Tản Mạn Về Câu Thơ

11 Tháng Bảy 201200:00(Xem: 12278)

Tản Mạn Về Câu Thơ:
Lơ Lửng …
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ, 
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa... 
(Hồ Dzếnh)
Trần Trúc Lâm

 

Trên thế giới không ngày nào lại không có cảnh máu đổ thịt rơi, bom sa đạn lạc chỉ vì lòng tham vọng điên cuồng của những tập đoàn cầm quyền nước lớn, vốn như một cái thùng không đáy chẳng bao giờ thỏa mãn, liên tục tìm mọi cách khống chế các nước nhỏ để khai thác chiếm đoạt những nguồn tài nguyên bất chấp mọi thủ đoạn và đạo lý. Đời sống con người vì thế cũng trở nên căng thẳng cùng cực bởi mọi đe dọa lo toan hằng ngày.

Không ít người luôn muốn tìm một niềm an lạc thân tâm khi điều kiện sinh hoạt đã tương đối ổn định, nhất là vào lúc tuổi chiều xế bóng, thường muốn tránh xa những chốn bon chen danh vọng hảo huyền, yên vui thú điền viên tịch lặng; phần đông của họ muốn tìm về cội nguồn văn hóa và tín ngưỡng truyền thống, nơi nương tựa vững chải cho tâm linh.

Tôi là kẻ vốn yêu thích thơ nhạc văn chương lúc còn nhỏ, nhớ rằng lúc tuổi thiếu niên ở cuối những năm ‘50s đã có thời đóng vài tập sách giấy mỏng (pelures) rồi dùng bút tre chấm mực tím nắn nót ghi lại từng bài thơ hay của các thi sĩ nổi danh, nhất là ở thời tiền chiến như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hồ Dzếnh, Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Thái Can, Hàn Mặc Tử vv… Bấy giờ, dù chưa đủ sức thẩm thấu được những ý vị vi tế, nhưng lòng cũng biết rung động đôi chút khi đọc qua những giòng thơ trau chuốt ấy. Về sau, có nhiều bản nhạc phổ theo những bài thơ hay đã làm cho các bài thơ đã lan xa vào quần chúng nhờ những nhạc điệu du dương dễ nhớ.

Thời tuổi nhỏ trí óc còn ngây thơ, mỗi ngày hai buổi cắp sách đến trường nào biết gì đến thời sự, lich sử chính trị… Văn học Việt Nam thời tiền chiến, dù trong một hời gian khá ngắn ở đầu thế kỷ 20, đất nước vẫn còn cai trị bởi thực dân Pháp (Thời kỳ Pháp thuộc kéo dài từ năm 1884 đến 1945), bỗng nổi bậc lên những thiên tài thi văn đã tạo ra một sự lột xác lớn lao cho nền văn học nước nhà vốn đã bị gò bó hằng nghìn năm trong khuôn thước Nho học. Nó tạo nên một sự chuyển đổi về hình thức sáng tạo và sự tư duy về nhân sinh thời thế.

Thời tiền chiến chưa hẳn là thời thái bình, mà nó chỉ là một giai đoạn yên lắng trước các trận chiến giải phóng dân tộc thoát ách thực dân, tựa như một khoảng êm ả trên đại dương báo trước trận bảo tố cuồng phong.

Lớn lên mới rõ qua chính sách đô hộ, người Pháp sau khi đã dùng vũ lực chiếm đóng được nước ta, liền từng bước quyết cãi tạo xã hội thuộc địa theocon đường văn hóa và tín ngưỡng của họ để củng cố sự thống trị lâu dài.

Ngay sau khi hoàn tất cuộc đô hộ nước Việt, người Pháp đã trả công hậu hỷ cho những kẻ xu thời từ thành phần bần cùng tiếp tay giặc có công trạng, bằng các chức tước quyền lực bản địa và đất đai ở nông thôn tạo ra một giai cấp địa chủ tư sản mới, làm một cuộc đổi đời thực sự. Giới trí thức tiểu tư sản thành thị cũng dần dà thành hình và được thực dân yểm trợ mạnh mẻ để đẩy mạnh triệt để cuộc đổi thay. Tuy vậy giai cấp tư sản Việt nam phát triển một cách khó khăn yếu đuối dưới nền cai trị thực dân nên luôn bị dằn vặt giữa đấu tranh giải phóng hay thoả hiệp với kẻ cai trị ngoại lai theo chủ nghĩa cải lương để thụ hưởng mà quên đi thế sự.

Trên con đường Âu hóa, họ đã thành công trong việc xóa bỏ được nền giáo dục cổ xưa dựa vào nền tảng Nho giáo của Khổng Mạnh và chữ Hán Nôm qua việc ép buộc dân chúng phải dùng loại chữ mới gọi là quốc ngữ sáng tạo bởi các cha cố truyền giáo độc thần La Mã đồng thời du nhập nền văn hóa mới từ châu Âu chủ yếu là mẫu quốc Pháp… Cao trào này còn nhờ vào sự tiếp tay của của các giáo dân khác như Petrus Ký, Nguyễn Trường Tộ vv… rồi về sau có những nhà trí thức mới như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, và nhóm Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Thế Lữ, Tú Mở… đua nhau bài xích đả phá những nền tảng của xã hội cũ, giúp đặt những bước vững chắc hơn cho nền văn học cãi biên. Nhưng thực dân Pháp đã không mấy thành công trong việc áp đặt một tôn giáo lạ lẫm trên dân Việt và nền “tam giáo đồng nguyên” vẫn được lưu truyền mạnh mẻ.

Trong cái rũi lại có cái may là nhờ vậy mà Việt ngữ được phổ biến rộng rãi và dân trí được nâng cao. Văn học đổi mới rõ rệt theo khuynh hướng hiện đại hóa, đại chúng hóa, phá bỏ hệ thống ước lệ của văn học cổ điển của lối văn biền ngẫu và chữ hán nôm. Ngôn ngữ trở nên sáng sủa, giản dị hơn.

Văn xuôi và tiểu thuyết được nâng lên địa vị quan trọng trong đời sống văn học và nhiều xu hướng, trào lưu nhân vậy đã phát triển mạnh.Tình hình đó đưa đến sự phát triển của ngành phê bình, lý luận và nghiên cứu giúp vào việc phổ biến tinh thần yêu nước và cách mạng kháng chiến.Công chúng có nhu cầu thẩm mỹ mới cũng đã góp phần làm cho văn học phát triển.

Chính sách xóa bỏ văn hóa thuộc địa của Pháp không may lại gặp vào lúc thoái triều của mẫu quốc. Ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế dần suy yếu nhường chỗ cho Anh Mỹ. Châu Âu lại trãi qua những thay đổi chính trị to lớn làm thay đổi mọi cuộc diện của đời sống xã hội, nào là cuộc cách mạng kỷ nghệ, cuộc cách mạng vô sản ở Nga, hai cuộc chiến tranh thế giới vv…

Đời sống chính trị của xã hội luôn tác động lên văn học. Những tuyệt tác được lưu truyền của nhân loại đều phản ảnh tâm tình của con người trong giai đoạn lịch sử của người viết. Giá trị bất hủ của nó là luôn gây niềm đồng cảm cho người đọc ở bất kỳ thời nào. Nó tồn tại được phải là những tác phẩm giành cho đại chúng, không bị biên kiến theo sự chủ quan của chính trị hay của phe phái.

Vì thế mà trong giới trí thức Pháp cũng đã xuất hiện những tư tưởng hoài nghi yếm thế, muốn hưởng thụ và tìm quên thực tế phủ phàng đổi thay thường xuyên trước mắt. Và phong trào thi ca lãng mạn đã chịu ảnh hưởng của những nhà thơ thuộc trường phái biểu tượng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như (Jean Nicolas Arthur) Rimbaud, (Paul-Marie) Verlaine, (Charles Pierre) Baudelaire vv… Về sau lại thêm “thuyết hiện sinh” của Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus... là những nhà trí thức đã vở mộng mất hướng sau chiến tranh, xúi giục thanh niên thiếu nữ hãy hưởng thụ gấp gáp, theo lối “hãy yêu nhau đi trời hôm tối rồi …” Vì thế các xứ thuộc địa cũng đã nhanh chóng được du nhập những tư tưởng này và để lại trong nền thi ca của ta thời tiền chiến một hương vị lãng mạn không kém.

Điều đáng nói về Sartre là ông ta đã lập lại ý tưởng của Nietzche từ cuốn Zarathustra là “Thượng đế đã chết” (“God is dead”) và đã giới thiệu với tây phương khái niệm về “không” (nothingness), nhưng cứu cánh lại không đồng với Phật giáo. 

Trong bối cảnh lich sử như thế nhà văn nhà thơ xứ bị trị nào cũng bất cần đời, mượn văn chương để tìm quên… đua nhau lãng mạn, nay vẫn còn tồn lại trong di cảo một thời.

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây...(Xuân Diệu)

Lạ lùng thay, nếu bảo trong thời thuộc địa Pháp ảnh hưởng tây phương đã đem lại một dấu ấn to lớn ở buổi giao thời thì ngày nay dù dân Việt sống hẳn ở xứ người trong nền văn minh Âu Mỹ, ta chẳng thấy có một phong trào văn học nào sáng giá và chẳng có tác phẩm nào đáng được ca tụng để đời. Hay là vì thời buổi cơ giới hiện đại thực dụng đã giết chết các tâm hồn lãng mạn? Hóa ra học đòi làm giáng thì đượm nhiều dự phóng mơ mộng hơn là thực chất.

Tình cờ nghe được bài ca “Em cứ hẹn” phổ theo bài thơ Ngập Ngừng của Hồ Dzếnh, hai câu cuối “Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ, Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...” đã không khỏi làm lòng tôi bồi hồi chạnh nhớ những ngày niên thiếu xa xưa. Nhưng bây giờ nghe lại, tôi lại tâm cảm một cách khác.

Tôi đã tìm nguyên bài vội ghi lại đây:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
 
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa.
Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
 
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
 
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Ở tuổi niên thiếu tôi thấy đây cũng chỉ là một bài thơ tình như bao nhiêu bài thơ tình khác cùng thời, nói lên nổi mong nhớ đợi chờ người yêu khi hẹn hò và tìm được niềm vui trong sự chờ đợi ngóng trông, chỉ sợ niềm vui chóng tàn nên ước ao mọi điều tốt đẹp không nên có hồi kết thúc.

Nhưng đọc kỷ, tôi có cảm tương rằng thi nhân không làm bài thơ này một mạch mà đã trải qua nhiều ngày tháng mơ màng trăn trở. Phần đầu thì có vẻ còn nằm trong vòng… “tục nhãn” (theo thuật ngữ nhà Phật) với những ý tưởng thường tình, nhưng hai câu cuối lại thi vị mênh mang một cách … thần kỳ, hình như thi nhân đã đạt được “tuệ nhãn”, làm người đọc ở mấy chục năm sau (và có thể hằng trăm năm sau) vẫn không khỏi trầm ngâm thích thú.

Hồ Dzếnh sinh năm 1916 ở làng Đông Bích, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa; cha là người Hoa di dân sang đất An Nam lấy vợ Việt. Tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồi-Tsìu-Díng, sau đổi thành Hồ Dzếnh). Thay vì xuôi nam lập nghiệp như đa số người Hoa khác, bố của thi sĩ lại định cư ở đất bắc nên đời sống của gia đình ông thực là vất vả cực khổ.Hồ Dzếnh được biết nhiều nhất qua tập thơ Quê ngoại với lời thơ nhẹ nhàng, siêu thoát phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa.Bài thơ Chiều của ông đã được nhạc sỹ Dương Thiệu Tước phổ nhạc và cũng khá nổi tiếng. Bài thơ Ngập ngừng cũng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Anh Bằng (Anh Cứ Hẹn), Hoàng Thanh Tâm (Em Cứ Hẹn), Minh Duy (Ngập Ngừng)... Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội thọ 75 tuổi.

Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Hồ Dzếnh đã thấm thía được nổi mong manh của vạn pháp, rồi chỉ biết ước mong… một mình. Có lẻ nhà thơ thấu được qui luật “vô thường”; nhưng lúc bấy giờ, ở tuổi trẻ ai mà chẳng vậy, chưa từng tìm hiểu thâm sâu hơn vào Kinh Phật để ngộ ra được “vô thường” vốn chuyển dịch từng sát na của thời gian; nó cũng chính là bản chất, hay it ra là một trong ba dấu ấn của sinh linh gồm thêm vô ngã và khổ (trilaksama), làm chúng sanh trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi, mà Thích Ca đã nhọc công thuyết pháp hơn hai ngàn năm trước. Ngay cả vũ trụ (thuộc pháp hữu vi) cũng nằm trong vòng xoay của nó, sinh rồi diệt rồi sinh rồi diệt… tiếp nối vô hạn. Nhục thân của Phật hay của thần thánh, của người thơ và kẻ đọc thơ… rồi cũng theo vô thường mà chuyển hóa. Khi chiêm nghiệm (thuật ngữ nhà Phật: quán chiếu) vào “vô thường” thì ta mới hiểu được “tính không”. Từ đó mới hiểu được “tâm” (manas; vijñāna; ālayavijñāna) và “trung đạo” (Kinh Lăng Nghiêm) là gì mà Phật luôn nói đến.

Ai cũng biết Thư viết (rồi) xong, thuyền trôi (sẽ) đỗ không thể nào tránh được vìngay trong khi viết thư và thuyền trôi đã có mặt của vô thường rồi. Còn chuyện Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa... thì rơi vào viễn mộng.

Câu thơ của Hồ Dzếnh gợi cho tôi câu chuyện về Thiền Sư Thanh Nguyên Duy Tín đời Tống đã từng nói:

"Sải tôi, ba mươi năm trước, khi chưa học Thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Sau nhân theo bậc thiện tri thức, chỉ cho chỗ vào, thấy núi chẳng phải núi, thấy nước chẳng phải là nước. Rồi nay thể nhập chốn yên vui tịch tĩnh y nhiên, thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước."

Nếu Hồ Dzếnh đạt đến tâm cảnh như thế thì có lẽ đã không có bài thơ hay, ít ra là cho mọi người, để ta khỏi phải bàn luận ở đây. Thi nhân làm thơ là nhắm vào đại đa số quần chúng còn mãi mê trong vui buồn sân hận chưa muốn dứt thì xem đó là sự nghiệp hay nhiệm vụ của mình. Chỉ mong là thi nhân nhận chân như thị “thư viết” và thuyền trôi” mà không bỏ cái xao xuyến “đừng xong” và “chớ đỗ” của mình vào thì người đã thoắt sớm thành thiền sư.

Cũng vậy, Kinh Phật dù trăm thiên vạn quyển đều xoay quanh chủ đề “Thị chư Pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm; thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.Vô khổ, tập, diệt, đạo.Vô trí diệc vô đắc.” (Bát Nhã Tâm Kinh).

Nhưng nào ai cũng đều có thiện duyên trong phút chốc đã làm quen và ngộ được những ngữ nghĩa như thế. Để khỏi phải bị “tẩu hỏa nhập ma” bởi vô vàn bài viết tuyệt hay trên mạng ngày nay; kẻ lan man mới vào cửa Phật thì xin chí ít cũng phải tập đi những bước vở lòng qua “Tứ Diệu Đế”, “Bát Chánh Đạo”, “Thập Nhị Nhân Duyên”, gần gũi với “Vô Ngã”, “Bất Nhị”, “Nhân Quả” vv… để nhận ra rằng giáo lý của Phật hoàn toàn không phải yếm thế chán đời, mong thoát ly khỏi thế gian. Kế đến hãy lân la vào “Mười Pháp Quán Niệm”, “Tứ Niệm Xứ”, “Quán Niệm Hơi Thở” trước khi lật từng trang kinh huyền hoặc “Đại Bát Nhã”, “Bát Nhã Tâm Kinh”, “Lăng Nghiêm”, “Pháp Hoa”, “Kim Cang”.… mà thấy được lẽ vi diệu uyên áo của lời Phật dạy, rồi ráng thực hành đúng chánh pháp để được an lạc trong đời hiện tại hoặc ít ra cũng thăng hoa được cái nhận biết của mình trong đời sống hằng ngày.

Khi chưa đạt đến mức “thâm hậu” này thì hãy khoan bàn đến “Thiền”, một trong tám vạn bốn ngàn pháp môn khác mong cầu giác ngộ, mà ngày nay người ta đem bày bán như một món hàng thời thượng. Không thiếu người đã hiểu lầm lời chư tổ rồi bổ báng trong các câu: Thiền chẳng dựa vào kinh điển “bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, hay “gặp tổ giết tổ, gặp Phật chém Phật”, hay “hãy mang tượng Phật bằng gổ ra đốt đi để khỏi chết rét”… Thương thay!

Điều đáng ngạc nhiên trong lời Phật dạy là vào thời Ngài sống, thần quyền thống trị xã hội Ấn mà Ngài đã thấy ra rằng hệ thống quyền lực ấy là giả lập; mọi điều vui khổ đều do ta, hay đúng hơn là tâm ta tạo ra, chứ không cần dựa dẫm vào thần linh siêu nhiên nào khác. Ngài đã hạ bệ thần thánh ra khỏi đền thiêng từ rất lâu.Ngài đã chỉ rõ ai cũng mang sẳn Phật tánh, và đó cũng là kho báu lấy dùng cả đời không hết nào cần phải tìm kiếm đâu xa.Bám víu vào thần thánh tức là đã đánh mất tri giác, nhân tính và niềm tự chủ của chính mình. Muốn thân tâm an nhiên tự tại thì luôn tâm niệm “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Kinh KC) và chuyên làm điều lành và tránh điều ác.

Tư tưởng của Ngài vẫn còn “lơ lững” từ ngàn xưa đến ngàn sau tác động trên tri thức và tâm linh hướng thiện của nhân loại. Giáo pháp của Ngài tùy theo căn cơ của chúng sinh mà khi thì rất đơn giản và khi thì vi diệu đến cả thi hào Nguyễn Du tinh thông Hán học mà khi đọc Kinh Kim Cang đã phải than:

"Ngã độc Kim Cang thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cấp đáo phân kinh Thạch Đài thị,
Chung tri: vô tự thị chân kinh."
(Ta đọc Kim Cương đã cả ngàn lần,
Nhưng nhiều nghĩa sâu ẩn vẫn chưa sáng tỏ.
Đến khi xem tới phẩm Thạch Đài,
Thì cuối cùng mới biết: thật là bài kinh không lời).

Nhưng một khi bước vào rừng kinh điển Phật đạo đầy hoa thơm cỏ lạ là tôi không muốn ra. Tôi yêu thích đạo Phật vì không ai bắt buộc tôi phải theo, tôi có quyền tự do tín ngưỡng tuyệt đối, tôi luôn được thong dong tự tại không hề bị trói chặt bởi nghi thức rườm rà của độc thần giáo. Tôi nào mong cầu thành Phật hay A-la-hán. Luôn biết “vô trí diệc vô đắc” đã từng rõ; nên chi mong được làm “Người Biết Sống Một Mình” (nhưng không hẳn là người cô dộc) như câu kệ của bài Kinh: 

“Đừng tìm về quá khứ,
Đừng tưởng tới tương lai.
Quá khứ đã không còn,
Tương lai thì chưa tới.
Hãy quán chiếu sự sống,
Trong giờ phút hiện tại.
Người tỉnh thức an trú,
Vững chải và thảnh thơi.
Phải tinh tiến hôm nay,
Kẻo ngày mai không kịp.
Cái chết đến bất ngờ,
Không sao mặc cả được.
Người nào biết an trú,
Đêm ngày trong chánh niệm,
Thì Như Lai gọi là
Người Biết Sống Một Mình.”
(Kinh Tụng Hằng Ngày-Thích Nhật Từ)

Vì thế khi tôi đọc lại hai câu thơ trên của Hồ Dzếnh tôi vẫn thấy hay và thích thú với ý tưởng lạ, nhưng rồi dừng lại ở đó không còn vương mang nổi dằn vặc như thi sĩ họ Hồ ngày xưa. Thi sĩ đặt đầu đề của bài thơ là “Ngập Ngừng”, nhưng với tôi thì “Lơ Lững” có vẻ man mác hơn. Bạn nghĩ sao?Há đã không có tao nhân mặc khách nào mang cùng tâm trạng. Hay mình đã già thật rồi?

Trần Trúc Lâm
(Ai xui con cuốc gọi vào Hè 2012)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn