Nghĩ về vấn đề pháp hành của Phật giáo Việt Nam hiện tại

19 Tháng Bảy 201717:25(Xem: 6399)
Từ Châu-lợi-bàn-đặc, đến Lục tổ Huệ Năng
NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ PHÁP HÀNH
CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN TẠI
Chúc Phú


Thời Phật tại thế, Tôn giả A-nan được xem là người có khả năng ghi nhớ toàn bộ những lời dạy của Đức Phật. Thẩm quyền đặc thù đó là do phước nghiệp của bản thân cộng với kết quả của hai mươi lăm năm làm thị giả cho Đức Phật1.

Mặc dù vậy, mãi sau khi Đức Thế Tôn diệt độ và trước lúc cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất diễn ra, Tôn giả A-nan mới chứng Thánh quả A-la-hán.

Từ trường hợp của Tôn giả A-nan đã góp phần cho thấy, quảng học đa văn chưa hẳn là yếu tố quyết định sự chứng ngộ của một con người. Bởi lẽ ở thời Phật, đã có nhiều vị đệ tử, dù chỉ được nghe một câu kinh ngắn, nhưng biết nương đó hành trì thì vẫn có khả năng thể nhập Thánh đạo.

Căn cứ vào hiện trạng giáo dục của Phật giáo nói chung và mục tiêu học tập của Tăng Ni trẻ Việt Nam hiện nay nói riêng, thì việc nghiên cứu về hai trường hợp, từ Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cullapanthaka) và Lục tổ Huệ Năng, là những khơi gợi bước đầu, trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cân bằng giữa pháp học và pháp hành trong bối cảnh hiện tại.

Những tiền đề gợi mở từ kinh điển

Thời Phật, do điều kiện đặc thù nên có những vị Tỳ-kheo không thể tham dự tất cả các pháp hội do Đức Phật tuyên thuyết, có trường hợp, do khả năng chậm lụt không thể nhớ nhiều nên cầu thỉnh Đức Phật chỉ cho một vài pháp yếu để hành trì.

Tiêu biểu cho những trường hợp nêu trên, là câu chuyện của Tỳ-kheo người Vajji được ghi lại trong kinh Tăng chi(A.i,230), do vì không thể thuộc 150 học giới, nên được Đức Phật khuyến nghị chỉ cần học tóm tắt giới, định, tuệ thì cũng đủ điều kiện để đoạn tận tham, sân, si. Kinh ghi:

1. Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vesāli, tại Đại Lâm, chỗ giảng đường có góc nhọn. Rồi một Tỳ-kheo người Vajji đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỳ-kheo người Vajji bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, hơn 150 học pháp này, nửa tháng một lần con phải tụng đọc, ở đây, con không có thể học nổi.

- Này Tỳ-kheo, Thầy có thể học ba học pháp không, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học?

- Bạch Thế Tôn, con có thể học ba học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học.

2. - Do vậy, này Tỳ-kheo, Thầy hãy học tập ba học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Nếu Thầy học tập tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Này Tỳ-kheo, nhờ học tập ba học pháp này, tham sẽ đoạn tận, sân sẽ đoạn tận, si sẽ đoạn tận2.

Trường hợp tương tự cũng diễn ra đối với Tỳ-kheo Uttiya, kinh Tạp-A-hàm ở Hán tạng gọi là Uất-đê-ca (欝低迦)3. Theo tự thuật của ngài Uttiya trong Trưởng lão Tăng kệ (Thera.5), sau khi xuất gia, ngài sống buông lung nên mãi không đắc được Thánh quảThấy các Tỳ-kheo khác nói lên chánh trí của mình, ngài xin Thế Tôn một bài học tóm tắt. Đức Phật trả lời ngài phải làm cho thanh tịnh nếp sống căn bảnĐức Phật dạy ngài về nếp sống căn bản một cách tóm tắt, Ittiya học tập bài học này, phát triển thiền quán, nhưng rồi bị bệnh. Trong sự cố gắng tối hậu, ngài chứng được quả A-la-hán4. Kinh Tương ưng (S.v,166) đã ghi lại  nội dung cuộc hội kiến giữa Tôn giảĐức Phật. Kinh ghi:

1) Nhân duyên ở Sāvatthi.

2) Rồi Tôn giả Ittiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến... Ngồi một bên, Tôn giả Ittiya bạch Thế Tôn:

- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

- Như vậy, này Ittiya, hãy làm cho thanh tịnh các pháp căn bản trong các thiện pháp. Thế nào là các pháp căn bản trong các thiện pháp? - Giới khéo thanh tịnhtri kiến chánh trực.

3) Và này Ittiya, khi nào ông có giới khéo thanh tịnh, và tri kiến chánh trực; rồi này Ittiya, y cứ vào giới, an trú vào giới, ông hãy tu tập bốn niệm xứ5.

Có thể nói, trong bối cảnh giới hạn về tri thức của bản thân, cộng với sự bức ngặt về thời gian để sống cũng như để tu tập, nhưng do biết lựa chọn phù hợptích cực thực hành pháp yếu, nên đã có nhiều vị Tỳ-kheo chứng Thánh quả trong thời gian rất ngắn. Có những trường hợp được nghe kinh buổi sáng thì có thể chứng ngộ vào buổi chiều6.

Đây là những sự thật có cơ sở từ kinh điển và biểu hiện sinh động cho sự thật này, là câu chuyện của ngài Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka) cũng như của Lục tổ Huệ Năng.

Vài nét về Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūlapanthaka)

Theo kinh Tăng chi (A.i,24), kinh Phật tự thuyết (Ud.5), Chú giảng kinh Pháp cúTrưởng lão Tăng kệTruyện tiền thân (Jataka No. 4)... thì lược truyện về Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka) được kể như sau.

Ở thành Vương-xá (Rājagaha), có một tiểu thư con nhà danh giá đã phải lòng với người giúp việc (Dāsen), nên cả hai phải trốn nhà ra đi do sự khắc nghiệt của chế độ tập cấp (Varna). Đôi vợ chồng trẻ này sinh hạ được hai người con, người con cả tên là Mahāpanthaka và người con út chính là Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka).

Vượt qua định kiến của xã hội lúc bấy giờ, ông bà ngoại đã mở rộng vòng tay đón hai cháu về nuôi dưỡng. Do vì ông bà ngoại thường đi lễ Phật nghe pháptinh xá Vườn Xoài của ngự y Jīvaka (Jīvakambavane) nên thường dẫn người anh lớn đã trưởng thànhTôn giả Mahāpanthaka đi theo. Cảm mến đời sống xuất gia nên Mahāpanthaka xin phép ông bà ngoại và cầu thỉnh Đức Phật đáp ứng sở nguyện. Sau đó, Mahāpanthaka được chính thức xuất gia và do siêng năng tu tập, ngài thành tựu quả vị A-la-hán.

Từ kinh nghiệm bản thân, Tôn giả Mahāpanthaka nghĩ rằng sẽ tốt hơn cho em mình nếu được an trú trong đời sống giải thoát, nên đã khuyến hóa em đầu Phật xuất gia.

Khác với anh mình, căn tánh của ngài Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka) rất mê mờ, ám độn, học trước quên sau. Bởi lẽ, trong bốn tháng làm Sa-di tập sự, Tôn giả không thể nào thuộc được bài kệ ngắn, như sự ghi nhận trong truyện Tiền thân (Jataka.4):

Như bông sen thơm dịu,
Vào rạng đông buổi sáng,
Hoa được nở toàn diện
Với mùi hương bát ngát.
Nhìn Đức Phật chói sáng
Với hào quang chiếu diện,
Như mặt trời rực sáng
Trên bầu trời quang đãng7.

Sau nhiều trợ duyên cần thiết nhưng không thành công, Tôn giả Mahāpanthaka nghĩ rằng, sẽ tốt hơn cho em mình khi quay trở về đời sống thế tục, nên đã thẳng thắn đề nghị:

- Này Panthaka, em không có khả năng trong giáo pháp này. Bốn tháng trôi qua, em không thể học thuộc lòng một câu kệ, làm sao em có thể đạt được sự nghiệp tối thượng của người xuất gia? Hãy đi ra khỏi tinh xá8.

Thực lòng, Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka) rất muốn sống đời sống xuất gia, nên nước mắt lưng tròng khi nghe lời anh giã từ tinh xá. Biết chuyện, Đức Phật đã cho gọi Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka) đến trước hương phòng, đưa cho Tôn giả một mảnh vải trắng sạch với lời dạy:

- Này Cullapanthaka, hãy hướng mặt về phía Đông, dùng miếng vải này lau qua lau lại và nói: Đồ vật lau bụi, đồ vật lau bụi9(Cullapanthaka puratthābhimukho hutvā imaṃpilotikaṃrajoharaṇaṃrajoharaṇa ti)10.

Từ một miếng vải trắng sạch, nhưng sau khi sử dụng nhiều lần đã trở nên dơ bẩn. Thực tại này đã giúp Tôn giả hình thành nên suy nghĩVừa rồi, tấm vải này rất là sạch sẽ. Nhưng này vì bản thân ta, nó đã bỏ nguyên trạng của nó, và trở thành dơ bẩn. Thật sự các hành là vô thường”. Ngay khi Cullapanthaka thông hiểu tính đoạn diệt, thiền quán được tăng trưởng11. Lúc ấy, Đức Thế Tôn đã khéo léo dẫn dắt Tôn giả, từ nhận thức về sự dơ bẩn của mảnh vải đến chân lý của thực tại là: tham, sân và si mới là bụi bẩn, cần phải loại trừ, được Ngài khái quát qua ba vần kệ. Cuối bài kệ, Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka) liền chứng Thánh quả A-la-hán.

Có thể nói, với Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka), xuất thân trong gia cảnh trái ngang, cùng với túc nghiệp oan khiên nên căn trí chậm lụt12,  mặc dù vậy Tôn giả đã ngộ đạo trong một bối cảnh đặc thù. Do đó, trong kinh Tăng-chi, Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka) đã được Đức Phật tán thán:

Này các Tỳ-kheo, trong những vị đệ tử Tỳ-kheo của ta có tài về chuyển dịch tâm, tối thắng là Cūllapanthaka.  (Etadaggaṃ, bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ cetovivaṭṭakusalānaṃ yadidaṃ cūḷapanthako)13.

Từ trường hợp của Tôn   giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka), đã khẳng định khả tính giác ngộ luôn tiềm ẩn bên trong mỗi người, và đồng thời cho thấy tính ưu thắng từ pháp hành mà Đức Phật đã tùy cơ chỉ dạy. Hơn mười thế kỷ sau, một trường hợp tương tự như Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc (Cūllapanthaka) được phát hiện, đó là câu chuyện của Lục tổ Huệ Năng (638-713).

Vài nét về Lục tổ Huệ Năng

Căn cứ vào Lục tổ đàn kinhTống cao tăng truyệnquyển 8, Phật Tổ thống kỷ, quyển 29, quyển 41, Thích thị kê cổ lược, quyển 3, Tào khê Đại sư biệt truyện, truyền pháp chánh tông ký, quyển 6, thì lược sử của Lục tổ Huệ Năng như sau.

Thân phụ của ngài Huệ Năng nguyên quán ở Phạm Dương, sau dời qua Lãnh Nam sinh sống. Ngài sinh vào thời vua Đường Thái Tông (599-649), niên hiệu Trinh Quán năm thứ 12 (638)14. Lúc ba tuổi thì mồ côi cha, từ đó ngài cùng mẹ lớn lên trong tảo tần với nghề đốn củi. Một hôm, gánh củi ra chợ bán, nghe tiếng tụng kinh thì tâm ngài liền khai ngộ15, hỏi ra mới biết đó là kinh Kim cang. Mong muốn được thọ trì kinh này nên ngài được người hướng dẫn đến cầu pháp với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai, thuộc Kỳ Châu.

Nhân duyên hội đủ, Huệ Năng diện kiến ngài Huệ Nhẫn ở Hoàng Mai, Ngũ tổ hỏi: Ông từ phương nào đến, và muốn cầu thỉnh điều gì? Huệ Năng đáp: “Đệ tử là dân Tân Châu ở Lãnh Nam, từ xa về lễ Tổ, chỉ cầu làm Phật chứ không mong gì khác”. Tổ nói: Ngươi dân Lãnh Nam, ở chốn quê mùa thì làm sao kham thành Phật? Huệ Năng đáp: Người tuy có Bắc-Nam, nhưng Phật tánh vốn không phân Nam-Bắc, thân quê mùa này cùng với thân Hòa thượng có gì sai khác? Và Phật tánh giữa con và Hòa thượng có gì sai biệt nhau? Ngũ tổ muốn hỏi thêm nữa nhưng thấy bất tiện vì đồ chúng tề tựu xung quanh, nên bảo Huệ Năng theo chúng làm việc16.

Tám tháng chấp lao phục dịch trong chốn nhà trù nhưng ngài Huệ Năng không nề hà mỏi mệt. Một ngày nọ Ngũ tổ bảo đại chúng mỗi người hãy trình một bài kệ để ngài khảo chứng tâm tư. Lúc này, chúng của Ngũ tổ hơn bảy trăm, trong số đó có ngài Thần Tú là bậc giáo thọ, nên ai cũng nghĩ chẳng cần phải trình kệ làm gì vì không ai có thể vượt qua được ngài Thần Tú.

Sau nhiều trầm tư, nửa đêm ngài Thần Tú tự mình cầm đèn và viết lên bài kệ ở vách tường phía Nam với nội dung:

Thân như cây bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng,
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi nhơ17.

(HT.Thích Thanh Từ dịch).

Sau khi nghe chúng nhân trì tụng bài kệ này, ngài Huệ Năng ứng xuất một bài kệ, nhờ quan Biệt Giá viết lên vách tường phía Bắc.

Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài,
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi nhơ18.

(HT.Thích Thanh Từ dịch).

Xem xong bài kệ này, Ngũ tổ biết tâm cơ của Huệ Năng đã đến thời khai ngộ, nên vào canh ba đêm ấy, đã biệt truyền kinh Kim cang cho ngài. Trong khi tiếp thụ bản kinh này, khi nghe đến câu: Không nên trú tâm, để tâm dính mắc, bất cứ pháp nào” (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm)19, ngài liền đại ngộ. Ngay khi đó, ngài Hoằng Nhẫn đã truyền y bát và ký thác cho ngài Huệ Năng thành Lục tổ.

Sau khi được truyền y bát, Lục tổ Huệ Năng đã ẩn tích một thời gian. Theo Tào Khê Đại sư biệt truyện thì ngài ẩn cư trong đám thợ săn đến 5 năm. Vào niên hiệu Nghi Phượng nguyên niên, lúc này ngài Huệ Năng đã 40 tuổi, đã được Pháp sư Ấn Tông thế phát vào ngày 17 tháng Giêng. Vào ngày mùng 8 tháng Hai cùng năm, ngài được thọ Cụ túc giới tại chùa Pháp Tánh (法性寺). Giới đàn do ngài Trí Quang (智光) làm Hòa thượng đàn đầu, ngài Huệ Tĩnh (惠靜) làm Yết-ma-a-xà-lê, ngài Đạo Ứng (道應) làm giáo thọ A-xà-lê. Vào ngày mùng 8 tháng Tư niên hiệu Nghi Phương nguyên niên (676), ngài chính thức khai pháp, giảng dạy chúng nhân suốt 36 năm. Khi cơ duyên đã mãn, ngài ngồi yên mà hóa, thế thọ 76 tuổi20.

Có thể nói, ngài Huệ Năng quả là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Bắc truyền. Tùy theo phương cách tiếp cận mà đã có những lý giải khác nhau về cuộc đời của ngài. Trong thư tịch Hán tạng hiện còn nhiều quan điểm chưa thống nhất với nhau.

Khảo riêng về phương diện lịch sử xã hội cho thấy, tuy xuất thân ở miền quê, không có điều kiện đế tiếp xúc với tri thức, sách vở, do vì ngài không biết chữ. Nhưng trong nhịp tất bật mưu sinh, ngài chợt nghe kinh Kim cang trong một lần vào phố thị và đã định tâm chuyên chú lắng nghe. Tống cao tăng truyện dùng cụm từ ngưng thần (凝神) để chỉ cho trạng thái đó. Cũng bản kinh ấy, nhưng qua sự triển khai của một bậc thầy có năng lực thực sự về tâm linh là Hoằng NhẫnĐại sư (601-676), nhất là ở câu: Không nên trú tâm, để tâm dính mắc, bất cứ pháp nào” (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm)21ngài đã nhận ra thực tướng của các pháp.

Khi đối chiếu với kinh tạng Nikāya, câu kinh này rất giống với ý kinh Trung bộ được ngài Xá-lợi-phất giảng cho cư sĩ Cấp Cô Độc bên giường bệnh:

Này cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận thức, được hy cầu, được tư sát với ý, và tôi sẽ không có thức y cứ vào các pháp (nói trên)". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy22. (Tasmātiha te, gahapati, evaṃ sikkhitabbaṃ - ‘yampi me diṭṭhaṃ sutaṃ mutaṃ viññātaṃ pattaṃ pariyesitaṃ anupariyesitaṃ anucaritaṃ manasā tampi na upādiyissāmi, na ca me taṃnissitaṃ viññāṇaṃ bhavissatī’ti. Evañhi te, gahapati, sikkhitabba’’nti)23.

Sự khế hợp này, chúng tôi sẽ trở lại trong một chuyên đề khác, nhưng qua đây, đã cho thấy rằng, tuy chỉ một câu kinh nhưng khi được triển khai đúng lúc, thì có khả năng giúp người mở con mắt tuệ (Dhammacakkhuṃ udapādi).

Điều khích lệ, và cũng là bài học lớn nhất từ trường hợp của ngài Huệ Năng, đó là, quá trình ngộ đạo tuy có trợ lực từ quảng học đa văn, nhưng quá chú trọng đa văn, thì đôi khi dễ rời xa giác ngộ. Điều này sẽ được thấy rõ khi tham chiếu vào phương châm giáo dục Phật giáo, cũng như mục tiêu học tập của người xuất gia ngày nay.

Tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa pháp học và pháp hành trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam hiện tại

Nguyên nhân mất cân đối giữa pháp học và pháp hành

Kể từ phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đến ngày hôm nay, chỉ xét riêng ở Việt Nam, công bằng để đánh giá thì trình độ tri thức Phật học trong tầng lớp xuất gia và kể cả hàng cư sĩ đã tăng tiến đáng kể. Sự phát triển về tri thức Phật học đã đồng thời kéo theo một diện mạo mới cho Phật giáo Việt Nam trên bản đồ Phật giáo thế giới. Tuy nhiên, về phương diện pháp hành tu tập, khách quan để nhìn nhận thì có sự thiếu vắng rất lớn về nhận thức, về khả năng hành trì cũng như các trung tâm tu học xứng tầm. Nói rõ hơn, đã có một sự mất cân đối giữa pháp học và pháp hành trong hiện tình Phật giáo Việt Nam hiện tại. Thực trạng mất cân đối này, theo người viết, phát xuất từ những nguyên nhân cơ bản sau đây.

- Thứ nhất, hệ thống giáo dục tự viện chưa xác định đúng mức về vai trò của pháp hành. Một kẻ ban sơ nhập đạo thường ấp ủ một chí nguyện tươi sáng, thanh cao. Chí nguyện này vốn đã được thắp lên trong tâm người xuất gia trước đó, nhưng cơ chế giáo dục tự viện ngày nay phần lớn không tiếp thêm được chất liệu để duy trì ngọn lửa này. Vì lẽ, quỹ thời gian giáo dục tự viện không có nhiều, nhưng phải bị chia sẻ trong việc học tập nề nếp thiền môn, làm kinh tế nhà chùa và kiện toàn các kỹ năng phục vụ nhu cầu tâm linh cho quần chúng. Ngoại trừ ở một số tu viện, thiền viện dành sự quan tâm và trang bị cho người mới xuất gia về pháp hành, thì phần lớn các tự viện ngày nay chỉ tập trung vào hạnh nghi cơ bản của bậc xuất gia như bốn quyển luật, hai thời công phu, xem đó như pháp hành phổ quát. Nội dung khảo thí trong các đại giới đàn gần đây đã góp phần chứng tỏ điều này. Đây là một bất cập, góp phần tạo nên sự thiếu vắng pháp hành trong sinh hoạt Phật giáo.

- Thứ hai, mục tiêu của các cấp giáo dục ngày nay chưa chú trọng pháp hành. Sự phát triển đa dạng về quy mô, loại hình và phương thức giáo dục Phật giáo ngày nay là một tín hiệu đáng mừng. Thành tựu của ngành giáo dục Phật giáo nói chung đã cung cấp nhân sự cho guồng máy Giáo hội, sản sinh ra những nhà nghiên cứu, hoằng pháp, từ thiện xã hội…với nhiều bằng cấp chuyên môn, có thẩm quyền và học vị, sẵn sàng dấn thân và đưa Phật pháp vào nhiều lãnh vực của đời sống. Nói cách khác, giáo dục Phật giáo ngày nay phần lớn chỉ nhắm tới mục tiêu độ tha và dường như bỏ quên nội dung tự độ là vấn đề pháp hành. Một vài tiết thiền học trong chương trình đào tạo cử nhân Phật học, chưa đủ làm ấm lên cánh đồng tâm vốn đã hoang lạnh từ lâu của sinh viên Tăng, Ni. Việc lưu tâm và đôi khi quá nhấn mạnh đến vấn đề học hàm, học vị và địa vị, dù chỉ giới hạn trong địa hạt Phật giáo, cũng là một tác nhân góp phần làm cho người học lơ là với vấn đề pháp hành.

- Thứ ba, các truyền thống sơn môn như các thiền viện, tu viện với pháp hành cụ thể, như hành thiền, niệm Phật, trì chú…chưa đáp ứng đúng mức nhu cầu về pháp hành. Hiện tại, rõ ràngcụ thể hơn cả trong pháp hành là nội dung tu tập trong các thiền viện theo truyền thống Trúc Lâm Yên Tử. Tuy nhiên, khảo từ thực tế cho thấy, các trung tâm tu học này vẫn chưa thu hút được Phật tử ở mọi giai tầng, hàng xuất gia phát nguyện chuyên tu và các giới Phật tử tri thức nước ngoài. Với các truyền thống lấy việc niệm Phật làm tôn chỉ hành trì, thì chỉ mới được chú trọng phát triển trong hơn một thập niên gần đây và chưa đồng bộ về phương pháp. Thậm chí, một vài hành giả tiêu biểu của pháp môn này, đã có những phát ngôn chưa phù hợp với Thánh giáo. Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, đã có một vài dòng truyền thừa Phật giáo nước ngoài đã đem pháp hành Mật giáo giảng dạy tại Việt Nam. Ở đây, sự thiếu cân nhắc, thẩm định về nguồn gốc của các dòng truyền thừa này, cũng như nội dung truyền đạt, đã tạo nên những bất cập về pháp hành.

- Thứ tư, trong vài năm gần đây, đã có nhiều bậc xuất gia và kể cả hàng tại gia cư sĩ, đã tự mình tìm kiếm pháp hành từ băng đĩa, tài liệu; một vài trường hợp đã tự thân thực nghiệm tại những trung tâm tu học, các dòng truyền thừa Phật giáo mang tính biệt truyền ở nước ngoài. Tuy nhiên, do tự mày mò tìm hiểu, do quá nôn nóng thành tựu về pháp hành, do muốn khẳng định với đệ tử, số đông nên đã tạo nên bức tranh lập thể về pháp hành. Cụ thể, trong một số ngôi chùa và trung tâm tu họcViệt Nam hiện nay, đã có một sự hỗn dung nguy hiểm giữa Thiền học Phật giáo và Yoga của Ấn giáo; đã có những khóa lễ dưới danh nghĩa Kim cương thừa nhưng mang nhiều màu sắc pha tạp giữa Phật giáo và tín niệm đa thần; đã có những ngôi chùa mà người đứng đầu công khai sử dụng và ban phát bùa chú nhằm vào những mục đích khác nhau. Có trường hợp tuy mang hình thức cư sĩ nhưng dám đứng ra chủ trì những nghi lễ đặc thù, mà trong số đồ chúng phía dưới có cả hàng xuất gia. Có thể nói, xuất phát từ nhiều động cơ, cả tích cực lẫn tiêu cực, một số ngôi chùa, các trung tâm tu học, cũng như các am, thất tự phát… hiện nay đã có những dấu hiệu lệch chuẩn về phương cách tu tập, hành trì.

Từ bốn lý do nêu trên đã góp phần tạo nên những bất cập về pháp hành, và muốn hóa giải thực trạng này, cần phải có những giải pháp ban đầu sau đây.

Những giải pháp gợi mở bước đầu

- Thứ nhất, phải tái xác định mục tiêu của giáo dục Phật giáo, bao gồm cả giáo dục tự viện cho đến đào tạo chuyên sâu. Phải nâng tầm trách nhiệm của mỗi vị trú trì trên mỗi ngôi tự viện, ngoài kiến thức Phật học và kỹ năng xã hội cần thiết, thì cần phải am tường về một pháp hành cụ thể. Với chủ thể giáo dục và đối tượng giáo dục, cần phải xác định rõ mục tiêu chính yếu của mỗi phân ngành, học để nghiên cứu, học để giảng dạy, học để phụng sự Giáo hội, tha nhân, hay học để nhằm chuyển hóa nội tâm, dành cho tu tập. Tùy theo mỗi mục tiêu học tập mà xây dựng một nội dung đào tạo phù hợpthích đáng. Sự thiếu vắng nhân sự trong một số lãnh vực chuyên môn, mà ở đây là nhân sự có thẩm quyền về pháp hành, hiện đang là một vấn nạn lớn. Mặt khác, trong nội dung đào tạo ở ba cấp Phật học hiện nay, gồm sơ cấp, trung cấp và cử nhân Phật học, cần phải giới thiệutăng cường nội dung về các pháp hành truyền thống của Phật giáo Việt Nam, như Thiền, Tịnh và Mật. Phải đảm bảo rằng, về mặt lý thuyết, sau khi trải qua ba cấp học này, học viên có thể tự chọn cho mình một pháp hành tương thích với sở nghiệp.

- Thứ hai, cần phải thấy rõ ràng, từ những thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, các bậc cao tăng của Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Nhất Hạnh, Hòa thượng Thiền Tâm…đã thấy sự bất cập, trống vắng về pháp hành trong sinh hoạt thiền môn nên tự thân các ngài đã có những nỗ lực nhằm củng cố, kiện toàn. Thực tế cho thấy rằng, mặc dù các ngài không trải qua một quá trình đào tạo bài bản, chuyên sâu, lâu dài như thế hệ Tăng, Ni có đầy đủ bằng cấp và học vị ngày nay; chỉ với vốn kiến thức Phật học căn bản, cộng với việc am tường một phần ngoại điển Hán ngữ, nhưng các ngài đã phục hoạt thành công các pháp hành mang tính tâm linh truyền thống. Di sản quý báu này cần được các thế hệ xuất gia ngày nay trân trọng thừa tiếp, củng cố để thích nghigiới thiệu rộng rãi.

- Thứ ba, Phật giáo Việt Nam hiện tại đã có những không gian tu tập rộng lớn ở cả ba miền. Nên chăng, cần phải quy hoạch, tổ chức và trợ duyên cho những trung tâm tu tập ngắn hạn và dài hạn, đáp ứng nhu cầu thực nghiệm tâm linh cho cả hai giới tại giaxuất gia. Hiện tại, hệ thống thiền viện Trúc Lâm đã được trải đều trên cả nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng về sự phát triển của dòng thiền này nói riêng và truyền thống thiền tập của Phật giáo Việt Nam nói chung. Song song bên cạnh đó, với thống kê sơ bộ cho thấy, sự có mặt của nhiều Tăng, Ni và một bộ phận cư sĩ trí thức Việt Nam tại các trung tâm thiền Vipassana trên thế giới, đã cho thấy sự thu hút của dòng thiền này. Do vậy, nên chăng tiến tới thành lập các trung tâm thiền Vipassana mang tầm quốc tế ngay tại Việt Nam. Ở đây, nếu như không đủ nhân sự và kinh nghiệm tổ chức, thì cần có những khuyến thỉnh, liên kết với các tổ chức Phật giáo đủ năng lựckinh nghiệm ở nước ngoài để thành lập. Ngoài ra, từ mẫu hình thành công các khóa tu Phật thất, các đạo tràng niệm Phật, các tự viện tiêu biểu theo truyền thống Kim cương thừa, cần được quan tâm và hỗ trợ từ Giáo hội và chính quyền, để tạo nên nhiều lựa chọn về pháp hành cho cả hai giới tại giaxuất gia.

- Thứ tư, cần phải thành lập cơ quan chuyên trách về tổ chức và quản lý. Vì lẽ, muốn thực tập pháp hành cần phảicon người đủ thẩm quyền về pháp hànhtrung tâm tu học tương xứng. Việc tổ chức và quản lý những trung tâm chuyên tu đòi hỏi phải có nhân sự chuyên trách. Hơn thế nữa, khi có những dấu hiệu lệch chuẩn về pháp hành từ những cơ sở Phật giáo, dù chính thức hay tự phát, thì cần phảicơ quan chuyên trách của Phật giáo có đủ năng lực để thẩm định và định hướng. Hiện tại, trong cơ cấu tổ chức của GHPGVN chưa có một bộ phận chuyên trách về vấn đề pháp hành. Theo người viết, trong hai cơ quan lãnh đạo tối cao của PGVN hiện nay24, cần phải phối hợp và tổ chức một bộ phận chuyên trách về pháp hành, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hội đồng Trưởng lão Tăng-già mà ở đây chính là Hội đồng Chứng minh. Bộ phận nhân sự này không những có thẩm quyền về pháp hành mà cần trang nghiêm về đạo hạnh. Kinh nghiệm tổ chức nhân sự của Phật giáo thời Lý-Trần, lấy việc nội chứng cũng như phẩm hạnh đạo đức làm tiêu chí để lựa chọn, là một kinh nghiệm phù hợp với kinh điểnthực tiễn tu học, dù ở bất cứ giai đoạn nào.

Kết luận

Khi quá chú trọng đến sự phát triển của tri thức cũng như vận dụng toàn lực cho sự nghiệp độ tha, thì dễ dàng bỏ quên một giá trị thiết thân mang tính tồn vong của Phật giáo, đó chính là kinh nghiệm nội chứng. Muốn thành tựu nội chứng thì phải nương vào pháp hành. Trong năm hạng người tham cứu kinh điển, thì hạng người biết sống theo Pháp (Dhammavihara - A.iii,86)25, luôn được Đức Phật tán thán.

Từ sự suy yếu của Phật giáothời kỳ Hậu Trần, là bài học kinh nghiệm sâu sắc có liên quan đến thực tiễn tu học của Phật giáo Việt Nam ngày nay. Bởi lẽ, một khi quá chú trọng đến hình thức, đến bằng cấp, đến học vị và địa vị, cũng như dành mọi quan tâm cho sứ mạng độ tha, mà bỏ quên vấn đề tự độ, trau dồi phẩm hạnh, chuyển hóa nội tâm, là những dấu hiệu cho thấy sự mất cân đối trong quá trình phát triển của một chỉnh thể Phật giáo.

Qua câu chuyện của Tôn giả Bàn-đặc và ngài Huệ Năng, đã góp phần chuyển tải một thông điệp mang tích khích lệ: có thể thành tựu pháp hành, dù chỉ sở hữu một lượng tri thức Phật học hữu hạn. n

 Chúc Phú

........................

(1) Kinh Tiểu bộ, tập 3. HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr. 476.

(2) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr.261-262.

(3)  大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第二十四, 六二四.

(4) Kinh Tiểu bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr. 212.

(5) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2013, tr. 579.

(6) Nguyên văn: Này Vương tử, đừng nói chi một đêm ngày, một Tỳ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh đạo, nếu được giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi sáng, nếu được giảng dạy buổi sáng, thời sẽ chứng được sự thù thắng buổi chiều. Xem, kinh Trung bộ, tập 2, kinh Bồ-đề vương tử, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2012, tr.123.

(7) Kinh Tiểu bộ, tập 3. HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr. 42.

(8) Kinh Tiểu bộtập 3. HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr. 43.

(9) Kinh Tiểu bộ, tập 3. HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr.44.

(10) The Pāli Text Society. The Jātaka together with its commentary, being tales of the anterior births Gotama Buddha. Vol 1. Edited by V. Faus Boll. London: Messrs. Luzac and Company, Ltd. 1962.  p.117.

(11) Kinh Tiểu bộ, tập 3. HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr.44.

(12) Trong kiếp quá khứ, thời Đức Phật Kassapa, Tôn giả đã khinh bỉ một vị Tỳ-kheo đang cố học thuộc lòng một đoạn kinh. Do nghiệp cũ đó nên kiếp này ngu si ám độn. Xem, Tích truyện Pháp, tập 1, Viên Chiếu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2012, tr.266.

(13) Xem tại: tipitaka.org

(14)大正藏第 50 冊 No. 2061 宋高僧傳, 卷第八, 唐韶州今南華寺慧能傳.

(15) Nguyên văn: 一聞經語,心即開悟. Xem,大正藏第 48 冊 No. 2008 六祖大師法寶壇經.

(16)大正藏第 48 冊 No. 2008 六祖大師法寶壇經.

(17) Nguyên văn: 身是菩提樹,心如明鏡臺,時時勤拂拭,勿使惹塵埃. Xem,大正藏第 48 冊 No. 2008 六祖大師法寶壇經.

(18) Nguyên văn: 菩提本無樹,明鏡亦非臺,本來無一物, 何處惹塵埃. Xem,大正藏第 48 冊 No. 2008 六祖大師法寶壇經.

(19) Nguyên văn: 應無所住而生其心.  Hòa thượng Trí Quang dịch là: Hãy đừng ở vào, bất cứ chỗ nào, mà sinh tâm ra.

(20) Xem,卍新續藏第 86 冊 No. 1598 曹溪大師別傳.

(21) Nguyên văn: 應無所住而生其心. Hòa thượng Trí Quang dịch là: Hãy đừng ở vào, bất cứ chỗ nào, mà sinh tâm ra.

(22) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2012, tr.604.

(23) Xem tại: tipitaka.org

(24) Hai cơ quan đó là Hội đồng Chứng minhHội đồng Trị sự.

(25) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr.685.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Năm 2016(Xem: 6185)
Có những mất mát không gì bù đắp được, có những sự chia ly diệu kỳ như huyền sử. Kẻ ở cứ mãi nhớ thương, hồi ức đong đầy nơi khóe mắt. Người đi mỉm cười thinh lặng vô ngôn, có chút tiếc nuối mình vẫn chưa làm được gì nhiều cho đạo pháp như lòng hằng mong muốn. Cầu nguyện Hòa Thượng sớm trở lại cõi Ta Bà để giáo hóa chúng sinh. Nước sông Côn, đầm Thị Nại, biển Đề Gi, ngày đó sẽ xanh hơn trong hơn, cá nhởn nhơ bơi lội từng đàn trong giòng nước mát rượi như cam lồ tịnh thủy.Chúng con mãi mãi ngóng đợi trông chờ.
29 Tháng Ba 2016(Xem: 5565)
Những Thiền sư VN đã sống trọn vẹn đời mình theo những điểm căn bản của Đại thừa như vậy, và một khi phát khởi tâm Bồ đè, Trí Huệ soi thấy Tánh Không, lòng Đại Bi, phương tiện thiện xảo được phát triển một cách trọn vẹn, đã làm nên cái đặc trưng mà chúng ta thường nói là tính cách nhập thế của Phật Giáo Việt Nam.
18 Tháng Giêng 2016(Xem: 7540)
Năm nay, 2016, đánh dấu 50 năm Phật Giáo Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ, tính từ năm 1966, khi mà Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đến Mỹ dạy tại Đại Học UCLA và ở lại luôn để truyền bá Phật Giáo Việt Nam tại đây. Vì vậy, Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân là vị sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ.
12 Tháng Giêng 2016(Xem: 6121)
Danh từ Nhân gian Phật giáo xuất hiện lần đầu tại Việt Nam trên Tuần báo Đuốc Tuệ do Hội Phật Giáo Bắc Kỳ xuất bản tại Hà Nội. Số đầu ra ngày 10/12/1935. Đuốc Tuệ hoạt động được 10 năm thì bị đình bản vì có cuộc cách mạng giành độc lập năm 1945.
01 Tháng Giêng 2016(Xem: 7932)
Từ khi biết đến tác phẩm quý “Thiền sư Khương Tăng Hội” này tôi đã đi rất nhiều chùa để tìm xem ở những đâu có thờ Tổ Khương Tăng Hội. Tiếc thay, tìm mãi mà không thấy. Nơi nơi chỉ thấy thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma, một vị tổ người Ấn Độ đã mang Đạo Phật vào Trung Quốc rồi sau này mới lan sang đến Việt Nam.
01 Tháng Giêng 2016(Xem: 6399)
Khi học về truyền thống sinh động của thiền tập đạo Bụt, chúng ta đã bắt đầu từ Ấn Độ rồi sang Việt Nam. Khi nói về thiền Việt Nam, chúng ta có cơ hội xét lại thiền tông ở Trung Quốc. Chúng ta làm khác với cách thông thường là từ Ấn Độ đi sang Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc mới về Việt Nam. Lý do là vì ở Việt Nam chúng ta có thiền phái Tăng Hội, được thiết lập vào thế kỷ thứ 3, tức 300 năm trước ngày tổ Bồ-Đề Đạt-Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa để dạy thiền.
01 Tháng Giêng 2016(Xem: 6796)
Bài này viết được là nhờ thu thập công trình nghiên cứu trong luận án Phó Tiến sĩ của Budden Gyoshi (Phật Điển Hành Tư): Buddhism in Vietnam, the Period of Introduction and Development (Murdoch University, 1979).
23 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6177)
Thầy Thích Hạnh Tuấn là một trong những bậc Tăng tài của Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng và của Phật Giáo Việt Nam nói chung trong thời đại ngày nay.
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6367)
Ngẫu nhiên được thiện hữu Nguyên Giác có nhã ý gửi cho kinh Khemaka dịch theo bản Anh ngữ của Bodhi Bhikkhu, mới nhận ra đây cùng nội dung với kinh Sai-Ma mà đại sư Đàm-ma Da-Xá dịch vào khoảng thế kỷ 5 theo yêu cầu của Ưu bà di Phổ Minh. Nhân đây, xin được mạn đàm thêm một vài điều vây quanh những sử kiện về kinh này