Thử Đối Chiếu Bốn Bản Dịch Bài Kệ "Hữu Cú Vô Cú" - Thích Thanh Thắng

11 Tháng Tám 201100:00(Xem: 8733)


THỬ ĐỐI CHIẾU BỐN BẢN DỊCH 

BÀI KỆ "HỮU CÚ VÔ CÚ"
Thích Thanh Thắng


Vừa qua, nhân dịp tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, tác giả Viên Như đã quan tâm đến bài kệ “Hữu cú vô cú” và dịch lại bài kệ này qua bài viết: “Bài “hữu cú vô cú” của Trần Nhân Tông giảng tại chùa Sùng Nghiêm”. 

Ngay sau bài viết này, tác giả Thích Minh Trí đã viết bài “Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như” nhằm phản biện và dịch lại một đoạn kệ mà tác giả không bằng lòng với cách dịch của tác giả Viên Như. Độc giả có thể theo dõi lại hai bài viết này trên Giacngo Online [mục Văn hóa] hay phattuvietnam.net [mục Văn học]. (hay thuvienhoasen.org)

Đọc xong hai bài viết, chúng tôi nhận thấy việc dịch thuật một tác phẩm chữ Hán liên quan đến Phật học Đại thừa quả thật không đơn giản để có một kết luận (chắc như đinh đóng cột). Vì thế công việc của chúng tôi là đi tìm những bản dịch khác phổ biến mà trước đó đã được nhiều nguồn dẫn lại như bản dịch của Viện Văn học (Thơ văn Lý Trần, Nxb Khoa học Xã hội, 1989), bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ (Thiền sư Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2004), bản dịch của Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, 1992), để đối chiếu với bản dịch mới nhất của Viên Như. 

Trong 4 bản dịch này, điều chúng tôi phân vân là bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ, vì khi đi tìm bản dịch này tại Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20 (1998), Thánh đăng lục giảng giải (1999) và Thiền sư Việt Nam (2004), chúng tôi thấy có những khác biệt, chẳng hạn trong Thánh đăng lục giảng giải, “Hữu cú vô cú” được dịch là “Câu có câu không” [và còn nhiều chỗ dịch khác nhau nữa], trong khi bản dịch năm 2004 thì giữ nguyên, không dịch. Vì lý do trên mà chúng tôi lấy bản dịch mới nhất năm 2004 để đối chiếu. 

Chúng tôi nghĩ tác giả Viên Như có lý khi đề cập đến các bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ để đưa ra lý do xác đáng là “không nhất quán”. Tuy nhiên, trong quá trình dịch và nghiên cứu Phật học, nhiều tác giả đã dịch lại cũng như bổ túc những thiếu sót, hay những kiến giải chưa thỏa trước đó. Đây cũng là điều đương nhiên thể hiện thái độ nghiêm túc trong học thuật. Việc dịch lại là đáng khuyến khích, tuy nhiên công việc tổng hợp tư liệu từ nhiều nguồn, đối chiếu, phân tích các bản dịch khác nhau cũng là việc nên làm để tránh thiếu sót. 

Để dễ dàng theo dõi, chúng tôi xin mạn phép đánh số trước mỗi đoạn.

Nguyên văn chữ Hán: 1. 有句無句, 藤枯樹倒, 幾箇衲僧, 撞頭磕腦。2. 有句無句, 體露金風 殑伽沙數, 犯刃傷鋒。3. 有句無句, 立宗立旨, 打瓦鑽龜, 登山涉水。4.有句無句, 非有非無, 刻舟求劍, 索驥按圖。5. 有句無句, 互不回互, 笠雪鞋華, 守株待兔。6. 有句無句, 自古自今
執指忘月, 平地陸沉。7. 有句無句, 如是如是, 八字打開, 全無巴鼻。8. 有句無句, 顧左顧右, 阿刺刺地, 鬧聒聒地。9. 有句無句, 忉忉怛怛, 截斷葛藤, 彼此快活。

Phiên âm: 1. Hữu cú vô cú, Đằng khô thụ đảo, Kỷ cá nạp tăng, Chàng đầu khái não. 2. Hữu cú vô cú, Thể lộ kim phong, Căng già sa số, Phạm nhận thương phong.
3. Hữu cú vô cú, Lập tông lập chỉ, Đả ngõa toàn quy, Đăng sơn thiệp thủy. 4. Hữu cú vô cú, Phi hữu phi vô, Khắc chu cầu kiếm, Sách ký án đồ. 5. Hữu cú vô cú, Hỗ bất hồi hỗ, Lạp tuyết hài hoa, Thủ chu đãi thố. 6. Hữu cú vô cú, Tự cổ tự kim, Chấp chỉ vong nguyệt, Bình địa lục trầm. 7. Hữu cú vô cú, Như thị như thị, Bát tự đả khai, Toàn vô ba tỵ. 8. Hữu cú vô cú, Cố tả cố hữu, A thích thích địa, Náo quát quát địa. 9. Hữu cú vô cú, Đao đao đát đát, Tiệt đoạn cát đằng, Bỉ thử khoái hoạt.

***


Dưới đây chúng tôi xin đưa ra 4 bản dịch bài kệ “Hữu cú vô cú” để độc giả tiện so sánh, đối chiếu. Đồng thời chúng tôi thử đi tìm một vài lý do chưa thống nhất trong cách dịch bài kệ này qua một số từ ngữ, khái niệm. Bản dịch nào có sự khác biệt cơ bản so với các bản dịch khác, chúng tôi sẽ in đậm hoặc nghiêng để tiện đối chiếu (xin được nhấn mạnh hơn ở chữ in đậm). 

A. Bản dịch của Viện văn học 

1. Câu hữu câu vô
Như cây đổ, dây leo héo khô
Mấy gã thầy tăng
Đập đầu mẻ trán.

2. Câu hữu câu vô
Như thân thể lộ ra trước gió thu
Vô số cát sông hằng
Phạm vào kiếm bị thương vì mũi nhọn.

3. Câu hữu câu vô
Lập tông phái ý chỉ
Cũng là dùi rùa, đập ngói
Trèo núi lội sông.

4. Câu hữu câu vô
Chẳng phải hữu chẳng phải vô
Khác nào anh chàng khắc mạn thuyền mò gươm
Treo tranh vẽ đi tìm ngựa ký.

5. Câu hữu câu vô
Tác động qua lại, chẳng tác động qua lại
Chóng tan như tuyết làm nón, như hoa làm hài
Uổng công ôm gốc cây đợi thỏ.

6. Câu hữu câu vô
Từ xưa đến nay
Chỉ “chấp” ngón tay mà quên vầng trăng
Thế là chết đuối trên đất bằng.

7. Câu hữu câu vô
Như thế như thế
Tám chữ mở ra rồi
Hoàn toàn không còn điều gì lớn nữa.

8. Câu hữu câu vô
Quay bên phải, ngoái bên trái
Thuyết lý ầm ĩ,
Ồn ào tranh cãi.

9. Câu hữu câu vô
Khiến người rầu rĩ
Cắt đứt mọi duyên quấn quýt như dây leo
Thì hữu và vô đều hoàn toàn thông suốt.
 

B. Bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ

1. Hữu cú vô cú Bìm khô cây ngã
Mấy kẻ nạp tăng 
U đầu sứt trán. 

2. Hữu cú vô cú 
Thể lộ gió thu 
Hằng hà sa số
Va dao chạm bén

3. Hữu cú vô cú 
Lập tông lập chỉ
Đập ngói dùi rùa 
Trèo non lội nước. 

4. Hữu cú vô cú 
Chẳng có chẳng không
Khắc thuyền mò kiếm
Tìm ngựa cứ hình (bản đồ). 

5. Hữu cú vô cú 
Hồi hỗ hay không 
Nón tuyết giày hoa 
Ôm cây đợi thỏ. 
 

6. Hữu cú vô cú 
Tự xưa tự nay
Chấp tay quên trăng 
Đất bằng chết chìm.

7. Hữu cú vô cú Như thế như thế
Chữ bát mở ra 
Sao không nắm mũi? 

8. Hữu cú vô cú 
Ngó tả ngó hữu 
Lau chau mồm mép 
Ồn ào náo động.

9. Hữu cú vô cú 
Đau đáu lo sợ
Cắt đứt sắn bìm
Đó đây vui thích.
 

C. Bản dịch của Nguyễn Lang

1. Có có không không
Giây khô cây ngã
Thầy tu áo vá
Đau não điên đầu.

2. Có có không không
Thể lộ gió thu
Hằng hà sa số
Gươm nhọn va nhằm
Đao bén chạm phải.

3. Có có không không
Lập tông lập chi 
Đập ngói, xoi rùa
Leo núi, lội sông. 

4. Có có không không 
Chẳng có chẳng không
Ghi dấu mạn thuyền
Sau này tìm kiếm Xách theo họa đồ 
Đi lùng ngựa đẹp. 

5. Có có không không
Hoặc có giữ gìn
Hoặc không giữ gìn 
Tuyết trên nón lá
Hoa trên hài nhung
Ôm cây đợi thỏ.

6. Có có không không
Từ xưa tới nay 
Chấp vào ngón tay
Quên mất mặt trăng
Đất bằng chìm xuống

7. Có có không không 
Như thế như thế 
Tám chữ tháo tung 
Không nơi bám víu.

8. Có có không không 
Nhìn trái nhìn phải
Tra tra xét xét
Phố chợ ồn ào.

9. Có có không không 
Lo lắng xót thương
Cắt đứt sắn bìm 
Bên đó bên đây
Thảy đều khoái hoạt.
 

D. Bản dịch của Viên Như

1. Chấp có chấp không,
Giây khô cây ngả
Thầy tu mấy gã
Mẻ trán sứt đầu.
 

2.Chấp có chấp không,
Thân sương gió sắt
Hằng hà sa số
Thương đâm dao khắc.

3. Chấp có chấp không,
Lập chỉ lập tông
Đập ngói đục rùa
Lên non lội nước.

4. Chấp có chấp không,
Chẳng có chẳng không
Khắc thuyền tìm kiếm
Tìm ngựa theo tranh.

5. Chấp có chấp không,
Lệ thuộc hay không
Nón tuyết hài hoa Ôm cây đợi thỏ.

6. Chấp có chấp không,
Xưa cũng như nay
Quên nguyệt nhìn tay
Đất bằng chết đuối.

7. Chấp có chấp không,
Như vậy như vậy
Mở miệng nói ra
Đều không khỏi mũi.
 

8. Chấp có chấp không,
Nhìn trái nhìn phải
Nói đi nói lại
Ngây ngô ồn ào

9. Chấp có chấp không,
Lo lo sợ sợ
Cắt hết giây giợ
Đó đây thích chí.
 

Khi so sánh cả bốn bản dịch, vì có người chủ về dịch tuân thủ bố cục của kệ, có người chủ về dịch nghĩa, nên ngoài những câu, chữ in nghiêng (không đậm) do cách dùng từ ngữ, cách dịch thoát, thì cả bốn bản dịch đều có nội dung khá thống nhất. Riêng ở đoạn 2 bản D có sự khác biệt là “Thân sương gió sắt”. 

Chúng tôi cho rằng “kim phong” là nói đến “gió vàng”, ý chỉ mùa thu. Từ này được dùng và giải thích rất nhiều trong thơ văn cổ. Trong Tao Đàn thi tập, ở bài thơ Vịnh cảnh mùa thu có viết: “Một nhạn hòa truyền lệnh Nhục Thu, Song thưa ngần ngật lọt hơi thu”. Theo sách Lễ ký, Nhục Thu là vị thần chủ giữ hành kim, trông coi việc mùa thu. Trong thơ chữ Nôm, từ “gió vàng” càng được sử dụng nhiều hơn nữa. Trong bài Trời thu trăng sáng có câu “Hây hẩy gió vàng thông ải nhạn” (Tao Đàn thi tập). Trong bài Cung oán ngâm khúc có câu: “Trải vách quế gió vàng hiu hắt”…

Như vậy cả bốn bản dịch trên đều có sự khác biệt căn bản nằm ở đoạn 7. Đây cũng là đoạn mà tác giả Thích Minh Trí đã phản biện với tác giả Viên Như và dịch lại như sau: “Có nói không nói, Cũng đều như thị, Cửa Thiền đã mở, Tuyệt không mặt mũi”, đồng thời nêu đại ý của bài kệ: “Dù tôi (Phật hoàng Trần Nhân Tông) có nói ra hay không nói ra thì các pháp cũng đều như thị. Nếu ai đã giác ngộ chân lý (Cửa Thiền đã mở) thì đều sẽ nhận chân được thực tướng của các pháp là vô ngã tướng (Tuyệt không mặt mũi)”.

Để hiểu thêm những điểm khác biệt của cả bốn bản dịch, cũng như đoạn dịch của tác giả Thích Minh Trí, chúng tôi xin nêu ra một vài điểm sau có liên quan đến nội dung của đoạn 7 này.

A.Với bản dịch của Viện văn học, chúng tôi xin nêu phần chú thích số 1:

“Đầu đề do chúng tôi thêm. Câu hữu câu vô (Hữu cú vô cú): hai câu diễn giải về mối quan hệ giữa hữu và vô. Nguyên văn: 有而非無, 無而非有 “Hữu nhi phi vô, vô nhi phi hữu”. Nghĩa là có mà chẳng phải là không; không mà chẳng phải là có. Cũng có thể tác giả xuất phát từ luận thuyết Tứ cú của sư Long Thọ. 四句 trong Trung Quán Luận 中觀論. Nguyên văn là: 有無, 非有非無, 亦有亦無, 非非有非非無 Hữu vô, phi hữu phi vô, diệc hữu diệc vô, phi phi hữu phi phi vô. Nghĩa là có, không; chẳng phải có, chẳng phải không; cũng là có, cũng là không; chẳng phải là chẳng phải có, chẳng phải là chẳng phải không.

Tứ cú này nhằm giảng về sự “phá chấp”, nghĩa là phá bỏ mọi định kiến để đi đến chân lý. Về chữ “bát tự”, chú thích này chỉ cho độc giả xem ở bài Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ của Trần Cảnh, đồng thời cũng đưa ra một gợi ý “Cũng có thể tám chữ ở đây là chỉ hai câu liền ngay phía trên: “Hữu cú vô cú, Như thị như thị”. Chú thích về “bát tự” ở bài Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ như sau: “Tám chữ (bát tự) có nhiều cách hiểu. Từ điển Phật học giảng bát tự là sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc… Bát nhã kinh trực giải giảng bát tự là: ma ha bát nhã ba la mật đa, phiên âm tiếng Phạn có nghĩa là trí tuệ rộng lớn, là đến được bờ bên kia… Tám chữ mở tung có nghĩa là đã giác ngộ; đã hiểu hoàn toàn”.

B. Với bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ, chúng tôi xin trích nhận xét trong Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20, vì trong Thiền sư Việt Nam (nêu trên) không thấy nhận xét và chú thích: 

“Qua bài kệ này chúng ta thấy Ngài phản đối cái chấp hai bên biểu trưng bằng Có và Không. Song cái chấp hai bên có vô số loại: có không, phải quấy, hơn thua, tốt xấu, thắng bại, hay dở, lành dữ v.v... Chính cái chấp hai bên là mầm tranh đấu, là nhân phiền não, kết quả khổ đau không thấy chân lý. Cho nên 9 đoạn trong bài kệ này, Ngài vừa quở trách, vừa chỉ dạy rất đầy đủ. Như đoạn một: “Mấy kẻ nạp tăng, u đầu sứt trán”, đoạn hai: “Hằng hà sa số, va đao chạm bén”, đoạn ba: “Đập ngói dùi rùa, trèo non lội nước”, đoạn bốn: “Khắc thuyền mò kiếm, tìm ngựa bản đồ”, đoạn năm: “Nón tuyết giày hoa, ôm cây đợi thỏ”, đoạn sáu: “Nhìn tay quên trăng, đất bằng chết chìm”, đoạn bảy: “Chữ bát mở ra, sao không nắm mũi”, đoạn tám: “Lau chau mồm mép, ồn ào náo động”, đoạn chín: “Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui thích”. 

Đoạn một và hai, Ngài quở người chấp hai bên là tự chuốc khổ vào mình. Đoạn ba và bốn, Ngài chê kẻ chấp hai bên là dại khờ, chỉ nhọc nhằn luống công. Đoạn năm và sáu, Ngài trách những phương tiện tạm bợ mà người vì cố chấp hai bên nên không thấy chân lý. Đoạn bảy và tám, Ngài chỉ thẳng chân lý ngay trước mắt như lỗ mũi nằm sẵn dưới chân mày mà người ta không nhận, cứ lý luận ồn ào vô ích. Đoạn chín, Ngài nói ai dứt chấp hai bên mới thật vui thích. Ngay đoạn chín này hẳn là chỗ Nhị tổ trình kiến giải bằng ba lễ mà không có một lời. Không kẹt hai bên là căn bản của Thiền tông, cũng chính là cốt tủy của Phật giáo. (Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20, Thích Thanh Từ, 1998, tr. 46-61).

C. Bản dịch của Nguyễn Lang (Thiền sư Nhất Hạnh), có một nhận xét ngắn sau: “Có lẽ tác phẩm hay nhất của Trúc Lâm là tám bài kệ về vấn đề có không” (Việt Nam Phật giáo sử luận, chương XII: Trần Nhân Tông và Thiền phái trúc Lâm).

D. Với bản dịch của tác giả Viên Như chúng tôi xin trích một phần nhận xét trong đoạn 7:
“Trong tinh thần dùng phương tiện để chỉ cứu cánh, muốn làm cho người ta hiểu đạo thì phải dùng lời nói. Vấn đề là hành giả phải biết rằng Đạo không phải là ngôn từ, “Ý tại ngôn ngoại” mở miệng nói ra, đều không khỏi mũi”. Dịch như thế có nghĩa là tôi hiểu hai câu này hoàn toàn khác với những người dịch bài này từ trước đến nay. 

Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch: “Chữ bát mở ra, sao không nắm mũi?” (TTGG, tr. 112)

Nguyễn Lang dịch: “Tám chữ tháo tung, không nơi bám víu” VNPGSL – C1 – T 361. 

Lê Mạnh Thát dịch: “Tám chữ mở toang, không còn mũi rẩy” (Trần Nhân Tông Con người và Tác phẩm ch II Bài giảng chùa Sùng Nghiêm) . 

Hòa Thượng Thích Phước Sơn dịch: “Tám chữ tháo tung, toàn không manh mối” (tam tổ thực lục VNCPHVN, 1995, tr. 29) 

Trong 4 cách dịch trên Nguyễn Lang có chú thích tám chữ là “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”.

Hòa Thượng Thích Thanh Từ thì viết rằng: “Bát tự là chữ bát nhưng có chỗ giải nghĩa bát tự là tám chữ, rồi dẫn Kinh Niết Bàn câu “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”. Đây là một lầm lẫn vì không hiểu được ý nhà thiền. Hai chân mày chúng ta nằm hai bên, ở giữa hở giống hình chữ bát của chữ Hán. Chữ bát mở ra là hai chân mày đã mở trống, liền đó chụp lấy lỗ mũi, tức là phương tiện đã bày ra rồi thì phải nhận ra chỗ cứu cánh”(TTGG, tr. 112). Hai dịch giả còn lại không giải thích gì”.

***

Như vậy, chúng ta đã phần nào hình dung được những khác nhau trong đoạn 7 này. Vấn đề là cách dịch và hiểu câu đầu tiên “Hữu cú vô cú” của mỗi đoạn:

- Bản dịch của Viện Văn học không có phần hỏi đáp, nhưng trong chú thích lại ghi: “Đầu đề do chúng tôi thêm. Nguyên văn: 有而非無, 無而非有 (Hữu nhi phi vô, vô nhi phi hữu). Tuy nhiên, “Hữu cú vô cú” mà dịch nghĩa là “Câu hữu, câu vô” thì gần như vẫn chưa dịch, và không rõ “nguyên văn”: “Hữu nhi phi vô, vô nhi phi hữu” được lấy ra ở đoạn nào, trong văn bản nào? 

- Hòa thượng Thích Thanh Từ không dịch mà giữ nguyên văn “Hữu cú vô cú” [“Câu có câu không – Thánh đăng lục giảng giải]. 

- Tác giả Nguyễn Lang dịch là “Có có không không”.

- Tác giả Viên Như dịch là “Chấp có chấp không”.

Như thế, chỉ có bản của Nguyễn Lang và Viên Như là dịch câu này. Nhưng cách hiểu của bốn bản dịch đều khá thống nhất, (xa gần) đều nhằm chỉ ra vấn đề “chấp” vào có và không. “Chấp” là nguyên nhân, và những điều chuốc lấy bởi “chấp” là kết quả mà một số đoạn đã nêu ra. Tác giả Viên Như đã dịch “Hữu cú vô cú” là “Chấp có chấp không”. Điều này mới trong hình thức văn bản, nhưng không mới về cách hiểu so với nhận xét của Hòa thượng Thích Thanh Từ ở trên.

Nếu khái niệm “Tứ cú” của Bồ tát Long Thọ là “1. Hữu vô, 2. phi hữu phi vô, 3. diệc hữu diệc vô, 4. phi phi hữu phi phi vô”, thì “cú” ở đây là phiếm chỉ, mỗi một cụm từ “hữu vô”, “phi hữu phi vô”… là một “cú”.

Nếu dịch như Nguyễn Lang thì gần với văn bản hơn vì “có có” có thể hiểu là “có”, “không không” có thể hiểu là “không” [vd: không không, sắc sắc (không sắc) bản đồng nhiên], tức chủ ý nói về “có” và “không”, khi đưa cách dịch này vào đoạn 7 thì dễ hiểu “Có có không không, như thị như thị” [Như thị: Trong Kinh Bát Nhã, Đức Phật nói: “Tu Bồ đề, với tất cả pháp, người phát tâm vô thượng chính đẳng, chính giác, nên biết bằng cái biết như thị, thấy bằng cái thấy như thị và tin hiểu như thị, đừng sinh tướng pháp…”]. 

Nếu dịch như tác giả Viên Như thì chủ ý nói về vấn đề “chấp” (có không), đưa vào các đoạn khác thì có phần hợp lý, nhưng khi đưa vào đoạn 7: “Chấp có chấp không, Như thị như thị” thì không ổn, vì “chấp” là đã qua “màu mè”, “trang sức” rồi. 

Nếu dịch như tác giả Thích Minh Trí là “có nói không nói” (dù tôi… có nói ra hay không nói ra…) phần nào có thể hiểu được trong đoạn 7, nhưng đặt câu dịch này vào các đoạn khác thì có phần thiếu thuyết phục. Vì “cú” ở đây được tác giả chuyển thành động từ “nói”, tức vấn đề “nói” trở thành chủ điểm, chứ không phải vấn đề có không, vì “có không” tôi có nói ra hay không nói ra cũng vậy thôi. Và nếu đặt vào đoạn 6: “Có nói không nói, Từ xưa tới nay, Chấp vào ngón tay…” (dù tôi có nói hay không nói ra… thì [các pháp, các ông], Từ xưa tới nay [cũng], Chấp vào ngón tay…), hay đoạn 9: “Có nói không nói, Đau đáu lo sợ…” (dù tôi có nói ra hay không nói ra… thì [cái gì, ai?] Đau đáu lo sợ…), quả thật rất khó hiểu.

***
Vấn đề khúc mắc nhiều nhất chính là khái niệm “bát tự” và những diễn giải chung quanh 2 câu cuối trong đoạn 7. 

Hòa thượng Thích Thanh Từ viết: “Chữ bát mở ra, Sao không nắm mũi?”, vì hiểu như sau: “Chữ bát mở ra là hai chân mày đã mở trống, liền đó chụp lấy lỗ mũi, tức là phương tiện đã bày ra rồi thì phải nhận ra chỗ cứu cánh”. Tác giả Viên Như thì hiểu: “Tôi dịch hai câu này là “Mở miệng nói ra, đều không khỏi mũi”.

Sở dĩ tôi dịch “Bát tự đả khai” là “Mở miệng nói ra” là vì tôi cho rằng chữ bát là hình môi trên, phàm khi nói thì phải mở môi, do đó trong văn học người ta thường dùng môi để biểu thị cho lời nói như: đầu môi chót lưỡi, chẳng hở môi, mật ngọt trên môi. Trước đó trong lần nói chuyện ở chùa? trả lời một vị Tăng ngài TNT cũng đã dùng chữ này. 
“Vị tăng hỏi thêm: “Cứu cánh thế nào?” ngài dạy “ bát tự đả khai phân phó liễu, Cánh dư vô sự khả trình quân”.

Ta dễ dàng hiểu rằng ngài nói “những gì đáng nói đã nói rồi, còn chi đâu nữa nói cùng ông”. (Trên thực tế hai lông mày của mọi người không giống chữ bát, trừ lộn ngược đầu). Còn câu “Toàn vô ba tỷ” tôi dịch là “Đều không khỏi mũi”, có nghĩa rằng muốn mở miệng nói thì không thể không lấy hơi từ mũi, hay nói khác hơn là đều không khỏi bị mũi chi phối”.

Hòa thượng Thích Thanh Từ hiểu “bát tự” là “chữ bát” [lông mày] chứ không phải “tám chữ” hay cách hiểu khác: “Chữ bát mở ra là hai chân mày đã mở trống, liền đó chụp lấy lỗ mũi, tức là phương tiện đã bày ra rồi thì phải nhận ra chỗ cứu cánh”, có nghĩa “hai chân mày” [chữ bát] là “phương tiện”, “lỗ mũi” là [cứu cánh]. Nhưng vì sao “chữ bát” là phương tiện, vì sao “lỗ mũi” là cứu cánh thì không thấy lý giải. Giả thử, “chữ bát” [khái niệm] là phương tiện, “lỗ mũi” [cũng khái niệm] là cứu cánh, vậy thì dùng một “khái niệm” để chụp lấy một “khái niệm” khác sao? Và chẳng lẽ trước vấn đề “có không” [đã trở nên “như thị”] mà chúng ta còn phải chụp bắt vào một “cứu cánh” nào sao? Và nếu với lời khuyên: “Chữ bát mở ra, Sao không nắm mũi?” thì rõ ràng vẫn còn một cái để “mở ra” và một điều phải “nắm” lấy [?]. Nếu đã còn cái để “nắm” lấy thì phải nói “như thị, như thị” làm gì? Và nếu đã còn cái để “nắm” lấy thì đã xa rời “chấp” đâu?

Tác giả Viên Như cũng có cách hiểu khái niệm “bát tự” là “chữ bát” [hình môi trên], “cái miệng” chứ không phải “tám chữ” hay cách hiểu khác. Và do đó, dù có lý giải dưới nghĩa nào thì cũng không xa với “còn chấp”, nghĩa là “có không” dù có “như thị, như thị” thì “cái miệng” [nói hay im] cũng vẫn “đều không khỏi mũi” (bị mũi chi phối). Vậy xem ra “bát tự” mà dịch là “chữ bát” rồi gắn với “lông mày”, “cái miệng” có vẻ không ổn, thậm chí dẫn đến những sự suy diễn quá xa, không cần thiết.

Trong bài Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ của Trần Cảnh (Trần Thái Tông) có câu: “Ngữ ngữ Thích Ca hoạt kế, cú cú Đạt Ma gia phong. Phóng chi tắc bát tự đả khai, bả chi tắc nhất môn tuyệt há” (Lời lời kế hay Đức Phật, câu câu gia phong Đạt Ma. Buông ra thì tám chữ mở tung, nắm lại thì một cửa khép kín” [chủ ý khuyên hướng đến “một đường”]. Nhưng Trần Thái Tông vẫn phân vân: “Giả sử người theo học ở các nơi đều theo con đường này để tham cứu ý thiền, nhưng thử hỏi các ngươi ý thiền là thế nào mà tham cứu? Như đã tham cứu rồi mà vẫn như đứa trẻ thơ ngây thì có khác chi đầu đặt thêm đầu, đuôi nối thêm đuôi; trong mắt thêm bụi, trên thịt thêm bướu…”. 

Trở lại với bài kệ “Hữu cú vô cú” mang tính “tổng kết” buổi giảng, ta thấy những lời vấn đáp, giải bày được các Tổ ghi lại trong Thánh đăng ngữ lục, có rất nhiều câu hỏi đòi hỏi người trả lời phải tinh thông Tam tạng kinh điển, đặc biệt với những câu hỏi liên quan đến vấn đề bản thể luận như “hữu vô”, “không sắc”, “Phật tính”… Như vậy, Trần Nhân Tông phải vận dụng trí tuệ một cách tổng hợp, trực tiếp, từ nhiều nguồn [không mang chủ đích “sáng tác văn học”, dù nội dung phần nào có giá trị văn học]. Cho nên, đọc phần hỏi đáp này, chúng ta thấy có ít nhiều điểm giống với phần “ngữ lục” của các thiền sư khác ở Việt Nam cũng như Trung Hoa, và đều với nội dung khá thống nhất khi tập trung vào những vấn đề bản thể luận, cũng như thường xuyên sử dụng lại các “khái niệm” của nhau.

Chúng ta lấy ví dụ khi được hỏi “Cứu cánh là thế nào?”, Trần Nhân Tông đáp: “Bát tự đả khai phân phó liễu. Cánh vô dư sự khả trình quân” (Khi thông tám chữ dặn dò xong rồi. Không còn việc gì phải trình với ông nữa). Và đến đoạn kệ thứ 7, Trần Nhân Tông nhắc lại một lần nữa về cụm từ “Bát tự đã khai”.

Tuy nhiên, chúng ta cần để ý câu mà Trần Nhân Tông trả lời trên được lấy ra từ một bài kệ của Trần Thánh Tông khi bàn về sinh tử. Nguyên văn như sau:
Sinh như trước sam,
Tử như thoát khố.
Tự cổ cập kim,
Cánh vô dị lộ
Bát tự đả khai phân phó liễu
Cánh vô dư sự khả trình quân.

Tương tự, trước khi Trần Nhân Tông nói bài kệ “Hữu cú vô cú” có người hỏi: “Xưa có vị tăng hỏi Triệu Châu “con chó có Phật tính không? Triệu Châu nói “không” là ý thế nào?”. Trần Nhân Tông nói: “Vị muối trong nước biển, Sắc keo giữa màu xanh” (Thủy trung diêm vị, Sắc lý giao thanh).

Nhưng câu trả lời này cũng có trong Thượng sĩ ngữ lục: [Lại hỏi: “Bồ đề và phiền não giống nhau khác nhau như thế nào?”. Sư đáp: “Vị muối trong nước biển, Sắc keo giữa màu xanh”].
Như vậy, qua khảo sát chúng ta thấy, với khái niệm “bát tự”, Trần Thái Tông đề cập đến trong tình huống “hướng thượng nhất lộ”, Trần Thánh Tông đề cập đến trong khi bàn về “sinh tử”, Trần Nhân Tông đề cập đến trong khi nói về “có không”.
Có những câu hỏi khác nhau, vấn đề trình bày khác nhau, nhưng các thiền sư có khi chỉ cần dùng một cách trả lời, nhưng ý nghĩa thì có thể giống nhau hoặc không giống nhau. Vì vậy, Trần Nhân Tông khi được hỏi “Dùng công án cũ để làm gì?” đã trả lời bằng luận điểm rất đáng chú ý: “Mỗi lần nhắc lại một lần mới”. Đây là lý do mà ta thấy khi trả lời, ông đã mượn nguyên văn những câu nói của người khác.

Chính vì điều này mà “bát tự” [bát tự đả khai] có thêm các cách hiểu khác. Trong văn cảnh bài thơ “Sinh tử” của Trần Thánh Tông, “bát tự” được xem là tám chữ “Sinh như trước sam. Tử như thoát khố” (Vần thơ sinh tử của Vô nhị Thượng nhân, Nhật Chiêu, Văn hóa Phật giáo, số 8, 2005, tr. 51). 

Bản dịch “Hữu cú vô cú” của Viện Văn học và Nguyễn Lang có nghĩa gần giống nhau. Điều quan trọng là những lý giải. Nguyễn Lang hiểu “bát tự” là “Sinh diệt diệt dĩ tịch diệt vi lạc”. Còn Viện văn học cho rằng “bát tự” có nhiều cách hiểu. Có thể hiểu là “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”, cũng có thể hiểu là “Ma ha bát nhã ba la mật đa”, thậm chí có thể hiểu là “Hữu cú vô cú, Như thị như thị” trong đoạn kệ đó.

Vậy thì “bát tự” (tám chữ) được cả Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông sử dụng đều có thể là tám chữ [cố định] như một số bản dịch đã nêu, hoặc không cần phải máy móc chỉ ra “tám chữ” [bằng các ký tự] cụ thể. 
Chúng ta không lấy giả thuyết từ “văn cảnh” như “Sinh như trước sam, tử như thoát khố” (Nhật Chiêu), “Hữu cú vô cú, như thị, như thị” (Viện văn học), bởi nếu áp dụng “văn cảnh” này vào đoạn trích của Trần Thái Tông: “Ngữ ngữ Thích Ca hoạt kế, cú cú Đạt Ma gia phong. Phóng chi tắc bát tự đả khai, bả chi tắc nhất môn tuyệt há” thì không biết phải lấy tám chữ nào làm “bát tự”.

Và với “bát tự”: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”, đưa vào tình huống bàn về sinh tử của Trần Thánh Tông thì hợp lý, nhưng đưa vào tình huống của Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông thì có vẻ khiên cưỡng.
Với ba dẫn chứng về người sử dụng “Bát tự đả khai” ở trên [Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông], do không có bất cứ sự chú nghĩa nào, khiến việc lý giải của chúng ta trở nên khó khăn. Nhưng rất may là chúng ta còn có thể tìm hiểu điều này từ nguồn Hán ngữ (Trung Quốc).

Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm google.com [ngôn ngữ tiếng Hoa – giản thể hay phồn thể], viết chữ “bát tự đả khai” [bằng chữ Hán], chúng ta sẽ thấy có rất nhiều chú giải và đối tượng sử dụng khác nhau. Chúng tôi xin lấy hai ví dụ [có thể bổ sung cho nhau] như sau:
- Theo Hán Điển (漢典) Zdic.net:
 [成语]:八字打开
[拼音]:bā zì dǎ kāi
[解释]:象“八”字那样,撇、捺向两边分开。原意是放着正路不走,却走歪门邪道。也形容门路很宽。
[出处]:宋•朱熹《与刘子澄书》:“圣贤已是八字打开了,但人自不领会,却向外狂走耳。”
- Theo Thành Ngữ Từ Điển (成語詞典) chengyu.teachercn.com:
八字打开: bā zì dǎ kāi
常用:常用成语,
年代:古代成语,
结构:偏正式成语,
词性:中性成语
灯谜面:双开门
解释:象“八”字那样,撇、捺向两边分开。原意是放着正路不走,却走歪门邪道。也形容门路很宽。
典故:宋•朱熹《与刘子澄书》:“圣贤已是八字打开了,但人自不领会,却向外狂走耳。”

Hán Điển và Thành ngữ Từ điển giải thích “Bát tự đả khai”: “Hình dáng của chữ “bát” theo nét viết, nhấn mạnh hướng ra hai bên. Nguyên ý là theo cái chấp trước mà không đi vào đường chính, lại đi vào cửa lệch đường tà. Cũng hình dung [chữ bát] như cái cửa đi vào con đường rộng lớn” (Tượng “bát” tự na dạng, phiết, nại hướng lưỡng biên phân khai. Nguyên ý thị phóng trước chính lộ bất tẩu, khước tẩu oai môn tà đạo. Dã hình dung môn lộ ngận khoan). 

Thông tin trên còn cho biết “Bát tự đả khai” là một thành ngữ cổ, có điển cố rõ ràng từ thời Chu Hy nhà Tống, trong “Dữ Lưu Tử Trừng Thư” có viết: “Bậc Thánh hiền đã khai mở con đường lớn, người bình thường không tự lĩnh hội được, mà sai lầm đi ra bên ngoài”.

Như vậy “bát tự” [chữ bát - phiếm chỉ] được người Trung Hoa tư duy theo lối chữ viết tượng hình cổ và được sử dụng như một thành ngữ [trung tính thành ngữ] theo ý nghĩa phổ biến như trên. “Bát tự đả khai” mà Trần Thái Tông sử dụng: “Ngữ ngữ Thích Ca hoạt kế, cú cú Đạt Ma gia phong. Phóng chi tắc bát tự đả khai, bả chi tắc nhất môn tuyệt há” (Lời lời kế hay Đức Phật, câu câu gia phong Đạt Ma. Buông ra thì tám chữ mở tung, nắm lại thì một cửa khép kín” (Viện Văn học), có thể nói rất gần với nghĩa này [“chữ bát” mở ra và khép (kín) lại]. Và với ý nghĩa này thì cách dịch “Bát tự đả khai” là “Cửa thiền đã mở” của tác giả Thích Minh Trí cũng có phần gần gũi. 

Xin lấy thêm ví dụ [nguyên văn chữ Hán] về chữ 八字打开 (Bát tự đả khai):
1.《古尊宿》卷48《德光》:“且如孔子道:‘二三子以我为隐乎?吾无隐乎尔。’此乃八字打开,自是时人不会。” 禅道明明白白地呈露在眼前,如果舍近求远,就不会闻到香气,从香悟入。晦堂将仲尼之“吾”,置换成自然之“吾”, 体现了一切现成的禅悟体验。禅僧颂云: 渠侬家住白云乡,南北东西路渺茫。几度欲归归未得,忽闻岩桂送幽香。
2.《圓悟佛果禪師語錄卷第二》:使諸人各各八字打开。直得霞絛展處。玉牒舒時。愁什麼眾生。如此則三玄三要八字打开。不敢被蓋囊藏。八字打开去也。拈拂子云。還委悉麼。

Điều chúng ta còn thắc mắc chính là câu cuối của đoạn 7: 全無巴鼻 (Toàn vô ba tỷ). Vì đoạn này mỗi tác giả dịch một khác. Chúng tôi tiếp tục vào công cụ tìm kiếm google [bằng Hán ngữ], và điều tương tự đã đến, có rất nhiều đối tượng khác nhau sử dụng cụm từ này ở những văn cảnh khác nhau.
- Theo Books.google.com:
《絳雲集》,《密庵咸傑禪師語錄卷下》: “今夜如此提持,全無巴鼻(巴鼻: 指來由,根據)”
 
“Ba tỷ: nhằm chỉ nguyên do, căn cứ” (Ba tỷ: chỉ lai do, căn cứ). Như vậy “Toàn vô ba tỷ” (全無巴鼻) có nghĩa là “Hết thảy không còn nguyên do, căn cứ”. Với nghĩa này, cách dịch của Nguyễn Lang [Không nơi bám víu], của Hòa thượng Thích Phước Sơn [Toàn không manh mối] và phần nào của Viện Văn học [Hoàn toàn không còn điều gì lớn nữa] gần nghĩa với chính văn.

Xin lấy thêm ví dụ: 
1. 少室峰前, 全無巴鼻 (大慧普覺禪師住徑山能仁禪院語錄卷第四).
2. 佛道祖風。全無巴鼻。(天岸昇禪師語錄卷第十).

Trên đây là những gì chúng tôi đã so sánh, đối chiếu về các bản dịch khác nhau, cũng như tham khảo tài liệu liên quan đến một số cụm từ [khái niệm] trong bài kệ “Hữu cú vô cú” của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhằm liên hệ tới một góc nhìn khác. Trong quá trình làm việc này, có điều gì còn chủ quan trong nhận định, hay sai sót, khiếm khuyết trong trích dẫn rất mong được quý vị có cùng quan tâm chỉ giáo.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 12/2008
Thích Thanh Thắng 
 (phattuvietnam.net)

Bài Viết Liên Hệ:

Nhân kỷ niệm ngày 700 năm ngày nhập Niết Bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Dịch lại bài “Hữu cú vô cú” của Ngài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, Viên Như
Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như, Thích Minh Trí
Thử đối chiếu bốn bản dịch bài kệ "Hữu cú vô cú", Thích Thanh Thắng
Trao đổi với tác giả bài viết “Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như", Viên Như
 
12-04-2008 04:23:24
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Mười 2010(Xem: 78705)
Sườn Tây của núi Yên Tử hùng vĩ, nằm trùm lên địa giới hành chính của hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Từ nguồn tin của lâm tặc, thợ săn người địa phương, một nhóm cán bộ có khả năng leo rừng như… khỉ của Bảo tàng Bắc Giang đã khám phá ra hệ thống chùa, am, tháp, mộ, tượng, bia đá và cây cổ thụ được trồng trong di tích… vô cùng quý giá trên dãy Yên Tử hùng vĩ và bí ẩn.