● Sau 50 Năm Nhìn Lại Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963 (Báo Cáo Tổng Kết Hội Thảo) (Pgs.ts. Nguyễn Công Lý)

12 Tháng Sáu 201300:00(Xem: 10026)

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM

NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013

PHẦN 4
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC, ĐẠO PHÁP
VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO
TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

SAU 50 NĂM NHÌN LẠI PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM 1963

(BÁO CÁO TỔNG KẾT HỘI THẢO)
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM

hoithao_nguyencongly-content
Kính thưa Quý vị Khách Quý!
Kính thưa Chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni!
Kính thưa Quý vị Giáo sư; Kính thưa các nhà khoa học!
Kính thưa toàn thể Hội thảo!

Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 là một dấu son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại. Phong trào này càng khẳng định thêm chân lý: Đã hơn 2.000 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, đất nước. Đó là một đạo Phật nhập thế giúp đời, hộ quốc an dân.

Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 50 năm phong trào đấu tranh Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” đã hân hạnh được đón tiếp Quý vị Khách quý:

- Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ;

- Đại diện Ban Dân vận - Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương;

- Chư tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh;

- Lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;

- Cùng toàn thể các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và các nhà khoa học đến từ nhiều trường Đại học, Viện Nghiên cứu ở nhiều vùng miền của Tổ quốc.

Xin được nhiệt liệt chào đón tất cả Quý vị.

Kính thưa Quý vị,

Hội thảo hôm nay đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát và nhiệt tình của Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban trị sự GHPGVN TP.HCM, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, sự ủng hộ và tạo điều kiện của lãnh đạo Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM, của lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, đặc biệt là sự tài trợ của gia đình Phật tử Giác Phước An và Giám đốc Khu Du lịch Phương Nam cùng Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam. Hội thảo khoa học được tổ chức hôm nay là nhờ sự giúp đỡ quý báu và nhiệt tình của Quý vị. Thay mặt Ban Tổ chức hội thảo, tôi xin chân thành cám ơn, ngàn lần cám ơn Quý vị và kính chúc Quý vị vạn sự kiết tường.

Kính thưa Quý vị,

Hội thảo khoa học lần này được tổ chức với 4 chủ đề:

- Một là, Từ phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đến phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963.

- Hai là, Bối cảnh lịch sử, nhân vật, sự kiện, văn học… trong phong trào đấu tranh của Phật giáo ở Miền Nam Việt Nam.

- Ba là, Ý nghĩa, vai trò và bài học lịch sử từ phong trào đấu tranh chống chế độ Sài Gòn của Phật giáo Miền Nam.

- Bốn là, Định hướng: Đồng hành cùng dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội của Phật giáo trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Sau khoảng năm tháng chuẩn bị và thông báo, đến nay Hội thảo đã nhận được hơn 50 bài viết của Quý vị đại biểu, các nhà khoa học ở khắp ba miền của đất nước. Ban Tổ chức và Ban Biên tập đã chọn 47 bài viết để in trong sách “Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam 1963” do Nhà xuất bản Phương Đông vừa mới ấn hành mà hiện giờ Quý vị đã có trong tay.

Ngoài 03 bài mang nội dung giới thiệu và tổng kết chung, thì có thể điểm lại những nội dung chính trong từng chủ đề như sau:

- Chủ đề 1, Ban Tổ chức nhận được 03 bài viết. Bài viết của HT. Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã bao quát một diện rộng bằng cách nêu lên hai ảnh hưởng lớn dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX; lý do và ý nghĩa của phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam 1963; đặc biệt là tiến trình thống nhất Phật giáo và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại hội nhập hiện nay. Bài viết của Thượng tọa Thích Huệ Thông, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương đã cung cấp cho người đọc những thông tin mới về những đóng góp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ XX. Từ khi không còn giữ chức Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định cụ Phó bảng đã vào Nam, địa chỉ đầu tiên ở Nam Kỳ mà cụ Phó bảng đã đặt chân đến là chùa Hội Khánh ở Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, rồi cuối cùng cụ đã dừng chân tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Những năm tháng ở Bình Dương và những năm cuối đời ở Cao Lãnh, cụ Phó bảng đã cùng với một số vị danh tăng nơi đây đã có những đóng góp không nhỏ trong phong trào chấn hưng Phật giáo bằng những việc làm cụ thể như dịch kinh và chú giải kinh điển bằng chữ quốc ngữ, v.v... TS. Nguyễn Tất Thắng qua bài viết của mình đã dẫn dắt người đọc về miền Trung để tìm hiểu tác động của phong trào chấn hưng Phật giáo tại nơi đây đối với cuộc vận động Phật giáo miền Nam 1963.

- Chủ đề 2, Ban Tổ chức nhận được 23 bài viết, đáng chú ý những bài viết của các nhà nghiên cứu: Nguyễn Hồng Dương, Bùi Kha, Trương Văn Chung, Nguyễn Đắc Xuân, Đào Ngọc Chương, Nguyễn Công Lý, Lê Giang, Hà Minh Hồng và Phạm Thị Ngọc Thu, Hoàng Chí Hiếu, Nguyễn Tri Ân, v.v...

Bài viết của PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã nêu lên những nguyên nhân dẫn đến phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam 1963. Ở chủ đề này có đến mấy bài viết khai thác phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam năm 1963 từ tư liệu của Mỹ, chẳng hạn, bài viết của PGS.TS. Trương Văn Chung đã nghiên cứu phong trào này từ hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Mỹ với những nhận định, đánh giá và có cả phản biện của người viết đối với các tư liệu ấy qua cái nhìn và phương pháp luận của triết học và tôn giáo học. Bài viết của PGS.TS. Đào Ngọc Chương thì đi sâu tìm hiểu phong trào Phật giáo 1963 từ góc nhìn của người Mỹ. Bài viết của TS. Bùi Kha - một nhà nghiên cứu lịch sử, một vị giáo sư cộng tác nhiều năm với Học viện Phật giáo và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - có nhan đề “Phật giáo 1963 và Bồ tát Quảng Đức, nhìn từ thế giới” đã khẳng định những sự thật lịch sử cụ thể về sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự nguyện thiêu thân cúng dường để bảo vệ chánh pháp qua nhiều tư liệu và cái nhìn của nước ngoài.

Một số bài viết đi sâu tìm hiểu hay tường thuật lại những sự kiện cụ thể, ở từng địa phương cụ thể. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết về chân dung và tâm nguyện của Thượng tọa Thích Tiêu Diêu qua bài “Ngọn lửa Thích Tiêu Diêu tỏa sáng giữa sân chùa Từ Đàm - Huế ngày 18-8-1963”. TS. Hoàng Chí Hiếu viết về phong trào này ở thị xã Quảng Trị. ThS. Dương Hoàng Lộc thì viết về hành trạng của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không trong mùa pháp nạn 1963 ở Huế và Sài Gòn. Trong khi đó, hai bài viết của nhà nghiên cứu Nhất Nguyên (tức Tịnh Minh, một bút danh quen thuộc với những công trình về Phật học) và Trí Bửu là những hồi ức về pháp nạn năm 1963 tại thành phố Nha Trang, bởi hồi ấy các vị là người trong cuộc, từng chứng kiến, dù bấy giờ chỉ ở độ tuổi 15 đến khoảng 20.

Bài viết của PGS.TS. Hà Minh Hồng và TS. Phạm Thị Ngọc Thu đã nêu lên một cách tiếp cận phong trào Phật giáo năm 1963 qua cái nhìn của người nghiên cứu lịch sử, đặt phong trào Phật giáo 1963 trong phong trào cách mạng dân tộc ở miền Nam lúc bấy giờ. Các tác giả cho rằng phong trào này không nhằm mục tiêu lật đổ chính quyền Diệm - Nhu nhưng chính quyền này bị lật đổ có nguyên cớ từ phong trào Phật giáo; Phong trào Phật giáo 1963 là một bộ phận của phong trào dân tộc nhưng không thể trở thành ngọn cờ chống đế quốc và chiến tranh thực dân mới và chế độ Diệm - Nhu thực chất cũng chỉ là sản phẩm của chính sách thực dân mới của Mỹ mà thôi. Bài viết của ThS. Phan Văn Cả đã công phu tìm hiểu chính sách của Mỹ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm trong cuộc khủng hoảng Phật giáo 1963. Bài viết của Lê Thị Dung thì khẳng định phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963 ở miền Nam chính là đợt sóng cuối cùng nhấn chìm chế độ Ngô Đình Diệm. Bài viết của Dương Văn Triêm ở Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp thì đặt ra câu hỏi phong trào Phật giáo 1963 có phải là nguyên nhân cái chết của anh em Diệm - Nhu? Nhà nghiên cứu Lê Chính Tâm và TS. Lê Thành Nam thì tìm hiểu tiếng nói của cộng đồng quốc tế về phong trào Phật giáo miền Nam 1963 như dư luận ở Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma, Sri Lanka, Mông Cổ, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Liên Xô… nói chung là phong trào đấu tranh của Phật giáo 1963 được cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ, đồng thời lên án chính quyền họ Ngô đã kỳ thị tôn giáo. Bài viết của Nguyễn Thị Thanh Huyền thì tìm hiểu vai trò của quần chúng nhân dân trong phong trào đấu tranh này của Phật giáo.

PGS.TS. Đoàn Lê Giang thì luận giải, phân tích và chứng minh một cách thuyết phục và thú vị về con đường thơ đến với “Lửa Từ bi” của Vũ Hoàng Chương với nhiều tư liệu gốc và mới mẻ, đặc biệt là bài viết đã đi sâu giới thiệu bài thơ “Lửa từ bi” của nhà thơ họ Vũ đã viết về Bồ-tát Quảng Đức, mà bài thơ này đúng 50 năm trước đã làm xúc động hàng triệu triệu độc giả trong và ngoài nước, ngay cả hôm nay chúng ta đọc lại vẫn còn cảm giác ấy. PGS.TS. Nguyễn Công Lý xuất phát từ văn bản “Lời nguyện tâm huyết” bằng chữ Nôm và bốn bài thi kệ “Thiêu thân cúng dường” của Hòa thượng Thích Quảng Đức để khẳng định tinh thần vô ngã vị tha, một trong những hạnh Bát nhã Ba-la-mật của bậc Bồ-tát, mà Ngài Quảng Đức chính là hiện thân của một vị Bồ-tát trong thời mạt pháp. GS.TS. Nguyễn Tri Ân vốn là pháp diệt của Ngài Quảng Đức đã căn cứ vào tư liệu gốc để đính chính lại những lầm lẫn về tên tuổi và vài vấn đề khác mà các sách báo trước đây đã ghi, đồng thời thông qua các tư liệu này, tái hiện lại cuộc đời và hạnh nguyện của Ngài lúc sinh thời qua bài viết “Bồ tát Quảng Đức: cuộc đời và hạnh nguyện nhìn qua các văn bản và khảo cứu”. Nhà nghiên cứu Tâm Diệu thì khẳng định người tưới tẩm xăng lên người Hòa thượng Thích Quảng Đức chính là Đại đức Thích Chơn Ngữ (thế danh Huỳnh Văn Hải) chứ không phải là dân biểu Nguyễn Công Hoan như trên mạng gần đây đã nêu, qua bài viết “Lịch sử Phật giáo Việt Nam ngày 11-6-1963 đã bị mạo hóa”. TT.TS. Thích Nhật Từ thì tụng ca hành động vị pháp thiêu thân của Ngài Quảng Đức qua bài viết “Ngọn lửa bất diệt của Bồ tát Quảng Đức”.

- Chủ đề 3 có 14 bài viết, đáng chú ý là những bài viết của các nhà nghiên cứu: Lê Cung, Cao Huy Thuần, Thích Đạt Đạo, Thích Giác Toàn, Trần Hồng Liên, Nguyễn Ngọc Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trần Thuận, Trần Nam Tiến…

PGS.TS. Lê Cung, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại, nhất là phong trào Phật giáo năm 1963, đã đến với Hội thảo với bài “Năm mươi năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam (1063-2013)”. Bài viết đã cung cấp cho người đọc một bức tranh tổng thể về phong trào này, đồng thời nêu lên ý nghĩa và bài học lịch sử rút ra từ phong trào. Bài viết khẳng định phong trào Phật giáo 1963 là yếu tố trực tiếp đưa đến sự cáo chung của chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm; Phong trào Phật giáo 1963 đã góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ họ Ngô, tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam phát triển, tạo tiền đề trực tiếp để thống nhất các hệ phái Phật giáo ở miền Nam. Từ đó bài viết rút ra ba ý nghĩa: Một là, phong trào Phật giáo đã quy tụ, tập hợp được mọi tổ chức và tầng lớp xã hội dù khác chính kiến, dân tộc vào cùng một khối đấu tranh chung; Hai là, lần đầu tiên trong lịch sử ý nghĩa thực tiễn của phương pháp bất bạo động đã được khẳng định; Ba là, phong trào Phật giáo 1963 đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam.

Riêng về phương pháp bất bạo động đã được GS.TS. Cao Huy Thuần - một nhà nghiên cứu lịch sử và Phật học nổi tiếng, một vị giáo sư cộng tác lâu năm với Viện Nghiên cứu Phật học và Học viện Phật giáo Việt Nam - đã trình bày rất tường minh và thuyết phục trong bài viết “Pháp nạn 1963: Nghĩ về bất bạo động”. Xuất phát từ tư tưởng triết lý bất bạo động của Thánh Gandhi trong phong trào đấu tranh giành độc lập chống lại thực dân Anh ở Ấn Độ, bài viết nghĩ về phương pháp đấu tranh bất bạo động của Phật giáo Việt Nam trong mùa Pháp nạn 1963. Theo tác giả, điều làm nên sức mạnh của phong trào đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động này là tinh thần kỷ luật tự nguyện và sự kiên nhẫn của tất cả mọi người. Nhờ kỷ luật mà phong trào đã vượt qua những hành động đàn áp đầy bạo lực và dã man của chính quyền họ Ngô. Đỉnh cao của phong trào đấu tranh bất bạo động là ngọn lửa của Ngài Quảng Đức mà Vũ Hoàng Chương gọi rất đúng là “Lửa từ bi”. Nếu so sánh với Gandhi, với Martin Luther King thì ngọn lửa từ bi cùng trái tim bất diệt của Ngài Quảng Đức là một báu vật của văn hóa Việt Nam cống hiến cho văn hóa thế giới, cho lịch sử đấu tranh bất bạo động của thế giới. Nếu Thánh Gandhi là tinh hoa của văn hoá Ấn Độ giáo thì Bồ-tát Quảng Đức là tinh hoa của văn hóa Phật giáo. Từ phong trào Phật giáo 1963 ở Việt Nam, bài viết còn dẫn dắt người đọc tìm hiểu một hình ảnh đấu tranh bất bạo động khác, đó là hình ảnh bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện (Myanmar) hiện nay. Trong một bài viết khác, ông đã đặt ra và trả lời hai câu hỏi: Phật giáo chống ai, chống gì? Và Phật giáo muốn gì? Để khẳng định đó là bản chất văn hoá của cuộc đấu tranh Phật giáo trong pháp nạn 1963.

HT. Thích Giác Toàn đã ngợi ca tán tụng hành động vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Quảng Đức qua bài viết “Sáng ngời đức vô úy”. Ngọn lửa của Bồ-tát Quảng Đức là ngọn lửa Vô úy, thể hiện sáng ngời tinh thần Vô úy của nhà Phật, mà hôm nay, mỗi chúng ta - những Tăng Ni, Phật tử cần noi gương để thắp sáng tinh thần Vô úy nơi bản thân mình trong sinh hoạt hàng ngày. HT. Thích Đạt Đạo qua bài viết của mình đã nêu những suy nghĩ về tinh thần dân tộc trong phong trào Phật giáo 1963, để qua đó khẳng định Phật giáo Việt Nam là một đạo Phật nhập thế giúp đời.

Bàn về vai trò nhập thế của Phật giáo Việt Nam, hội thảo sẽ được tiếp cận vấn đề này qua hai bài viết của PGS.TS. Trần Hồng Liên và của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Dung. PGS.TS. Trần Hồng Liên với bài “Từ phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963, nghĩ về tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam”, đã khẳng định tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam đã có từ lúc mới được truyền vào, phát triển đỉnh cao ở thời đại Lý – Trần, đặc biệt là Phật giáo Trúc Lâm đời Trần qua quan điểm tư tưởng “hòa quang đồng trần”, “cư trần lạc đạo”, “Phật tại tâm” cùng hành trạng các vị như Quốc sư Phù Vân, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ và nhất là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhờ tinh thần nhập thế của Phật giáo mà xã hội đời Trần đã được chuyển hóa từ gốc rễ. Truyền thống nhập thế đó tiếp tục phát triển ở phương Nam khi những lưu dân đến khai phá vùng đất này lập ấp dựng chùa rồi tiếp tục đến đầu thế kỷ XX và cho đến thời đại hôm nay. Bài viết “Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam 1963 - đỉnh cao của sự nhập thế” của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Dung cũng nói về nhập thế của Phật giáo nhưng ở một khía cạnh khác. Theo tác giả cần xem xét tinh thần nhập thế ở hai cấp độ: Cá nhân và xã hội. Nhập thế là truyền thống lâu đời của Phật giáo. Phật giáo Việt Nam cũng vậy, truyền thống này phát triển đỉnh cao ở thời Lý - Trần. Dù thời Lê - Nguyễn, Phật giáo không còn vai trò với triều đình như trước nhưng vẫn có những ảnh hưởng đáng kể trong tư tưởng của các vị nhà Nho. Riêng phong trào Phật giáo miền Nam 1963, với phương châm đạo pháp và dân tộc, phong trào này thực sự là một công cuộc nhập thế lớn lao của Tăng Ni, Phật tử. Đây là cuộc hiến sinh cao cả vì hòa bình, tình thương yêu giống nòi, xóa bỏ hận thù, thức tỉnh lương tâm kẻ phản dân hại nước. Phong trào đã lấy bất bạo động làm phương tiện đấu tranh, thể hiện rõ truyền thống của Phật giáo là tham gia chính sự chứ không tham gia chính quyền. Phong trào này còn góp phần khẳng định và bảo tồn văn hóa dân tộc, thể hiện tinh thần khai phóng và dung hợp của Phật giáo.

TS. Trần Thuận với bài viết “Sức mạnh truyền thống trong phong trào Phật giáo năm 1963” đã khẳng định sức mạnh của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam đó chính là tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo qua các thời đại lịch sử từ Lý – Trần đến Lê – Nguyễn, mà phong trào Phật giáo năm 1963 từ Huế lan ra các tỉnh thành khác ở miền Nam chính là biểu hiện sức mạnh truyền thống và tinh thần nhập thế tích cực ấy.

Bài viết “Nhìn lại phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963 – những giá trị và ý nghĩa lịch sử” của TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh bằng cái nhìn lịch sử để rút ra giá trị và ý nghĩa từ phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam 1963. Cụ thể: Một là, phong trào đã gây được tiếng vang trong dư luận, để từ đó, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ không những trong nước mà cả từ phía quốc tế. Hai là, phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam, dù với hình thức bất bạo động, dù phải đối diện với sự đàn áp của chính quyền Diệm nhưng tinh thần và khí thế của phong trào không những không thể bị dập tắt mà ngày càng lớn mạnh.

Ba là, phong trào góp phần quan trọng cả về tinh thần và chuẩn bị lực lượng tham gia cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hai bài viết của TS. Giác Chinh Trần Đức Liêm và của TT.TS. Thích Viên Trí cùng nêu lên bài học lịch sử từ sự kiện Phật đản năm 1963 và từ Ngọn lửa Quảng Đức.

Bài viết của TS. Trần Nam Tiến đã nhìn phong trào từ góc nhìn quan hệ lịch sử - ngoại giao để nêu lên những tác động của phong trào đấu tranh của Phật giáo đến quan hệ giữa Mỹ và chính quyền Diệm - Nhu. Theo tác giả, phong trào này đã có ảnh hưởng to lớn đối với các phong trào đấu tranh chính trị ở Việt Nam và gây tiếng vang rất lớn trên trường quốc tế lúc bấy giờ và đã nhận được sự ủng hộ lớn của dư luận quốc tế, trong đó có Mỹ. Chính áp lực lớn của dư luận trong nước đã khiến Chính phủ Mỹ phải xem xét lại quan hệ với chính quyền Ngô Đình Diệm và chính Mỹ đã bật đèn xanh cho lực lượng quân đội đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm và đẩy tình hình chính trị ở miền Nam vào tình trạng khủng hoảng một thời gian dài.

ThS. Huỳnh Thị Cận thì nêu lên “Mục tiêu công bằng xã hội nhìn từ cuộc vận động Phật giáo năm 1963” với ba kết luận sau: Một là, kết quả cuộc vận động vì mục tiêu công bằng xã hội của phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 không chỉ đơn thuần cứu nguy cho Phật giáo, trên thực tế nó đã góp phần hết sức quan trọng trong việc phá bỏ cái thảm họa “chín năm máu lửa” dưới chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm đã tròng lên đầu lên cổ một “nửa dân tộc Việt Nam”. Hai là, với cuộc vận động vì mục tiêu công bằng xã hội của Phật giáo Việt Nam 1963, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, phương pháp “bất bạo động” đã được giới lãnh đạo Phật giáo chọn làm phương pháp đấu tranh. Ba là, cuộc vận động vì mục tiêu công bằng xã hội của Phật giáo Việt Nam 1963 là một sự kiện lịch sử - văn hóa có tầm vóc lớn lao. Đối với chính bản thân Phật giáo Việt Nam, có thể nói rằng từ sau thời đại Lý - Trần đến nay, trong nhiệm vụ phục vụ Dân tộc và Đạo pháp, chưa có sự kiện nào có quy mô và có tiếng vang rộng lớn như phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963.

- Chủ đề 4 có 10 bài, đáng chú ý những bài viết sau:

Bài viết của GS.TS.NGND. Ngô Văn Lệ Cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam chống Mỹ - Diệm và xu hướng nhập thế trong bối cảnh hiện nay” đã trình bày vấn đề dưới góc nhìn nhân học văn hóa (văn hóa tộc người) nên đã kiến giải rất thuyết phục và nêu lên nhiều gợi mở thú vị về tinh thần nhập thế của Phật giáo trong thời đại hội nhập. Theo tác giả thì những thập kỷ 90 của thế kỷ XX và những thập kỷ đầu thế kỷ XXI trong bối cảnh toàn cầu hóa diện mạo tôn giáo thế giới có ba đặc điểm đáng lưu ý. Đó là sự xuất hiện các hiện tượng tôn giáo mới ở nhiều quốc gia thế giới, trào lưu thế tục hóa do quá trình công nghiệp hóa và xu hướng nhập thế. Xu hướng nhập thế làm cho hoạt động xã hội của các tôn giáo gần với đời sống của người dân (tín đồ tôn giáo), góp phần giải quyết an sinh xã hội và ổn định xã hội để có thể phát triển và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng có phải xu hướng nhập thế chỉ xuất hiện trong những thập kỷ gần đây, khi quá trình công nghiệp hoá và toàn cầu hoá như là một tất yêu lịch sử hay đã xuất hiện từ rất lâu cùng với quá trình phát triển của các tôn giáo? Bài viết đã dựa vào sự kiện cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm của Phật giáo miền Nam năm 1963 để khẳng định xu hướng nhập thế đã xuất hiện từ lâu trong suốt chiều dài hình thành và phát triển của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền thì nêu lên vấn đề tiếp biến Phật giáo trong văn hóa người Việt ở miền Tây Nam Bộ với những số liệu điều tra xã hội học cụ thể, từ đó khẳng định người Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tiếp thu và biến đổi Phật giáo như thế nào trong đời sống văn hoá của họ. Theo tác giả, Phật giáo với tư cách một tôn giáo lâu đời và quan trọng của người Việt, Phật giáo đã có mặt ở miền Tây Nam Bộ ngay từ những ngày đầu khi lưu dân từ miền Bắc và miền Trung vào khai phá vùng đất này. Trong những điều kiện tự nhiên và xã hội đặc thù, Phật giáo của người Việt miền Tây Nam Bộ có những nét riêng tương đối độc đáo, bên cạnh những đặc điểm chung của Phật giáo Việt Nam. Bài viết đã làm sáng tỏ một số đặc trưng tiêu biểu ấy trong xem xét Phật giáo ở đây, một mặt, như một hệ thống gồm các thành tố: Thần phả, giáo lý, nghi lễ, cơ sở tôn giáo, tổ chức tôn giáo; mặt khác, như một thành tố trong văn hóa tộc người và văn hóa vùng như một hệ thống. Trong đó, những tôn giáo mới có tính địa phương như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo... về mặt chính thống, những tôn giáo này không được xem là thuộc về Phật giáo. Tuy nhiên, bài viết vẫn xem xét chúng thuộc đối tượng nghiên cứu, ít nhất là qua đối chiếu so sánh để làm sáng tỏ đặc điểm văn hóa vùng của các giáo phái Phật giáo quen thuộc trên thế giới cũng như những hệ phái được giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức công nhận, hoạt động trên miền đất Tây Nam Bộ.

ThS. Võ Thanh Hùng với tư cách là chuyên viên Ban chỉ đạo miền Tây Nam Bộ với nhiều năm kinh nghiệm đã đến với Hội thảo một bài viết về “Vai trò của Phật giáo vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên lĩnh vực văn hóa – xã hội trong thời kỳ đổi mới hiện nay” với những số liệu và lý giải cụ thể, khá thú vị về vai trò của Phật giáo nhất là Phật giáo Nam tông Khơme đang rất thịnh hành ở vùng đất này.

TT.TS. Thích Phước Đạt thì nêu lên những “Đặc trưng của Phật giáo Việt Nam trong thời đại hội nhập”. Cụ thể đó là truyền thống bình đẳng và dân chủ; đề cao giá trị con người, hướng con người sống một cuộc sống hạnh phúc, xây dựng xã hội an bình, trong đó Tăng Ni và các tự viện có một vai trò rất lớn trong việc xây dựng cuộc sống an bình và hạnh phúc ấy. Chính những đặc trưng trên như là sức mạnh nội tại của Phật giáo Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay.

TS. Trần Thị Hoa đã trình bày “Mấy suy nghĩ về vai trò của Phật giáo đối với đất nước hiện nay”. Bài viết đã khẳng định tinh thần nhập thế tích cực, hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam đã có từ xưa, và hôm nay trong thời đại hội nhập, Phật giáo Việt Nam đã xây dựng và giáo dục đạo đức tốt đẹp cho con người, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giảm bớt tiêu cực và tệ nạn xã hội, hướng dẫn tín đồ tu tâm dưỡng tính, làm những việc thiện, tránh những việc ác, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thể hiện đức tính tốt đẹp của những người con Phật, nhất là giáo dục tầng lớp thanh thiếu niên, nhằm giúp con người tránh vô minh, chế ngự dục vọng, lòng tham lam để mang lại sự sáng suốt, an lạc, hạnh phúc và sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân, vì cộng đồng, góp phần ổn định xã hội.

NNC. Nguyễn Đắc Toàn ở Viện Văn hóa Nghệ thuật đã góp thêm tiếng nói cho Hội thảo về “Phật giáo với một số vấn đề văn hóa - xã hội”. Bài viết khẳng định Phật giáo là một tôn giáo xuất hiện sớm và đóng vai trò rất lớn trong văn hóa của người Việt. Những triết lý tư tưởng của Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của cuộc sống, không chỉ trong quan hệ giữa con người với con người mà còn với thiên nhiên, môi trường xung quanh. Điều thú vị là một trong những vấn đề thời sự hiện nay là mối liên hệ giữa Phật giáo với những vấn đề văn hóa - xã hội được dư luận quan tâm, bài viết đã làm rõ mối tương quan ấy, đó là mối quan hệ lao động trong sản xuất kinh doanh - đình công (của người sống), và vấn đề an táng (của người chết).

TS. Trần Hoàng Hảo và ThS. Dương Hoàng Lộc dưới góc độ xã hội học đã nêu lên thực trạng và đề ra giải pháp khi tìm hiểu về Phật giáo ở thành phố Hồ Chí Minh với việc cung cấp dịch vụ xã hội cho cộng đồng. Bốn giải pháp mà bài viết nêu ra là: Một là, chính quyền các cấp thành phố nên có chủ trương, chính sách và tạo điều kiện, vận động giới Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn tích cực tham gia vào các hoạt

động an sinh xã hội phục vụ cộng đồng, giúp đỡ bà con nghèo, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ miễn phí về y tế, giáo dục cho họ. Hai là, việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục của Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nên mở rộng đến nhiều địa bàn vùng ven, ngoại ngoại thành, khu vực đông dân cư nghèo,… để giúp họ có cơ hội ổn định và dần nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua vai trò của các tự viện, Tăng Ni tại địa phương. Ba là, giới Phật giáo thành phố nên mở rộng nhiều hình thức, cách thức cung cấp các dịch vụ xã hội cho cộng đồng dân cư, chú trọng đến các đối tượng công nhân, người nhập cư, sinh viên nghèo, người dân trong khu vực bị qui hoạch treo, người già lang thang, trẻ đường phố,… hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề. Bốn là, muốn thực hiện an sinh xã hội tốt cho cộng đồng, dịch vụ xã hội có chất lượng cao thì đội ngũ tham gia phải có kiến thức và kỹ năng liên quan đến công tác xã hội. Vì vậy, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nên có kế hoạch tổ chức hoặc tạo điều kiện cho Tăng Ni, Phật tử có tâm huyết phục vụ cộng đồng theo học các khóa học liên quan đến công tác xã hội.

Bài viết của ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng thì tìm hiểu “Xu hướng biến đổi của ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam hiện nay”. Bài viết đã trình bày lại những nội dung cơ bản của nhân sinh quan Phật giáo, từ đó nêu lên một số xu hướng biến đổi của ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo trong đời sống tinh thần của con người hiện nay, cụ thể là: Nhu cầu tín ngưỡng và thành phần tham gia sinh hoạt Phật giáo có nhiều thay đổi; Cách giải thích trong giới luật cần có một số điều chỉnh cho phù hợp với xã hội hiện đại; Sự tham gia của Phật giáo vào đời sống xã hội ngày càng thiết thực và đa dạng hơn. Vì thế Giáo hội và Nhà nước cần phát huy những giá trị của Phật giáo trong đời sống xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Kính thưa Quý vị,

Nhìn chung, một điều thú vị là tất cả những bài viết tham dự Hội thảo lần này đều có sự gặp gỡ chung, không có ý kiến trái chiều hoặc đối nghịch khi nhận định về phong trào Phật giáo ở miền Nam năm 1963, cũng như nêu lên vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử của phong trào này, dù khi đi sâu vào từng tiểu tiết, người đọc sẽ bắt gặp ở chỗ này chỗ khác trong các bài viết các tác giả đã có sự lý giải khác nhau khi nhìn nhận và đánh giá phong trào này. Điều đó đã góp phần làm cho nội dung của Hội thảo khoa học phong phú hơn, đa dạng hơn – một sự đa dạng trong thống nhất. Qua Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 50 năm phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam (1963-2013)” lần này chúng ta có dịp nhìn lại Phật giáo Việt Nam ở một thời điểm cụ thể của cao trào đấu tranh. Về mặt phương pháp luận, nếu biết đặt phong trào đấu tranh của Phật giáo trong bối cảnh của phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam chống chiến lược Chiến tranh đơn phương thời kỳ 1954-1960, cũng như chống chiến lược Chiến tranh đặc biệt từ năm 1961 trở đi thì mới thấy hết giá trị và ý nghĩa của phong trào. Chính phong trào Phật giáo năm 1963 ở miền Nam Việt Nam đã góp phần làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm suy yếu và bị lật đổ bởi cuộc đảo chánh ngày 01 tháng 11 năm 1963 do tướng Dương Văn Minh lãnh đạo. Chính quyền độc tài gia đình trị họ Ngô sau 9 năm cầm quyền đến đây đã cáo chung. Phật giáo Việt Nam thoát khỏi một cơn pháp nạn, tiếp tục truyền thống tinh thần nhập thế hành đạo cứu đời, tiếp tục hoà mình vào làn sống đấu tranh chung của dân tộc trong cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam Việt Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước bước vào một thời kỳ mới. Hội thảo khoa học lần này sẽ rút ra nhiều ý nghĩa và bài học bổ ích như ở phần trên có điểm qua để từ đó định hướng Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay của nước ta.

Kính thưa Quý vị Đại biểu,

Kinh thưa chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo,

Kính thưa các nhà khoa học,

Qua một ngày làm việc, có thể nói Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 50 năm phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam (1963-2013)” đã thành công tốt đẹp.

Ban chỉ đạo và Ban Tổ chức Hội thảo một lần nữa xin chân thành cám ơn Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Dân vận Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tỉnh uỷ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, lãnh đạo trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Quý Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni cùng các nhà khoa học đã tham dự Hội thảo khoa học. Đặc biệt xin nhiều lần cám ơn ông Giám đốc khu Du lịch Phương Nam và Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ đã tài trợ cho Hội thảo khoa học này.

Xin cám ơn tất cả và xin kính chúc Quý vị Thân tâm thường lạc, Kiết tường như ý.

Phật đản 2557, Rằm tháng 4 năm Quý Tỵ

Ngày 24 – 5 – 2013

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn