Nhật Bản Trong Lòng Tôi

03 Tháng Chín 201514:41(Xem: 5499)

NHẬT BẢN TRONG LÒNG TÔI
Hòa Thượng Thích Như Điển
Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc

LỜI NÓI ĐẦU

Quyển sách thứ 64 nầy tôi bắt đầu viết vào ngày 6 tháng 6 năm 2014 nhằm ngày mồng chín tháng năm năm Giáp Ngọ tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, nhân mùa An Cư Kiết Hạ tại đây. Trong đầu đang dự định là mỗi năm sẽ viết một cuốn về nước Nhật, nước Đức, nước Úc, nước Mỹ v.v… để giới thiệu với quý độc giả xa gần, nhất là những vị nào chưa có cơ duyên đi và đến cũng như ở tại các nơi ấy nhiều năm tháng, thì đây là những quyển sách nhằm giới thiệu một khía cạnh nào đó dưới cái nhìn chủ quan của Tác giả, chưa hẳn đã đúng toàn diện. Tuy nhiên, muốn hoàn thành một việc lớn, không thể thiếu những ý niệm lúc ban đầu, dầu cho việc ấy có nhỏ nhiệm đến đâu đi chăng nữa, nhiều khi cũng là một vấn đề cần thiết.

Ví dụ như nước Úc; nơi tôi đã có 10 lần cư ngụ, mỗi năm 2 tháng và nếu kể từ năm 1979 đến năm 2014 nầy, suốt trong 35 năm ấy, hầu như năm nào tôi cũng đi Úc ít nhất là một lần, có nhiều năm đi đến 2 lần. Mỗi bận đi và về như vậy bằng máy bay từ Đức qua Úc phải tốn 2 đêm một ngày mới đến và thời gian kể cả chờ đợi, nhiều khi lên đến hơn 30 tiếng đồng hồ. Nếu kể cả vòng đi và về, con số mỗi lần là 34.000 cây số; nghĩa là bằng một vòng tròn của quả đất. Nếu đem nhân con số nầy với 35 năm như vậy, sẽ có số thành là: 1.190.000 Km đường bay.

Đó là chưa kể những chuyến bay thêm trong các năm khác, cần đến việc cho Giáo Hội. Với trên một triệu cây số đường bay của riêng nước Úc và đã có nhiều năm lưu lại Úc nhiều tháng; nên tôi sẽ viết về nước Úc một quyển sách, cũng như viết về Nhật Bản lần nầy vậy. Nếu ai đó có hỏi rằng: Tôi sống ở đâu lâu nhất – thì có thể trả lời là nước Đức. Vì nơi nầy tôi đã dừng chân lại đây từ hơn 37 năm nay (1977-2014). Vì vậy cho nên nước Đức, tôi cũng sẽ quan tâm để viết nên một tác phẩm như vậy, mặc dầu trước đây tôi đã viết quyển “Cảm Tạ Xứ Đức” rồi. Nước thứ hai tôi sống lâu hơn, đó là quê mẹ Việt Nam, trong vòng gần 23 năm; nghĩa là từ khi sinh ra (1949) đến năm 1972 khi tôi từ giã quê mình để sang Nhật Bản du học. Đây là một đề tài không nhỏ, tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành một tác phẩm về quê nhà trong nỗi nhớ ở một tương lai gần. Nước thứ 3, nơi tôi đã sống nhiều năm, đó là Nhật Bản, kể từ đầu năm 1972 đến gần giữa năm 1977. Nghĩa là hơn 5 năm như vậy; nên tôi sẽ có nhiều vấn đề để viết trong tác phẩm nầy.

Còn nước Mỹ, một đại cường quốc trên thế giới ở nhiều phương diện khác nhau như khoa học kỹ thuật, đời sống tự do, văn minh v.v… nơi tôi đã gần 40 lần đi về như vậy và mỗi lần ít nhất là một tuần lễ và nhiều nhất là 2 tháng. Đây cũng là lý do để tôi sẽ hoàn thành một tác phẩm khác.

Ngoài ra Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Canada v.v… nơi tôi đã đi và đã đến nhiều lần, có lẽ sẽ viết về những nước nầy chung một tác phẩm để giới thiệu đến mọi người khắp nơi; nhằm triển khai nhiều phương diện dưới cái nhìn của một người tu, nhằm góp phần vào gia tài văn hóa của nước nhà. Nhiều khi người ta phải tốn thật là nhiều tiền và dành ra rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành những công việc như vậy; nhưng tôi, với một Tăng sĩ bình thường sống cuộc đời phụ thuộc nơi sự cúng dường của đàn na thí chủ mà có được một nhân duyên như vậy, dĩ nhiên là phải có nhiều điều kiện đi kèm. Vậy lý do ấy là gì? Xin quý vị đọc sâu vào nội dung những quyển sách nầy thì sẽ rõ.

Bây giờ ở tuổi 65 (1949-2014) sức khỏe vẫn còn tương đối tốt, tôi cố gắng viết được những gì thì viết, để lại cho đời sau. Vì chẳng ai biết được, ngày mai sẽ như thế nào mà chờ đợi. Vì ngày mai ấy có thật mà cũng chẳng thật. Vì thế giới nầy luôn biến đổi, đâu có khi nào ngừng nghỉ. Nếu chúng ta tự dừng; nghĩa là chúng ta tự làm thoái hóa mình với thời gian và năm tháng. Tôi vẫn còn lễ bái kinh Đại Bát Niết Bàn quyển thứ 2 phẩm Ca Diếp, mỗi đêm trong những mùa An Cư Kiết Hạ từ 300 đến 350 lạy của từng chữ trong kinh, vẫn đứng lên ngồi xuống cho nhịp điệu nầy suốt trong 30 năm tại chùa Viên Giác nầy như vậy; nên tôi sẽ cố gắng hoàn thành những dự tính của mình, khi tuổi đời và sức khỏe còn cho phép.

Nhìn những người già cả, trở nên lú lẫn, nhớ trước, quên sau, rồi cũng phải chạnh lòng để nghĩ đến phận mình chứ! Biết đâu sẽ có một ngày như vậy và ngày ấy dĩ nhiên là tôi không muốn; nhưng nghiệp lực của bao đời còn lại trong dư báo của ngày xưa. Ai biết được!!! Rồi thấy những mầm non của đạo pháp hay tuổi trẻ ngày nay, tôi thấy thương họ nhiều hơn. Vì họ cũng chính là mình, khi hình ảnh của thời trai trẻ lại hiện về khi có dịp để so sánh. Thật ra chúng ta chỉ có một cơ hội duy nhất là củng cố những gì đang có trong hiện tại mà thôi. Vì hiện tại tốt thì tương lai sẽ tốt. Còn quá khứ ư? Quá khứ là những gì đã qua, ta không thể hoán cải được, mà ta chỉ có thể thọ nhận, để biết rằng: Cái nhân trong quá khứ ta đã làm gì, mà hiện tại cái quả ấy ta đang gặt hái đấy!!!

Đạo Phật không mơ hồ. Đức Phật Thích Ca Mâu là một Đức Phật lịch sử, không phải là một Đức Phật thuộc về huyền thoại; nên những gì Ngài dạy, những gì chúng ta thực hành theo sự chỉ bảo ấy, chính là kim chỉ nam để giúp những hành hoạt trong cuộc sống hằng ngày đầy đủ ý nghĩa hơn. Có như vậy chúng ta mới thực sự biết rõ được chân giá trị của thời gian là gì?

Tôi đang sống cũng có nghĩa là tôi đang đi đến chỗ chết. Vì trong tôi có những tế bào đang sinh ra và đồng thời cũng có những tế bào đang hoại diệt. Chính sự sinh diệt, diệt sinh nầy làm cho chúng ta không dừng bước được trong 6 nẻo luân hồi. Ai có đến, tất có đi. Ai có hiện hữu, sẽ có ngày bị tan rã hoại diệt. Khi hiểu được nguyên lý nầy, chúng ta sẽ không than thân trách phận, đổ lỗi cho trời, cho người v.v… mà hãy tự nhìn vào bản thân của mình, để chiêm nghiệm càng thâm sâu bao nhiêu thì càng quý báu bấy nhiêu. Vì chính mình khi quán chiếu như vậy sẽ tự hiểu mình nhiều hơn. Có như vậy tha nhân mới được lợi lạc.

Ý định thì như vậy; nhưng có làm được hay không. Nó cũng giống như lời dạy của một người cha cho con trẻ rằng: “Nếu con không tìm một cơ hội tốt để đi vào đời, thì đời nầy sẽ kéo lê con vào cuộc sống ấy”. Vậy chúng ta nên làm chủ mình hay để cho ngoại duyên làm chủ, đây là một chủ đề mà mỗi người trong chúng ta phải cần quan tâm đến.

Chính mình, không hiểu mình là ai thì làm sao hiểu được người khác một cách chính xác được. Do vậy tất cả mọi phương diện trong cuộc đời nầy nó chỉ có tính cách tương đối, chứ không có tính cách tuyệt đối; ngoại trừ chân lý mà Đức Phật đã tìm ra. Đó là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Chân lý nầy muôn đời vẫn đúng, không sai một mảy may, dầu cho bạn có tin theo Nam Tông, Bắc Tông hay Kim Cang Thừa đi chăng nữa, thì Tứ Diệu Đế vẫn là một chân lý tuyệt vời, không ai và không có không gian hay thời gian nào có thể làm thay đổi được chân lý này.

Bởi vì tất cả chúng ta đều đứng trên nhân sinh quan và tự ngã là cái ta để nói và viết về người khác hay Tôn Giáo khác, nó cũng có giá trị tương đối. Vì ta không là gì cả. Chính vì vậy mà những nhận định hay lập luận của tôi trong bất cứ một quyển sách nào của tôi viết là do sự hiểu biết giới hạn của mình và nó không là kim chỉ nam cho ai cả. Ai muốn chọn tư tưởng nào là tùy ở người đối diện, nhất thiết không có một sự áp bức nào cả; nhất là vấn đề tự do tư tưởng của mỗi cá nhân ngày nay thế giới đã đưa lên hàng đầu trong mọi bản tuyên ngôn về quyền tự do của con người. Đúng hay sai vẫn là một công việc mà các nhà phê bình, phân tích cần quan tâm; nhưng không vì cái sai ấy mà đánh lạc mất vai trò công tâm của tri thức, khi nhìn thấy một vấn đề, chỉ qua nhận thức của mình. Ngay cả cái đúng của ngày hôm nay đã là cái sai của ngày trước; nếu người ấy biết cải tà quy chánh và cái đúng của ngày hôm nay, chưa hẳn là cái đúng của ngày mai, nhất là những thể chế chính trị. Do vậy chúng ta hãy vượt lên trên mọi đối đãi để nhận thức hay phê phán một vấn đề thì giá trị của sự bình luận ấy đáng quan tâm hơn.

Mỗi năm tôi cố gắng hoàn thành một tác phẩm như vậy và những dịch phẩm từ tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật hay chữ Hán, nếu có cơ duyên thích hợp và những tác phẩm đáng được dịch ra Việt ngữ thì tôi cũng sẽ cố gắng. Vì biết rằng: “Dịch cũng chính là phản dịch”, nếu chúng ta hiểu sai ý của tác giả; nhưng nếu không có những viên gạch đơn sơ lót đường, thì làm sao chúng ta có thể có được những tòa nhà cao ốc về sau được. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần như vậy, nên đã cũng như đương và sẽ cố gắng phần của mình để chỉ làm một nhiệm vụ như con tằm nhả tơ, tạo nên những nhung gấm cho cuộc đời. Còn người đời có dùng đến lụa, là, nhung, gấm hay không, thì đó lại là một việc khác nữa.

Những ngày đẹp trời tôi hay đi dạo bên ngoài, sau giờ dùng sáng. Cứ mỗi lần như vậy, nếu có gặp người láng giềng Đức nào đó thì chào hỏi và bắt đầu nói một vài câu chuyện hỏi thăm. Nhiều khi đề tài liên quan đến chiến tranh đệ nhứt, đệ nhị thế chiến hay chiến tranh Việt Nam. Đôi khi đề tài xoay quanh vấn đề đời sống thanh thiếu niên ngày nay tại Đức; hoặc giả những người già của Đức sau khi họ về hưu sẽ sống như thế nào. Có lúc nói về thời tiết, về môi sinh, về việc ăn chay, về niềm tin Tôn Giáo. Nhiều khi họ mời tôi giới thiệu về những rau cải trồng trong Cốc Vô Học nầy. Thế nào là bí đao, thế nào là bầu, là tần-ô, là rau ngò, rau húng, rau diếp cá v.v… Ở Nhật Bản cũng vậy, tôi sống trong chùa Nhật, cho nên những đề tài như vậy vẫn được Hòa Thượng Trù Trì chùa Bổn Lập (Honryuji) tại thành phố Bát Vương Tử (Hachioji) gần Tokyo đề cập đến hằng ngày; nên tôi có cơ hội để nói tiếng Nhật. Nhờ vậy mà ngày nay, mặc dầu đã xa Nhật Bản gần 40 năm; nhưng tôi chưa bao giờ nói lộn giữa tiếng Nhật và tiếng Đức cả. Ơn đức ấy khôn cùng. Cho nên tôi lấy tựa đề của quyển sách nầy là “Nhật Bản trong lòng tôi” là vậy. Ngày xưa khi mới đến Nhật, tôi có viết một tiểu luận bằng tiếng Nhật nhan đề là “Nihon no watashi no me no sita ni” (Nhật Bản dưới mắt tôi). Sau gần 40 năm ở Đức, tôi lấy tựa đề khác hơn xưa để nhớ và nghĩ về nước Nhật ngày xưa cũng như nay. Mong rằng quý vị đọc tác phẩm thứ 64 này sẽ thấy rõ nét được những điều tôi vừa mới trình bày.

Viết tại thư phòng chùa Viên Giác
Hannover, Đức quốc, ngày 6 tháng 6 năm 2014.
Thích Như Điển
(Chùa Viên Giác)

pdf_download_2
Nhat-Ban-Trong-Long-Toi



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn