TRƯỞNG LÃO HT. THÍCH MINH CHÂU
Tấm gương sáng về đạo pháp - dân tộc Thích Thanh Phong Sinh ra và lớn lên trong gia đình vọng tộc Nho gia, ngay từ nhỏ Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã có ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng và nền giáo dục tri thức tiến bộ. Năm 1940, Hòa thượng đỗ Tú tài toàn phần tại Trường Quốc học Huế và sau đó được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa Khâm sứ tỉnh Thừa Thiên. Học trường Tây, làm việc cho Tây và hàng ngày phải chứng kiến những cảnh bất công, vô nhân đạo của chế độ phong kiến thực dân do Pháp cai trị, Hòa thượng đã thể hiện rõ tư tưởng yêu nước, thương dân. Làm việc được đúng 1 năm thì Hòa thượng xin nghỉ và tham gia các phong trào Thanh niên Phật giáo lúc bấy giờ.
Chỉ chưa đầy 10 năm xuất gia và thọ giới, Hòa thượng đã là hành giả xuất sắc trong các hoạt động Phật pháp và sớm được xuất dương du học tại Ấn Độ và Sri Lanka. Quá trình học tập tại nước ngoài, Hòa thượng liên tiếp đỗ đạt các văn bằng như cử nhân Pali, Anh văn, thủ khoa cao học về Pali, Abhidhamma và là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Phật học, văn học Pali tại Ấn Độ. Năm 1957, biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức Ấn Độ, từ Trường Đại học Bihar, vượt hơn 400 cây số trong đêm, Hòa thượng đến thủ đô New Delhi để gặp Người. Từ cuộc gặp lịch sử đó đã tác động sâu sắc đến tư tưởng và tình cảm của Hòa thượng đối với Tổ quốc, dân tộc. Chính những tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ kiến thức thu thập được qua nghiên cứu về giáo lý Phật giáo, Hòa thượng đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa yêu nước vào các hoạt động Phật sự; làm cho triết lý và giáo lý Phật giáo gần gũi với dân tộc, gắn bó và phát huy được sức mạnh đoàn kết giữa các hệ phái Phật giáo trong những thời kỳ đấu tranh cách mạng cam go của đất nước ta trong các thập niên 60, 70. Tư tưởng và triết lý Phật giáo này đã trở thành nền tảng và định hướng phát triển Phật giáo ở Việt Nam trong nhiều thập niên. Trở về nước sau thời gian tu học ở nước ngoài, Hòa thượng sáng lập và phát triển nhiều cơ sở đào tạo Phật học trong nước, trong đó có Viện Đại học Vạn Hạnh - tiền thân của Học viện Phật giáo Việt Nam ngày nay. Khi đất nước được thống nhất, trước những khó khăn sau chiến tranh và âm mưu của các thế lực thù địch muốn chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết Phật giáo, Hòa thượng cùng với chư tôn Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thiện Châu, Hòa thượng Từ Hạnh, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Hiển Pháp thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo. Chính ban vận động này đã vận động cho sự thống nhất các hệ phái Phật giáo trong cả nước và tổ chức thành công Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, chính thức thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến hôm nay. Liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ đầu, Hòa thượng được cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX và X. Với những công đức và đóng góp to lớn cho Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội trong nhiều năm qua, Hòa thượng đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng nhì. Cuộc đời của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu được ghi nhận và tôn vinh với nhiều công đức đối với đạo pháp, dân tộc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là tấm gương sáng về trí đức, giáo dục tăng ni cho nhiều thế hệ. Tinh thần phục vụ đạo pháp và dân tộc suốt đời của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã để lại tình cảm đặc biệt trong lòng tăng ni, phật tử Việt Nam. Học đồ, Thượng tọa Thích Thanh Phong |