Lịch Sử Truyền Thừa - Thiền Phái Trúc Lâm

15 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 16940)

Lịch sử truyền thừa - Thiền phái Trúc Lâm
Thích Phước Đạt

thien_phai_truc_lam_01-contentThiền phái Trúc Lâm ra đời dựa trên hai tiền đề xã hội và tôn giáo được hình thành trong quá trình vận động lịch sử nước nhà. Nhà Trần trong buổi đầu mới thành lập, công việc cấp bách và thiết thực nhất đặt ra trước mắt các nhà lãnh đạo tối cao là xây dựng một ý thức hệ độc lập thống nhất hoàn toàn khác với phương Bắc. Họ Trần dựa vào Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cũng phải thay đổi một vài nội dung cho phù hợp với thực tiển thời đại, nhất là trong bối cảnh xã hội Đại Việt bấy giờ. Thiền phái mới được thiết lập trên cơ sở hợp nhất ba Thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường nhằm bốn mục đích sau:

1. Tự mình phân biệt với Thiền tông ở Trung Hoa biểu lộ tính độc lập.

2. Thay đổi một phần nội dung tiêu cực và thân ngoại.

3. Khoác chiếc áo của một tôn giáo mới.[1] Chuyên luận này chỉ tập trung bàn về vấn đề Lịch sử truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm được lý giải như thế nào?

1. Giới thiệu đôi nét về lịch sử truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm.

Căn cứ vào tài liệu Tam Tổ thực lục, Tam Tổ hành trạng, Thiền Tông bản hạnh, Thánh đăng lục, chúng ta thấy tiến trình hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm có một bề dày lịch sử. Trong bối cảnh lịch sử truyền thừa của Thiền phái, Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Thánh Tông được khẳng định là những gương mặt thiền gia đắc pháp tiên phong đặt nền móng tư tưởng và kết nối cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời. Trần Nhân Tông là người có công làm cho Thiền phái Trúc Lâm đi vào hiện thực đời sống sinh họat Phật giáo thiền từ mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức cho đến nội dung tu tập và phương thức hành trì được cụ thể hóa. Ông trở thành vị Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm, sau đó đại sư Pháp Loa được Trần Nhân Tông truyền y bát làm Tổ thứ hai. Và người thứ ba được truyền trao làm Tổ thứ ba chính là tôn giả Huyền Quang. Cả ba vị này được tôn vinh là Trúc Lâm Tam Tổ.

 Điều đáng nói là các tác phẩm nói trên tập trung giải trình sự truyền thừa Thiền phái chỉ đến ba đời, sau này mới có thêm một đời nữa là Hải Lượng – Ngô Thì Nhậm. Cụ thể, đến thế XVII, khi Tính Quảng và Hải Lượng tập hợp tư liệu cho ra đời tác phẩm Tam Tổ thực lục thì người ta chỉ biết Thiền phái chỉ truyền thừa đến ba đời và bị gián đọan. Sau đó, Ngô Thì Nhậm – Hải Lượng được các đệ tử của mình tôn là Tổ thứ tư của Thiền phái trong bài tựa “TrúcLâm Đại Chân Viên Giác Thanh” của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh và cũng có lời nhận định “Sau Trúc Lâm Tam Tổ thì phong khí nhà Thiền rất là vắng lặng. Cái tuệ giác ở năm trăm về trước, có tân thanh này lại phát huy. Vì vậy, các đệ tử tôn ông làm tứ Tổ, điều đó không có gì quá đáng”[2]. Sự thật không phải thế, sau khi Huyền Quang viên tịch, dòng thiền Trúc Lâm vẫn tiếp tục truyền thừa với những gương mặt tiêu biểu khác.

2. Các thành tố hình thành và truyền thừa Thiền phái

Theo các nhà nghiên cứu tôn giáo, một tôn giáo, đạo giáo hình thành phải đầy đủ các thành tố: Giáo chủ, tôn chỉ, hệ thống giáo lý, tín đồ - hình thức nghi lễ [3] . Thiền phái Trúc Lâm ra đời được thiết kế theo mô hình chung như thế. Vấn đề là các thành tố đó vận hành như thế nào để có một lịch sử kế thừa lâu dài.

2.1. Vị Giáo chủ:

Tam Tổ thực Lục ghi rằng Trần Nhân Tông ra đời như là một vị Phật gắn liền huyền sử là vừa sinh ra màu da như vàng rằng, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật.Vai phải vua có nốt ruồi đen như hạt đậu lớn, người biết xem tướng nói đứa bé này ngày sau có thể gánh vác việc lớn.[4] Đại Việt sử ký tòan thư cũng ghi nhận tương tự như thế. Các dữ kiện đó nhằm chứng minh Trần Nhân Tông là một vị Phật Đại Việt. Từ khi xuất gia đến lúc ngộ đạo, Trần Nhân Tông hoằng hóa độ sanh chẳng khác gì đức Phật Thích Ca. Trần Nhân Tông giã từ Hoàng cung vào núi Yên Tử, tắm gội ở Ngự Dội lên ngồi dưới gốc tùng tư duy thiền định, bừng sáng trí tuệ. Sau đó, Nhân Tông đã cùng hai môn đệ là Pháp Loa và Huyền Quang đi thuyết pháp ở chùa Sùng Nghiêm, Siêu Loại, sau khi viên tịch xá lợi của ông cũng được thờ ở tháp Huệ Quang được tổ bằng một nghi lễ trang trọng với số lượng tín đồ rất đông vừa đi vừa đọc kinh thể hiện niềm tin của Phật tử đối với vị giáo chủ.

Rõ ràng, quần chúng Phật tử nước ta thời đó đã tôn xưng Trần Nhân Tông là Phật Biến Chiếu Tôn. Nhưng điều đáng nói Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ là “hiện thân của Phật Đại Việt với nhiều đường nét riêng biệt, phong cách riêng biệt, phong cách riêng biệt khác khác với tông phái Thiền tông khác. Nó không phải là chi nhánh Phật giáo từ bên ngoài vào, nó bắt nguồn tại chỗ, tức từ một vị Phật đầu thai, thuyết pháp, giáo hóa cứu vớt chúng sanh” [5].

thien_phai_truc_lam_02-content2.2. Tôn chỉ Thiền phái

Tôn chỉ của Thiền phái Trúc Lâm hẳn nhiên là kiến tánh thành Phật như các Thiền phái. Điểm khác biệt là thiền phái Trúc Lâm xuất phát từ nhận thức Phật ở trong lòng, do đó ai cũng có thể thành Phật ngay giữa cõi đời này. Một chủ trương như thế, bất cứ ai cũng trở thành thành viên của Thiền phái để chuyển hóa thân tâm và đóng góp tích cực cho đời. Đoàn Thị Thu Vân trong bài Tuệ Trung Thượng sĩ và Thiền phong đời Trần [6] cho rằng tinh thần bài kệ kết thúc bài Cư Trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”

(Cư trần vui đạo hãy tùy duyên,

Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền.

Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm,

Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền.) [7] 

cũng là tôn chỉ của Sơ Tổ và là tư tưởng nhất quán của Thiền phái được thể hiện qua bốn điểm: 1. Hãy nên sống hòa mình với đời, không câu chấp. 2. Hành động tùy duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên. 3. Tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực. 4. Không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù Thiền hay Phật”. Để được như vậy, các nhà tư tưởng Thiền phái đã có cả quá trình hoạt động và đúc kết từ thực tiễn trong tiến trình hình thành tư tưởng Cư trần lạc đạo đi từ tùy tục của Thường Chiếu, rồi đến biện tâm của Trần Thái Tông chuyển qua hòa quang đồng trần của Thượng sĩ sau cùng là tùy duyên lạc đạo của Trần Nhân Tông. [8]

Trần Nhân Tông đã chủ trương nhập thế tích cực như một cương lĩnh đường lối hoạt động của Thiền phái mà Cư trần lạc đạo phú ghi nhận:

“Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc

Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật đồ công” [9]

Trúc Lâm khuyến cáo bất cứ ai sống giữa đời thế tục mà tạo ra phúc đức để độ mình độ người mới đáng trân trọng. Còn ở ẩn giữa rừng núi mà không giác ngộ, không giúp đời thì thật đáng trách. Chính tư tưởng này làm lịch sử truyền thừa Thiền phái có dấu ấn lớn với những đại biểu xuất sắc thừa kế bao gồm tại gia và xuất gia sau này. Chính bản thân Trần Nhân Tông sau khi xuất gia và hóa đạo nhưng bao giờ cũng lo việc nước việc dân trong giai đoạn vua Trần Anh Tông trị vì. Bằng chứng sự kiện gả Công chúa Huyền Trân và sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào cương thổ Đại Việt, ai dám bảo không có sự đạo diễn của bàn tay Sơ Tổ Trúc Lâm.

Có điều khi Diệu Trạm viết lời tựa Tam Tổ thực lục, ông muốn đề cao việc xuất gia học đạo của Trần Nhân Tông đã mạnh tay hạ bút “Một vị là bậc Pháp vương trị vì xã tắc, bỏ ngôi báu, vào cửa Thiền, quên mình vì Đạo, vừa mong đem thiền cơ thù ứng, hiển nhiên gương sáng không mờ”[10] khiến sau này có ý kiến Trần Nhân Tông khi xuất gia không còn tích cực nhập thế, không còn tham gia việc thế tục. Trần Lê Sáng trong bài “Tìm hiểu văn phú thời Trần Hồ” đã viết “…Nhưng thắng giặc không bao lâu, Trần Nhân Tông nhường ngôi choTrần Anh Tông để đi tìm một cuộc sống tĩnh tại trong cảnh tu hành, trở thành ông Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm và gửi hơi thở cuối cùng ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử tĩnh mịch” và tác giả còn khẳng định:“Ông muốn dứt bỏ những bận rộn thường tình của xã hội để tìm lẽ huyền vi chi phối cuộc sống con người”[11]. Thực tế, nhân tố quyết định tính truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm là tính nhập thế tích cực trong tinh thần Cư trần lạc đạo.

2.3. Hệ thống giáo lý

Để tính nhập thế được vận dụng tích cực trong đời sống đạo nhằm tạo ra một đời sống hạnh phúc cho dân chúng, Trần Nhân Tông lại chủ trương xây dựng hệ thống giáo lý Thiền - Giáo song hành. Trong buổi lễ truyền trao y bát và ấn chứng cho Pháp Loa làm đệ nhị Tổ kế thừa thiền phái Trúc Lâm, Nhân Tông đã trao 20 hộp nhỏ Kinh điển Phật giáo, cùng một trăm hộp Kinh điển ngoại thư và dặn dò phải mở rộng việc học nội điển như ngoại điển, đúng như Tam Tổ thực lục ghi một cách cụ thể:

“Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), Sư phụng mệnh nối dòng pháp, trú trì Cam Lộ Đường chùa Siêu Loại. Mở đầu buổi truyền thừa Tổ vị, Điều ngự cho tấu đại nhạc, đốt danh hương, dẫn Sư lễ Tổ đường, rồi ra điểm tâm. Sau khi điểm tâm, Điều ngự lại sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập họp đại chúng tại pháp đường. Lúc bấy giờ vua Anh Tông ngự giá đến chùa, vì vua là đại thí chủ của Phật pháp nên khi phân ngôi chủ khách, vua đứng vào vị trí khách tại pháp đường, còn Thượng tể thì hướng dẫn các quan đứng dưới sân. Điều ngự lên tòa thuyết pháp, giảng xong buớc xuống đỡ Sư lên tòa, Điều ngự đứng đối diện chấp tay thăm hỏi. Sư đáp lễ xong, liền nhận pháp y mặc vào. Điều ngự liền bước sang một bên, ngồi trên giường khúc lục, nghe Sư thuyết pháp. Rồi đem chùa Siêu Lọai của Sơn môn Yên Tử giao cho Sư, bảo phải kế vị trú trì, làm Tổ thứ hai thiền phái Trúc Lâm. Lại đem trăm hộp kinh sử ngoại điển và hai mươi hộp Đại tạng cỡ nhỏ viết bằng máu trao cho Sư để mở mang sự học nội và ngoại” [12].

Chủ trương Thiền phái là đào tạo ra những mẫu người dân Phật tử kế thừa tông phong phải được giáo dục toàn diện mới đáp ứng nhu cầu lịch sử đặt ra. Đó là xây dựng và phát triển Đại Việt trở nên hùng cường thì Phật giáo mới hưng thịnh. Kinh nghiệm và truyền thống giáo dục Phật giáo là văn tư tu theo tinh thần “Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” rất thoáng mở, xem mọi kiến thức ở đời đều là Phật pháp từ lâu được vận dụng trong khuôn viên nhà chùa. Khi đất nước chưa có hệ thống giáo dục đào tạo theo trường lớp, thì nhà chùa trở thành nhà trường, nơi đó dạy đủ các môn học mà con người cần phải học.

Chính lẽ đó, chúng ta không ngạc nhiên gì khi nước nhà độc lập, một ông vua Phật tử Lý Thánh Tông chủ động sáng lập trường Đại học đầu tiên Quốc Tử Giám vào năm 1076 để đào tạo con người phục vụ đất nước và đạo pháp, về sau Trần Thái Tông đã thắng thắn phát biểu trong “Thiền tông chỉ nam tự” sự đào tạo và giảng dạy đó thực chất là “Phương tiện dụ quần mê, đường tắt tỏ sanh tử, là đại giáo của đức Phật ta. Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai, là trọng trách của bậc tiên thánh” [13].

Một người Phật tử không chỉ học kinh điển Phật giáo mà còn phải những môn học khác ngoài Phật giáo mới đủ tri thức vận dụng thực tiễn các nhu cầu con người đặt ra trong cuộc sống đời thường. Cũng trong “Thiền tông chỉ nam tự, Trần Thái Tông còn nói rõ giáo pháp của đức Phật ta, lại nhờ vào thánh nhân xưa để truyền lại cho đời” [14] điều đó phản ánh chính văn hóa giáo dục của Đại Việt luôn ý thức sử dụng Nho giáo như là một công cụ phục vụ lợi ích quốc gia và Phật giáo.

Việc Trần Nhân Nhân Tông trao cho đệ nhị Tổ trăm hộp kinh sử ngoại điển cùng với 20 hộp nhỏ Đại tạng kinh và dặn dò mở rộng việc học bên trong và bên ngoài Phật giáo là nhằm thực hiện xã hội hóa, nâng cao trình độ dân trí sau này. Nội dung học thuật chứa đựng trong một trăm hộp ấy chắc chắn là chứa đựng nhiều kiến thức của các lĩnh vực khác nhau được nhà Phật xếp vào kiến thức thuộc các học ngoại điển. Đây là tôn ý của Nhân Tông muốn Pháp Loa đủ kiến thức Phật học và ngoại điển để đào tạo ra những người thừa kế Thiền phái đủ sức gánh vác các Phật sự khác nhau của đạo cũng như đời. Nếu không như thế, Phật giáo chỉ biết đào tạo cho xã hội những con người chuyên tu hành giảng kinh, ngồi thiền và làm các công khác xoay xung quanh khuôn viên nhà chùa mà không tham gia hoạt động gì cả cho xã hội.

Chính nhờ chủ trương như thế, trong thời gian Pháp Loa làm đệ nhị Tổ, học thuật Phật giáo được chú trọng. Ngoài việc tổ chức quy y, thọ giới, xây chùa tiến hành sao chép, dịch thuật, chú sớ Đại tạng kinh. Chú ý nhất là tháng 12, Pháp Loa kêu gọi tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại tạng kinh hơn 5000 bản. Riêng bản thân Pháp Loa cũng nghiên cứu và sáng tác nhiều bản kinh thuộc hệ thống kinh điển Đại thừa như: Tham thiền kỷ yếu, Kim cương trùng đà la ni kinh khoa chú, Niết bàn đại kinh khoa sớ, Pháp Hoa kinh khoa sớ, Lăng Già tứ quyển khoa sớ, Bát nhã tâm kinh khoa sớ, Hưng vương hộ quốc nghi quỷ, Pháp sự khoa văn và Độ môn trợ thành tập. Hẳn nhiên Pháp Loa cũng là nhân vật được giới Phật giáo và các thành phần khác trong xã hội mời thuyết giảng kinh điển Đại thừa, nhất là được mời giảng kinh Hoa Nghiêm. Đây chính là một trong những điểm mạnh của Thiền phái Trúc Lâm, sau này Thích Thanh Từ trong một bài viết về “Nhận định những ưu khuyết của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” đã có ý kiến đánh giá rất cao về vấn này như sau: “Thiền phái Trúc Lâm không cực đoan như một số Thiền phái Trung Hoa. Những Thiền phái cực đoan cho rằng người tu thiền không được giảng học kinh điển vì lẽ làm tăng kiến giải, trở ngại ngộ đạo. Trái lại thiền phái Trúc Lâm vừa tu thiền vừa học kinh điển”[15].

Như vậy, việc diễn giảng, học tập kinh điển đã được nâng lên thành một hệ thống giáo lý của Thiền phái. Trong đó kinh Hoa Nghiêm được các nhà khai sáng Thiền phái chú trọng, cụ thể Trần Nhân Tông đã có bài kệ đọc cho Bảo Sát trước lúc viên tịch mang nội dung tư tưởng kinh Hoa Nghiêm:

“Nhất thiết pháp bất sinh,

Nhất thiết pháp bất diệt.

Nhược năng như thị giải,

Chư Phật thường hiện tiền,

(Tất cả các pháp không sinh.

Tất cả pháp không diệt.

Nếu hiểu được như vậy,

Chư Phật thường hiện tiền) [16].

Kinh Hoa Nghiêm là bản kinh Đại thừa, có tên gọi đầy đủ là Đại phương quảng Hoa Nghiêm kinh, được đức Phật thuyết giảng sau khi mới Thành đạo trong thời gian 21 ngày đêm “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật”, xuất phát từ An Độ và có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam từ thời Lý Trần trở về sau.

Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh có ý nghĩa cao siêu, mầu nhiệm nhất trong các bộ kinh Đại thừa Phật giáo. Bản kinh không chỉ khái quát thế giới vũ quan, nhân sinh quan mà phô diễn về một thế giới mầu nhiệm. Nó trình bày về thế giới trùng trùng duyên khởi của vạn pháp. Nghĩa là, mọi sự vật vũ trụ vạn hữu trùng trùng do nhân duyên hòa hợp mà thành. Trong đó, mọi sự vật trong vũ trụ từ nhỏ cho đến lớn đều nương tựa vào nhau, dung thông nhau, ảnh hưởng tác động qua lại mà hình thành phát triển tồn tại. Mỗi pháp đều tồn tại trong mối tương quan với các sự tồn tại khác. Mỗi pháp không có sự tồn độc lập và cũng không biệt lập mà hiện hữu, nên gọi là trùng trùng duyên khởi. Bước vào thế giới Hoa Nghiêm là bước vào thế giới “Sự sự vô ngại pháp giới’ được diễn trình qua bốn giai đoạn “Lý pháp giới, Sự pháp giới, Lý-Sự vô ngại pháp giới, Sự sự vô ngại pháp giới”. Điều đó có nghĩa không ai có thể sống một mình mà không có mối liên hệ bên ngoài nào khác.

Cũng theo nguyên lý này, bản kinh đã lý giải tại sao Thiện Tài Đồng Tử phải trải qua 53 lần tham vấn của mình trong cuộc hành trình tìm cầu chân lý. Nội dung tham vấn đề cập đến vấn đề đời sống thế tục con người đến thế giới tâm linh mà con người chứng đạt trong lý Duyên khởi. Xuất phát từ sự nhận thức về tư tưởng Hoa Nghiêm như thế, tư tưởng Cư trần lạc đạo lại càng thêm sáng tỏ trong nhận thức người Phật tử Đại Việt, tạo thành một lối sống mới trong đời sống sinh hoạt cộng đồng Phật giáo.

Thực chất đời sống mới này được xuất phát từ khi Thường Chiếu đưa ra chủ trương tùy tục khi ông đặt vấn đề với Thần Nghi:“Ngươi thấy được ai là kẻ không tùy tục nào?”; Thần Nghi “Bồ Đề Đạt Ma là một. Ông ta không chết mà chỉ lướt biển trở về An độ”. Thường Chiếu: “Đó chỉ chẳng qua là chuyện chó sủa bóng thôi”. Thần Nghi hỏi: “Vậy Hòa thượng có tùy tục không? Thường Chiếu nói: “Ta cũng tùy tục”. Thần Nghi hỏi: “tại sao như thế?”Thường Chiếu trả lời: “Để cho giống kẻ khác”[17]. Do đó, dưới tác động của tư tưởng Hoa Nghiêm, Thường Chiếu đặt mọi sinh hoạt Phật giáo của mình trong mối một liên hệ chung của cộng đồng, trong một bối cảnh lịch sử thời đại.

thien_phai_truc_lam_04-contentTheo Lược dẫn thiền phái đồ trong Thượng sĩ ngữ lục thì Thường Chiếu có ba đệ tử là thiền sư Hiện Quang, Thần Nghi, cư sĩ Thông Thiền. 

Thông Thiền là một trong những nhân vật Cư sĩ thiền gia xuất sắc lập nên Thiền phái Yên Tử, tông môn của Trúc Lâm. Giai đọan này do ảnh hưởng của tư tưởng Hoa Nghiêm và thuyết tùy tục, các gương mặt Cư sĩ thiền gia xuất hiện làm rực sáng tông môn Trúc Lâm như Ứng Thuận, sau đó là Tuệ Trung đề cập đến quá trình học đạo của Thiện Tài Đồng Tử:

“Thế gian nghi vọng bất nghi chơn

Chân vọng chi tâm diệc thị trần

Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn

Hảo tham Đồng Tử đối tiền nhân” [18]

(Người đời ưa vọng chẳng ưa chơn

Chân vọng tâm kia cũng là trần

Cốt muốn nhảy thẳng lên bờ ấy

Hãy tham Đồng Tử đang có đây) [19]

Rõ ràng, xuất phát từ kinh Hoa Nghiêm, Tuệ Trung đưa ra các phạm trù đối lập trong tư tưởng giữa có và không, chân và vọng, thị và phi… hai mặt của vấn đề, chúng tồn tại và phát triển trong mối tương quan tương duyên. Đây là cơ sở lý luận giúp cho Thiền phái Trúc Lâm giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống sinh hoạt Phật giáo và liên hệ đến các vấn đề quốc gia đại sự. Nó trở thành lý thuyết giá trị có hệ thống giúp cho các nhà lãnh đạo quốc gia Đại Việt bấy giờ có một cái nhìn liên hệ tuơng quan tương duyên cùng nhau tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Kết quả Thiền phái Trúc Lâm ra đời và thể nhập vào đời sống sinh hoạt chung cả dân tộc. Từ đây, Thiền phái này có một sự liên hệ chặt chẽ mọi thành phần trong xã hội, tạo ra sức mạnh đòan kết toàn dân, với hào khí Đông A hào hùng trong lịch sử của dân tộc.

 

thien_phai_truc_lam_05-content2.4. Tín đồ – Nghi lễ truyền thừa

Chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo, số lượng tín đồ Phật tử trở thành thành viên Thiền phái Trúc Lâm đông đảo như vậy. Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều là những vị thầy có đệ tử tại gia, xuất gia với con số hàng nghìn người được quy y, thọ giới Bồ tát tại gia hay xuất gia. Pháp Loa là người chủ trương phát triển Giáo hội Trúc Lâm có tổ chức hệ thống quy cũ đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Theo Nguyễn Lang ghi trong Việt Nam Phật giáo Sử luận thì do số lượng Tăng Ni đông quá, cứ mỗi lần tổ chức thọ giới thì phải thải ra hàng nghìn người; tuy vậy, “tính đến năm 1329, số tăng sĩ đã được xuất gia trong những giới đàn do Giáo hội Trúc Lâm tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên 15000 vị”. Số lượng xuất gia này là đã có sự hạn chế, ba năm mới tổ chúc một lần, mỗi giới đàn chỉ giới hạn 3000 tăng ni. Những vị đệ tử xuất sắc của Pháp Loa là Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn, Hoằng Tế, Huyền Giác, Quế Đường, Cảnh Ngung… Các nghi lễ truyền thọ Tỷ kheo, Bồ tát, Tam quy ngũ giới cho các vị Hoàng tộc, Phật tử tại gia tổ chức thường xuyên. Các buổi khoá niệm cầu an, cầu siêu chẩn tế cũng được tổ chức, gọi là “Diệm khẩu thí pháp hội”, có nghĩa là những đại hội về Phật pháp để bố thí cho loài quỷ đói. Pháp này bày ra để thực hiện giáo nghia từ bi, lợi lạc quần sinh. Năm 1320, Pháp Loa tổ chức trai đàn chẩn tế ở chùa Phổ Ninh trong cung để cầu cho thượng hoàng Anh Tông sống trường thọ. Việc biên soạn khoa nghi Du già, Phật giáo pháp sự đạo tràng công cách thức ấn hành vào năm 1299 là nhằm mục đích thu hút tín đồ tham gia học đạo và hành đạo. Bên cạnh đó, các cuộc đại tham thuyết giảng về thiền thường xuyên được tổ chức theo một nghi thức trang trọng. Mở đầu là phần niêm hương, kế đó là thiền sư đăng toà, có lời sách tấn tu học và sau đó trả lời các câu hỏi của các thiền sinh đưa ra. Việc xây chùa, dựng tháp, tàng kinh, đúc tượng phục vụ cho việc hoằng pháp độ sinh qua các Phật sự thực hiện các nghi lễ thiền giáo, thuyết pháp cho Thiền phải được chú trọng heơn bao giờ hết.

Có thể nói từ khi Thiền phái Trúc Lâm chính thức đi vào hoạt động từ Trần Nhân Tông trở về sau thì văn hóa Đại Việt trở nên đậm đà bản sắc dân tộc. 

3. Các ý kiến khác nhau về sự truyền thừa Thiền phái 

Sau khi Pháp Loa viên tịch vào năm 1330, theo Tam Tổ thực lục thì vị kế thừa đệ tam Tổ là Tôn giả Huyền Quang. Sách này công lớn là do Tính Quảng và Ngô Thì Nhậm tập hợp các tài liệu để viết về Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đây lịch sử Thiền phái Trúc Lâm truyền bá rộng rãi, nhưng chỉ tập trung đề cập đến ba vị Tổ này. Tuy nhiên, thực tế dòng thiền này không chỉ giới hạn ở ba vị Tổ mà sau Huyền Quang tịch năm 1234, còn có các đệ tử khác của Pháp Loa như Cảnh Huy, Cảnh Ngung, Huệ Chúc, Kim Sơn là những người chỉ cách Pháp Loa bốn năm.

Cũng theo sách Tam Tổ thực lục ghi nhận thì Huyền Quang thụ giới với Pháp Loa. Nói như thế, Huyền Quang là đệ tử của Pháp Loa với chi tiết: “Lúc Tổ theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phụng Nhãn, thấy Quốc sư Pháp Loa đang hành đạo, liền nhớ lại chuyện xưa, bùi ngùi than rằng; ‘Làm quan lên Bồng Đảo, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là Tiên, cảnh giới Tây phương là Phật. Phú quý vinh hoa nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hạ, há nên lưu luyến mãi!’ Nhân đó, dâng biểu đến ba lần xin từ chức để xuất gia học đạo tu hành. Thuở ấy, vua đang tôn sùng Phật giáo, nên người chấp nhận. Khi được phép vua, Tổ liền thọ giáo với thiền sư Pháp Loa, được pháp hiệu là Huyền Quang” [20]. Ý kiến của Thích Phước Sơn ở phần chú thích sau phần dịch đoạn này là “Ở đây nói Huyền Quang thọ giáo với Pháp Loa là sợ lầm. Theo bản tiểu sử của Pháp Loa thì Huyền Quang là đệ tử của Bảo Phác ở chùa Vũ Ninh”[21].

Đồng quan điểm với Thích Phước Sơn, Nguyễn Lang trong “Việt Nam Phật giáo sử luận” cũng bác bỏ quan điểm Huyền Quang là đệ tử của Pháp Loa với lời biện giải khá lý thú và có cơ sở là do: “Người chép truyện nghĩ rằng Huyền Quang, người kế vị Pháp Loa phải được xuất gia theo học Pháp Loa. Thực ra, năm ông xuất gia với thiền sư Bảo Phác thì Pháp Loa mới xuất gia được một năm, làm gì đã được ‘thuyết pháp’ ở chùa Vĩnh Nghiêm, làm gì được danh hiệu Quốc sư. Mãi đến năm sau, 1036, Pháp Loa mới được lập làm giảng sư ở chùa Siêu Loại. Huyền Quang xuất gia sau Pháp Loa chỉ có một năm. Thiền sư Bảo Phác hồi đó ở núi Vũ Ninh, chưa được suy tôn Quốc sư. Có lẽ Huyền Quang đã thọ giới sa di tại chùa Vũ Ninh do Bảo Phác trú trì. Năm 1036, khi Pháp Loa được lập làm giảng sư chùa Siêu Loại, Bảo Phác có đem Huyền Quang về dự lễ này. Trúc Lâm gặp lại Huyền Quang trong hình thái tăng sĩ rất mừng, biết Huyền Quang là văn tài, liền đề nghị Bảo Phác để Huyền Quang tùy tùng Trúc Lâm trong cuộc sống hành đạo. Huyền Quang chỉ được đi theo học đạo với Trúc Lâm và phụ tá cho Trúc Lâm trong hai năm, bởi vì cuối 1308 thì Trúc Lâm đã nhờ Huyền Quang soạn những sách sau đây để lưu hành trong Giáo hội Trúc Lâm: Chư phẩm kinh, Công Văn tập, Thích khoa giáo.” [22]

Căn cứ vào Thánh đăng ngữ lục, Lê Mạnh Thát cho rằng Trúc Lâm đệ tam Tổ phải là Kim Sơn, đệ tử của Pháp Loa. Lê Mạnh Thát viện dẫn: “Kim Sơn là được vua Trần Minh Tông coi là vị thiền sư được ‘cốt tủy của Phổ Huệ’, như Thánh đăng ngữ lục tờ 38b4-5 đã ghi, mà còn được vị vua này suy tôn làm Trúc Lâm tam đại Thiền tổ, khi ông sắp mất vào năm 1358. Thánh đăng ngữ lục tờ 38b7-39a64 viết sự kiện này như sau: ‘Vua sắp băng hà, có kệ trình Kim Sơn nói: Đệ tử ốm bệnh muốn cả tuần. Đêm nằm, ngày uống thuốc, không ăn một hạt cơm, nhưng hạt hạt đều nhai hết. Nều có người hỏi vị nó thế nào thì đáp chẳng có vị gì hết. Nếu có người hỏi vị nó thế nào thì đáp chẳng có vị gì hết, lại xin trình kệ:

“Chứa thuốc muốn trị bệnh,

Không bệnh đâu dùng thuốc.

Nay có cơm không có hạt,

Người không miệng nhai hết”.

Lại viết thư mời Kim Sơn đến tăng phòng Động Tiên xem bệnh”.

Vậy nói tới vị Tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm, ta phải kể tới Kim Sơn, chứ không phải Huyền Quang. Trong các tư liệu hiện còn, trừ sách Tam tổ thực lục ra, không có bất cứ tư liệu nào gọi Huyền Quang là tam đại thiền tổ cả, mà chỉ gọi là “tự pháp”, tức nối dõi dòng pháp của Pháp Loa. Cần chú ý là Niên phổ của Pháp Loa trong Tam tổ thực lục tờ 19a6 đã gọi Pháp Loa là Trúc Lâm đệ nhị đại đại”. Việc vua Trần Minh Tông gọi thiền sư là tam đại thiền tổ, do thế, chính thức coi Kim Sơn là người kế thế dòng thiền Trúc Lâm cho đến ít nhất là năm 1358, khi vua Trần Minh Tông mất. Dòng thiền Trúc Lâm sau cái chết của Huyền Quang năm 1334 vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ dưới sự ngoại hộ của triều đình nhà Trần”. [23]

Nhà Trần vẫn duy trì chính sách phát triển đất nước song hành Phật giáo hưng thịnh sau khi Huyền Quang viên tịch. Các đệ tử đắc pháp với Pháp Loa, Huyền Quang tiếp tục lèo lái con thuyền Thiền phái Trúc Lâm đi sâu đời sống thực tiễn dân chúng. Thậm chí Thiền phái còn được phát triển không chỉ có vị trí trên vũ đài chính trị mà còn có sức sống mạnh mẽ trong lòng dân chúng của một xã hội rộng lớn như Đại Việt vào cuối đời Trần. Nguyễn Khắc Thuần trong Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam đã phát biểu khá khách quan khi ông cho rằng Phật giáo cuối đời Trần vào thế kỷ XV: “Đó đây có ý cho rằng quá trình suy vi của Phật giáo bắt đầu. Thực ra thì không phải như vậy. Phật giáo phát triển, nhưng chỉ phát triển trong lòng xã hội mà thôi…, Lúc này chùa chiền dựng lện khắp nơi. Điều đáng nói là kiến trúc nhà chùa luôn có những quy định mang đặc trưng riêng của chùa, nhưng vượt ra ngoài một số quy định của Phật giáo, chùa Việt vẫn có những nét độc đáo rất dễ nhận biết của chùa Việt… Bấy giờ người xuất gia tu hành ngày một đông. Cũng có lúc nhà nước đứng ra tổ chức đại lễ xuất gia cho hàng loạt người trong khắp cả nước. Trong đông đảo số xuất gia tu hành này, không ít người trở thành các bậc cao tăng, có uy tín rất lớn. Chính uy tín và đức độ của các bậc cao tăng này đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển chung của Phật giáo ở nước ta.” [24]

Nỗ lực của Thiền phái Trúc Lâm bấy giờ, cụ thể là các thiền sư kế thừa đã cho ra đời tác phẩm Tam Tổ thực lục, nội dung sách trình bày lịch sử truyền thừa Thiền phái qua ba vị Tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huệ Quang vào thế kỷ XVIII, công đầu là Tính Quảng và học trò của mình là Hải Lượng Ngô Thời Nhậm. Đó là sự tổng hợp các tư liệu bao gồm phần tiểu sử Trần Nhân Tông trích từ Thánh đăng ngữ lục và một phần cuối sách được trích từ Quốc sử chép việc sư Trí Thông đốt cánh tay khi vua Nhân Tông xuất gia đến lúc vua ngài viên tịch được vào hầu tháp ở núi Yên Tử; còn tiểu sử Pháp Loa thực chất là bản sao Niên phổ của ngài được khắc trên bia tháp Viên Thông năm Nhâm Dần (1326); phần tiểu sử Pháp Loa chính là bản sao lại từ bản Tổ gia thực lục và cuối sách có đoạn chú thích do Trình Tuyền Nguyễn Bỉnh Khiêm trước tác mà theo Thích Phước Sơn khi dịch và chú thích Tam Tổ thực lục thì tự đặt cho nhan đề “Những diễn biến về quyển Tổ gia thực lục” [25] ; cùng một số đoạn văn của các tác phẩm của ba vị Tổ mà ngày nay các chùa còn lưu trữ với cái tên sách là Thiền đạo yếu lược.

Như vậy, sách Tam Tổ thực lục ra đời và được lưu hành rộng rãi càng tạo thêm uy tín Thiền phái, nhất là việc phổ biến lịch sử truyền thừa về ba vị Tổ đầu tiên của Thiền phái. Nó càng được dân chúng tin yêu và tôn vinh Thiền phái khi tác phẩm Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh được xuất bản lần đầu vào năm Cảnh thìn thứ 3 (1795). Cấu trúc sách này gồm có các phần chính sau: Lời tựa sách Đại chân viên giác thanh của Phan Huy Ích, Chân dung của ba vị Tổ Trúc Lâm và Hải Lượng – đại thiền sư Ngô Thời Nhậm, Tam Tổ hành Trạng: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Hai bốn thanh, Thanh tiểu khấu. Điểm đáng lưu ý là trong phần mở đầu sách, sau khi trình bày về tiểu sử ba vị Tổ Thiền phái, Ngô Thời Nhậm viết về bản thân ông và tự xưng là “Trúc Lâm đệ tứ tôn”[26]. Với ảnh hưởng của Ngô Thời Nhậm cùng với các thiền sư Hải âu Vũ Trinh, Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở, Hải Huyền Ngô Thị Hoành, Hải Điền Nguyễn Hữu Đàm xuất thân từ danh gia vọng tộc của thế kỷ XVIII thì hình ảnh Trúc Lâm Tam Tổ càng ăn sâu trong tâm trí người dân Đại Việt.

Thực tế, hệ thống chùa chiền ở miền Bắc hiện nay được xây dựng từ đời Trần trở về sau đều có thờ Tam Tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang và lưu trữ sách Tam Tổ thực lục. Sau này các chùa ở miền Nam có các vị khai sơn xuất thân từ Thiền phái Trúc Lâm cũng thờ Tam Tổ như Chùa Vĩnh Nghiêm, Khuông Việt, Nam Thiên Nhất trụ ở thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt là Hòa thượng Thanh Từ, với chủ trương phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, sau ngày đất nước thống nhất 1975, ngài đã đứng ra tổ chức và xây dựng một loạt một ngôi chùa ở Đồng Nai và Trúc Lâm ở Đà Lạt đều có tôn trí Trúc Lâm Tam Tổ. Điều đó minh chứng sau khi Huyền Quang viên tịch, các đệ tử đắc pháp của Trúc Lâm, trong đó Huyền Quang vẫn là một trong những nhân vật quan trọng đóng vai trò lãnh đạo Giáo Hội.

Có điều hầu hết các sử liệu liên hệ Phật giáo đều ghi nhận Huyền Quang được xem là đệ tam Tổ, nhưng chỉ lãnh đạo ba năm và qua đời. Một số thiền sư khác và Kim Sơn tiếp tục hành đạo, đã nỗ lực cho ra đời Thiền uyển tập anh, bộ lịch sử Phật giáo thiền tông đầu tiên sau Chiếu đối bản của Thông Biện (? – 1134), Chiếu đối lục của Biện Tài và Nam tông tự pháp đồ của Thường Chiếu, Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh như ý kiến Lê Mạnh Thát đề xuất ![27] Tất nhiên chúng ta cũng chẳng thấy sử liệu nào ghi nhận Tứ Tổ Trúc Lâm là ai, chỉ trừ Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh mà Ngô Thời Nhậm tự ghi như đã nói.

Theo Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục được in vào năm 1858 thì sau Huyền Quang là An Tâm, sau đó là Quốc sư Phù Vân, Quốc sư Vô Trước, Quốc sư Quốc Nhất …[28]. Các vị này được triều đình ban tặng danh hiệu Quốc sư, chứ không có ban xưng đệ nhị tứ Tổ, hay ngũ Tổ… Ý kiến Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Trần Nhân Tông cho rằng Kim Sơn có thể là Tam Tổ Trúc Lâm, đó là mỹ hiệu mà Trần Minh Tông gọi ngài trước khi băng hà. Nhưng sử liệu cũng nhận chính vua Trần Minh Tông ban cho Huyền Quang là Trúc Lâm Tam Đại Tự Pháp Huyền Quang tôn giả và cúng dường 10 lạng bạc để xây tháp thờ ngài sau chùa Côn Sơn.

 Đến đời vua Trần Dụ Tông, Thiền phái Trúc Lâm vẫn hoạt động theo tinh thần nhập thế độ đời. Thiền sư Tuệ Tĩnh (1320 -1399) đắc pháp với thiền sư lã sơn tại chùa vân yên núi Yên Tử, công trình của ngài để lại cho hậu thế là Nam dược thần diệu. Khi quân Chiêm Thành dưới sự lãnh đạo của Chế Bồng Nga đã nhiều lần sang đánh thủ đô, thiền sư Đại Tham đã thành lập đội quân xuất gia đánh trả Chiêm Thành vào năm 1381. Thiền sư Thiên Phạm Sư Ôn cùng nhân dân nổi dậy chống lại triều đình khi triều đại Trần Dụ Tông không còn lo cho dân cho nước. Nói như thế, Phật giáo Trúc Lâm bao giờ cũng gắn chặt quyền lợi dân tộc, dân chúng.

Với các dữ liệu trên, phải chăng đây chính là mẫu người Phật giáo Trúc Lâm mà Trần Nhân Tông đưa ra “ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”? Sau đó là các thiền sư Viên Thái, tác giả dịch Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh ra tiếng Việt Quốc âm, rồi thiền sư Pháp Tính đã diễn tác phẩm Cổ Châu Pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục thành thơ cũng là tác giả bộ từ điển Hán Việt xưa nhất hiện còn với cái tên là Chỉ nam học âm giải nghĩa. Theo Lê Mạnh Thát thì thiền sư Pháp Tính trong thời gian tu học đã có điều kiện theo học với Trúc Lâm, tự đề xuất lối chữ Quốc âm dễ học và xác lập văn tự tiếng Quốc âm như văn tự của Thánh Hiền:

“Nói nôm na tiếng thị phi

Đến lập văn tự lại y thánh hiền

Soạn làm chữ cái chữ con

San bản lưu truyền ai đặc thì thông…

Vốn xưa làm nôm xe chữ kép

Gười thiếu học khôn biết khôn xem

Cho người mới học nghỉ xem nghĩ nhuần”[29]

Từ đây, tạo nên phong trào dùng văn tự Quốc âm để sáng tác và trước thuật từ văn chương đến các ngành học khác. Minh Châu Hương Hải (1268 -1715) giải thích kinh điển bằng tiếng Việt Quốc âm, hiện chỉ bốn tác phẩm. Sau đó còn có nhiều tác phẩm nữa được sáng tác theo tinh thần dùng tiếng Việt Quốc Am.

Như vậy, Thiền phái Trúc Lâm đã liên tục kế thừa sau khi Tam tỗ Huyền Quang mất chứ không phải ba đời rồi chấm dứt. Sự kiện Tam Tổ thực lục vào năm 1765, tiếp đến Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, trong phần đầu có đề cập đến Tam Tổ hành trạng được lưu hành, cuối cùng là Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục đườc ấn hành vào năm 1858, tất cả cũng đủ cơ sở dữ lịeu để chứng minh lịch sử truyền thừa thiền phái Trúc Lâm là liên tục mà An Thiền ghi có 23 vị cả thảy:[30] 

thien_phai_truc_lam_06-contentTheo Thiền tông chỉ nam tự thì Trần Thái Tông lên núi Yên Tử vào năm 1236 và gặp “quốc sư Trúc Lâm Đại sa môn. Theo biểu đồ trên thì Hiện Quang là thầy của Đạo Viên, đồng thời Thiền uyển tập anh cũng ghi Hiện quang là thầy của Đạo Viên. Trong khi đó Thiền tông bản hạnh, Đại nam thiền uyển kế đăng lược lục đều ghi Thái Tông là lên yên Tử gặp quốc sư Viên Chứng. Đại Việt sử ký toàn thư ghi vua gặp Quốc sư Phù Vân. Rõ ràng Quốc sư Phù Vân, Viên Chứng, Đạo viên là một người. Người kế thừa Đạo Viên là Đại Đăng. Kế thừa Đại Đăng theo biểu đồ trên thì phải là Tiêu Dao. Nhưng theo Thượng sĩ ngữ lục ghi Tiêu Dao là học trò đắc pháp với cư sĩ Ứng Thuận, Tiêu Dao còn là thầy của Tuệ Trung. Do đó, Tiêu Dao không phải là đệ tử của Đại Đăng như biểu đồ ghi. Kế thừa Tiêu Dao là Huệ Tuệ, nhưng theo Lược dẫn thiền phái đồ thì không có ghi tên nào là Huệ Tuệ cả.

Cũng theo cách suy diễn trường hợp Đạo Viên,Viên chứng, Phù Vân, chúng ta cũng có thể đồng nhất Huệ Tuệ với Tuệ Trung. Lại theo biểu đồ trên thì Trần Nhân Tông là người kế thừa Huệ Tuệ, có nghĩa là kế thừa Tuệ Trung. Điều này là hợp lý vì trong sử liệu Thượng sĩ hành trạng ghi Trần Thánh Tông đã tôn Tuệ Trung làm sư huynh và giao con mình là Trần Nhân Tông làm đệ tử. Và Trần Nhân Tông đã thừa nhận bản thân đã đắc pháp với Tuệ Trung vào năm 1278 như trong Thượng sĩ hành trạng ghi rõ. Sau Nhân Tông là Pháp Loa và Huệ Quang không có gì để bàn.

Như vậy, sự kế thừa theo biểu đồ mà An thiền đưa ra là khá hợp lý. Mười lăm đời còn lại là kể từ khi Huyền Quang viên tịch cho đến Vô Phiền (1200 – 1700), Truyền thống kế thừa Yên tư vẫn được các đệ tử Trúc Lâm kế tục. Sau Vô Phiền là những thiền sư nào kế thừa, bấy giờ sử liệu không đề cập đến. Có điều trong sự truyền thừa này, ba gương mặt có tầm ảnh hưởng lớn và tác động mạnh mẽ vào việc hình thành và phát triển Thiền phái cho đến hôm nay phải nói là Trúc Lâm Tam Tổ, đúng như Thiền tông bản hạnh ca ngợi:

 “Điều ngự, Pháp Loa Huyền Quang

Tam vị Phật tổ Nam bang Trần Triều” [31]

Tóm lại sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm có tác động mạnh mẽ với lịch sử dân tộc và Phật giáo và được kế thừa cho đến ngày nay. Thiền phái này không chỉ do người Việt Nam sáng lập mà còn là kết quả của quá trình phát triển tất yếu của lịch sử Phật giáoViệt Nam. Với những sắc thái riêng biệt về lý luận và tính thực tiễn của nó, thiền phái đã hoạt động rộng rãi trong mọi xã hội qua các triều đại lịch sử để đáp ứng nhu cầu lịch sử từng thời giao phó. Mục đích của thiền phái nhằm xây dựng con người giải thoát ngay tại cõi đời này và hết lòng phục vụ đạo pháp và dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

 Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24. 10. 2006



 [1] Nguyễn Duy Hinh, “Tìm hiểu ý nghĩa xã hội của Thiền phái Trúc Lâm”  trong sách Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, 1981 tr. 649 -650.

 [2] Ngô Thời Nhậm, Tác phẩm, tập III, Kim mã hành dư, Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh, (Mai Quốc Liên chủ biên) Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nhà xuất bản Văn học, 2002, tr.142.

[3] Minh Chi, Tôn giáo học, phần 1, Lý thuyết Tôn giáo học, Học viện Phật giáo Việt Nam, (lưu hành nội bộ) năm 2001, tr. 33.

[4] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, tr 33. 

[5] Nhiều tác giả, Tìm hiểu Xã hội Lý Trần,Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 1981, tr. 655.

[6] Viện Khoa học Xã hội, TTNCHN, Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr. 24.

[7] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH – HàNội, 1989, tr. 510.

[8] Viện Khoa học Xã hội, TTNCHN, Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr. 24.

[9] Viện Văn học, Thơ Văn Lý Trần, tập II,. Nhà Xuất Bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1989, tr. 506.

[10] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, tr 12.

[11] Trần Lê Sáng, “Tìm hiểu văn phú thời Trần Hồ”, trong Tuyển tập 40 năm tạp chí Văn học, 1960 – 1999, tập II, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, tr 231 -232.

[12] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, tr 40 - 41.

[13] Trần Thái Tông, Khóa Hư Lục, Thích Thanh Kiểm, (dịch) Thành Hội Phật Giáo Hồ Chí Minh 1997, tr 52.

[14] S đd, tr 52

[15] Nhiều tác giả, Thiền học đời Trần, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1995, tr. 212

[16] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, tr. 33

[17] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nhà Xuất Bản Lá Bối 1974, tr. 224.

[18] Viện Văn học, Thơ Văn Lý Trần, tập II, Nhà Xuất Bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1989, tr 231.

[19] Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ lục (Thích Thanh Từ giảng giải),Thiền Viện Thường Chiếu, tr 485.

[20] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, tr, 80.

[21] Sđd tr, 80.

[22] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nhà Xuất Bản Lá Bối 1974, tr. 224.

[23] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 326 -327.

[24] Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam,  tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2000, tr 114 -116.

[25] Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, tr 90.

[26] Ngô Thời Nhậm, Tác phẩm, tập III, Kim mã hành dư, Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh, (Mai Quốc Liên chủ biên) Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nhà xuất bản Văn học, 2002, tr. 297.

[27] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 335.

[28] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nhà Xuất Bản Lá Bối 1974, tr. 219

[29] Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần NhânTông, Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr, 347.

[30] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nhà Xuất Bản Lá Bối 1974, tr.219.

[31] Chân Nguyên, Thiền tông bản hạnh (Thích Thanh Từ giảng giải) , Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 1988, tr. 242.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO 

  1. Minh Chi, Tôn giáo học, phần 1, Lý thuyết Tôn giáo học, Học viện Phật giáo Việt Nam, (lưu hành nội bộ) năm 2001.
  2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
  3. Kinh Hoa Nghiêm (8 quyển), (Thích Trí Tịnh dịch), THPG.TP.HCM, 1995.
  4. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nhà Xuất Bản Lá Bối, 1974.

5. Ngô Thời Nhậm, Tác phẩm, tập III, Kim mã hành dư, Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh, (Mai Quốc Liên chủ biên), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – Nhà xuất bản Văn học, 2002

  1. Chân Nguyên, Thiền tông bản hạnh (Thích Thanh Từ giảng giải), Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 1988.
  2. Nhiều tác giả, Thiền học đời Trần, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1995.
  3. Nhiều tác giả, Tìm hiểu Xã hội Lý Trần, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 1981.
  4. Trần Lê Sáng, “Tìm hiểu văn phú thời Trần Hồ”, trong Tuyển tập 40 năm tạp chí Văn học, 1960 – 1999, tập II, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999.
  5. Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995.
  6. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh, 1999.
  7. Trần Thái Tông, Khóa Hư Lục, Thích Thanh Kiểm, (dịch) Thành Hội Phật Giáo Hồ Chí Minh, 1997.
  8. Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử Văn hóa Việt Nam, tập II, Nhà Xuất Ban Giáo Dục, 2000.
  9. Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ lục (Thích Thanh Từ giảng giải), Thien Viện Thường Chiếu, 1997.
  10. Thượng sĩ ngữ lục, Lý Việt Dũng dịch giải, Nhà Xuất bản Cà Mau, 2003.
  11. Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981.
  12.  Viện Khoa học Xã hội, TTNCHN, Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr. 24.
  13. Viện Văn học, Thơ Văn Lý Trần, tập II, Nhà Xuất Bản Khoa học Xa hội, Hà Nội, 1989.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn