Nét Đặc Trưng Của Ni Giới Việt Nam Qua Hình Ảnh Ni Sư Diệu Nhân Và Từ Quán

05 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 13841)

Nét đặc trưng của Ni giới Việt Nam
qua hình ảnh Ni sư Diệu Nhân và Từ Quán
Tâm Hương

nigioivn-contentPhật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ và được truyền vào Việt Nam rất sớm nhờ vào công của các thương nhân Ấn Độ: “Phật giáo là một hiện tượng văn hóa nước ngoài, truyền vào Việt Nam từ thời Hùng Vương, khi Việt Nam còn là một nước độc lập có chủ quyền khoảng thế kỷ II-III trước Tây lịch[1]. Phật giáo không phải là một lý thuyết khô cứng mà là một thực tại sống động, một lý tưởng cao đẹp, mang nhiều đặc tính nhân bản như hòa bình, từ bi, khoan dung, trí tuệ, bình đẳng đối với mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, sang hèn.

Sự xuất hiện và chứng đắc của các Tỳ-kheo-ni trong Tăng đoàn Phật giáo Ấn Độ là một tiếng chuông ngân vang, thức tỉnh cho nhân loại biết rằng Phật giáo rất bình đẳng, đức Phật là một bậc Chánh Đẳng Giác. Từ đây mọi người có một cái nhìn khác về vai trò và khả năng của các bậc nữ lưu trong xã hội. Tiếp nối những thành tựu đạt được từ Tỳ-kheo-ni Ấn Độ, dân tộc Việt Nam cũng có nhiều Tỳ-kheo-ni đắc pháp như Ni sư Diệu Nhân, Ni sư Từ Quán, v.v... Tuy nhiên, lịch sử truyền bá Phật giáo của Ni giới Việt Nam rất ít được đề cập trong tất cả các sách vở, tài liệu sử học. Đây thực sự là một sự mất mát vô cùng quan trọng đối với hàng Ni giới, chính vì vậy, bài viết “Nét đặc trưng của Ni giới Việt Nam qua hình ảnh Ni sư Diệu Nhân và Từ Quán” sẽ xoay quanh cuộc đời hành đạo của hai Ni sư. Hình ảnh của hai Ni sư không những chắp cánh cho Ni giới bay xa hơn trong nguồn pháp vô biên của đức Phật mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam khi đã thực thi lời Phật dạy về bình đẳng một cách hiệu quả nhất. Vì giới hạn của đề tài, nội dung bài viết chỉ đề cập đến cuộc đời của hai Ni sư đã để lại dấu ấn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn cuộc đời hành đạo của Ni sư Diệu Nhân, chúng ta cần phải hiểu qua dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi[2] là học trò của Tổ Tăng Xán, -Tổ thứ ba của Thiền Tông Trung Hoa, trước Huệ Năng đến ba thế hệ, vào thời mà thiền học Trung Quốc còn mang nặng dấu ấn của thiền Ấn Độ, một loại thiền chú trọng tu định để trí Bát Nhã bừng sáng. Ngài là môn đệ đắc pháp của Tam tổ Tăng Xán. Năm 580, ngài sang Việt Nam, cư trú tại chùa Pháp Vân tỉnh Hà Bắc, sáng lập ra dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, lấy kinh Tượng Đầu Tinh Xá làm nền tảng, chú trọng đến tư tưởng Bát Nhã và tu tập thiền quán. Dòng thiền truyền được 19 thế hệ, đặc biệt vào thế hệ thứ 17 có Tỳ-kheo-ni đã đắc pháp và được ấn chứng thành Tổ sư thiền.

Ni sư Diệu Nhân còn được gọi là Thiền sư ni Diệu Nhân (1042-1113) thuộc thế hệ thứ 17 của dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Ni sư được sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Yết Vương[3]. Thuở nhỏ, Ni sư bẩm tính vốn hiền thục, ngôn hạnh có pháp nên được vua Lý Thánh Tôn đưa vào cung nuôi dưỡng. Đến tuổi trưởng thành, vua đem Ni sư gả cho Thâu mục Chân Đăng họ Lê. Họ Lê mất, Ni sư tự thề ở vậy giữ nghĩa không tái giá. Sau khi Ni sư nhận chân ra được ‘‘Tất cả các pháp trong thế gian như giấc mộng, huyễn ảo, huống gì bọn phù vinh có thể nương tựa được sao?”[4], Ni sư đem tất cả đồ trang sức ra bố thí, xuống tóc xuất gia, đến thọ Bồ-tát giới với thiền sư Chân Không tại làng Phù Đổng, học hỏi tâm yếu. Ngài Chân Không ban pháp hiệu cho Ni sư là Diệu Nhân và cho phép trụ trì tại Ni viện Hương Hải ở làng Phù Đổng, Tiên Du. Ni sư giữ giới tinh nghiêm, hành thiền miên mật, đạt được Tam-ma-địa, xứng đáng là bậc tôn túc trong hàng Ni chúng. Có ai đến cầu học, Ni sư đều đem pháp Đại thừa ra giảng dạy và nói: "Chỉ trở về nguồn tự tính, thì đốn tiệm có thể tùy đó mà thể nhập, hãy thường tịch tịnh, tránh xa thanh sắc, ngôn ngữ". Có người đến và dùng kinh Duy Ma Cật để vấn Ni sư: "Tất cả chúng sinh bệnh, cho nên ta bệnh[5], sao gọi là khi nào cũng tránh xa thanh sắc?". Ni sư đem giáo nghĩa của kinh Kim Cang đáp: "Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, là người làm tà đạo, không thể thấy Như Lai"[6]. Người hỏi, lại dùng tư tưởng Bát Nhã tiếp tục hỏi: “Sao gọi là ngồi yên"[7], Ni sư dùng Bát Nhã đáp: "Xưa nay không đi". Người lại hỏi: "Sao gọi là không lời", Ni sư đáp: "Đạo vốn không lời".

Vào ngày 01 tháng 6 năm 1113, Ni sư nói kệ:

"Sinh, già, bệnh, chết

Từ xưa thường vậy

Muốn cầu thoát ly

Cởi trói thêm buộc

Mê mới tìm Phật

Lầm mới cầu thiền

Thiền Phật chẳng tìm

Ngậm miệng không nói[8].

Rồi gội tóc, rửa mình, ngồi kiết già mà tịch, thọ 72 tuổi[9].

Quả thật, Ni sư là bậc tiền bối khả kính và là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam nói chung, Ni giới Việt Nam nói riêng. Với hành động Ni sư xuất gia và thọ giới, khẳng định rằng vào thời điểm này tại Việt Nam cũng đã có nữ giới xuất gia và có đủ hai bộ Tăng Ni. Với sự kiện thiền sư Chân Không dạy Ni sư về trụ trì Ni viện Hương Hải cũng khẳng định rằng lúc này ở Việt Nam cũng đã có nhiều Ni viện. Với sự linh thông trong cách trả lời các câu hỏi Phật pháp, chắc chắn Ni sư đã tinh thông tinh hoa của giáo lý Phật giáo Đại thừa. Với sự ấn chứng Ni sư trở thành Tổ sư thiền, liệt vào danh sách Tổ của dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi khẳng định Việt Nam là quốc gia thực hành trọn vẹn giáo lý bình đẳng của Phật giáo về giới tính. Với những vần kệ trước lúc viên tịch, chắc chắn Ni sư đã liễu ngộ tư tưởng “bình thường tâm thị đạo” đã thoát ra ngoài vòng của nhị nguyên đối đãi, và đưa hành giả về một khung trời mới, nơi đó Phật tính bình đẳng giới tính không hai. Tất cả những sự chứng ngộ của Ni sư hoàn toàn phù hợp lời dạy của đức Phật trong kinh Tăng Chi Bộ: “Này A-Nan, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong pháp và luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự Lưu quả, Nhất Lai quả, Bất Lai quả hay A-la-hán quả[10].

Cuộc đời Ni sư Diệu Nhân mở đầu cho một dấu son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Cả cuộc đời của người đã hoàn thành tất cả trách nhiệm của người con, người vợ, người tu sĩ. Ni sư đã không những dâng hiến cả cuộc đời cho quê hương, đạo pháp mà còn mở toang diệu lý Phật giáo đến với nữ nhi Việt Nam.

Tiếp nối thành tựu đó, Ni sư Từ Quán lại gióng lên tiếng chuông ngân vang, khẳng định Tỳ-kheo-ni xứng đáng là phước điền cho chúng sanh gieo trồng ruộng phước. Để hiểu rõ cuộc đời hành đạo của Ni sư, chúng ta cần phải điểm qua Phật giáo thời Trần.

Vào đầu thế kỷ XIII, Trần Nhân Tông đã thành lập dòng thiền Trúc Lâm trên núi Yên Tử dựa trên ba dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn không chỉ trong tổ chức chính trị nhà nước mà còn là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã thiết lập mô hình Phật giáo thống nhất tư tưởng và hành động phục vụ cho đạo pháp và dân tộc. Với tư tưởng nhập thế thông qua hành động, “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” đạo không tách rời đời và đời cũng không thiếu vắng đạo, Phật giáo đời Trần trở thành một hợp thể linh động, sáng tạo và diệu dụng trong mọi hoàn cảnh.

Ni sư Từ Quán

Ni sư họ Phạm, là con gái của một gia đình nhiều đời làm quan ăn lộc triều đình. Năm sinh và năm mất của Ni sư ngày nay vẫn chưa được tìm thấy trong sử liệu, chỉ biết Ni sư sống vào giữa thế kỷ XIV. Ni sư xuất gia tu ở am trên núi Thanh Lương. Hằng ngày Ni sư tu khổ hạnh, trì giới chuyên cần, tuệ giải thông suốt, thường ngồi thiền định, diện mạo giống hệt La-hán. Kẻ đời người đạo xa gần đều kính mộ, danh tiếng Ni sư lừng lẫy, là bậc tông sư của Ni chúng cả nước, tên tuổi ngang hàng với các bậc cao tăng. Vua Trần Nghệ Tông (1370-1372) ban hiệu “Tuệ Thông Đại sư”[11].

Lúc già, Ni sư muốn đem thân tứ đại bố thí cho hổ lang. Ni sư đi vào giữa núi sâu ngồi xếp bằng để cho hổ lang tới ăn một bữa no. Trước lòng nhân từ, hành động quả cảm của Ni sư, hổ lang trong suốt 21 ngày đều đặn kéo đến ngồi chung quanh nhưng không dám đến gần. Đồ đệ tha thiết cố mời Ni sư trở về am. Ni sư về am và nhập định trong thiền thất suốt trong mùa hè năm đó. Vào những ngày đầu thu, Ni sư tập hợp đồ đệ lại, giảng đạo và căn dặn các đệ tử: “Sau khi ta đi, nên chia bớt xương ta lại đây để mài mà rửa tật bệnh cho người đời[12]. Ni sư không đau bệnh, ngồi thiền mà hóa, tuổi ngoài tám mươi. Sau lễ hỏa táng của Ni sư, rất nhiều xá lợi đã được tìm thấy và đồ đệ đã nhặt tất cả xương để vào hộp niêm phong lại. Qua một đêm, bỗng có một chiếc xương cùi tay trên bàn, bên ngoài hộp, mọi người đều ngạc nhiên về sự linh hiển của Ni sư. Về sau, phàm có người mắc bệnh đến khấn cầu, đồ đệ của Ni sư đem chiếc xương này mài với nước cho bệnh nhân rửa, không ai là không khỏi bệnh. Quan sở tại đã xây tháp cho Ni sư ngay trên núi. Sự thệ nguyền của Ni sư là tư tưởng từ bi trong đạo Phật “Đời đã khổ nguyền hay nguyện xin cứu khổ”. Ở điểm này chúng ta thấy hành động của người gần giống sự kiện Tôn giả A-nan phát nguyện trước đức Phật: “Phụng thỉnh Thế Tôn vị chứng minh, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê-hoàn ...”[13]

Tiếp nối ánh sáng từ các bậc thiền sư tiền bối, Ni sư Từ Quán đã sử dụng tất cả mọi thời gian cho sự nghiệp tu hành, cứu nhân độ thế trên núi Thanh Lương. Ni sư không những được mọi người tôn xưng là bậc Tôn sư của Ni giới mà tên tuổi còn được đặt ngang hàng với các bậc cao tăng. Danh tiếng về đạo hạnh của Ni sư đã được vua Trần Nghệ Tông ban hiệu là “Tuệ Thông Đại sư”. Điều này phù hợp với lời dạy của Phật: “Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỳ-kheo-ni, đệ tử của ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát[14].

Qua hình ảnh của hai Ni sư, chúng ta có thể khẳng định rằng họ xứng đáng là bậc xuất trần thượng sĩ. Tuy nhiên, Ni giới Việt Nam xuất gia và được truyền giới giữa hai bộ Tăng Ni bắt đầu từ khi nào đến nay vẫn còn là một ẩn số. Nhưng chắc chắn một điều là Tỳ-kheo-ni Việt Nam phải xuất hiện trước thời Ni sư Diệu Nhân. Các Tỳ-kheo-ni đó chắc chắn phải có một đức độ và đạo hạnh khả kính, mới có thể làm chỗ nương tựa, làm nền tảng vững chắc cho Ni sư Diệu Nhân quyết chí xuất thế, ly gia tầm cầu chân lý. Nếu Ni sư Diệu Nhân là vị Ni đầu tiên và duy nhất được ấn chứng Tổ sư thiền, thì Ni sư Từ Quán cũng là vị Ni đầu tiên và duy nhất được ban hiệu Đại sư. Đây là lịch sử của một dân tộc có Ni giới cùng đứng chung hàng với Tăng, được ấn chứng là Tổ và lập vào danh sách Tổ, được phong hiệu là Đại sư, được quyền đứng trước Tăng. Điều này minh chứng Phật giáo Việt Nam đã uống trọn giáo lý bình đẳng của nhà Phật, vì đức Phật chủ trương “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Thật vậy, chính đức Phật đã san bằng những hố thẳm bất công, lấp cạn những núi sầu, biển hận bằng lời dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”, hay “Ai cũng có Phật tánh và ai cũng có khả năng thành Phật”. Điều này đã được Phật giáo Việt Nam thực hiện một cách rốt ráo không thiên lệch.

Điểm qua các sự kiện của hai bậc tiền bối, chúng ta thấy mỗi người mỗi vẻ, hành đạo mỗi người mỗi hạnh, chứng ngộ mỗi người mỗi môn, niên đại mỗi người mỗi khác nhưng các ngài đều có chung một tâm nguyện, một hoài bão là noi gương theo tư tưởng của đức Phật, bỏ đi thói nhi nữ thường tình, lòng tự ti mặc cảm, mà nêu cao ý thức “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ”. Hành động Thiền sư Chân Không ấn chứng cho Ni sư Diệu Nhân là Tổ sư thiền và vua Trần Nghệ Tông phong hiệu cho Ni sư Từ Quán là đại sư, đã khai mở một bước ngoặt lịch sử của dân tộc, trở thành biểu tượng và niềm tự hào bất diệt của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây chính là niềm hãnh diện của Ni giới Việt Nam nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung đã thừa tự trọn vẹn giáo pháp của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Sự kiện hai Ni sư được chấp nhận đặt ngang hàng với Tăng đã nâng vị trí Tỳ-kheo-ni đến mức quan trọng nhất, là việc làm duy nhất và chưa từng thấy trong lịch sử Phật giáo ở nước ngoài. Đây là sự mới lạ phi thường, vì nó chấp nhận cho hàng Tỳ-kheo-ni giới đặc quyền như Tỳ-kheo, là một sức mạnh kiên cố vững chắc trong nền đạo lý, một khả năng thấm nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng với nam giới như lời dạy của đức Phật khi xưa: “Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự Lưu quả, Nhất Lai quả, Bất Lai quả hay A-la-hán quả.”[15]. Cho nên có thể nói rằng Phật giáo trong thời kỳ Lý - Trần đã uống trọn giáo lý về sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni mà chưa có một quốc gia nào trên thế giới phê bình, chỉ trích hay làm được như ở Việt Nam.

Hình ảnh của hai bậc tiền bối, một lần nữa khẳng định chân lý của Phật giáo luôn là chiếc cầu nối vĩnh cửu để nhân loại nói riêng, chúng sanh nói chung thoát ra khỏi tam giới, bởi vì vòng sinh tử tuy dài nhưng không phải là không có điểm kết thúc, quả vị chánh giác tuy cao xa nhưng không phải là không thể thành đối với mọi chúng sanh. 


[1] Lê Mạnh Thát, Văn Hoá Phật giáo, số 4, 2005, trang 50.

[2] Tỳ-ni-đa-lưu-chi là người Nam Thiên Trúc (Ấn Độ), thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Năm 574, Ngài sang Trung Quốc và nhận tổ Tăng Xán làm thầy.

[3] Tức Phụng Càn Vương, tước của Lý Nhật Trung do cha là Lý Thái Tông phong vào năm 1035. Chữ “Càn” đổi ra chữ “Yết” vì tránh húy đời Trần.

[4] Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1992; trang 162.

[5] Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, quyển trung tờ 544b21: "Dĩ nhất thiết chúng sanh bệnh, thị cố ngã bệnh".

[6] Kim Cang Kinh, tờ 752a17: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai".

[7] Yến tọa, ngồi tĩnh lặng tư duy. Ở đây ám chỉ thiền thoại Tu Bồ Đề yến tọa mà các thiền gia thường nhắc tới như sau: Tu Bồ Đề yến tọa trong một động đá. Chư thiên mưa hoa tán thán. Tôn giả hỏi: "Trong hư không làm mưa hoa tán thán là ai đó?" Thiên trả lời: "Tôi là Phạm Thiên. Tôi tôn trọng Tôn giả khéo nói Bát nhã ba la mật đa". "Ta đối với Bát nhã chưa từng nói một chữ, làm sao ngươi tán thán?" Thiên nói: "Tôn giả không nói, tôi cũng không nghe. Không nghe, không nói ấy là một chân thật về Bát nhã". Xem thêm Giáo ngữ lục, tờ 680a5.

[8] Bài kệ này Thái Tông hoàng đế ngự chế, Khóa hư lục, quyển hạ tờ 33b 1-4 có chép và nói là bài kệ khuyên chúng của Trần Thái Tông: Sinh lão bệnh tử / Lý chi thường nhiên / Dục cầu giải thoát / Giải phược thiêm triền / Mê nhi cầu Phật / Hoặc nhi cầu thiền / Thiền giả bất cầu / Đổ khẩu vong ngôn.

Những chữ in nghiêng là khác với chữ trong bản Thiền Uyển Tập Anh. Với những chữ khác ấy, chúng tôi nghĩ rằng Trần Thái Tông đã lấy lại bài kệ thị tịch của Ni sư Diệu Nhân, rồi đổi một vài chữ, để làm của mình, nhất là khi quan niệm "nhất hồi niêm xuất, nhất hồi tân" (mỗi hồi nêu ra, mỗi hồi mới) của các Thiền gia đời Trần đối với các công án cũ rất là phổ biến. Trần Nhân Tông, khi có người hỏi sao mình cứ lập lại các công án cũ của người xưa như thế, đã trả lời: "Nhất hồi niêm xuất, nhất hồi tân". Xem thêm Thánh Đăng Lục tờ 4b1-2.

[9] Bảng PDF, Thiền Uyển Tập Anh - Quyển Hạ, trang 146.

[10] Kinh Tăng Chi Bộ, III, Phẩm Gotamì , Hoà thượng Thích Minh Châu dịch, trang 114.

[11] Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Thành Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1992, trang 339.

[12] Hồ Nguyên Trừng, Nam Ông Mộng Lục, Nhà xuất Bản Văn Học (chi nhánh tại TP. HCM), 2008, trang 92.

[13] Kinh Nhật Tụng, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, trang 10.

[14] Kinh Trung Bộ, II, Đại kinh Vacchagotta, Hoà thượng Thích Minh Châu dịch, trang 236.

[15] Thích Hạnh Bình, Những Vấn Đề Cốt Lõi trong Kinh Tăng Chi, 144. Câu chuyện A Nan xin Phật cho nữ giới xuất gia với điều kiện Tỷ-kheo-ni phải tuân hành bát kính pháp.

http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-phat-codam/pcodam-09.htm.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Chín 2014(Xem: 10906)
14 Tháng Tám 2014(Xem: 6596)
Thông thường, nhắc đến các vị Thiền sư đời Trần, chúng ta vẫn chỉ nghe nhắc đến Trần Thái Tông, Huệ Trung thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Trần Thái Tông là tác giả Khóa Hư Lục, bản văn Thiền đồ sộ nhất đời Trần. Huệ Trung thượng sĩ là tác giả Thượng sĩ ngữ lục, bản văn Thiền đã biểu lộ một trí huệ sắc bén, một phong cách phóng khoái không thua gì những ngữ lục của các thiền sư nổi tiếng Trung Hoa.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 7399)
Truyện Kiều là tác phẩm thơ nổi tiếng nhất của nền Thi ca Việt Nam. Người trẻ nào trong thời gian học Trung học cũng có dịp được nghe về truyện Kiều và học một ít về truyện Kiều. Nhưng vì truyện Kiều là một tác phẩm cổ điển và lại có nhiều điển tích cho nên đối với người trẻ, thưởng thức hết được cái hay của truyện Kiều là một chuyện không dễ.
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 7912)
Trăng hạ huyền chếch trên đầu ngọn thông cuối đường. Một mình giữa đêm. Trụ đèn kiên nhẫn đứng thẳng và im lặng; bên cạnh cây bạch đàn cao ngất đang lao xao trước gió. Đèn vàng lay lắt tỏa bóng trong màn sương. Màu bông giấy đỏ rực dưới nắng mai, giờ trở nên tím sẫm.
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 5366)
Sau khi đại phá quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng năm 938 thì năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, chấm dứt 1000 năm lệ thuộc, đem lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc. Ông ở ngôi được 6 năm, đến năm 949 thì mất. Và sau đó là loạn lạc kéo dài, đến năm 965 thì nhà Ngô sụp đổ. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh – Đinh Tiên Hoàng - đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.
11 Tháng Sáu 2014(Xem: 9406)
Phóng cuồng ngâm: Từ trước đến nay, chữ “cuồng” này người ta thường hiểu là ngông, là cuồng, là điên. Đấy là hiểu theo nghĩa đen. Khá hơn chút nữa – đa phần bản dịch – đều nói cuồng là cuồng nhiệt, ý khí mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng trong ‘Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục dịch giải’ - đã nói về cái cuồng theo nghĩa như thế này, đáng cho chúng ta suy gẫm:
10 Tháng Sáu 2014(Xem: 5682)
Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tiếp thu được mọi nguyên lý sâu xa, vi diệu nhất của Thiền học từ sư phụ Tiêu Diêu, rồi truyền dạy lại cho Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì thế Tuệ Trung Thượng Sĩ được coi là người tiên phong của phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử.