03. Phản Ứng Từ Làng Mai Pháp Quốc

23 Tháng Chín 201000:00(Xem: 9795)


HỒ SƠ TU VIỆN BÁT NHÃ LÀNG MAI
PHẢN ỨNG TỪ LÀNG MAI PHÁP QUỐC 

Ngồi Yên Như Núi - Sư Ông Làng Mai 20-7-2009
Thân Kim Cương - Lá thư Sư Ông viết cho đệ tử 8-10-2009
Thư của giáo sư Nguyễn Lang gửi Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết 30-9-2009
Lá thư của giáo sư Nguyễn Lang kính gửi các vị nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước
Vụ Bát Nhã: Chủ trương Nhà nước hay lỗi Địa phương? - Thiện Giao, phóng viên RFA
Khơi Dậy Ngọn Lửa Thiêng - Sư Ông Làng Mai 24-10-2009 
Không Đúng – BBT Website Làng Mai - 22-10-2009
Hà Nội và các thầy tu: Xin hãy ngưng đàn áp tu viện Phật giáo - Thích Chân Pháp Dung

 

NGỒI YÊN NHƯ NÚI
Thư của Sư Ông Làng Mai gửi đệ tử

20-7-2009 00:00 

Chúng ta đã học hỏi được rất nhiều từ những gì đã xảy ra cho tu viện Bát Nhã trong những tháng vừa qua. Trong những tuần qua thầy đã nhận được rất nhiều lá thư của các con của thầy viết từ tu viện Bát Nhã. Các con kể thầy nghe đủ thứ chuyện, nhưng không có lá thư nào của các con mà không có câu: “Thầy ơi, thầy đừng có lo cho các con nghe thầy.” Câu nói ấy của các con có nghĩa: Thầy ơi, các con đang không lo cho chính các con, mà các con chỉ sợ thầy đang lo cho các con thôi. Nếu thầy lo thì thầy sẽ bệnh và như vậy thì hỏng hết. Và vì vậy thầy đã nhắn với các con: Thầy không đang lo lắng cho các con đâu, các con đừng lo lắng cho thầy. 

Ngày 20.7.2009

Thân gửi các con của Thầy ở Bát Nhã, Từ Hiếu, và khắp nơi,

Thầy đang ngồi ở thất Ngồi Yên, xóm Thượng, Làng Mai, viết cho các con. Khoá tu mùa Hè ở Mai Thôn rất vui và rất thanh tịnh. Tuy có khó khăn kinh tế trên thế giới, nhưng số người về Làng tu tập trong bốn tuần lễ cũng rất đông, và có thể đông hơn mọi năm. Trẻ em đông đã đành, mà các em thiếu niên (teenagers) từ 12 đến 17 cũng đông lắm. Số lượng những người thanh niên (young adults) từ 18 đến 25 cũng khá đông, và từng lứa tuổi được sinh hoạt chung, pháp đàm chung và ăn cơm chiều chung để có cơ hội trao đổi kinh nghiệm tu học và xây dựng tình bằng hữu. Phong trào Wake Up (Tỉnh Dậy Đi Thôi, Các Bạn Trẻ) cho người trẻ Tây phương đang đi lên một cách mau chóng. Các con có thấy cái áo thun Wake Up chưa? Có rất nhiều em đã về Làng đều đều mỗi năm, đã quen với nếp sống và thực tập ở Làng cho nên đã giúp được rất nhiều cho những em mới được tới lần đầu. Sáng hôm 16.7.09, sư chú Pháp Triển đã bày bán tại xóm Mới lần đầu tiên những chiếc đồng hồ đeo tay có dấu hiệu giây phút hiện tại. Đồng hồ này đã được thầy và các vị xuất gia trẻ ở xóm Thượng vẽ kiểu (design), có nét chữ của thầy: It’s now. Đưa đồng hồ lên xem thì bất cứ lúc nào đồng hồ cũng cho mình biết đây là giây phút hiện tại. Có đồng hồ kiểu nam giới và đồng hồ kiểu nữ giới. Chỉ nội trong ngày hôm ấy, đã có 150 người tới quán sách để thỉnh đồng hồ đeo tay. Có một thiền sinh tắc lưỡi nói: "Đây thật là một ý tưởng tuyệt vời" (This is really a brilliant idea). Ta có thể gọi đồng hồ này là đồng hồ giây phút hiện tại. Sư chú Pháp Triển là một trong hai người xuất gia trẻ giúp thầy thiết kế cho chiếc đồng hồ này. Vị xuất gia trẻ thứ hai giúp thầy là thầy Pháp Chiếu, cũng còn rất trẻ, cuối năm nay sẽ được truyền đăng làm giáo thọ! Chiếc đồng hồ đeo tay It’s now này được sản xuất tại Hoa Kỳ. 

Tuần thứ ba của khoá tu mùa Hè có tới trên 800 thiền sinh, đại diện khoảng 50 quốc gia trên thế giới. Kể cả chúng thường trú, thì hiện thời dân chúng bốn xóm lên tới trên một ngàn người. Vậy mà không khí rất thanh tịnh, êm ả. Mọi người có rất nhiều hạnh phúc khi đi thiền lên đồi xóm Mới, vào rừng xóm Hạ, hoặc ngồi thiền dưới những bóng cây sồi của lưng đồi xóm Thượng nhìn về phía chùa Sơn Hạ. Tịnh độ không còn là một ý niệm nữa mà đã trở thành một thực tại trong những giờ thiền đi và thiền ngồi ấy. Trẻ em cũng như người lớn đều có khả năng an trú trong giây phút hiện tại. Ngày hôm qua trong khi nói pháp thoại thầy thấy được cảnh tượng một bà mẹ vừa nghe pháp vừa cho con bú, hai mẹ con đều đang có hạnh phúc rõ ràng. Trong truyền thống Á Đông, sự kiện vừa nghe pháp vừa vạch áo cho con bú có thể là chưa được chấp nhận, bởi vì có người sẽ nghĩ rằng như thế thì chưa tỏ bày sự tôn kính đúng mức đối với chính pháp. Nhưng thầy nghĩ rằng đây là môi trường của Phật Học Ứng Dụng, và đứa trẻ trong khi bú sữa mẹ để có thức ăn bổ dưỡng cho cơ thể nó đồng thời cũng hưởng được không khí thanh tịnh an lạc của pháp đường như một thức ăn tinh thần. Thầy thấy hình ảnh ấy rất đẹp. Không biết vị phụ trách thu hình có cơ hội thu lại được hình ảnh ấy hay không? Trong suốt bốn tuần lễ, các vị xuất sĩ và cư sĩ thuộc chúng thường trú tuy phải để nhiều thì giờ và tâm lực để chăm sóc và hướng dẫn tu tập cho thiền sinh, nhưng ai cũng cảm thấy hạnh phúc vì cái hạnh phúc của thiền sinh. Sự tu tập chuyển hóa và niềm vui của thiền sinh chính là chất liệu nuôi dưỡng hạnh phúc cho chúng thường trú. Có cơ hội tạo hạnh phúc cho người, đó là mong muốn của những người tu, và thầy trò chúng ta đang có cơ hội ấy ở Mai Thôn, ở Lộc Uyển, ở Bích Nham và ở các nơi khác. Thầy thấy rất rõ là trong tương lai ở tại mỗi quốc gia phải có nhiều trung tâm tu tập như Làng Mai mới đủ cung cấp cho nhu yếu tu tập càng ngày càng lớn lên của dân chúng. Tại nhiều nước như Úc và Hà Lan, đạo Bụt đang lớn mạnh một cách rất mau chóng. Các vị giáo thọ mà chúng ta đang đào tạo sẽ có trách nhiệm thiết lập những trung tâm tu tập như thế trong tương lai ở khắp mọi nơi. Mục đích của chúng ta không phải là truyền giáo, không phải là đi tìm thêm tín đồ cho đạo Bụt; mục đích của chúng ta là tạo dựng những môi trường tu học để mọi người có cơ hội tới thực tập chuyển hóa khổ đau và học hỏi cách sống làm sao cho có thêm nhiều hạnh phúc. Chúng ta không bao giờ mong muốn thiền sinh từ bỏ gốc rễ văn hóa và tâm linh của họ, trái lại chúng ta luôn luôn khuyến khích họ trở về khai thông suối nguồn của những truyền thống ấy. 

Chúng ta đã học hỏi được rất nhiều từ những gì đã xảy ra cho tu viện Bát Nhã trong những tháng vừa qua. Trong những tuần qua thầy đã nhận được rất nhiều lá thư của các con của thầy viết từ tu viện Bát Nhã. Các con kể thầy nghe đủ thứ chuyện, nhưng không có lá thư nào của các con mà không có câu: “Thầy ơi, thầy đừng có lo cho các con nghe thầy.” Câu nói ấy của các con có nghĩa: Thầy ơi, các con đang không lo cho chính các con, mà các con chỉ sợ thầy đang lo cho các con thôi. Nếu thầy lo thì thầy sẽ bệnh và như vậy thì hỏng hết. Và vì vậy thầy đã nhắn với các con: Thầy không đang lo lắng cho các con đâu, các con đừng lo lắng cho thầy. Đừng có “lo qua lo lại.” Mỗi bên chỉ cần hành xử cho hay về phía mình, như vậy là đủ rồi! Thông điệp như thế là đã rõ ràng chưa, hả các con? Thầy không lo lắng cho các con, nhưng điều đó không có nghĩa là thầy không lưu tâm. Thầy lưu tâm đến các con từng ngày, từng giờ, từng phút. Sở dĩ thầy không lo lắng vì thầy có niềm tin nơi các con. Thầy có niềm tin rằng các con có thể hành xử được như chánh pháp trong những hoàn cảnh thách thức và khó khăn. Và các con đã chứng tỏ làm được điều ấy. Và cũng do đó niềm tin của thầy nơi các con đã được tăng trưởng một cách mau chóng. Điều này đem lại nhiều hạnh phúc vừa cả cho thầy vừa cả cho các con. 

Ngày xưa Sư Ông của các con, tổ Thanh Quý, không bao giờ nói với thầy rằng Sư Ông thương thầy và có niềm tin nơi thầy. Cái cách của các bậc tiền bối của chúng ta ngày xưa là như thế. Thương mà nói ra thì có cảm tưởng tình thương ấy mất bớt đi một chút gì linh thiêng. Nhưng thầy cảm nhận được tình thương ấy và niềm tin cậy ấy nơi Sư Ông. Và thầy có rất nhiều hạnh phúc. Không hạnh phúc nào lớn hơn cho một người đệ tử, khi người đệ tử ấy biết mình đang được thầy mình thương yêu và tin cậy. Suốt một đời tu của thầy, thầy được nuôi dưỡng bằng tình thương và lòng tin cậy thầm lặng đó của Sư Ông. Và thầy nghĩ rằng Sư Ông cũng có rất nhiều hạnh phúc khi Sư Ông có những người đệ tử mà Sư Ông có thể đặt hết tình thương và lòng tin cậy của mình vào. Thầy là một người có hạnh phúc lớn, vì thầy có niềm tin nơi các con. Tin vào các con tức là tin vào tương lai. Giả sử mình không tin vào tương lai thì mình có thể sống hạnh phúc được hay không? 

Thầy tin là các con có đủ khả năng hiểu, thương và hành xử bất bạo động. Bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào mà mình giữ được cái nhìn từ bi, và hành xử theo lòng từ ái thì mình sẽ được năng lượng lành che chở, đó là năng lượng của Tam Bảo. Không có sự che chở nào vững chãi và an toàn bằng năng lượng của Tam Bảo, của trí tuệ và từ bi. Cái ngày mà thầy nghe tin họ xông vào cư xá Rừng Phương Bối, quăng liệng đồ đạc và xô ngã những người họ gặp và đi lên lầu ba nơi các con đang ngồi thiền và trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm trong tư thế bất động, không hề tìm cách chống trả và phản ứng, là thầy biết các con đã làm được như thầy trông đợi, và không có lý do gì nữa để cho thầy phải lo lắng cho các con.

Thầy không lo lắng cho các con, nhưng rất nhiều người đã lo lắng cho các con, trong nước cũng như ngoài nước, người đồng bào cũng như người nước ngoài, Phật tử cũng như không phải Phật tử. Ba mẹ và gia đình các con lo lắng cho các con đã đành, mà bốn chúng, có trách nhiệm hay không có trách nhiệm trong cơ cấu Giáo Hội cũng lo lắng cho các con. Các sư anh, sư chị và sư em của các con ở mọi đạo tràng trong nước và ngoài nước cũng đều lo lắng cho các con. Và cũng như các con, mọi người cũng đồng thời lo lắng cho thầy. Họ lo rằng thầy đang lo. Mà nếu thầy lo nhiều thì thầy sẽ bệnh. Cứ nói ngay tại đạo tràng Mai Thôn. Các sư anh và sư chị của các con đều nghĩ rằng thầy đang lo lắng rất nhiều cho các con, nhất là trong những ngày dầu sôi lửa bỏng nhất. Những ngày như thế thầy hay ngồi thiền hoặc đi thiền để gửi thêm năng lượng cho các con. Và cũng vào một trong những ngày dầu sôi lửa bỏng nhất ở Bát Nhã thì tất cả các vị xuất gia bốn xóm đã trở về nội viện Phương Khê để dự ngày xuất sĩ. Thấy thầy ngồi bên bờ suối Phương Khê, nét mặt tươi tỉnh, không tỏ vẻ lo lắng gì, họ rất ngạc nhiên và mừng rỡ. Thì ra là mọi người vừa lo cho các con, vừa lo cho thầy. Tội nghiệp quá. Thầy nghe thuật lại vào khuya hôm ấy có mưa giông rất lớn ở Bát Nhã. Ai cũng mừng. Mưa to gió lớn như thế thì người ta không có cơ hội tới hành hung các con được. Mưa to như thế thì ít nhất các con cũng hứng được một ít nước mưa để cầm cự qua ngày. Có một vị thân hữu kể lại cho thầy nghe là vào một trong những ngày dầu sôi lửa bỏng như thế, điện thoại về Bát Nhã vị ấy đã được nghe tiếng cười của các thầy, các sư chú và các sư cô, điều đó làm cho vị thân hữu này rất yên tâm. Thầy nghĩ rằng nếu không có tình huynh đệ, nếu không biết hướng đi và cách hành xử trong những trường hợp khó khăn, nếu không có niềm tin vào con đường của tình thương thì không thể nào duy trì được niềm vui sống và tiếng cười ấy. 

Những khó khăn xảy ra cho Bát Nhã không những đã làm lớn lên đức tin của thầy nơi các con mà cũng đã mở mắt được cho biết bao nhiêu người. Sự Thật nhờ những khó khăn ấy mà được bung ra từ từ. Lâu nay, người ta cứ muốn nói rằng chuyện Bát Nhã là một chuyện nhỏ nhen xảy ra trong nội bộ của một ngôi chùa, không đáng để thông tin, không đáng để người trong nước và ngoài nước lưu tâm đến. Hơn ai hết, trong chúng ta ai cũng biết ngay là tự lúc đầu đây không phải là một vụ tranh chấp chùa viện nội bộ, mà là hậu quả của một giả tưởng: họ nói sự có mặt của Bát Nhã có thể là một đe dọa cho an ninh quốc gia, vì những người tu ở Bát Nhã, tức là các con, là những người có ý hướng làm chính trị. Đài truyền hình Lâm Đồng đã chẳng hai lần gợi ý ấy hay sao? Có một nhân sĩ điện thoại tới hỏi thăm, tìm cách giúp đỡ Bát Nhã, đã được trả lời: Đây là vấn đề an ninh quốc gia, ông không nên động tới. Nhưng những diễn tiến của sự việc Bát Nhã đã chứng minh rằng những vẽ vời ấy hoàn toàn sai với sự thật. Giả tưởng như thế, đặt điều như thế thì cũng như trong kinh nói vẽ một bức tranh trên hư không, không có khung vải, không có nền giấy, không bao giờ có thể vẽ thành được! Bây giờ đây thì trong nước và ngoài nước ai cũng thấy được điều đó, nghĩa là các thầy, các sư chú, các sư cô và các vị tập sự ở Bát Nhã chỉ làm có một việc: tu học thuần túy và hướng dẫn người khác tu học với mình. Mục đích của người tu là tu tập để tự mình chuyển hóa và giúp phục hồi những giá trị đạo đức và văn hóa đã và đang bị từ từ phá sản, để giúp ngăn chặn những tệ nạn xã hội đang lan tràn, như bạo hành, ma túy, đĩ điếm, tự tử, gia đình tan vỡ, tham nhũng và lạm dụng quyền hành, và đồng thời giúp cho người trong xã hội có một hướng đi tâm linh lành mạnh. Sau những bão táp đã xảy ra, ai cũng thấy được các con là những người chân tu, tuy tuổi còn trẻ nhưng chí nguyện độ đời rất lớn, và niềm tin của các con nơi nền đạo đức dân tộc không thể nào lay chuyển được. Các con đã tới Bát Nhã không phải để tìm cầu danh lợi, địa vị, tài sản, đất đai, mà để tìm cầu một lý tưởng, lý tưởng tu tập để độ đời. Một số người sau khi bị xách động đã tới Bát Nhã để đe dọa và xua đuổi các con, nhưng nhờ cách hành xử hòa ái và bất bạo động của các con, họ đã nhận ra được rằng các con là những người chân tu, thấy rằng các con là con, là em, là đồng đạo của họ cho nên họ đã khóc và đã bỏ về. Các con có nhớ những buổi tuần hành người ta tổ chức để xua đuổi các con, khi nghe tiếng trì tụng Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm, nhiều người trong đoàn của họ đã chắp tay lại hướng lên từng lầu của cư xá Mây Đầu Núi, Bếp Lửa Hồng và Rừng Phương Bối và sau đó đã bỏ về, không tham dự các cuộc tuần hành ấy nữa hay không? Chính cách hành xử hòa ái và bất bạo động của các con đã giúp họ thấy được là họ đã nghe những điều thất thiệt, và hình ảnh các con trước mặt họ quả thật là hình ảnh của người trẻ chân tu. Thầy tin rằng có rất nhiều vị sĩ quan công an và nhân viên công an sau nhiều tháng nhiều ngày tiếp xúc với các con qua những buổi xét hỏi giấy tờ, hộ khẩu và qua những lần chứng kiến đe dọa khiêu khích và chửi mắng được liên tiếp tổ chức ở Bát Nhã cũng đã thấy được rằng các con là những người chân tu, những người hoàn toàn không tha thiết gì đến vấn đề chính trị. Chắc chắn là đã có những vị công an về nhà và khóc một mình trong đêm tối, không hiểu tại sao mình phải đi làm những việc mà thực sự mình không muốn làm, và đặt câu hỏi tại sao sự có mặt an hòa của những người tu như thế mà lại có nguy hại cho nền an ninh quốc gia như người ta đã nói với họ?

Chắc chắn Thượng Tọa Đức Nghi cũng biết rất rõ rằng các con là những người xuất gia chân tu, hành trì giới luật và uy nghi vững chãi. Thầy Đức Nghi cũng có những nỗi khổ tâm của thầy, một mặt muốn thấy những ước vọng riêng của mình và những hứa hẹn của người ta với mình trở nên sự thật, một mặt lại cảm thấy khổ đau ray rứt vì phải hành xử không dễ thương với những người huynh đệ trong đạo của mình. Thầy nghe nói rằng không đêm nào mà thầy Đức Nghi không khóc. Tội nghiệp lắm. Sư phụ Đức Nghi đã nhiều lần nói với các sư anh của các con là sư phụ bị áp lực rất nặng từ bên ngoài. Các vị đệ tử của sư phụ Đức Nghi cũng biết rằng các con là những người hành trì giới luật và uy nghi vững chãi, rằng các con chỉ muốn được tu chứ không hề muốn làm chính trị hoặc chiếm dụng tài sản của ai, nhưng một khi đã lỡ bị guồng máy cuốn đi, các vị ấy đã không thể nào dừng lại được. Các thầy Đồng cũng có những nỗi khổ tâm của họ, chắc chắn quý vị ấy ngủ cũng không ngon mà ăn cũng không ngon. Thầy nghe nói rằng các con luôn luôn đối xử với các thầy Đồng rất lễ phép, không hề chê bai và trách móc, mỗi khi gặp đều chắp tay búp sen, thầy rất mừng. Pháp môn căn bản của mình là đừng để tan vỡ tình huynh đệ và phải chuẩn bị để một ngày mai có thể có sự hàn gắn dễ dàng.

Chân tu không phải chỉ là sự thực tập giới luật và uy nghi trên phương diện hình thức. Nếu không biết quán chiếu, nếu không có những pháp môn tu tập hữu hiệu thì không xử lý được những năng lượng bạo động, sợ hãi, hèn nhát và hận thù trong ta, và khi những năng lượng ấy làm chủ thân tâm thì ta không thể giả bộ trầm tĩnh và bất bạo động được. Thầy đã nghe câu chuyện một sư em trai mới tu chưa được một năm, có học về nghề võ, và năm ngoái vào ngày xảy ra vụ một số thanh niên tới nhà Tâm Ban Đầu khiêng liệng giường chiếu và vật liệu ra ngoài một cách thách thức, đã chịu không nỗi cảnh tượng khiêu khích bạo động kia. Sư chú đang cầm máy quay phim để ghi lại sự việc đang xảy ra thì đã bị một người trong đám thanh niên kia cầm gậy đánh lén từ phía sau lưng và nếu không tránh kịp chắc đã bị vỡ đầu. Sư chú đã lên thưa với vị y chỉ sư: “Xin phép thầy cho con thôi tu. Con không chịu nỗi nữa. Con chỉ cần 15 phút là có thể đánh ngã được tất cả bọn côn đồ ấy. Rồi sau đó nếu cần đi ở tù sáu tháng hay một năm con sẽ đi ở tù. Và ở tù xong, con sẽ đi tu trở lại.” Vị y chỉ sư kia là một vị giáo thọ trẻ, tuổi chưa đến 30, đã nói với sư em của mình: “Này em, đừng gọi những người trẻ kia là bọn côn đồ. Họ cũng là những thanh niên như em, nhưng vì bị thông tin sai lạc nên đang hành xử như thế. Họ nghĩ rằng chúng ta là một bọn côn đồ đã tới đây để chiếm dụng nhà cửa và đất đai. Họ là nạn nhân của những thông tin sai lạc, họ cần được giúp đỡ hơn là bị trừng phạt. Họ không phải là kẻ thù của em đâu. Kẻ thù của em là cơn giận đang chiếm cứ em. Em hãy ngồi xuống đây và bắt đầu thở những hơi thở thật sâu, thật dài, ôm lấy cái giận trong em, nhìn sâu vào bản chất của nó. Nếu em điều phục được cơn giận trong em, nếu em làm phát khởi được cái hiểu và cái thương, em sẽ trở thành tươi mát và trong tương lai em có thể giúp cho nhóm người ấy thấy được rằng những thông tin mà người ta đem tới cho họ là những thông tin sai lạc và họ sẽ không còn hành xử như họ đang hành xử. Bụt đã làm như thế, thầy đã làm như thế và bây giờ em cũng phải làm như thế. Ngồi xuống, ngồi xuống ngay đây và thực tập đi em.” Sư chú đã ngồi xuống thực tập. Những hơi thở đầu lớn như bò rống, rất nặng nề khó khăn, nhưng từ từ sư chú đã dịu xuống và cuối cùng sư chú đã điều phục được tâm của mình. Sau đó mấy hôm sư chú đã nói: “Hú hồn. Nếu hôm ấy con không thực tập, nếu hôm ấy con đã sử dụng bạo động để đáp lại bạo động thì con đã làm hư hoại tấm gương sáng của Bụt và của Thầy, bởi vì Bụt và Thầy không bao giờ hành xử như thế.”

Hiểu, thương và bất bạo động không phải là những đề tài để đàm luận mà là những bài tập để quán chiếu và thực hành. Có những người tu đã hai hoặc ba chục năm mà khi gặp những trường hợp bức xúc và khiêu khích đã không cưỡng lại được cơn giận dữ và sợ hãi và đã đáp ứng lại bằng những hành xử bạo động. Các con tuy có người mới tu có ba bốn năm, có người mới tu có sáu tháng mà đã hành xử được như thế, đó là nhờ các con có pháp môn tu tập cụ thể: nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa được tâm hành bất thiện của mình. Cho nên vì vậy mà các vị ấy mới nhận ra được rằng các con là những người chân tu, và pháp môn thực tập của các con không phải chỉ là “để dành cho kẻ sơ cơ”, hoặc chỉ là “thiền ngoài da” như một số người ưa phán xét. Đó là những pháp môn mà mình phải tin tưởng vào một trăm phần trăm, là chân lý tối hậu của đời mình, trực tiếp do Bụt chỉ dạy trong kinh An Ban Thủ Ý. Thầy thấy rất nhiều các vị tôn túc có chức vụ hay không có chức vụ trong Giáo Hội cũng đã thấy được các con là những người tu trẻ ham tu ham học, đã buông bỏ những ham muốn và lợi danh của cuộc đời để đi theo con đường của kẻ xuất gia chân chính. Các vị ấy biết các con là những người có hành trì giới luật và uy nghi nghiêm túc nên đã hết lòng bảo hộ cho các con, dù khả năng của liệt vị còn hạn hẹp. Thầy nhớ có lần quý vị đã nói rõ trong văn thư: Tu viện Bát Nhã là cơ sở trực thuộc của Giáo Hội, ai tu tập đàng hoàng thì được tiếp tục ở đó, ai phá phách và bạo động thì phải đi. Có lúc bằng văn thư, quý vị tôn túc cũng đã bảo trợ cho các con được an cư dưới sự che chở của các Ngài. Và gần đây, quý vị ấy cũng đã ra lệnh phải chấm dứt những hành vi bạo động, nối lại điện nước cho các con. Quý vị tôn túc làm như thế là đã nhiều lắm rồi, các con biết không? Nếu tình trạng không được như quý ngài mong muốn, đó là vì quyền hạn của các ngài cũng chỉ được giới hạn tới đó, ngoài ra còn phải có những điều kiện khác nữa. Nhưng một khi sự thực đã bung ra thì thiện duyên sẽ bắt đầu được nối kết. Vài ba năm nữa khi thấy sự có mặt của tu viện Bát Nhã không có một mảy may gì nguy hiểm cho an ninh quốc gia mà trái lại còn giúp chấn chỉnh và phục hồi được những giá trị đạo đức, luân lý và văn hoá cho đất nước thì cái ý tưởng kia, cái e sợ kia, cái nghi ngờ kia sẽ tan biến, và chúng ta sẽ được để yên để tiếp tục tu học, giúp đời. Những đạo tràng như Mai Thôn, Lộc Uyển, Bích Nham, Rừng Phong, Trúc Xanh, Sen Búp, Mộc Lan, Vô Ưu v.v… trên thế giới chỉ góp phần vào sự xây dựng đạo đức và an sinh xã hội cho các nước Tây Phương, có nguy hại gì đến an ninh quốc gia của các nước ấy đâu?

Các con có biết rằng bây giờ đây trong nước và trên thế giới ai cũng đã biết tới Bát Nhã và ý thức được những gì đã xảy ra không? Ai cũng thấy được cách hành xử bình tĩnh và bất bạo động của các con, và ai cũng cảm thấy hãnh diện vì các con. Bức hình các con ngồi yên trong tư thế thiền tọa giữa lúc có bạo động và khiêu khích, bức hình ấy đã được chuyền đi rộng rãi và được hàng triệu người xem, như bức hình của Hòa Thượng Quảng Đức năm 1963 không khác. Chúng ta đang được bao nhiêu người tri kỷ che chở và bảo hộ. Thầy biết các con của thầy không lo lắng, và các con biết là thầy cũng không lo lắng. Các con chỉ cần ngồi thật yên bên đó, cũng như thầy và các anh chị em chỉ cần ngồi thật yên bên này, thì thế nào sấm cũng lặng, mây cũng tan. Năng lượng im lặng của chúng ta là năng lượng của hiểu và thương, đây là thứ im lặng hùng tráng, đây cũng là thứ im lặng sấm sét. Trên hình thức, dù mai mốt có xảy ra chuyện thầy trò mình mỗi người ở một nơi, thì chúng ta cũng sẽ luôn luôn còn có nhau. Hạt giống kim cương đã có trong trái tim của mỗi các con; sau này mỗi các con sẽ trở thành một Phương Bối, mỗi các con sẽ trở thành một tu viện Bát Nhã. Sẽ có hàng trăm, hàng ngàn Bát Nhã ở quê nhà và trên thế giới. Điều này đang từ từ trở nên sự thật, có phải không các con? Chúng ta là một tăng thân, chúng ta không phải là một cơ sở vật chất. Để thầy chép xuống đây bài kệ của thiền Sư Tịnh Quang, một thiền Sư Việt Nam sống vào giữa thế kỷ thứ 12 để các con đọc. Bài kệ này nói lên được phong độ tự do và hào hùng của Thiền Sư. Đọc lên mình cảm thấy Thiền Sư cũng nói lên được cảm nghĩ của chính thầy trò mình:

Trên không manh ngói che
Dưới không đất cắm dùi
Người xách gậy tìm lại
Kẻ mặc áo lạ tới
Khi hành động xúc tiếp
Như rồng nhảy đớp mồi.

Các con nên nhớ “mồi” ở đây tức là trái nguyệt cầu mà những con rồng trên mái chùa đang đùa giỡn một cách rất tuyệt diệu.

Nguyên văn chữ Hán:

Thượng vô phiến ngỏa già
Hạ vô trác chùy địa
Hoặc dị phục trực nghệ
Hoặc sách trượng nhi chí
Động chuyển xúc xử gian
Như long dược thôn nhỉ.

Thôi đã đến giờ đi nói pháp thoại. Thầy sẽ viết tiếp cho các con sau. 

Thầy của các con
Nhất Hạnh
(http://www.langmai.org/)

___________________________________________________________________

THÂN KIM CƯƠNG
LÁ THƯ SƯ ÔNG VIẾT CHO ĐỆ TỬ

Thứ năm, 08 Tháng 10 2009 14:05

Bích Nham ngày 07-10-2009

Thư gửi các con Bát Nhã của Thầy,

Sở dĩ Thầy viết “các con Bát Nhã của Thầy” mà không viết “các con của thầy ở Bát Nhã” như kỳ trước, tại vì tuy các con không còn cư trú ở Bát Nhã nữa, nhưng các con vẫn còn mang danh xưng tăng thân Bát Nhã. Các con với Bát Nhã là một. Đi đâu các con cũng mang Bát Nhã đi theo, và Bát Nhã đã trở thành một thân kim cương bất hoại. Bài kệ mà chúng ta xướng tụng trước khi đọc kinh Kim cương có danh từ “thân kim cương” như sau:

Làm sao vượt sinh tử
Đạt được thân kim cương?
Tu tập theo lối nào
Quét được muôn huyễn tướng?
Xin Bụt đem lòng thương
Mở bày kho bí tạng
Vì tất cả chúng con
Đem pháp mầu diễn xướng!

Bát Nhã đã trở nên huyền thoại, đã trở thành thân kim cương, không ai có thể tiêu hủy được nữa. Bát Nhã là một đóa sen ngát hương nở trên bùn lầy của vô minh, của sự sợ hãi, lo lắng, tham nhũng và lạm dụng quyền hành. Bát Nhã đã đi vào lịch sử. Và các con đã may mắn có cơ duyên góp phần làm phát hiện đóa sen Bát Nhã. Bát Nhã đã trở thành một phần của gia sản văn hóa đất nước.

Các con Bát Nhã của thầy hiện giờ không phải chỉ đang tỵ nạn ở chùa Phước Huệ mà cũng đang có mặt ở nhiều nơi khác, trong nước và ngoài nước. Ở đâu các con cũng có đóa sen Bát Nhã trong lòng. Đó là chí nguyện tu tập và độ đời, đó là trái tim ban đầu, đó là tâm bồ đề. Đó là nguồn năng lượng giúp cho chúng ta còn là chúng ta, giúp cho chúng ta không bị tha hóa, mua chuộc, và bỏ cuộc.

Thầy đang có hạnh phúc vì thầy đang viết thư tâm sự với các con. Dưới bút hiệu Nguyễn Lang thầy đã viết cho Chủ Tịch Nước và cho các bậc nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước để nhờ các vị ấy lên tiếng can thiệp về vụ Bát Nhã. Và đây là thư thầy viết cho các con.

Trước hết, thầy muốn kể cho các con nghe là chùa Phước Huệ nơi mà một số các con đang tá túc là nơi thầy đã từng cư trú trong nhiều năm. Đó là những năm trong thập niên 50. Hồi ấy thầy còn trẻ lắm, và chùa Phước Huệ còn đơn sơ chứ không đồ sộ như ngày nay. Phía sau chùa là một vườn chè có cả ngàn cây. Thầy có một cái am nhỏ mái lá vách đất ngay giữa vườn chè. Thầy ở đó một mình, trong am chỉ vẻn vẹn có một cái giường ngủ và một cái bàn viết. Thượng Tọa Thái Thuận chắc có thể chỉ cho các con thấy địa điểm của chiếc am lá ngày xưa ấy. Một đêm thầy nằm mơ thấy mẹ thầy, dung nhan không khác gì ngày xưa với mái tóc dài óng mượt. Đang được ngồi nói chuyện với mẹ với rất nhiều hạnh phúc thì bỗng nhiên thầy thức dậy. Và thầy nhớ ra rằng mẹ thầy đã mất trước đó mấy năm. Thầy trỗi dậy, mở cửa đi ra ngoài. Trong am không có nhà vệ sinh, và vì làng Công Hinh (tên ngôi Làng trong đó có chùa Phước Huệ) là một miền núi quê, chung quanh am này toàn là cây chè nên mình có thể ngồi đi tiểu giữa những cây chè. Vừa bước ra khỏi am thì thầy tiếp xúc được với ánh trăng vằng vặc bao phủ cả đồi chè. Trăng đêm ấy là trăng hạ tuần, sáng đẹp và hiền hòa vô cùng. Đất trời rất thanh tịnh. Và thầy có cảm tưởng là thầy đang được mẹ ôm vào lòng, tình mẹ dịu như ánh trăng khuya. Bỗng nhiên thầy giác ngộ ra rằng mẹ của thầy chưa bao giờ mất, mẹ của thầy luôn luôn còn đó cho thầy, và bản chất của mẹ là vô sinh bất diệt. Những đau buồn thương nhớ trong mấy năm mất mẹ vừa qua đột nhiên tan biến, và thầy đã mỉm cười trong ánh trăng khuya. Thầy nhớ là thầy đã ghi câu chuyện này ở đâu đó, có thể là trong tác phẩm Nẻo Về Của ý.

Thầy biết là đồi chè bây giờ không còn nữa, chiếc am lá cũng không còn, nhưng nếu các con có dịp đi thiền hành bên ngoài trong khung viên chùa Phước Huệ vào một ban đêm có trăng, thì các con có thể hình dung lại cái đêm mầu nhiệm ấy, và nhìn lên mặt trăng các con sẽ thấy thầy và mẹ thầy đang mỉm cười với các con.

Trong chuyến đi hoàng pháp mùa Thu 2009 này ở Hoa Kỳ đã xảy ra một sự kiện mầu nhiệm, đó là khóa tu tổ chức tại công viên Estes ở tiểu bang Colorado. Khóa tu này có 980 thiền sinh từ các tiểu bang đến tham dự, bắt đầu từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 8 năm 2009. Trong số các thiền sinh ấy có khoảng 50 phần trăm những người chưa bao giờ gặp thầy, nghe thầy giảng hoặc tới tham dự một khóa tu với thầy. Họ chỉ biết thầy qua những cuốn sách do thầy viết, xuất bản tại Hoa Kỳ. Họ đến khóa tu mục đích là để trực tiếp nghe thầy giảng dạy và hướng dẫn tu tập. Có rất nhiều vị đã phải đi máy bay nhiều tiếng đồng hồ mới tới được thành phố Denver rồi thuê xe lên núi dự khóa tu. Đúng rồi, công viên Estes là nơi có cơ sở của tổ chức YMCA (Young Men Christian Association), có khả năng cung cấp chỗ cư trú, thức ăn và tiện nghi vệ sinh cho khoảng 1000 người; cao hơn mặt biển tới gần 1000 thước, nên rất mát và lạnh, cảnh vật núi rừng vĩ đại xanh tươi và mầu nhiệm. Cứ mỗi hai năm một lần là thầy đến để hướng dẫn khóa tu, mà khóa nào cũng đông người tham dự.

Nhưng kỳ này vì bệnh cho nên thầy không thể tới tham dự và hướng dẫn khóa tu được. Các bác sĩ tại bệnh viện Massachusetts General Hospital (MGH) sau khi chẩn bệnh cho thầy đã đề nghị thầy nên bỏ khóa tu tại trường Đại Học Stonehill ở tiểu bang Massachusetts thầy đang hướng dẫn nửa chừng, và bỏ luôn khóa tu ở YMCA nơi công viên Estes tại tiểu bang Colorado để điều trị bệnh nhiễm trùng phổi của thầy. Các bác sĩ nói ít nhất thầy phải ở lại 14 ngày trong bệnh viện thì mới điều trị được. Bác sĩ Sicilian, vị y sĩ trưởng nổi tiếng về cách điều trị bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn pseudomonas aeruginosa cũng là người chịu trách nhiệm về khu điều trị đặc biệt trên tầng lầu thứ 12 của bệnh viện đã khuyên thầy nên ở lại ngay bệnh viện đêm hôm ấy để bắt đầu điều trị. Nhưng sau đó thầy đã quyết định về lại trường đại học Stonehill để hoàn tất khóa tu ở đấy trước khi trở lại nhập viện. Khóa tu tại Stonehill có chủ đề là Be Peace, Be Joy, Be Hope (Bình An, Hạnh Phúc và Hy Vọng), khởi đầu từ ngày 11-08-09, và vào năm giờ chiều ngày 13-08-2009 thầy đã có được chút thì giờ để đi kiểm điểm lại sức khỏe. Mấy tuần lễ trước đó, chứng bệnh nhiễm trùng đã trở nặng và thầy thấy thỉnh thoảng trong đàm khạc ra có chất máu đỏ tươi hoặc tím đen. Sau bảy giờ đồng hồ chờ đợi và thử nghiệm, các bác sĩ đã khuyên thầy nên bắt đầu điều trị ngay, không được trì hoãn.

Thầy về tới trường Đại Học lúc 12 giờ khuya, và sáng hôm sau thầy cũng đã đi ngồi thiền với đại chúng, vẫn nói pháp thoại và đi thiền hành như không có chuyện gì xảy ra. Không ai biết là thầy đang có bệnh. Những bài pháp thoại trong ba ngày chót của khóa tu, ai cũng nói là rất hào hùng. Thầy Pháp Đệ đã nói: trong khi nói các bài pháp thoại ấy, thầy rạng rỡ như có hào quang (you were luminous during these dharma talks). Chỉ có các sư anh sư chị lớn của các con mới biết là thầy đang bệnh, và sẽ đi vào bệnh viện ngay sau khi chấm dứt khóa tu. Chiều ngày 14-08-09 có một buổi họp đặc biệt của hội đồng giáo thọ, trong đó có các anh chị lớn được báo tin là thầy sẽ vào bệnh viện vào ngày thứ hai 17-08-09 và thầy sẽ không bay với tăng thân về Denver để cùng hướng dẫn khóa tu. Trong buổi họp, hội đồng giáo thọ đã phân công và nhận lãnh trách nhiệm hướng dẫn khóa tu thay thầy, ai cũng có tinh thần tự nguyện rất cao, không cần có sự mời thỉnh. Khóa tu ở Stonehill cũng rất đông, có khoảng gần một ngàn thiền sinh. Ngoài các vị giáo thọ xuất gia, chưa ai biết là thầy sẽ không đi dự khóa tu ở YMCA, Estes Park, kể cả các thầy các sư cô. Và khi gần đến giờ lên xe buýt đi ra phi trường, các thầy và các sư cô trong tăng thân mới biết là thầy sẽ không cùng bay với các vị ấy. Đây là lần đầu tiên một sự kiện như thế đã xảy ra: thầy bỏ một khóa tu và tăng thân phải thay thầy hướng dẫn khóa tu. Ban tổ chức biết thì giờ đã cận kề, không đủ thời gian để hoãn lại khóa tu, bởi vì tất cả đều đã được chuẩn bị: đặt phòng ốc, mua thực phẩm, xin nghỉ chép, mua giấy máy bay, hoặc đã lên đường về khóa tu bằng xe hơi hay xe buýt từ những tiểu bang khác rồi.

Chắc chắn là sẽ có rất nhiều vị thiền sinh buồn chán bất mãn và thất vọng vào ngày khóa tu khai mạc, khi biết rằng thầy không đến được. Có những vị đã từng đọc sách thầy trong bao nhiêu năm, và đây là cơ hội đầu để có thể gặp thầy và tu tập với thầy. Có những vị đã hứa với bạn bè và người thân sau khóa tu sẽ trở về thuật lại những kinh nghiệm gặp gỡ và tu tập với thầy. Hy vọng và chờ đợi càng nhiều thì sự thất vọng buồn chán sẽ càng lớn. Các thầy các sư cô lên đường bay về Denver với ý thức ấy, nhưng ai cũng có đủ can đảm để nhận chịu trách nhiệm: đây là cơ hội để chứng tỏ mình xứng đáng với sự trong cậy của Bụt, của chư Tổ và của Thầy. Cơ hội là lúc này chứ không bao giờ nữa. Cho nên ai nấy đều quyết tâm và hợp lực hướng dẫn khóa tu với tất cả tâm chí của mình. Năng lượng cũng như tình huynh đệ trong tăng thân chưa bao giờ vững mạnh như trong những ngày ấy.

Trong khi đó thì thầy đã bắt đầu được trị liệu tại bênh viện MGH, một bệnh viện lớn nhất và có uy tín nhất trong vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Nhập viện ngày 17-08-2009 thì đến sáng ngày 21-08-2009 thầy viết cho thiền sinh của khóa tu tại YMCA, Estes Park, Colorado một lá thư. Tại bệnh viện, thầy nghe tin là tối hôm đó, khi nghe đọc lá thư của thầy, nhiều người đã khóc, xuất gia cũng như tại gia. Tối hôm ấy sau khi đọc lá thư, các thầy và các sư cô đã trì tụng danh hiệu Quan Thế Âm và sau đó đã đưa ra những chỉ dẫn tổng quát về sự thực tập (orientation) cho trọn khóa tu. Và tiếp theo thì toàn thể khóa tu thực tập im lặng hùng tráng cho đến giờ pháp đàm chiều hôm sau. Sự thực tập im lặng hùng tráng này đã giúp cho khóa tu rất nhiều. Rất nhiều người trong khi thực tập im lặng đã có cơ hội nhận diện và ôm ấp những bất mãn và thất vọng của mình, những tâm hành đã phát khởi khi nghe tin thầy không có mặt trong khóa tu. Buổi thiền hành sáng ngày hôm sau, giờ ăn sáng im lặng và buổi pháp thoại đầu đã giúp cho nhiều vị thiền sinh ôm ấp và chuyển hóa được những tâm hành thất vọng, lo lắng và bất mãn của họ. 

Tại bệnh viện MGH thầy được nghe tin tức về khóa tu mỗi ngày hai lần. Thầy được biết là các sư anh sư chị giáo thọ đã nói những bài pháp thoại rất hay và rất thực tế. Thầy được biết là các thầy và các sư cô, không ai bảo ai, không ai cần sách tấn ai, tất cả đã có mặt rất đúng giờ trong các buổi sinh hoạt tu tập, và làm gương mẫu cho đại chúng một cách hết lòng và tất cả các thiền sinh đều cảm được điều ấy, do đó ai cũng nỗ lực tu tập. Đến ngày thứ ba thì tất cả đều được chuyển hóa. Trong buổi be-in (có mặt cho nhau) vào ngày thứ năm, có nhiều vị đã phát biểu rằng khóa tu “One Buddha Is Not Enough” này là khóa tu trong ấy họ được chuyển hóa nhiều nhất, và tuy thầy không có mặt với hình hài thầy, tất cả đều cảm thấy sự có mặt của thầy trong khóa tu, trong các thầy các sư cô và trong chính họ. Sáng hôm ngày 25-08-09 thầy viết cho đại chúng khóa tu một lá thư thứ hai, và lá thư này đã được đọc trong đầu buổi sinh hoạt be-in này. Trong lá thư thầy đề nghị rằng khóa tu tại YMCA ở công viên Estes nên được tổ chức hàng năm, dù thầy có mặt hay không có mặt, và mọi thiền sinh kể cả những vị mới tới lần đầu trong khóa tu này nên ghi danh đến tu tập và góp phần tổ chức khóa tu cho những người khác cũng có cơ hội đến tu tập. Sau khi sư chị Đẳng Nghiêm đọc lá thư ấy và đặt câu hỏi là ai đồng ý với thầy để đến tu tập cùng nhau mỗi năm một lần ở đây, thì tất cả đều đưa tay lên tự nguyện.

Khóa tu đông tới 980 người mà chỉ có 15 người bỏ về vì lý do thầy không có mặt, còn tất cả đều ở lại để quyết tâm thực tập. Vì thầy không có mặt nên tất cả đều nổ lực tu trì cho nên khóa tu đem lại rất nhiều chuyển hóa và an lạc. Có nhiều người nói: khóa tu này tuy không có thầy, nhưng tôi thấy nó là khóa tu hay nhất từ trước đến giờ (it was the best retreat I have attended.) Nghe kể lại như thế thầy rất hạnh phúc. Thầy thấy là thầy đã được tiếp nối đầy đủ bởi tăng thân của thầy, thầy thấy thầy đã được các con của thầy tiếp nối thầy một cách đẹp đẽ. Nếu thầy không bị bệnh và không vắng mặt trong khóa tu thì mọi người đã không có cơ hội chế tác được sức tự lực tự cường dũng mãnh như thế. Cho nên trong cái rủi lại có cái may. 

Cả thầy và cả tăng thân đều đã thấy rằng thầy đã được tiếp nối, và dù sắc thân này của thầy đang còn hay đã tàn hoại thì tăng thân vẫn tiếp tục lớn mạnh và sự thực tập sẽ mãi mãi được duy trì về sau. Một vị thiền sinh sau khóa tu đã viết cho thầy, “Chúng con đã nhận được thông điệp của thầy: One Buddha Is Not Enough. Con hiểu: one Thầy is not enough. Mỗi người trong chúng con phải thay thế được cho thầy. Và khóa tu YMCA 2009 đã chứng thực được điều đó.”

Tây phương có câu ngạn ngữ: từ đống tro tàn, con chim Phượng Hoàng đã bay lên. Từ cái Rủi, cái May đã được thoát hình. Khóa tu YMCA 2009 là một con chim Phượng Hoàng tuyệt đẹp, nó đem lại cho chúng ta rất nhiều niềm tin và hạnh phúc. Đóa sen Bát Nhã cũng là một con chim Phượng Hoàng khác thoát hình từ đống tro tàn của tham nhũng, lạm dụng quyền hành, u mê, sợ hãi và dối gạt. Nhờ những bùn đất ấy mà đóa sen đã nở. Các con của thầy, nhờ được trui luyện trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đã học hỏi được rất mau chóng, đã chuyển hóa được rất mau chóng, đã tiếp nhận được sự trao truyền một cách mau chóng, đã đứng vững được như một tăng thân có hùng lực và từ bi, đã chứng tỏ được rằng vô úy, từ bi, hùng lực và hành xử bất bạo động là những gì có thực chứ không phải là những điều chỉ có trên đầu môi chót lưỡi. Các con đã cứu chuộc (redempt) cho cả một cộng đồng Phật giáo trong nước cũng như ngoài nước. Các con đã tỏ ra không thù oán gì thầy Đức Nghi và các thầy Đồng. Các con đã tỏ ra không thù oán ngay những người đã tới đập phá Bát Nhã và trục xuất các con, trong đó có những chú công an. Các con đã thấy được kẻ thù ta không phải là con người mà là vô minh, hận thù, bạo động, tham nhũng, hèn nhát, và dối gạt đang cần được chuyển hóa trong ta và chung quanh ta. Một vị công an tại Dam’bri đã xin lỗi thầy Pháp Tụ khi thầy ấy điện thoại tới thăm hỏi và nói rằng sở dĩ ông ta đã hành xử như thế cũng là tại vì cấp trên ra lệnh. Các con cũng đã thấy được cái khổ của người công an.

Trong giờ vấn đáp hôm qua tại khóa tu Enlightenment Is Now Or Never (Giác Ngộ là bây giờ hoặc không bao giờ hết) tại tu viện Bích Nham, một thiền sinh Tây Phương đã hỏi thầy, “Bạch thầy con rất muốn có từ bi đối với những người đã gây ra khổ đau cho nhiều người khác, nhưng sao con thấy khó thương được họ quá.” Thầy đã trả lời: Quý vị đừng tưởng từ bi là một cái gì tiêu cực. Từ bi là một năng lượng rất hùng tráng. Từ bi không có nghĩa là ngồi đó để người kia muốn làm gì thì làm. Có từ bi thì mình phải tìm cách chuyển hóa người đó. Nếu cần tranh đấu thì phải tranh đấu, tạo áp lực quần chúng buộc người ấy phải chấm dứt hành động đàn áp hại nước hại dân của người ấy. Làm như thế mà không có tâm niệm hận thù và ghét bỏ người ấy, cái đó mới đích thực là từ bi. Từ bi phải đi chung với hùng lực. Bài tựa Chú Lăng Nghiêm có câu: đại hùng, đại lực, đại từ bi. Các con của thầy nhờ đang có được một ít năng lượng của hùng lực và từ bi ấy cho nên đã đánh động được lương tâm thế giới, trong nước cũng như ngoài nước và gây niềm tin nơi pháp môn thực tập mà đức Thế Tôn chỉ dạy. Chúng ta không lặp lại những giáo lý của Bụt như những con vẹt. Chúng ta thực tình muốn ứng dụng giáo lý ấy vào cuộc đời. Nếu tất cả các điều kiện đều thuận lợi hết, nếu không có khó khăn đến từ bên trong và bên ngoài thì các con đã không làm được những gì mà các con làm. Thầy cũng vậy, nhờ đã trải qua những khó khăn và tủi nhục nên thầy đã chế tác được năng lượng hiểu và thương và làm được như lời Bụt dạy trong Kinh Pháp Hoa: lấy mắt thương nhìn cuộc đời (từ nhãn thị chúng sanh).

Thư còn dài thầy sẽ gửi tiếp cho các con sau.

(http://www.langmai.org/)

THƯ CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN LANG 
GỬI CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN MINH TRIẾT

2.10.2009 

New York, ngày 30 tháng 9, 2009

Kính thưa Chủ Tịch,

Tôi không biết hiện giờ Chủ Tịch đang ở đâu, nên nhờ mạng Phù Sa gửi một bản thư này đến Chủ Tịch. Đây là một tiếng chuông chánh niệm. Cửa Phật là cửa rộng, những lúc hiểm nguy ai cũng có quyền tới nương nhờ. Ngày xưa trong Cách Mạng chống Pháp, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng tới ẫn náu tại chùa và các thầy các sư cô luôn luôn tìm mọi cách để đùm bọc và che chở. Bây giờ đây cảnh sát và công an của Chủ Tịch đã đánh bật 400 thầy và sư cô ra khỏi chùa (Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc) và các vị ấy đã tìm tới tỵ nạn nơi một chùa khác (chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc). Hiện thời cảnh sát và công an của Chủ Tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa trong đêm nay. Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của Cách Mạng. Tôi xin Chủ Tịch kịp thời ngăn chận hành động trái chống luân thường đạo lý này.

Trân trọng cảm ơn Chủ Tịch.

Nguyễn Lang
Tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận
(http://www.langmai.org/)

.
CÁNH TAY CHE CHỞ
Lá thư của giáo sư Nguyễn Lang kính gửi 

các vị nhân sĩ và trí thức trong và ngoài nước

2.10.2009 

Kính thưa liệt vị,

Tôi kính xin liệt vị kịp thời lên tiếng để che chở cho 400 người trẻ đang bị bao vây và đàn áp tại chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc. Những người này bị đàn áp và giải tán chỉ vì họ muốn sống với nhau như một đoàn thể trong lý tưởng phụng sự, độ đời và giúp người.

Những người trẻ này, tuổi từ 15 đến 35, đã có can đảm bỏ nếp sống phù hoa đầy tệ nạn và cạm bẩy xã hội để đến học hỏi phương pháp tu tập chuyển hóa khổ đau, nuôi dưỡng lý tưởng giúp người, đã tiếp nhận và thừa kế được tinh thần vị tha, bao dung, vô úy, không hận thù, không kỳ thị của nền văn minh tinh thần dân tộc. Qua 14 tháng thử thách trước bạo động và đe dọa, họ đã can trường đứng vững, không nản chí, không sợ hãi, không oán thù, không bạo động, và vẫn giữ được niềm tin nơi con đường họ đi và vào những giá trị tinh thần của đất nước. Nhìn vào những người như họ, chúng ta thấy vững lên niềm tin của chúng ta nơi các thế hệ tương lai của đất nước. 

Lên tiếng bảo vệ cho họ không phải là quý liệt vị yểm trợ cho một tôn giáo là Phật giáo mà quý vị che chở cho những mầm non xanh tốt của tương lai không để bị dẫm nát bởi bạo hành. Tôi là một trong những người đã có cơ duyên đóng góp một phần trong việc đào tạo họ. Tôi tin rằng liệt vị sẽ ưu ái đưa cánh tay của bậc làm anh, làm cha của mình để che chở cho họ, nghĩa là che chở cho chính con cháu của liệt vị.

Kính thư,
Nguyễn Lang
Tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận
http://www.phusa.info/


VỤ BÁT NHà
CHỦ TRƯƠNG NHÀ NƯỚC HAY LỖI ĐỊA PHƯƠNG (PHẦN 1)

Thiện Giao, phóng viên RFA 2009-07-13

tuvienbatnha-chanhdien-00123Sự kiện tu viện Bát Nhã tại Lâm Đồng diễn ra cách nay 2 tuần. Khoảng 400 tăng sinh và giáo thọ tu tập theo pháp môn Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh đang lâm vào hoàn cảnh bị cúp điện, cúp nước, cúp điện thoại.

Trong khi đó nhiều người từ bên ngoài có những hành vi nguy hiểm khi tấn công vào tu viện. Những người quan sát cho biết công an địa phương cũng có mặt nhưng không can thiệp, cho đến những ngày gần đây.

Biên tập viên Thiện Giao của Ban Việt Ngữ – Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Sư Cô Chân Không Nghiêm, một đệ tử của Thiền sư Nhất Hạnh, hiện đang sống tại Pháp, về vấn đề này. (Hình trên: Tu Viện Bát Nhã, xã Dambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng - Courtesy ThuVienHoaSen.org)

Bài phỏng vấn chia làm 2 phần. Phần thứ nhất là về hiện tình tại tu viện, về bức thư gởi Bộ Trưởng Công An Việt Nam. Phần thứ nhì, Sư Cô Chân Không Nghiêm thuật lại nội dung cuộc gặp gỡ trước kia giữa Thiền Sư Nhất Hạnh và Chủ Tịch Nước Việt Nam, và những phương cách sắp tới của Làng Mai về vụ tu viện Bát Nhã.

Tình hình hiện nay

Thiện Giao: Thưa Sư Cô Chân Không Nghiêm, xin Sư Cô tóm tắt cho biết tình hình hiện nay của Tu Viện Bát Nhã và tình hình sức khoẻ, sự an toàn cũng như an ninh của các tăng sinh và giáo thọ tại đây?

Sư Cô Chân Không: Mỗi ngày tôi có cố gắng điện thoại về nhà, thì cũng may phước là có cái điện thoại cầm tay chớ đã 12 ngày nay rồi chính quyền đã cúp điện thoại, và tôi nghĩ là thầy Đức Nghi chắc không có đủ khả năng mà tự cúp điện thoại của chúng tôi, rồi cúp điện, mà trong khi đó ở bên các nhà hàng xóm thì đều có điện hết, rồi cúp nước nữa.

Mới ngày hôm qua tôi nhận đuợc một cái thư của một em nó viết tay, rồi nhờ có người đem ra ngoài được đem scan và gửi qua đây. Để tôi đọc cho anh nghe: “Có chừng vài chục người đồng bào dân tộc thôi, nhưng nghe nói có năm sáu cái xe của thượng toạ Đức Nghi muớn chở mấy trăm người tới và có nhiều người mặc áo tràng. Sau đó họ ghé vô chỗ mấy thầy, mấy sư cô, họ nói là tui con đâu có biết gì đâu, nghe nói là lên đây có khoá tu thành ra tụi con mới đi, chớ nếu nghe lên đây để đánh lộn thì tụi con đâu có đi. Thành ra, tụi con tới nơi thì tụi con rất là ngỡ ngàng khi thấy mấy thầy cầm loa la lên rồi chữi bới và biểu tụi con nói theo, thì tụi con đâu có nói được.”

Họ quăng hết đồ đạc của người xuất gia ra khỏi khu nhà “Tâm Ban Đầu.” Họ phá cả bếp nấu ăn của các thầy. Đồ ăn đang nấu sẵn thì họ quăng ra ngoài. Cả soong, nồi, chảo, gối ngồi thiền, quần áo Và bữa nay là ngày thứ 12 mà mấy thầy mấy sư cô không có điện, không có nước, không có điện thoại. Ngày 13 tháng 7 nghe cái tin đó thì tôi không biết làm thế nào, tôi mới lật đật viết liền một cái thư cho ông Bộ Trưởng Bộ Công An. Tôi viết đại một cái thư như vậy và gửi cho Toà Đại Sứ và nhờ Đại Sứ chuyển cho ông Bộ Trưởng Bộ Công An. 

Tôi cũng có gửi qua Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, tại vì chính quyền Obama có những vị rất thân cận với chính quyền cũng rất là thương Sư Ông, và họ nói là con đường của Sư Ông quá từ bi nên chắc có cái gì hiểu lầm đó. Thành ra tôi cũng tin là chắc chắn có sự hiểu lầm.

Tôi nghĩ, nhìn sâu thì tôi thấy thầy Đức Nghi không phải là người xấu, thấy có cái gì rủi ro mà nó xảy ra để làm cho thầy phải hành sử như vậy. Và tôi cũng thương luôn mấy anh công an, thấy mấy anh công an đó do cấp trên biểu thì làm sao mà không dám không làm? Nếu mà từ chối thì bị mất chức thì sao? Rồi tôi thương những cấp trên của họ cũng vậy, có thể có một cái gút nào đó, mà cái gút đó là cái tri giác rất là sai lầm.

Thiện Giao: Thưa, vậy ông Bộ Trưởng có hồi đáp lá thư từ Làng Mai không?

Sư Cô Chân Không: Sau đó thì không có bạo động. Có thể có 400 người đồng bào dân tộc thiệt, có thể có mấy trăm người dao búa thiệt, nhưng mà có lẽ nhờ ông Bộ Trưởng Bộ Công An ưu ái nói lời, cho nên tới khi họ xúi người ta bạo động không được – những người chủ động xúi bạo động không được, thành ra khi đi ngang tới cư xá mấy sư cô thì mấy người Phật tử khóc, một số ngồi lại, nhưng mà đám đông thì vẫn thói quen người ta đi thôi.

Người ta đí tới cư xá của mấy thầy thì cũng có một số khóc, khi nghe tiếng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì khóc, xá, ngồi lại. Mấy người chủ chốt muốn phá hoại, san bằng thì họ tức qua, họ nhào lên, nhưng lúc đó có mấy người công an ngăn lại. Tôi nghĩ mấy người công an đó được lệnh của Bộ Công An từ Hà Nội.

Sau khi đuổi mọi người về hết thì có những người công an đó lại nói với mấy sư cô là mấy sư cô yêm tâm, sẽ không có bạo động. Thành ra chúng tôi rất là cảm ơn, tôi có viết thư cảm ơn, và tôi tin rằng cấp trên sẽ giải quyết sớm vấn đề này.

————————————–

Trên đây là phần thứ nhất cuộc phỏng vấn Sư Cô Chân Không Nghiêm, một đại đệ tử của Thiền Sư Nhất Hạnh, về hiện tình của tu viện Bát Nhã. Mời quý vị đón nghe phần thứ nhì, trong đó sư cô Chân Không Nghiêm thuật lại cuộc gặp gỡ trước kia giữa thiền sư Nhất Hạnh và Chủ Tịch Nước Việt Nam, và những phương cách sắp tới của Làng Mai về vụ Tu Viện Bát Nhã.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
(http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Current-violent-incident-at-BatNha-temple-part1)


VỤ BÁT NHà
CHỦ TRƯƠNG NHÀ NƯỚC HAY LỖI ĐỊA PHƯƠNG (PHẦN 2)

Buổi phát thanh trước, Sư Cô Chân Không Nghiêm, đã tóm tắt hiện tình tại Tu Viện Bát Nhã và 400 tăng sinh tu tập theo pháp môn Làng Mai ở Lâm Đồng. 

tsnh-rfaThiền sư Thích Nhất Hạnh trong buổi cầu siêu cho nạn nhân chiến tranh Việt Nam, tổ chức tại Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội hôm 20-4-2007.

Sau đây, mời quý vị nghe tiếp phần thứ nhì, cũng là phần cuối của cuộc phỏng vấn. Sư Cô Chân Không Nghiêm nói về cuộc gặp gỡ trước kia giữa Thiền Sư Nhất Hạnh với Chủ Tịch Nước Việt Nam. Sư Cô Chân Không cũng có mặt trong buổi gặp gỡ này.

Sư Cô Chân Không: Và Sư Ông chỉ nói riêng với Chủ Tịch Nước là “Nên đề nghị có một đài kỷ niệm Hoà Thượng Quảng Đức đi” thì Nhà Nước làm liền.

Rồi Sư Ông có đề nghị cái này: “Nên làm một đài tưởng niệm thuyền nhân”, thì ông Chủ Tịch Nước nói “Trời ơi, tôi làm vậy nó đập tôi chết!”.

Sư Ông cũng có nói là “Nếu cho người Việt Nam có song tịch thì họ có thể về phụng sự đất nuớc với tư cách một công dân Việt Nam”, thì điều đó Nhà Nước cũng đã làm rồi.
” 
Có một điều chót (Sư Ông) nói là “Nước Trung Quốc có một cái bộ về ban tôn giáo nhà nước, cả một bộ lận – nhiều quá, không giống ai hết trọi hết trơn. Thành ra nếu Việt Nam mình muốn làm khác thì tôi nghĩ là trong tương lai năm bảy năm sau, thực tế mà nói mình phải dẹp từ từ công an tôn giáo với lại uỷ ban tôn giáo chính phủ.”

Sư nói tới đó thì ông Chủ Tịch Nước nói “Đâu có công an tôn giáo!” Nhưng mà thiệt ra không phải dùng chữ công an tôn giáo, mà là một ngành công an chỉ lo về tôn giáo tức là mấy ông A 41 đó sát cánh để mà coi về tôn giáo, thì Sư Ông nói: “Công an đủ rồi. Mình để vậy nó không có giống Tàu, nó không có đẹp. Mình làm sao cho mình có cái độc lập của mình.”

Nhưng mà sau khi cái tin đó loan ra làm uỷ Ban Tôn Giáo Nhà Nước giận quá và sau đó làm mọi cách để gây khó khăn, thì cũng tội nghiệp! Sư Ông cũng có viết bài nói là mình thiệt muốn phụng sự đất nước bằng những ngành khác chứ đâu có cần phải nằm ở trong cái ngành đó mới phụng sự đất nước, vân vân. Thì có lẽ cái hiểu lầm từ đó mà họ xé lớn ra.

Rồi giả tỷ Sư Ông nói là cái tên nước nào cũng đổi nghe nó gọn, nó nhẹ hơn, thành ra Sư Ông mới đề nghị là “Thôi, mình làm cho nhẹ nhẹ thôi, thay vì “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” thì thôi ta làm “Cộng Hoà Việt Nam” hay là cái gì thôi.” Thì ý Sư Ông muốn cắt những điểm đó cho nó gọn. Nhưng mà bây giờ nó đồn cùng ở trong dân và những người công an rất là giận dỗi.

Thiện Giao: Nói một cách tóm tắt, theo cách nhìn riêng của Sư Cô, thì việc xảy ra tại Bát Nhã có phải là chuyện nội bộ không, hay là không còn là chuyện nội bộ nữa của Bát Nhã?

Sư Cô Chân Không: Về cái chuyện xảy ra ở Bát Nhã, theo tôi nghĩ là cái chuyện đó bắt nguồn từ những cái hiểu lầm rất lớn trong Nhà Nước, nhứt là của cánh tôn giáo chính phủ và công an tôn giáo.

Sư Ông nói là trong tương lai mình làm khác Trung Quốc để cho mình có vẻ tự do, giống như Chữ Nôm của mình không giống Chứ Hán. Thì cái cách là như vậy thôi, nhưng mà họ bực, họ hiểu lầm, và không có bàn tay của cấp trung ương thì thầy Đức Nghi không có làm như vậy. Và có nhiều lúc thầy nói “Trễ rồi. Thầy không có đi ngược trở lại được.” Và tôi biết có những đêm thầy khóc.

Tôi nghĩ là thầy có khóc. Nhưng mà thầy nghĩ là thầy không đi ngược trở lại, nhưng mà tôi muốn nói điều này là “Xin thầy và các thầy – như thầy Đồng Hạnh, thầy Giác Giao, rồi đủ thứ hết”. Nhưng mà thầy Đồng Hạnh cũng dễ thương lắm. Có nhiều bữa thầy nói “Mấy thầy cô ơi, tôi đi lỡ rồi, tôi không đi ngước trở lại được. Tôi phải đi thôi. Liều mà đi thôi.”

Từ chối gia nhập GHPGVN?

Thiện Giao: Thưa Sư Cô, một số giáo thọ tại Tu Viện Bát Nhã có nói rằng việc Lang Mai từ chối gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có thể đã đưa đến hậu quả như hiện nay, thì xin hỏi Sư Cô là liệu phía Việt Nam có bao giờ đã đưa ra một yêu cầu như vậy không? 

Sư Cô Chân Không: Khi Sư Ông về hình như là tôi quên rồi, tôi ít để ý đến vấn đề này, nhưng mà tôi nhớ là trong 7 điểm đề nghị nhà nước thì hình như là Thầy có đề nghị là mình ráng làm giống như các nước tự do khác, tức là ở bên Mỹ có mấy chục giáo hội Tin Lành, rồi nhiều giáo hội Thiên Chúa, thì tại sao mình không có nhiều giáo hội?

Thầy không có nói giáo hội Làng Mai, nhưng mà Thầy nói là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Thống Nhứt (GHPGVNTN), Giáo Hội Khất Sĩ, Giáo Hội Therevada, vân vân và vân vân. Thì chắc ở trong Thầy cũng có nghĩ là nếu mà có giáo hội Làng Mai ở tại Việt Nam thì cũng tốt thôi, nhưng mà quý vị đã bác rồi.

Thành ra tôi không có nghe Sư Ông muốn lập giáo hội Làng Mai ở nhà. Tôi thấy cái giác sai lầm, cái tưởng sai lầm là thủ phạm. Nhưng mà nếu cái tri giác sai lầm thì đầu tiên là của Nhà Nước.

Thiện Giao: Các tu sĩ trẻ tại Bát Nhã đang tu theo pháp môn Làng Mai thì họ là đệ tử của Thiền Sư Nhất Hạnh và nay thì họ đang ở trong tình thế như Sư Cô vừa nói là khá nguy hiểm, và thậm chí có thể nguy hiểm tới thân mạng. Như vậy thì Thiền Sư có phương cách cụ thể nào để trợ giúp họ không?

Sư Cô Chân Không: Chúng tôi rất là tin cái năng lượng của cầu nguyện và khi mà sự cầu nguyện rất sâu thì nó sinh ra hành động, và cái hành động mà nó được sinh ra từ cái năng lượng cầu nguyện thì chỉ có thể là giọt nước thanh lương từ bi mà nó chuyển hoá tình trạng thôi, chứ không có thể nào mà bằng vũ khí, bằng bạo động, hay dù bằng áp lực mà chúng tôi không có khả năng để làm áp lực.

Và hiện bây giờ thì chúng tôi, nếu có thể qua Đài này mà dẫn được một số các bạn ở Á Châu mà không có nghe kịp, thì chúng tôi đang chuẩn bị làm những buổi lễ cầu nguyện, tiếp tục tiếp tục cầu nguyện riêng ở nhà mình, cầu nguyện chung với tăng thân, cầu nguyện chung ở thiền đường, cầu nguyện chung ở chỗ này chỗ kia, thì chúng tôi tiếp tục cầu nguyện hoài.

Trong khi cầu nguyện thì có thể những người bạn đang cầu nguyện, với năng lượng từ bi khi cầu nguyện, có thể phát sanh ra sáng kiến gì đó mà mình có thể đi tới để can thiệp một cách khéo léo như thế nào để người ta gỡ ra những cái hiểu lầm và tháo gỡ tình trạng bế tắc này.
Thiện Giao: Dạ vâng. Xin kính cảm ơn Sư Cô đã dành thời gian cho Đài chúng tôi. 
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/current-violent-incident-at-BatNha-temple-part2

 

___________________________________________________________________


KHƠI DẠY NGỌN LỬA THIÊNG
Sư Ông Làng Mai 24-10-2009

Thứ bảy, 24 Tháng 10 2009 13:12 

Trong giới trí thức, nhân bản và chính trị cũng thế, chung quanh ta còn có những người liêm khiết, chính trực, thà chịu nghèo chứ không để tán tận lương tâm. Ông thân sinh của sư anh Pháp Hội là một cán bộ rất liêm khiết và chính trực; bác ấy đã chịu sống nghèo trong suốt cả một đời để nuôi các đức liêm khiết và chính trực của mình cho nên ngày nay ta mới có một sư anh Pháp Hội. Và có bao nhiêu người khác nữa, nhờ có niềm tin nơi truyền thống đạo nghĩa của đất nước mà vẫn giữ được nếp sống liêm chính của mình. 

Tu Viện Bích Nham 

Ngày 21-10-2009

Hôm qua tại thiền đường Đại Đồng của tu viện Bích Nham đã có lễ xuất gia cho hai người trẻ tuổi, một người đã tốt nghiệp Nha Khoa và một người đã tốt nghiệp Kinh Doanh. Đó là hai sư cô Chân Lân Nghiêm và Chân Mạnh Nghiêm. Hai người này đã có cơ hội được thầy chỉ dạy về giới luật và uy nghi trong suốt một tuần lễ trước ngày xuất gia. Các vị này đã được chấp nhận thường trú ở xóm Hạc Trắng của tu viện Bích Nham.

Thầy nhớ khi xuống tóc cho các sư em thầy đã nhất tâm hộ niệm để các em giữ mãi được tâm ban đầu trong suốt một đời tu. Giữ được tâm ban đầu thì thế nào tu tập cũng thành công. Có những người tu thành công, và có những người tu không thành công. Nếu người tu không biết cách thực tập thì có thể bị hư hỏng trong khi tiếp nhận sự cung kính và cúng dường từ người tại gia. Cho nên mỗi khi có một đợt người trẻ xuất gia, điều đầu tiên thầy căn dặn họ là phải rất cẩn thận trước sự cung kính và cúng dường của người cư sĩ.

Khi mặc vào chiếc áo tu, mình trở thành biểu tượng của Tam bảo là Bụt, Pháp và Tăng. Mình đại diện cho Tăng Bảo. Trong Tăng Bảo có Pháp Bảo và Phật Bảo. Vì vậy thấy hình dáng của một vị xuất gia, người cư sĩ có khuynh hướng muốn tỏ bày niềm cung kính. Và cách thức tỏ bày niềm quy kính ấy là lễ lạy và cúng dường.

Một người mới xuất gia phải thực tập như thế nào khi có người tới lễ lạy? Ta có khuynh hướng muốn nói: xin đừng lạy tôi, tại vì tôi mới xuất gia, chưa có đức độ gì để quý vị lễ lạy. Nhưng nếu ta từ khước như thế thì vị cư sĩ kia mất đi một cơ hội để tỏ bày niềm quy kính Tam Bảo của người ấy. Cho nên ta phải ngồi thật yên, theo dõi hơi thở và quán chiếu: người cư sĩ kia đang tỏ bày niềm quy kính đối với Tam Bảo chứ không phải đang tôn sùng cái ngã của mình. Mình phải ngồi thật yên cho người ấy lạy. Họ lạy Tam Bảo chứ không phải lạy mình. Và như thế mình sẽ được an toàn, và đức khiêm cung của mình sẽ được bảo vệ. Nếu không thì mình sẽ hư hỏng. Hư hỏng vì mình tưởng mình là đối tượng của sự cung kính. Cũng như lá cờ quốc gia. Lá cờ ấy chỉ là một mảnh vải. Người ta chào cờ là người ta chào một quốc gia chứ không phải chào một mảnh vải. Nếu mảnh vải nghĩ nó là đối tượng của sự kính trọng kia thì mảnh vải đã lầm.

Bản thân thầy vốn không thích để ai lễ lạy. Nhưng mà thầy phải tập ngồi để người ta lễ lạy. Lễ lạy là một phép thực tập quan trọng của người tại gia. Mình phải ngồi với chánh niệm để đại diện cho Tam Bảo. Nếu thực tập được như thế thì người lễ lạy nuôi dưỡng được niềm tôn kính Tam Bảo, còn mình cũng nuôi dưỡng được đức khiêm cung. Nếu không thực tập thì mình trở thành nạn nhân của sự cung kính và đời tu của mình sẽ thất bại.

Sư Ông của các con, tổ Thanh Quý, là một người có đức khiêm cung rất lớn. Bản tính của Sư Ông là không thích ai lễ lạy mình, nhưng vì là một vị thầy nên Sư Ông phải để cho người ta lễ lạy. Khi đại sư Chí Niệm xây tháp cho Sư Ông, Sư Ông dặn là phải an trí trên chóp tháp một tượng đức Bổn Sư, như vậy sau này có ai đến lễ lạy ở tháp, Sư Ông muốn đó là họ đang lễ lạy đức Bổn Sư chứ không phải là lễ lạy Sư Ông. Ở chùa tổ Từ Hiếu ai cũng biết chuyện đó. Thầy trò chúng ta phải học cho được thái độ khiêm cung ấy của Tổ Thanh Quý. Đức khiêm cung đó sẽ có thể giữ cho chúng ta mãi mãi còn là chúng ta. Chúng ta thấy cả trong hai truyền thống Bắc Tông và Nam Tông đều có những vị xuất gia hư hỏng vì thiếu sự thực tập này; các vị ấy thấy người ta lễ lạy mình thì cứ tưởng là người ta đang khâm phục cái ta của mình. Trong khi đó ai cũng biết rằng cái ta là cái đáng ghét nhất. Trong truyền thống đạo Bụt, cái ta chỉ là một ảo tưởng.

Khi lạy xuống, ta có cơ hội buông bỏ ảo tưởng về cái ta. Năm vóc sát đất, ta mở rộng hai bàn tay. Ta quán chiếu: “Lạy đức Thế Tôn, lạy chư vị tổ sư tâm linh và huyết thống, con không có gì để tự hào cả. Những gì con đang có như một chút ít tài năng, một chút thông minh, tất cả đều do đức Thế Tôn và liệt vị trao truyền. Con chỉ là sự tiếp nối của liệt vị.” Khi quán chiếu như thế ta thấy trong con người của ta có rất nhiều không gian, có rất nhiều tự do, và ta buông bỏ được mọi mặc cảm tự tôn. Nếu ta có mặc cảm tự ti, ta cũng quán chiếu như thế: “Lạy đức Thế Tôn, lạy chư vị tổ sư tâm linh và huyết thống, con có những yếu kém, những yếu kém này cũng không phải là con mà đã được trao truyền lại. Là sự tiếp nối của liệt vị, con nguyện sẽ thực tập để chuyển hóa những yếu kém ấy trong con, và đáp ứng được sự trông đợi của liệt vị.”

Đời sống của người xuất gia phải vừa khiêm cung vừa giản dị. Mười giới sa di và sa di ni mà ta tiếp nhận ngày ta được gia nhập đoàn thể của những người xuất gia là những giới pháp đẹp tuyệt vời. Giới thứ sáu là không sử dụng các loại mỹ phẩm và các đồ trang sức, giới thứ bảy là không vướng mắc vào các lối tiêu khiển trần tục, giới thứ tám là không sống đời vật chất sang trọng và xa hoa. “Ý thức được rằng sống trong những điều kiện vật chất và xa hoa, người xuất gia sẽ khởi tâm ái dục và tự hào, con nguyện suốt đời chỉ sống một nếp sống giản dị, thiểu dục và tri túc. Con nguyện không ngồi và không nằm trên những chiếc ghế và chiếc giường lộng lẫy, không sử dụng lụa là, gấm vóc, xe cộ bóng loáng và nhà cửa cao sang.” Cái đẹp của người xuất gia được làm bằng đức khiêm cung và nếp sống đơn giản. Cho nên khi tiếp nhận phẩm vật cúng dường, người xuất gia không giữ phẩm vật ấy cho mình mà phải chuyển lại cho đại chúng, nghĩa là cho đoàn thể của người xuất gia. Những phẩm vật cúng dường này là để dành cho những vị nào đang thực sự thiếu thốn. Đời sống xuất gia thì phải “tam thường bất túc” nghĩa là trong ba cái ăn, mặc và ở thì đừng có cái nào quá đầy đủ. Phải thiếu một chút thì mới đúng. Ví dụ ăn thì không nên ăn quá no. Mặc thì không nên mặc quá ấm, đừng nói là quá đẹp. Ở thì không nên ở quá tiện nghi, đừng nói là quá sang. Theo tiêu chuẩn ấy mà xét, ta có thể thấy được ai là người chân tu, ai không phải là người chân tu. Khoác áo người xuất gia, ta có tư cách để tiếp nhận sự cung kính và cúng dường. Nếu ta không thực tập, thì ta sẽ lạm dụng sự cung kính và cúng dường ấy và đánh mất pháp thân của ta. Pháp thân là đời sống tâm linh đích thực.

Thầy có cái may mắn là tới tuổi này rồi mà thầy vẫn còn cảm thấy e thẹn khi có một vị cư sĩ cúng dường. Các con biết đó, thầy cũng sống đơn giản như các con, và mỗi khi có ai cúng dường thầy chẳng bao giờ giữ lấy cho riêng thầy. Đạo tràng nào của chúng ta cũng có chương trình Hiểu và Thương, và chúng ta luôn luôn biết cắt bớt sự tiêu thụ để chia sẻ những tài vật đang có với những người thiếu thốn: những bé cô nhi, những bô lão cô đơn, những trẻ em thiếu học hành và dinh dưỡng, những nạn nhân của nghèo đói, bệnh tật và thiên tai. Chúng ta nuôi dưỡng từ bi bằng những chương trình cứu trợ ấy. Và ta có biết bao nhiêu sư anh sư chị và các thân hữu cư sĩ đã và đang hết lòng giúp chúng ta làm việc này. Đó là một trong những hạnh phúc lớn của người xuất gia. Đó là sự thực tập giới thứ hai: chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật với những kẻ thiếu thốn. Hạnh phúc của chúng ta được làm bằng chất liệu lý tưởng và tình huynh đệ chứ không phải là làm bằng khả năng tiêu thụ. Sở dĩ những người trẻ tới đông đảo với chúng ta vì họ thấy được cái hạnh phúc đó. Đến với chúng ta, họ thực tập buông bỏ được những hệ lụy và khổ đau của họ, và họ nếm được chất liệu hạnh phúc do lý tưởng và tình huynh đệ đem lại. Hai vị mới được xuất gia ngày hôm qua đều là con nhà đại gia, có học vị cao, có dư điều kiện sống một đời sống vật chất dư dã và xa hoa, nhưng các vị ấy đã buông bỏ hết để được xuất gia. Mắt họ long lanh khi tiếp nhận giới pháp, điều này chứng tỏ họ đang có hạnh phúc lớn, và hạnh phúc ấy được làm bằng chất liệu lý tưởng và tình huynh đệ.

Thầy thấy người đi làm cách mạng cũng có chí hướng tương tợ như chí hướng của những người xuất gia. Hành động của Siddharta Gotama khi bỏ ngai vàng để đi xuất gia cũng là một thứ hành động cách mạng. Sở dĩ ta buông bỏ được là tại vì ta có chí nguyện lớn. Người làm cách mạng phải là người có chí nguyện lớn, nếu không thì người ấy cũng không buông bỏ được nếp sống phù hoa để đi theo con đường phụng sự đất nước. Và cũng như người xuất gia, người cách mạng cũng phải sống một nếp sống đơn giản không nặng nề danh vọng và lợi lộc. Một nhà cách mạng chân chính cũng sống một nếp sống đơn giản như một người xuất gia, và cũng có cái hạnh phúc tương tợ như cái hạnh phúc của người xuất gia, nghĩa là có chất liệu lý tưởng và có tình huynh đệ, có tình đồng chí. “Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá. Miệng còn cười, chân giá buốt không giày. Yêu nhau tay nắm lấy bàn tay.” Theo tinh thần này, thì một người công an cũng là một chiến sĩ cách mạng. Người công an cũng có thể sống có hạnh phúc với lý tưởng cách mạng và với tình đồng chí như người xuất gia. 

Trong số các vị đệ tử thọ giới Tiếp Hiện tại Hoa Kỳ, có một đại úy công an tên là Cheri Maples. Vị này đã tu tập rất giỏi theo pháp môn Làng Mai, ban đầu thì thọ Năm Giới, nhưng sau đó nhiều năm đã thọ giới Tiếp Hiện, và năm 2008 đã được nhận lễ Truyền Đăng làm giáo thọ cư sĩ. Thật ra Cheri Maples trong hơn mười năm qua đã làm trách vụ giáo thọ cư sĩ một cách xuất sắc rồi, và quần chúng mà vị này hướng dẫn tu tập phần lớn đã thuộc về giới những người có nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho xã hội, trong đó có giới cảnh sát, công an, thẩm phán, luật sư và ban quản giáo các nhà tù, các trung tâm cải huấn. Cheri Maples đã ở trong ngành cảnh sát 20 năm, đã từng giữ trách vụ đào tạo cảnh sát công an, có nhiệm vụ bổ dụng và cất chức những vị này.

Trong 20 năm phục vụ ở ngành Cảnh Sát, Cheri Maples đã thực tập theo pháp môn Làng Mai được 14 năm. Sự thực tập này đã giúp cho Cheri chuyển hóa rất nhiều và đã giúp cho Cheri thành công lớn trong việc đào tạo phân phối và bổ nhiệm nhân viên Cảnh Sát. Do sự thành công lớn lao đó mà Cheri đã được đưa lên một chức vị cao trong cục Cải Huấn và Tư Pháp. Trong nhiệm vụ mới này, Cheri đã huấn luyện hơn 1500 nhân viên, trong đó có các luật sư, chánh án, sĩ quan công an và quan chức nhà nước, huấn luyện bằng cách sử dụng những pháp môn mà Cheri đã học được từ Làng Mai. Trong hiện tại, Cheri đang áp dụng những pháp môn (gọi là kỹ thuật tu tập) ấy để giúp cho những nhân viên quản trị các trại giam và ngay cho những người bị giam giữ trong các trại tù ấy.

Năm 2003, Cheri đã tổ chức một khóa tu tại Madison, Wisconsin cho trên 650 người, trong đó phần lớn là các nhân viên Cảnh Sát, Công An, và các viên chức trong ngành Tư Pháp. Thầy và tăng thân Làng Mai đã được mời tới hướng dẫn khóa tu này. Trong khóa tu này, không có đốt hương, không có tụng niệm, không có lễ nghi, chỉ có sự thực tập để làm lắng dịu và chuyển hóa thân tâm, làm sống dậy và nuôi dưỡng chất liệu lý tưởng và tình huynh đệ, đem một chiều hướng tâm linh vào đời sống chuyên nghiệp, để có thể thành công hơn trong nghiệp vụ và để có thêm niềm vui trong đời sống hàng ngày. Khóa tu thành công lắm. Các con hãy tưởng tượng những chú cảnh sát Hoa Kỳ to con đang tập đi thiền hành với những bước chân thảnh thơi, đang tập ngồi thiền với những hơi thở lắng dịu, đang tập hạnh lắng nghe và ái ngữ với một thế ngồi bình an. Giới cảnh sát công an và các viên chức làm trong ngành Tư Pháp có một đời sống rất căng thẳng và nhiều khổ đau. Các con có biết là mỗi năm ở Hoa Kỳ có khoảng 300 cảnh sát viên tự tử bằng súng của chính họ không? Hành động này gọi là ăn súng của chính mình (eating their own gun). Số lượng các vị cảnh sát tự tử bằng súng của mình đông bằng hai lần số lượng cảnh sát bị côn đồ và tội đồ bắn chết. Giới viên chức quản trị các trại giam cũng có rất nhiều căng thẳng vì phải đối diện thường xuyên với năng lượng bạo động trong trại giam và ngay trong chính bản thân. Người ta cho biết là sau 20 năm phục vụ trong ngành này, phần lớn các nhân viên chỉ có tuổi thọ trung bình là 58 tuổi.

Những nhân viên cảnh sát và công an đã từng tới Bát Nhã và đã gây khó khăn cho các con Bát Nhã của thầy chắc chắn cũng có nhiều căng thẳng và khổ đau trong bản thân. Họ là viên chức nhà nước và phải tuân theo mệnh lệnh của cấp trên, nhiều khi buộc phải làm những điều khiến cho họ cảm thấy bứt rứt trong thân tâm họ. Các baby monks của thầy khi viết thư cho các chú công an đã thấy được điều này, cho nên thầy đã thầm khen các con khi thầy được đọc lá thư ấy. Lương bổng của người công an không đủ sống, thầy biết như vậy, và một số những người công an đã phải sử dụng quyền hành và chức vụ của mình để kiếm thêm tiền, do đó cũng dần dần đánh mất lý tưởng phục vụ đất nước của họ.

Cheri Maples nói rằng năm 1984, khi đi vào ngành Cảnh Sát, nguyện ước sâu sắc nhất của cô là phục vụ cho hòa bình, chấm dứt bạo động và bất công xã hội. Đó là chất liệu lý tưởng. Cheri viết trong bài tựa một cuốn sách của thầy những dòng sau đây: “Mỗi đêm, tôi đều trăn trở với những khổ đau do nghèo đói, kỳ thị chủng tộc, bất công xã hội, trộm cắp, lạm dụng tình dục, bạo hành trong gia đình, tiêu thụ bừa bãi và áp bức xã hội gây nên. Tôi khao khát bình an, nhưng tôi không biết rằng cái bình an ấy phải tới từ trái tim của mình trước. Tôi bị tràn ngập bởi những khổ đau mà tôi chứng kiến được trong xã hội, bởi những hiểu lầm, và bởi chính cái chính sách của nha Cảnh Sát Công An của tôi. Cái bất bình giận dữ của kẻ khác đã thắp cháy lên cái bất bình giận dữ trong tôi. Và tôi bắt đầu thực hành nhiệm vụ của tôi một cách máy móc. Tôi bắt đầu uống rượu. Tôi bị chứng trầm cảm. Và tôi đã tạo ra khổ đau cho tôi, cho những người thân, và cho cả những người khác.” Sau khi được tiếp xúc với Pháp Môn Làng Mai, được biết rằng có thể mang bên hông một khẩu súng với chánh niệm thì Cheri mới bắt đầu được chuyển hóa, và đã làm sống dậy được lý tưởng của mình. Cuối cùng Cheri đã phục vụ được thật nhiều cho đất nước và dân tộc của Cheri. Hạnh phúc của Cheri tăng tiến rất nhiều, đó là nhờ công phu tu tập. Nghe tin các con bị trục xuất khỏi Bát Nhã và đang bị bao vây tại Phước Huệ, Cheri đã viết thư cho Chủ Tịch Nước và Ông Bộ Trưởng Bộ Công An để nhờ can thiệp cho các con được trở về tu tập an ổn tại nơi các con đã được xuất gia, và Cheri đã gửi cho thầy một bản sao của lá thư ấy. 

Nếu Cheri đã tu tập thành công, đã làm sống dậy được lý tưởng phụng sự đất nước, đã tìm được niềm vui trong đời sống phục vụ quốc gia, nhờ vào công phu tu tập, thì các chú công an của mình cũng có thể làm như thế được, phải không các con, nhất là khi ta biết rằng nhiều vị sĩ quan và nhân viên công an cũng là con nhà Phật tử. Trong lá thư gửi cho Chủ Tịch Nước và Ông Bộ Trưởng Bộ Công An, Cheri đã nói lên ước vọng là trong tương lai sẽ có những khóa tu tổ chức cho giới cảnh sát và công an tại Việt Nam như khóa tu đã từng được tổ chức ở tiểu bang Wisconsin, và có thể có khả năng là các vị cảnh sát và công an Hoa Kỳ cũng được đi Việt Nam thực tập chung với các vị cảnh sát và công an Việt Nam. Khóa tu ở Wisconsin thành công lớn lắm, tuy không phải là một khóa tu dễ dàng. Khổ đau và thành kiến lúc ban đầu rất lớn, đã được từ từ chuyển hóa trong khóa tu. Khóa tu ấy có chủ đề là “Canh Giữ Cho Hòa Bình” (Keeping the Peace). Chủ đề này làm thầy nhớ bài hát của thiếu nhi Việt Nam ở ngoài Bắc “Chú bộ đội, chúng cháu yêu chú lắm, súng vác trên vai, chú canh giữ cho hòa bình.” Những thực tập trong khóa tu đã giúp cho mọi người thực hiện thêm được rất nhiều bình an trong lòng người nhân viên công an và trong các cộng đồng xã hội mà những vị ấy phục vụ. Cheri đã viết trong lá thư: “Nhờ sự giáo huấn của Thầy, cả Cục Cảnh Sát trong đó có tôi đã được chuyển hóa. Từ những nhân viên chỉ biết sử dụng quyền hành, chúng tôi đã trở nên những chiến sĩ hòa bình có liên hệ tốt đẹp với quần chúng.”

Các khóa tu tổ chức cho giới cảnh sát công an, cũng như các khóa tu tổ chức cho giới dân biểu và quan chức nhà nước đều được tổ chức dưới hình thức không tôn giáo (non sectarian) vì vậy cho nên trong các khóa tu ấy không có sự thực tập nghi lễ và tín mộ, bởi vì luật lệ của các nước dân chủ Tây phương là như thế: “Không được trộn lẫn giáo quyền và chính quyền.” Thầy và Tăng thân đã tôn trọng nguyên tắc ấy, và các khóa tu kia không có mục tiêu khuyên người ta trở thành Phật tử mà chỉ muốn giúp cho người thực tập chuyển hóa khổ đau và khó khăn nội tâm, tìm lại được niềm tin nơi lý tưởng và tình huynh đệ. Cái học trong các Phật học đường của chúng ta có tính lý thuyết nhiều hơn thực tập, và vì thế những pháp môn thực tập này cần phải được đưa vào các trường cơ bản, trung cấp và cao cấp Phật học, để cho đạo Phật thật sự có thể được ứng dụng thực tế vào đời sống hàng ngày. Có sự thực tập này, người tu mới phục hồi và giữ vững được lý tưởng của người xuất gia, không bị lợi và danh ràng buộc. Sự thực tập này cũng rất có ích lợi cho các trường Trung Cấp Công An Nhân Dân, các trường Đại Học Cảnh Sát Nhân Dân và các Học Viện An Ninh Nhân Dân. Nó có thể được giảng dạy như một môn học và thực tập không có màu sắc tôn giáo, giống như trong khóa tu Wisconsin. Thầy nghĩ rằng vị Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế của ngành Công An có thể trao đổi với Giáo Thọ Cheri Maples để có thêm kiến giải về vấn đề này và các vị giáo thọ của chúng ta cũng sẽ có thể góp phần trong việc giảng dạy và thực tập trong các cơ sở đào tạo nhân viên Công An và Cảnh Sát ấy. Làm được công việc ích nước lợi dân thì dù có bị chụp mũ là cộng sản cũng không sao, miễn là nhờ đó mà dân chúng bớt khổ. Công an khổ thì dân chúng cũng khổ theo. Công an có những khổ đau trong lòng mà không giải tỏa được thì sẽ trút lên đầu gia đình và trên đầu dân chúng. Công an mà tham nhũng và lạm quyền thì không những tội cho công an mà còn tội cho chánh quyền và nhất là cho dân chúng. Giáo dục làm sao mà những chánh sách của các Tổng Cục và của các Cục có thể đáp lại nhu yếu đích thực của người dân thì đó mới là một nền giáo dục thật sự hữu ích. 

Này các con của thầy, trong lịch sử, cứ thỉnh thoảng lại có một vị đại đạo sư xuất hiện để thanh lọc và làm mới lại truyền thống Phật giáo. Các vị như Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Huyền Trang, Huệ Năng, Lâm Tế, Trí Giả, Tăng Hội v.v. đều là những nhà cách mạng có khả năng làm cho đạo Bụt trẻ lại, để có thể phục vụ hữu hiệu hơn trong những hoàn cảnh xã hội đã thay đổi. Đạo sư Thái Hư trong những năm 30 của thế kỷ trước đã kêu gọi “Cách mạng giáo lý! Cách mạng giáo chế! Cách mạng giáo sản!”; rất nhiều người trong giới xuất gia nước ta đã lắng nghe những lời kêu gọi ấy và đã nỗ lực tìm cách chấn hưng đạo Phật. Suốt một cuộc đời thầy, thầy cũng chỉ tìm cách làm những việc ấy. Nếu không cách mệnh giáo lý thì khó có thể ứng dụng giáo lý vào đời sống mới, vì vậy từ đạo Bụt nhập thế mình đã có đạo Bụt ứng dụng. Nếu không cách mạng giáo chế thì giới luật và uy nghi truyền thống không đủ để đối phó với những vấn nạn lớn của thời đại và những băng hoại trong xã hội nhiều tệ nạn ngày nay. Vì vậy mà mình đã có Năm Giới tân tu, Mười Giới tân tu, dòng Tiếp Hiện, và giới Khất Sĩ tân tu. Nếu không cách mệnh giáo sản mà cứ bám vào chế độ cúng dường thì làm sao có đủ tự do để thực hiện cách mạng giáo lý và cách mạng giáo chế và để đóng góp được vào công tác thanh lọc và xây dựng một xã hội công bình và lành mạnh? Không có cách mạng giáo lý, giáo chế và giáo sản thì đạo Phật sẽ trở nên già nua, hư hỏng, thiếu sự sống, không tiếp tục được nữa sứ mạng của mình, và sẽ bị đào thải. Một tổ chức chính trị cũng vậy, nếu không có ngọn lửa cách mạng nuôi dưỡng thì sẽ trở nên già nua, hư hỏng, đi ngược lại với bản hoài của mình lúc ban đầu, và những người tìm cách gia nhập tổ chức cũng chỉ vì lợi lộc mà không phải vì lý tưởng.

Trong chuyến về nước năm 2007 thầy đã có dịp một mình ghé vào một ngôi chùa ở Hà Nội để quan sát. Trong chính điện, ở tổ đường, ngoài sân chùa, hễ nơi nào có tượng Phật, tượng Bồ Tát, La Hán, Tổ Sư, Hộ Pháp, Thánh Mẫu v.v. thì đều có tiền cúng dường trên tay các bức tượng. Thầy có cảm tưởng là tất cả các vị Bụt, Bồ Tát, La Hán, Tổ Sư, v.v. đều trở thành những người ăn hối lộ, và các vị đều là những vị thần linh chỉ phù hộ cho những ai biết đút lót cho mình mà thôi. Hình ảnh này cho ta thấy thế giới thần linh chỉ phản ảnh thế giới nhân sự: ai không chấp nhận tham nhũng thì sẽ không thành công, và sẽ không làm gì được. Thầy đặt câu hỏi: có phải vì Bát Nhã không chịu theo cái quy luật ấy cho nên Bát Nhã đã không thể tồn tại? Có người đã nói: nước trong quá thì cá sẽ không sống được. Có phải đây là sự thực hay không?

Không, thầy không muốn tin đó là sự thực. Chúng ta đang có những vị chân tu trên đất nước, không bị danh vọng và tiền tài mua chuộc. Và các con của thầy đang nối gót theo các vị ấy, dù quanh ta có nhiều người xuất gia đã đánh mất tâm ban đầu và chỉ đang đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm để sống cho hết một cuộc sống thiếu lý tưởng và thiếu tình huynh đệ của họ.

Trong giới trí thức, nhân bản và chính trị cũng thế, chung quanh ta còn có những người liêm khiết, chính trực, thà chịu nghèo chứ không để tán tận lương tâm. Ông thân sinh của sư anh Pháp Hội là một cán bộ rất liêm khiết và chính trực; bác ấy đã chịu sống nghèo trong suốt cả một đời để nuôi các đức liêm khiết và chính trực của mình cho nên ngày nay ta mới có một sư anh Pháp Hội. Và có bao nhiêu người khác nữa, nhờ có niềm tin nơi truyền thống đạo nghĩa của đất nước mà vẫn giữ được nếp sống liêm chính của mình.

Những hạt giống Phật pháp, những hạt giống của Pháp môn gieo trồng trong những năm qua đã bắt đầu nẩy mầm. Tiếp xúc với Pháp môn, tiếp xúc với Tăng thân, những hạt giống tốt của lý tưởng và của hạnh phúc có sẵn nơi người trẻ đã bắt đầu mọc lên tươi tốt. Người trẻ xuất gia cũng như người trẻ tại gia thấy được một con đường tâm linh đẹp có thể mở ra một chân trời mới của tình huynh đệ và của lý tưởng độ đời. Những Cheri Maples của Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện. Có những sĩ quan công an và cảnh sát trẻ đã tới với chúng ta để thực tập và bắt đầu được chuyển hóa. Các con đã có dịp làm quen với các vị ấy. Một vị đã tâm sự: khi tâm ta bất an thì ta không có khả năng đem lại sự an bình trong xã hội, và vì những bất an trong tâm ấy mà ta có thể làm cho tình trạng xấu thêm. Đó cũng là cái chân lý mà chính Cheri Maples đã tìm ra. Vụ việc đau thương của Bát Nhã là chứng tích của sự bất an trong lòng người. Vì lo sợ, vì oán trách, vì nhận thức sai lầm mà những người có trách vụ an ninh đã tạo ra những bất an trong xã hội và làm xấu đi hình ảnh của đất nước trên vũ đài quốc tế. Một trong những vị Cheri Maples của Việt Nam ấy cũng đã ngỏ ý muốn xin được xuất gia.

Cách đây chỉ mới mấy hôm, một vị tập sự nữ ở xóm Mây Đầu Núi tên là T.M.T. đã viết một lá thư làm cho chúng ta rúng động và đã cho ta thấy được rằng ngọn lửa thiêng của lý tưởng và của tình huynh đệ có thể được dễ dàng khơi cháy lại nơi tâm hồn những người trẻ. Vị tập sự nữ ký tên T.M.T. trong lá thư ấy (Đằng Sau Ánh Hào Quang) đã chứng tỏ có khả năng buông bỏ mọi ràng buộc, giàu sang và quyền thế đang có để được xuất gia, sống đời đạm bạc mà hạnh phúc với lý tưởng độ đời và giúp người. Cả đại gia đình của T.M.T. đều chống đối việc này và ai cũng cho T.M.T. là điên. Các con nghĩ sao? Nếu T.M.T. có điên thì cái điên ấy cũng không khác gì cái điên của thái tử Sĩ Đạt Đa khi bỏ ngai vàng mà đi xuất gia. Sĩ Đạt Đa là ai? Sĩ Đạt Đa là một người trẻ có khả năng buông bỏ tất cả để tìm cầu một lý tưởng đẹp. Sĩ Đạt Đa có ngọn lửa cách mạng trong lòng nên mới có đủ năng lượng dứt bỏ tất cả mọi đặc ân và mọi tiện nghi. Sĩ Đạt Đa là ai? Sĩ Đạt Đa chính là T.M.T. của ngày hôm nay đó. Chúng ta là những người trẻ đi tìm một lý tưởng đẹp. Chúng ta là sự tiếp nối của Sĩ Đạt Đa. Sĩ Đạt Đa đang có mặt trên quê hương cho nên ta có quyền hy vọng. Những thanh niên đi xuất gia có tâm ban đầu rất mạnh, cũng như những thanh niên đi làm cách mạng có tâm ban đầu rất mạnh. Phải giữ cho được tâm ban đầu thì ta mới thành công. Có tâm ban đầu thì ta không bị ràng buộc bởi lợi danh. Còn tâm ban đầu thì còn tự do và giải thoát. Phương pháp của đức Thế Tôn là tưới tẩm những hạt giống ân nghĩa, từ bi, trí tuệ và dũng cảm nơi ta. Những đau thương của Bát Nhã đã đánh động được trái tim của bao nhiêu người trong nước và ngoài nước và giúp cho ngọn lửa lý tưởng và chất liệu can trường nơi họ sống dậy. Nhà thơ Hoàng Hưng đã viết trong bài Bốn Trăm Quả Chuông Bát Nhã rằng Lá Thư Thỉnh Nguyện mà ông khởi xướng để kêu gọi sự che chở cho Tăng thân Bát Nhã đã có được chữ ký của những tên tuổi lớn trong giới khoa học và văn nghệ, những người “chưa bao giờ từng tham dự vào bất cứ một cuộc bày tỏ tập thể nào trước chánh quyền.” Như vậy có nghĩa là hạt giống của từ bi và dũng cảm nơi các vị ấy đã được tưới tẩm, do đó các vị ấy đã không ngần ngại ký tên vào Lá Thư Thỉnh Nguyện. Có một vị đã tâm sự: “Trước đây tôi rất sợ dính vào những chuyện như thế này, nhưng lần này tôi thấy mình không lên tiếng thì hèn quá, sẽ tự mình không chịu nổi chính mình.” Và cố nhiên là ký xong thì vị ấy có ngay được cái hạnh phúc của một người biết rằng mình đang có chất liệu liêm trực trong trái tim. Công phu thực tập của các con Bát Nhã của thầy đã tưới tẩm được hạt giống tốt trong lòng người, Phật tử cũng như không Phật tử, trong nước cũng như ngoài nước, người đồng bào cũng như người nước ngoài. Đó là những hạt giống của niềm tin, hạt giống của thương yêu và của sự quả cảm. Cách hành xử bất bạo động và không hận thù của các con đã khơi dậy niềm tin nơi một hướng đi nhân bản thuần hậu của nhân loại trong tương lai, đã đánh động lòng yêu thương nơi mọi người và làm sống dậy nơi mọi người đức vô úy sẵn có của họ. Các vị tôn túc đã lên tiếng. Học tăng đã lên tiếng. Sinh viên đã lên tiếng. Giới nhân sĩ và trí thức đã lên tiếng. Giới tiểu thương đã lên tiếng. Giới cán bộ và đảng viên đã lên tiếng. Bằng hữu của các tôn giáo bạn đã lên tiếng. Thế giới đã lên tiếng. Bát Nhã như một đóa sen ngát hương đã làm sống dậy biết bao nhiêu tình cảm đẹp đẽ của con người. Pháp môn “tưới tẩm hạt giống tốt” của chúng ta có thể đem lại hoa trái thương yêu và hạnh phúc rất mau chóng.

Này các con, nếu nhìn cho kỹ thì các con sẽ thấy các vị có trách nhiệm giải thể Tăng thân Bát Nhã đã làm ngược lại với pháp môn. Họ chỉ tưới tẩm những hạt giống xấu. Họ đe dọa và nói dối để tưới tẩm hạt giống sợ hãi nơi chúng ta. Họ nói Tăng thân Bát Nhã làm chính trị. Họ nói sự có mặt của Tăng thân Bát Nhã là một đe dọa cho nền an ninh quốc gia. Họ sơn phết để gán cho Bát Nhã danh từ phản động. Một vị thiếu tướng của Tổng Cục Xây Dựng Lực Lượng Công An Nhân Dân đã được gửi vào để “đối phó” với Bát Nhã như là một tập đoàn phản động. Trong khi đó thì các con là những người tu tập trong trắng, không tha thiết gì đến chính sự, rất mong muốn được tu tập an lành dưới sự che chở của Giáo Hội và của luật pháp đất nước. Họ thuê những người nghèo khổ, thất học, không biết gì về Phật pháp, không phải là Phật tử đến để thay họ đánh phá và trục xuất các con ra khỏi tu viện; họ lừa dối những người này, nói rằng các con là những người đi chiếm chùa, các con là những người phản động, đi cõng rắn về cắn gà nhà, rằng các con là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia, nói tóm lại là họ tưới tẩm những hạt giống hiểu lầm, nghi kỵ, hận thù nơi người đồng bào khác. Khi những người này mất hết bình an trong tâm thì họ mới có khả năng tới chửi rủa, đập phá và xâm phạm đến tài sản và nhân phẩm của những người đồng bào của họ. Làm gì có thứ Phật tử đốt kinh, đốt tượng, liệng phân thối vào các vị tôn đức, xé ca sa của các vị xuất gia, lôi xềnh xệch các vị ấy như những bao rác và xâm phạm vào chỗ kín của những vị này? Thầy thấy cách hành động này rất nguy hiểm và những viên chức nào sử dụng những người như thế sau này cũng sẽ trở thành nạn nhân của chính những người này. 

Nhìn lại cho kỹ ta thấy rằng không những Tăng thân Bát Nhã là nạn nhân của một chính sách sai lầm mà chính quyền và nhân dân địa phương cũng là nạn nhân của chính sách ấy. Các chú công an cũng như những viên chức khác của chính quyền đã nhận được lệnh triệt tiêu Bát Nhã và đã phải làm tất cả những gì có thể làm để hoàn thành nhiệm vụ này, dù những điều mình làm có trái với luân thường đạo lý. Người ta nói vì Đảng, vì chế độ, vì an ninh quốc gia, ta phải buộc lòng làm những việc ấy. Ta cố trấn áp ta để tin rằng đó là việc làm vì nước vì dân. Nhưng trong chiều sâu tâm thức ta, ta biết rằng đó là những việc làm thất đức, trái với luân thường đạo lý. Lương tâm ta cắn rứt. Những người trong gia đình ta nhìn ta bằng con mắt nghi ngờ, oán trách. Đồng bào ta nhìn ta với con mắt khinh khi, chê trách và ghét bỏ. Cái khổ của một viên chức chính quyền lương không đủ sống, đó là một cái khổ tương đối nhỏ. Cái khổ bị lương tâm cắn rứt, bị gia đình và đồng bào nhìn bằng con mắt oán trách mới là cái khổ thật sự. Mất đi sự bình an, mất đi sự tự trọng, cái ấy mới là cái khổ to lớn. Đó là một tổn thất lớn. Ra trận, thì phải có tổn thất. Đó là số người chết, số người bị thương và số người mất tích. Trận đánh nào cũng phải có tổn thất. Trong những trận đánh như Bát Nhã, tuy không có ai chết nhưng tổn thất rất trầm trọng.Đó là đứng về phương diện nhân phẩm, lương tri, lý tưởng, tình đồng bào và thể diện của đất nước trên trường quốc tế. Chúng ta đã không có công mà còn có tội với đất nước khi bị dồn vào thế phải đánh những trận thất đức như thế. Cho nên tất cả chúng ta, tu sinh, viên chức chính quyền hay công an đều đã trở thành nạn nhân.

Một chính sách ích nước lợi dân luôn luôn được dựa trên nền tảng của một cái thấy chính xác, trong đạo Bụt gọi là chánh kiến (right view). Nếu tâm ta bị tham dục, sợ hãi và ghi ngờ che lấp thì ta không có được chánh kiến, và cái thấy của ta bị méo mó, sai với sự thực. Cái thấy này gọi là tà kiến (wrong view). Thấy Bát Nhã là một đe dọa cho một nền an ninh quốc gia là một cái thấy sai lạc rất lớn. Một chuyện buồn cười như thế mà xảy ra được, điều này thật là khó hiểu. Vì cái tà kiến đó cho nên mới có loại tư duy sai trái: cần phải triệt tiêu Bát Nhã, bằng mọi cách. Đó là tà tư duy (wrong thinking). Tư duy sai trái thì ngôn ngữ và hành động cũng sẽ sai trái. Nói rằng Bát Nhã là một tranh chấp nội bộ, nói rằng chính quyền và công an không can thiệp vào Bát Nhã, nói rằng Bát Nhã làm chính trị, v.v. tất cả những lời nói ấy đều không phải là chánh ngữ mà là tà ngữ. Tiếp theo là loại hành động được gọi là hành động sai trái, tức là tà nghiệp (wrong action). Đập phá, trục xuất, bắt bớ, xâm phạm vào nhân phẩm của người dân, đem lại khổ đau cho cộng đồng mà mình muốn phục vụ và đem lại khổ đau cho chính bản thân mình. Cái gốc của khổ đau xét cho cùng là ở cái thấy sai lạc. Vì cái thấy sai lạc ấy nên mới có những chính sách sai lầm có hại cho dân và cho nước.

Để vực dậy niềm tin và sức sống của cộng đồng Phật giáo, các vị chân tu phải tìm cách ngồi lại với nhau, nhất là các vị không còn giữ trách vụ trong tổ chức Phật giáo. Vì sợ hãi nghi ngờ cho nên người ta mới có chủ ý kiểm soát tổ chức Phật giáo. Mà cách thức kiểm soát lâu nay thường được sử dụng là đưa người của người ta vào để có thể giật dây. Một chức sắc Phật giáo mà có tỳ vết thì mới giật dây được. Nếu vị ấy liêm trực thì mình không thể giật dây. Đưa vào những người như thế trong tổ chức Phật giáo là làm hư tổ chức. Có những văn kiện của tổ chức đưa ra mà ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ đích thực của truyền thống Phật giáo. Ai cũng biết là các văn bản ấy đã được soạn thảo sẵn để viên chức Phật giáo ký tên. Như thế thì tổ chức Phật giáo làm sao thực sự đóng được vai trò lãnh đạo? Nếu một tổ chức tôn giáo mà bị kiểm soát đến mức tê liệt không dám lên tiếng để bảo vệ cho con em của chính mình thì tổ chức ấy không còn có đủ uy tín để lãnh đạo. Cho nên thầy nghĩ là các vị chân tu phải ngồi lại với nhau, phải lên tiếng để hướng dẫn cho tuổi trẻ Phật tử và chuyền năng lượng cần có cho tổ chức Phật giáo để tổ chức này có cơ duyên thức dậy và đi tới. Điều này cũng đúng với một tổ chức cách mạng. Các vị cách mạng lão thành liêm khiết phải ngồi lại với nhau và phải cùng lên tiếng. Lên tiếng để chỉ dẫn cho tuổi trẻ, để khơi dậy niềm tin nơi họ. Để giúp làm khơi dậy ngọn lửa thiêng của cách mạng đang thoi thóp trong tổ chức. Phải làm sao cho những người tới với tổ chức cách mạng là những người có lý tưởng, có bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, có khả năng buông bỏ quyền hành và danh vọng. Nếu không tổ chức sẽ chỉ quy tụ được những phần tử cơ hội chủ nghĩa, gia nhập vào tổ chức chỉ với mục đích là tìm cầu địa vị và quyền hành. Một tổ chức như thế không còn là một tổ chức cách mạng nữa, nhất là khi những bậc đàn anh trong tổ chức là những kẻ kẹt vào địa vị và quyền hành, sống một cuộc đời quá sung túc và xa hoa, có các bọc tiền khổng lồ chôn dấu tại các ngân hàng nước ngoài. Không có ngọn lửa cách mạng trong lòng, làm sao chúng ta gọi nhau là đồng chí mà không ngượng miệng?

Họ muốn tiêu diệt Bát Nhã nên mới đặt điều cho rằng các vị xuất gia ở Bát Nhã là những người làm chính trị, chống đối chế độ, chống đối giáo hội, và Bát Nhã phải được đối trị như một tổ chức phản động. Nước lã mà người ta muốn vã nên hồ. Trong lá thư của tập sự nữ T.M.T. có câu: muốn giết một con chó thì phải nói đó là một con chó điên. Đó là cái luật ngàn đời, chỉ có kẻ ngu mới không hiểu điều đó. Tại sao con lại đi theo cái dòng Bát Nhã đó? Đó là con đường đi vào cửa tử. Người ta đã muốn triệt tiêu thì nó sẽ bị triệt tiêu thôi, dù sớm muộn nó cũng bị triệt tiêu.

Nhưng các con của thầy chắc cũng đã thấy rằng trường hợp Bát Nhã đã trở thành một trường hợp đặc biệt. Nhờ cách hành xử của các con, nhờ những dòng nước mắt trong veo không hận thù không bạo động của các con mà thiên hạ biết rằng đây không phải là một con chó điên, một con chó dại, và người ta có thể sẽ không bao giờ giết được con chó Bát Nhã. Hàng xóm của chúng ta, trong nước và ngoài nước, đã thấy được rằng đây là một con chó khôn, ta cần bảo tồn tính mạng cho nó, bởi lẽ một con chó khôn thì có khả năng giữ được cửa được nhà. 

Các con nhớ thở thật nhẹ cho thầy và đi thiền hành thảnh thơi cho thầy. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng thực tập xử lý ngày hôm nay cho thật hết lòng. Chúng ta cần tập sống cho thật, tập nhìn tất cả với con mắt từ bi. Ngày hôm nay là chất liệu để làm nên ngày mai. Vì vậy ta phải sống cho đẹp ngày hôm nay. Thầy có niềm tin lớn nơi các con. Năng lượng lành của Tam Bảo đang che chở cho chúng ta. Các con hãy chuyên cần thực tập bài thi kệ Quay Về Nương Tựa. Không nên đi tìm một nơi nương tựa khác ngoài hải đảo tự thân. Đó là lời đức Thế Tôn căn dặn.

Về lại Mai Thôn, thầy sẽ có dịp viết tiếp cho các con.

Thầy của các con,

Nhất Hạnh
http://langmai.org/thu-vien/tinh-thay-tro/1261-khoi-day-ngon-lua-thieng.html

 



KHÔNG ĐÚNG 
Không Đúng – BBT Website Làng Mai 22-10-2009

Thứ năm, 22 Tháng 10 2009 02:28 Ban Biên Tập 
 
Ngày 28.09.2009, Cảnh sát công an bao vây chùa Phước Huệ, buộc thầy Thái Thuận đuổi các tu sinh Bát Nhã ra khỏi chùa ngay đêm ấy. Các đoàn công an từ các tỉnh khác đến chùa Phước Huệ gặp tu sinh và buộc tu sinh phải rời Phước Huệ để về nguyên quán. Quyết tâm giải thể các tu sinh theo pháp môn Làng Mai của chính quyền rất rõ. Ông Võ Ngọc Hiệp, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng nói: ‘Đây là việc tranh chấp nội bộ giữa phật tử Tu viện Bát Nhã và số người tu theo pháp môn Làng Mai. Chính quyền địa phương không can thiệp vào.’ Không đúng. 

Chúng tôi là Phật tử, giữ năm giới, không nói dối. Chúng tôi có hình ảnh, âm thanh, tài liệu, văn bản và nhân chứng để chứng thực những điều chúng tôi nói. 
BBT

1. Ngày 07.08.2008, Công An Xã Damb’ri ra lệnh (bằng văn thư có đóng dấu ký tên) các tu sinh theo pháp môn Làng Mai phải ra khỏi Bát Nhã trong vòng 24 giờ đồng hồ. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga ‘khẳng định hoàn toàn không có cái gọi là Việt Nam ép 400 người tu theo pháp môn Làng Mai phải rời khỏi tu viện Bát Nhã.Không đúng.

2. Từ tháng 7.2009, Chính quyền ra lệnh cắt điện nước của tu viện Bát Nhã. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Dũng nói điện bị cắt vì tu sinh theo pháp môn Làng Mai ở Bát Nhã không trả tiền điện. Không đúng.

3. Ngày 27.09.2009, Chính quyền Lâm Đồng có mặt tại tu viện Bát Nhã khi tu viện bị tấn công. Công an mặc thường phục đứng quay phim và chỉ huy cuộc tấn công. Các thầy các sư cô bị hành hung và xâm phạm đến nhân phẩm. Các thầy Pháp Hội và Pháp Sĩ, hai trong những vị lớn của tu sinh sau khi bị đánh đập, lôi kéo và quăng lên xe, mỗi vị được bốn nhân viên công an bắt chở đi. Thầy Pháp Tụ cũng bị quăng lên xe nhưng đã kịp nhảy xuống trốn thoát, hiện giờ không biết tin tức.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, phó trưởng ban Thường Trực Ban Tôn Giáo Chính Phủ nói: ‘Chính quyền địa phương đã tích cực hòa giải các mâu thuẫn.’ Không đúng.
Ông Nguyễn Thanh Xuân nói: ‘Tôi cũng khẳng định từ trước, trong và sau khi xảy ra xung đột, không hề có một người nào bị chính quyền bắt giữ.’ Không đúng.
Ông Nguyễn Thanh Xuân nói: ‘Không có ai bị thương, bị đánh đập.’ Không đúng.

4. Phát tin trên đài truyền hình Lâm Đồng, phát loa trong thị xã Bảo Lộc, tuyên truyền trong trường học tu sinh làm chính trị. Ông Trương Văn Thu, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói: ‘Chính quyền địa phương không can thiệp vào.’ Không đúng.

5. Ngày 29.6.2009, công an đứng nhìn khi bao nhiêu máy quay phim và chụp hình của đoàn cúng dường trường hạ từ Sàigòn lên bị đập nát. Ngày 27.9.2009 công an đứng nhìn và quay phim khi máy vi tính bị nhúng nước, máy quay phim bị đập nát, người bị đuổi đi không đem được gì ngoài vật dụng cá nhân.

Ông Thu nhấn mạnh: "bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của công dân." Không đúng.

6. Tu viện Bát Nhã tu học và tổ chức các khóa tu dưới sự bảo trợ của GHPGVN, ông Nguyễn Thanh Xuân tuyên bố là tu viện Bát Nhã tổ chức các khóa tu mà không xin phép. Không đúng.

7. Thượng tọa Đức Nghi bị áp lực của chính quyền và công an không bảo lãnh cho giáo thọ Làng Mai và tu sinh Bát Nhã tiếp tục ở lại Bát Nhã tu học. Chính quyền quyết tâm giải thể tu viện Bát Nhã bắt đầu từ trước Phật Đản 2008. Ông Hoàng văn Châm phó phòng nội vụ TX Bảo Lộc yêu cầu giáo thọ Làng Mai nói thầy Nhất Hạnh phải xin lỗi và rút lời đã đề nghị với chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao và Ban Tôn Giáo tuyên bố vấn đề Bát Nhã chỉ là vấn đề tranh chấp nội bộ giữa thầy Đức Nghi và các tu sinh. Không đúng.

8. Những việc bạo hành xảy ra tại Bát Nhã như ném phân, ‘phản ứng bằng gậy gộc, gạch đá’ (lời ông Nguyễn Thanh Xuân, phó TB thường trực phụ trách BTG chính phủ) vào thành viên ban trị sự Phật giáo tỉnh; đập phá cửa, quăng liệng kinh sách Pháp khí xuống đất bùn, mắng chửi, xúc phạm đến tăng sinh do những người nghèo khổ bị mua chuộc, thuê mướn hoặc lừa gạt mà chính quyền tuyên bố họ là Phật tử tu viện Bát Nhã. Không đúng.

9. Ngày 28.09.2009, Cảnh sát công an bao vây chùa Phước Huệ, buộc thầy Thái Thuận đuổi các tu sinh Bát Nhã ra khỏi chùa ngay đêm ấy. Các đoàn công an từ các tỉnh khác đến chùa Phước Huệ gặp tu sinh và buộc tu sinh phải rời Phước Huệ để về nguyên quán. Quyết tâm giải thể các tu sinh theo pháp môn Làng Mai của chính quyền rất rõ. Ông Võ Ngọc Hiệp, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng nói: ‘Đây là việc tranh chấp nội bộ giữa phật tử Tu viện Bát Nhã và số người tu theo pháp môn Làng Mai. Chính quyền địa phương không can thiệp vào.’ Không đúng.

Ông Hiệp nói: ‘ngày 06.10, Thượng tọa Thích Thái Thuận cho biết hoàn toàn không có chuyện gây rối, đe dọa những người tu theo pháp môn Làng Mai đang ở tại chùa Phước Huệ.’ Không đúng.

Bà Nguyễn Phương Nga cho hay ‘hoàn toàn không có việc gây rối, đe dọa những người này tại chùa Phước Huệ.’ Không đúng.

BBT Website Làng Mai
http://langmai.org/tin-tc/thong-tin-sinh-hot/1258-khong-dung.html

 



HÀ NỘI VÀ CÁC THẦY TU
XIN HÃY NGƯNG ĐÀN ÁP TU VIỆN PHẬT GIÁO

chuyển dịch từ: Hanoi and the Monks End the crackdown on a Buddhist monastery
10-29-2009
logo-wallstreetjournal

Một cuộc đàn áp quy mô nhắm vào một nhóm nam và nữ tu sinh Phật Giáo đang xảy ra ở Việt Nam. Mục tiêu nhằm giải tán nhóm tu sinh Bát Nhã, đệ tử của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, người đã từng bôn ba kêu gọi hòa binh cho Việt Nam từ những thập niên 60.

Sự phản đối ồn ào về sự kiện này ở trong nước cũng như ở hải ngoại đã khiến cho nhà cầm quyền Hà Nội khá nhức đầu. Thật ra nhà nước không cần phải hành xử như thế.

Ngày 27 tháng 9 năm 2009, một nhóm xã hội đen tới đánh bật 379 tu sinh nam và nữ ra khỏi tu viện của họ ở cao nguyên Trung Phần. Thể theo lời báo cáo của những người có mặt tại đấy: Cảnh sát Công an có mặt tại nơi xảy ra bạo động nhưng đã không đáp lại những lời kêu cấp cứu. Khoảng 130 nam tu sĩ bị tấn công bằng vũ lực và người ta gửi phụ nữ lực lưỡng đến khiêng và bóp vào chỗ kín của 4 thầy, họ lục tung và vất bỏ, đập tan tành máy móc và sách vỡ trong phòng của các thầy. Nhiều thầy đang ngồi thiền bị khiêng lên vất vào các chiếc taxi mà chánh quyền thuê để đưa họ về trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Xã. Nhờ tài xế thương tình, mở cửa để các thầy tự đi bộ 17 cây số về ngôi chùa ở thành phố gần nhất. Cùng ngày hơn 200 sư cô bị bao vây trong phòng của họ. Những côn đồ hăm dọa sẽ hãm hại nếu không rời tu viện nên các sư cô đành phải trốn thoát tu viện hừng sáng hôm sau.

Hằng trăm thầy tu, cả nam lẫn nữ tụ tập hôm sau tại ngôi chùa Phước Huệ tại thị xã Bảo Lộc dưới sự che chở của Thượng tọa Trụ trì Thích Thái Thuận. Nhưng Công an từ những tỉnh, huyện, làng xa, nơi gia đình tu sinh cư trú đến tận chùa này để ép buộc các tu sinh phải trở về lại nguyên quán, có khi bằng đe dọa, có khi bằng cách ép buộc cha mẹ và có khi tố cáo những điều không thật. Hai mươi bảy tu sinh đã bị buộc trở về nhà và Công an Cảnh sát vẫn còn lẫn quẫn quanh chùa dọa dẫm. 

Chánh quyền phủ nhận, nói rằng không hề chen vào một cuộc xô xác nội bộ của hai nhóm Phật tử nhưng những nguồn tin từ chính quyền từ cả năm trước từ Ban Tôn Giáo Chính Phủ cho biết rằng vì tăng sinh Bát Nhã đã tổ chức khóa tu không giấy phép và đã phát biểu những ý kiến “chính trị”. Tài liệu này cho biết là chính quyền tìm cách buộc những người gây rối (!) trở về quê của họ, đó là cách nhà nước đang làm bây giờ đây đối với tu sinh.

“Làm chính trị” là vì Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã phê bình về chính sách tôn giáo của Hà Nội. Cũng có thể vì chính quyền Hà Nội khá sợ ảnh hưởng quá lớn của Thiền Sư với trí thức và giới trẻ ở Việt Nam. Từ ngày thành lập tu viện năm 2005, Bát Nhã từ là một tu viện chỉ có vài người trong cái chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - được chính quyền yểm trợ, nay thành một tu viện có hằng trăm người trẻ đến tu tập vì ngưỡng mộ thiền sư Nhất Hạnh. Những người tu sinh trẻ này tuổi từ 15 đến 25, đến từ mọi thành phần trong xã hội Việt Nam. Tháng tháng có hằng trăm người đến tu tập với họ, cũng có khi lên tới hằng ngàn người trong những dịp đặc biệt hay những khóa tu tập.

Thiền sư Nhất Hạnh đã trở về nước sau hơn 39 năm bị lưu đày như là một dịp lớn để Việt Nam hướng dần về tự do tôn giáo và cho một xã hội ngày càng mở ra. Sự trở về này của Thiền Sư cũng đã giúp cho Việt Nam vượt thoát khỏi danh sách những nước được đặc biệt ưu tư về nhân quyền (Countries of Particular Concerns - CPC) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và cũng để cho Việt Nam được bước vào Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới (World Trade Organisation – WTO) năm 2007.

Sự kiện đàn áp này đã khiến cho người dân bình thường nhất cũng phản đối. Trong một nước mà lên tiếng chỉ trích chính quyền có nghĩa là đi tù... vậy mà hơn 400 nhà trí thức, khoa học gia, đảng viên đảng Cọng Sản và người dân thường trong số này có 200 người ở hải ngoại đã cùng đáp lời kêu gọi của nhà văn Hoàng Hưng thảo Thỉnh Nguyện Thư hôm 5 tháng 10 nói rằng sự đàn áp tu sinh ở Bát Nhã là một “sự kiện khẩn cấp đang đe dọa đất nước cả hai phía vừa bên trong và vừa đối ngoại". Thỉnh Nguyện Thư yêu cầu nhà nước nên điều tra gấp về vụ Bát Nhã hầu che chở an ninh cho những tu sinh trẻ này và tiến hành xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm pháp theo đúng pháp luật. Yêu cầu chính quyền Việt Nam phải có thái độ ngay về sự kiện này. 

Nhà nước có muốn giải tán nhóm tu sinh đang tu học hiền lành này, hay là nên gắng bước thêm một bước nữa để chở che cho quyền tự do tín ngưỡng như Công Ước Quốc Tế đòi hỏi về nhân quyền mà Việt Nam đã là thành viên ? Hiện tại Việt Nam đang là Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và sẽ là Chủ Tịch Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á Châu năm 2010. Thời gian thuận tiện nhất để cho thế giới thấy khả năng lãnh đạo của Việt Nam trên những vấn đề nhân quyền quan trọng như vấn đề này.

Các thầy các sư cô vẫn mong mõi được trở về Bát Nhã để tu tập. Nhưng nếu không được thì nhà nước qua Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ít nhất là nên xác định lại là quyền tự do tu tập theo pháp môn mà tu sinh lựa chọn là hợp pháp và chỉ định cho họ nên đến tu tập ở một nơi nào khác và cho họ giấy tờ được sinh hoạt hợp pháp ở nơi tu học mới. Những tu sinh trẻ không mong mõi gì hơn là được phục vụ cho đất nước và nhân loại bằng cách tự mình tu tập thật đẹp và thật lành để cho mọi người cùng đi về hướng con đường ấy.

Chúng tôi thỉnh cầu Chính Quyền Hà Nội nên hành động ngay để giữ an toàn cho các thầy các sư cô Bát Nhã đang ở chùa Phước Huệ và cho phép tất cả công dân Việt Nam được quyền tu tập theo pháp môn mà họ chọn, không nên cản ngăn. Hành sử được như thế ta có thể cho thế giới thấy là sự phát triển kinh tế có thể đi đôi với sự tăng trưởng nếp sống tâm linh. Điều này càng làm nổi bật thế đứng của Việt Nam trên thế giới và chứng tỏ rằng những sợ hãi và nghi ngờ của chính phủ là không căn cứ.
 
Tỳ kheo Thích Chân Pháp Dung, 
Trụ trì Tu viện Lộc Uyển ở Escondido California, 
đại diện cho những Trung tâm tu học của Thiền sư Nhất Hạnh tại Hoa Kỳ

 

OCTOBER 29, 2009, 1:21 P.M. ET Hanoi and the Monks 
End the crackdown on a Buddhist monastery

By THICH CHAN PHAP DUNG
logo-wallstreetjournal

A massive crackdown on a group of Buddhist monks and nuns is underway in Vietnam. The targets are members of the Bat Nha community, followers of Zen master and peace activist Thich Nhat Hanh. The public outcry over the event at home and abroad is turning the situation into a headache for Hanoi. But it doesn't need to be that way.

On Sept. 27, a mob violently evicted 379 monks and nuns from their monastery in the central highlands. Emergency calls for help to police were ignored, according to reports we have received from the monks and nuns and from witnesses at the scene. About 130 monks were attacked, four were sexually harassed, and monastery buildings were ransacked. Several dozen monks were abducted in vehicles; the remainder were force-marched in torrential rain more than 15 kilometers to the nearest town. More than 200 nuns, barricaded in their residence and threatened by the mob, fled the next morning.

Hundreds of monks and nuns regrouped the next day in the small Phuoc Hue temple in Bao Loc town under the shelter of the abbot, Thich Thai Thuan. But policemen from the villages of these monastics tried to disperse the community by forcing the monks and nuns to return to their homes through intimidation, threats and public denunciations. Twenty-seven monks and nuns were forced to return home and many policemen still roam the grounds.

The government denies any involvement and says this episode is only a dispute between two Buddhist factions, but a leaked government document dating from last year from the Committee of Religious Affairs notes that the Bat Nha community has organized activities without permission and expressed opinions on "political matters." The document suggests the government could eventually "force those who created problems to return to their hometown," which is what the government is trying to do now. The "political matters" could mean the Venerable Nhat Hanh's comments on Hanoi's religious policies; Hanoi also could fear his popular influence among the intellectuals and youth of Vietnam. Since its founding in 2005, Bat Nha has grown from a small community of only a few monks in the state-sanctioned Buddhist church into a monastery housing hundreds of Ven. Nhat Hanh's followers. The young monks and nuns, between the ages of 15 and 25, come from all sectors of Vietnamese society. Each month, hundreds and occasionally thousands of Vietnamese flock to Bat Nha for special events and meditation retreats.

Ven. Nhat Hanh's 2005 return from a 39-year exile was one of many important steps Vietnam took toward freedom of religion and a more open society. This helped to pave the way for Vietnam's removal from the U.S. State Department's list of Countries of Particular Concern for violations of religious freedom, and for Vietnam's accession to the World Trade Organization in 2007. The crackdown at Bat Nha calls into question those earlier achievements.

Meanwhile, the repression is inspiring ordinary Vietnamese citizens to protest. In a country where voicing criticism of the government can mean imprisonment, more than 400 intellectuals, scientists, Communist Party members and ordinary citizens, of whom 200 are inside Vietnam, signed an open letter drafted by writer Hoang Hung on Oct. 5, saying the events at Bat Nha and continued harassment of the monastics are an "urgent situation which threatens the country both domestically and internationally." They called on the government to take action to investigate the attack and ensure the well-being of these young monks and nuns. 

The government of Vietnam now must respond. Will it disband a peaceful Buddhist organization, or move to fully protect religious freedom as required by international covenants and treaties to which Vietnam is a party, such as the International Covenant on Civil and Political Rights, and as Vietnamese citizens demand? Vietnam is currently serving as president of the U.N. Security Council and chair of the Association of Southeast Asian Nations in 2010. There is no better time to show the world its leadership on these important issues of human rights.

The monks and nuns still wish to return home to Bat Nha monastery. If this is not possible, the government, through its established Buddhist church, could at least reaffirm the monks' and nuns' legal right to practice together as a religious community at another location. These young monks and nuns want nothing more than to serve their country and humanity and are fine examples of the true beauty and determined spirit of the Vietnamese people.

We call on Hanoi to act now to safeguard the Bat Nha monastics' well-being and provide legal rights for all Buddhists in Vietnam to worship without restrictions. Such actions can show that economic progress can go hand in hand with spiritual growth and can only increase Vietnam's standing in the world, and that Hanoi's fear and suspicion of these young monastics are unfounded.

Brother Dung is abbot of the Deer Park Monastery in Escondido, Calif., representing the practice centers of Thich Nhat Hanh in the U.S.

http://online.wsj.com/article/SB10001424052748703363704574502281457748264.html
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn