đã nghe, chính thân cháu đã hành, và chính tâm cháu đã cảm được mùi vị và lợi lạc của chánh nệm, tỉnh thức, hiểu thương, thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười, ăn cơm im lặng, thiền trà, thiền hành, thiền ôm trong lễ Bông hồng cài áo v.v...

Bác Ngọc có biết không, khoảng 95% thiền sinh tu tập tại Làng Mai là người có gốc đạo Chúa, kế đến là các truyền thống khác như Do Thái giáo, Hồi giáo, Anh giáo,... và Phật giáo thì rất ít bác ạ. Họ là những ông Cha, những bà Sơ, những ông Mục sư, những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, kiến trúc sư, văn nghệ sĩ, chuyên gia, trí thức, người làm việc tay chân, doanh gia, vọng tộc, cho chí những em sinh viên, học sinh, và có cả các em bé nữa, ... đến từ nhiều quốc gia, đủ mọi màu da, sắc tộc ( như năm rồi có đến 53 quốc tịch khác nhau ), đủ mọi khuynh hướng chính trị, xã hội. Điều kỳ diệu là họ đã sống chung với nhau một cách hài hòa như anh chị em ruột thịt cùng cha, cùng mẹ. Họ cùng nhau học Phật, thực hành theo Bụt một cách tinh chuyên miên mật trong 24 giờ mỗi ngày và suốt cả khóa tu 4 tuần lễ như thế.

Ở đó, họ không được học lý thuyết về bất sanh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng, bất giảm, thị cố không trung ... Nhưng họ được huấn luyện cách quán chiếu về đời sống của một chiếc lá từ khi còn là 1 nụ non trên thân cây cho đến khi bụ bẩm xanh tươi rồi úa vàng và rơi xuống đất... cứ như thế mà quán chiếu, và cháu nghĩ nhờ đó họ đã chứng thực được bản chất của sinh diệt, luân hồi, thường, vô thường... Chỉ với những cách thức rất đơn giản như: thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười, đã về đã tới, ăn cơm im lặng, thiền trà, thiền hành, thiền ôm, ... vậy mà đã giúp họ làm chủ được những cảm thọ, nhận biết được những tâm hành biểu hiện trong từng sát na ( ksana ) nơi thân và tâm của họ. Và cũng nhờ đó mà thình thương trong họ ngày càng lớn ra bác ạ, rất đúng với lời dạy của thầy Nhất Hạnh là có Hiểu mới có Thương, Hiểu càng sâu thì Thương càng rộng, Hiểu biết sâu bao nhiêu thì tình Thương sẽ lớn lên bấy nhiêu, và cháu thấy chỉ có như thế mình mới buông bỏ được những tâm hành tiêu cực do định kiến, khái niệm thô thiển gây ra. Có nhiều thiền sinh chia sẻ với cháu rằng, đôi khi chúng nó ( tâm hành tiêu cực ) âm thầm rủ nhau ra đi lúc nào mình cũng không hay, và chỉ biết được khi mình chạm phải một sự kiện nào đó mà trước đây có thể làm cho mình nóng giận mà nay thì chẳng những không nóng, không giận mà còn nở được nụ cười với đối tượng, khi đó mình mới biết là chúng nó đã ra đi. Nhiệm mầu quá phải không bác!

Bắt đầu từ đó, năm nào cháu cũng để ra ít nhất là 2 tuần lễ cho khóa tu mùa hè, ấy là không kể những lần khác trong năm mỗi khi có cơ hội cháu đều dong về nhập vào trường năng lượng tỉnh thức của đại chúng, cùng nương vào nhau thực tập chánh niệm. Chính nhờ những thực tập học được ở Làng Mai ấy mà giờ đây trong cháu đã có một đạo Bụt rất mới, nó khác hơn khi chưa thực tập rất nhiều, cũng nhờ đó mà cháu đã ngộ được bài học ăn chim trĩ * mà khi xưa cháu cho đó là một thí dụ tầm thường. Trong đời sống thực làm sao có người ngu ngốc đến như cái anh chàng bịnh kia. Nhưng một khi tiếp xúc, thực tập, tu hành theo pháp môn chánh niệm, tỉnh thức, ... mới thấy mình cũng đã từng ngốc như cái anh chàng ngốc ấy. Cháu thấy rằng trước đây mình đã từng tụng ăn chi trĩ, ăn chim trĩ, ... như tụng thần chú, chứ chưa bao giờ được ăn chim trĩ thực sự.

Thành ra, bác Ngọc đừng có lo như bác đã từng lo là bài viết của bác: có thể làm cho một số người không hài lòng, phật ý. Không, cháu không có giận bác một chút nào khi đọc những gì bác viết rất sai lầm về bài BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN của Sư ông Nhất Hạnh. Chẳng hạn như bác viết rằng: tôi thật tình không dám tin đó là sản phẩm trí tuệ của Thiền sư Nhất Hạnh. Tôi có cảm tưởng là tên tuổi và uy tín của Thiền sư ở ngoại quốc đã được sử dụng cho những mục đích có thể nằm ngoài vòng kiểm soát của Thiền sư. Nếu cháu hiểu không lầm, ở đây bác muốn ám chỉ thầy Nhất Hạnh đã bị ai đó, hoặc một thế lực ngoại quốc nào đó lợi dụng. Cháu nghĩ là sẽ có không ít người giận bác về câu này, vì trước khi bắt đầu bác đã có sẵn một định kiến không tốt về thầy Nhất Hạnh mặc dù trước đó bác đã từng rào giậu rất kỹ về lý do bác phải viết bài này. Cũng vì có sẵn chủ ý trước nên bác đã đánh mất các tiêu chuẩn về trung thực, khách quan, ... mà các nhà khoa học nói chung, một giáo sư tiến sĩ khoa học tự nhiên như bác nói riêng bị bắt buộc phải tuân thủ khi quan sát, nhận định, phân tích một bài viết, một hiện tượng, một sự kiện nào đó, ở đây là bài BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN của Sư ông Nhất Hạnh. Nhưng riêng cháu, cháu đã không giận bác tí nào cả. Ai mà đi giận người chưa từng thực sự ăn chim trĩ phải không bác.

Thưa bác Ngọc, đúng ra cháu chỉ cần viết tới đây thôi cũng đã đủ để bác cháu mình thông cảm nhau rồi. Nhưng cháu đang ngại một điều khác là sẽ làm cho nhiều người thất vọng về cháu nếu cháu không chỉ hết ra những bất cập trong bài của bác. Vậy cháu xin phép được nói thêm đôi điều, chỉ một đôi điều thôi, chứ mà chỉ hết ra e làm mất nhiều thì giờ của bác.

Cháu xin hỏi bác một câu: Công án thiền mà cũng có công thức sao bác? Xin lỗi bác, cháu có câu hỏi này bởi vì bác viết rằng: trong “ công án Bát Nhã ” này tôi thấy cả một tu viện, mấy trăm Tăng thân Làng Mai và Pháp Nạn của Phật Giáo Việt Nam, trái ngược hẳn với sự hiểu biết của tôi về những “ công án ” mà tôi đã đọc, thường chỉ là một mẫu đối thoại, một đoản văn, một câu chuyện ngắn ngắn thuộc về Thiền Đạo. Sau đó bác lại tầm chương trích cú ( việc bình thường của học giả ) ở những sách vở của các thầy Chơn Thiện, Tuệ Sỹ, Đức Thắng, v.v... ( trong số các tác giả ấy có những thầy thuộc hàng học trò của Thiền sư Nhất Hạnh họ đã từng dự các lớp học do Thiền Sư trực tiếp giảng dạy trước đây ) chỉ để phản bác rằng BÁT NHÃ KHÔNG LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN và chứng minh ( cũng là việc bình thường của khoa học gia ) cho chủ ý có sẵn ( tới đây thì đã mất bình thường ) của bác, như cháu đã nêu ở trên. Thưa bác, cháu không thấy công án BÁT NHÃ nó dài nhiều chữ như bác thấy. Có thể bị định kiến trấn ngự cho nên bác đã lầm những lời giải thích của Sư Ông là công án. Nguyên câu mà bác đã trích: Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. đây chỉ là lời giải thích ( có chữ đây là ), nó không phải là công án. Công án BÁT NHÃ chỉ có 2 chữ BÁT NHÃ trơ trụi mà thôi. Thành ra công trình tầm chương trích cú, quy nạp chứng minh đủ điều tốn mất mấy trang giấy của bác chỉ để mất thì giờ, gây rối, hỏa mù trí thức cho nhiều người, nó không có ích lợi gì cho ai cả, trong đó có bác lẫn các ông Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng công an, Trưởng, Phó ban tôn giáo, các vị học giả, giáo sư, tiến sĩ đang làm việc trong Ban tuyên giáo Trung ương Đảng..., và có thể ( chỉ có thể thôi ) cả Đức Pháp chủ của Giáo Hội nữa. Thật là tiếc cho bác, phải chi bác chịu theo chân cô Chân Huyền một lần về Làng Hồng ăn chim trĩ thiệt thì đâu đến nổi này bác nhỉ!

Tới đây, cháu xin phép miễn bàn về số lượng công án mà bác đã trích dẫn một cách không đáng trích vì nó có thể ( cháu nhấn mạnh 2 chữ : có thể ) làm cho người ta hiểu lầm rằng đó là những hằng số không thay đổi, trái ngược với giáo lý vô thường đang tác động trong từng sát na ( ksana ) của sự sống. Dễ hiểu hơn nữa, xin bác cho phép cháu tạm ví vô thường tác động lên sự sống như là hình ảnh của một dòng sông đang trôi chảy, vì thế cho nên không có một hằng số nào có thể ngăn cản được nó, mà dù có ngăn cản được đi nữa thì dòng sống sẽ không còn là chính nó nữa, khi đó công án cũng sẽ không còn.

Thưa bác Ngọc, bắt đầu phần chính của bài, bác đã tự tiện thêm chữ công án vào lời giải thích ban đầu của Sư ông Nhất Hạnh, bác viết rằng: Theo Thiền sư thì Công án Bát Nhã là Công án Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Công án Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Công án Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. Trong khi câu viết của Sư Ông lại như vầy, cháu xin trích dẫn thêm lần nữa: Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. Vì sao, và vì ai mà bác lại làm một việc thiếu đạo đức như vậy hả bác Ngọc? Bác đã vô tình, hay cố ý đánh lừa thiên hạ, có phải bác muốn cho người ta hiểu lầm rồi sinh tâm oán ghét Sư Ông, và từ đó có thể ghét lây một tập thể, một tăng thân thánh thiện có hàng chục vạn con người trên thế giới? Viết như thế bác có biết bác đã phạm vào bao nhiêu trọng giới, và ác nghiệp bác phải mang, phải trả như thế nào không? Là Phật tử, là nhà nghiên cứu, đọc nhiều kinh Phật cháu trộm nghĩ bác đã biết nhiều, hiểu sâu giáo lý về nghiệp báo luân hồi, nhưng có thể vì một phút thiếu chánh niệm nào đó nên bác vô tình phạm phải, cháu mong là như vậy và xin nguyện cho bác được thoát khỏi ác nghiệp này. Tội tùng tâm khởi, tùng tâm sám, cháu hy vọng bác sẽ thành tâm sám hối chuyển hóa ác thành lành.

Cháu biết rồi, bác phải thêm hai chữ ấy vào câu của Sư Ông như thế bác mới có đủ cơ sở biến lời hướng dẫn thành ra 3 thoại đầu đúng theo ý muốn của bác: 1. Tu Viện Bát Nhã ; 2. Tăng Thân Bát Nhã ; 3. Pháp Nạn Của Phật Giáo Việt Nam. Để từ đó bác mới đủ chứng lý phủ nhận công án BÁT NHÃ, làm loạn cả tâm thần của chính bác.

- Có lẽ vì bị loạn tâm cho nên bác Ngọc đã không thấy được toàn bộ cơ sở vật chất Tu Viện Bát Nhã gồm thiền đường, nhà bếp, cầu tiêu v.v… đã làm dấy lên lòng tham vô đạo của nhiều người, trong đó ngoài một vài kẻ " xuất gia " ra còn có một vị tướng của ngành công an vừa mới nghỉ hưu, ấy là chưa kể đến những thành phần khác trong Chính quyền các cấp nhảy vô xí phần san đoạt, ( người bình dân gọi hành động ấy là cướp ngày ) ngả giá bán cho Hoa kiều, Hàn kiều làm resort, vấn đề chỉ còn là thời gian thôi ( xem bài GIẤC MƠ CÒN ĐÓ BAO LÂU? ). Nếu thấy được như thế thì tu viện Bát Nhã cũng xứng đáng là một thoại đầu lắm phải không bác, nhờ những cơ sở vật chất nguy nga tráng lệ ấy cộng với những cáo buộc dựng đứng như lời chứng: Muốn giết chó thì phải nói con chó đó bị điên ( xem bài ĐẰNG SAU ÁNH HÀO QUANG ) đã giúp người khán ( thoại đầu ) nhìn ra được những giá trị đạo đức cách mạng của các quan chức Đảng, Chính quyền, Giáo hội nó xuống cấp như thế nào rồi. Ở vị trí lãnh đạo mà còn như thế thử hỏi tương lại đất nước sẽ đi về đâu? Ai còn tin được ở những ông quan “ cướp ngày ” ấy, cướp được tu viện để bán thì việc bán hải đảo, bán đất vùng biên giới đi tới việc bán nước chắc cũng không xa lắm!

- Cũng vì loạn tâm nên bác Ngọc đã không thấy được kiến giải: Bát Nhã ngày xưa, nay đã thành mưa, rơi xuống mặt đất, nẩy hạt Bồ đề. của một Sư Cô khoảng 18 tuổi và chỉ tu được chừng 2 năm. Bác cũng không lý tới lời khai thị của Thiền Sư rằng: ở trong một tình trạng bị đàn áp và khủng bố thường xuyên như thế mà có những người trong số họ vẫn cười dòn được, vẫn tươi như hoa, vẫn chế tác được bình an và tình thương, vẫn không bị lo lắng sợ hãi và hận thù lôi kéo một cách rõ ràng như thế mà bác Ngọc vẫn cố tình không muốn hiểu, phải chăng bác đã được ai đó đặt hàng trước nên bác phải tránh né đề cập tới những giá trị thực hữu như thế? Nếu không, xin bác Ngọc hãy tự đặt bác vào hoàn cảnh đó thử xem bác có thể cười dòn và cười tươi được như hoa giống như các thầy các sư cô trẻ đáng con, đáng cháu ấy của bác không? Bác có giữ được bình an, không thù hận người gây nên khổ cho mình không? Bác có thể nào không lo lắng cho tương lai của bác không? Bác có tránh được sự lôi kéo bởi bên này hay bên kia được không? Với một Sư Cô mới 18 tuổi và tu chưa được hai năm ấy mà những bạo động, đàn áp, khủng bố, cắt điện, cắt nước, đánh đập, xua đuổi, bắt loa réo gọi ngày đêm, bắt rắn bỏ vào túi đựng bình bát, chọi đá, lấp đường, xịt thuốc diệt trùng vào thức ăn, đổ phân gà xuống suối hủy diệt nguồn nước dùng cuối cùng, mưa đá, mưa gậy, mưa phân người, phân thú lên thân thể bậc xuất gia, phụ nữ thò tay bóp bộ phận sinh dục của thầy tu, phun nước miếng vào đầu, vào mặt tu sĩ đang trì chú, niệm Phật, đi guốc đi dép vào chính điện, leo lên bàn Phật căng biểu ngữ hoan hô đả đảo lên tôn tượng Phật và Bồ tát, v.v... và v.v... tất cả bao nhiêu bạo hành ác nghiệt ấy đối với Sư Cô là nước cam lộ, là mưa: mưa xuống đất để hạt Bồ đề nảy mầm. Cháu xin hỏi bác, ngoài Tăng thân Bát Nhã như hiện thời ai có thể có được thái độ ung dung tự tại, một mực thương người hại mình được như thế không? Nếu không có chứng nghiệm bằng tự thân, bằng năng lượng của Niệm và Định ấy liệu có ai có thể có được kiến giải như Sư Cô đó không? Và vậy thì Pháp môn Làng Mai có đáng được áp dụng cho Phật giáo Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung không? Đáng lắm chứ bác!

- Và vì loạn tâm nên bác Ngọc đã không thấy được Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam, bác Ngọc chỉ thấy một việc rất sai trái ( tà kiến ) rằng gần 400 tăng thân ấy không phải là con, là cháu của Tổ quốc, của chư tôn đức trong Giáo Hội, cho nên bác mới có sự phân biệt Bát Nhã - Làng Mai với đạo Phật Việt Nam mặc dù đại bộ phận của gần 400 con người ấy chưa từng được đặt chân đến Làng Mai ở Pháp bao giờ. Bác đã nhắm mắt không muốn thấy tờ Thông cáo Chiêu sinh do ai ký tên, tờ Nội quy, và những Nguyên tắc, Tiêu chuẩn để được trở thành Tu sinh của Tu viện Bát Nhã như thế nào. Vì không muốn thấy, cho nên bác cũng không muốn điều tra tìm hiểu xem những thông tin mà bác nghe từ quý ngài Trưởng, Phó ban Tôn giáo Chính phủ, Vụ trưởng Phật giáo vụ, Phát ngôn viên Bộ ngoại giao, Trưởng, Phó Chủ tịch UBND Lâm Đồng, Công an, Mặt trận, Báo đài của Đảng, v.v... Những con người có khả năng nay nói thế này mai nói thế khác, khi thì Trụ trì ngưng bảo lãnh thì không được ở, phải giải tán về nguyên quán. Mốt thì: nếu có 1 tu viện nào bảo lãnh thì được về đó tiếp tục tu tập theo pháp môn chọn lựa, đến khi có nơi đứng ra bảo lãnh thì viện cớ: không được tập trung đông người. Ngày kia thì bảo vi phạm pháp luật, vị thành niên xuất gia không có sự đồng ý của cha mẹ... Nếu có vi phạm pháp luật tại sao không đưa họ ra tòa, nếu ai vi phạm nguyên tắc xuất gia dành cho vị thành niên sao Giáo hội không có biện pháp đối với cá nhân đó? Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nhà nước pháp quyền thì ai vi phạm pháp luật đã có tòa án, tại sao Viện công tố ( kiểm sát nhân dân ) không truy tố họ ra tòa mà phải áp dụng đến biện pháp thuê " côn đồ " giả danh Phật tử ; cán bộ, sĩ quan, nhân viên an ninh cảnh sát thì giả dạng thường dân để chỉ huy đánh phá, giải tán bằng còi hiệu??? Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu nghi vấn như vậy mà bác Ngọc đã không xem xét tới, một nguyên tắc mà người nghiên cứu như bác không được phép bỏ qua. Vậy mà bác đã bỏ qua tất cả, nhắm mắt tin vào lời nói điêu ngoa giả trá của họ hơn là sự thật trước mắt có hình, có phim ảnh, có người chứng, vật chứng đầy đủ cả trong lẫn ngoài nước, cả người Việt Nam lẫn người ngoại quốc, cả thường dân lẫn viên chức ngoại giao Âu - Mỹ. Bác Ngọc cũng không muốn thấy những công văn, kiến nghị, đề xuất bảo lãnh cho Tăng thân tiếp tục ở lại Tu viện Bát Nhã của Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Hội Lâm Đồng ; giấy bảo lãnh Tăng thân của quý Hòa thượng viện chủ tu viện Toàn Giác và thiền viện Trúc Lâm. Bác cũng quên luôn các công văn số 500/CV.HĐTS và 505/CV.HĐTS ngày 09 tháng 11 năm 2009 của HĐTS-GHPGVN do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sư kiêm Tổng thư ký GHPGVN phê duyệt 2 Đơn Bảo Lãnh trên, ... Tất cả những thứ đó không phải là ước muốn che chở, bảo lãnh của các bậc tôn túc trong GHPGVN từ địa phương, tới trung ương thì là gì? Vì sao mà ước nguyện của quý ngài không thành? Có phải chăng quý ngài đã không có thực quyền, chỉ muốn chở che cho con cháu mình mà cũng không được nếu đó không phải là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong thập niên đầu của thế kỷ này thì là gì thưa bác Trần Chung Ngọc? Đó là cháu chưa nói tới Huyết Thư, Lệ Thư của Tăng Ni trẻ trong Giáo Hội, nếu tính hết đơn thư, kiến nghị của đồng bào các giới, các thành phần trí thức, công nông, nghệ sĩ, văn sĩ, doanh thương, giáo sĩ tín đồ các tôn giáo bạn v.v... có lẽ phải gọi đó là Quốc nạn mới đúng thưa bác Ngọc!

Trong phần giải thích thế nào là công án trước khi sang phần khai thị Thiền Sư đã cảnh cáo với chúng ta một cách rõ ràng rằng:

Công án không thể được giải quyết bằng lý luận, bằng biện chứng pháp, dù là biện chứng pháp duy tâm hay duy vật, mà phải được giải quyết bằng niệm lực và định lực, nghĩa là bằng năng lượng của chánh niệm và chánh định. Giải được công án thì ta thấy khỏe, không còn lo sợ thắc mắc gì nữa, là thấy được con đường đi, là đạt được sự an tâm.

Nếu nghĩ rằng con chó có Phật tính hay không là một vấn đề của riêng con chó, hoặc nghĩ đó là một vấn đề triết học cần phải giải quyết, thì đó chưa phải là một công án.

Nếu nghĩ rằng cái một đi về đâu là một vấn đề chỉ liên hệ tới sự vận hành của thế giới khách quan bên ngoài thì đó cũng không phải là một công án.

Nếu nghĩ rằng Bát Nhã là vấn đề của 400 tu sinh đang gặp khó khăn, đang cần một giải pháp “ hợp tình hợp lý " thì đó cũng không phải là một công án.

Đã thế mà bác Ngọc vẫn cứ dùng lý luận, biện chứng pháp một cách cưỡng ép, thiếu trong sáng, đôi khi vô đạo để cố tình bác bỏ công án BÁT NHÃ. Cố ý hiểu sai, bóp méo những sự kiện thật trong phần khai thị của Thiền Sư để đánh lừa dư luận, mua chuộc sự đồng tình của một số ít Phật tử nhưng không có tu, không có học, bị cơ chế toàn trị mị dân tuyên truyền sai sự thật để các quan được vinh thân trường trị. Thì ra bác Ngọc có khác chi các bác, các cô, các chú, các anh, các chị, các em bị gọi là " côn đồ " được công an, chính quyền thuê tới tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ để bóp cổ, đánh đập, bóp vào bộ phận sinh dục, khạc nhổ phun nước miếng vào mặt vào đầu tu sĩ, để đập phá chùa viện, tượng đài, tung phân người phân thú lên mình nhà sư, v.v... để cuối buổi được chính quyền trả vài trăm ngàn, và bác cũng không khác chi những công an, cán bộ Đảng, sĩ quan công an cấp tướng, ... đeo khẩu trang mặc thường phục giả dạng thường dân chỉ huy đám " côn đồ " nghèo khổ kia thực hiện kế hoạch của Trung ương giao phó.

Nhưng bác Ngọc ơi, cháu không có giận bác, cũng như không bao giờ giận tất cả những ai làm khổ, giải tán Tăng thân một cách bất minh, và phi luật như thế đâu. Ngay cả ông tướng công an ( mới về hưu ) đòi hối lộ 5 tỉ đồng thì tăng thân Bát Nhã sẽ được ở yên tu học tại Tu Viện, và ông sẽ tống cổ Thượng tọa Viện chủ đi chỗ khác chơi ... mà cháu còn không giận huống chi bác. Bởi vì cháu biết rằng tất cả những tâm hành tiêu cực ấy không phải là bản chất thật của bác, cũng như không phải của những con người ấy, đó chỉ là sự giả tạm nhất thời mà thôi, vì Tổ đã dạy rằng: Con chó cũng có Phật tánh, và Bụt thì lại nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh mà cháu thì đã có niềm tin lớn vào những lời dạy ấy, vì cháu thấy mình có rất nhiều may mắn và nhiều diễm phúc mới thấy được, nghe được, cảm được cái tánh Phật ấy thể hiện ở Tăng thân Bát Nhã rất đúng với kiến giải trên của Sư Cô 18 tuổi kia, cháu xin trích lại đây thêm một lần nữa để bác chiêm nghiệm: Bát Nhã ngày xưa, nay đã thành mưa, rơi xuống mặt đất, nẩy hạt Bồ đề.

- Nếu nghĩ rằng Bát Nhã là vấn đề của 400 tu sinh đang gặp khó khăn, đang cần một giải pháp “ hợp tình hợp lý " thì đó cũng không phải là một công án. Sư Ông đã nói rất rõ như thế mà bác Ngọc cứ vin vào những vấn đề của 400 tu sinh đang gặp khó khăn, đang cần một giải pháp “ hợp tình hợp lý " để cố trích dẫn những điều không thật, những sự kiện dựng đứng của Chính quyền để cố biện luận cho bằng được rằng BÁT NHÃ không phải là một công án, rồi dựa vào đó mà tầm chương, trích cú, lập lại những tuyên bố của các quan chức chính quyền để trách cứ Sư Ông, đôi khi bác Ngọc còn lạc đề bước sang lãnh vực giáo lý giải thích nhập nhằng pháp môn Làng Mai với Thiên Chúa giáo, chỉ trích thiền phổ BÔNG HỒNG CÀI ÁO có số tái bản đến mấy ngàn lần, được hàng triệu người Việt Nam lẫn hàng chục quốc tịch khác trên thế giới cùng áp dụng. Trách cứ Sư Ông cống cao ngã mạn, Nhà nước đã đưa tay ra, nhưng Thiền sư đã không thèm bắt tay, viện một lý do không có tính cách thuyết phục v.v... Nhưng trước sau gì bác Ngọc cũng chỉ nghe, và chỉ muốn thấy có một chiều từ đầu bài cho tới cuối bài dài 13 trang A4 của bác. Nhưng bác Ngọc đã không chứng minh được một cách khách quan rằng BÁT NHÃ không phải là MỘT CÔNG ÁN THIỀN.

Cháu nghĩ, tới đây đã đủ để bác Ngọc thấy được vấn đề một cách khách quan hơn trước nhiều rồi, xin miễn bàn đến những đối tượng ( hành giả ) cần quán chiếu Công án vì cháu sợ bàn càng nhiều cháu có thể càng bị bác lên án là vô lễ với người lớn. Vậy cháu xin phép bác cho cháu khép lại cuộc đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm tu học rất chân thành của cháu ở đây. Kính chúc bác Ngọc luôn an lạc, và tỉnh thức!

Bài liên quan: Tôi đọc “Bát Nhã là một Công án Thiền” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Trần Chung Ngọc

Cháu của bác,
Hoàng Phi Long
Paris, 28.2.2010

( Tác giả gửi bài này tới website giaodiemonline.com với mong muốn được Giao Điểm phổ biến trong tinh thần vô tư và khách quan của tờ điện báo. Đồng thời cũng gửi tới trang nhà phusa.info mong trang nhà Phù Sa phổ biến để rộng đường dư luận. )

*Trong kinh Bách dụ có một ví dụ rằng: Có một người bệnh năm này sang năm khác. Hôm đó anh gặp một ông thầy thuốc rất giỏi, khám bệnh xong ông nói như thế này: bây giờ anh đi mua vài con chim trĩ về làm thịt, nấu cháo ăn thì hết bệnh. Sau khi ông thầy thuốc đi, anh chàng này sướng quá, anh ngồi và lặp lại chữ đó: chim trĩ, chim trĩ. Anh lặp lại như vậy hoài, anh lặp lại mấy tháng mà không thấy lành bệnh gì cả. Tại vì anh đã nắm lấy ảnh tượng và đánh mất bản chất. Có một người bạn khác tới, thấy anh nói chim trĩ, chim trĩ một cách điên rồ như vậy mới hỏi: anh làm gì vậy? Anh ta trả lời: Ông thầy thuốc nói tôi phải áp dụng chim trĩ thì tôi mới có thể lành bệnh được, thành ra tôi cứ tụng niệm chữ chim trĩ. Người bạn đó mới phát khởi lòng thương, anh ta nói: anh lầm rồi, ngồi xuống đây. Anh cầm cây viết vẽ lên một con chim trĩ: đây này, con chim trĩ như vậy nè, anh phải ăn nó thì anh mới có thể lành bệnh được. Ngay khi người bạn đó đi khỏi, anh chàng này mới lấy cái kéo cắt con chim trĩ đó ra, rồi anh thuê thợ vẽ thêm nhiều chim trĩ nữa, anh cắt ra anh nuốt. Anh nuốt bao nhiêu là chim trĩ bằng giấy mà vẫn không lành bệnh. Rốt cuộc ông thầy cũ tới và nghe được câu chuyện đó. Ông thầy không nói nữa, ông dắt anh ta ra chợ mua mấy con chim trĩ về, bảo người nhà nấu cháo bắt anh ăn ngay tại chỗ, rồi anh ta lành bệnh.

VỀ BÀI VIẾT “CÔNG ÁN” 
CỦA HOÀNG PHI LONG
Trần Chung Ngọc
 04 tháng 3, 2010 

LTS: Thường thường người ta không muốn có căng thẳng giữa những người trong cùng một tập thể mà sự thể hiện nằm trong các bài viết phê phán. Nhưng sống trong một tập thể dù nhỏ đến đâu, ngay cả trong một gia đình, cũng vẫn có tranh luận. Thường thì kết quả của tranh luận ít khi đưa đến việc đồng ý với nhau. Ngoại trừ những trường hợp không thể nói đến trong không khí lành mạnh, tranh luận chưa hẳn là không có khía cạnh tốt của nó. Có những tranh luận để mỗi người được "lớn lên", có những tranh luận để mỗi bên trở nên sắc bén hơn, cũng như có những tranh cãi để mỗi bên khiêm nhượng hơn. Tòa soạn cho rằng những bài tranh luận dưới đây nếu không có được những điểm tích cực cho đôi bên cũng như độc giả thì cũng không có gì là tiêu cực. Những bài liên hệ đề cập trong bài sau đây đều được dẫn đến bài gốc do đường dẫn ẩn ngay trong tựa bài. Độc giả có thể bấm vào tựa để xem nguyên văn. Trân trọng (SH).

Tôi vừa đọc bài “Bát Nhã: Công Án Hay Không Công Án?” của cháu Hoàng Phi Long trên giaodiemonline.com trong đó cháu đưa ra một số ý kiến về bài “Tôi Đọc “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền” Của Thiền Sư Nhất Hạnh”. Tôi không hiểu tại sao Giao Điểm lại cho đăng bài đó. Không phải tôi đặt vấn đề với Giao Điểm vì Hoàng Phi Long viết tiêu cực về tôi, mà vì bài đó không thuộc loại “kiến hòa đồng giải”. Nội dung bài của Hoàng Phi Long không có tính cách “kiến hòa đồng giải” và văn phong không hợp với tiêu chuẩn nghiên cứu trí thức của Giao Điểm. Giao Điểm cũng hi vọng tôi và Hoàng Phi Long sẽ viết qua các đề tài khác. Tôi hiểu, vì vấn nạn Bát Nhã là một vấn đề nhức nhối đối với tất cả mọi phía đã từng có mặt trong, hoặc quan tâm đến, vụ việc này, cho nên chẳng nên kéo dài. Vì vậy trong bài này tôi sẽ không bình luận gì thêm về vụ việc Bát Nhã hay về “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền” của Thiền sư Nhất Hạnh.

Thật ra thì với loại văn phong của Hoàng Phi Long trong bài “Bát Nhã: Công Án Hay Không Công Án?” mà đôi khi tôi thường thấy trong vài bài mà các thân hữu gửi cho tôi với mục đích thông tin, tôi thường không bao giờ bận tâm để ý. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt về một bài phản biện rất hiếm hoi đối với tôi. Tôi đã viết rất nhiều bài đăng trên Giao Điểm và Sách Hiếm nhưng hầu như không thấy ai viết một bài phản biện nào. Hơn nữa, Hoàng Phi Long tự nhận là một đệ tử của Làng Mai và đã thực tập Chánh Niệm trong nhiều năm. Điều đáng để ý là tác giả nhân danh là hàng hậu bối, xưng hô cháu cháu bác bác, nhưng lại viết với nhiều đoạn văn phong không tương xứng với quan hệ “bác-cháu như quan hệ gia đình vừa huyết thống vừa tâm linh”, quy kết nhiều điều vô căn cứ, nên tôi cũng bỏ chút thì giờ để khai sáng vài điều cho một người còn trẻ. Do đó, bài này chỉ có mục đích giáo dục cá nhân, chứ không phải để tranh cãi đôi co với một hậu bối. Sau đây tôi sẽ đi vào vài đoạn trong bài của Hoàng Phi Long.

۞

HPL: Kính chào bác Ngọc, trong tình nghĩa đồng bào xin bác vui lòng chấp nhận cách xưng hô bác - cháu này, thay vì gọi bác là Giáo sư Tiến sĩ Trần Chung Ngọc, và xưng tôi nghe có vẻ ngăn cách, khó cảm thông nhau bằng bác - cháu như quan hệ gia đình vừa huyết thống vừa tâm linh giữa hai bác cháu mình.

TCN: Chào cháu Hoàng Phi Long, cháu xưng hô như vậy là rất phải. Trong tất cả các bài viết của bác, bác chẳng bao giờ xưng là Giáo sư Tiến sĩ cả. Bác quan niệm rằng giá trị của một bài viết không nhất thiết phải tương xứng với bằng cấp, địa vị, chức tước, danh vọng v..v.. của tác giả, mà tùy thuộc vào nội dung đúng hay sai, văn phong và tài liệu quy chiếu, cùng những lý luận để hỗ trợ cho lập luận của tác giả ở trong bài có giá trị trí thức không. Với quan niệm như vậy, đọc bài của cháu với nhiều đoạn văn phong xách mé, còn trẻ mà đã muốn dạy đời bằng những sự khoe khoang và hiểu biết phiến diện của mình về Phật Pháp, và nhất là nhắc lại những luận điệu một chiều quen thuộc xung quanh vụ việc ở Tu Viện Bát Nhã, bác cảm thấy thật tội nghiệp cho cháu.

۞

HPL: Vì cháu đã ngộ ra rằng bác Ngọc đã đọc nhiều tác phẩm của thầy Nhất Hạnh (rất nhiều) nhất là những điều Thầy giảng về “Chánh Niệm”, “Tỉnh thức”, “Hiểu và Thương”, “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười” nhưng bác Ngọc không có thực hành cho nên mới có 9191 (9208 - 17) chữ không cần thiết kia.

TCN: Điều sơ đẳng nhất trong một bài phê bình là không bao giờ nên đoán mò khi mà mình không biết rõ, nhất là chỉ dựa theo sự suy đoán tầm bậy của mình. Tiểu xảo đoán mò này chúng ta thường thấy trên các diễn đàn truyền thông hải ngoại, không phải là để đối thoại trí thức theo đúng tinh thần của đối thoại, mà là một thủ đoạn chụp sự đoán mò hay cố ý đoán mò hay bịa đặt của mình lên đối phương với mục đích hạ thấp đối phương. Tiểu xảo đoán mò này thực ra chỉ là “viết bậy” cho nên không đáng phải bận tâm. Bác đã gặp tiểu xảo này rất nhiều lần, nhưng bác chưa bao giờ bận tâm cải chính. Bác có thực tập những điều trên hay không thì chỉ có mình bác biết, và bác không có bổn phận cho ai biết là bác đã thực tập, hay không thực tập, những gì và như thế nào.. 

Cháu đã biết là Phật Giáo có tới “84000” Pháp môn để tu tập, vậy thực hành, hay không thực hành, một vài Pháp môn đâu có nói lên được điều gì, tại sao phải đặt nặng vấn đề thực hành, hay không thực hành, vài Pháp môn mình thực tập và muốn người khác cũng phải thực tập những Pháp môn đó như mình? Nhưng thú thực cùng cháu, ngay khi bác viết bài này thì bác chẳng còn nghĩ đến “Chánh Niệm”, “Tỉnh thức”, “Hiểu và Thương”, hay “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười” . Bác cảm thấy rằng những phương pháp tu tập trên, đối với những người hiểu biết, thì rất có thể họ sẽ thực tập nếu họ muốn, và khi nào có thể, còn lúc nào cũng phải nhớ đến chúng và ép mình làm theo lời dạy thì đó là một hình thức trói buộc. Bác rất bận, nên “không có thì giờ” để thực tập “Chánh Niệm”, “Tỉnh thức”, “Hiểu và Thương” “Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười” suốt ngày. 

Thật ra thì những phương pháp thực tập này là ngày xưa Đức Phật dạy cho Tăng đoàn của Ngài, và ngày nay mang ra áp dụng cho những người coi ngồi thiền hay hành thiền là cứu cánh, hoặc những người dự các khóa tu trong một vài ngày hay vài tuần lễ để có sự bình an trong tâm, cái “tâm viên ý mã” mà ai cũng có. Lãnh vực của “chánh niệm” là “tứ niệm xứ” nhưng không phải lúc nào con người cũng có thể quán thân bất tịnh, quán thọ khổ, quán tâm vô thường, và quán Pháp vô ngã. Tỉnh thức, theo nguyên nghĩa chính là giác ngộ. Đối với đại chúng suốt ngày lo cho cuộc sống của mình và gia đình, đối diện với bao nhiêu vấn nạn trong xã hội, làm gì có thì giờ để mà thực tập. Không thực tập không có nghĩa là họ không có tâm bình an, không có lòng vị tha, không có tình thương, không biết gì về từ bi hỉ xả v…v… , và không dùng chúng để mang lại những lợi ích thực tế cho xã hội, thay vì cho bản thân. 

۞

HPL: Thưa bác, cháu không biết nói lý thuyết, hay biện luận bác học như bác, cháu chỉ muốn chia sẻ với bác một kinh nghiệm trong vấn đề thực tập chánh niệm. Vì năm năm trở về trước cháu cũng có suy nghĩ tương tự như bác, bởi vì hồi đó cháu chỉ có đọc mà không có thực hành. 

TCN: Đây lại là một câu thuộc loại đoán mò của cháu, suy bụng ta ra bụng người. Cháu đọc mà không thực hành và cháu cũng đoán mò là bác đọc mà không thực hành. Cháu nên học cách viết cho đàng hoàng, không nên viết bậy về những điều mình không biết. Kinh nghiệm thực tập chánh niệm của cháu là của cháu, không liên quan gì đến kinh nghiệm thực tập, hay không thực tập, của bác. Bác cũng không có hứng thú để biết về kinh nghiệm thực tập của cháu. 

Trong một bài viết thuộc loại phê bình hay đối thoại, thường người ta chỉ tập trung vào việc nhận định về các đoạn văn, văn phong, luận cứ ở trong bài mà người ta muốn phê bình. Đi ra ngoài tiêu chuẩn này là chưa biết phê bình hay đối thoại. Ngoài ra, tối kỵ là viết về cá nhân mình, không những nó lạc đề mà độc giả thường không quan tâm, không muốn biết, và thường không tin những gì mình viết về chính mình. Vì ai cũng có thể bịa ra vài điều để quảng cáo cho chính mình mà độc giả không có cách nào kiểm chứng. Đây là những điều cháu cần hiểu rõ để rút kinh nghiệm và viết cẩn thận hơn trong tương lai, nếu cháu còn can đảm để viết. Vì không hiểu được như vậy, nên trong cả một đoạn dài tiếp theo, cháu chỉ kể về những chuyện cá nhân, những chuyện mà người đọc thường chẳng mấy ai quan tâm. Người Mỹ thường nói về những trường hợp này: “Who cares?”. 

Nội dung những đoạn này không ngoài tự đề cao cá nhân là mình đã lột xác sau khi theo Làng Mai và quảng cáo cho Pháp Môn Làng Mai. Nhưng càng đọc bác càng thấy cháu chỉ nói như con vẹt, nhắc lại những điều mà cháu nghe được, một mớ lý thuyết suông tương phản với những lời tự khoe về sự thực tập của cháu, cho nên bác chẳng buồn phê bình làm chi. Tuy nhiên có vài đoạn bác cũng muốn điểm qua.

۞

HPL: Bác Ngọc có biết không, [TCN: BIẾT ĐỂ LÀM GÌ?] khoảng 95% thiền sinh tu tập tại Làng Mai là người có gốc đạo Chúa, kế đến là các truyền thống khác như Hồi giáo, Anh giáo, Do Thái giáo,... và Phật giáo thì rất ít bác ạ. Họ là những ông Cha, những bà Sơ, những ông Mục sư, những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, kiến trúc sư, văn nghệ sĩ, chuyên gia, trí thức, người làm việc tay chân, doanh gia, vọng tộc, cho chí những em sinh viên, học sinh, và cả em nhỏ, ... đến từ nhiều quốc gia, đủ mọi màu da, sắc tộc (như năm rồi có đến 53 quốc tịch khác nhau), đủ mọi khuynh hướng chính trị, xã hội. Điều kỳ diệu là họ đã sống chung với nhau một cách hài hòa như anh chị em ruột thịt cùng cha, cùng mẹ. Họ cùng nhau học Phật, thực hành theo Bụt một cách tinh chuyên miên mật trong 24 giờ mỗi ngày và suốt cả khóa tu 4 tuần lễ như thế. 

TCN: Đây là những điều mà Làng Mai thường xuyên nói lên để quảng cáo cho Làng Mai. 4 tuần lễ là 28 ngày. 28 ngày thực hành theo Bụt [sic] [theo Bụt hay theo thầy?] trong 24 giờ một ngày không ngủ. Có vẻ như Pháp môn Làng Mai là để cho những con người phi thường, rất đáng phục. Nhưng sau khóa tu thì sao?

۞

HPL: Ở đó, họ không được học lý thuyết về bất sanh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng, bất giảm, thị cố không trung ... Nhưng họ được huấn luyện cách quán chiếu về đời sống của một chiếc lá từ khi còn là 1 nụ non trên thân cây cho đến khi bụ bẩm xanh tươi rồi úa vàng và rơi xuống đất... cứ như thế mà quán chiếu, và cháu nghĩ nhờ đó họ đã chứng thực được bản chất của sinh diệt, luân hồi, thường, vô thường... 

TCN: Tâm Kinh không phải là một “lý thuyết”. Bản chất của sinh diệt, luân hồi, vô thường… có ngay trước mắt trên vạn pháp đối với những người có một tâm hồn nhạy cảm và biết quan sát. Đông qua, Xuân tới. Lá rụng rồi lại mọc. Tuyết xuống, tuyết tan. Hoa nở, rồi tàn. Trẻ đó, già đó. Hợp đó, tan đó. Ước vọng đó, tan vỡ đó. Khỏe đó, bệnh đó. Sống đó, chết đó v.v… và v.v…. Không cần phải quán chiếu đời sống của một chiếc lá làm gì cho mất thì giờ.

۞

HPL: Chỉ với những cách thức rất đơn giản như: thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra mỉm miệng cười, đã về đã tới, ăn cơm im lặng, thiền trà, thiền hành, thiền ôm, ... vậy mà đã giúp họ làm chủ được những cảm thọ, nhận biết được những tâm hành biểu hiện trong từng xác na nơi thân và tâm của họ. [Lại là đoán mò về người khác] Và cũng nhờ đó mà tình thương trong họ ngày càng lớn ra bác ạ, rất đúng với lời dạy của Thầy Nhất Hạnh là có Hiểu mới có Thương, Hiểu càng sâu thì Thương càng rộng, Hiểu biết sâu bao nhiêu thì tình Thương sẽ lớn lên bấy nhiêu, và cháu thấy chỉ có như thế mình mới buông bỏ được những tâm hành tiêu cực do định kiến, khái niệm thô thiển gây ra. 

TCN: “Nói thì hay, vỗ tay thì dở” Tình thương đặt không đúng chỗ có thể gây nhiều hại hơn là giúp được cái gì. Tình thương đặt không đúng chỗ nhiều khi chỉ có tính cách mị dân, có hại cho xã hội, đó là tình thương mù quáng.. Chỉ có sự thật mới có khả năng giúp, làm thức tỉnh và chuyển hóa con người. Và giúp cho con người biết rõ sự thật mới chính là tình thương thực sự. Chúa Giê-su đã chẳng từng nói, John 8:32: “Rồi các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ cởi trói cho các ngươi” [Then you will know the truth, and the truth will set you free.] Đạo Phật là đạo của trí tuệ. Chỉ có trí tuệ và sự hiểu biết rõ ràng mới có thể giúp cho hành giả đặt tình thương cho đúng chỗ. Tình thương phải phát xuất từ lòng từ bi. Từ là cho vui, và bi là cứu khổ. Cháu nên nhớ, thế giới ngày nay, ít ra là 99.99%, sống trong Tục Đế chứ không sống trong “Chân đế” của nhà Phật. Trong Tục đế, ước vọng càng cao thì thất vọng càng lớn. Còn chưa ở trong Chân đế thì chưa thể áp dụng được những ý tưởng hay tiêu chuẩn của Chân đế.

۞

HPL: Thành ra, bác Ngọc đừng có lo như bác đã từng lo là bài viết của bác: "có thể làm cho một số người không hài lòng, phật ý". Không, cháu không có giận bác một chút nào khi đọc những gì bác viết rất sai lầm về bài “BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN” của Sư ông Nhất Hạnh. Chẳng hạn như bác viết rằng: "tôi thật tình không dám tin đó là sản phẩm trí tuệ của Thiền sư Nhất Hạnh. Tôi có cảm tưởng là tên tuổi và uy tín của Thiền sư ở ngoại quốc đã được sử dụng cho những mục đích có thể nằm ngoài vòng kiểm soát của Thiền sư". Nếu cháu hiểu không lầm, ở đây bác muốn ám chỉ thầy Nhất Hạnh đã bị ai đó, hoặc một thế lực ngoại quốc nào đó lợi dụng. 

TCN: Cháu cho rằng bác phải bận tâm đến cái giận, hoặc không giận, của cháu đối với bác hay sao? Cháu có giận thì chỉ tự mình làm khổ mình mà thôi, vậy không giận là phải. Bác đã viết là có thể bác nghĩ sai nhưng bác không thể nghĩ khác được. Tại sao? Bác đã nói rõ: với sự hiểu biết của bác về Thiền Sư Nhất Hạnh qua một số không ít những tác phẩm viết về Phật Giáo của Thiền sư trước đây, bác thật tình không dám tin đó là sản phẩm trí tuệ của Thiền sư Nhất Hạnh. Còn của ai thì Bác không dám lạm bàn, không ám chỉ ai hết. Nhưng nếu thật đó là của Thiền sư Nhất Hạnh thì bác thành thực xin lỗi Thiền sư vì đã nghĩ sai, nhưng xin lỗi trong niềm thất vọng, thất vọng vì sự xuống cấp của một người mà bác đã từng ngưỡng mộ. Bác có thể nghĩ sai về tác giả bài “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền”, nhưng những điều bác viết trong bài thì không sai Hãy đọc kỹ lại bài “Bát Nhã Là Một Công Án Thiền”, từ những tư tưởng cho đến văn phong thì sẽ hiểu tại sao bác lại nghĩ và viết như vậy..

۞

HPL: Cháu nghĩ là sẽ có không ít người giận bác về câu này, vì trước khi bắt đầu bác đã có sẵn một định kiến không tốt về thầy Nhất Hạnh mặc dù trước đó bác đã từng rào giậu rất kỹ về lý do bác phải viết bài này. Cũng vì có sẵn chủ ý trước nên bác đã đánh mất các tiêu chuẩn về trung thực, khách quan, ... mà các nhà khoa học nói chung, một giáo sư tiến sĩ khoa học tự nhiên như bác nói riêng bị bắt buộc phải tuân thủ khi quan sát, nhận định, phân tích một bài viết, một hiện tượng, một sự kiện nào đó, ở đây là bài “BÁT NHÃ LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN” của Sư ông Nhất Hạnh. 

TCN: Bác viết thuần túy dựa trên lô-gíc và phân tích các vấn đề trong nội dung của bài, không phải vì định kiến. Tiêu chuẩn về trung thực, khách quan của cháu về bài của Thiền sư Nhất Hạnh là như thế nào, cháu có thể cho bác biết không. Và bác đã viết không trung thực, không khách quan ở chỗ nào, cháu có thể vạch ra không? Có phải là cháu cho rằng bác đã không trung thực, không khách quan như trong đoạn cháu viết sau đây.

۞

HPL: Cháu xin hỏi bác một câu: Công án thiền mà cũng có công thức sao bác? Xin lỗi bác, cháu có câu hỏi này bởi vì bác viết rằng: "trong “công án Bát Nhã” này tôi thấy cả một tu viện, mấy trăm Tăng thân Làng Mai và Pháp Nạn của Phật Giáo Việt Nam, trái ngược hẳn với sự hiểu biết của tôi về những “công án” mà tôi đã đọc, thường chỉ là một mẫu đối thoại, một đoản văn, một câu chuyện ngắn ngắn thuộc về Thiền Đạo". Sau đó bác lại tầm chương trích cú (việc bình thường của học giả) ở những sách vở của các thầy Chơn Thiện, Tuệ Sỹ, Đức Thắng, v.v... (trong số các tác giả ấy có những thầy thuộc hàng học trò của Thiền sư Nhất Hạnh họ đã từng dự các lớp học do Thiền Sư trực tiếp giảng dạy trước đây) chỉ để phản bác rằng "BÁT NHÃ KHÔNG LÀ MỘT CÔNG ÁN THIỀN" và chứng minh (cũng là việc bình thường của khoa học gia) cho chủ ý có sẵn (tới đây thì đã mất bình thường) của bác, như cháu đã nêu ở trên. Thưa bác, cháu không thấy công án "BÁT NHÃ" nó dài nhiều chữ như bác thấy. Có thể bị định kiến trấn ngự cho nên bác đã lầm những lời giải thích của Sư Ông là công án. Nguyên câu mà bác đã trích: "Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt." đây chỉ là lời giải thích (có chữ "đây là"), nó không phải là công án. Công án "BÁT NHÃ" chỉ có 2 chữ "BÁT NHÃ" trơ trụi mà thôi.

Thưa bác Ngọc, bắt đầu phần chính của bài, bác đã tự tiện thêm chữ "công án" vào lời giải thích ban đầu của Sư ông Nhất Hạnh, bác viết rằng: "Theo Thiền sư thì Công án Bát Nhã là Công án Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Công án Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Công án Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt". Trong khi câu viết của Sư Ông lại như vầy, cháu xin trích dẫn thêm lần nữa: "Bát Nhã đây là Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, là Tăng thân Bát Nhã đang gặp khó khăn và đang là một mối băn khoăn cho chính quyền, là Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt." Vì sao, và vì ai mà bác lại làm một việc thiếu đạo đức như vậy hả bác Ngọc? Bác đã vô tình, hay cố ý đánh lừa thiên hạ, có phải bác muốn cho người ta hiểu lầm rồi sinh tâm oán ghét Sư Ông, và từ đó có thể ghét lây một tập thể, một tăng thân thánh thiện có hàng chục, hàng trăm vạn con người trên thế giới? 

TCN: Công án Thiền không phải là một công thức nhưng không phải ai cũng có thể đưa ra một vấn nạn để giải quyết, nhất là vấn nạn đó là một vấn nạn xã hội, và gọi đó là Công án. Trong Thiền Tông Phật Giáo, Công án có ý nghĩa và công dụng riêng của Công án. Để giúp cháu hiểu hơn, bác cũng muốn hỏi cháu một câu: Công án Thiền là gì? Công dụng của Công án Thiền là gì? Có phải là để giúp hành giả đạt ngộ bởi những bậc Thầy đã giác ngộ không? Hay Công án là để giải quyết một vấn nạn xã hội, và ai cũng có thể bầy ra một Công án Thiền? Những trích dẫn [không phải là tầm chương trích cú] của các tác giả như Chơn Thiện, Tuệ Sỹ, Đức Thắng chỉ có một mục đích tìm hiểu thế nào là một công án Thiền trong Thiền Tông Phật Giáo. Nếu quý vị này thực sự thuộc hạng học trò của Thiền sư Nhất Hạnh thì phải chăng tất cả những gì của Thiền sư Nhất Hạnh họ đều phải coi như là khuôn vàng thước ngọc để mà rập khuôn theo mà không cần đến khả năng suy tư của mình? Nếu thật là như vậy là quý vị này đã quên mất Kinh căn bản trong đạo Phật là Kinh Đức Phật thuyết cho người dân Kalama. Bác không nghĩ như vậy. Trong Phật Giáo có câu “Y Pháp Bất Y Nhân”. Vấn đề không phải là quý vị này thuộc hạng học trò của Thiền sư Nhất Hạnh mà là quý vị đó đã viết những gì, đúng hay sai, chúng ta có thể học được những gì trong đó. Nếu cháu viết như trên chỉ có mục đích nói lên điều là những quý vị đó chỉ thuộc hàng học trò của Thiền sư, không thể nào bằng được Thiền sư Nhất Hạnh thì thật sự cháu chỉ chứng tỏ cho độc giả thấy trình độ hiểu biết rất kém của mình mà thôi, không có một giá trị thuyết phục nào, vì không có thể rút tỉa ra một kết luận nào về quý vị đó. Cháu có ý định tôn cao Thầy của mình, nhưng viết như vậy chỉ chứng tỏ là mình chưa xứng đáng là đệ tử của vị Thầy mà mình muốn tôn vinh.

Cháu không thấy nhưng mà bác thấy. Vì bác hiểu tiếng Việt hơn cháu. Trước hết, cháu viết về “tầm chương, trích cú” mà cháu không hiểu câu này từ đâu mà ra và có ý nghĩa gì. Nhưng bác bỏ qua. Thứ đến, cháu hiểu thế nào về cụm từ “đây là” nằm trong một câu? Có phải là để giải thích cho rõ nghĩa không? Cháu viết “đây chỉ là lời giải thích”, nhưng giải thích cho ai và giải thích cái gì? Giải thích là giải thích cho người đọc, và giải thích phải là giải thích một cái gì đó, có phải không. Trong những lời giải thích trên thì “đây là” giải thích cho cái gì? Nếu Công án “Bát Nhã” chỉ có 2 chữ “Bát Nhã” trơ trụi mà thôi, thì “đây là” nằm trong đó để giải thích cái gì? Và những thứ nằm sau “đây là” có nghĩa gì và để làm gì? Nhưng thế nào là 2 chữ “Bát Nhã” trơ trụi? Đó là “Văn tự Bát Nhã”, hay “Quán Chiếu Bát Nhã”, hay là “Thật Tướng Bát Nhã”, bởi vì Bát Nhã gồm có ba. Quán chiếu Bát-nhã là dùng trí tuệ soi sáng, xem xét kỹ những điều Phật dạy trong kinh rồi ứng dụng tu hành. Từ Quán chiếu Bát-nhã mới đi tới Thật tướng Bát-nhã. Thật tướng Bát-nhã là trí tuệ chân thật, giác ngộ viên mãn. Theo lô-gíc thông thường thì Bác có thể viết như sau mà không sợ sai lầm: 

- Mọi người hãy tham cứu Công án « Bát Nhã »

- Bát Nhã « đây là » Tu Viện Bát Nhã [có phải « đây là » là để giải thích cho hai từ « Bát Nhã » không, hay là để giải thích một cái gì khác?]

- Vậy, tham cứu « công án Bát Nhã » « đây chính là » là tham cứu « công án Tu viện Bát Nhã »

Lô-gíc này cũng có thể áp dụng cho hai cụm từ « Tăng Thân Làng Mai », và « Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ thứ hăm mốt. » 

Đến đây bác không còn muốn nhận xét thêm về bài viết của cháu nữa. Vì tất cả phần sau bài viết của cháu là để chống Cộng [trong chánh niệm của cháu] theo luận điệu quen thuộc đã thấy trên vài trang nhà ở Pháp, Mỹ v…v…, đôi khi với văn phong hỗn xược [trong chánh niệm của cháu], dạy đời [trong chánh niệm của cháu]. Độc giả có thể vào trang nhà giaodiemonline đọc toàn bài của Hoàng Phi Long để tấy rằng tôi nhận định không sai.

۞۞۞

Để kết luận, bác muốn tặng cháu một câu của Samuel Butler. Câu của Samuel Butler như sau :

Những đặc tính đúng nhất của sự ngu si là lòng tự cao, tự đại, hãnh diện, và kiêu căng.

[The truest characters of ignorance are vanity and pride and arrogance] 

Bác cũng muốn đề nghị với cháu là: “Cháu hãy mang bài “Bát Nhã: Công Án Hay Không Công Án?” của cháu trình với Thầy Nhất Hạnh của cháu, và thỉnh xin ý kiến của Thầy về bài viết này.” Ý kiến của Thầy ra sao, làm ơn cho bác biết, bác xin cám ơn.

Và sau cùng, bác hi vọng cháu có thể đọc thêm một ý kiến về Công án Thiền Bát Nhã, ý kiến này là một trong những ý kiến bác thấy trên Internet (phần nhấn mạnh là của bác):
(http://www.sachhiem.net/TCN/TCNdt/TCNdt044.php)


KHI CÔNG ÁN THIỀN VÀO QÚAN NHẬU
Phan Tấn Hải 

Trong một quán nhậu, một dân chơi rót rượu vào ly chưa cạn của bạn và ngật ngưỡng bình luận rằng "Trên tuyết thêm sương..." như dường Công án Thiền đã trở thành một túi phi tiêu đeo bên mình của các tay võ hiệp, và khi gặp chuyện là các mũi phi tiêu Công án được phóng ra liền để diễn võ. 

Đọc bài Bóng ma của các Công án Thiền (viết tắt: BM) của Nguyễn Bình (talawas, 19.03.2004), tôi đã biết thêm nhiều thông tin hiếm hoi, bất ngờ. Thiền, từ một pháp tu nghiêm ngặt của nhà chùa, rồi trở thành phong thái thời thượng của một số trí thức Việt Nam, và rồi khi cần thuyết phục nhau, thì "dùng công án Thiền dễ hơn nhiều..." Mặc dù tác giả viết trong một văn phong đùa giỡn, châm biếm, cho một đề tài khác - về một quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà tác giả mô tả khó hiểu như "cây bách trước sân" - nơi đây chúng ta cũng có vài điểm cần nói về Thiền, một mảng văn hóa của dân tộc Việt Nam. 

Điều lý thú tác giả Nguyễn Bình nói là "cuối những năm 70, đầu những năm 80 ở Hà Nội có một cơn sốt các Công án Thiền." Đây hiển nhiên là một nhân duyên rất tốt, nhưng lại là một điều hết sức lạ lùng. Lúc đó, thực sự Thiền Tông ở miền Nam cũng vẫn chưa được hưng thịnh như các năm đầu thế kỷ 21. Cuối những năm 1970, đầu các năm 80, tôi bấy giờ là một tên thanh niên miệt mài đi gõ cửa các chùa để tìm học Thiền, và có vẻ như mặt ngoài đã khám phá ra rằng "cơn sốt Thiền Tông" của miền Nam thực sự hầu hết chỉ ảnh hưởng tới phong thái sống của một phần giới trí thức thành thị, và như dường được du nhập phần lớn từ sách vở. Đại đa số các chùa thực sự không theo Thiền Tông. Trừ các chùa Nam Tông theo nghi thức riêng, tương tự như Phật Giáo ở Thái Lan và Cam Bốt, còn hầu hết đều là các chùa Bắc Tông theo nghi thức tổng hợp cả Thiền Tông, Tịnh Độ và Mật Tông - nhưng lại lấy Tịnh Độ làm chính, và Thiền chỉ là phụ thôi, hoặc có thể bỏ hẳn luôn các quan tâm về Thiền. Lúc đó, nhiều người còn nghĩ, có lẽ Thiền Tông thất truyền rồi, hệt như một số môn võ công bí truyền của Chùa Thiếu Lâm. 

Vài năm sau, tôi mới biết là Thiền Tông chưa thất truyền ở Việt Nam. Vẫn còn có những vị thầy của môn học khó nhọc này. 

Nhưng sách vở để nghiên cứu thì nhiều lắm, đọc tha hồ. Lúc đó, Thầy Thích Thanh Từ đã dịch vài chục cuốn về Thiền rồi; nhưng cứ nghe nói là Thầy đang nhập thất liên tục ở Tu Viện Chân Không, Vũng Tàu. Trong khi đó, các nhà xuất bản khác cũng có nhiều tác phẩm, dịch phẩm. 

Khoảng năm 1980, nghe dân tu học Sài Gòn loan tin rằng Thầy Thích Duy Lực sẽ phổ biến bản văn mới dịch của Ngài Trung Phong Bổn, một vị Thiền Sư Trung Hoa của nhiều thế kỷ trước, tôi đạp xe đạp tới Chùa Từ Ân ở Chợ Lớn để tìm mua. Tới vào buổi trưa, chùa đầy người, cúng lạy thành kính, mùi khói nhang và mùi đủ thứ làm ngộp thở. Tôi hỏi, và không ai biết chuyện dạy Thiền hay bán sách Thiền gì cả, may có một chức việc trong chùa chỉ tôi lên lầu 2 để tìm mua. Cuốn này lúc đó chỉ là một xấp giấy, hình như quay roneo hay chụp photocopy, đóng kẹp lại. Như thế thì thấy, Thiền cũng chỉ ở một góc lầu thôi. Nhu cầu quần chúng cần đủ thứ khác, phải có chuông, có mõ, có khói, có nhang, có tụng, có hát, vân vân. Tôi về đọc cuốn Trung Phong Ngữ Lục hoài vẫn không hiểu. Cho tới về sau, khi trực tiếp gặp một vị sư già ở một vùng quê - nhưng đây lại là chuyện khác. 

Điều hết sức bất ngờ trong bài viết BM là hiện tượng Thiền Tông bỗng thành môn võ chữ nghĩa, để các cao thủ biến những câu nói đặc dị thành phi tiêu đụng đâu phóng đó nhằm biểu diễn võ công, cho dù ở quán rượu, quán bia... một hiện tượng khó thể hình dung được, cho dù trong cuốn tiểu thuyết giàu tưởng tượng nhất. Có phải đây là sự suy thoái của Phật Giáo, khi được quần chúng hiểu Thiền như một túi phi tiêu để phóng? Thử xem ông Nguyễn Bình mô tả hiện tượng tức cười này như sau trong bài BM: 

"Từ chỗ là sở hữu vụng trộm của một nhóm trí thức văn nghệ cấp tiến và a-văng-gác mà phần lớn là không theo Thiền, chúng bước vào văn hoá đại chúng. Ở các quán bia, quán lẩu ngày nay, nơi dân chúng được "vô tư" bày tỏ phong độ anh hùng không thua ai của họ, những lời rút từ các Công án Thiền thứ thiệt (hay thứ rởm, tôi không kiểm tra được, vì tôi không biết hết 1700 Công án) như "Lấy đũa quơ trăng", "Thiền sư qua sông", "Quẳng dao giết lợn xuống là thành Phật", "Một được một mất", "Gãi ngứa trên giày" thành chuyện đầu môi. Ông bạn hàng này dốc thêm rượu vào cái li còn chưa hết của ông bạn hàng khác cũng ngật ngưỡng bình luận rằng "Trên tuyết thêm sương"! Nhưng kì diệu nhất là giới trí thức văn nghệ, kể từ phong trào về nguồn (đúng ra là tái về nguồn vì trí thức văn nghệ miền Nam trước 1975 đã về nguồn trước rồi), cũng cứ đem những "ngón tay trỏ mặt trăng", "mũi tên qua khỏi trời tây"... cùng là "vô minh", "vô ngôn", "vô thường", "vô ngã", "vô sở đắc", "vô sở trụ" dùng như dán bùa chú lên khắp mọi nơi. Cái khổ là bây giờ người ta có thể ít nhiều công khai dị ứng với chủ nghĩa cộng sản, nhưng dị ứng với...Thiền, Phật, minh triết phương Đông thì lại không xong!"
Tuy nhiên, công án Thiền không chỉ để các dân nhậu đem ra đùa giỡn trên bàn rượu, mà còn được nhiều vị trí thức lấy để phóng hỏa mù, để khỏi phải đưa ra các câu trả lời minh bạch. Phóng công án Thiền lên bàn nhậu thường là do cao hứng, để đùa giỡn cho vui. Nhưng khi dùng công án để tránh né trả lời, thì đây không còn là chuyện cao hứng mà chỉ là thủ đoạn đời thường, một thứ khôn lanh đường phố.

Trong bài viết BM, tác giả Nguyễn Bình kể như sau: 

"...Việc tụng niệm này tôi thấy đáng khó chịu vì nó tạo "điều kiện sang trọng" cho người ta lẩn tránh lời đáp rõ ràng, sáng tỏ cho những câu hỏi rất cần một lời đáp rõ ràng, sáng tỏ. Hỏi một nhà văn rằng vì sao anh ta cứ mài óc ra mà viết bài cho báo lá cải. Đáp: Phật cũng chỉ là que cứt khô thôi mà! Hỏi tiếp: Sao Phật lại là que cứt khô? Đáp: Anh không biết Công án Thiền à? Thế là người hỏi cứng họng. Trao đổi với một trí thức khác: Bài viết này của anh toàn những nội dung chả nói được điều gì. Đáp: Nói được cũng bị ba mươi hèo, không nói được cũng bị ba mươi hèo thôi ông ạ. Hỏi tiếp: Ba mươi hèo ở đâu ra thế? Đáp: Thế là ông không đọc Công án Thiền rồi!"
Hiện tượng dân chúng đời thường và trí thức văn nghệ sử dụng công án Thiền như thế, vậy thì giới tu hành ra sao?

Tác giả Nguyễn Bình cũng thấy bi quan về các vị sư như sau: 

"Lẽ ra các nhà nghiên cứu Phật giáo và giới trí thức tu hành phải có những tiếng nói phản tỉnh rõ ràng trong tình hình này. Tiếc thay, giới nghiên cứu Phật giáo nếu có...nghiên cứu thì chỉ dừng lại ở việc tán dương chung chung, sáo rỗng và nhàm chán những giá trị của Phật giáo như từ thuở nào. Tất nhiên tôi không phản đối các giá trị đó, nhưng tôi cho rằng để Phật giáo có thể sống một cách sinh động, gần gũi và là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống hiện đại của thời đại chúng ta thì người ta không thể giảng giải tán dương nó như ở thời Trung cổ được. Còn giới trí thức tu hành từng đóng những vai trò lớn trên phương diện xây dựng ý thức quốc gia và đóng những dấu ấn quan trọng trong diện mạo đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, nay đã mất hẳn vị trí. Ở nhiều chùa chiền hiện nay chỉ thấy những vị sư bận tiếp khách du lịch, chạy sô cầu kinh trong các đám hoặc lo cho nhà hàng cơm chay hơn là lo suy tư nghiền ngẫm kinh kệ. Chính mắt tôi chứng kiến cảnh người đi lễ Phật dâng lên cả con gà luộc mà sư vẫn tỉnh bơ nhận lễ. Chẳng lẽ giới tu hành không nhận ra rằng nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức, Phật giáo đã suy thoái thành một thứ tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng, Bồ Tát chỉ còn là một vị thần giúp người ta trúng quả, vào cầu, đẻ con trai, trừng phạt ngoại tình... và thi đỗ đại học? Nói chung chung về những tinh túy của Phật giáo trong một bối cảnh như vậy, liệu có phải là mơ màng về những bóng ma không?"
A ha! Có phải giới tu hành Phật Giáo đang mơ màng về những bóng ma? Có phải Phật Giáo đã suy thoái thành tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng? Có phải nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức? Đây mới là những vấn đề lớn, cực kỳ lớn cho cả giáo hội, cho tất cả những người quan tâm về Phật Giáo.

Hiển nhiên, cúng gà vịt rươụ bia thì người cúng đã sai, mà vị thầy nhận lễ còn sai lớn nữa. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ tình hình Việt Nam, thì thấy đào tạo các vị sư giới luật trang nghiêm, Phật Học uyên bác cho đủ các địa phương thì thật là khó. Và có lẽ sẽ không thể nào làm nổi trong vài thập niên tới. 

Một bản thống kê trên báo Giác Ngộ năm 2003 cho biết có vài ngàn (tôi nhớ, hình như hơn 3.000) ngôi chùa tại Việt Nam thiếu sư trụ trì. Như thế là khủng hoảng thiếu Tăng Ni, ít nhất cũng là cả chục ngàn. Không phải Tăng Ni nào cũng đủ sức làm vị trụ trì. Vì từ chỗ xuất gia, tới chỗ thọ 10 giới sa di là mất vài năm rồi, sau đó tu học thêm vài năm mới thọ 250 giới của tỳ kheo... Còn bên Ni thì tốn thêm vài năm nữa, vì thủ tục phức tạp hơn. Nhưng tu học là một chuyện, còn làm trụ trì lại đòi một khả năng tiếp cận quần chúng phức tạp hơn. Có những vị sư chỉ ưa hạnh ngồi Thiền trong núi, có những vị chỉ thích ngồi tụng đọc kinh điển, có những vị chỉ muốn dịch kinh, và có những vị chỉ thích làm từ thiện xã hội. Và như thế, khi nói thiếu 3.000 sư trụ trì, có nghĩa là cần đào tạo ít nhất 15.000 sư cho công việc toàn bộ của giáo hội. 

Trong tình hình thiếu tăng ni như thế, nếu có ai mặc áo nhà sư để dọn vào các ngôi chùa hoang phế kia mà nhận lễ gà vịt thì là bình thường. Chỉ sợ có khi họ còn làm tệ hơn thế.

Nhưng có phải Phật Giáo đã trở thành tín ngưỡng dễ dãi và thời thượng? Thực sự, lời than phiền này không phải là hiếm. Thời nào cũng thế, và ở nước nào cũng thế, vẫn có những mảng Phật Giáo trở thành dễ dãi, có khi được linh động sáp nhập với tín ngưỡng dân gian. Thí dụ, Phật đâu có dạy xin xăm, vậy mà nhiều chùa vẫn cho xin xăm đầu năm, coi như tiếp nhận luôn các nếp văn hóa dân gian, nhưng nên nhớ, các cột trụ của giáo pháp vẫn giữ không đổi. Thế nên các sư mới nói "tùy duyên mà bất biến." 

Còn nếu nói "nền tảng tri thức của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ, đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức" thì đã là một nhận xét hết sức vội vã. Trong bài viết, tác giả Nguyễn Bình chỉ nêu lên một số chuyện mắt thấy tai nghe, và rồi rút ra kết luận như thế. Đó chỉ là vài chuyện trong môi trường mà tác giả tiếp cận, chứ không phải toàn cảnh Phật Giáo Việt Nam. 

Có thật nền tảng của Phật giáo tại Việt Nam hiện nay hầu như đã không còn nữa, kinh sách thì bị hiểu lơ mơ? Tác giả Nguyễn Bình đã đọc những sách nào, báo nào, thống kê nào của Phật Giáo để nhận xét như thế? Hay là chỉ nghe chuyện ở bàn rượu, ở một số nhà văn ưa phóng phi tiêu công án? Tác giả có biết Việt Nam hiện có bao nhiêu trường Phật Học, và chương trình dạy những gì? Tác giả có biết tại một số chùa thuộc các tông phái chuyên biệt, các sư phải tu học ra sao? Có phải là "nền tảng... không còn nữa"? 

Còn hiểu kinh sách lơ mơ là sao? Kinh sách nào, và ai hiểu? Nếu mà hấp tấp kết luận như tác giả, thì chúng đã sẽ phủ nhận công sức của quý Tăng Ni đã và đang dày công bồi đắp cho nền Phật Học ở Việt Nam. Và nỗi nguy của nhận xét đó là, đồng bào Phật Tử sẽ hoang mang, biết có còn chịu theo quý Tăng Ni để tu học hay không, một khi "nền tảng Phật Học đã mất... và kinh sách lơ mơ"? Rồi ai sẽ đứng ra hướng dẫn Phật Pháp cho đồng bào nữa? 

Thực sự, không hề có chuyện kinh sách lơ mơ gì hết. Hãy thấy, thời nào cũng có các vận động học Phật và tu trì. Cứ nhìn từng giai đoạn cũng thấy. 

Như phong trào Phật Học của cụ Tâm Minh Lê Đình Thám thời Pháp thuộc đã đào tạo nhiều danh tăng hòa thượng, trong đó có những vị xứng đáng thuộc hàng Tam Tạng Pháp Sư như cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, hay như Hòa Thượng Thích Minh Châu. Cũng như bầu không khí say mê học Phật mà Đại Học Vạn Hạnh đã thổi bùng dậy trước 1975, đã dẫn tới cái mà có người goị là "thời thượng của Thiền Tông." Nhìn cho kỹ, Thiền chỉ là một mảng của toàn cảnh Phật Học lúc đó. 

Hay như gần đây, tạp chí Giác Ngộ đã thực hiện chương trình Phật Học Cơ Bản Hàm Thụ (1998-2002), và in 4 cuốn sách theo thứ tự niên học cho chương trình này. 

Chúng ta có thể hỏi, nếu kinh sách lơ mơ và nền tảng đã mất, thì các vị tinh thông tam tạng đã học gì, viết gì, dịch gì và dạy gì? Tương tự, cả một viện đại học không lẽ chỉ đưa sinh viên vào hội trường rồi dạy nhau "phóng phi tiêu công án Thiền"? Tương tự, không lẽ 4 cuốn Cơ Bản Hàm Thụ cũng toàn là chữ lơ mơ, câu lơ mơ, kinh sách lơ mơ... nói là cơ bản, nhưng đâu có dễ đâu. 

Đó là nói về học, bây giờ sẽ nói về tu. Có thật là giới tu hành "nói chung chung về những tinh túy của Phật giáo trong một bối cảnh như vậy, liệu có phải là mơ màng về những bóng ma không?" Không phải thế. Vẫn còn rất nhiều người tu hết sức nghiêm túc. 

Chỉ nói riêng về những chỗ mà tôi được đọc, được nghe kể, và có khi may mắn được tiếp cận, thì số người tu nghiêm túc nhiều không thể đếm nổi. Thí dụ, tôi được đọc trên trang web về dòng Thiền của Hòa Thượng Thanh Từ với các bản thanh qui, với chương trình học Kinh-Luận-Sử trong 3 năm đầu mới vào, thì thấy rõ phép tu, phép học rất nghiêm. Hay như dòng Thiền của cố Hòa Thượng Duy Lực, với pháp tham thoại đầu yêu cầu hết sức miên mật thì còn thì giờ đâu mà mơ với màng, thời với thượng (tôi may mắn có nhiều pháp hữu bên dòng này, nêu hiểu rõ là không có chuyện gì lơ mơ ở đây cả). Hay như pháp môn Tịnh Mật Song Tu do cố Hòa Thượng Thiền Tâm chủ xướng khi ngài về trụ ở Đại Ninh, Lâm Đồng, nơi tôi từng lên cầu pháp, thì trong 24 giờ mỗi ngày đều là nhập thất cả, đâu có chỗ để phải nói "đào tạo tăng lữ thì chỉ mang tính hình thức"... Hay như Núi Vải ở Bà Rịa, tôi được nghe nói hiện đang có 800 vị sư Nam Tông đang ngồi biệt tu ở các am cốc, hang động quanh núi. 

Thêm nữa, khi xét theo kiến giải qua văn tự, trong những bài tôi may mắn đọc về Thiền Tông thì thấy trong nước rất nhiều bậc tôn túc, với những lời lời như châu ngọc của Hòa Thượng Minh Trực, hay Thầy Đại Lãn (tức Thượng Tọa Đức Thắng), cư sĩ Nhuận Bảo... thì ai dám bảo là Thiền Tông thất truyền rồi? 

Nhiều nữa, nhiều nữa. Còn rất nhiều chùa, rất nhiều vị tăng ni đáng kính nữa mà tôi chưa biết hết, hoặc có biết nhưng không tiện viết lên giấy. 

Bàn xong phần tu học, bây giờ chúng ta bàn qua khía cạnh xã hội của nhà chùa. 

Với tấm lòng thiết tha với Phật học, Nguyễn Bình đã nêu lên hiện tượng nổi bật ở nhiều thành phố lớn, "nhiều chùa chiền hiện nay chỉ thấy những vị sư bận tiếp khách du lịch, chạy sô cầu kinh trong các đám hoặc lo cho nhà hàng cơm chay hơn là lo suy tư nghiền ngẫm kinh kệ..." 

Sự thật đúng là có như thế, nhưng không phải tất cả như thế, và câu chuyện cực kỳ phức tạp hơn nhiều. 

Khách du lịch tới thì tất nhiên phải ra tiếp. Vị sư có nhiệm vụ Tri Khách phải lo việc này. Nhưng không phải tất cả các sư trong chùa cần ra tiếp khách. Cũng không phải chùa nào du khách cũng tới, phải nằm trong danh sách các tour du lịch mới được, còn không thì chỉ có khách quen về tìm thăm thầy cũ thôi. Thêm nữa, việc quản chúng cực kỳ phức tạp ở thời này. Đâu phải vị sư nào muốn xin dời hộ khẩu về thành phố là được, mà có xin nhập chúng vào các chùa trong danh sách du lịch là cũng thiên nan vạn nan chứ. 

Còn tình hình "chạy sô cầu kinh trong các đám" chỉ nói lên hiện tượng thiếu tăng ni cho nhu cầu tang lễ của dân chúng. Vì thầy chùa mà không tụng kinh cho đám ma thì nên vào núi nhập thất là hơn. Khi Phật Tử tới gõ cửa chùa, xin tụng kinh cho ba mẹ vừa từ trần, cho dù có cảm cúm nhức đầu, quý thầy cũng phải đi chứ. Chỉ trừ trường hợp có thầy nào bày vẽ cho tang chủ tốn kém, phức tạp... thì mới là đáng trách. Nhưng hiển nhiên là ở đâu cũng có các vị thầy kỳ dị như thế, ưa bày chuyện. 

Đặc biệt, cách dùng chữ "chạy sô" của Nguyễn Bình dễ làm độc giả khởi tâm bất kính với quý Tăng Ni, vì hóa ra việc tụng kinh đám ma cũng là một nghề như ca sĩ. Đây không phải là nghề. Tụng kinh đám ma không phải là nghề nghiệp gì cả, mà đây là việc cứu nguy khẩn cấp. Những hiện tượng này mắt thường đâu có thấy hết, mà chỉ có Phật mới thấy để dạy cho chúng ta thôi. Dù là Nam Tông hay Bắc Tông, đều có nghi thức tụng kinh cho người sắp chết và người mới chết. Quan trọng nhất là giây phút cận tử. 

Thí dụ, như Nam Tông, vị thầy sẽ thuyết về tam pháp ấn, tụng các bài kinh ngắn để người bệnh giữ tâm bình an lìa trần, hy vọng kiếp sau có cơ hội tu học Phật nữa. Còn đối với người đã chết, nghi thức Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam ghi là dựa theo Kinh Hồi Hướng Vong Linh, khi vua Bim Bi Sa Ra nằm mơ thấy thân nhân quá cố bị đói lạnh, Phật mới "dạy cách tạo phước hồi hướng vong linh để thoát ly khổ ách." 

Còn bên Bắc Tông, khi cận tử, người bệnh sẽ được tăng ni và các ban hộ niệm tới Niệm Phật và tụng Kinh A Di Đà, và có các nghi thức cầu siêu trong hạn 49 ngày sau khi chết với hy vọng vãng sanh về Cõi Cực Lạc. 

Nên nhấn mạnh, tụng kinh đám ma không phải "chạy sô." Nói như thế, Phật Tử sẽ hiểu nhầm về nghi thức này. 

Còn như việc "lo cho nhà hàng cơm chay" thì hẳn là ít thầy nào có doanh nghiệp như thế vậy. Chỗ này không có gì để bàn, vì giới luật không cho cá nhân quý thầy làm như thế, trừ phi tiệm cơm là tài sản của giáo hội, hay của một hội từ thiện. 

Và bây giờ là một vấn đề rất là lớn: vai trò tăng sĩ trong việc xây dựng ý thức quốc gia. Nguyễn Bình viết trong bài BM như sau: "Còn giới trí thức tu hành từng đóng những vai trò lớn trên phương diện xây dựng ý thức quốc gia và đóng những dấu ấn quan trọng trong diện mạo đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam, nay đã mất hẳn vị trí." 

Các nhà sư xây dựng ý thức quốc gia? Vâng, đó là chuyện của thời Lý, Trần. Đó là chuyện mới hai thập niên trước, người ta còn cấm nhắc tới. Tu là tu đi, đừng bàn chính trị - đó là lời dặn dò của công an khu vực. Nhưng lúc đó tu cũng là vất vả lắm, cứ bị xem như ăn bám, xem như không chịu sản xuất của cải cho xã hội, vân vân... Thậm chí như bây giờ, giấy tạm trú, giấy hộ khẩu vẫn còn làm trở ngại cho việc quý thầy di chuyển, việc tìm nơi tu học mới, việc đổi trường, vân vân. 

Phải thấy, nếu chính quyền Việt Nam không thỉnh ý, thì sẽ không một nhà sư nào dám nhắc đến chuyện "xây dựng ý thức quốc gia" nữa - không một nhà sư nào dám nữa. Phật Giáo thực sự đã "mất hẳn vị trí dấu ấn quan trọng" đó rồi. Có phải nhà nước thực sự chỉ muốn các sư chạy sô tụng kinh cho đám ma? 

Câu trả lời chắc là kiếm không ra, bởi vì "hỏi ba lần đều bị từ chối mà không chịu tự mình ngộ ra," để dẫn câu cuối trong bài BM của Nguyễn Bình. 

3-2004
(talawas)

Nguyên Giác Phan Tấn Hải là tác giả các cuốn:
Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ 
http://www.thuvienhoasen.org/u-chugiaithien-00.htm
Ba Thiền sư 
http://www.thuvienhoasen.org/bathiensu-00.htm
Chú giải về Phowa
http://www.thuvienhoasen.org/chuyendithanthuc-00.htm
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn