● Nhìn Lại Phong Trào Đấu Tranh Của Phật Giáo Miền Nam Năm 1963 - Những Giá Trị Và ý Nghĩa Lịch Sử (Ts. Nguyễn Ngọc Quỳnh)

10 Tháng Sáu 201300:00(Xem: 9833)

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM

NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013

Phần III
Ý NGHĨA, VAI TRÒ VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ
TỪ PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963

NHÌN LẠI PHONG TRÀO ĐẤU TRANH
CỦA PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963 
NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh
Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, 
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam


I. PHẬT GIÁO TRONG PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP

Để tìm hiểu về phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963, cần điểm lại những nét chính trong phong trào đấu tranh của Phật giáo từ khi Pháp mới xâm lược để thấy được những thành quả mà Phật giáo miền Nam đã kế thừa từ tinh thần đấu tranh chống xâm lược của giai đoạn trước đó.

Dười thời thuộc Pháp, tình hình chính trị không ổn định cũng gây ra những khó khăn, xáo trộn đối với sinh hoạt Phật giáo. Khi thực dân Pháp xâm chiếm và tiến hành khai thác thuộc địa, nhiều ngôi chùa đã bị phá hủy hoặc chuyển thành đồn bốt. Tại Gia Định, từ năm 1861 đến năm 1865, thực dân Pháp đã chiếm đóng và triệt hạ các chùa lớn như chùa Khải Tường, chùa Kiểng Phước, chùa Cây Mai. Ngoài ra, chùa Kim Tiên bị dỡ năm 1863, chùa Pháp Võ bị dỡ năm 1863, chùa Phước Hưng bị dỡ năm 1864, chùa Phật Lớn bị dỡ năm 1865… Theo thống kê của J.Ch. Balencie, năm 1899, số lượng chùa chiền và tín đồ Phật giáo tại Gia Định là: 305 ngôi chùa, 82 vị Tăng, 49 vị Ni, 211.057 Phật tử(1). Thực dân Pháp dành nhiều ưu đãi để Công giáo phát triển, các trường Công giáo được xây dựng vào thời kỳ này.

Bên cạnh những khó khăn do tình hình chính trị xã hội đất nước, các sinh hoạt Phật giáo vẫn được quần chúng tín đồ duy trì. Các Tăng Ni, Phật tử cũng có những hoạt động nhập thế tích cực tham gia chống giặc. Nhiều ngôi chùa đã trở thành nơi quy tụ những người yêu nước, chuẩn bị lực lượng, cơ sở của các hoạt động chính trị và vũ trang. Chùa Châu Quang xã Mạch Lũng, tỉnh Sơn Tây từng là nơi trú ngụ, tàng trữ tài liệu của các nhà sư chống Pháp thời kỳ 1858-1859(2).

Khi thực dân Pháp từng bước đặt chế độ cai trị trên đất nước Việt Nam, cùng với các tầng lớp khác trong xã hội, các tín đồ Phật giáo cũng đứng lên kháng Pháp, nhiều nhà sư là thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa. Năm 1888, ở Nam Định xuất hiện nhân vật Kỳ Đồng (Nguyễn Văn Cẩm), chiêu mộ thiếu niên, dựng cờ nghĩa “Thiên binh thần tướng” có ý định chiếm thành Nam Định, sau tham gia phong trào của nhà Mạc. Ở Thái Bình và Nam Định, năm 1888, cũng có khởi nghĩa của sư Thọ, trụ trì chùa làng Lãng Đông, huyện Trực Ninh cầm đầu nghĩa quân theo sông Trà Lý vào đánh tỉnh lỵ Thái Bình. Năm 1898 có cuộc khởi nghĩa với sự tham gia của nhà sư Vương Quốc Chính ở chùa Ngọc Long Động, huyện Chương Mỹ, Hà Tây. Ngoài ra là các cuộc khởi nghĩa khác như: Khởi nghĩa Trần Cao Vân (1897), các nhà sư và tín đồ Phật giáo đã cùng tham gia kháng chiến, quân Pháp gọi nghĩa quân là “giặc thày chùa”. Cho tới những năm cuối thế kỷ XIX, nhiều ngôi chùa ở Bình Định, Phú Yên là cơ sở của nghĩa quân do Võ Trứ và một số thủ lĩnh lãnh đạo vào các năm 1897-1898. Ở Nam Kỳ có các cuộc khởi nghĩa kháng Pháp vào các năm 1873, 1875, 1885, 1913 và 1916, mà người khởi xướng là các ông đạo theo tín ngưỡng pha trộn giữa Phật giáo, Đạo giáo và ma thuật. Năm 1873 là khởi nghĩa của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương; các năm 1875 và 1885 là cuộc khởi nghĩa của đạo Lành. Những năm 1895- 1898, chùa Núi Cấm ở Thất Sơn, An Giang là nơi chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa, Năm 1913 và năm 1916 là cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long,…(3)

Như vậy, có thể thấy một số nhà yêu nước Việt Nam đã chống lại thực dân Pháp và Công giáo bằng việc tìm đến Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng thần bí. Các phong trào cứu nước mang màu sắc Phật giáo, Đạo giáo đã gắn bó với các hoạt động chính trị đương thời. Nhiều thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa là nhà sư, cư sĩ đã đem tư tưởng Phật giáo, Đạo giáo ra làm phương châm hành động. Tuy nhiên, những vũ khí này đã không đem lại kết quả, các phong trào đều bị thất bại. Trần Văn Giàu tổng kết: “Đạo giáo và Phật giáo chẳng những không bị Nho giáo đánh lùi ra xa, mà trái lại cứ vươn lên. Tư tưởng thần bí của Đạo giáo và Phật giáo liên quan mật thiết đến các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX”(4).

Sang đến đầu thế kỷ XX, trong phong trào yêu nước cũng đã xuất hiện vai trò của các nhà sư trong việc vận động giải phóng dân tộc. Và kể từ khi Đảng ra đời lãnh đạo đường lối cách mạng, lực lượng của Phật giáo cũng đã tích cực tham gia góp sức người, sức của cho kháng chiến, nhiều chùa trở thành nơi trú ẩn cho các chiến sĩ cách mạng. Có thể kể ra một số nhà sư tham gia hoạt động cách mạng như nhà sư Yết Ma Thông chùa Thới Thượng tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, bị thực dân Pháp bắt và giết tại Bà Điểm; Hòa thượng Đồng, chùa Tam Bảo bị Pháp bắt đi đày tại Côn Đảo…(5)

Trong thời kỳ này, thực dân Pháp đã đề ra một số chủ trương với Phật giáo mang nặng tính phân biệt đối xử, ngược lại, Công giáo được ưu tiên phát triển. Có thể nêu lên một số thí dụ để minh họa điều này như trong Dụ số 10, ngày 6-8-1950. Chỉ dụ này cho thấy rõ sự phân chia thái độ ứng xử đối với các tôn giáo với hai thái độ khác nhau, một là các tôn giáo bản địa và các tôn giáo truyền thống, trong đó có Phật giáo bị o ép, chính quyền thực dân có thể: “có quyền bác khước đi không cho phép lập hội mà không cần nói rõ lý do” và hai là Công giáo có một thái độ khác: “Chế độ đặc biệt dành cho các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia tô giáo…. sẽ ấn định sau”(6).

II. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963 - NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ

Tiếp nối truyền thống đấu tranh của giai đoạn chống Pháp, đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nhiều Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã tham gia vào các cuộc đấu tranh kháng chiến cứu quốc. Giai đoạn sau này có các gương mặt tiêu biểu như Hòa thượng Thích Thế Long, Thích Thanh Duyệt, Thích Nguyên Sinh. Nhiều nhà sư đã giữ những trọng trách trong các tổ chức, đoàn thể yêu nước như Thích Huệ Quang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Phật giáo Cứu quốc tỉnh Trà Vinh, Thích Pháp Dõng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định, Cư sĩ Lê Đình Thám đã giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính Nam Trung Bộ. Giai đoạn từ 1945 đến 1954, đã có tới trên 400 thanh niên Tăng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc(7).

Trong giai đoạn đất nước đấu tranh chống Mỹ-ngụy, Phật giáo không chỉ đấu tranh nhằm giành được tự do cho hoạt động tôn giáo mà cuộc đấu tranh đó còn mang tinh thần dân tộc, đấu tranh chống chính quyền tay sai và đế quốc Mỹ.

Trong việc giảng dạy tại các trường đại học, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đưa các linh mục vào giảng dạy và truyền đạo Công giáo, đả kích Phật giáo và các tôn giáo khác, thí dụ như ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Chính quyền cũng thành lập các trung tâm huấn luyện tại các địa phương để giảng dạy, tuyên truyền về chủ nghĩa nhân vị, là bước đầu chính trị hóa Giáo hội ở Việt Nam.

Ở nhiều nơi, chính quyền ép tín đồ Phật giáo phải từ bỏ tôn giáo của mình để theo Công giáo, nếu không sẽ bị gây khó khăn, bị phân biệt đối xử và đưa đi học tập dài hạn(8). Một số ngôi chùa chuyển đổi thành nhà thờ, đặc biệt là ở các vùng Công giáo. Đất của chùa cũng bị chính quyền một số nơi cưỡng chiếm để xây nhà thờ(9).

Chính quyền Diệm đưa những Phật tử vào các lớp học về thuyết Duy linh, thực chất là nhằm phê phán Phật giáo, ca ngợi Thiên Chúa giáo, yêu cầu các Phật tử từ bỏ đạo của mình để theo Công giáo, ép ký đơn theo Công giáo. Nếu ai chưa tin theo Công giáo thì vẫn phải tiếp tục học các lớp khác. Thậm chí, nhiều tín đồ Phật giáo bị bắt bớ, tra tấn, tại các địa phương, chính quyền Diệm đã “Thiên Chúa giáo hóa” bộ máy chính quyền cấp thôn xã.

Công giáo được hỗ trợ trên mọi phương diện như trong xây dựng, sửa chữa có thể vừa xin phép, vừa tiến hành xây dựng như ở nhà thờ Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị; hoặc nhận được tiền hỗ trợ để tổ chức lễ kỷ niệm của Công giáo.

Trong khi đó, Phật giáo bị chèn ép nặng nề, chính quyền Diệm không cho tổ chức các lễ hội Phật giáo, không cho thực hành các nghi lễ Phật giáo hàng ngày, các thành phần tích cực hoạt động cho sự nghiệp của Phật giáo bị giam cầm, bắt bớ(10). Tại các khu dinh điền Tây Nguyên, nhiều tín đồ Phật giáo bị bắt buộc phải cải sang Thiên Chúa giáo để tránh những khó khăn do chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Diệm. Nhưng họ vẫn duy trì việc thờ Phật tại những nơi bí mật trong nhà(11).

Thậm chí chính quyền đã dùng đến cả súng đạn để đàn áp Phật giáo. Tại Cà Mau, ngày 27-7-1961, binh lính Diệm đã bắn hàng loạt súng cối vào chùa Cao Dân trong khi trong chùa đang có 200 sư sãi và Phật tử làm lễ nhập hạ. Đã có hơn 20 đồng bào và sư sãi chết và bị thương, chùa bị hư hại nặng nề(12).

Nhìn lại chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, PGS Lê Cung đã nêu lên những đặc điểm chủ yếu sau(13):

Chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực từ tư tưởng, chính trị, quân sự đến kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục. Các biện pháp thực hiện từ dụ dỗ, mua chuộc đến đàn áp, khủng bố quyết liệt, kể cả bắn giết những người khác tôn giáo với gia đình họ Ngô. Chính sách này càng ác liệt hơn kể từ năm 1960 vì cách mạng miền Nam đã có bước phát triển nhảy vọt nên chính quyền Diệm thẳng tay đàn áp những người khác tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Tình hình này diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Hồi ký của một Phật tử đã viết: “Cuộc khủng bố vẫn tiếp diễn ở Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Phật tử bị chôn sống, bị thủ tiêu, áp bức đủ điều”(14).

Ngày 20-2-1962, Hội Phật giáo Trung phần đã gửi kháng thư cho Ngô Đình Diệm và Quốc hội nhằm vạch rõ chính sách khủng bố, áp bức, giết hại Phật giáo đồ của chính quyền Ngô Đình Diệm đang diễn ra khắp nơi: “Tình trạng giết chóc, bắt bớ, đàn áp bất công ở hạ tầng đã gây nên sự hoang mang khủng khiếp trong hàng Phật tử chúng tôi và làm cho họ mất hết tin tưởng cần thiết”. Kháng thư cũng yêu cầu: “Để tránh những hậu quả không hay của một cuộc áp bức có tổ chức hẳn hoi và chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam, tôn kính xin Tổng thống khoan hồng cho phép một Phái đoàn của Tổng hội Phật giáo Toàn quốc, đến yết kiến và trình bày mọi việc, để Tổng thống thấy nỗi khốn khổ vô cùng cực của những công dân chỉ phạm mỗi tội là theo Phật giáo”(15). Tổng thống Diệm từ chối cuộc gặp và chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét sự việc.

Chính sách đàn áp Phật giáo đã gây ra những hậu quả nặng nề, đẩy mâu thuẫn tôn giáo, mâu thuẫn xã hội lên cao, mà đỉnh cao nhất là sự bùng nổ của phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963. Phong trào được bắt đầu từ ngày 7-5-1963 và kết thúc ngày 1-11-1963. Sự kiện mở đầu cho phong trào là cuộc đấu tranh phản đối chủ trương cấm treo cờ Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử ở Huế(16). Chính quyền đã huy động quân đội, xe tăng để mở cuộc đàn áp cuộc biểu tình tại Đài phát thanh Huế: “Cảnh tượng khủng khiếp thê thảm phía trước Đài phát thanh Huế lúc ấy thật không bút mực nào tả xiết; một đám đông hỗn loạn như đàn ong vỡ tổ; tiếng la hét, tiếng chân chạy, vật lộn xen lẫn với tiếng súng nổ của súng lớn, súng nhỏ, tiếng kêu rú kinh hoàng của những người bị đạn, tiếng xác người đổ xuống trên mặt đường, rồi là tiếng động cơ ầm ĩ của một đoàn xe tăng kéo đến, chúng dày xéo lên tất cả, chúng đè bẹp tất cả, có một số em nhỏ yếu đuối không chạy kịp đã ngã gục trên đường đi của chúng, xác thân bị nghiền nát dưới những lằn xích sắt”(17). Cuộc đàn áp này đã làm 8 người thiệt mạng, nhiều người bị thương. Cuộc đàn áp khiến cho Tăng Ni, tín đồ Phật tử ở Huế sôi sục căm phẫn. Phong trào từ Huế đã lan vào Sài Gòn và lan rộng ra toàn miền Nam.

Ngày 23-5-1963, giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam cho công bố bản phụ đính của “Bản tuyên ngôn ngày 10-5-1963” nội dung khẳng định năm nguyện vọng của Phật giáo và khẳng định đường lối đấu tranh “bất bạo động”. Đến ngày 25-5-1963, một hội nghị đại biểu của 11 tông phái và các đoàn thể Phật giáo được tổ chức tại chùa Xá Lợi để thảo luận kế hoạch đấu tranh. Hội nghị cũng đã thành lập Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn, nó thể hiện sự thống nhất ý chí và lực lượng của Phật giáo(18). Trước những phản ứng của giới Phật giáo, chính quyền Diệm vẫn tiếp tục tăng cường khủng bố, đàn áp.

Ngày 30-5-1963, một cuộc tuyệt thực của giới lãnh đạo Phật giáo được diễn ra rộng khắp ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Tại Sài Gòn, trước giờ tuyệt thực, gần 400 Tăng Ni đã biểu tình ngồi trước trụ sở Quốc hội Diệm. Tại Huế, cuộc tuyệt thực còn có sự tham gia của một số giáo sư và sinh viên Phật tử tham gia. Chính quyền Diệm đàn áp cuộc biểu tình bằng axit và lựu đạn cay khiến cho 142 người bị thương, 49 người bị trọng thương(19).

Sau hơn một tháng đấu tranh, chính quyền Diệm vẫn không chấp nhận các đề nghị của giới Phật giáo. Trong các cuộc biểu tình, tuyệt thực, quần chúng và các Tăng Ni bị đàn áp nặng nề hơn, cuộc đấu tranh dần đi vào thế bế tắc. Trong hoàn cảnh đó, ngày 27-5-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã gửi một bức tâm thư tới giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam xin được tự thiêu để bảo vệ Phật pháp. Ngày 11-6-1963, tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Sài Gòn, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã anh dũng tự thiêu trước sự chứng kiến của hàng chục vạn Tăng Ni, Phật tử, phóng viên báo chí quốc tế. “Ngọn lửa Thích Quảng Đức” đã gây được tiếng vang lớn trong nước cũng như quốc tế, mang lại cho phong trào đấu tranh một khí thế mới, là một chấn động mạnh khiến cho chính quyền Diệm lúng túng và đi tới nhượng bộ. Lo sợ về một cuộc đấu tranh mới, ngày 14-6, chính quyền Diệm đã phải khẩn trương tiến hành một cuộc điều đình với giới lãnh đạo Phật giáo. Sau năm phiên họp, một thông cáo chung được ký kết vào lúc 2 giờ sáng ngày 16-6-1963. Nội dung của thông cáo nhìn chung thỏa mãn được các nguyện vọng của Phật giáo(20). Đây là một thắng lợi lớn của Phật giáo và kết thúc giai đoạn thứ nhất của phong trào, giai đoạn thứ hai, phong trào đấu tranh chuyển sang giai đoạn hòa hoãn.

Thực chất của sự hòa hoãn, về phía chính quyền Diệm thực chất chỉ nhằm xoa dịu phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, Tăng Ni, Phật tử. Bên trong, chúng vẫn ngầm chuẩn bị cho sự đàn áp Phật giáo. Không lâu sau đó, chính quyền Diệm đã có nhiều hành động vi phạm Thông cáo chung, tiếp tục giam cầm, bắt bớ Tăng Ni, Phật tử.

Ngày 18-6-1963, chính quyền Diệm cho phái Lục Hòa Tăng thành lập Tổng hội Phật giáo, lấy tên là “Tổng hội Phật giáo Cổ sơn môn” với nhiều hoạt động chống lại phong trào Phật giáo và gây chia rẽ nội bộ Phật giáo.

Tại một số địa phương ở các tỉnh như Phú Yên, Bình Định, chính quyền bắt ép dân chúng ký đơn kiến nghị lên án các hoạt động của Phật giáo. Nhiều nơi ngăn cấm sự đi lại của Tăng Ni, các hãng xe không bán vé cho Tăng Ni về Sài Gòn.

Các nhà lãnh đạo Phật giáo nhận thức được rằng hòa hoãn sẽ không đem lại kết quả trong cuộc đấu tranh này. Phong trào chuyển sang hình thức mới, không hòa hoãn mà tiếp tục đấu tranh quyết liệt. Giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam liên tục gửi các Thông bạch vào các ngày 14,15 và 16-7-1963 về việc kêu gọi Phật giáo tiếp tục đứng lên đấu tranh đòi thực thi Thông cáo chung. Thông bạch số 91, ngày 16-7 đã kêu gọi: “Giờ một mất một còn của Phật giáo Việt Nam đã đến, tiếng kêu thiết tha của tối đại đa số Phật giáo đồ đã phát động…. Quý liệt vị hãy cùng chúng tôi thề hy sinh đến người cuối cùng cho nguyện vọng chân chính của chúng ta”(21).

Hưởng ứng lời kêu gọi của giới lãnh đạo Phật giáo, cuộc đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử trên phạm vi toàn miền Nam tiếp tục phát triển thành cao trào với các hình thức đấu tranh bất bạo động với quy mô và cường độ cao hơn. Ngày 16-7, gần 200 Tăng Ni biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ. Nhiều nơi ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn,… các hoạt động bãi thị, bãi khóa đồng loạt diễn ra để hưởng ứng cuộc đấu tranh của Phật giáo. Tại Huế, ngày 29-7, có tới 15.000 người tham gia cuộc rước di ảnh nhân ngày chung thất của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Tại Sài Gòn, có khoảng 10.000 người tham gia lễ cầu siêu cho những vị tử vì đạo tại chùa Xá Lợi ngày 18-8. Cùng ngày, tại Đà Nẵng, có 2.000 tín đồ Phật tử đến chùa Tỉnh hội dự lễ cầu siêu cho những Tăng Ni tự thiêu(22).

Ngoài cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày 11-6-1963, trong phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963, đã có những cuộc tự thiêu khác phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm như: Đại đức Thích Nguyên Hương (tự thiêu ngày 4-8-1963); Đại đức Thích Thanh Tuệ (tự thiêu ngày 13-8-1963), Ni sư Diệu Quang (tự thiêu ngày 15-8-1963), Thượng tọa Thích Tiêu Diêu (tự thiêu ngày 16-8-1963), Phật tử Hồng Thể (tự thiêu ngày 29-9-1963), Đại đức Thích Quảng Hương (tự thiêu ngày 5-10-1963), Đại đức Thích Thiện Mỹ (tự thiêu ngày 27-10-1963)(23).

Đối mặt với phong trào đấu tranh ngày càng quyết liệt trên phạm vi rộng, chính quyền Diệm tiếp tục tìm các đối phó bằng các biện pháp đàn áp dã man nhưng vẫn không thể đẩy lui được khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân. Đến lúc này, Diệm quyết định đẩy cuộc đàn áp lên cao với “Kế hoạch nước lũ”, với nội dung: “Cương quyết thanh trừng các phần tử phản bội và quá khích trong các giới Tăng, Ni, công chức, giáo sư, sinh viên, cũng như trong các đoàn thể nhân dân… thời gian ấn định cho việc thực hiện xong kế hoạch là từ 21-8 đến 30-9-1963”(24). Đêm 20, rạng sáng 21-8, chính quyền Diệm cho quân tấn công đồng loạt khắp các chùa là cơ sở đấu tranh trên toàn miền Nam. Sau cuộc tấn công, số Tăng Ni, Phật tử bị bắt tại Sài Gòn là 728 người, tại Huế là 595 người. Tại sân Chi Lăng, Đà Nẵng đã tạm giam 2.000 người. Số giáo sư, luật sư, sinh viên bị bắt khoảng 2.000 người, nhiều nhất là ở Huế và Sài Gòn(25).

Sau kế hoạch này, phong trào đấu tranh cho tự do tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam không những không bị dập tắt mà còn bùng phát mạnh mẽ hơn. Ngày 22-8, Ủy ban Chỉ đạo Sinh viên Liên khoa được thành lập. Ngày 24-4, Ủy ban đã “tuyên bố bãi khóa, nghỉ học để đấu tranh cho tự do tín ngưỡng”. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng ở Sài Gòn bãi khóa. Tại Huế, các trường đại học đã hoàn toàn đóng cửa sau quyết định bãi khóa của sinh viên và sự từ chức của toàn thể giáo sư. Phong trào bãi khóa, biểu tình chống chế độ trong sinh viên, học sinh diễn ra trên diện rộng tại nhiều tỉnh. Tiếp tục có các vụ tự thiêu của các nhà sư tố cáo chế độ tàn bạo của Ngô Đình Diệm. Ngày 5-10, Đại đức Thích Quảng Hương tự thiêu trước cửa chợ bến Thành, ngày 27-10 Đại đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trong lúc phái đoàn của Liên Hiệp Quốc đang đến Sài Gòn để điều tra về tình hình tôn giáo(26).

Sau khi chính quyền Diệm có những hành động không được lòng dân, đàn áp Phật giáo, mâu thuẫn Mỹ- Diệm ngày càng lớn. Ngày 27 -6-1963, Kennedy cử Cabot Lodge làm Đại sứ tại Việt Nam Cộng hòa thay cho Nolting, là người ủng hộ Diệm. Ngày 22-8, Cabot Lodge đến Sài Gòn nhận chức trước dự định, hai ngày sau ông ta nhận được công văn từ Nhà Trắng, trong đó nêu rõ: “Cố vấn Ngô Đình Nhu chịu trách nhiệm về vụ tấn công đàn áp chùa chiền… Tổng thống Ngô Đình Diệm được dành một cơ hội để loại trừ Ngô Đình Nhu và tay chân, phải thay thế họ bằng những nhân vật chính trị và quân sự có khả năng nhất… Nếu Tổng thống Diệm vẫn còn ngoan cố, thì chúng ta (chính quyền Mỹ) sẽ đi tới chỗ không thể tiếp tục ủng hộ ông ta nữa”(27). Trong vòng hai tháng sau, Mỹ quyết định ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Diệm. Ngày 1-11-1963, anh em Diệm - Nhu bị giết chết, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ sau 9 năm cai trị miền Nam Việt Nam(28).

III. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA PHONG TRÀO PHẬT GIÁO NĂM 1963

3.1. Phong trào đã gây được tiếng vang trong dư luận, để từ đó, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ không những tronng nước mà cả từ phía quốc tế.

Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963 không chỉ là phong trào đấu tranh của riêng Phật giáo mà nó đã thu hút và nhận được sự tham gia, ủng hộ của nhiều tôn giáo khác. Các tín đồ Công giáo cũng có những hành động cụ thể ủng hộ phong trào của Phật giáo như gửi thư kháng nghị, tố cáo chính quyền Diệm đàn áp phong trào. Tại miền Bắc, đại biểu các tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài) ở thủ đô Hà Nội cũng ra tuyên bố chung lên án tội ác của chính quyền Ngô Đình Diệm và bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam(29).

Đặc biệt, phong trào nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía quốc tế. Báo chí quốc tế đã kịp thời đưa tin và bày tỏ sự phẫn nộ hành động đàn áp tôn giáo dã man của chính quyền Diệm như các tờ: Sun­day Times (Anh); Témoigne Chretien (Pháp); Hãng thông tin Nôvôxô (Liên xô cũ); Nhân dân, Cách mạng châu Phi (Angiêri); Phim Thai (Thái Lan); Journal de Genève (Thụy Sĩ); Công Luận (Đài Loan), Sunday Examiner (Hong Kong), Asahi Evening News (Nhật Bản), New York Herald Tribune, Francisco Chinese World (Mỹ). Các đài B.B.C, V.O.A… cũng thường xuyên theo dõi và đưa tin(30).

Nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng lên án chính sách cai trị hà khắc của chính quyền Ngô Đình Diệm và ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân, Tăng Ni, Phật tử miền Nam Việt Nam. Phong trào nhận được sự ủng hộ của Hội Phật giáo thế giới; Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới, các tổ chức tôn giáo ở Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản, Myanmar, Trung Quốc, Hungari, Anh, Bỉ, Mông Cổ, Lào, Campuchia, Thái Lan… lên tiếng ủng hộ phong trào. Đặc biệt, Liên Hiệp Quốc cũng đã có những thảo luận về tình hình tôn giáo ở miền Nam Việt Nam. Trong phiên họp ngày 7-10-1963, Liên Hiệp Quốc đã quyết định cử đoàn điều tra đến miền Nam Việt Nam để điều tra tình hình đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm(31).

Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các tổ chức Phật giáo quốc tế bằng nhiều hình thức cũng đã ủng hộ phong trào. Các hoạt động đó đã giúp nhân dân Việt Nam vững tâm đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng.

3.2. Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam, dù với hình thức bất bạo động, dù phải đối diện với sự đàn áp của chính quyền Diệm nhưng tinh thần và khí thế của phong trào không những không thể bị dập tắt mà ngày càng lớn mạnh.

Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam kiên trì với phương châm bất bạo động. Tính chất bất bạo động thể hiện trong mọi văn bản của giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam. Mặc dù chính quyền Diệm thẳng tay đàn áp, cuộc đấu tranh vẫn giữ vững lập trường dựa vào tình thương để xóa bỏ hận thù. Các cuộc biểu tình, kiến nghị, tuyệt thực và quyết liệt nhất là hành động tự thiêu bảo vệ đạo pháp, bảo vệ công lý đã thể hiện tinh thần bất bạo động ấy. Các loại hình đấu tranh bất bạo động được thực thi trong phong trào đấu tranh năm 1963 rất phong phú,

được tiến hành từ mức độ thấp đến mức độ cao (biểu tình, rải truyền đơn, họp báo, kiến nghị, tuyệt thực, tự thiêu…) phù hợp với những thành phần xã hội tham gia theo khả năng và điều kiện của mình.

Sự lớn mạnh của phong trào là ở chỗ nó đã thu hút được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới Tăng Ni, Phật tử, học sinh sinh viên, trí thức, viên chức cao cấp. Lúc đầu phong trào chỉ giới hạn trong giới lãnh đạo Phật giáo và Tăng Ni, Phật tử. Sau này, phong trào đã nhận được sự ủng hộ của các học sinh, sinh viên, giới trí thức, thương nhân… của nhiều tỉnh ở miền Trung và miền Nam, đặc biệt là ở Huế và Sài Gòn với các phong trào bãi thị, bãi khóa, biểu tình...

3.3. Phong trào góp phần quan trọng cả về tinh thần và chuẩn bị lực lượng tham gia cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mọi tầng lớp, tổ chức xã hội đều có những hành động ủng hộ phong trào, tạo nên một làn sóng phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, tạo ra những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, góp phần vào cuộc đấu tranh lật đổ chính quyền Diệm.

Cuộc đấu tranh năm 1963 ban đầu là đấu tranh chống lệnh cấm treo cờ Phật giáo, sau tiến tới đấu tranh cho tự do trong sinh hoạt đạo, chống lại sự kỳ thị, đàn áp Phật giáo… Phong trào không chỉ nhận được sự ủng hộ của các thành phần xã hội và dư luận trong nước mà còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cá nhân và các tổ chức quốc tế với các hành động cụ thể như gửi kiến nghị, biểu tình… lên án hành động đàn áp của chính quyền Diệm. Chính quyền Diệm đã vấp phải những khó khăn trong điều hành, mất lòng dân, túng túng, bế tắc trong các chính sách, xã hội trở nên rối loạn, Mỹ không còn tin tưởng, cắt viện trợ và dẫn đến quyết định ủng hộ việc đảo chính lật đổ chính quyền Diệm (1-11-1963).

Sau cuộc đảo chính này, Mỹ mất chỗ dựa, các cuộc đảo chính diễn ra liên tục, chính quyền mất kiểm soát ở nhiều nơi. Trong khi đó, phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân miền Nam ngày càng lớn mạnh, thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ, tạo những tiền đề về dư luận xã hội và lực lượng cách mạng để tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

1. Trần Hồng Liên (2000). Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975. Nxb Khoa học Xã hội, tr.40.
2. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam- Viện Triết học (1991)- Nguyễn Tài Thư (Chủ biên). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb KHXH, tr.446.
3. Trần Văn Giàu (1996). Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám. Tập 1: Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, tr.508-513.
4. Trần Văn Giàu (1996). Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng tám. Tập 1: Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử. Sđd, tr.457.
5. Lê Cung. Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963. Nxb Thuận Hóa, 2008, tr.29-37.
6. Công báo Việt Nam, ngày 19-8-1950. Trung tâm lưu trữ quốc gia II. Ký hiệu tài liệu J.336, tr.435-437. Dẫn theo Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, Sđd, tr.33.
7. Lê Cung, Sđd, tr.35.
8. Xem thêm: Bồ Đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam (từ khời nguyên đến 1981), tr.332. Lê Cung, Sđd, tr.52-53.
9. Bồ Đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng, Sđd, tr.332; Lê Cung, Sđd, tr.32.
10. Xem thêm Lê Cung, Sđd, tr.104-105.
11. Xem thêm Lê Cung, Sđd, tr.137-138.
12. Bồ Đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng, Sđd, tr.333; Xem thêm Lê Cung, Sđd, tr. 138 – 139.
13. Xem thêm Lê Cung, Sđd, tr.127-130.
14. Dẫn theo Lê Cung, Sđd, tr.147. Xem thêm Viện Hóa đạo, Sa-môn Thích Thiện Hoa soạn. 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr.112-122.
15. Dẫn theo Lê Cung, Sđd, tr.144-145.
16. Xem thêm Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I,II,III. Nxb Văn học. H.2000, tr.1043-1047.
17. Nguyễn Thanh. Sự thật cuộc đấu tranh Phật giáo Việt Nam. Nxb Hoa Đạo, Sài Gòn, 1964, tr.27. Dẫn theo Lê Cung, Sđd, tr.167.
18. Xem thêm Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.1047-1052; Lê Cung, Sđd, tr.170 và 187-188.
19. Xem thêm Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.1052-10555; Lê Cung, Sđd, tr.191-196.
20. Xem thêm Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr.1062-1065; Lê Cung, Sđd, tr. 206-207
21. Thông bạch số 91. Dẫn theo Lê Cung, Sđd, tr.226-227.
22. Xem thêm Lê Cung, Sđd, tr.237-242.
23. Viện Hóa đạo, Sa-môn Thích Thiện Hoa soạn. 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr.105-106.
24. Dẫn theo Lê Cung, Sđd, tr.247.
25. Xem thêm Nguyễn Lang, Sđd, tr.1093-1109; Lê Cung, Sđd, tr.249-250.
26. Xem thêm Nguyễn Lang, Sđd, tr.1110-1111; Bồ Đề Tân Thanh - Nguyễn Đại Đồng, Sđd, tr.341.
27. Dẫn theo Lê Cung, Sđd, tr.274.
28. Về cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, xem thêm Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr. 1113-1122.
29. Báo Nhân Dân, ngày 6-6-1963. Dẫn theo Lê Cung, Sđd, tr.293.
30. Xem Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sđd, tr. 1056; Lê Cung, Sđd, tr.300-321.
31. Xem Lê Cung, Sđd, tr.301-321.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tám 2015(Xem: 6640)
Bài này được viết để tưởng nhớ cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, nhìn từ cương vị một nhà báo ở Nam California, ghi lại một số hình ảnh bên lề, chưa được (hay ít được) nhắc tới về Thầy trong các bản tin chính thức.
16 Tháng Tám 2015(Xem: 10450)
Trưa hôm nay, 16-8, chư tôn đức Hệ phái Khất sĩ có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất cung đón kim quan cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên trong chuyến bay từ Hoa Kỳ xuất phát từ ngày 14-8 trở về Việt Nam, an trí tại Pháp viện Minh Đăng Quang, số 505, xa lộ Hà Nội, quận 2, TP.HCM
13 Tháng Tám 2015(Xem: 14280)
Tổng hợp tất cả các tin tức về Lễ Tang cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên tại Hoa Kỳ và Việt Nam
12 Tháng Tám 2015(Xem: 5505)
Vĩnh biệt Thầy, “Người mang Khất sĩ sang trời Tây”. Từ nay, phía trời Tây đã mất đi người Thầy hướng đạo, điểm tựa tinh thần cho biết bao thế hệ đang ngày đêm mang giáo pháp Khất sĩ được lan truyền ở phương trời hải ngoại.