VẠN HẠNH, HOA VÀ NƯỚC MẮT
Thích Nữ Diệu Huệ Tại giảng đường học viện Vạn Hạnh, năm 2003, tiết học cuối ngày với giáo sư Lê Mạnh Thát, bốn mươi Tăng Ni sinh lớp “Hán văn Phật học nâng cao”_ chúng tôi đang chăm chú nghe Thầy Mạnh Thát giảng về môn “Văn bản học”; bỗng một âm thanh lạ vang lên khiến chúng tôi dồn sự chú ý vào đó: âm thanh của bước đi, nhưng bước đi không bình thường. Tiếng dép kéo lê sóng đôi, sóng ba, không khoan thai, không gấp rút…… Rồi ba dáng người hiện ra: Hai Thầy Thị giả đang dìu “Ôn” bước tới. Lúc ấy tôi nhớ ngay lời Thượng Tọa Tâm Hạnh đã nói với lớp chúng tôi trước đó mấy hôm, trong tiết học Luật “Trùng trị Tỳ-ni”: “Ôn” rất tâm đắc với chủ trương mở lớp “Hán văn Phật học nâng cao” để bồi dưỡng khả năng dịch thuật kinh điển Phật giáo, tiếp tục góp phần vào công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam”. Tôi nhìn theo dáng Ôn. Ôn bước đi khó khăn nhưng nét mặt rạng rỡ. Một sự xúc động mãnh liệt khiến nước mắt trào dâng. Tôi để mặc những giọt lệ nhỏ xuống bàn học, không dám đưa tay chùi vì sợ các bạn Tăng Ni thấy biết. Từ đó, mỗi khi có chút tịnh tài, tôi đem cúng dường Hòa Thượng. Phòng học của lớp tôi chỉ cách phòng Ôn cái cầu thang. Sau khi tốt nghiệp khóa học này, tôi có xuất bản được dịch phẩm “Hoa Vũ Hương Vân”, tôi đem dâng cúng Ôn một cuốn. Tuy đã nhiều lần sang vấn an, cúng dường nhưng chưa bao giờ tôi trực tiếp, mà chỉ qua hai Thầy Thị giả, chuyển đạt ý nguyện của tôi sau câu mở đầu: “Bạch Ôn, có Sư cô... lớp Hán văn Phật học nâng cao...”. Hôm cúng dường dịch phẩm đó, lần đầu tiên tôi nghe tiếng Ôn “Ừ!” rất to nhưng hòa nhã. Tôi quỳ ngoài cửa vẫn nghe rõ. Thế rồi Thượng Tọa Tâm Hạnh bị xe tông. Sư cô Lệ Tuyên nghe tin, báo cho tôi hay, chúng tôi cùng đến chùa Vĩnh Nghiêm thăm Thượng Tọa. Rồi sau đó mấy hôm, Sư cô Tuyên được Thượng Tọa báo tin “Ôn Minh Châu” nhập viện, nơi bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Khi chúng tôi đến Nguyễn Tri Phương, Thượng Tọa hướng dẫn chúng tôi đến phòng Hòa Thượng nằm chữa bệnh để thăm hỏi. Trước khi ra về, chúng tôi đều nhờ hai Thầy Thị giả báo cho chúng tôi biết nếu Ôn có “mệnh hệ gì”! Mấy tháng sau, không nghe tin tức Ôn, tôi lại đến học viện thăm. Nhưng phòng Ôn cửa đóng then cài, hành lang bụi bám, chỉ khẳng khiu mấy giò lan treo lủng lẳng. Ôi! Lẽ nào?... Một ý nghĩ chợt lóe lên khiến tôi nghẹn ngào! Nhưng không. Ngay lúc đó chú Thiện bảo vệ chỉ tay sang dãy nhà sau lưng Chánh điện, nói rằng Ôn đã được chuyển qua đó nằm cho thanh tịnh, ở đây gần lớp học ồn ào. Tôi đi như chạy sang phía đó. Một gian phòng rộng thênh thang, mát lạnh. Ôn nằm trong một phòng nhỏ có máy điều hòa nơi cuối dãy phòng này. Từ đây Ôn càng lặng lẽ. Các bữa ăn đã được chuyển bằng thức ăn lỏng chuyền vào thực quản bằng ống. Tôi hỏi quý Thầy Thị giả Ôn suốt ngày có nói gì không? Ôn thích dùng món gì?... Quý Thầy bảo Ôn chẳng nói gì, ngoại trừ buổi sáng dâng trà Bắc, Ôn dùng trà, quý Thầy hỏi Ôn có ngon không, Ôn đáp gọn: “Ngon!” Thế thôi! Ôn vẫn nằm đó hơn năm năm trời, rất gần nhưng cũng rất xa chúng ta. Và rồi, sau lễ Khánh tuế lần thứ 94 mà quý Pháp lữ của Ôn đã tổ chức cho Ôn ngày 20-10-2011, Ôn đã thật sự bỏ xa pháp lữ, môn đệ, học viện Vạn Hạnh, bỏ xa tất cả chúng ta để về cõi vĩnh hằng. Đối với Ôn đó là đặt gánh nặng xuống nhưng đối với chúng ta là cả một sự mất mát không gì bù cho được. Dẫu bên tai chúng ta vẫn âm vang lời di giáo của Đức Thế Tôn ngày trước, trong rừng Ta la song thọ: “Tỳ-Kheo các ngươi! Đừng ôm lòng bi não! Nếu ta trụ thế trọn một kiếp nữa, rồi ra cuộc họp nào cũng sẽ tan. Có hội ngộ mà chẳng có chia ly, trọn không thể được. Tự lợi, lợi tha, pháp đều đủ cả. Nếu ta trụ mãi cũng chẳng ích gì...” Lời Phật dạy thật là thâm thúy nhưng bạch Ôn thông cảm cho hàng hậu học chúng con: Bản chất phàm phu còn thì lệ tiếc thương vẫn còn. Học viện Vạn Hạnh còn đây thì ân đức Ôn vẫn bất diệt. Với những mẫu chuyện kể về Ôn của tác giả Cao Huy Thuần, giáo sư Trần Văn Khê, Chúc Phú trên tuần báo Giác Ngộ càng làm chúng con nghẹn ngào kính tiếc. Ôn quả là một vị Tỳ-Kheo giới đức băng thanh. Ôn là một học giả uyên thâm, uyên bác. Ôn là người lập ra viện Đại học Vạn Hạnh và đào tạo bao thế hệ Tăng Ni sinh tài đức cho Phật giáo Việt Nam. Ôn là một đại dịch giả Kinh tạng Nikaya... Giờ đây Ôn viên tịch. Cả một rừng hoa viếng lễ Ôn, cả một nguồn suối lệ tiếc thương Ôn. Tôi cũng có dâng một vòng hoa lan trắng với bốn câu Pháp cú viếng lễ tang Ôn: “Hương của các loài hoa Không bay ngược chiều gió Hương thơm người đức hạnh Ngược gió khắp bay xa”. Kính bạch giác linh Ôn! Trên trang giấy này, con xin ghi lại những câu thơ mộc mạc xuất phát từ đáy lòng. Con xin kính dâng Ôn như một lễ vật cuối cùng đưa tiễn giác linh Ôn về cõi Niết-bàn: “Xưa Thế Tôn tịch diệt Ta-la ngập lá sầu Đệ tử đều than khóc Mắt thế gian còn đâu! Ngày nay Ôn nhập diệt Vạn Hạnh tuôn lệ sầu Tăng Ni sinh ngơ ngác Gương giới đức tìm đâu”. |