Quân Vương Anh Hùng Tu Thiền Không Thoát Tục - Thế Văn

08 Tháng Tám 201100:00(Xem: 8478)


QUÂN VƯƠNG ANH HÙNG
TU THIỀN KHÔNG THOÁT TỤC
Thế Văn

Trần Nhân Tông là thần tượng trong thời đại của Ông, là biểu tượng cao ngất toả hào quang mãi mãi của khí phách, tài trí và tâm hồn Đại Việt - Việt Nam ta. 

Một biểu tượng còn ánh hào quang...

Lên ngôi năm 21 tuổi (1278), làm vua 14 năm, mới 35 tuổi, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con trưởng Trần Thuyên (Anh Tông) để lui về làm Thượng hoàng, lên non cao Yên Tử tu Thiền 9 năm rồi viên tịch ở tuổi mới ngũ tuần (1308).

Chừng đó thời gian vẫn đủ để Nhân Tông Trần Khâm kịp cùng quân dân Đại Việt 6-7 triệu nhân khẩu hai lần cả phá tổng cộng ngót 1 triệu quân xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông, trở thành Anh hùng dân tộc; rồi sau lập ra Thiền phái Trúc Lâm riêng cho xứ sở, trở thành lãnh tụ tinh thần Phật giáo đương thời. 

Trần Nhân Tông là thần tượng trong thời đại của Ông, là biểu tượng cao ngất toả hào quang mãi mãi của khí phách, tài trí và tâm hồn Đại Việt - Việt Nam ta. 

Được Hoàng hậu Lý Thị sinh hạ vào 11/11 Giáp Ngọ 1258, trong hào quang Đại Việt vừa chiến thắng cuộc xâm lăng lần thứ nhất của quân Nguyên - Mông, hoàng tử Trần Khâm đựợc người đương thời khen là “có tinh anh của Thánh nhân”, nên “nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, được gọi là Kim tiên đồng tử”. 

Khi được vua cha Trần Thánh Tông nhường ngôi (1278), Ông đã được hưởng nền giáo dục đại học Nho học tinh hoa của Thăng Long và nền Phật học uyên thâm của Đại Việt đương thời, thông qua nhà Phật học lỗi lạc, là người bác anh thân mẫu Ông, Thiền sư Tuệ Trung. 

Ông lại có cơ duyên lớn hiếm có, là đựợc “đứng trên vai” thế hệ cự phách, văn võ kiêm toàn của hoàng tộc Trần và nhân tài Đại Việt, mà cao lớn, để rồi lừng lẫy. 

Trước mắt vị vua trẻ tuối, dưới thềm điện buổi đại lễ thiết triều, là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, bố vợ Vua, tuổi mới ngoài 50, nhà chiến lược chính trị và nhà cầm quân kiệt xuất, lừng lững một cây cột trụ triều đình và xã tắc. Cùng với đó là những bậc tài trí nghiêng ngửa đương thời: Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa…

Phía sau Ông, từ hành cung Tức Mặc phủ Thiên Trường (Nam Định), Thượng hoàng Thánh Tông nhường ngôi nhưng vẫn đầy quyền uy, dõi theo và đòi hỏi Ông nghiêm lệ, nước có biến thì lập tức lên kinh cùng con ứng biến. Vận khí nhà Trần đang thịnh. Thế nước đang lên. Lòng dân đang thuận. Thật diễm phúc cho bậc làm vua. 

Và Nhân Tông đã tỏ ra xứng đáng với xã tắc, triều thần và quân dân Đại Việt.

Trong số các vua Trần, Nhân Tông là người ba đào bậc nhất, vì thế có một đời sống phong phú trong gian lao, thân thì trải nhiều kiếp nạn hiểm nghèo, tâm thì trôi nổi nhiều cung bậc, cả bi thương, những lựa chọn đau đớn, lẫn hào sảng, hào hùng và vinh quang bậc nhất. 

Ông từng rưng rưng cảm khái trước những điều lớn lao, cao cả của tinh thần Đại Việt. Thiếu niên Trần Quốc Toản không được dự bàn trong Hội nghị tướng soái trên bến Bình Than, tức khí bóp nát trái cam trong tay mà không biết. Sau về chiêu tập gia binh, đề cờ “Phá cường tặc, báo Hoàng ân” (Phá giặc dữ, báo ơn vua), đánh đâu thắng đấy. 

Bô lão trăm họ do Thượng hoàng gọi đến, hội nhau trên thềm điện Diên Hồng, đồng thanh hô “Đánh!” vang rền như sấm. Quân sĩ thì thích bằng mực vào cánh tay hai chữ “Sát Thát”, thề quyết chiến đến cùng. 

Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng bị giặc bắt, dụ hàng trên bãi Mạn Trù (Hưng Yên), ngửa cổ cho chém mà dõng dạc “Ta thà làm ma nước Nam, không làm vua đất Bắc”!

Trái tim Ông cũng từng hai phen co thắt khi buộc phải lựa chọn phương sách lui binh vào Thiên Trường - Thanh Hoá, để bảo toàn lực lượng, đợi thời cơ phản công thủ thắng. Chiến trận bao giờ mà chẳng cần ở người chủ soái một ý chí lạnh lùng chất thép. 

Vua nén nỗi đau, hai lần bỏ lại kinh đô hoa lệ như là biểu tượng của danh dự và văn hiến của vương triều, cho giặc tràn vào cướp phá. Đến nỗi khi thắng trận trở về, cung điện đã tan hoang, vua phải ngự ở hành lang thị vệ mà ban bố ý chỉ thời hậu chiến. Bi phẫn nữa, là phải để cho giặc kéo đến phủ Long Hưng ( Hưng Hà, Thái Bình nay), khai quật cả mồ mả tổ tiên. Đến nỗi khi thắng giặc, trước khi về lại kinh đô, hai Vua lập tức đến bên lăng mộ, cúi đầu làm lễ cáo tạ tổ tiên, và dâng đồ báo tiệp.

Trước hoạ xâm lăng, Vua Nhân Tông chỉ quyết đánh, không màng đến lời hoà, cùng tướng soái bàn mưu tính kế, cắt đặt tướng sĩ, hối thúc hội quân tập trận. 

Hai lần kháng chiến gối tiếp nhau (1285, 1288), là hai lần Vua thân cầm quân xung trận ở mũi tiên phong. Ông từng phải lui binh chạy giăc khẩn cấp ngày đêm, sống chết gang tấc, ăn gió nằm sương. 

Có lần trên bến Bình Than, được tì tướng chỉ có thể dâng cơm gạo hẩm, Vua đã khen, phong cho chức tước. Hết dong thuyền, ruổi ngựa, lại đi bộ lội đồng, leo núi, Vua và Thượng hoàng mới về tới căn cứ Thiên Trường, ăn ở quân doanh lán trại gian lao như tướng sĩ…

Nhờ thế mà phản công đại phá quân giặc trên các bến Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp, trên bãi cọc Bạch Đằng… Những chiến công bất hủ của “hào khí Đông A” đã đưa tên đất, tên sông đi vào lịch sử. 

Chính là do nước quật khởi, quân dân bất khuất, vua anh hùng, nên võ công đời Trần Nhân Tông hiển hách bậc nhất trong lịch sử nước nhà, Vua mới được ngước lên trời xanh xứ sở để tâm hồn thi sĩ ngân lên lời thơ hào sảng:

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Giang san muôn thuở vững âu vàng”

Trần Nhân Tông, Anh hùng của chiến trận, cũng là vị Vua giàu tâm Phật, thương xót trăm họ và sinh linh, nhân hậu, khoan dung. Năm mất mùa đói kém, Ông ra lệnh tha thuế, cho mở kho phát chẩn. Xã tắc vừa bình yên, Ông lập tức xuống chiếu đại xá cho thiên hạ. 

Có vị quan dâng hòm sớ xin hàng giặc của những quan triều và người trong hoàng tộc, Vua lệnh đem đốt đi, thôi không hỏi đến, mà chỉ trị tội kẻ hèn ham phú quí đã quay dáo đánh lại quân nhà. Còn hàng vạn tù binh, Vua ra lệnh tha cho về nước. Lại mong về lâu về dài tránh hoạ binh đao, biên giới vừa khai thông, Vua đã sai sứ sang đất Bắc giữ tình hoà hảo…

Hẳn là hai phen xung sát, thây phơi đầy đồng, máu chảy ngầu sông, với vị Vua Phật đã là quá đủ. Ở tuổi 34, trên đỉnh vinh quang của một đấng quân vương, Nhân Tông đã nhường ngôi, lại không lui về hành cung Tức Mặc để giữ quyền uy và trông coi chính sự từ xa, mà để đến cửa Thiền. 

Nhưng, lạ là Ông không lánh xa thế sự, không chỉ tu tâm dưỡng tính mong ngộ ra lẽ Chân Như mà giải thoát cho cá nhân Ông. Vua lên Yên Tử (1299), lấy Pháp danh Trúc Lâm đại sĩ, người ta gọi là Điều Ngự, là để làm cho trót sứ mạng một ông vua với xã tắc và trăm họ, theo cách mà tâm Phật và tuệ nhãn Phật học ở Ông, dẫn dắt. 

Dấn thân, nhập thế

Ông bước trên đường Thiền như một cách dấn thân, nhập thế, bước vào thế giới của tư tưởng thời đại, mong làm tiếp công việc mà vua Thái Tông (Trần Cảnh) từng làm nhưng còn dang dở. Ấy là tìm ra triết lý để giữ nước và hưng thịnh dài lâu Đại Việt, giữa hai dòng tư tưởng Phật, Nho cùng đang thịnh hành thời ấy. 

Vậy nên Ông lập ra, trở thành Tổ đời thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm, truyền cho đông đảo học trò giáo lý và đạo pháp mang hơi thở của tinh thần dân tộc, “tuỳ duyên” (lẽ tự nhiên) mà cũng thuận theo tâm ý của chúng sinh. Sau thì trao pháp y cho Tổ đời thứ 2 là thiền sư Pháp Loa (sau đến Huyền Quang làm Tổ đời thứ 3). 

Với việc lập Thiền phái Trúc Lâm, Nhân Tông - Điều Ngự đã qui các Thiền phái về một dòng riêng của Đại Việt, đã tụ giới sư sãi nước ta vào một mối tu Phật và hành đạo - theo cách nói ngày nay là thống nhất Giáo hội Phật giáo Đại Việt lúc bấy giờ. 

Vị lãnh tụ Phật giáo ấy suy niệm mà viết ra năm cuốn sách Thiền để làm bài giảng. Ông lại khó nhọc vân du khắp các chùa trong nước, mở các lớp giảng Thiền, những mong lấy “thập thiện” (mười điều Phật răn về cái Thiện) làm nền tảng đạo đức trong đời sống trần tục của trăm họ.

Ông còn chu du vào mãi phía nam, gặp chúa Chăm Pa, không để đàm đạo về Thiền, mà để ngỏ lời hứa gả Công chúa Huyền Trân cho chúa Chế Mân, ngõ hầu kết tình hoà hiếu tránh nạn binh đao. 

Đường đời thì xa, đời người lại ngắn. Vào một ngày đông sương giá tháng 11năm Mậu Thân (1308), trong am Ngoạ Vân cô tịch, Vua Nhân Tông - đại sĩ Trúc Lâm Điều Ngự, viên tịch. 

Phút lâm chung, không có ngự y và quần thần, mà chỉ có hai tỳ kheo là Tử Doanh và Hoàn Trung ở bên Vua. Vua còn kịp dặn: "Hãy xuống núi lo tu hành, đừng coi sinh tử là nhàn!”. 

Thông điệp ẩn Thiền ấy, “dịch”ra ngôn ngữ thời @ của chúng ta nay, đại thể là: Đời người tấc gang như có như không, chớ sống hoài, sống phí! Như bậc quân vương Anh hùng Nhân Tông Trần Khâm, từng sống.
 

Thế Văn 
(tuanvietnam.net)
 
 

11-30-2008 07:29:24

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn