● Diễn Văn Khai Mạc Hội Thảo Pgs.ts. Võ Văn Sen

08 Tháng Sáu 201300:00(Xem: 10615)

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM
NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013

DIỄN VĂN KHAI MẠC HỘI THẢO
PGS.TS. Võ Văn Sen
Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM
Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo khoa học
hoithao_vovansen-content

Kính thưa Quý vị Khách Quý;

Kính thưa Chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni;

Kính thưa Quý vị Giáo sư; Kính thưa các nhà khoa học;

Kính thưa toàn thể Hội thảo.

hoithao_vovansen_0-contentNăm mươi năm trước, đúng ngày này, ngày 11 tháng 6, giữa lòng thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (nay là ngã tư Cách mạng tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu) đã diễn ra một sự kiện làm chấn động cả nước và làm xúc động hàng triệu triệu con người khắp thế giới này: Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự nguyện thiêu thân để bảo vệ Phật pháp và nhằm thức tỉnh chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau đó, noi gương ngài Hòa thượng, nhiều vị Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Phật tử tự nguyện thiêu thân cũng với mục đích cao cả trên.

Sở dĩ có những cuộc tự nguyện thiêu thân là bởi từ sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành chính sách kỳ thị tôn giáo, bằng cách đàn áp Phật giáo, mà đỉnh điểm là cuộc đàn áp vào mùa Phật đản năm 1963. Chính quyền họ Ngô ra thông báo khẩn cấp cấm treo cờ Phật giáo trong ngày lễ Phật đản trong toàn miền Nam Việt Nam. Giới Phật giáo phản đối, chính quyền họ Ngô đã cho quân đội dùng xe tăng và súng đạn đàn áp Tăng Ni, Phật tử biểu tình tại Đài phát thanh Huế vào đêm 08 tháng 5 năm 1963, làm chết 08 người và bị thương hàng chục người. Không thể im lặng trước cảnh Phật giáo bị đàn áp, các vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đã cùng Phật tử và đồng bào xuống đường biểu tình, đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động nhằm kêu gọi chính quyền thức tỉnh và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo với 5 nguyện vọng tối thiểu mà giới Phật giáo nêu ra trong bản Tuyên ngôn ngày 10 tháng 5 năm 1963. Từ Huế, phong trào đấu tranh của Phật giáo lan rộng ra khắp các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam như Quảng Trị, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và nhất là Sài Gòn - Gia Định.

Cùng với phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam chống chiến lược Chiến tranh đơn phương thời kỳ 1954-1960, cũng như chống chiến lược Chiến tranh đặc biệt từ năm 1961 trở đi, phong trào Phật giáo năm 1963 ở miền Nam Việt Nam đã góp phần làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm suy yếu và bị lật đổ bởi quân đội do tướng Dương Văn Minh lãnh đạo. Cuộc đảo chánh ngày 01 tháng 11 năm 1963 là một sự kiện, một biến cố chính trị lớn đối với Chính quyền Sài Gòn. Chính quyền độc tài gia đình trị họ Ngô sau 9 năm cầm quyền đến đây đã cáo chung. Phật giáo Việt Nam thoát khỏi một cơn pháp nạn, tiếp tục truyền thống tinh thần nhập thế hành đạo cứu đời, tiếp tục hòa mình vào làn sóng đấu tranh chung của dân tộc trong cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam Việt Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước bước vào một thời kỳ mới.

Kính thưa Quý vị,

Hôm nay, tại Hội thảo khoa học này, chúng ta đã được vinh dự đón tiếp rất nhiều vị Hòa thượng, Thượng tọa, các nhà khoa học mà những vị này đã từng là nhân chứng lịch sử, từng đấu tranh trong phong trào Phật giáo 1963 ở Huế, ở Sài Gòn và một vài nơi khác. Qua các báo cáo khoa học, chúng ta đánh giá, nhận định lại phong trào này bằng cách tìm hiểu ngọn nguồn của phong trào; hồi ức lại bối cảnh, nhân vật, sự kiện lịch sử; rút ra ý nghĩa, vai trò và bài học lịch sử của phong trào, để từ đó hướng đến tương lai: Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, đạo pháp và chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Thay mặt Chủ tịch đoàn, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học: “Kỷ niệm 50 năm phong trào đấu tranh của Phật giáo niềm Nam năm 1963”.

Kính chúc Quý vị đại biểu, Chư tôn đức trong Giáo hội Phật giáo và các nhà khoa học an lạc, vạn sự kiết tường.

Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn